Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

Nguy cơ do Lãnh đạo, Quản lý, Điều hành

Trong khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam
mở cơ sở sản xuất thì nhiều doanh nghiệp trong nước
chỉ lo đầu cơ đất đai, hoặc dựa vào các mối quan hệ để tồn tại. 
* LÊ ĐĂNG DOANH
Bàn tròn với các chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Nguyễn Quang A, TS. Trần Ngọc Thơ về những bước thăng trầm của giới doanh nhân Việt Nam.
Thưa các ông, vì sao trước đây ta có những doanh nhân, những nhà tư sản dân tộc  nổi tiếng như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Trương Văn Bền… nhưng nay, tuy không thiếu người giàu, nhưng lại không có những người như vậy - những người mà tên tuổi gắn với những thành tựu, sản phẩm - dịch vụ sản xuất, kinh doanh đặc trưng, mang thương hiệu quốc gia?
- TS. Nguyễn Đức Thành: Với nhãn quan của một nhà kinh tế, tôi cho rằng người Pháp đã mang tới cho Việt Nam một môi trường kinh doanh hoàn toàn mới. Người kinh doanh của Việt Nam, dù có nhiều điểm thua kém và yếu thế hơn so với người Pháp, nhưng về cơ hội là tương đối tự do. Người Pháp đã nhất quán với phương thức sản xuất kinh tế thị trường, tức là dựa trên quan hệ hợp đồng, cạnh tranh, chứ không phải quan hệ cưỡng bức, lao dịch hay tiến cống. Để duy trì được quan hệ hợp đồng, thì cần nhiều yếu tố hợp thành, như là thừa nhận quyền kinh doanh, quyền sở hữu. Trường hợp Cô Tư Hồng, đã được văn học hóa, là khá tiêu biểu. Đó là người đã nhận thầu để phá thành Hà Nội, một hoạt động được chính quyền đặt hàng.
Quá trình tích lũy ban đầu này rất quan trọng. Với điều kiện nó cần được tích lũy vào tay một số tư nhân, và những tư nhân đó lại có quyền hoạt động kinh doanh một cách chủ động. Việc chính quyền khi muốn có công trình lớn nào đều thuê tư nhân làm, vô hình trung, đã thực hiện một chức năng rất chính xác của Nhà nước là mang tính kiến tạo. Điều này rất khác với trường hợp Nhà nước sử dụng quyền lực của mình yêu cầu người dân thực hiện một dịch vụ công ích cưỡng bức. Hay như trong mô hình xã hội chủ nghĩa sau này, Nhà nước tự đứng ra thực hiện thông qua chính các tổ chức kinh tế do mình sáng lập ra.
Trong cả hai trường hợp nêu trên, khu vực tư nhân đều không có điều kiện phát triển. Như vậy, khách quan mà nói, thì việc xuất hiện các nhà tư sản Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20 là do môi trường khi đó cho phép tạo ra họ.
Nếu đối chiếu với hiện tại, chưa chắc chúng ta đã đạt được điều này. Tôi vẫn thấy Nhà nước giữ tư duy cho rằng các dịch vụ công, các công trình công, đều phải do các doanh nghiệp thuộc khu vực Nhà nước hoặc gần với Nhà nước, cung cấp hoặc tự phát triển.
- TS. Nguyễn Quang A: Thứ nhất, theo tôi nhìn suốt lịch sử nước nhà, chúng ta chưa có nhiều nhà tư sản dân tộc thật nổi trội, tuy đã có những người nổi tiếng như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Trương Văn Bền trong thời Pháp thuộc. Nay cũng vậy. Tâm lý khinh dân kinh doanh, khinh buôn bán, khinh thương mại, trọng làm quan còn hằn rất sâu trong đầu óc người Việt, dù đã có thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây. Đó là một đặc điểm lịch sử cần phải thay đổi một cách triệt để nếu muốn phát triển đất nước thực sự.
Thứ hai, vì lý do ý thức hệ, trong nhiều chục năm qua, khu vực tư nhân không được khuyến khích, thậm chí triệt tiêu sự phát triển của tầng lớp tư sản dân tộc. Vài chục năm trở lại đây tình hình đã có chút thay đổi, song người ta vẫn chưa coi tư sản dân tộc là động lực phát triển kinh tế quốc dân mà vẫn coi kinh tế nhà nước là chủ đạo. Tài sản, quyền tài sản, cơ nghiệp của họ không thực sự được bảo vệ dẫn đến việc có người bán cơ nghiệp để ra nước ngoài làm ăn (tư bản tháo chạy) do cảm thấy không an toàn. Chính cái môi trường pháp lý và cách quản trị vĩ mô ấy tạo ra các (phản) khuyến khích khiến các doanh nghiệp chỉ nhìn ngắn hạn, không có động lực xây dựng “đế chế” kinh doanh, chạy theo lợi nhuận nhanh, tìm kiếm đặc lợi và chỉ xây dựng mối quan hệ “thân hữu” để có sự đỡ đầu làm ăn theo kiểu cánh hẩu tràn lan như hiện nay.
- TS. Trần Ngọc Thơ: Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là do lỗ hổng của kiểu cách kinh tế thị trường mà chúng ta đang đi.
Mấy chục năm nay chúng ta cứ đi tìm một định nghĩa mới về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Câu chữ để mà làm gì trong khi nội hàm của chúng không thể che giấu được khuyết tật quá lớn. Một mặt, trong khi nền sản xuất hàng hóa hiện đã vượt tầm mức ở quy mô toàn cầu, thì mặt khác, não trạng của chúng ta không bao giờ có điều quan trọng nhất là hai chữ “tự do” trong thuộc tính của kinh tế thị trường. Đây là mâu thuẫn dễ dẫn đến đổ vỡ và thực tế đang cho thấy vẫn còn một khoảng cách xa diệu vợi giữa mọi chính sách và hành động.
Chẳng hạn nói là cạnh tranh bình đẳng nhưng thực tế có những doanh nghiệp bỗng nhiên từ đâu rớt xuống nổi như cồn, hết đầu tư vào địa ốc, khu nghỉ dưỡng, lại đến cảng biển, sân bay… Không ít trong số các dự án này là chỉ định thầu hay những cơ chế trao đổi mà không ai kiểm soát được. Chỉ có chủ nghĩa tư bản thân hữu chứ chưa có chủ nghĩa tư bản dân tộc tử tế ở Việt Nam!
Một mặt chúng ta có tự do hóa kinh tế quá nhanh và tự phát, trong khi chính sách chậm hoặc không thay đổi nên đã dẫn đến các hệ lụy như trên. Chúng ta nói là kiên trì theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng thực tế chỉ thấy sự dư thừa tư bản hiện đang lấn át xã hội chủ nghĩa. Các chỉ dấu cho thấy sự lấn át này mà người dân ai cũng có khả năng nhận biết: một mặt là sự tiêu dùng xa xỉ của tầng lớp thượng lưu hay hoạt động sân sau của quan chức ngày càng tăng và khó kiểm soát; mặt khác là hố sâu giàu nghèo ngày càng gia tăng đáng ngại, với việc các hệ thống lừa đảo kiểu ponzi, cho vay nặng lãi ngày càng phổ biến để tước đoạt chút thu nhập ít ỏi của những người tuyệt vọng.
TBKTSG: Liệu có là mối nguy hay không, nhìn từ thực tế và xu hướng các doanh nghiệp nước ngoài lấn lướt các doanh nghiệp trong nước thời gian gần đây về mọi phương diện, kể cả thâu tóm, sáp nhập. Bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng sẽ giảm thiểu hay khuếch đại mối nguy này?
- TS. Nguyễn Đức Thành: Mối nguy là rất lớn! Theo tôi quan sát, có vẻ như đa số người cho rằng hội nhập sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn vì họ đã quá thấu hiểu sự đau khổ của một đất nước đóng kín cửa. Đa số đều tin rằng hội nhập, mở cửa, sẽ giúp chúng ta tìm thấy nhiều hình mẫu và động lực để thay đổi hơn. Điều đó là đúng nhưng chưa đủ sâu sắc.
Theo tôi, có hai tầng nấc của sự mở cửa. Tầng thứ nhất, chúng ta phấn khởi chứng kiến sự đa dạng và dễ thở hơn, nhưng nền kinh tế ngày càng bị bào mòn đi, đất nước bị lệ thuộc hơn vào các ông chủ ngoại quốc. Tầng nấc thứ hai là đất nước ngày càng vững chắc hơn nhờ mở cửa. Doanh nghiệp trong nước lớn mạnh hơn, người dân có đời sống ngày càng vững vàng hơn. Tầng lớp tư sản và trung lưu trong nước ngày càng dày dặn, cạnh tranh và đối trọng với những ông chủ đến từ bên ngoài.
Con đường để đi tới tầng nấc thứ hai thực ra không dễ dàng. Chính xác thì đó là những thành công hiếm hoi. Ta nên đặt câu hỏi: Hội nhập quốc tế đi liền với sự gia tăng cạnh tranh từ bên ngoài, vậy ai là người cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế? Rõ ràng chỉ có thể là các doanh nhân.
Ở đây, khi nói doanh nhân, tôi hàm ý là các doanh nhân trong khu vực tư nhân. Chỉ có doanh nghiệp tư nhân mới là doanh nghiệp đích thực, có thể hứa hẹn sự sáng tạo liên tục và tạo dựng một thương hiệu lâu dài. Và theo nghĩa đó, họ là những nhà tư sản theo cách chúng ta vừa nói về Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20.
Những doanh nhân làm giàu dựa dẫm vào nhà nước, điển hình là các doanh nghiệp nhà nước (vẫn luôn tiếp nhận các loại hỗ trợ từ Nhà nước) hoặc các doanh nghiệp thân hữu với khu vực nhà nước (để lẩn tránh cạnh tranh) đều chỉ làm giàu dựa trên việc dịch chuyển tài sản và cơ hội tạo ra của cải, chứ không tự sáng tạo ra các cơ hội và tài sản mới.
- TS. Nguyễn Quang A: Toàn cầu hóa tạo ra rất nhiều cơ hội và cũng lắm thách thức. Việc thâu tóm doanh nghiệp là một nét đặc trưng càng ngày càng nổi bật hơn so với quá khứ. Tuy vậy tôi không coi đây chỉ là nguy cơ mà cũng là cơ hội. Hãy xem các công ty Trung Quốc họ thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài ra sao để lấy thị trường, công nghệ và có thể cả know-how. Vấn đề vẫn chủ yếu là các chính sách vĩ mô có tạo cho các doanh nghiệp tư nhân, các tư sản dân tộc những bảo đảm pháp lý được hiến định và được thực thi trên thực tế, những khuyến khích để các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam yên tâm xây dựng “đế chế” của mình hay không? Thực tế hình sự hóa các tranh chấp kinh tế đã làm hại vô cùng cho sự phát triển của tư sản dân tộc và dẫn đến việc vốn tháo chạy theo nhiều cách mà bán doanh nghiệp cho các công ty nước ngoài chỉ là một biểu hiện.
- TS. Trần Ngọc Thơ: Luật cơ bản nhất của kinh tế thị trường là công nhân có thu nhập ngày càng tăng đúng với kỹ năng và năng suất ngày càng cao của mình còn doanh nghiệp phải có thêm nhiều người tiêu dùng. Và chính tầng lớp tiêu dùng này, chứ không phải các ông chủ, mới là cỗ máy tạo ra công ăn việc làm thực cho nền kinh tế. Samsung thắng thế là do họ ngày càng có thêm nhiều người tiêu dùng. Còn không ít các tập đoàn của chúng ta lại đang làm điều ngược lại: công nhân thu nhập ngày càng thấp còn doanh nghiệp, thay vì có thêm nhiều người tiêu dùng, lại ngày càng có thêm nhiều dự án, các khu đất vàng, sân bay, bến cảng, thậm chí cả sông ngòi. Nguy cơ không nằm ở Samsung hay ai khác mà nằm ở chính chúng ta.
Đến đây minh họa một lần nữa sự mâu thuẫn mà tôi đã nói ở phần trên: trong khi nền sản xuất của chúng ta đang ngày càng hội nhập toàn cầu sâu rộng với việc ngày càng có nhiều Samsung hay LG hơn thì chúng ta lại thiếu vắng đi cái thuộc tính tự do của kinh tế thị trường trong não trạng, nhằm tiếp thêm năng lượng cho các doanh nghiệp nội địa có thêm động lực để cạnh tranh với những Samsung hay LG. Chỉ thấy phe cánh, lobby trong bóng tối, với việc nhóm tư bản thân hữu ngày càng thắng thế còn các doanh nghiệp chân chính chỉ sống lây lất.
TBKTSG: Theo các ông, chúng ta có cần xây dựng một một chiến lược phát triển tư sản nội địa?
- TS. Nguyễn Đức Thành: Chúng ta đã quá chậm trễ trong việc này. Một chiến lược trước hết phải xuất phát từ tư tưởng. Cần phải dứt khoát thay đổi lối quan niệm lỗi thời, không có cơ sở khoa học và lịch sử, rằng một nền kinh tế có thể phát triển bền vững và cạnh tranh quốc tế dựa trên một khu vực kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Lại càng sai lầm hơn khi cho rằng các doanh nghiệp nhà nước có thể là công cụ để điều tiết nền kinh tế. Có thể hiểu đó là một di sản đáng tiếc của lịch sử, khi những nhận thức sai lầm tiếp tục được tái tạo mà vốn khởi nguồn từ quá khứ nhập khẩu lý luận chưa bao giờ được thực tiễn chứng minh.
Trong trường hợp đã tồn tại một khu vực doanh nghiệp nhà nước lớn, cấu kết chặt chẽ về mặt lịch sử với các cơ quan quản lý và ra chính sách như hiện nay, thì việc thay đổi sẽ vấp phải những chống đối ngay từ bên trong cơ quan thực thi cải cách. Sự chống đối nhằm bảo vệ quyền lợi đang có sẵn, bao giờ cũng hăng hái và mạnh mẽ hơn sự cổ vũ cho một mối lợi chưa có sẵn, chỉ sắp được tạo ra. Sẽ không có một cú huých lịch sử nếu không xác định được đúng động lực của lịch sử vào thời điểm này.
- TS. Trần Ngọc Thơ: Không nên có thành kiến phân biệt tư bản nội địa và tư bản nước ngoài mà chỉ cần đánh thuế cao hay thấp hoặc thậm chí ưu đãi trên những dòng vốn vào những ngành nghề mà chúng ta khuyến khích hoặc không khuyến khích. Tức là chúng ta chỉ cần có chiến lược kiểm soát dòng vốn quốc tế chảy vào và dòng vốn ra thích hợp chứ không nên phân biệt tư bản nội và ngoại.
Không cần một chiến lược gì cả. Ít nhất điều này cũng đúng ở Việt Nam khi mà thực tế cho thấy ở đâu có gói kích cầu hay có ưu đãi này nọ là có cơ chế xin cho, tham nhũng, và chỉ dẫn đến ngày càng mất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội đầu tư của mọi người, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Cái chúng ta cần là một nền kinh tế thị trường đúng với ý nghĩa của nó nhất và một thể chế tự do, dân chủ, minh bạch và biết thượng tôn phát luật. Thử như thế xem, sẽ không thiếu những Bạch Thái Bưởi hay Trương Văn Bền như ngày xưa đâu.
- TS. Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ các doanh nhân Việt Nam cũng chẳng cần một chiến lược tổng thể trong 25-30 năm qua hay sắp tới. Những gì họ cần là: Môi trường an toàn (tôi nhấn mạnh sự an toàn đầu tiên) để đảm bảo vững chắc cho quyền sở hữu tư nhân của họ; những chính sách khuyến khích để phát triển bền vững chứ không phải những (phản) khuyến khích để làm ăn ngắn hạn, chạy kiếm đặc lợi, cấu kết với những người có quyền lực hay các tổ chức có quyền lực tạo ra chủ nghĩa thân hữu cánh hẩu; sự bảo vệ họ trong các mối quan hệ quốc tế chứ không phải bỏ rơi; các dịch vụ về thông tin và xúc tiến. Xin nhấn mạnh đấy là những điểm chính, chứ không phải sự hỗ trợ bằng tiền và các ưu đãi. Nếu cần lộ trình thì là lộ trình về thay đổi chính sách như vậy, nhưng nhất thiết không cần đến một đề án riêng cho các nhà tư bản nội địa.
-------------
*** Bối cảnh mới, nhân tố phát triển mới
Mặc dầu có những tiến bộ đáng khích lệ, doanh nghiệp dân doanh Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé về quy mô.
Theo Báo cáo của VCCI, 96% doanh nghiệp dân doanh thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có 2% thuộc loại trung bình và 2% thuộc loại lớn theo tiêu chuẩn Việt Nam. Sau 10 năm hoạt động, từ năm 2002 đến 2011, chỉ có khoảng 24% doanh nghiệp nhỏ trở thành doanh nghiệp trung bình và chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp trở nên doanh nghiệp lớn.
Bức tranh phát triển doanh nghiệp qua các năm lạm phát cao, lãi suất nghẹt thở cho thấy những thăng trầm và cả đau đớn bên cạnh tiến bộ và thành đạt. Số doanh nghiệp dân doanh phải đóng cửa hoặc tuyên bố phá sản vẫn không ngừng tăng lên qua các năm từ 2009 đến nay.
Theo Wealth X và UBS, năm 2014 Việt Nam có 210 triệu phú (có trên 30 triệu đô la Mỹ) với giá trị tài sản lên đến trên 20 tỉ đô la Mỹ, song phần lớn số tỉ phú và triệu phú đó đã giàu lên nhờ bất động sản, khai thác chênh lệch giá đất, khai thác rừng, mỏ, tài nguyên thiên nhiên. Ngay cả những doanh nghiệp tự nhận là doanh nghiệp công nghệ cũng có doanh thu chủ yếu từ bán điện thoại di động và làm dịch vụ, chưa có công nghệ hay phát minh nào của riêng mình có giá trị thương mại. Rất ít doanh nghiệp nước ta có năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế và chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào có đủ sức hấp dẫn, uy tín, thu hút được các nhà đầu tư quốc tế chiến lược để trở thành tập đoàn toàn cầu đa quốc gia.
Ngày nay, với môi trường kinh doanh ngày càng công khai minh bạch, điều kiện kinh doanh được quy định ngày càng nhiều bằng những thỏa thuận quốc tế, hoạt động kinh doanh chịu sự giám sát độc lập của xã hội dân sự và báo chí độc lập, các doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt phải vượt qua những thử thách rất nghiêm khắc về năng lực cạnh tranh, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội... và được công luận thừa nhận một cách khách quan.
Trong thời gian qua, theo mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, gia công, chế tác với lao động giá rẻ, trong một thể chế cạnh tranh chưa bình đẳng và can thiệp nhiều mặt của nhà nước, doanh nhân nước ta đã kinh doanh và giàu lên nhanh chóng dựa quá nhiều vào những “quan hệ” với các quan chức.
Trong bối cảnh hội nhập, những lợi thế từ “quan hệ” đó ngày càng bị hạn chế, thậm chí còn có thể bị quy là vi phạm các cam kết quốc tế về cạnh tranh bình đẳng mà chính mình đã ký kết, rất dễ bị các đối thủ cạnh tranh kiện tụng.
Nước ta rất cần những doanh nghiệp dân tộc mạnh có chiến lược kinh doanh lâu dài dựa trên nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực cao, tiến bộ khoa học-công nghệ, dựa trên sáng tạo nhằm tạo ra sự khác biệt. Nước ta thực sự cần những nhà tư bản dân tộc tâm huyết, xây dựng được thương hiệu xứng đáng đại diện cho đất nước Việt Nam trong thời kỳ mới. Sức mạnh kinh tế của mỗi nước dựa vào số doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp, thương hiệu, thị phần và công nghệ gắn với thương hiệu đó.
Lê Đăng Doanh
 
------------------

4 nhận xét:

  1. "Nguy cơ nằm ở chính chúng ta?" . Nhân dân VN hay chế độ độc tài đảng trị ???

    Trả lờiXóa
  2. Đề nghị quý vị dùng từ "chúng ta" cho thật chính xác,tốt nhất là thay thế nó bằng cụm từ như "nhân dân VN" hoặc "đcsvn" tuỳ ngữ cảnh cho dễ nghe
    Cứ nói chung chung như thế rất dễ gây hiểu lầm đảng và dân là mộtx

    Trả lờiXóa
  3. Kinh doanh tại VN mà không móc ngoặc với nhà nước thì chẳng làm ăn gì được . Đây là quy luật không thành văn .

    Chính trị & kinh tế luôn luôn song hành với nhau . Ngoài vấn đề tính toán giỏi dở , người làm ăn tai VN hôm nay phải biết ngoại giao với chính quyền XHCN . Càng làm ăn lớn , càng phải cộng tác chặt chẻ với người có quyền lực . Chia sẽ quyền lực , và góp cổ phần của quyền lực là điều bắt buộc để được an toàn , thuận lợi cho thương nghiệp ở tầm trung & lớn , xảy ra rất bình thường như một định đề tại VN hôm nay .

    Chính vì thế , tiền đẻ ra tiền cộng thêm quyền lực lãnh đạo , các dịch vụ thương mại nội địa này sẽ bóp chết đồi thủ yếu tiền và yếu vi cánh quyền lực . Kẻ yếu sẽ thất bại phá sản , kẻ mạnh kinh tế quyền lực sẽ phát triển nhanh chóng tiến lên thành triệu phú đô , tỷ phú đô .

    Chênh lệch giàu nghèo do bất công về lĩnh vực thương mại gần như độc quyền không thể nào xoá được , khiến cho nền kinh tế bế tắc về cạnh tranh . Đời sống người nghèo càng cách xa người giàu chiếm 20% trên đất nước .

    Đấy chính là nguy cơ tạo nên bất mãn , phương hại đến đạo đức xã hội . Một xã hội không tự nó phát triển giàu có , muốn giàu có phải dựa vào chính quyền để rút tỉa , xẻ thịt tài sản nhà nước về tất cả mọi phương diện . Hẳn nhiên khi lâm vào cảnh bế tắc tài chính nhờ vả , vay mượn , cạn kiệt tài nguyên thì nội loạn ắt xảy ra .

    Nguy cơ sau 20 năm mở cửa tiếp cận với thế giới tư bản trong điều kiện luật pháp bất minh , tạo nên một giai cấp tư sản đỏ và tư bản đỏ nhờ thế lực chính quyền , nhưng không tin tưởng vào nền kinh tế định hướng xhcn , không cạnh tranh công bằng , không phát huy sáng kiến , báo cáo giả , bưng bít thất bại , đánh lừa dư luận . Tất cả cái giá phải trả là sự phá sản gần kề của một đất nước nghèo , hưởng thụ , chậm tiến .

    Tất cả phải làm lại từ đầu là điều không tránh khỏi . Thay đổi chế độ , thay đổi luật pháp , thay đổi văn hoá giáo dục là điều cần thiết cho 20 năm xây dựng cơ bản . Không chấp nhận thay đổi , VN sẽ tồn tại trong rối loạn khủng hoảng triền miên .

    Trả lờiXóa