* TÔN THẤT NGUYỄN THIÊM
Hãy khởi đầu bằng mấy sự việc: Cách đây hơn 30 năm
(1973), một nhà kinh tế học người Pháp, G. Anderla, đã tính toán là tri thức
của nhân loại được nhân lên gấp đôi mỗi 6 năm.
Cách tính của Anderla như sau: cho rằng tổng số lượng
kiến thức về khoa học của toàn nhân loại là một đơn vị vào năm thứ nhất trước
công nguyên thì đơn vị ấy được nhân lên gấp đôi vào năm 1500. Phải đến hơn hai
thế kỷ rưỡi sau –vào năm 1750- số lượng tri thức ấy mới lại được nhân gấp hai.
Và cấp số nhân đôi ấy có những chặng thời gian sau: 1900, 1950, 1960, 1967 và
1973! Nói gọn: kể từ thập niên 60 của thế kỷ XX, kiến thức khoa học của nhân
loại chỉ cần khoảng thời gian dưới 7 năm để tăng gấp đôi. Và thời gian ấy càng
ngày càng được thu ngắn[1].
Trong chiều hướng ấy, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi số
liệu thống kê có từ các nuớc phát triển cho biết, kể từ 1995, trung bình tối
thiểu mỗi ngày (đúng là mỗi ngày!) có ít nhất là 4.000 tựa sách khoa học không
chỉ được phát hành mà còn được bổ sung vào thư mục ở các thư viện của các đại
học và trung tâm nghiên cứu[2].
Thêm một sự kiện: hơn 10 năm trước (1993), kết quả
được công bố của một công trình nghiên cứu kéo dài suốt 15 năm đã gây một chấn
động trong giới giáo dục đào tạo ở Mỹ: trong lứa từ 3 đến 5 tuổi, 98% thiếu nhi
có những sáng tạo độc đáo trong cách tiếp cận và giải đáp những vấn đề được đặt
ra từ nhiều dạng câu hỏi. Nhưng đầu óc sáng tạo ấy lại giảm dần theo thời gian:
từ 8 đến 10 tuổi, tỷ lệ chỉ còn là 32% và từ 13 dến 15 tuổi, chỉ còn 10%. Và
điều đáng nói là đối với 200.000 người trên 25 tuổi có trình độ học vấn và bằng
cấp cao, trước những câu hỏi cùng hình thức và nội dung, tỷ lệ sáng tạo độc đáo
để giải quyết các vấn đề nêu ra chỉ còn là … 2%[3]!
Đặt các số liệu trên trong bối cảnh “trồng người” ở
đất nước ta nhằm gợi lên một số “vấn nạn”:
Trước vận tốc tiến bộ đến độ chóng mặt của kiến thức
nhân loại, học cơ bản là để “Biết” hay để “Hiểu”?! Câu hỏi đã hàm chứa câu trả
lời: tiếng Việt ta, trong từ “Hiểu Biết”, “Hiểu” được đặt trước “Biết”! Quan
niệm ấy, vô hình chung, rất thích ứng với tiến độ phát triển của khoa học: sẽ
chẳng bao giờ có thể “biết” hết được tri thức mỗi ngày mỗi mới! Do đó, “hiểu”
mới mang đến cho ta khả năng (may ra!) vận dụng những kiến thức tiếp thu được
một cách nhuần nhuyễn và sinh động. Từ đó, dễ dàng thấy ngay sự vô cùng nguy
hại của việc học theo kiểu “nhồi nhét” và “thầy đọc trò chép”!
Nhưng tại sao cơ bản lại xảy ra điều “nhồi” và “nhét”,
“đọc” và chép” nói trên?
Ngẫm cho kỹ, tiến trình ấy đến từ “tư duy kinh kệ”
(kinh kệ là chữ dùng chính xác hơn so với kinh điễn!): “sợ sai” so với các “bài
bản, giáo trình, đề cương, huấn thị”! Thêm nữa, “sợ sai” còn ảnh hưởng rất
nhiều đến tinh thần trách nhiệm của người giảng dạy trong việc tìm tòi, nghiên
cứu: tư duy khoa học đòi hỏi một đầu óc khai phá, nghĩa là một tư thế sẵn sàng
chấp nhận là mình sai! Vì thế, “sợ sai” là vật cản tâm lý chứ không phải là một
động lực thúc đẩy tiến trình tìm hiểu và khám phá trong khoa học!
Đầu óc sợ sai và sự thiếu hụt về tinh thần trách nhiệm
nói trên, không cần dài dòng, ai cũng hiểu ngay là được sản sinh từ một cơ chế
nhà nước cứng nhắc trong việc tổ chức giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, cũng đừng
quá ảo tưởng: xóa bỏ độc quyền của nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và
càng ngày càng mở rộng cơ chế dân lập tự quản không có nghĩa là tri thức nước
nhà đương nhiên được cải tiến nếu trong tư duy giảng dạy và phương pháp học tập
vẫn còn phổ biến đầu óc độc đoán!
Độc đoán cơ bản đến từ một quan niệm xưa cũ về vai trò
của người thầy: dựa vào khuôn mẫu “nửa chữ cũng là thầy”, người dạy –trong bối
cảnh của kiến thức khoa học của thế giới mỗi ngày một tăng và đổi mới- mang
trong tiềm thức của mình một oái ăm ghê gớm! Đó là một “mặc cảm tự ti” trá hình
thành một loại “tự tôn” để che dấu những khiếm khuyết của mình! Nói cách khác,
nhằm che đậy mặc cảm ấy, người dạy chọn phương cách “tối ưu nhất” là cứ “theo
bài bản mà truyền” và “theo giáo trình mà đọc”! Gọn: không thể sai vào đâu được
khi mọi thứ thầy dạy đều đã có trong sách! Mà đã không sai thì không có gì để
có thể đào sâu tranh luận! “Kinh” chỉ biến thành “kinh” khi có nhiều người cứ
thế “kệ”! Mà càng có nhiều “kinh kệ” thì hệ quả tất yếu là sự phát triển ngày
càng nhiều của đầu óc độc đoán! Quên mất rằng ở thời buổi bùng nổ tri thức,
hàng vạn chữ cũng chưa “thấm thía” gì huống hồ chỉ là “nửa chữ”. Nhất là trong
tiếng Việt ta “chữ” vẫn thường phải đi liền với “nghĩa”: “chữ nghĩa”! Chữ chỉ
là một âm sắc vô hồn nếu nó vô nghĩa! Vì thế, không ít thầy che cái “vô nghĩa”
của “con chữ” mình giảng truyền bằng cung cách độc đoán!
Thầy đã thế thì trò khó mà khác được! Nói gọn: thầy đã
sợ sai, sợ trách nhiệm, và độc đoán thì trò nào dám nói ngược lại thầy! Do đó,
dù có bỏ cơ chế độc quyền trong giáo dục đào tạo thì đầu óc và tâm lý độc quyền
vẫn cứ trường tồn và phát triển nếu người giảng dạy không dám lấy trách nhiệm
phát huy ở người học tinh thần dám đương đầu với cái sai để luôn luôn hướng về
việc tìm kiếm cái đúng!
Trong một nền giáo dục ở một xã hội mà tính chủ thể
của cá nhân con người được tôn vinh đến như ở Mỹ mà kết quả là chỉ 2% những
người có học vấn và bằng cấp cao là có được đầu óc sáng tạo thì vấn đề ấy còn
gay gắt đến mức độ nào trong một cơ chế tâm lý xã hội mà đầu óc độc quyền, độc
đoán, sợ trách nhiệm và sợ sai vẫn còn phổ cập?!
Tuy nhiên, vấn đề trên có thể được hình dung theo một
chiều hướng khác: với một đất nước có một dân số gồm nhiều lớp trẻ đầy năng
động, nếu đường lối giáo dục đào tạo biết phát huy đầu óc sáng tạo và khai phá
trong khoa học thì đất nước ấy sẽ có thêm được một khả năng để phát triển so
với những đất nước dù đã có nhiều thành tựu về kinh tế nhưng tháp dân số lại
càng ngày càng già cỗi và xã hội đã vơi đi khá nhiều uớc vọng chính đáng về ý
nghĩa hạnh phúc của kiếp nhân sinh !
[1] Theo Richard Barrett ‘Liberating the
Corporate Soul. Building a Visionary Organization’, Butterworth-Heinemann, New
York 2002 (reprint). Theo một nghiên cứu khác, thì kể từ 1980, kiến thức khoa
học của nhân loại chỉ cần khoảng thời gian trung bình là 18 tháng để nhân lên
gấp đôi, xem Peter Russell “The White Hole in Time”, Harper Publishing, San
Francisco 1992.
[2] Theo Jack Trout & Steve
Rivkin “The New Positioning. The Latest on the World’s #1 Business Strategy”, Mc Graw-Hill , New
York 1996.
[3] George Land và Beth Jarman
‘Breaking Point and Beyong’, Harper Business Books, San Francisco 1993.
TT.NgTh/Chúng ta
---------------
Một bài viết quá hay!
Trả lờiXóaRieng ve khoan ' so sai ' e rang bac nham. Chung lam sai suot mien la co tien
Trả lờiXóaHay. Chúng sợ... đúng!
XóaNếu để học sinh , sinh viên tự do tư duy , phản biện và sáng tạo , thì cái thuyết chủ nghĩa Mác -Lê nin và chủ nghĩa xã hội đang là kim chỉ nam của đảng cs VN chỉ có nước quảng vào sọt rác , chứ làm sao lòe được bọn trẻ .!!
Trả lờiXóa