Phiên điều
trần của David Shear, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách an ninh Châu Á -
Thái Bình Dương trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 13/5/2015 đặc biệt nhấn
mạnh đến hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, phiên điều
trần còn trình bày các hoạt động của Bộ Quốc phòng Mỹ tại khu vực nhằm đảm bảo
lợi ích của Mỹ và đồng minh, bạn bè tại khu vực.
Giới thiệu
Xin cảm ơn Ngài Chủ tịch Corker. Cảm ơn Ủy viên Cấp
cao Cardin và các thành viên của ủy ban đã cho tôi cơ hội được trình bày trước
các quý vị ngày hôm nay.
Tôi rất vinh dự có mặt ở đây để trình bày về những
diễn biến trên biển ở Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả những vấn đề như hoạt
động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh hưởng thế nào đến lợi ích an
ninh của chúng ta. Tôi rất vui mừng khi điều trần cùng với người đồng nghiệp
lâu năm và cũng là một người bạn của tôi, Trợ lý Bộ trưởng Danny Russel.
Tôi muốn bắt đầu bằng việc khẳng định đây là một vấn
đề quan trọng và một phiên điều trần rất kịp thời. Tôi thực sự chia sẻ quan
ngại với các quý vị về những diễn biến gần đây ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trước khi trình bày chi tiết hơn những quan điểm của mình về vấn đề, tôi xin
được nêu một số bối cảnh của những diễn biến gần đây trong khu vực.
Biển Hoa Đông
Ở Biển Hoa Đông, cùng việc duy trì sự hiện diện liên
tục của lực lượng quân sự và bán quân sự và thiết lập Vùng Nhận diện Phòng
không vào tháng 11/2013, Trung Quốc tiếp tục các hoạt động nhằm thách thức
quyền quản lý của Nhật Bản đối với Quần đảo Senkaku. Tổng thống đã nhấn mạnh ở
Tokyo vào năm ngoái và nhắc lại vào trong chuyến thăm Mỹ vào tuần trước của Thủ
tướng Abe rằng, “cam kết hiệp ước của Mỹ đối với an ninh của Nhật Bản là tuyệt
đối, và Điều 5 áp dụng cho tất cả các vùng lãnh thổ mà Nhật Bản quản lý, bao
gồm cả Quần đảo Senkaku” - một điểm mà Bộ trưởng Quốc phòng Carter và Ngoại
trưởng Kerry đã tái khẳng định với những người đồng cấp Nhật Bản vào thứ 2 ngày
27/4/2015, trong cuộc gặp “2 + 2” tại New York. Chúng ta đã tuyên bố rõ ràng,
và sẽ luôn như vậy, rằng dù chúng ta không đưa ra lập trường về vấn đề chủ
quyền, quần đảo trên thuộc sự quản lý của Nhật Bản. Chúng ta sẽ tiếp tục phản đối
bất kỳ hành động đơn phương nào phương hại tới quyền quản lý của Nhật Bản.
Biển Đông
Những thách thức chúng ta phải đối mặt ở Biển Đông,
đang gây nhiều rắc rối, không phải là mới. Trên thực tế, các tranh chấp lãnh
thổ và chủ quyền biển đã diễn ra hàng thập kỷ qua. Những tranh chấp này tập
trung vào ba khu vực chính: Quần đảo Hoàng Sa - Việt Nam, Trung Quốc và Đài
Loan yêu sách; Bãi cạn Scarborough - Trung Quốc, Đài Loan và Philippines yêu
sách; và Quần đảo Trường Sa (bao gồm hơn 200 thực thể, hầu hết trong số đó chìm
dưới mặt nước) mà Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, và Đài Loan yêu
sách một phần hoặc toàn bộ. Yêu sách biển của Indonesia cũng liên quan tới Biển
Đông.
Trong hai thập kỷ qua, tất cả các bên yêu sách, ngoại
trừ Brunei, đã phát triển các tiền đồn của họ ở Biển Đông, qua đó mở rộng hoạt
động dân sự hoặc sự hiện diện trên biển ở các vùng nước xung quanh, khẳng định
yêu sách chủ quyền đối với các thực thể đất, và giám sát hoạt động của các bên
tranh chấp khác. Ở Quần đảo Trường Sa, Việt Nam có 48 cơ sở; Philippines có 8
cơ sở; Trung Quốc có 8 cơ sở; Malaysia có 5 cơ sở, và Đài Loan có 1 cơ sở. Tất
cả các bên yêu sách này đều có hoạt động xây dựng ở phạm vi và mức độ khác
nhau. Việc nâng cấp cơ sở của các bên tranh chấp là khác nhau nhưng nhìn chung
bao gồm hoạt động cải tạo đảo, xây dựng và mở rộng các công trình, bố trí các
cứ điểm phòng thủ. Từ năm 2009 đến năm 2014, Việt Nam là bên yêu sách tích cực nhất
trong việc nâng cấp tiền đồn và cải tạo đảo với diện tích đất cải tạo ước tính
khoảng 60 mẫu Anh. Tất cả các bên tranh chấp, trừ Trung Quốc và Brunei, đã xây
dựng đường băng với kích thước và chức năng khác nhau trên các thực thể tranh
chấp ở Trường Sa. Những nỗ lực này của các bên yêu sách đã dẫn đến những động
thái ăn miếng trả miếng, đến nay vẫn còn tiếp tục.
Các Hoạt
động của Trung Quốc
Trong khi các bên tranh chấp khác chỉ nâng cấp các cơ
sở ở Biển Đông những năm qua, thì hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc đã vượt
xa những hành động này. Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã cải tạo được một diện
tích đất rộng 2.000 mẫu Anh - lớn hơn diện tích đất của tất cả các bên tranh
chấp khác gộp lại trong suốt quá trình yêu sách của họ. Như vậy, xét cùng một
loạt hành động khác mà Trung Quốc đã thực hiện như: khẳng định yêu sách đường chín
đoạn rộng lớn, triển khai giàn khoan vào vùng biển tranh chấp, hạn chế việc
tiếp cận các khu vực đánh bắt có tranh chấp, và cản trở hoạt động tiếp tế cho
lực lượng Philippines đóng tại Bãi Cỏ Mây, chúng ta có thể thấy một kiểu hành
xử làm dấy lên những lo ngại rằng Trung Quốc đang cố gắng khẳng định quyền kiểm
soát thực tế đối với các khu vực tranh chấp, và tăng cường sự hiện diện quân sự
tại Biển Đông.
Chúng tôi lo ngại phạm vi và tính chất trong các hành
động của Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng xấu đến an ninh khu vực. Những hành
động và sự hiện diện ngày càng tăng của nước này có thể khiến các quốc gia khác
trong khu vực phản ứng bằng cách tăng cường sức mạnh quân sự ở các cơ sở của
họ, một điều chắc chắn gia tăng nguy cơ của những rủi ro hoặc tính toán sai lầm
dẫn đến leo thang căng thẳng. Ngược lại với Trung Quốc, các bên tranh chấp khác
đã tương đối hạn chế trong các hoạt động xây dựng kể từ khi ký kết Tuyên bố Ứng
xử (DOC) giữa ASEAN-Trung Quốc vào năm 2002. Sự hạn chế này có thể sẽ không duy
trì được trước hoạt động thay đổi nguyên trạng sau DOC chưa từng có của Trung
Quốc.
Hơn nữa, chúng ta vẫn chưa rõ mục đích thực sự của
Trung Quốc sử dụng những khu vực đất cải tạo này để làm gì. Người phát ngôn của
Trung Quốc hôm 9/4 cho hay hoạt động cải tạo đất của nước này là nhằm “thực
hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc trong việc tìm kiếm
cứu nạn trên biển, phòng chống và khắc phục thiên tai, hoạt động nghiên cứu và
khoa học biển.” Tuy nhiên, Người phát ngôn này cũng cho biết việc xây dựng này
để Trung Quốc có thể bảo vệ tốt hơn “chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích
biển...(và phục vụ)...các hoạt động phòng thủ quân sự cần thiết.” Điều này rõ
ràng không phải một sự trấn an.
Về khía cạnh quân sự, hoạt động cải tạo đất cho phép
Trung Quốc, nếu nước này chọn, cải thiện năng lực phòng thủ và tấn công, bao
gồm: cho phép triển khai hệ thống radar tầm xa và máy bay thực hiện nhiệm vụ
ISR (tình báo, giám sát, trinh sát) đến các thực thể đã cải tạo; khả năng neo
đậu tàu thuyền có trọng tải lớn ở các tiền đồn, qua đó mở rộng hoạt động chấp
pháp và sự hiện diện của hải quân xa hơn về phía nam của Biển Đông; các đường
băng tạo nên một sân bay đủ khả năng tiếp nhận các máy bay chiến đấu của tàu
sân bay, cho phép Trung Quốc triển khai hoạt động trên không một cách liên tục
hơn. Việc Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự hiện đại, ví dụ như thiết lập
thường trực các đơn vị không quân chiến đấu hoặc bố trí hệ thống tên lửa đạn
đạo, tên lửa đất đối không, tên lửa chống tàu trên các thực thể đã cải tạo, sẽ
nhanh chóng quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông.
Mỹ rõ ràng hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung
Quốc. Chúng ta muốn căng thẳng ở Biển Đông phải giảm bớt chứ không phải leo
thang. Chúng ta muốn thấy một giải pháp ngoại giao cho những tranh chấp này,
cũng như một mối quan hệ mang tính xây dựng giữa Trung Quốc và các bên tranh
chấp khác. Tuy nhiên, như Tổng thống đã chỉ ra vào ngày 9/4, “vấn đề chúng ta
quan ngại đối với Trung Quốc là việc nước này không tuân thủ đúng mực các luật
lệ và quy định quốc tế, đồng thời đang sử dụng quy mô và sức mạnh của mình để
chèn ép các nước khác.” Những quan ngại trên ngày càng tăng trong bối cảnh
Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng cùng một ngân sách quốc phòng khá mập mờ -
chi tiêu quốc phòng của nước này đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2008. Cùng với
đó là việc Trung Quốc nỗ lực hiện đại hóa toàn diện quân đội, bao gồm đầu tư
vào các năng lực quân sự như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình chống tàu, và
vũ khí đánh chặn trong không gian. Mặc dù sức mạnh quân sự tăng lên là kết quả
tự nhiên của một cường quốc đang trỗi dậy, tuy nhiên lối hành xử của Trung Quốc
nhằm thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ và chủ quyền trên biển đang khiến khu vực
lo ngại về cách thức nước này sẽ sử dụng sức mạnh quân sự trong tương lai. Sở
hữu những năng lực này thực sự không phải vấn đề - vấn đề là việc Trung Quốc
lựa chọn sử dụng sức mạnh này như thế nào.
Những hành động của Trung Quốc không chỉ được đặt
trong bối cảnh các tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền trên biển; đây được xem là
những dấu hiệu về ý đồ chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh không
sẵn sàng có hành động kiềm chế hoặc thể hiện sự minh bạch trong ý định của mình
đã làm tăng thêm sự rạn nứt giữa nước này và các quốc gia láng giềng, như các
nhà lãnh đạo ASEAN đã cùng tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào cuối
tháng 4. Kết quả là, các đồng minh và đối tác của chúng ta đang tìm cách tăng
cường hơn nữa mối quan hệ quốc phòng, an ninh, và kinh tế với chúng ta, cũng
như giữa những nước này với nhau. Trung Quốc có thể giảm bớt tình trạng bất ổn
về chiến lược bằng cách thực hiện các bước đi cụ thể như sau: làm rõ hoặc điều
chỉnh yêu sách Đường Chín đoạn cho phù hợp với luật pháp quốc tế như được quy định
trong Công ước Luật Biển; từ bỏ ý định yêu sách một vùng lãnh hải hoặc một vùng
không phận xung quanh bất kỳ thực thể nhân tạo nào mà nước này tạo ra qua hoạt
động cải tạo đảo; dừng hoạt động cải tạo đảo và tiến hành thảo luận với các bên
tranh chấp khác về việc thiết lập những giới hạn đối với hoạt động nâng cấp
quân sự ở Biển Đông (đơn phương và tự nguyện như một biện pháp xây dựng lòng
tin hoặc phối hợp với các bên tranh chấp khác); và nhanh chóng hoàn tất một Bộ
Quy tắc Ứng xử mang tính ràng buộc ở Biển Đông với các quốc gia thành viên
ASEAN.
Các Hoạt
động Hiện tại của Bộ Quốc phòng (BQP)
BQP đang hành động nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia
của Mỹ tại Biển Đông, đó là: giải quyết hoà bình tranh chấp, tự do hàng hải,
hàng không và các việc sử dụng biển hợp pháp khác liên quan đến các quyền tự do
trên, thương mại không bị cản trở và duy trì hoà bình, ổn định. Những mục tiêu
này có liên quan trực tiếp tới sự thịnh vượng và an ninh dài lâu của Mỹ và của
khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, chúng ta có lợi ích to lớn trong việc
tất cả các bên yêu sách, bao gồm cả Trung Quốc, giải quyết tranh chấp như thế
nào và yêu sách biển của các bên có phù hợp với luật quốc tế hay không.
Thứ nhất, chúng ta cam kết ngăn chặn các hành vi cưỡng ép,
hung hăng và qua đó thúc đẩy sự ổn định của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và
chúng ta đang có những bước đi chủ động. Để hiện thực hoá mục tiêu trên, hướng
đi chủ đạo của chúng ta đó là làm mới và hiện đại hoá các quan hệ đồng minh lâu
đời. Với Nhật Bản, tuần trước chúng ta đã ký bản sửa đổi mang tính lịch sử của
Bản Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Nhật song phương, với mục đích tăng cường
khả năng của Liên minh Mỹ-Nhật trong việc đảm bảo hoà bình và an ninh tại khu
vực và thế giới. Với Hàn Quốc, chúng ta đang xây dựng một bộ toàn diện các năng
lực dành cho Liên minh Mỹ-Hàn nhằm đối phó với hàng loạt các nguy cơ đe doạ tại
bán đảo, trong khi đó cũng nâng cao năng lực cùng giải quyết các thách thức
toàn cầu. Và tại Úc và Philippines ,
chúng ta đã có những thoả thuận mang tính đột phá trong năm 2014, trong đó mở
rộng tiếp cận cho lực lượng Mỹ, mở rộng các cơ hội huấn luyện hỗn hợp với hai
nước đồng minh.
Để mở rộng phạm vi của các liên minh trên, chúng ta
đang bắt tay vào các chương trình hợp tác “ba bên” chưa từng có tiền lệ - nói
cách khác chúng ta đang kết nối mạng lưới các mối quan hệ. Trong một số trường
hợp, chương trình hợp tác ba bên mang lại lợi ích trực tiếp cho các hoạt động
liên quan đến an ninh biển của chúng ta. Đơn cử, chúng ta đang hợp tác ba bên
với Nhật và Úc nhằm tăng cường an ninh biển tại Đông Nam Á và nghiên cứu khả
năng hợp tác công nghệ quốc phòng.
Thứ hai, chúng ta đang điều chỉnh thế trận quốc phòng tại khu
vực theo hướng tập trung nhiều hơn vào phân bổ theo địa lý, bền bỉ trong triển
khai, và bền vững về mặt chính trị. Ví dụ, chúng ta đang chuyển dần Lực lượng
thuỷ quân lục chiến từ chỗ chỉ tập trung tại Okinawa sang đóng quân ở cả Úc,
Hawaii, Guam, và trong lòng Nhật Bản. Chúng ta đã tận dụng sự thay đổi trong bố
trí lực lượng của mình để giúp các chương trình hợp tác hiện có trở nên hiệu
quả hơn. Hoạt động triển khai luân phiên các Tàu Chiến Duyên hải tới Singapore
giúp Hải quân Mỹ lần đầu tiên có được sự hiện diện tiên phong lâu dài tại Đông
Nam Á kể từ khi đóng cửa Vịnh Subic vào đầu những năm 1990 và mở ra cơ hội cho
các hoạt động huấn luyện và hợp tác có quy mô lớn hơn với các đồng minh và đối
tác của chúng ta tại Đông Nam Á.
Chúng ta cũng đang tận dụng những khí tài hiện có để
duy trì và tăng cường sự hiện diện trên thực tế tại Châu Á-Thái Bình Dương, và
tại Biển Đông. Sự hiện diện này không chỉ củng cố hoạt động ngoại giao khu vực
của chúng ta, mà còn ngăn chặn hành vi khiêu khích và giảm thiểu nguy cơ xảy ra
tính toán sai lầm tại khu vực. BQP đang duy trì sự hiện diện rõ ràng tại và
xung quanh khu vực Biển Đông. Trong một tháng, thông thường quân đội Mỹ thực
hiện rất nhiều chuyến viếng thăm cảng tại và xung quanh Biển Đông, triển khai
các chuyến bay thường xuyên với nhiệm vụ ISR tại khu vực, thực hiện hoạt động
triển khai sự hiện diện, và tập trận với các đồng minh và đối tác như
Philippines và Malaysia, trong khi đó vẫn duy trì sự hiện diện của các tàu
chiến trên mặt nước (LCS) với các chặng quá cảnh đều đặn tại khắp khu vực. Ví
dụ, chiếc LCS mới nhất, tàu USS Fort Worth, gần đây đã kết thúc tốt đẹp một
chương trình hợp tác với Hải quân Việt Nam trong đó có các hoạt động diễn ra
trọn một ngày trên biển. Và trước khi hoạt động triển khai của tàu USS Fort
Worth kết thúc, chiếc LCS này dự kiến sẽ hoàn thành cuộc tập trận có tên Hợp
tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) song phương với 7 đối
tác khác tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ ba, chúng ta đang phối hợp với các chính phủ tại khu vực
để giúp họ cải thiện năng lực đảm bảo an ninh biển và nâng cao nhận thức về các
vấn đề trên biển nhằm tăng sự minh bạch tại khu vực và tránh các xung đột trong
tương lai. Ví dụ, tại Philippines, gần đây chúng ta đã ký kết Thỏa thuận hợp
tác quốc phòng tăng cường; chuyển giao một số tàu nhằm giúp đồng minh của mình
giám sát vùng biển của họ; và giúp xây dựng Hệ thống Cảnh báo Bờ biển Quốc gia
nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề trên biển của Manila. Tại khu vực,
Philippines cũng là quốc gia nhận được nhiều nhất từ chương trình cung cấp Tài
chính Quân sự Nước ngoài của Mỹ. Khoản hỗ trợ này được sử dụng để giúp
Philippines trong lĩnh vực tương tác thông tin liên lạc, ngăn chặn tàu thuyền
trên biển, nâng cao năng lực của các xưởng đóng tàu và nâng cấp tàu tuần tra.
Chúng ta cũng đang cung cấp trang thiết bị và cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ lực
lượng Cảnh sát Biển Việt Nam và hỗ trợ các tổ chức có liên quan đến an ninh
biển đang hoạt động có hiệu quả tại đây. Tháng 10 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã
cho phép chuyển giao các trang thiết bị quốc phòng liên quan đến an ninh biển
cho Việt Nam
trong tương lai. Chúng ta có 3 cơ chế đối thoại thường niên với Việt Nam về hợp
tác quốc phòng - Đối thoại Chính sách Quốc phòng; Đối thoại Quốc phòng Song
phương; và Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng.
Để hỗ trợ các nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức về các
vấn đề trên biển của các đồng minh và đối tác, chúng ta đang khuyến khích các
bên tăng cường chia sẻ thông tin tại khu vực. PACOM sẽ tổ chức một hội thảo với
các đối tác ASEAN vào tháng tới nhằm thảo luận về những bài học, những thực
tiễn thành công nhất liên quan đến nhận thức về các vấn đề trên biển, trong đó
sẽ có vấn đề chia sẻ thông tin. Chúng ta cũng ủng hộ những sáng kiến của khu
vực như Hiệp ước Hợp tác Khu vực về Đối phó với Cướp biển và Cướp có Vũ trang
(ReCAAP) tại Châu Á, Trung tâm Chia sẻ Thông tin và Trung tâm Tổng hợp Thông
tin Changi tại Singapore với mục đích khuyến khích các đồng minh và đối tác
tăng cường phối hợp nhằm xây dựng một bức tranh tổng thể có độ chính xác cao và
kịp thời về các hoạt động trên biển tại khu vực.
Ngoài ra, BQP có rất nhiều các cuộc tập trận quân sự
và các hoạt động khác với nhiều đồng minh và đối tác tại Châu Á, và chúng ta đã
bắt đầu dành ưu tiên cho các vấn đề liên quan đến biển trong hầu hết các chương
trình hợp tác trên. Balikatan, cuộc tập trận chung có ý nghĩa vô cùng quan
trọng với đồng minh Philippines ,
vừa kết thúc vào tuần trước, là một khuôn mẫu lý tưởng. Đây là cuộc tập trận
quân sự đã có lịch sử lâu đời và hiện giờ, nó đã được nâng tầm để bắt kịp với
những thách thức an ninh mới. Balikatan năm nay tập trung vào kịch bản bảo vệ
lãnh thổ ngoài khơi Biển Sulu. Đây là chương trình hợp tác quy mô nhất trong số
400 sự kiện dự kiến mà chúng ta sẽ có với Philippines nhằm giúp nước đồng
minh quan trọng này có năng lực quốc phòng đáng tin cậy để bảo vệ biên giới và
vùng lãnh hải. Chúng ta cũng có các cuộc diễn tập hải quân song phương thường
xuyên với Indonesian, bao gồm CARAT và Tập trận Giám sát Biển (SEASURVEX) tập
trung vào cải thiện khả năng tương tác thông qua hoạt động tuần tra, giám sát
trên biển, kiểm soát tàu, vận hành các máy bay hải quân cánh cố định và cánh
quay. SEASURVEX gần đây nhất diễn ra từ ngày 6-10/4 tại đảo Batam , Indonesia ,
trong đó chặng bay có một phần qua Biển Đông.
Chúng ta cũng xây dựng các chương trình hợp tác quốc
phòng mới cho những trường hợp cần thiết. Ví dụ, Lực lượng thuỷ quân lục chiến
đã lần đầu tiên tham gia vào cuộc tập trận đổ bộ với Lực lượng vũ trang Malaysia hồi
năm ngoái. Tháng 8 năm ngoái, lần đầu tiên Mỹ có cuộc tập trận MALUS AMPHEX
2014 với Malaysia tại Đông Sabah . MALUS AMPHEX 2015 dự kiến sẽ diễn ra vào cuối mùa
hè năm nay. Chúng ta cũng thực hiện các cuộc tập trận CARAT thường xuyên với Malaysia . Theo
dự kiến, cuộc tập trận CARAT sắp tới được lên kế hoạch diễn ra vào mùa hè này,
và cũng giống như trường hợp của Indonesia, bên cạnh những vấn đề khác, chúng
ta sẽ chú trọng vào vấn đề hàng hải và thông tin liên lạc, khả năng tương tác
và giám sát vùng không phận trên biển.
Mỹ đang rất nỗ lực trong việc giúp đỡ các đối tác xây
dựng năng lực và tăng cường hợp tác khu vực để đối phó với các thách thức an
ninh trên biển, nhưng chúng ta không đơn độc. Tầm quan trọng của an ninh biển
và nhận thức các vấn đề trên biển đã được thừa nhận rộng rãi, và chúng ta đang
hợp tác chặt chẽ với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác nhằm điều phối và
mở rộng nỗ lực này, hướng tới thúc đẩy ổn định và thịnh vượng tại Châu Á.
Thứ tư, chúng ta đang tìm cách để giảm thiểu nguy cơ xảy ra
các tính toán sai lầm và các xung đột không cố ý với Trung Quốc tại Biển Đông
hoặc tại những địa điểm khác tại Châu Á. Để làm như vậy, chúng ta cần phải tiếp
tục lên tiếng phản đối hành vi gây rối của Trung Quốc trên cả kênh công khai và
kênh kín đáo. Chúng ta cũng nên tiếp tục kêu gọi Trung Quốc làm rõ yêu sách
Đường chín đoạn theo luật quốc tế. Và chúng ta sẽ tiếp tục kêu gọi tất cả các
bên yêu sách thực thi tự kiềm chế và theo đuổi các cách tiếp cận hoà bình, dựa
trên ngoại giao đối với tranh chấp.
Cùng với đó, chúng ta cũng đang xây dựng sự minh bạch
và tăng cường hiểu biết với Trung Quốc thông qua quan hệ giữa hai bộ quốc
phòng. Trong năm qua, thông qua các sáng kiến như những biện pháp xây dựng lòng
tin mà Tổng thống và Chủ tịch nước Trung Quốc đã nhất trí hồi mùa thu năm
ngoái, chúng ta đã có những tiến bộ đáng kể, vững chắc trong quan hệ quốc phòng
song phương. Năm nay, chúng ta sẽ cố gắng hoàn tất một cơ chế khác có mục đích
ngăn chặn các vụ đụng độ nguy hiểm trên không. Ngoài ra, chúng ta cũng đã thể
chế hoá một vài cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng quan trọng, bao gồm Tham
vấn Quốc phòng cấp Thứ trưởng và Đối thoại An ninh Châu Á-Thái Bình Dương cấp
Trợ lý Bộ trưởng. Đây là 2 cơ chế đối thoại thảo luận về một loạt các vấn đề an
ninh khu vực, gồm cả những quan ngại của chúng ta về Biển Đông. Chúng ta cũng
thảo luận về an toàn hoạt động trên biển tại Đối thoại Hiệp định Tư vấn Hàng
hải Quân sự.
Kết luận
Chúng tôi chia sẻ quan ngại của Ủy ban về hoạt động
cải tạo đảo của Trung Quốc và muốn nhân dịp này đưa ra quan điểm của mình.
Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia,
và các cơ quan liên ngành khác trong việc điều hoà phản ứng chung của các cơ quan,
của toàn bộ chính phủ để đối phó với các thách thức ngày càng phức tạp. Chúng
tôi đang chủ động đánh giá tác động quân sự của hoạt động cải tạo đảo và cam
kết sẽ thực hiện các hành động phù hợp, có hiệu quả. Ngoài việc xây dựng năng
lực của riêng mình, chúng tôi cũng xây dựng quan hệ đối tác gần gũi hơn, hiệu
quả hơn với các đồng minh và đối tác tại khu vực để thúc đẩy hoà bình và ổn
định.
Mỹ là một cường quốc tại Châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài
lợi ích an ninh và kinh tế to lớn tại khu vực, chúng ta có hơn 7000 dặm bờ biển
Thái Bình Dương và hơn 16 triệu người dân có gốc gác Châu Á-Thái Bình Dương.
Bởi tầm quan trọng của Châu Á-Thái Bình Dương đối với các lợi ích của Mỹ, nên
để làm tròn bổn phận với người dân, chúng ta phải luôn trăn trở, không chỉ về những
thách thức ngày hôm nay, mà còn cả những vấn đề tiềm tàng của ngày mai. Và trên
phương diện này, các bạn bè và đối tác khu vực của chúng ta hãy yên tâm - chúng
tôi sẽ tiếp tục bảo vệ an ninh và thúc đẩy thịnh vượng tại Châu Á-Thái Bình
Dương và trên tất cả, chúng tôi sẽ thực hiện các cam kết của mình.
/Tham khảo
nguyên văn bài điều trần tại đây
Người dịch: Đinh
Anh và Quang Tiệp; Hiệu đính: Kim Minh/(Nghiên Cứu Biển Đông)/
-------------
Tầu chiến sọt rác CHÚ CHỆT không khéo đo ván trên
Trả lờiXóaBiển Đông bởi Siêu chiến hạm dưới quyền Thuyền
trưởng gốc Việt Nam
https://www.youtube.com/watch?v=e-iH8GMri2I
Chú CHỆT lẽo đẽo thấy tội rình sau CHÚ SAM
Nghênh ngang lướt sóng hải trình tính kỹ càng
Chuyến này Biển Đông hết bóng hải tặc Khựa
Ngư dân Việt-Phi đánh cá trùng khơi mênh mang
Phục Phi Luật Tân lên tiếng thế giới chống mạnh
Nhục bọn chuyên hèn với giặc ác với Dân lành
Trung Quốc chính là Nhà nước hải tặc hải khấu
https://www.youtube.com/watch?v=-f7IN9D5scM
Chỉ bắt nạt đồng chí em út vịt cộng vịt gian
Coi chừng Đại Hán trên Biển Đông khéo đo ván
Siêu chiến hạm dưới quyền Hạm trưởng gốc Việt Nam
Giờ đấy Anh hùng NGỤY Văn Thà viên mãn mãn nguyện
Xứng danh Con cháu Trần Hưng Đạo hùng cứ Đất Nam
TRIỆU LƯƠNG DÂN
Giờ ( này nơi ) đấy ( ngoài BIỂN ĐÔNG Hoàng Sa ) Anh
hùng NGỤY Văn Thà
Bài quá hay đại tá.
Trả lờiXóa