Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Đại Vệ chí dị: Tề Vương gửi ngựa, quậy biển

Nước Vệ trải qua nhiều năm khốn khó, đến năm ấy thì Mạnh Vương lên ngôi báu. Thiên hạ hí hửng mừng rỡ, ngoài đường, ngoài chợ xầm xì bán tán đầy vẻ phấn khởi. Nào là Mạnh vốn dòng của tiên đế, mặt mũi khôi ngô, sáng sủa, tính tình thuần hậu ưa sự thật. Thế này là dân Vệ hưng rồi, con cháu rồng đã trở lại nắm vương quyền. Bọn sâu mọt sẽ không còn đất sống...
Sau khi ngôi tể tướng vào tay Dũng, dân Vệ lại đồn, tể tướng là loại tài ba, học rộng, chí khí tiến thủ khác người, trình độ ưu việt. Ngài quản lý triều đình đâu sẽ ra đó, trọng dụng người hiền tài, xử trí anh minh lỗi lạc. Vận nước Vệ hưng thật rồi.
Ấy là đầu năm đại hội triều đình lần thứ X...
Dũng nắm ngôi tể tướng, có lần vi hành trong dân. Nghe thấy có kẻ mù lòa ở chợ nói rằng:
- Cái nước Vệ này càng ngày càng thiên về cường bạo ?
Người buôn bán đi qua, có đứa hiếu sự dừng lại hỏi nguyên do, kẻ mù nói.
- Vua thì Mạnh,quan thì Dũng thế có phải là toàn cường bạo đó sao ?
Dũng về triều tức tốc tìm kẻ có tên là Nhân để cho làm phó của mình. Hòng bịt miệng lời đồn đại về triều đình trong dân. Ba tháng sau Dũng vi hành ra chợ, lại nghe kẻ mù ấy nói:
- Phàm mọi mối quan hệ trong đời đều cần lấy chữ Tín. Làm quan càng cần phải giữ chữ Tín thì dân mới tin. Dân tin thì mọi việc mới suôn sẻ trôi chảy. Nước Vệ cường bạo có thừa, cái chữ Nhân kia cũng năm bày đường Nhân. Cái Nhân của kẻ đại trượng phu khác với cái Nhân của đám quần thoa. Nước Vệ mà không có chữ Tín thì khó mà thu phục được nhân tâm.
Dũng về bàn với Mạnh, xin tìm người Tín để làm quan đầu triều. Tìm mỏi mắt trong đám quan lại không có đứa nào đáng tên là Tín cả. Mấy năm sau chán nản thôi không tìm nữa.
Lại nói về dân Vệ, sau mấy năm sống dưới sự cai trị của vua quan mới. Con rồng chả thấy tinh tướng đâu, lòi đuôi ra giống tắc kè hoa. Càng trị vì lâu càng mưu mô xảo quyệt, biến hóa khôn lường. Sâu mọt được thể càng ngày càng sinh sôi, phát triển lúc nhúc. Tài ba học rộng cũng chả tăm hơi, lúc cần bán lúa thì cấm, lúc cần cấm thì lại cho bán, lạm phát leo thang, vật giá đắt đỏ, nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng. Dân tình lừa lọc nhau kiếm nắm gạo cho qua bữa, quan lại thì gia sức vơ vét thuế má, tài nguyên. Xã hội đảo điên, đạo đức xuống cấp. Đứa nào ma lanh thì sống, thật thà thì khốn đốn cả lũ.
Tề Bá Vương ở phía Bắc thấy nội tình nước Vệ rối ren, mới sai sứ sang Vệ đưa thư nói với Mạnh vương rằng:
- Nước các ngươi vốn là chư hầu của ta từ lâu, cảm cái tình ấy mà ta nói cho Vệ ngươi rõ. Lòng người Vệ oán thán triều đình lên đến tận mây xanh, không khéo trừ bỏ mối nguy ấy thì có ngày vua quan các ngươi chả còn dinh cơ nguy nga, bạc vàng, châu báu mà hưởng nữa đâu. Cái họa diệt vong ngay trước mắt đó.
Mạnh Vương nhận thư lấy làm lo sợ lắm. Bèn thân chinh sang Tề cầu kiến sự giúp đỡ. Tề Bá Vương cùng Mạnh Vương cắt máu ăn thề. Ký kết hiệp ước liên minh can thiệp nội bộ lẫn nhau khi có biến. Đổi lại Tề Bá Vương nói ý mình:
-         Nước Tề ta có con ngựa gỗ, muốn ăn cỏ cao nguyên nước Vệ, liệu nhà ngươi có giúp được chăng ?
Mạnh Vương vái lịa lịa ríu rít rằng:
- Đại Vương nói một con, chứ mười con tôi cũng xin hầu đại vương.
Hàng nghìn thanh niên nước Tề kéo ngựa gỗ sang cao nguyên nước Vệ . Lão đại thần nước Vệ cùng các sĩ phu thấy nguy cơ tiềm ẩn bèn dâng biểu can ngăn. Mạnh vương và Dũng phán rằng:
- Có mấy ngàn dân phu và con ngựa gỗ, làm gì mà các ngươi phải lo cuống lên như vậy, các ngươi an phận mà sống, đây là chủ trương lớn của triều đình. Cỏ để không cũng vậy, cho ngựa gỗ nước Tề ăn. Họ giả tiền có thêm ngân sách cho cao nguyên , thế không tốt sao. Cấm bàn.
Kẻ mù ở chợ đi xin ăn, lải nhải rằng:
- Nước Tề đồng ruộng bát ngát phì nhiêu, thảo nguyên mênh mông. Thế mà nhọc công kéo ngựa sang tận cao nguyên nước Vệ ăn cỏ . Há chả phải chuyện bất thường sao ? Tỉ như trong bụng ngựa chứa đồ binh khí, nếu có biến thì không thể hình dung mà nói hết.
Lời ấy đến tai triều đình, lập tức Mạnh sai Dũng sang Tề triều kiến. Khi đi dặn dò:
- Chuyến này ngươi đi, cốt phải thật khéo để làm sao dân Vệ ta thấy rằng nước Tề đối đãi nước Vệ như anh em ruột một nhà. Cho dân Vệ khỏi dị nghị, dèm pha.
Dũng sang chầu được Tề Bá Vương cho quan lại địa phương đón tiếp long trọng lắm. Về đến Vệ huênh hoang nói rằng:
- Đấy các người đúng là bọn hủ nho, nước Tề đãi Vệ ta như anh đối với em. Làm sao mà có chuyện thế này, thế nọ được.
Dân Vệ biết rằng nước Tề là nước mà từ trước đến này, chuyện anh em giết nhau tranh giành ngôi vị, quyền lợi là nhiều nhất thiên hạ. Nhưng chả sử gia nào dám nói sợ đi ngược chủ trương lớn của triều đình. Quanh quẩn lại bàn đến kỳ đại hội triều đình tới, sẽ có vị này thẳng thắn , cương nghị vì dân vì nước, tay kia kiến thức uyên thâm... lên nắm ngôi. Nước Vệ lại sắp hưng rồi.
Năm ấy ngoài khơi nước Vệ có nhiều chuyện biến động, thủy quân nước Tề bắn giết ngư dân Vệ công khai như vua quan nước Tề thường hay đi săn thú tiêu khiển. Nước Tề tuyên bố tất cả phần lớn lãnh hải của Vệ thuộc về nước Tề. Cái này Tề Vương đã nhắc cho Vệ Vương hồi hai nước mới trở lại bang giao. Lần ấy Vệ Vương mới lên ngôi, nghe Tề Vương nói các chuyện khác đều ầm ừ không nói gì. Chỉ có nói đến quyền lực của mình Vệ Vương mới thực sự bàn mà thôi.
Bởi thế Vệ Vương lần này bối rối không biết bày tỏ ý kiến có nên phản bác với Tề Vương hay không, trong lúc nghĩ cách thì Vệ Vương chốc lại bước ra cửa điện , chắp hai tay vọng về phương Bắc hô câu thần chú:
- Tình hữu hảo Vệ-Tề đời đời bền vững núi Thái Sơn, mênh mông nghĩa nặng như biển Nam Hoa.
Vệ Vương nhớ lần sang Tề Quốc chầu buổi nao, lúc ra về Tề Vương nắm tay ần cần dặn dò kẻ mới lên ngôi còn đang bỡ ngỡ, chưa rành thuật cai trị rằng:
- Vì tấm lòng thành của ngươi đối với bản quốc. Nếu sau này có gì nguy cấp, cứ hướng về phương Bắc mà hô cầu thần chú như vầy như vầy sẽ có người giúp.
Mấy lần sau đó trong đời mình gặp lúc nguy khó, như lúc tay chân của Vệ Vương bị chặt đứt trong vụ tham nhũng cầu đường. Manh mối lần gần đến ngai vàng. Mạnh Vương trai giới 3 ngày 3 đêm trước sân điện niệm thần chú hữu hảo Vệ-Tề. Nhờ thế mà mọi việc suôn sẻ.
Lại nói chuyện biển đảo lan truyền khắp nước Vệ, dân Vệ nhiều người phẫn nộ với quân Tề lắm. Tuy Vệ Vương sai người bưng bít thông tin, nhưng sự việc cứ ầm ĩ lan tràn. Vệ Vương mới họp các mưu thần bàn kế đối phó. Mưu thần Tôn Dưa hỏi:
- Chuyện này đối phó với ai mới là quan trọng , đối với Tề hay đối với sự phẫn nộ của dân Vệ. Đại Vương có chủ ý chưa?
Vệ Vương than rằng:
- Nước Tề là chỗ trông cậy của triều Vệ nhà ta, đối phó thế nào đây?
Tôn Dưa mới được cất nhắc lên làm đại thần nghị sự, tỏ ra tháo vát bàn:
- Cái nào khó đối phó thì tạm gác lại đó, cái nào dễ thì đối phó trước. Phàm là đấng minh quân phải biết chọn cái dễ mà làm.
Vệ Vương dường như khơi trúng tâm tư, thở phào trút gánh nặng ngàn cân. Cất lời hỏi:
- Vậy làm thế nào?
Tôn Dưa bước lên ghé tai Vệ Vương thì thầm, lời nói đến đâu Vệ Vương rạng rỡ mặt mày đến đấy. Tay vỗ thành ngai vàng khen liên tục:
- Hay, hay quả là kỳ diệu, kỳ diệu.
Tôn Dưa lui về chỗ, Vệ Vương lấy vẻ oai vệ thường ngày tức thì, tóc lại bóng mượt, mồm uốn éo tròn vo, đầu ngẩng cao nhìn khắp lượt quần thần đoạn ngạo nghễ hỏi:
- Quan bộ hình ở đâu?
Quan bộ hình bước ra giữa triều nghe Vệ Vương ung dung huấn dụ:
- Nay ‘bản vương’ lệnh cho ngươi xem xét những kẻ bàn về chủ quyền biển đảo những điều sau. Xem thân nhân, lý lịch có tiền án, tiền sự không, có thân nhân từng là quan quân triều Ngụy hay không, xem có đóng thuế đầy đủ, có nợ nần ai hay không, có quan hệ với các thế lực Vệ Kiều hải ngoại hay không, có quan hệ nam nữ bất chính hay không, chấp hành luật giao thông hay không. Thu nhập thế nào, tại nơi làm việc đồng nghiệp có phàn nàn gì, hàng xóm láng giềng có gây bất hòa gì hay không, có bất mãn với triều đình hay có âm mưu cơ hội làm chính trị hay không, có bị bênh tâm thần hay không... với quyền lực mà ngươi có. Ta không nghĩ ngươi để ta thất vọng.
Sau 3 tháng thi hành huấn dụ của Vệ Vương, người nước Vệ không còn mấy ai quan tâm đến biển đảo. Người thì lo chạy tiền đóng thuế, người thi lo thanh minh về việc trước kia quá túng ăn trộm con gà, người đi xin giấy chứng nhận mình không bị tâm thần để khỏi bị tống vào nhà thương điên…
Nhiều kẻ bị bắt vì những tội danh khác nhau... đến nỗi ở quán xá có kẻ nhắc đến biển đảo, bạn hữu ngồi cùng bàn vội bịt miệng kẻ đó lại mà nói rằng:
- Ba năm trước ông mới đánh bài với tôi nhân dịp ngày xuân. Tôi không muốn vì ông mà bị bắt vì tội đánh bạc từ năm nào đâu.? Xin ông thận trọng giữ mình.
Hàng xóm, đồng nghiệp ghét nhau, trong đơn tố cáo hay nhận xét khuyết điểm thường có kèm câu là tên Mỗ, tên Na ... trong đời sống hàng ngày hoặc công việc thường nhắc tới chủ quyền biển đảo của nước Vệ.
Trong kinh thành có một vị tướng già về hưu đã lâu, nổi tiếng là người can đảm, thao lược. Ông từng lên án nhiều sai trái cỉa triều đình. Thiên hạ ai cũng cho ông là người chính trực dám nói thẳng. Ngày nọ có kẻ lưu manh gặp ông mà hỏi rằng:
- Ông là người chính trực có tiếng trong thiên hạ, sử sách đều ghi. Nay kẻ hèn này xin hỏi ông một câu, những vùng biển đảo mà nước Tề đang rắp tâm chiếm kia có phải của nước Vệ không?
Vị tướng già cúi đầu buồn bã nói:
- Ta thì không chắc đã có tội gì, nhưng con cháu ta thì lại càng không chắc. Chuyện biển đảo là do triều đình quyết định. Ta khuyên anh lên chăm lo làm ăn, kiếm nhiều bạc nén mà vun vén gia đình nhà mình. Chuyện chính sự do triều đình và cũng do vận nước. Cá nhân thì nhỏ bé lắm.
Ngoài chợ thiên hạ đã thôi xầm xì vể biển đảo, trong triều ở quân đội có vài vị tướng lãnh vì máu trận chiến vẫn còn. Đôi lúc thường chất vấn triều đình về chủ quyền lãnh thổ. Vệ Vương goi lên hỏi:
- Gia đình các anh đi du lịch ở đâu?
Các tướng lãnh thưa rằng:
- Ở bên sứ xở của người da trắng, tóc vàng hay ít ra là bên Hồng, Thái, Sing...
Vệ vương hỏi:
- Thế có ăn cá biển của ngư dân nước Vệ ướp đá mấy ngày từ ngoài khơi mang về kinh đô, lại thêm hóa chất bảo quản của nước Tề không?
Các tướng lãnh thưa rằng:
- Không ạ, chúng thần ăn cá đóng hộp của các nước có tiêu chuẩn thực phẩm khắt khe. Chúng thần phải giữ gìn sức khỏe để bảo vệ Tổ quốc.
Vệ Vương cười khà khà:
- Các anh cũng như ta, cả đời chúng ta có đi du lịch ở những chỗ nước Tề chiếm đâu, có ăn cá của ngư dân chúng ta đánh đâu. Vậy thì hà cớ gì các anh hỏi ta khi mà chúng ta đang giữ gìn sức khỏe của mình để xây dựng đất nước phồn vinh, ổn định nền chính trị nhỉ?
Các tướng lãnh nghe xong, ngộ ra ý của Vệ Vương. Chắp tay đồng thanh hô lớn:
- Đại Vương anh minh, nước Vệ hưng thịnh.Quân Vệ hùng cường, dân Vệ, dân Vệ...
Thấy các tướng lắp bắp mãi đoạn dân Vệ. Vệ Vương trên ngai vàng xua tay.
- Thôi thôi các người lui, dân Vệ vốn hiền lành, triều đình bảo thế nào là thế vậy. Không cần đưa họ vào khẩu hiệu.
Các tướng lãnh ra về. Vệ Vương ưu tư đi trong điện. Lát sau ngài đợi cho cung điện vắng vẻ ra sân vọng về hướng Bắc niệm thần chú hộ mệnh. Những tên lính hầu trong điện đang thực hiện nghi lễ đổi phiên gác mới. Bầu trời dần lên từ phía Đông, nước Vệ bắt đầu một ngày bằng những tia ánh sáng mặt trời đỏ thẫm như máu khô của những ngư dân trên chết biển vì đạn quân Tề. Trong ánh sáng của mặt trời đi qua biển Đông có cả mùi tanh tanh của máu.
Lẽ đời có hợp ắt có tan. Trong cõi càn khôn có sinh ắt có diệt. Số phận con người hay muôn vạn sinh linh đều không tránh khỏi lẽ sinh tồn ấy. Nếu như có âm đức để lại thì cơ nghiệp kéo dài như nhà Chu , còn dẫu thống lĩnh thiên hạ, giết thư sinh, đốt sách như nhà Tần bất quá cũng chỉ vài chục năm. 
Xưa tiên đế nước Vệ lúc hàn vi có lần đi ngoài bể Đông, thấy có một vật hình tròn màu trắng to bằng quả dưa, lấy làm lạ mới hỏi người đi cùng đó là vật gì. Kẻ đó nói rằng:
- Đó là vật do sóng biển tạo bọt mà thành, thường gọi là quả bọt, tụ được một ít lâu lại tan theo sóng. Cũng như lẽ đời có hợp thì có tan vậy.
Tiên đế Vệ trầm ngâm lắm, sau này dựng cơ nghiệp lòng cứ canh cánh nỗi niềm mong sao cho triều đại của mình trường tồn đến muôn đời. Nhất là từ khi Tiên đế lên ngôi báu, nước Vệ chinh chiến liên miên, phân chia Nam Bắc điêu linh vô cùng. 34 năm Tiên đế ở ngôi cao là 34 năm nước Vệ đầy biến động đau thương. Sau trận chiến năm Mậu Thân ở thành Quảng, sinh linh bị tàn sát nhiều vô kể, Tiên Đế nghĩ ngợi mà lâm bệnh, biết số mình như Khổng Minh bên Tây Hán dù có lập đàn cầu thọ cũng không nổi với mệnh trời. Tiên đế gọi quần thần đến căn dặn phải thật đoàn kết, gắn bó mới giữ nổi triều đại. Còn chỉ kẻ kế vị xong xuôi. Lùi về dinh gọi con là Cường đến bảo:
- Ta thấy con tướng mạo khá hơn các anh em, nước Vệ lúc này đang là lúc chiến tranh. Nay ta gửi ngươi sang nước Lỗ học. Nước Vệ ta chỉ có dựa vào Lỗ và Tề mới trường tồn được. Lúc này Lỗ đang thịnh, nhưng vận số xoay vần ắt có ngày Tề hùng cường. Ngươi thân bên Lỗ nhưng dạ hãy để bên Tề. Ấy mới là chỗ dựa muôn đời.
Cường nắm tay tiên đế khóc mãi một hồi, sau lau mắt mà hỏi:
- Vua cha có mệnh hệ gì, liệu giao ước với bọn họ còn giá trị không. Lúc đấy nước Vệ biết dựa vào đâu để giữ hương hoả thái miếu. Con nghĩ ngày thái miếu tan hoang mà lòng đau thắt, nghĩ mình bất tài không giữ nổi vương triều muôn phần đắc tội.
Tiên đế gọi Cường sát lại bên mình, lấy dưới đệm ra một cuộn da lừa nói:
- Nay với Lỗ không có gì đáng ngại, còn với Tề sau này, nếu con cần gì cứ giở cái này ra xem. Lúc ấy khắc biết cách.
Năm sau tiên đế thác, thọ 79 tuổi. Nước Vệ xây lăng uy nghi để quàn tiên đế, lấy thứ đá tốt xứ Thanh, lại chọn những cây cối khắp miền trồng chung quanh, bên ngoài đúc chữ vàng. Tuyển một đội quân canh giữ nghiêm trang.
Trải qua hơn 30 năm sau khi tiên đế mất, nước Vệ kết thúc nhiều cuộc chiến tranh liên miên. Nước Lỗ vì thay đổi vương triều nên không còn mật thiết với Vệ. Vệ vốn không quen tự chủ lâm vào thế rối loạn, trong triều các phe cánh cát cứ nhăm nhe đòi ngai vàng, có phe chủ trương thay đổi triều đại để phù hợp với Lỗ, phe thì nhất quyết không. Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc ấy, vua quan nước Vệ bấy giờ kéo nhau sang Thành Đô nước Tề xin trợ giúp. Hai bên bàn mãi không đi đến đâu, đột ngột Tề Bá Vương hỏi.:
- Con trai của Vệ tiền nhân giờ làm gì trong triều ?
Chả ai biết buổi ấy thế nào, nhưng Vệ và Tề giao hảo, lệ cũ thực hiên lại như xưa, còn Cường tiến thân vùn vụt. Mấy chốc nghiễm nhiên nắm giữ vương triều nước Vệ.
Vệ Cường Vương nắm ngôi, nước Vệ biến động. Quần thần bàn bạc mãi không xong, tinh thần quan lại, dân chúng dao động. Cường Vương sang Tề xin giúp đỡ, Tề Bá Vương nghe Vệ Vương trình bầy, mặt lanh tanh ngáp dài chả nói câu gì. Cường Vương hiểu ý rút cuộn da lừa vẫn hay mang bên mình trải ra trình trước mặt Tề Vương. Ngón tay trỏ cứ rê đi chầm chậm trên tấm da, đến một đoạn thấy mắt Tề Bá Vương bỗng long lanh. Vệ Vương dùng bút khoanh lại. Bấy giờ Tề Bá Vương mới mời Vệ Vương sang điện Thái Hoà hội đàm.
Vệ Cường Vương về nước, mặt mũi hớn hở, đăng đàn diễn thuyết ầm ĩ. Miệng nói uốn tròn vo. Tay chặt chém vào không khí mạnh mẽ. Lệnh truyền bắt vài kẻ làm gương. Thiên hạ khiếp sợ mà mọi việc mới tạm yên. Đất nước thanh bình.
Những kẻ làm quan trong triều trước có ý khác, giờ răm rắp thuần phục. Uy danh ngai vàng nước Vệ trọn về một mối.
Chuyện về cuộn da lừa là điều bí mật, không hiểu sao có vài kẻ sĩ nước Vệ biết được. Tin này thấp thoáng đồn đại ngoài chợ. Vệ Vương lo lắm mới cho người sang Tề cấp báo. Tề Bá Vương bèn sai đại thần cấp cao sang Vệ chấn chỉnh nội tình, dò xét những kẻ phao tin đồn ấy bắt vào ngục. Thiên hạ khiếp sợ mà mọi việc tạm yên. Đất nước lại...thanh bình.
Mỗ là kẻ lái buôn, thương hay lấy cá ngoài miền biển mang vào các chợ vùng trong bán. Năm nay thuyền chiến nước Tề tuần tiễu ngoài khơi, không cho ngư dân Vệ đánh cá nữa. Mỗ thất nghiệp trải chiếu ngồi ngoài chợ lấy sách cha ông để lại, xem bói kiếm miếng cơm qua ngày. Có kẻ hiếu sự đặt quẻ hỏi chuyện cuộn da lừa có thật hay không. Mỗ đáp:
- Chuyện này bảo là thật cũng không phải, vì chưa ai nhìn rõ tấm da đó đầy đủ của nó thế nào. Bảo là không thật cũng khó, vì không thật thì cần gì phải bắt người.
Kẻ kia bực quá, đập tan mai rùa và ống thẻ của mỗ trách rằng:
- Bậy bạ, thầy cũng chỉ là kẻ ăn tiền nói kiểu nước đôi. Cái thứ đồ để thầy dùng bịp bợp thiên hạ kiếm cơm này, đập đi cho kẻ khác khỏi bị thầy lừa.
Mỗ cúi đầu nghe lời trách mắng . Nghĩ đời có lúc hợp, lúc tan. Vận con người có lúc lên lúc xuống. Trong lòng không dám nghĩ lời phân giải, lặng lẽ xếp cất đồ rồi lủi thủi mà đi. Xảy có kẻ thư sinh bám tay níu lại hỏi:
- Thầy cho hỏi, khoá thi công chức năm nay liệu có những chữ gì phạm huý?
Mỗ nhìn quanh, thấy chả có ai, trông lại thấy kẻ kia hỏi cũng thật lòng bèn ghé tai hắn thì thầm:
- Những chữ có trong cuộn da lừa.
Thư sinh nài nỉ mỗ nói rõ, mỗ chỉ lạnh tanh ngáp dài. Thư sinh móc túi lấy ra đống bạc, ngón trỏ cứ mân mê từng nén. Mỗ thấy bạc mắt long lanh ...
------------- 

6 nhận xét:

  1. Chuyện xưa:
    Kẻ hối lội nói với quan
    "Xin quan lớn nhận quà mà nâng đỡ tôi".
    "Ta không thể làm bậy".
    "Chỉ có tôi và quan lớn, có ai biết đâu?"
    "Trời biết, Đất biết!"

    Chuyện nay:
    "Anh cầm ít đô, nửa triệu thôi, xài... Hè hè..."
    "Ừa. Có ai biết tui củng hổng sợ. Mình có bọn đầu trâu mặc ngựa bão dzệ ruì. Thằng nào xớ rớ cho 1 liều xá phọng. He he..."
    ["Mày đúng là thứ nham hiểm. Cuộc đời chó chết. Toàn súc vật!"]

    Trả lờiXóa
  2. Bai viet cua NGUOI BUON GIO luc nao cung hay,doc ma thay buon cho nuoc VE.MOT DAT NUOC MA TU VUONG DEN TUONG NGU DOT,THAM LAM CHI BIET BAN HANH NHUNG CHINH SACH CO LOI CHO BON QUAN THAM,CON DAT NUOC THI CU LUI BAI DAN,TAI NGUYEN THI BAN HETCHO GIAC PHUONG BAC....CHI CON CAI LANG CUA"TIEN DE" LA NO CHUA BAN THOI..

    Trả lờiXóa
  3. hu hu...tiên đế ơi,khi xưa những lời di huấn của Người đừng viết vào miếng da con Lừa mà khăc vào đá núi như bài thơ bất hủ của đại anh hùng Lý Thường Kiệt .."NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ.." thì Vệ Cường Vương đâu dám bất hiếu bán đất đai,biển đảo và lũ quan lại trong triều đâu có phải "học tâp và làm theo tấm gương.." để bây giờ triều đình nước Vệ toàn lũ Lừa muốn kéo dân tộc XUỐNG HỐ CẢ NÚT...hu hu..tiên đế ơi là tiên đế !..

    Trả lờiXóa
  4. Nguời Buôn Gió viết truyện này hay thật !

    Trả lờiXóa
  5. Đại ca nào vậy viết rất hay?
    Sao không vôi sưng danh đi đã
    Để lại nhiều chuyện vây ai hiểu
    Xin được đảnh lế về lịch sử

    Chuyện con người xưa nay vẫn vậy
    Khó hiểu thật không sao hiểu nổi
    Nhớ tên thôi cũng hết thời gian
    Lại luận chuyện biện chứng ở đây

    Nếu nó bản chất toàn là ngu
    Hãy dậy cho nó hết ngu đi
    Hết ngu rồi tự nó phải khôn
    Nếu không khôn đào lỗ mà chôn

    Trả lờiXóa
  6. giáo dục nào cũng dạy phải yêu thuwong , giúp đỡ......những điều hay nhất, đúng nhất. nhưng áp đặt chính trị và thói xấu xã hội từ thượng tầng lại trái nược, làm ngược với cái điều ấy khiến nhà giáo cũng phải chạy theo bát cơm, vì vậy học sinh cú nhìn vào bát cơm cảu thầy giáo thì sao mà nên XH như giáo dục đc.

    Trả lờiXóa