Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Diễm Thanh

                                                              Ảnh minh họa
 * Truyện ngắn - ĐINH QUANG TỈNH
Năm 1988, việc buôn bán tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển thuận lợi, nhiều công ty phía Nam đã thành lập cơ quan đại diện, làm đầu mối cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và ngược lại. Tôi đang công tác ở Công ty xuất khẩu Codimex Côn Đảo thì có quyết định cử ra Hà Nội phụ trách cơ quan đại diện phía Bắc gồm: Chi nhánh Hà Nội, Trạm Lạng Sơn và Móng Cái. Vì vậy, tuyến đường quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn và quốc lộ 18A Hà Nội - Móng Cái tôi đi lại như cơm bữa đã để lại nhiều kỷ niệm buồn vui khó quên. Chuyến công tác Lạng Sơn cuối Xuân năm ấy là một kỷ niệm đắng đót nặng lòng nhưng kết cục thật có hậu.
Theo lịch trình, đoàn chúng tôi khởi hành sớm, xe qua cầu Chương Dương, rồi thẳng quốc lộ 1A đi Lạng Sơn. Thời tiết chớm Hè oi nồng, dọc đường gió cuốn cát bụi mù mịt nên cửa xe phải đóng kín, muốn hít thở chút khí trời cũng khó. Xe vừa đến dốc Cầu Đuống, cậu tài xế đang phấn chấn, kể sự tích sông Kỳ Cùng, tay kéo cần số để lấy đà cho xe lên dốc thì đột ngột đạp phanh, miệng rít lên:
- Chết cha, mới sáng sớm đã gặp …
Mọi người trên xe bị dúi dụi về phía trước rồi cùng trố mắt nhìn người đàn bà lõa lồ xuất hiện ở đầu xe, chẳng thể đoán cô ta bao nhiêu tuổi, thân hình tong teo bởi nhiều ngày thiếu ăn, đầu tóc rối bù như tổ quạ, đôi mắt đờ đẫn, vô định. Gương mặt hốc hác làm cho sống mũi cao và dài thêm, hàm răng trắng nhăn nhở càng tăng thêm vẻ méo mó, khốn khổ, trông giống hệt đầu tượng gỗ ở nhà mồ Tây Nguyên. Manh "áo" cô khoác trên thân là chiếc vỏ bao xi măng dầy cộm, khoét hai cái lỗ đủ để luồn đôi tay gầy guộc chi chít nốt muỗi đốt, nhưng nó cũng chỉ đủ che được tấm lưng còn phần ngực vẫn để trần, hớ hênh hoang dã. Một mảnh vỏ bao xi măng cuốn hờ hững quanh hông làm "váy", vì mải đưa tay lên vẫy xe nên bị rớt xuống để lộ cặp đùi trắng phớ như đôi chân ma-nơ-canh bằng thạch cao đứng chơ vơ trước cửa hàng thời trang vậy.
 Hoạ sĩ - nhà văn Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh)
Tôi lệnh cho Chiến:
- Em “de” xe vào lề đường!
            Rồi quay sang nói với Phượng:
- Em qua bên kia đường hỏi xem có cửa hàng nào bán quần áo may sẵn mua một bộ cho cô ấy che thân, để vậy tội nghiệp quá!
Phượng “dạ” một tiếng rồi nhanh nhẹn đi ngược trở lại mấy cửa hàng ven phố. Chiến bóp còi inh ỏi nhưng cô gái điên cứ đứng ì ở đầu xe như thách thức, trước cảnh tượng quá lố, mọi người đành xuống xe tránh mặt. Một lúc sau, Phượng lật đật trở lại, lắc đầu:
- Báo cáo sếp, có cửa hàng bán quần áo may sẵn nhưng họ đòi thu phiếu vải nên em chịu. Đầu đường vào nhà máy diêm có xưởng may gia công của hợp tác xã, sếp nói tiếng Nam trình bày có thể họ linh động giải quyết chăng?
Mang theo hy vọng, cả đoàn cùng kéo đến văn phòng hợp tác xã xin gặp đồng chí chủ nhiệm. Sau khi biết chúng tôi từ Côn Đảo ra Bắc công tác, lại có tấm lòng nhân ái, chị cảm động nói:
- Báo cáo đồng chí trưởng đoàn cùng các đồng chí - tôi biết cô Diễm Thanh từ thủa còn là học sinh phổ thông, gia đình neo đơn, cha mắc bệnh hiểm nghèo mất sớm, cô phải bỏ học giữa chừng ở nhà để phụ giúp mẹ. Thanh xinh xắn lại hiền thục, hàng phố ai cũng quý mến, ra làm ăn sớm, biết tính toán, lại chịu thương chịu khó nên phất lên trông thấy. Ba năm trước, Thanh lấy chồng giầu sang bên Hà Nội, đám cưới to nhất vùng này. Nhưng do không có con nên mẹ chồng xóa bỏ hôn thú đuổi cô về nhà mẹ đẻ. Bà cụ uất quá, lên cơn hen suyễn tắc họng đột tử ngay trên tay Thanh. Các đồng chí thử nghĩ xem, người chứ có phải sắt đá đâu mà không điên rồ mới lạ!
Chị chủ nhiệm đưa tay lên xem đồng hồ rồi kéo ghế ngồi vào bàn, mở chiếc "cặp ba dây", nhấc bút ký lệnh xuất một bộ quần màu áo xanh công nhân bằng vải chéo Nam Định, đây là hàng mẫu lưu kho nên không phải thu phiếu vải. Chúng tôi nộp tiền, ký chứng từ rồi nhận bộ quần áo mới còn thơm mùi hồ. Cả đoàn phấn khởi, cười nói vui vẻ như bắt được vàng. Mọi người đến bắt tay cảm ơn chị chủ nhiệm hợp tác xã có gương mặt phúc hậu và cởi mở. Nhiều chị em thợ may cũng chạy lại bên chúng tôi tay bắt mặt mừng như gặp người thân...
Phượng được phân công đưa bộ quần áo tận tay cho người đàn bà điên nên cô ngần ngại, lo lắng ra mặt. Biết là nguy hiểm nhưng cánh đàn ông chúng tôi không thể thay cô được. Thanh trố mắt nhìn Phượng đang tiến lại gần, vừa đi vừa ra hiệu. Thanh dường như hiểu ý, nhưng vẫn e ngại rồi nhanh như chớp, cô chộp ngay bộ quần áo trên tay Phượng ôm chặt vào lòng, chẳng nói chẳng rằng quay lưng chạy vụt về hướng bụi tre dưới chân đê như tìm nơi ẩn núp. Phượng không kịp phản ứng cứ đứng ngây người ra dõi mắt nhìn theo cái bóng vẹo vọ của Thanh lăn trên triền đê rồi mất dạng. Hình ảnh cái vỏ bao xi măng khoét lỗ làm áo cứ xoáy vào tâm tưởng, ám ảnh tôi suốt chuyến đi.
*              *              *
Bẵng đi rất lâu… Lần ấy, từ trạm Móng Cái tôi trở về Lạng Sơn để thực hiện hợp đồng thu gom và vận chuyển phế liệu vào Sài Gòn, nhưng đoàn xe mắc kẹt ở Bình Gia vì đường bị sạt lở, phải chờ khắc phục mất mấy ngày mới ra được quốc lộ 1. Tôi theo đoàn về đến Cầu Đuống thì trời đã chạng vạng tối. Anh em phụ xe hối hả dựng bạt, kê bếp nấu cơm. Chủ xe là người Hoa, anh tên Diệp Phùng Khén, dáng mập, thấp, nên mọi người quen gọi là Khén lùn, nhưng lại có phong thái ung dung tự tại của một ông chủ lớn, tóc hoa râm, cắt ngắn, gương mặt hồng hào, đôi môi lúc nào cũng đỏ mọng, thoáng nhìn cũng biết số đào hoa, rất hợp với tuổi ngoài bốn mươi của anh.
Khén nhiệt tình mời tôi ở lại ăn bữa cơm lấy hên đầu Xuân theo phong tục của người Quảng Đông, tôi vui vẻ nhận lời ngay. Tiệc nhậu đang tới độ, khi mọi người vừa đưa chai bia Vạn Lực lên "cụng" thì nghe có tiếng phụ nữ chào hỏi đon đả, giọng lạ, nhưng có vẻ nhắm về phía tôi:
- Chào bác cán bộ! Bác có nhận ra em không ạ?
Tôi hơi ngỡ ngàng, ngước mắt nhìn cô gái, đầu đội ngược chiếc mũ lưỡi trai màu chàm rất điệu, mặc áo len đỏ ngắn tay để lộ chiếc áo công nhân đã bạc mầu. Cô nhoẻn miệng cười tự nhiên, để lộ hàm răng trắng, phải mất vài giây tôi mới ngờ ngợ rồi "à" lên thành tiếng, nhận ra cô gái điên ở đầu Cầu Đuống năm nào. Tôi vồn vã bắt lời:
- Thanh phải không? Năm mới chúc cô mạnh khỏe nhé!
Rồi tôi rút ví lấy ra tờ "Mười đồng đỏ" còn thơm mùi mực mừng tuổi Thanh, cô sượng sùng xua tay từ chối:
- Ấy chết! Em lớn rồi ai lại lấy tiền mừng tuổi của bác!
Mọi người xung quanh phụ hoạ “Không cầm lì xì sếp bị dông cả năm đấy!”. Thanh nghe lời, hai tay vê tròn tờ giấy bạc nhét vội vào túi áo ngực, cô cúi đầu chào tôi rồi quay về mâm cánh phụ xe đang quậy tưng bừng, bắt nhịp "dô dô" như hò kéo gỗ.
Nhìn mọi người đùa vui với Thanh, tôi kể cho Khén nghe chuyện lần bị cô gái điên này chặn xe ở đầu Cầu Đuống và "sự tích" bộ quần áo bảo hộ lao động màu xanh thay cho manh "áo gi lê" bằng vỏ bao xi măng. Diệp Phùng Khén chăm chú lắng nghe không để sót một chi tiết nào… rồi bỗng nhiên la lớn "Đúng thiệt rồi anh Ba ơi!"
Khén không kìm được nỗi phấn chấn trong lòng, anh đặt chai bia xuống rồi hạ giọng nói với riêng tôi:
- Hồi trong năm, nhằm ngày Quan Công quy y tam bảo, tôi được ông thầy gieo quẻ bằng mai rùa nói rằng năm nay sẽ gặp nữ quý nhân "cô thân, quả tú" nếu rước về nuôi thì nhất định sanh quý tử. Nghe anh Ba nói "zậy" thì em Thanh chính là quý nhân phù trợ của vợ chồng tôi rồi.
Suốt một thời gian dài, chúng tôi không có dịp gặp lại nhau. Mãi đến cuối mùa Hè năm 1993, Công ty tôi cần vận chuyển một lượng hàng lớn gồm các động cơ xe “Reo” của Mỹ mà sau giải phóng ta thu được ở “Việt Nam công xưởng Đà Nẵng” đem cất giữ ở Quảng Ninh, nay cần đưa vào Nam để thay thế động cơ xe cũ, kịp thời phục vụ việc khai thác gỗ ở Tây Nguyên. Ngày ấy, xe tải từ phía Nam ra Hà Nội đều phải tập kết ở đường vành đai Láng chạy suốt từ Ngã Tư Sở đến tận Cầu Giấy. Tôi cố ý lượn mấy vòng xe honda để mong gặp được Diệp Phùng Khén. Rất may, đoàn xe của anh đang chờ cả tuần nay mà không gom được hàng, định đánh xe không về Nam. Hai anh em gặp nhau mừng không tả xiết, nhận được hợp đồng lớn tôi dành cho, Khén như "buồn ngủ vớ được chiếu manh" sướng quá ôm lấy tôi la lớn:
- Hết sảy rồi tụi bay ơi! Anh Ba "cứu" chúng mình rồi!
Khén bảo tôi:
- Bàn xong công chuyện, anh em mình về Cầu Đuống nhậu chơi anh Ba nghe!
Nhắc đến địa danh Cầu Đuống tôi mới sực nhớ đến chuyện cũ, nên hỏi Khén:
- Diễm Thanh giờ sao rồi?
Câu hỏi của tôi như chích đúng nguồn tâm sự của Khén, anh vui hẳn lên, nói trong hạnh phúc:
- Diễm Thanh khỏi bịnh hẳn rồi anh Ba! Nàng bây giờ là "thứ dữ" đó anh! Là cô chủ "bự" ngang lưng với A Nữ nhà tôi!
Rồi Khén khoe:
- Nhờ người đẹp mà tôi có thằng con trai nối dõi tông đường. Vợ chồng tôi ơn Diễm Thanh không biết lấy chi mà trả cho đặng!
Nhớ lại câu chuyện lá thăm của ông thày Tàu mà Khén kể với tôi mấy năm trước. Ngỡ anh đã lấy Thanh rồi sinh được con trai nên tôi hào hứng chúc mừng Khén lấy được hai cô vợ xinh đẹp, giỏi giang nhất đời. Nghe vậy, anh như bị điện giật, xua tay lia lịa:
- Hổng phải zậy! Hổng phải zậy đâu anh Ba! Con trai tôi do A Nữ sanh mà. Diễm Thanh giờ sắp làm vợ cưng của chú Chiến lái xe cho anh Ba hồi xưa đó. Ủa, anh không hay tin sao?
Tôi ngớ người, rồi nói với Khén:
- Mình chuyển ra Móng Cái công tác thì Chiến cũng thôi việc ở chi nhánh Hà Nội vào Nam để lập nghiệp. Đã lâu anh em không gặp nhau.
Chúng tôi vừa bàn việc, vừa chuyện trò cho đến khi Hà Nội lên đèn, mới vội vã lên xe honda phóng như bay về Cầu Đuống.
Bữa tiệc đêm ấy do cô chủ xinh đẹp Diễm Thanh tự tay nấu nướng đãi chúng tôi ở chính nơi mà năm năm trước cô gục ngã rồi hóa dại mới thật sự ý nghĩa và cảm động. Đêm đã về khuya mà chuyện như chưa muốn dứt... Thanh kể ngọn ngành những năm tháng hạnh phúc khi được vợ chồng anh chị Khén đùm bọc yêu thương...
Khén rưng rưng bởi cho đến bây giờ mới biết tường tận câu chuyện thầm kín giữa hai người phụ nữ của đời anh, họ đã âm thầm cùng nhau sống vì anh, vì hạnh phúc lâu bền của gia tộc họ Diệp mà anh giữ trọng trách trưởng bối. Tôi lắng nghe câu chuyện xúc động của gia đình Khén, sống mũi bỗng cay xè...
*               *              *
Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào mà Diệp Phùng Khén liều lĩnh đem một cô gái tâm thần theo đoàn xe vào Sài Gòn, rồi lại đưa cô về nhà. Vợ Khén là người Hoa gốc Quảng Đông tên là Chung Tư Nữ, thường gọi là A Nữ. Đột nhiên, cô thấy chồng dẫn về một ả người Bắc, gương mặt khờ khờ, lơ láo thì máu ghen từ ba hung thần Bành Cư, Bành Chất, Bành Kiện chập lại thành "cơn tam bành" cuồn cuộn nổi lên, rừng rực như muốn thiêu cháy người đàn bà bất hạnh kia. Gương mặt dịu êm như vầng trăng của A Nữ bỗng hóa thành ông mặt trời rực lửa ghen tuông, miệng A Nữ rít lên khiến Diễm Thanh bạt vía kinh hồn, người cô co rúm lại, đầu gối khụy xuống ngã nhào. Khén đỡ Thanh lên ghế, vội ôm lưng vợ kéo vào sau rèm líu ríu một hồi tiếng Quảng rồi cả hai đều nói "hảo ma, hao ma"... Gương mặt hầm hầm khó coi của A Nữ dần tươi trở lại. Cô lậu bậu trong cổ họng mấy câu hảo! hảo! rồi cầm tay Thanh dắt vào nhà tắm…
Vợ chồng Khén có bốn con nhưng đều là gái, đứa lớn nhất đã mười tám, còn đứa út mới lên năm nhưng A Nữ vẫn mơn mởn xuân sắc, trẻ trung, hồn hậu. Trái hẳn với anh chồng vừa lùn vừa mập, A Nữ cao ráo, đằm thắm mang vẻ đẹp của phụ nữ Ấn; hai má trắng hồng, tóc ngắn xoắn to rất hợp với gương mặt có đôi mắt một mí sáng trong, luôn cười hồn nhiên, đôn hậu.
A Nữ có hai sở thích, một là quanh năm mặc bộ đồ xường xám, nên bạn bè gọi là "Chung xường xám" và khen cô giống đại mỹ nhân Tống Mỹ Linh, Hồ Điệp thời trẻ. Hai là, cô thích nhâm nhi "Cafe bít tất uống bằng đĩa" phong cách sành điệu của dân chơi có hạng, vì vậy A Nữ là khách đặc biệt của tiệm cà phê A Coón nổi tiếng nhất nhì khu Chợ Lớn.
Cô làm chủ một xưởng lớn rộng hơn ba trăm mét vuông chuyên sản xuất các loại bao bì đóng gói hàng hóa, lúc nào cũng đều đặn ba, bốn mươi thợ người Hoa làm việc. Một sự trùng hợp hữu duyên là Diễm Thanh cũng lập nghiệp bằng nghề làm bao bì tận dụng từ vỏ bao xi măng nên cô nhập cuộc nhanh chóng. Vì vậy, chưa đầy một năm sau khi lành bệnh, A Nữ đã giao gần hết việc quản lý công nhân, điều hành sản xuất cho Diễm Thanh. Thanh rất sáng dạ, chỉ một thời gian ngắn sống chung với gia đình A Nữ, cô đã nói thành thạo tiếng Quảng nên rất thuận lợi trong việc giao dịch, buôn bán.
Diễm Thanh uống hết gần trăm thang thuốc của ông thầy Tầu Chợ Lớn rồi lao vào công việc nên quên cả bệnh tật, cô trở lại bình thường lúc nào cũng không biết. Thật kỳ lạ, hai phụ nữ một người Ta, một người Tầu; một người Bắc, một kẻ Nam và bốn cô con gái sống chung trong một gia đình chỉ có một người đàn ông duy nhất là Diệp Phùng Khén - chồng của Chung Tư Nữ - cha của bốn đứa trẻ, vậy mà suốt mấy năm trời họ thương yêu nhau như ruột thịt. Sự tình này rất ít xảy ra đối với người Hoa. A Nữ yêu quý Thanh ở cái nết đoan trang và phép tắc. Thanh tôn thờ anh Khén như ân nhân, trọng như cha, Diễm Thanh rất giữ mình. Thấy Thanh ngày một mơn mởn xuân sắc, Khén cũng muốn kiếm thằng con trai nhưng do Thanh nhất mực đoan chính nên Khén chưa dám ngỏ lời.
*               *              *
Sáng nay, cả Sài Gòn - Chợ Lớn như chìm trong mưa gió. Đường phố ngập úng, nước dâng tràn cả lên vỉa hè. A Nữ cho công nhân nghỉ việc, rồi cùng Thanh đi "thư giãn". Những người phụ nữ đẹp, lại biết chăm sóc bản thân thì vẻ đẹp ấy sẽ trở nên hoàn hảo và mỹ lệ hơn nhiều; bởi vậy, chỉ sau vài tiếng đồng hồ, từ tiệm làm đầu đi ra, A Nữ và Diễm Thanh tươi tắn như trở lại tuổi thanh xuân. Người xưa có câu “đàn bà tốt tóc thì sang” quả đúng với hai người phụ nữ duyên dáng này.
Trời Sài Gòn thật lạ, mới mưa đó mà đã nắng bừng lên, phố xá lại tưng bừng náo nhiệt, những chiếc xích lô mạ kẽm sáng choang, loang loáng đan trên đường phố. Chốc chốc tiếng kêu inh tai nhức óc từ ống xả của những chiếc xích lô máy chở đầy hàng, nhả khói đen kịt... Nhưng đó mới chính là không khí riêng của Chợ Lớn.
A Nữ và Diễm Thanh lên xe xích lô hòa vào dòng người tấp nập đó. Tiệm cà phê A Coón là điểm đến, chiếc xe hủ tiếu mỳ bằng gỗ đỏ quen thuộc, trang trí cầu kỳ bằng những tấm kính tráng thủy vẽ Quan Công, Lưu Bị, Triệu Tử Long trong truyện Tam Quốc Chí, cách quảng cáo đặc trưng của người Hoa trông rất vui mắt không lẫn vào đâu được.
Quán vắng, Diễm Thanh muốn chọn dịp này để ngỏ ý với A Nữ rằng mình muốn trở về Bắc để lập nghiệp, nhưng khó mở lời.
Thanh mung lung suy ngẫm: Bốn năm qua cô đã gồng mình chạy đua với tâm bệnh để trở lại cuộc sống bình thường. Ngày ngày cô phải uống những bát thuốc đặc quánh, mùi khê nồng đắng khé cả cổ họng, huyệt đạo khắp cơ thể phải nhận hàng trăm mũi kim châm cùng với ngọn lửa đỏ rực từ những cuộn lá ngải cứu thổi phả vào làm bỏng rát da thịt, mỗi lần châm xuyên huyệt Đại trường, hoặc dùng thủ thuật “tòng âm dẫn dương" để hồi phục não bộ khiến Thanh mệt mỏi vô cùng. Nhất là những khi phải sống trong vô thức bởi thôi miên, đạo pháp, đầu cô đau nhói như bị vòng kim cô thít chặt quanh hộp sọ. Chịu đựng như vậy suốt mấy tháng trời ròng rã Diễm Thanh mới thoát ra khỏi trạng thái vô thức đủ tỉnh táo để nghe được những lời lương y truyền giảng thế nào là “hỉ, nộ, aí, ố”, thế nào là "sân, si", để phân biệt đâu là nẻo chính, tà mà đi. Cô càng thấu hiểu lời Ðức Phật dạy: "Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng. Lấy ơn báo oán, oán nghiệp tiêu tan".
Lần thăm mạch cuối cùng, lương y mừng rỡ nói với Thanh: nếu cô biết giữ mình "chay tịnh" trong ba năm, thì sẽ trở lại cuộc sống bình thường như chưa từng bị căn tâm bệnh hiểm nghèo này áp chế. Cô cũng chắng biết lời thầy đúng được mấy phần, nhưng cô vẫn dựa vào đó để mà hy vọng.
Thanh nhấp một ngụm cà phê đắng để thoát ra khỏi suy tư, rồi đưa mắt ngắm vẻ tư lự của A Nữ, cô nói như dò ý:
- A Nữ à! Em định thưa với chị mấy lần mà chưa dám. Nay chỉ có hai chị em mình, em nói thật lòng là muốn trở về quê cha đất tổ để lập nghiệp, xây dựng lại ngôi nhà đổ nát và chăm sóc phần mộ của cha mẹ.
Nguyện vọng của Thanh cũng hợp với suy nghĩ lâu nay của A Nữ, nên hai người tâm sự trải lòng đủ mọi chuyện xa gần, nông sâu, cả việc chồng con tương lai của Diễm Thanh. Lần đầu Thanh kể về cuộc đời khổ nhục của mình trong nỗi nghẹn ngào đau đớn...
*              *             *
Ngày ấy, qua phố Cầu Đuống đứng từ nhà bưu điện nơi có cái cột ăng ten cao ngất ngưởng nhìn sang bên đường là một nếp nhà ngói cổ rêu phong, tĩnh lặng, bao bọc xung quanh bởi giậu cúc tần xén tỉa thẳng tắp. Dàn hoa tigôn ken kín như một bức thảm màu đỏ san hô phủ kín mái nhà, nơi che nắng che mưa cho cô thiếu nữ Diễm Thanh xinh đẹp, thông minh ẩn mình trong con phố nhỏ nửa quê nửa tỉnh này. Ngày mới giải phóng miền Nam, cô tròn mười sáu tuổi, đã  cùng các đàn chị ở làng Ninh Hiệp đem cờ giải phóng vào đổi cho đồng bào miền Nam lấy vàng, lấy khung xe đạp đem ra Bắc bán. Chỉ hơn một năm sau Thanh là người đầu tiên ở phố Cầu Đuống có chiếc xe máy “Cá xanh” được tân trang lại bóng láng, sớm chiều phóng vèo vèo, đôn đáo khắp nơi từ Gia Lâm qua Đình Bảng, từ Bắc Giang về Từ Sơn để gom vỏ bao xi măng, rồi thuê người phân loại: vỏ bao rách bán cho nhà máy giấy Đáp Cầu, phần lành cô thuê người cắt dán thành túi đựng đồ sắt, đồ khô... có thể nói Thanh là người cung cấp chủ yếu bao bì đóng gói cho cả hai khu chợ lớn Đồng Xuân và Bắc Qua. Mấy bà bán bún lươn, cháo gà, bánh cuốn ở chợ kháo nhau nếu được cô Thanh mở hàng thì đắt như tôm tươi, cô luôn được bạn hàng tin cậy, quý trọng. Mẹ cô bảo: Con phải trân trọng và biết ơn những vỏ bao xi măng phế liệu đã cứu giúp gia đình mình và nhiều người nghèo khó khác có bát ăn, bát để. Tuy gia cảnh mẹ goá con côi, quanh năm vất vả nhưng Diễm Thanh đã sống những ngày thật sự hạnh phúc và bình an.
Ở chợ Đồng Xuân có bà Nam Ký, bà nổi tiếng không phải vì có sạp hàng kim khí lớn nhất, mà do bị hỏng một mắt nên có biệt danh là “bà Ký chột”, con người "khẩu thị tâm phi" miệng lưỡi dẻo quẹo, làm ăn chắc lép, lươn lẹo, ăn được của bà một xu cũng không dễ. Thêm nữa, bà mắc bệnh vô sinh nên tính tình càng cay nghiệt, nanh nọc. Bà nhủ lòng "máu loãng còn hơn nước lã" nên đón thằng Bảo con người em ruột chồng về nuôi từ ngày nó còn ẵm ngửa. Lớn lên trong sự kìm tỏa của bà, Bảo rất nhu nhược, thụ động, nói năng thì ấp a ấp úng, chẳng câu nào ra câu nào, học hết phổ thông, cậy cục mãi mới xin được vào lớp kế toán cầu đường, ra trường bị điều động lên tận thị trấn Hát Lót tỉnh Sơn La, sống xa nhà, kham khổ quá không chịu nổi đành trốn về "núp váy mẹ", phụ giúp trông nom cửa hàng bán dây thừng, võng đay ở phố Hàng Chiếu để đổi lấy ba bữa cơm gạo trắng no nê. Đã thế, ông Nam chồng bà ngày trước làm ở Sở dây thép nên được gọi là ông Nam ký cũng chẳng hơn gì, ông "về hưu non", chuyển qua làm kế toán cho hợp tác xã Thủ công Mỹ nghệ, được gần một năm thì bỏ việc. Từ đó, ngày ngày ông nã tiền vợ để đến quán bà Kỳ ở phố Tạ Hiện ôm cút rượu lậu ngồi lì đến tận bữa cơm chiều; nhiều khi còn thả bộ xuống tận quán Thủy Hử phố Ngô Sĩ Liên để bầu bạn với mấy ông nghệ sĩ nghèo. Chính vì vậy mà bà hay ca cẩm: “Tôi chán hai ngữ đàn ông vô tích sự trong nhà này lắm rồi, cầm bằng như không có!".
Từ ngày bà Ký gặp Diễm Thanh ở chợ Đồng Xuân, chẳng bao lâu hai người trở thành bạn hàng quen thân, chả thế mà Thanh cứ giao hàng cho bà Ký có khi tới vài tháng mới thanh toán tiền một lần là thường. Thanh nghe bà Ký dỗ dành ngon ngọt thế nào mà nhận lời về làm dâu nhà bà. Đám cưới của cậu Bảo và cô Thanh có lẽ to nhất phố Cầu Đuống, bà Ký thuê hẳn chiếc xe Vonga đen bóng để rước dâu và đốt tới cả chục bánh pháo. Dân tình kháo nhau, có nhẽ đám cô Thanh chỉ thua mỗi đám cưới con gái nhà cơm tám giò chả Tân Việt ở phố Huế thôi.
Diễm Thanh không thể ngờ rằng những ngày hạnh phúc lại qua nhanh đến thế, đúng là "Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí", giông bão thi nhau ập đến buộc cô phải gánh chịu những nỗi bất hạnh khủng khiếp nhất của đời người. Số là, Thanh lấy chồng gần hai năm mà tịnh không thấy chửa đẻ gì, bà Ký nghi là Thanh "điếc" sẽ không có cháu nối dõi tông đường nên rất sốt ruột, lúc đầu bà còn nói gần nói xa, nhưng đến một chiều nọ, trước bữa ăn bà Ký không nhịn được nữa chỉ vào mặt Thanh lớn tiếng:
- Chị về nhà tôi đã gần hai cái tết rồi mà bụng cứ lép kẹp như con ăn mày năm bốn nhăm. Tôi nói thật nhá, nếu chị mà không đẻ đái được là tôi lấy vợ khác cho thằng Bảo đấy, chị liệu mà ăn ở.
Ngày hôm sau, bà Ký trở mặt ngay lập tức bắt vợ chồng Thanh phải ăn riêng. Bà cho Thanh vài chục bạc để mua quang gánh, bát đĩa, nồi xoong rồi hàng ngày toòng teng gánh bún ốc ra chợ Bắc Qua ngồi bán. Thanh cắn răng chịu nhục, ngày nắng cũng như ngày mưa bán đủ mươi cân bún mới về. Được cái, Thanh nấu ngon, sạch sẽ và tính nết dịu dàng nên bạn hàng trong chợ ai cũng đến ăn ủng hộ. Tuyệt nhiên không ai nhắc nhở đến thân phận cô, ấy là họ thương, đau đớn thay cho cô, điều đó càng làm cho bà Ký điên tiết. Một ngày kia, bà chỉ vào bụng Thanh mà chửi: “Phí tiền mà mua cái loại cá rô đực về nhà, nhìn ngứa cả mắt, từ mai vợ chồng mày về Đuôi Cá mà nuôi nhau, tao không nuôi báo cô mãi được”. Thế là hai vợ chồng Thanh lại đùm díu nhau về Đuôi Cá. Căn nhà trống tuềnh trống toàng. Bà Ký bắt Thanh bán đôi hoa tai để mua cái máy bơm điện làm nghề bơm lốp ô tô. Bà giao hẹn ngày nào cũng phải gánh bốn mươi gánh nước tưới ra đường để chống bụi. Mới ba tháng trời mà Thanh đã gầy xọp hẳn đi. Gương mặt năm xưa đẹp là thế mà giờ đây má thì tóp lại, đen đúa, hai mắt trắng dã vì nắng và bụi. Thanh thương chồng đã vì cô mà chịu khổ lây. Nhưng được cái Bảo rất vô tâm, suốt ngày này qua ngày khác chỉ độc ngồi trên chiến ghế đẩu hết ngóng ra đường lại nhìn vợ làm quần quật chẳng khác gì tù khổ sai.
Cho đến một hôm, Thanh đang bặm môi lấy hết sức để vần mấy cái lốp ô tô cũ vào trong lán, thì đột nhiên bà Ký đi xích lô sầm sầm đến, chưa kịp xuống xe đã tru tréo:
- Cái nhà con Thanh kia, khỏi phải làm nữa! Bà đã giao hẹn rồi, ra tết năm nay mà không đẻ đái được là bà đuổi thẳng cổ. Thu dọn quần áo rồi xéo về Cầu Đuống với con mẹ "tõm" già nhà mày ngay lập tức!
Nói đoạn, bà ký trừng mắt nhìn xoáy vào Thanh, cô như bị thôi miên, bàng hoảng, phủ phục xuống chân mẹ chồng:
- Con lạy mẹ, con xin ở lại dù có làm trâu, làm chó cũng cam lòng, xin đừng đuổi con về. U con đang bệnh nặng, biết chuyện chắc chết mất!
Bà Ký nghiến răng:
- Tôi không dám làm mẹ chị đâu. Tôi chịu vía của chị đã mấy năm rồi. Vía chị đen như chó mực ấy. Tôi nói về là về. Chị biết tính tôi rồi không phải nhiều nhời! Một là một, hai là hai!
Từ ngày Thanh lấy chồng, những lần về thăm mẹ đếm không hết mười đầu ngón tay. Xa con, người mẹ chỉ còn biết ngày ngày cầu trời khấn phật phù hộ độ trì cho con gái bình an vô sự. Thì đùng một cái, Thanh xuất hiện như một con ma đói, tiều tuỵ xác ve. Thanh khóc tức tưởi kể hết sự tình với mẹ. Bà cụ đã chịu nhiều mất mát đau thương, nay tuổi cao lại mắc bệnh hen suyễn nên không chịu nổi cái tin như sét đánh ngang tai, cơn uất hận kéo lên đút nút lấy cổ họng bà, mắt trợn ngược đau đớn nhìn con gái, bà ra đi tức tưởi không kịp nhắm mắt. Chôn cất mẹ xong, Thanh như người mất hồn. Một hôm, khi cô lọ mọ leo lên ghế với tay lau di ảnh của bố thì sợi dây thép bị gỉ sét lâu ngày đứt phựt, khiến tấm kính tụt ra khỏi ván hậu, rơi xuống nền gạch đánh choang một tiếng sắc lạnh, vỡ tan tành. Cô hoảng hốt thét lên một tiếng rợn người, rồi miệng lại há hốc cười một cách man rợ, mắt mở trừng trừng ráo hoảnh. Cô giật mạnh tấm màn xô che hai bên bàn thờ mẹ, nghiến răng xé tan tành. Mảnh kính vỡ khứa vào tay máu chảy ròng ròng khiến cô ngã vật ra sàn nhà ngất lịm. Từ thời khắc ấy, Thanh đã bước vào một thế giới khác - thế giới hư cảm của người điên.
Thanh lau nước mắt rồi nói tiếp:
- Em điên dại có lẽ đến gần một năm thì gặp được anh Khén đem về nuôi. Ân tình cứu mạng của anh chị sâu nặng suốt đời em không thể trả nổi.
A Nữ rưng rưng hai hàng lệ, không nói thành lời chỉ lặng lẽ gật đầu. Những tâm tư tình cảm ẩn sâu trong tâm can Thanh nay được sẻ chia để chị em hiểu nhau hơn, những phiền muộn dường như vơi cạn, lắng xuống, tiêu tan. Nhịp sống đô thị đã đưa họ trở về thực tại, vỡ òa hạnh phúc. Thanh nhấp một hớp cà phê như để lấy thêm can đảm, rụt rè nói trong xúc động:
- Chị à, hôm nay em đã nói hết những điều thầm kín nhất trong lòng em để chị nghe rồi đó. Xin chị nói với anh Khén cho em về Bắc lập nghiệp và chăm sóc phần mộ cha mẹ.
Chung Tư Nữ nắm chặt đôi bàn tay mềm mại của Thanh như truyền hơi ấm sang cho em gái, chị nói chân tình:
- Thanh à, ở với nhau ngần ấy năm, bây giờ chị mới thật sự hiểu em. Đối với em, chị không tiếc chi hết. Em muốn sao chị cũng chiều, mặc dù chị không muốn chúng mình xa nhau...
"Được lời như cởi tấm lòng", biết A Nữ đã thuận ý, thuận tình cho mình về Bắc thì trong lòng Thanh mừng vui không sao tả xiết. Hai chị em say sưa bàn bạc về chuyến hồi hương. Thanh bất ngờ khi nghe A Nữ nói đã để dành mấy chục cây vàng cho cô làm lưng vốn, và còn chuẩn bị cho cả một xe hàng giúp Thanh khởi nghiệp, trong lòng cảm kích vô cùng, đúng là trong mơ cô cũng không dám nghĩ đến. Thoáng đã quá trưa, hai chị em tay trong tay thanh thản ra khỏi tiệm cà phê hòa vào dòng người hối hả của thị thành…
Mấy hôm nay rảnh rang nên Khén đi nhậu từ sớm, anh về nhà đã ngà ngà say, chưa thấy ai về, anh thả mình xuống sofa trong phòng khách có ý chờ vợ và Diễm Thanh. Anh chậm rãi nhâm nhi từng ngụm rượu Whisky Scotch với hạt điều, chiều phố buồn chợt nắng, chợt mưa như hôm nay quả là lãng mạn. Gian phòng bỗng ngan ngát hương thơm quyến rũ, Khén tựa lưng vao sofa, mắt lim dim chìm trong mơ hồ, khứu giác như cảm nhận đâu đó mùi da thịt của Diễm Thanh, gương mặt anh rạng rỡ hạnh phúc...
Hai chị em mỉm cười nhìn Khén mơ màng ngủ mà tay vẫn giữ chặt li rượu. Thanh mở tủ lấy một cốc nước lạnh đem lại đặt vào tay Khén, nói như nịnh:
- Anh uống chút nước mát cho giã rượu nè!
Khén vỗ nhẹ vào những ngón tay thon thả, mềm mại của Thanh, như có một luồng điện chạy trong cơ thể, cảm giác đê mê ngọt ngào như quyện vào men rượu, rạo rực mơ hồ, bồng bềnh đưa anh vào giấc ngủ dịu êm.
A Nữ đưa chìa khóa xe Honda để Thanh về Sài Gòn đăng ký vé máy bay chuẩn bị cho chuyến Diễm Thanh trở về quê cha đất tổ. Thanh mỉm cười nhìn A Nữ dịu dàng âu yếm bên chồng, cô tinh nghịch nháy mắt về phía chị, hai người đàn bà như đọc được ý nghĩ của nhau. Thanh gật đầu tán thưởng rồi bấm khóa đóng cửa phòng khách... A Nữ ngồi sát bên chồng, âu yếm đỡ ly nước lạnh trên tay Khén đặt xuống bàn, men rượu quyện với hương thơm đầy khiêu khích và quyến rũ của A Nữ khiến Khén dâng tràn cảm xúc, anh mơ màng như đang ôm thật chặt Diễm Thanh vào lòng. Anh hôn môi nàng, cởi nút áo rồi mộng mị úp mặt vào cặp vú căng tròn, thơm phức... cảm giác ân ái mới mẻ và mãn nguyện như chưa từng được tận hưởng bao giờ. A Nữ thỏa thê đón nhận hạnh phúc mặc kệ bên tai cô tiếng chồng thì thầm gọi tên Diễm Thanh, Diễm Thanh...
*               *              *
Có thể nói đây là một cuộc trở về vô cùng ngoạn mục làm thay đổi cuộc đời một phụ nữ bất hạnh, truân chuyên nhưng cũng đầy may mắn, hạnh phúc. Cuối năm 1993, Diễm Thanh đáp máy bay từ sân bay Tân Sơn Nhất xuống Nội Bài. Lâu lắm cô mới lại được hưởng cảm giác lâng lâng, lạnh buốt của mùa đông xứ Bắc, cứ như xoa nước đá lên da thịt vậy, gió miên man lùa vào chân tóc, thấu đến tận cùng nỗi trống vắng không tên trong lòng người con tha hương. Bao mùa đông xa cách, cô chưa một lần trở lại thăm phố cũ, người xưa nên trong lòng cứ bứt rứt, bồn chồn không yên.
Diễm Thanh đằm thắm, đoan trang trong bộ véc màu hạt dẻ, cô nhanh nhẹn kéo chiếc vali sang trọng nhãn hiệu American lên taxi về khách sạn Hà Nội. Chiến theo xe hàng ra Bắc cũng đã có mặt ở điểm hẹn, anh ôm chiếc cặp xăm-xô-nai đựng vàng bạc tư trang của Thanh vào lòng như ôm chặt niềm hi vọng của cuộc đời. Anh bồi hồi nhớ lại cuộc gặp gỡ bất ngờ như "định mệnh" của Chiến với Diễm Thanh khi anh mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn lập nghiệp. Số phận đưa đẩy hai cuộc đời sáp lại thành đôi, chẳng bao lâu sau họ đã trở thành người thân duy nhất của nhau nơi đất khách quê người. Chiến từ một anh tài xế lái xe thuê, công việc bấp bênh, nay đây mai đó, anh đã có trong tay chiếc xe tải hiệu HINO để bươn chải khắp từ Nam ra Bắc, cuộc sống khấm khá dần nay cũng muốn tìm về bến đỗ. Diễm Thanh đã là thành viên chủ chốt trong một gia đinh thương nhân Hoa kiều nổi tiếng ở Chợ Lớn. Ông Tơ bà Nguyệt cũng khéo xe duyên cho hai cuộc đời tưởng như cách biệt ấy lại trở thành đôi vợ chồng nhất mức thủy chung.
Bẵng đi mấy năm tưởng như mất tích, Diễm Thanh bỗng dưng xuất hiện như một điều kỳ diệu chưa từng xảy ra ở con phố nhỏ ven sông Đuống này, người quen, kẻ lạ ngơ ngác, hoài nghi rồi cùng vỡ òa trong niềm vui chung của bà con lối phố. Ngày trở về thật ấm lòng trong tình yêu thương của quê hương họ tộc. Mọi chuyện buồn vui cũng đành phải xếp lại trước bao công việc bộn bề. Diễm Thanh dành hơn một tháng để sửa lại căn nhà cũ đổ nát sau nhiều năm vắng chủ. Thuê thêm mấy trăm mét đất phía sau để dựng khung thép làm nhà kho, là nơi sản xuất bao bì của mấy chục con người. Rồi cô lo sang cát cho mẹ về quê theo ý nguyện của bà "sống quê cha, chết làm ma quê chồng". Cô thuê người dựng rạp làm mấy chục mâm cỗ để mời xóm phố, bạn bè thay lời cảm ơn sự quan tâm của họ đã giúp đỡ mẹ cô trong những ngày cuối đời đau yếu. Chiến đứng ra lo toan chu đáo mọi bề. Có lưng vốn và kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh nên chỉ sau ba tháng Diễm Thanh đã xây dựng được một tổ hợp sản xuất kinh doanh bao bì đáp ứng được cơn khát của thị trường. Thanh tìm lại bạn hàng cũ đã từng gắn bó với cô một thời hoàng kim, rồi mở rộng việc thu gom vỏ bao xi măng đến từng hộ gia đình, vì vậy mỗi khi nắng ráo tất cả các gò đống, chân cột điện cao thế dọc đường từ Cầu Đuống đến Từ Sơn bát ngát, mênh mông toàn vỏ bao xi măng...Ngôi nhà cũ năm xưa được thay bằng căn nhà đúc ba tầng đẹp nhất phố Cầu Đuống trước cổng treo trang trọng tấm biển hiệu cỡ lớn còn thơm mùi sơn "TỔ HỢP SẢN XUẤT BAO BÌ DIỄM THANH" như một dấu son của cuộc đời doanh nhân thành đạt. Vợ chồng Diễm Thanh hiện là chủ một cơ sở sản xuất lớn, đủ sức cung cấp gần như toàn bộ bao bì đóng gói cho các chợ Đồng Xuân, Cầu Đông, Bắc Qua và nhiều chợ khác của Hà Nội. Con dấu đỏ khắc hai chữ "Diễm Thanh" đóng ở bao bì đã trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường mà không phải ai cứ muốn là được.
Ngẫm câu: "Trời cao có mắt, lưới Trời lồng lộng, thưa mà không lọt" nên Thanh thề sẽ chôn chặt câu chuyện địa ngục chốn trần gian khi về làm dâu bà Ký, lại càng không muốn nhắc đến người mẹ chồng cay nghiệt, bất nhân bất nghĩa đã đày đọa đời cô. Nhưng ở đời chuyện xấu lại truyền nhanh hơn vết dầu loang. Bởi vậy, mỗi lần vợ chồng Thanh về Hà Nội thu tiền hàng là chuyện nhà bà Ký bị quả báo cứ sang tai cô, muốn tránh cũng không được. Mở miệng ai cũng thốt lên đúng là: "Voi một ngà, đàn bà một mắt", bà Ký có lẽ là người mẹ chồng ngoa ngoắt, ác độc có một không hai trên đời. Sau khi bà đoạn tuyệt, đuổi con dâu hai bàn tay trắng ra khỏi nhà chồng, rồi tưởng "vớ bẫm" được con nhà giầu nên vội vã cưới ngay cho Bảo cô vợ mới, mắt xanh mỏ đỏ, suốt ngày son phấn lòe loẹt, có cái tên rất kêu là Thúy Khuê con út của chủ tiệm vàng Tất Khuê ở Ngã Tư Sở. Cô nàng chưa chồng mà đã có đứa con gái lớn tướng, cong cớn, õng ẹo giống hệt mẹ nó. Bà Ký chờ đỏ con mắt suốt năm năm mà tịnh không thấy nàng dâu chửa đẻ gì, nên đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" nuôi báo cô hai mẹ con Khuê như vỗ béo cặp heo nái, chỉ biết mỗi một "nghề" ghi số đề, mà nợ nần cứ như Chúa Chổm. Tệ hại nhất là từ khi ả ta máu mê đánh "Bạc ruồi"; chưa đầy một năm đã phá tan hoang cái cửa hàng vàng ở Ngã Tư Sở của bố mẹ đẻ. Khi ông bà ngoại biết chuyện con gái quý tử ăn cắp hộ khẩu và giấy tờ nhà đem cầm cố cho chủ nợ thì sự tình đã quá muộn; nếu kiện tụng tranh chấp với dân anh chị, cờ bạc có khi còn gây ra án mạng nên ông bà đành về quê để phó thác tuổi già "nơi chôn nhau cắt rốn". Hai thân già đã ngất xỉu khi nghe cô con gái thao thao bất tuyệt nói về cách đánh "bạc ruồi". Cách chơi thật dễ dàng, chóng vánh. Khi tụ tập được dăm ba người có máu mặt, trong túi ít nhất phải có vài chỉ vàng, cùng hẹn nhau đến một quán bán nước hoặc cà phê bình dân, ngồi uống nước như bạn bè gặp nhau thông thường để tránh bị thóc mách. Mỗi người cầm trên tay một chiếc đũa, đầu đũa được mút nước bọt, hặc quết chút đồ ăn tùy cách chọn "mồi" của con bạc. Sau khi người cầm cái hô 1-2-3, mọi người cùng chìa cây đũa ra trước mặt, đợi đến khi may mắn trong số họ có một con ruồi bu vào đầu đũa thì người đó thắng cuộc. Mức chơi thông thường là mỗi con ruồi, chung một chỉ. Nếu mười người chơi thì con ruồi trị giá đến một cây vàng. Cô ả Thúy Khuê say mê, cay cú "bạc ruồi", ngày qua ngày, khi thắng khi thua, mà chỉ chưa đầy một năm, không những mấy chục cây vàng cùng với cửa hàng vàng Tất Khuê đã tiêu tan thành mây khói mà ả còn nhẫn tâm cướp luôn cả nửa cơ nghiệp nhà bà Ký Chột. Cửa hàng ở phố Hàng Chiếu ngày xưa giầu có là vậy, hàng họ chất đầy lên tận trần nhà, kẻ bán người mua nhộn nhịp nhất hàng phố mà giờ đây phải ngăn đôi bán đi một nửa để trả nợ, chủ mới đã xây tường ngăn để giữ đất. Nửa phần còn lại là cửa hàng của bà Ký bây giờ vắng lạnh, tối om, hàng hóa lưa thưa vặt vãnh chỉ có vài ba bó bao tải cũ, bìa các-tông... phía trên treo lủng liểng mấy cái võng đay, dăm cuộn dây thừng, sợi ngắn sợi dài ngoằn ngèo trông rợn cả người. Bà Ký gầy guộc nhỏ thó, tàn tạ ngồi bó gối thu lu trên chiếc tràng kỷ mốc meo kê chặn lối ra vào giống con chó đá canh cửa nơi miếu hoang vậy, đêm ngày mất ăn mất ngủ nơm nớp lo sợ con vợ thằng Bảo bất ngờ xuất hiện như cái bùi nhùi bỏng lửa lăm le thiêu rụi mớ tài sản cuối cùng mà bà chắt bóp, dành dụm cả một đời…
Thời gian trôi đi không còn dư thanh của những ngày xưa cũ, dân phố đầu cầu cũng đã quên hẳn câu chuyện thương tâm về một người đàn bà điên che thân bằng cái vỏ bao xi măng hay chặn xe qua đường quấy nhiễu. Và cũng ít ai biết rằng giờ đây người đàn bà bất hạnh ấy đã trở thành một doanh nhân thành đạt nổi tiếng khắp vùng. Ngôi nhà cổ năm xưa của cha mẹ giờ đây được thay bằng căn gác ba tầng bề thế với giàn hoa tigon rực màu hồng thắm, kiêu sa như chính cái tên của nó. Diễm Thanh cùng chồng con đang sống những ngày yên bình trong hạnh phúc ấm êm.
Hà Nội 2015
           Đ.Q.T/NVTPHCM
------------

4 nhận xét:

  1. Chuyện hay, có hậu. Tôi tin có luật NHÂN QUẢ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Luôn có luật đó NS ạ. Và nay chúng ta đang cố chiến đấu để có quả ngọt cho con cháu sau này.
      Tôi đã cắt đứt quan hệ với những người bạn hay cho rằng "chẳng thay đổi gì được đâu. Cứ sống qua ngày..."? Có 1 tên, khi bị thành dân oan, không ai giúp đỡ (mackeno), thì trắng mắt ra!... Nhân quả đó - sống sao được vậy.
      Bọn tham nhũng đang sắp phải gánh nhân quả, mà vẫn ảo tưởng "sống muôn năm"?

      Xóa
    2. Câu chuyện rất hay. Ở hiền sẽ gặp lành.

      Xóa
  2. Cảm ơn các vị: NSƯT Kim Chi, Nặc danh, nacdanh...đã đọc Truyện ngắn "Diễm Thanh" của tôi - Xin cảm ơn http://bongbvt.blogspot.com và các vị đã qun tâm - Tác giả Đinh Quang Tỉnh - Ba Tỉnh (batinh.com)

    Trả lờiXóa