Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Miên man chuyện LỄ TANG TƯỚNG GIÁP


          * VÕ VĂN TẠO 
Gần 24 giờ sau khi đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng tại Quân y viện 108 (18h09 ngày 4-10-2013, theo Võ Hồng Nam - con trai út ông), rất nhiều lão thành cách mạng, cựu chiến binh, trí thức và người dân rốt cuộc cũng nhẹ nhõm. Cuối chiều 5-10, một số báo điện tử nhà nước đưa tin: Văn phòng TW ĐCSVN vừa ra thông báo, sẽ tổ chức theo nghi thức quốc tang trong 2 ngày 12&13-10.
Trừ những người có quan hệ thân thiết với gia đình và thư ký tướng Giáp, phần lớn người biết sớm tin ông từ trần nhờ các hãng thông tấn nước ngoài kịp thời đăng tải. Các báo quốc doanh, phần sợ bị “trên” quở phạt, buộc “bóc” xuống như vụ cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần(!), phần bị chỉ đạo chờ “nhạc trưởng” TTXVN(!) “vung đũa”, ít nhiều đều có phần chậm trễ.
Rất chuyên nghiệp, các hãng thông tấn nước ngoài hiểu, thông tin tướng Giáp, lẫy lừng danh tiếng thế giới, tạ thế ở tuổi ngoài bách niên, đặc biệt thu hút công chúng, không chỉ tại Việt Nam. Với báo giới, đó là sự kiện lớn, là tin “sốt”, đăng trước là thắng. Điều đó không phải nhận định chủ quan. Thực tế, hầu hết các báo, tạp chí lớn và có uy tín trên thế giới đều kịp thời đăng trên trang nhất, tin, bài, ảnh lớn nhân sự kiện tướng Giáp từ trần.
Liền đó, vấn đề nhiều người quan tâm là câu hỏi: “Việt Nam sẽ tổ chức tang lễ ông theo nghi thức nào? “Quốc tang” hay “tang lễ cấp Nhà nước”? Đó cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm từ dạo tướng Giáp tròn trăm tuổi. Sau tin ông từ trần, một vài báo nhà nước mon men đề cập, nhưng cũng chỉ dám đăng lại quy định tại Nghị định 105. Theo đó, tướng Giáp, chỉ kinh qua chức vụ cao nhất là Phó Thủ tướng thường trực, nếu Bộ Chính trị không quyết, sẽ chỉ tổ chức tang lễ theo nghi thức cấp Nhà nước.
Trong tâm tưởng công luận trong và ngoài nước, về những yếu nhân của thể chế Việt Nam đương đại, Võ Nguyên Giáp liền kề Hồ Chí Minh. Và khoảng cách giữa hai người với các yếu nhân khác là quá xa. Tang lễ ông, nhất định phải là quốc tang, quốc tang đặc biệt.
Hãy tạm gác sang một bên, quan điểm của một số người đánh giá công - tội của tướng Giáp đối với đất nước và động thái nhẫn nhục đến lạ lùng của ông trước nhiều lãnh đạo cấp cao nhiều nhiệm kỳ. Lịch sử - như tướng Giáp nói nhân 30 năm Điện Biên Phủ - “giống như chậu bột sắn dây. Vừa mài xong mà thọc tay xuống, chỉ lõng bõng những nước. Để lắng ít bữa, bột ra bột, nước ra nước”. Xã hội luôn là thế, mỗi người mỗi nhãn quang, mỗi thái độ phục thiện và ở các điều kiện, hoàn cảnh, thời đại khác nhau, hậu thế sẽ còn tranh cãi, phán xét.
Dưới con mắt đa số công chúng trong và ngoài nước tán thành chiến tranh giành độc lập dân tộc, tướng Giáp là tượng đài lẫy lừng. Rất nhiều tướng lĩnh, chính khách tên tuổi khắp thế giới, kể cả đối phương một thuở, bày tỏ lòng khâm phục và kính trọng ông như danh tướng vĩ đại số 1 của Việt Nam, của châu Á, của thế giới, của thế kỷ XX và của mọi thời đại, hãnh diện đã có dịp thăm, đàm đạo và chụp ảnh cùng ông.
Trở lại thông báo tổ chức tang lễ tướng Giáp. Căn cứ Nghị định 105/2012 ngày 17-12-2012, tang lễ ông do Bộ Chính trị (xem xét) quyết định (thông thường, quốc tang chỉ dành cho người đứng đầu 4 tổ chức: Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Ông chỉ là Phó Thủ tướng, nếu Bộ Chính trị không quyết, sẽ chỉ theo nghi thức cấp Nhà nước). Như vậy, quyết định tổ chức quốc tang tướng Giáp, Bộ Chính trị làm đúng chức năng và thẩm quyền, cơ bản hợp lòng dân và đa số công chúng.
Nói cơ bản vì rất nhiều người lấy làm tiếc khi tang lễ ông sẽ chỉ diễn ra chính thức trong 2 ngày (tuân thủ quy định về quốc tang tại Nghị định 105). Ngày 12 viếng. Ngày 13, sau lễ truy điệu bắt đầu lúc 7 giờ sáng, đã phải lo di quan về quê nhà mãi tận Quảng Bình để kịp an táng trong ngày. Tướng Giáp là một trường hợp hết sức đặc biệt, chỉ những đoàn viếng theo nghi thức của các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, ban ngành và địa phương, đã khó đủ thời gian. Rất đông lão thành cách mạng, tướng lĩnh, đồng đội, người dân và bạn bè quốc tế thật lòng muốn đến nhìn mặt ông lần cuối tại nhà tang lễ ở Hà Nội, khó có cơ hội. Sẽ hợp lý hơn, nếu tang lễ ông  thêm 1-2 ngày, không quá cập rập đến vậy. Hơn 2 ngày là “phá lệ”. Nhưng có lẽ sau ông, Bộ Chính trị có muốn “phá lệ”, cũng chẳng còn ai. Có người bảo, “phá lệ” gây phật ý mấy vị “đa, đề” vẫn hậm hực nhìn ông như cừu địch. Chẳng biết có đúng vậy không? Nhưng  nếu “phá lệ”, có lẽ sẽ được tuyệt đại đa số lão thành cách mạng, tướng lĩnh, quân nhân, người dân và bạn bè quốc tế hoan nghênh (dù truyền thông phải hoãn vui chơi, giải trí). Điều đó chắc chắn sẽ giúp Bộ Chính trị cũng như Đảng CSVN lấy lại phần nào thiện cảm.
Những ai biết những khúc mắc éo le trong cuộc đời tướng Giáp, mới hiểu phần nào ý nghĩa của của quyết định quốc tang. Theo Nghị định 105, tang lễ tướng Giáp không đương nhiên tổ chức theo nghi thức quốc tang. Rất có thể, sau ông, một vài vị khác, tuy không thuộc diện “tứ trụ triều đình”, nhưng cũng sẽ được tổ chức tang lễ theo nghi lễ quốc tang. Nhưng có lẽ, với những trường hợp ấy, Bộ Chính trị sẽ dễ quyết hơn.
Sinh thời, tướng Giáp được đa số đồng chí, đồng đội, cán bộ và nhân dân yêu mến, kính trọng. Nhưng ông cũng bị không ít kẻ ganh ghét, hiềm tị, vu khống (“con nuôi một tên thực dân”, “bị CIA mua chuộc”!), oan khiên thấu trời xanh. Nhiều chục năm, ông bị nhiều lãnh đạo, tướng tá hãm hại hay hèn hạ và cơ hội sợ liên lụy, xa lánh một cách quá tệ bạc, nhiều trường hợp đến thô bỉ. Bị bạc đãi là thế, nhưng ông lại rất có ý thức bảo vệ đồng đội, cấp dưới. Người viết bài này chứng kiến, dịp 1984-1985, tướng Giáp vào Nha Trang dự Hội nghị khoa học toàn quốc tại Khách sạn Hải Yến. Giải lao, có vị sư đoàn trưởng ở địa bàn ngỏ lời mời ông thăm đơn vị. Ông chân thành cảm ơn, nhưng từ chối khéo, nói “không muốn gây phiền phức cho anh em”.
Một cách ôn hòa và kiên nhẫn, nhiều lần tướng Giáp gửi đơn đến Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Bộ Chính trị và BCH TW Đảng, yêu cầu xác minh và xử lý, đều vô vọng. Về chuyện này, lãnh đạo Đảng còn mắc nợ ông, mắc nợ quân đội và nhân dân. Nhiều người xem quyết định tổ chức tang lễ ông theo nghi thức quốc tang như một động thái “sửa sai” nho nhỏ và muộn màng của Bộ Chính trị.
Chẳng biết trong những ngày này, có ai trong Bộ Chính trị và lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu tự vấn: để vị đại tướng bậc nhất trung thần ra đi, ôm theo mối oan khiên tột cùng cùng trĩu nặng ưu tư thế sự, mình có phần trách nhiệm?
Nhiều người nghĩ cuộc đời tướng Giáp là tấn bi kịch lớn. Ông từng thống lĩnh QĐNDVN đánh bại nhiều đạo quân sừng sỏ, danh tiếng lẫy lừng 5 châu lục, nhưng lại thất bại trước “đồng chí” và “tổ chức”. Nhưng có vẻ như trong “trận đánh cuối cùng”, ông lại thắng, khi trước lúc nhắm mắt xuôi tay, kịp quyết định sẽ trở về với người dân bình dị nơi quê nhà. “Quan nhất thời, dân vạn đại”, chỉ có đất nước, quê hương và nhân dân mới là điều quan trọng và vĩnh cửu.
Phải, chưa nói đến cái tầm, ở Mai Dịch hay Nghĩa trang quốc gia mới xây, có mấy người đích thực cùng cái tâm như ông? Có ai được nhân dân, công chúng trong và ngoài nước kính phục và tưởng nhớ như ông?
V.V.T.
--------------
(From: Bản thảo tác giả gửi BVB)
--------------
* Tác giả Võ Văn Tạo bổ sung tư liệu liên quan:
Chi tiết “quên” trong tiểu sử tướng Giáp
Báo Tuổi trẻ ngày 6-10-2013, trên trang 3 đăng tiểu sử đại tướng Võ Nguyên Giáp, bên dưới bài đăng có dẫn nguồn Thông tấn xã Việt Nam. Toàn văn tiểu sử khá tường tận, từ khi còn là cậu học sinh 14-15 tuổi, đến các chức vụ qua từng giai đoạn. Giai đoạn cuối cùng (tháng 4 năm1981 đến tháng 12 năm 1986) ghi: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, có chi tiết trong giai đoạn này bị… “quên”. Đó là năm 1983, vị đại tướng lẫy lừng thế giới của Việt Nam còn “được” phân công kiêm nhiệm chức… “Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch”!
Tương tự câu chuyện Tề Thiên Đại Thánh, 72 phép thần thống biến hóa, bị giao chức Bật Mã Ôn (quan coi ngựa) trong Tây Du Ký, việc tướng Giáp bị giao coi ngó cái vụ… đặt vòng sinh đẻ, gây bức xúc xã hội, trong ngoài đàm tiếu. Nhiều lão thành cách mạng và tướng lĩnh tên tuổi coi đây là việc cố tình hạ nhục đệ nhất công thần khai quốc đức tài hiếm có. Không ít kẻ chê tướng Giáp quá hèn cam chịu. Cũng chẳng ít người coi việc ông tuân thủ vụ giao “đểu” việc như vậy là ý thức chấp hành sự phân công của Đảng, đặt lợi ích đại cục trên hết. Nhiều người cho rằng, đây là biểu hiện cự thể và rõ nét thái độ ganh ghét tị hiềm của mấy chóp bu đối với vị tướng có uy danh quá lớn. Coi đây là một sai lầm tệ hại đáng xấu hổ trong công tác tổ chức của Đảng, họ thật sự lo ngại cho Đảng, cho nhân dân và đất nước, khi lãnh đạo cấp cao chỉ lo giữ miệng, chóp bu tiểu nhân lộng hành như Triệu Cao (*) xứ Tàu thời Tần Nhị Thế.
Lịch sử là lịch sử. Sự thật là sự thật. Lẽ ra, chẳng nên “ém” chi tiết cực kỳ bi hài này như vậy, ngõ hầu họa chăng hậu thế có thể tránh được vết xe đổ?
V.V.T
-----------------
(*): Theo Sử ký Tư Mã Thiên: Triệu Cao làm Thừa tướng, lộng hành tới mức đem hươu để trước mắt vua và đại thần, nói đây là ngựa. Hầu hết đại thần phải nói theo là ngựa. Tần Nhị Thế nghĩ mình bị loạn óc, nhìn ngựa lại hóa hươu.
Tiểu sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp
            (Nguồn: Tuổi Trẻ, 6-10-2013, tr3 - Theo TTXVN)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp , tên khai sinh Võ Giáp, bí danh: Văn.
Sinh ngày 25-8-1911, tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Từ 1925 đến 1926, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào học sinh ở Huế; năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1930, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1936, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên các báo của Đảng: Báo Lao động, Báo Tiếng nói chúng ta, Báo Tiến lên, Thời báo Cờ Giải phóng.. . Đại tướng Võ Nguyên Giáp  được cử làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ.
Tháng 6-1940, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; được Đảng cử ra nước ngoài gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Năm 1941, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng.
Tháng 12-1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tháng 4-1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Từ tháng 5-1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân; tháng 6-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng.
Tháng 8-1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 3-1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10-1946, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. Tháng 01-1948, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam .
Tháng 02-1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Từ tháng 9-1955 - 12-1979, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tháng 9-1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương; được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 12-1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương; được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V và lần thứ VI của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.
Từ tháng 01-1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4-1981 đến tháng 12-1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).
Đồng chí liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.
Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.,.
-----------------

16 nhận xét:

  1. La nhung nguoi song o nuoc ngoai -chung toi luon tu hao la nguoi VN -dat nuoc da sinh ra mot Dai tuong vi dai .vi o nuoc ngoai nguoi dan ho chi biet VN la ong HO ,ong GERENA GIAP(Tuong Giap).Ong that vi dai vi da tro ve noi chon giau cat ron cua minh khi la nguoi thien co.Ong la nguoi huyen thoai la the -ong khinh bi nhung phu du gia tao ma bon mat mo dang ron ron tu cao tu dai.

    Trả lờiXóa
  2. ĐẠI TƯỚNG của DÂN về với DÂN
    Nghĩa trang Mai Dịch táng "Công thần"
    Ồn ào, chen chúc mà cô quạnh
    Sao bằng ấm áp giữa người thân ?!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nằm ở Mai Dịch cho ông Lê Duẩn và các đệ tử của ông ta đã 'dìm ép' ông Giáp vào hùa với nhau truy sát tiếp à? "Quê hương là chùm khế ngọt..." Quảng Bình quê ta....rằng có đắng cay nên mới có ngọt bùi...

      Xóa
  3. General Võ Nguyên Giáp về quê nhà nằm cho ấm áp, sớm hôm lúc nào cũng có nén nhang thắp nghi ngút. Cầu cho linh hồn của Ngài được siêu thoát.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi! Một cựu chiến binh (Thế hệ cháu của Đại tướng) thấy chút ấm lòng sau khi đọc bài này
    Ông đã thắng những thế lực quân sự hùng mạnh, hiện đại của thời đại, ông bó tay trước "Đồng chí và Tổ chức" những ông không thua chúng. Sự nhẫn nhịn đến không tưởng của một nhà quân sự, một công thần quốc gia càng làm phơi bày bộ mặt nhơ nhuốc bẩn thỉu của những kẻ nhiều năm ròng hãm hại ông. Càng đau cho ông, tức thay cho ông người dân càng nhận rõ bộ mặt của chúng.
    Trong lòng dân, ông đã thành Thánh như (Đức Thánh Trần). Cũng như triệu triệu người dân, chũng tôi đang chờ đợi chứng kiến tang lễ ông. Những gì sẽ diễn ra ở Hà Nội, dễ tưởng tượng thôi nhưng những gì sẽ thấy ở Quảng Bình và mộ ông sẽ thế nào (Không quan trọng về hình thức nhưng những ai sẽ đến và sẽ đến ).Những người cựu chiến binh, những người Việt yêu nước dường như sắp có một địa điểm để quần tụ.
    Hỡi những kẻ đã hãm hại ông, hãy mở to mắt ra mà nhìn mà hiểu (điều các ngươi vẫn ra rả nói) LÒNG DÂN là gì. Những kẻ đã khuất hãy cứ ở cai nơi mà sinh thời các ngươi đã dùng mọi thủ đoạn đê hèn để chiếm lấy. Những kẻ còn đang sống hãy mở to mắt ra mà xám hối.
    Tôi ước mơ và tôi ti rằng mộ ông sẽ thành điểm đến tâm linh cho toàn dân. Bổng lộc dân dành cho ông sẽ trường tồn mãi mãi...
    Những tượng đài lăng tẩm sẽ có ngày thay đổi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hỡi những kẻ đã hãm hại ông, hãy mở to mắt ra mà nhìn mà hiểu! Linh hồn của Đại tướng đang cầm quân đi trừng trị chúng mày!

      Xóa
  5. "Có vẻ trận đánh cuối cùng ông lại thắng"... nhận định chuẩn !
    Khi có tin ông di huấn hãy an táng ông ở quê nhà , ông nội tôi cười : - Cụ ghê thật ! đếch làm hàng xóm với các"đồng chí" Mai Dịch.Rồi biết đâu , với "tầm nhìn" của các thế hệ "cán bộ chiến lược" tương lai , họ lại chẳng giải tỏa Mai Dịch như nghĩa trang Cồn Dầu để "pháp triển quỹ đất" . Hoặc giả,thế thời thay đổi thì Mai Dịch sẽ ra sao ? Hãy nhìn gương nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ,nghĩa trang quân đội Biên Hòa ...của chế độ Sài Gòn thì rõ.

    Trả lờiXóa
  6. Xin Vĩnh Biệt Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Kính Yêu!!!

    Cầu mong Đại Tướng phiêu diêu miền cực lạc và hy vọng rằng Đại Tướng sống khôn thác thiêng phù hộ cho Nhân dân, cho Dân tộc Việt Nam sớm thoát khỏi vũng bùn của bọn quan tham
    nhũng đang ngày đêm đục khoét đất nước, bán nước, hại dân!

    Xin được nghiêm cẩn cúi đầu trước vong linh Đại Tướng, trước quyết định an táng tại quê nhà rất "hợp thời đại", rất hợp lòng dân của một vị ĐẠI TƯỚNG DUY NHẤT MỌI THỜI ĐẠI LẪY LỪNG THẾ GIỚI CỦA VIỆT NAM!!!

    Xin chia buồn cùng gia quyến Đại Tướng và cùng Nhân dân Việt Nam!

    Trả lờiXóa
  7. Quyet dinh chon noi an nghi cuoi cung o que nha cua dai tuong Vo Nguyen Giap that sang suot.Ong khong muon nam chung voi von gia ao tui com.
    Neu ong nam o Mai Dich thi that mia mai khi sau nay ben canh ong tham chi o hang tren lai la mo Nong Duc Manh .Nhu vay chang khac dat mot vi nhan ben canh thang dan don an cap va di duc.Toi cu nghi den chuyen to chuc quoc tang Nong Duc Manh ma tom.Ai chu toi thi dut khoat khong danh cho han du chi mot pham ngan day mac niem.

    Trả lờiXóa
  8. Do Muoi cung vay.Thang cha nay
    An thit cho
    Mo lon tre
    De con trai
    Tuoi chin hai
    Cai mom noi lao noi dai
    Cai dau mit dac cai tai diec loi
    Han ma chet to di coi
    Bat cu to dai cho boi no rung

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lê Phong Khuê - CCBlúc 07:20 7 tháng 10, 2013

      Kiểm lại, cho thấy: Đỗ Mười tình khí nóng nảy, trình độ yếu, to mồm "cả vú lấp miệng em", làm theo ý mình khi có quyền lực, bất cần ai.. Bịt mồm người ì nào nói trái ý , thậm chí hại đồng chí nếu không hợp ý hợp phe cánh, nếu có nguy cơ tranh cử mạnh thế hơn.. Lãnh đạo đảng, , nhà nước mà có những vị như thế.....dân khổ, oan khiên nhiều, bất công phát sinh,thời bĩ kéo dài!

      Xóa
    2. Chính là ông đỗ 10 đã phá tan hoang nền kinh tế miền Nam cả nông nghiệp và công nghiệp trong cuộc cải tạo công thương sau 1975. Nhờ ơn của ông 10 này mà cả nước đói khát, nền kinh tế bị kéo lùi khoảng 10 năm. Đang còn ngồi đó chờ đi Mai Dịch.

      Xóa
  9. Biết một mà không biết mười,chuyện của đại tướng phải là người tronh cuộc mới hiểu được,xin đơngf thổi phồng đại tướng nữa

    Trả lờiXóa
  10. Có thể Nhân dân ko biết hết về hiện tượng ,nhưng hiểu và đánh giá được hiện tượng chỉ có NHÂN DÂN.
    Do vậy Nd08:33 đừng có úp úp ,mở mở như vậy , đến oan như Nguyễn Trãi mà thời gian và Nhân Dân còn lấy lại được công bằng cơ mà .
    Mà thôi , ko cần " biết " nữa vì Ông Tướng của nhân dân thọ hơn trăm tuổi đó là Phúc ấm của Tổ Tiên , của Đất nước rồi , chẳng cần một cái " biết " nào nữa ./.

    Trả lờiXóa
  11. Kinh can nghieng minh truong vong linh DAI TUONG-vi TONG TU LENH DAU TIEN VA DUY NHAT cua cac luc luong vu trang nhan dan VN, NGUOI da suot doi vi dan vi nuoc chang ham ho gi khi nam canh nhung LE DUAN va DONG CHI DEU tai nghia trang MAI DICH de roi mot luc nao do se nhu nghia trang MAC DINH CHI cua che do VNCH ma thoi.

    Trả lờiXóa
  12. BẮC;VÕ NGUYÊN GIÁP QUA ĐỜI LÀ MỘT TỔN THẤT VÔ CÙNG ĐAU THƯƠNG NÀY THẬT LÀ VÔ HẠN CHO DÂN NHÂN TRÊN HÀNH TINH YÊU CHUỘNG HÒA BÌNH .TẤM GƯƠNG SOI CHO CÁC THẾ HỆ TIẾP THEO

    Trả lờiXóa