*
VƯƠNG TRÍ NHÀN
I
- Giả dối lừa lọc
Khi khái quát tính dân tộc của người Trung Quốc,
trong cuốn Ẩm băng thất văn tập (1904), nhà tư tưởng cận đại Lương Khải Siêu đã
nhấn mạnh nhiều nhược điểm như thiếu tư tưởng độc lập, thiếu ý thức công cộng
hoặc thói quen làm đầy tớ, chỉ biết chăm sóc lợi riêng. Ông còn cho rằng, đồng
bào mình thường võ đoán giả dối, đã ngu muội nhút nhát song lại thích lừa đảo.
Tôi đọc trích dẫn trên từ cuốn Tìm hiểu văn hóa
người Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc của Kim Văn Học (bản dịch tiếng việt
của NXB VH-TT, 2004). Ông này là một giáo sư người Trung Quốc, dạy học ở Nhật.
Trong những cuốn sách sưu tầm tài liệu về dân tộc tính của người Trung Quốc, in
ra ở các nhà xuất bản ở Bắc Kinh, Thượng Hải, cũng thường thấy trích dẫn lời
ông.
Bệnh lừa đảo được bản thân Kim Văn Học đưa lên thành
thói xấu số một trong cuốn sách mang tên Chí hướng phản văn hóa của người
Trung Quốc (cuốn này in cả ở Hàn Quốc và Nhật Bản).
Cũng nói tới căn bệnh nan ý này, ngoài những trí
thức trong nước, Kim Văn Học còn dẫn ra ý kiến tương tự của người nước ngoài
như A.H.Smith, hoặc M.Weber – nhà xã hội học cỡ số một thế giới. Dù chưa tới
Trung Quốc bao giờ, M. Weber cũng nói một cách quyết đoán: “Người Trung Quốc là
một dân tộc không thành thật nhất trên thế giới”.
Tôi dẫn ra những dẫn chứng trên để cùng hiểu là chúng
ta không việc gì phải khó chịu khi nghe nói rằng thói giả dối đổ bóng lên mọi
mối quan hệ giữa người với người trong xã hội Việt Nam .
Giả dối, điêu ngoa, phỉnh phờ, bịa đặt, lường gạt, bố
vờ, điêu xảo, gian lận, lừa lọc, bịp bợm, xạo, xảo trá, man trá, trí trá… những
từ ngữ đó đã miêu tả đầy đủ mọi cung bậc của một căn bệnh vốn có sức lây lan
rất nhanh và hàng ngày trình ra muôn vàn bộ mặt kỳ lạ trong cuộc sống quanh ta.
Nhân vật Cuội trong Thằng Cuội ngồi gốc cây đa mở
đầu cho hàng loạt nhân vật lang thang trong văn học dân gian. Điều đáng nói là
ở đây đã gặp sự có mặt thường xuyên của dối trá. Cuội nói dối như một thói quen
bẩm sinh. Bố mẹ mất sớm, phải ở với cậu mợ, Cuội thực thi cách sống dối trá
ngay trong gia đình. Sự lừa lọc cứ thế đi từ hồn nhiên sang mục đích vụ lợi,
cuối cùng biến thành tội ác (dẫn đến cái chết của cả cậu lẫn mợ).
E.Nordemann, người Pháp đã ghi lại câu chuyện về Cuội
như thế trong sách Quảng tập viêm văn, một thứ văn tuyển đầu tiên của văn
học Việt Nam in ra từ 1898 (bản dịch tiếng Việt 2006). Trong phần từ vựng về
văn hóa Việt Nam ,
ông nói rõ sự bóc lột quá đáng của nhà nước và tình trạng rối loạn của xã hội
đã là những nguyên nhân dẫn đến một số thói xấu thường trực. Theo lời ông,
chúng in dấu vào đặc tính của dòng giống. Mà một khuynh hướng có tính bản năng
về nói dối, về giấu giếm và cả ăn cắp, là những thói xấu được Nordemann nêu lên
đầu tiên.
Trong một bài viết in trên báo Văn Nghệ số
ra 10/01/1974, một nhà báo mỹ là Lady Borton kể rằng lúc đầu đến Việt Nam, bà
có phần choáng ngợp trước một xã hội lành mạnh, mọi người rất ham đọc sách, rõ
ra một xã hội có giáo dục. Còn giờ đây, bà được chứng kiến muôn điều tồi tệ.
Một lần, tại một trong những trường đại học nổi tiếng nhất Hà Nội, bà dự buổi
kiểm tra ở một lớp tiếng Pháp. Mọi sinh viên còn rất trẻ, người nào cũng lanh
lợi. Thế mà lúc làm bài thi, chỉ thấy họ trổ ra mọi mánh lới man trá. Trong một
giờ bà đã nhìn thấy những mánh lới nhiều hơn cả quãng đời trước đó của bà cộng
lại, Lady Borton xem đây như một điều khủng khiếp.
Và khủng khiếp hơn, nhà báo Mỹ ghi tiếp, là hôm đó có
một ông thầy tiếng Pháp trông lớp, ông ta ngồi đó suốt thời gian thi và chẳng
nói gì. Cảm thấy không thể hiểu được nữa, Lady Borton chỉ có cách đạp vội xe về
văn phòng, mặt mũi nhợt nhạt.
Vậy ta có thể bảo đặc tính lớn nhất của sự gian dối ở
người Việt là tình trạng phổ biến của nó? Có lẽ đành phải nói vậy!.
Còn như lý do khiến cho sự gian dối đó kéo dài, một
phần là vì người ta thường nương nhẹ với mình và luôn luôn tìm ra lý do để biện
hộ.
Câu chuyện Trí khôn của ta đây là một trong
những câu truyện dân gian phổ biến được đưa vào Quốc văn giáo khoa thư,
dạy cho học sinh lớp dự bị, thời Pháp thuộc. Nhưng ta hãy để ý chính là ở đây
còn người đã nói dối con cọp để tự chứng tỏ sự khôn ngoan của mình. Trí khôn
được định nghĩa không phải là sự hiểu biết, sự đào sâu suy nghĩ mà là sự gian
dối.
II
- Ai cũng như ai, chen cạnh mà sống
“Cơn bão hôi bia” tại Biên Hòa, Đồng Nai vừa qua làm
niềm tin của chúng ta bị rớt xuống đất vỡ vụn theo những chai bia bị ăn cướp.
Đó không còn là giọt nước làm tràn ly, mà là chất xúc tác để chúng ta nhìn nhận
rõ hơn, xã hội ta đã lan tràn những biểu hiện xấu xí: tham lam, vô cảm, ti
tiện, nhỏ mọn, tham nhũng vặt, ăn cướp lớn... Nó làm người ta nói đến một sự
khủng hoảng niềm tin với đạo đức xã hội, khiến chúng ta phải nhìn lại những
thói hư tật xấu tràn lan của người Việt Nam .
Nhưng xưa nay, chúng ta không thiếu tinh thần tự răn
mình để sửa mình. Nhân đây Thethaovanhoa.vn xin giới thiệu lại loạt
bài "mổ xẻ" những thói hư tật xấu người Việt của nhà nghiên cứu Vương
Trí Nhàn.
Xin giới thiệu đến quý vị bài viết Ai cũng như
ai, chen cạnh mà sống mở đầu cho loạt bài này:
1. Đầu năm rồi, một người bạn tôi kể lên Tây Nguyên,
thấy có chuyện lạ, những người làm công canh gác cho một trang trại hồn nhiên
cho người thoải mái hái trộm cà phê. Họ bảo nhau, chủ cũng là người như mình,
tội gì để chủ vượt lên sung sướng hơn mình.
Có thể cái lối cư xử trắng trợn nói trên là hiếm hoi,
nhưng cái triết lý “ai cũng như ai”, “cá đối bằng đầu”, “cá mè một lứa” thì mọi
người Việt sẵn sàng chia sẻ. Hà Nội bây giờ khá nhiều nhà, nhất là nhà buôn
bán, có người giúp việc, tức các Ô-sin. Nhưng không ít trường hợp phục vụ quán
xá được ít ngày, các ô-sin là những con người nông thôn không hề có kinh nghiệm
buôn bán kia, đã lăm le nhảy ra làm cái việc cạnh tranh ngay với chủ cũ. Bởi
người ta nghĩ mình chẳng kém gì đời. Buôn bán hay cai quản sai phái người khác,
ai chẳng biết làm. “Cờ đến tay ai người ấy phất”. Cả học hành nữa, thằng này mà
được học thì kém chi đời! Trong các làng xóm cũ, sở dĩ ông nọ, ông kia có vai
vế chẳng qua giỏi bịp bợm, luồn lách hoặc kéo bè kéo cánh mà leo lên đầu, lên
cổ người khác chứ chẳng tài cán gì cả - cái lập luận ấy được nhiều người ưa
thích.
Trong một phim truyện, có cảnh một viên tướng bị thua
trận trốn chạy trên xe do một nông dân kéo. Chở kèm trên xe có cả vợ viên
tướng, và một ít đồ đạc. Ông nông dân vừa kéo xe vừa vác một bu gà trên lưng.
Có người xin đi nhờ, viên tướng bảo ông nông dân vứt cái bu gà đi, ông không
bằng lòng.
Ông bảo: “Không có gà, không có trứng, làm sao tướng
quân khỏe được?”.
Tức
là ông ta cho rằng mình không có nghĩa lý gì so với cái người ngồi trên xe kia.
Mình thuộc một loại người khác mà viên tướng thuộc loại người khác.
Đấy,
cố nhiên là một cảnh trong một bộ phim nước ngoài. Phim Trung Quốc, diễn lại
cảnh thời Tưởng Giới Thạch.
Chỉ có bên Tàu mới có những người nông dân cam chịu và
trong thâm tâm hiểu rằng có một trật tự xã hội nghiệt ngã, mọi người nhất thiết
phải theo. Mà cũng chỉ bên Tàu mới có những viên tướng tự tin ở sứ mệnh của
mình như vậy. Chứ ở ta, cả hai đều nghĩ ngược lại!.
2. Một nhà xã hội học, ông Đỗ Thái Đồng, nhận xét
rằng xã hội Việt Nam thời Trung đại không có quý tộc mà chỉ có quan chức; không
có trí thức mà chỉ có những người học hành để đi thi làm quan; không có doanh
nhân mà chỉ có người buôn vặt (bài in trong sách Tâm lý người Việt nhìn từ
nhiều góc độ, 2000). Một người mang dòng máu quý tộc tức là mặc nhiên cho rằng
có sự hơn hẳn của con người mình so với người khác – không ai dám công khai nói
lên ý nghĩ đó vì thừa biết đám đông không đồng tình. Nhiều cuộc khởi nghĩa nông
dân trên danh nghĩa bảo là tái lập sự công bằng, nhiều khi chỉ là một cách để
người ta khẳng định rằng không có một trật tự nào cả, không làm liều chỉ thiệt.
Ở nhiều nước khác, xã hội giống như một rừng nguyên
sinh có cây cao bóng cả, có cả những dây leo. Cỏ mọc lan trên mặt đất cùng với
dây leo ủ đất, giữ nước, làm cho cả cánh rừng thành một tổng thể có cấu trúc
chặt chẽ và do đó dây leo cũng có ích.
Còn ở ta, suốt trường kỳ lịch sử, một xã hội phân tầng
như vậy cũng có nhưng còn ở trong tình trạng yếu ớt. Làm nền cho xã hội là một
quan niệm bình đẳng tuyệt đối. Trong các quần thể làng xã, các thành viên chỉ
biết đến sự phát triển của chính mình. Một hệ thống giá trị thích hợp không
được hình thành, hoặc có hình thành cũng không được mọi người công nhận. Ai
cũng như ai, giữa các cá thể chỉ có sự cạnh tranh, nhiều khi là tàn bạo và
trắng trợn. Kẻ nào giỏi, kẻ đó thắng và kẻ thắng sẽ có lẽ phải, có chính nghĩa.
“Được làm vua, thua làm giặc”.
Xã hội không trưởng thành và phát triển lên được ư?
Không sao, miễn tôi không kém ai là được, nhiều người nghĩ vậy!.
Hồ Xuân Hương không phải chỉ nổi tiếng với những câu
thơ ỡm ờ nửa thanh nửa tục, mà còn ở lại trong lịch sử với lời giả định: Ví đậy đổi phận làm trai được/ Thì sự anh
hùng há bấy nhiêu.
Câu thơ không chỉ thổ lộ cái uất ức của người phụ nữ
mà cái chính là nói lên ý chí của lớp người cùng cực tự an ủi rằng, thả ra chắc
mình chẳng thua kém ai.
Nhà văn Kim Lân từng kể một trong những ý nghĩ thúc
đẩy ông sáng tác khi mới vào nghề là cái cảm giác: “Ta cũng chẳng kém gì các người”!.
Cái cảm giác đó có thể có ý nghĩa tích cực với nghĩa
thúc đẩy một cá nhân lập nên sự nghiệp. Nhưng một xã hội mà gồm toàn những
người không chấp nhận một trật tự nào, không công nhận vai trò của học vấn bản
lĩnh truyền thống gia tộc… mà chỉ thấy ai cũng như ai chen cạnh mà sống, thì
chưa chắc đã tạo được sự tiến hóa cần thiết. Khi đã chẳng còn có sự “phân tầng”
thì, theo các nhà sinh học, một quần thể chỉ còn có cấu trúc của một rừng cỏ
gianh. Cấu trúc được đơn giản hóa tới mức tối thiểu. Mà một trong những quy
luật của thiên nhiên là “bất cứ sự đơn giản hóa hệ thống nào đều dẫn tới sự
thắng lợi của những hình thức thấp của đời sống và điều đó làm xấu đi một cách
tệ hại cuộc sống của con người”.
III
- Khôn lỏi - Ranh vặt - Tinh tướng
Một người đã sống qua ở Nhật cho biết người Nhật trong
khi giao thiệp, nhất là trong khi làm kinh tế cũng có nhiều quái chiêu không
thể thương được. Đầu cơ, móc ngoặc, hối lộ, nói chung là đi đường tắt... trò gì
cũng có cả.
Nhiều người trong đám dân đi chào mời tiếp thị (gọi là
“mizu shobai”), như có bùa mê thuốc lú, làm cho người ta phải xiêu lòng, rồi
sau mới biết mình bị lừa.
Bài viết so sánh: “Cái tinh ma thâm độc của họ khác
với cách xảo trá ngô nghê hay dối quanh của người Việt, nên lúc đầu rất khó
nhận ra”.
Có chút gì đó vừa “vui” vừa buồn khi nghe nhận xét
trên đây. “Vui” vì không phải chỉ người Việt thích lừa lọc nhau, thiên hạ cũng
xấu chẳng kém gì ta. Mà buồn vì hóa ra người Việt mình rút cục chỉ biết mẹo
vặt, chứ không có cái mưu đồ sâu xa, cái thâm trầm như thiên hạ.
Hơn bù kém, thấy đáng buồn hơn vui. Người bị lừa vừa
bật cười vừa bực mình – đến lừa mà cũng vụng dại hớ hênh, thì còn làm được cái
gì nên hồn (!).
Người nước ngoài thường nhận xét nói chung người Việt
mình thông minh lanh lợi. Nhưng họ cũng thấy ngay sự nhạy cảm nhanh nhẹn trong
phản ứng này không dựa trên một sự suy nghĩ chắc chắn mà có gì đó nông nổi vội
vã. Trong sự chủ động lại như mang sẵn yếu tố thị động. Bản thân chúng ta không
phải không biết điều đó.
Trong tiếng Việt từ “khôn” không hàm ý sâu sắc trong
tư duy và uyên bác trong kiến thức, mà ngã sang một sự tính toán lặt vặt dễ gây
phản cảm.
Đó là nghĩa của “khôn” trong những câu tục ngữ “khôn
ăn người, dại người ăn”, “khôn văn tế, dại văn bia”, “khôn chẳng qua lẽ, khỏe
chẳng qua lời”, “khôn sống, mống chết”, “khôn nên quan, gan nên giàu”, “khôn
ngoan chẳng lọ thật thà – lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy”…
Theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, “khôn” là khả
năng suy xét để một người tìm ra một cách xử sự có lợi nhất, tránh được những
gì có hại đến quyền lợi các mặt của anh ta. Khôn lỏi – ranh ma – láu cá… đều là
thực dụng và vụ lợi.
Tuy không dùng đến từ khôn, nhưng câu “Ăn cỗ đi trước,
lội nước đi sau” thật đã thâu tóm đủ cái tài tính toán của người mình và minh
họa cho định nghĩa nói trên.
Tồn tại trong suốt lịch sử, công thức này đã thành một
thứ “chân lý mặc định”, người Việt dùng nó để “minh triết bảo thân” và việc
truyền dạy trong các gia đình được xem là hoàn toàn tự nhiên. Không ai mang nó
ra phê phán bao giờ. Gặp một người hành động theo nguyên tắc đó, chúng ta hoàn
toàn thông cảm, trong bụng hiểu rằng ai cũng phải xử sự thế thôi, trông người
khôn ta phải học theo để khi khác áp dụng.
Cả trong truyện kể dân gian lẫn trong chính sử, người
xưa còn ghi lại nhiều mưu mẹo vặt của người mình trước sứ Tàu. Nguyễn Văn Tố
trong Đại Nam dật sử (1944) kể khi tiếp Tống Cảo, Lê Hoàn cho xua trâu bò
của dân ra để dọa, gọi là quan ngưu, không đầy một nghìn nói khoe là mười vạn.
Đấy là khi cần khoa trương thế lực. Còn nói tới việc khoe trí khôn, hẳn ai cũng
nhớ sự tích Trạng Quỳnh thi vẽ: Quỳnh chấm cả mười đầu ngón tay vào mực để vẽ
giun.
Về khoản khôn ngoan ranh vặt thì Trạng Quỳnh là cả một
tượng đài vĩnh viễn. Trong danh sách những điển hình của tính cách Việt, nhân
vật này bao giờ cũng đứng đầu sổ.
Thời xã hội mới bước sang giai đoạn xã hội hóa, Nguyễn
Công Hoan được biết tới như một ngòi bút giàu chất An Nam bậc nhất. Người Việt
trong các tác phẩm của ông đôi khi cũng ngớ ngẩn, ngờ nghệch, nhưng phổ biến và
được ông diễn tả hơn cả là loại láu cá và rất giỏi biến báo trong đối xử. Như
viên tri châu nọ, trong truyện sáu mạng người, sau khi bắn nhầm mấy người dân
đi hái thuốc, thì vu cho người ta là giặc khách để báo lên quan trên lấy
thưởng. Như gã nhà giàu nọ, có ông chú từ quê lên chơi, muốn đuổi, liền kêu ầm
lên mất ví để buộc ông ta phải bỏ về sớm. Và như trường hợp cụ Chánh Bá có đôi
giày cũ, nhân đi ăn giỗ, bắt thằng nhỏ vứt béng ra sau vườn, để bắt vạ nhà chủ,
buộc người ta mua đền đôi giày mới.
Các nhân vật nông dân của Nguyễn Khải loại như Tuy
Kiền cũng nổi tiếng là ranh ma. Trong việc tính toán giành lấy một chút lợi
riêng, họ ở vào thế yếu. Luôn luôn họ phải che giấu, lẩn tránh và tìm ra mưu
mẹo để tự khẳng định. Họ thường hiện ra vừa đáng yêu, vừa đáng ghét.
So với “khôn lỏi, “ranh vặt”, thì “tinh tướng” có
nghĩa hơi khác một chút, nó được dùng để chỉ những người không những đã khôn mà
còn muốn phô ra để cho người khác biết. Đọc Ngô Tất Tố hẳn ai cũng nhớ mẩu
chuyện Làm no hay là cái ăn trong những ngày nước ngập. Cái việc khoe
rằng, mình có sáng kiến chế biến đất ra đủ các loại thức ăn chính là dấu hiệu
của một lối xử thế tinh tướng, dù ở đây, người ta thấy ghét thì ít mà tội
nghiệp nhiều hơn.
IV
- Làm ăn kém nên nghèo,
bởi nghèo nên xấu tính
Nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật thích viết rằng những
người làm tranh Đông Hồ chỉ là những người nông dân lúc rỗi rãi thì vẽ thêm
tranh. Mục đích của họ cốt cho người ta thấy nghệ thuật ở Việt Nam
“gắn liền với đời sống”.
Có biết đâu làm thế chỉ là một cách tốt nhất để phô ra
một sự thật: trong xã hội Việt Nam ,
trình độ sống và làm việc là thiếu chuyên nghiệp. Không sớm có sự phân công lao
động. Con người nhởn nhơ dông dài ngay trong sự chăm chỉ của mình.
Tình trạng của nghề làm tranh cũng là tình trạng của
nghề dệt, nghề đúc đồng, nghề làm muối, nghề làm đồ gốm, cả nghề làm ruộng… Chỗ
nào người ta cũng thấy sự ngưng trệ. Kỹ thuật cổ lỗ. Năng suất thấp.
“Cối xay tre, nặng nề quay, từ ngàn đời nay, xay nắm
thóc”. Trong lời thuyết minh viết cho phim Cây tre Việt Nam 1995,
Thép Mới từng viết một câu văn xuôi mang đầy chất thơ để hằn sâu vào tâm trí
của nhiều thế hệ học sinh tiểu học như vậy. Vào những năm 50 của thế kỷ trước,
nó gợi một cảm giác về sự nhẫn nại bất khuất kiên cường. Nhưng sang đến thế kỷ
21 này, đọc lại thấy dấu hiệu của một cuộc sống ù lì tăm tối.
Người Việt tự nhủ “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Ảo
tưởng nhắc lại mãi nghe như có lý. Song khi người ta quá nghèo thì khó lòng giữ
được sự tử tế. Chính nhiều người từ xa tới đến đây cũng sớm hiểu điều đó.
Trong cuốn Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài (1688),
(bản của NXB Thế giới, 2006) một nhà thám hiểm người Anh là W.Dampirer ghi lại
một nhận xét chung: “Cư dân ở đây rất lễ độ và thật thà với người nước ngoài,
nhất là những người đến giao dịch và buôn bán. Những kẻ quyền quý thì tỏ ra
kiêu căng, hách dịch và tham lam, trong khi đám lính tráng thì hỗn xược”.
Rồi ông ghi thêm: “Cư dân lớp dưới lại hay trộm cắp,
làm cho nhà buôn và những người đến giao dịch ở đây bắt buộc phải canh gác cẩn
thận về đêm”.
Điều đáng nói là W.Dampirer đã có cách riêng để giải
thích hiện tượng này. Trước đó, nhà của người Việt ngay Kẻ Chợ, tức thủ đô,
được tác giả mô tả là quá đơn sơ tầm thường. Nhà nhỏ và thấp. Mấy tấm phen che
dột nát tạm bợ. Bên trong chia làm nhiều gian, mỗi gian có những cửa sổ để lấy
ánh sáng thực chất là những lỗ đục xấu xí. Theo W.Dampirer, nhà cửa như vậy
thường làm mồi cho bọn người trộm cắp. Chúng có thể dễ dàng thực hiện mưu đồ
đào tường đào từng khoét ngách.
Khó lòng kể hết những dấu ấn mà sự thấp kém về trình
độ sản xuất để lại trong tính cách người Việt.
Trước tiên là một tâm lý tự ti, mệt mỏi không thấy
hứng thú trong lao động.
Đã nhiều người gặp nhau ở nhận xét là người Việt rất
chăm chỉ năng động. Nguyễn Văn Vĩnh tỏ ra tinh nhạy hơn người khi nêu cùng lúc
cái tình trạng nước đôi: người Việt vừa cần cù, vừa cho người ta cảm thấy họ
coi lao động là bất đắc dĩ, chẳng qua không có cách nào khác nên họ phải chân
lấm tay bùn vậy.
Xã hội thiếu đi sự năng động tìm tòi.
Nhà Nho xưa nhiều người kiêm cả thầy lang.
Trong một lần so sánh văn hóa Trung Quốc và Việt Nam , Phan Ngọc
nhắc lại cái ý mà nhiều thế hệ nho sĩ truyền miệng với nhau. Đó là một nhận xét
của người Tàu: người Việt sống trên cả đống nguyên liệu dùng làm cây thuốc
nhưng vẫn chết vì thiếu thuốc.
“Việc lớn thì kinh, việc nhỏ thì khinh, việc bình
thường thì không thích”, thái độ người mình với công việc được Nguyễn Tất Thịnh
cô lại trong một nhận xét thật gọn ghẽ (Tiền phong, 6/10/2006).
Nhiều nhân vật trong những truyện cười dân gian là
những chàng lười. Ca dao hóm hỉnh dựng lại một chân dung, ngày nay ta tưởng là
bịa, song thực ra rất sẵn trong nông thôn Việt Nam thời trung đại: “Con cò đậu cọc cầu ao/ Hỡi cô yếm đào lấy
chú tôi chăng/ Chú tôi hay tửu hay trăng / Hay ăn làm biếng, hay nằm ngủ trưa/
Ngày thì ngóng những ngày mưa/ Đêm thì ngóng những đêm thừa trống canh”.
Vốn rất thông minh và nhạy cảm nên không phải là người
Việt không biết thực trạng kém cỏi trong công việc làm ăn sản xuất của mình.
Nhưng do thiếu sự mỏ đường của trí tuệ nên người ta cảm thấy đó là cả một định
mệnh.
Thấy của thiên hạ cái gì cũng hơn mình. Bất lực. Cay
đắng. Chán chường.
Một niềm tự ti nằm rất sâu trong tâm lý, mang lại
nhiều biến thái: lo học nhưng chỉ học mót, học lỏm; sợ người ta coi thường nên
phải tìm cách nhấn mạnh cái riêng, và nhắc đi nhắc lại rằng mình chẳng kém gì
mọi người. Sống gồng lên ra vẻ thế nọ thế kia, sẵn sàng giả dối cốt sao khỏi bị
mất mặt.
W.Dampirer, trong cuốn sách của mình, còn ghi nhận một
điều mà sau này các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam từ Phan Kế Bính, Đào Duy
Anh tới Nguyễn Văn Huyên, Lương Đức Thiệp đều chia sẻ, là thói máu mê cờ bạc
của người Việt. Giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn, - khi rỗi rãi người ta lao
đầu vào cuộc đỏ đen một phần là vì bế tắc trong cuộc sống. Toan tính duy nhất ở
đây là ngẫu nhiên tìm được một cơ may giữa đời sống tuyệt vọng…
VTN
( còn tiếp)
-------------
Trạng Quỳnh là mẫu người Việt điển hình. Đã có thời ông được sách ta ca ngợi tình thần chống áp bức, phong kiến vói các câu truyện cho phân vào ông quyển để xỏ lá quan trường, vay tiền chúa lại ăm quỵt bằn trả nghé buộc tay ngai rồi dắt trâu về cho nghé đuổi theo mẹ, và rất nhiều chuyện lọc lừa nữa. Thanh thiếu niên Việt ngày nay đang noi theo gương trạng Quỳnh nên đừng trách họ.
Trả lờiXóaThời ĐCS VN cầm quyền thì máu dân VN chảy thành sông, xương dân VN chất thành núi
Trả lờiXóaLãnh đạo luôn tự tôn ngạo mạn nhưng thiếu nhân cách
Người VN còn sống sót sau 40 năm thống nhất đã thành nô lệ cho những ông chủ ngoại quốc TÀU NHẬT HÀN SIN ... ngay trên đất nước, quê hương mình
Thời ĐCS VN cầm quyền Nghèo đói và lạc hậu rất ổn định bền vững. Tham nhũng + Sự xuống cấp của đạo đức + số dân oan thì VN luôn đứng đầu thế giới
Người Việt nên tự biết nhục (nhất là mấy tay tự nhận "lãnh đạo"), chứ đừng "tự hào" kiểu ngớ ngẩn nữa! Có thế mới mong thoát khỏi vũng lầy.
Trả lờiXóaNgày trước cứ nhồi cho trẻ gọi ông Diệm , ông Thiệu , Tổng thống Nichson ..... Là thằng , lũ nọ lũ kia . Bây giờ lãnh đạo Việt Nam toàn ăn gian nói dối , chỉ đớp là giỏi . Đừng trách người dân gọi bằng thằng , bằng lũ .Đây là sự kế thừa của văn hóa .
Trả lờiXóaThực ra nội dung bài viết chỉ nêu những thói hư, tật xấu của người Việt từ xưa dến nay, nhưng những kẻ căm thù chế độ, căm thù CS lại vẫn cố lái thói hư tật xấu đó vào với vấn đề chính trị. Chính điều đó đã thể hiện sự "Vô tư" của các vị đó. Chẳng hiểu là những người nói tiếng Việt, ông cha họ là người Việt nhưng họ có xấu hổ hay không mà ra sức chưởi bới người Việt như vậy?.
Trả lờiXóa