Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Đồng bằng sông Cửu Long – 40 NĂM NHÌN LẠI - Kỳ 15

* LÊ PHÚ KHẢI
(tiếp theo và hết)
XII - THAY LỜI KẾT
Khi cuốn sách nhỏ này đến tay bạn đọc thì Đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào năm thứ 40 kể từ ngày đất nước thống nhất. 40 năm là ngắn so với lịch sử, nhưng 40 năm không ngắn với thời đại tin học ngày nay. Vậy trong năm 40 năm đó, Đồng bằng sông Cửu Long đã làm được những gì đáng kể, đáng tự hào nhất?
Một buổi chiều đẹp trời, tôi mời giáo sư Võ Tòng Xuân đến nhà thằng con trai tôi ở Cần Thơ… lai rai! Khi bê ra phòng khách chai rượu và con cá lóc nướng trui để đãi khách, bà giúp việc của con trai tôi nhận ra ngay đã từng gặp ông khách này nhiều lần trên… ti vi!!! Như bất cứ một người dân Nam bộ nào, giáo sư Võ Tòng Xuân cởi mở, vui vẻ, trả lời ngay câu hỏi nói trên của tôi: Làm được hai cây cầu qua sông Tiền và sông Hậu. Thứ hai là, từ thiếu ăn đã trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới… nhưng người làm lúa gạo thì vẫn nghèo.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nói rất đúng. Đó chính là hai thành tựu nổi bật ở Đồng bằng sông Cửu Long 40 năm qua. Phải nhắc lại lời Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi triển khai quyết định 99TTg ngày 13/9/1996 tại TPHCM để thấy vấn đề: “Đồng bằng sông Cửu Long đi lên bằng cái gì, công nghiệp hóa bằng cái gì… nếu không phải là cơ sở hạ tầng – là cái rất cơ bản để giải quyết hàng loạt các vấn đề khác. Hạ tầng đó là thủy lợi gắn với giao thông và gắn với đời sống…”. Khi các công trình thủy lợi đầu mối đã tương đối hoàn chỉnh sau 5 năm thực hiện quyết định 99TTg (1996 – 2000), yếu tố hàng đầu là nước, nước ngọt, bí quyết mà ông cha ta đã đúc kết từ ngàn đời “nhất nước nhì phân” trong nghề làm ruộng lúa nước đã được thực thi thì hai cây cầu vượt hai con sông rộng đã “nối những bờ vui” ở Đồng bằng sông Cửu Long. Những ai từng chứng kiến niềm vui vỡ òa trong ngày thông xe khánh thành cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ mới thấy hết ý nghĩa câu trả lời ngắn gọn cho một khoảng thời gian dài 40 năm và một không gian rộng là Đồng bằng sông Cửu Long của giáo sư Xuân, người sinh ra và lớn lên ở miền sông nước này.
Thực ra 40 năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng được 4 cây cầu lớn vượt sông lớn. Sổ tay phóng viên của tôi còn ghi chép đầy đủ những ngày vui này: Cầu Mỹ Thuận khởi công ngày 6-7-1997 và thông xe ngày 21-5-2000. Cầu Rạch Miễu qua sông Tiền nối Mỹ Tho với Bến Tre thông xe ngày 19-1-2009. Cầu Cần Thơ thông xe ngày 24-4-2010 và ngay chiều hôm đó 24-4-2010 cầu Hàm Luông nối cù lao Bảo với cù lao Minh trên đất Bến Tre cũng được thông xe, dù nó mới được khởi công ngày 17-1-2006 do kỹ sư và công nhân của Việt Nam tự thiết kế và thi công.
Trước đây đi ô tô từ TPHCM về Cần Thơ qua hai phà Mỹ Thuận và phà Cần Thơ ít nhất phải mất 6 - 7 tiếng đồng hồ. Nếu tắc phà, kẹt xe có thể mất cả ngày. Nay nhờ có đường cao tốc TPHCM – Đồng Tâm (Tiền Giang) và hai cây cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ… xe đò của các hãng Phương Trang, Thành Bưởi, Mai Linh… chỉ chạy mất 3 tiếng 30 phút. Từ Cần Thơ đi Cà Mau bằng đường mới mở, chỉ còn mất 3 tiếng. Vậy là từ TPHCM đi Cà Mau, Năm Căn bây giờ chỉ còn mất 6-7 tiếng. Con đường huyết mạch (Quốc Lộ 1) từ TPHCM – đi Cà Mau Năm Căn bây giờ đã có đường phân giải ở giữa, mỗi bên (ngược chiều nhau) đều được mở rộng cho 2 làn xe 4 bánh và 1 làn xe 2 bánh, tất cả các cây cầu trên tuyến đường dài “xẻ dọc” đồng bằng này đều đã được làm mới, mở rộng…
Nhìn lại 40 năm, thủy lợi và giao thông đã mở đường để đồng bằng đi lên. Tôi nhớ một câu chuyện khôi hài ở khu công nghiệp Cần Thơ ngày mới thành lập. Trong một cuộc họp báo, có đồng chí trong Ban quản lý nói: “Nếu người ta chỉ nhận được thông tin thường xuyên về Đồng bằng sông Cửu Long bằng hai từ được bắt đầu bằng vần lờ (l) là lúa và lụt thì… gay quá! Đồng bằng sông Cửu Long đâu chỉ có lúa và lụt, còn nhiều thứ khác nữa, còn trái cây, còn thủy sản v.v… và v.v...”
Đến nay Đồng bằng sông Cửu Long đã có thể chung sống hòa thuận với lũ lụt, đã có ngôi thứ về xuất khẩu lúa gạo trên thế giới, đã có những mặt hàng xuất khẩu thủy sản gây “lo ngại” cho những người nuôi cá da trơn từ bên kia bờ đại dương… đã xuất khẩu được trái cây, đã thu hút được hàng triệu du khách quốc tế đến hàng năm v.v…
…Kinh nghiệm thế giới cho thấy, công nghiệp hoá phải bắt đầu từ thế mạnh, từ đặc thù của mỗi nước, mỗi vùng. Và phải dựa vào sức mình là chính. Đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng nông nghiệp nhiệt đới trù phú, nổi trội là sản xuất lúa. Trong suốt 40 năm qua với bao thăng trầm, Đồng bằng sông Cửu Long đã sản xuất được một sản lượng lúa hàng năm đủ để giữ gìn an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu gạo có thứ bực trên thế giới. Cả nước yên tâm bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, nhờ cái bồ lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đã vững vàng. Đồng bằng sông Cửu Long đang chuyển cơ cấu sản xuất để phát triển nông nghiệp toàn diện, đa canh, đa dạng hoá cây trồng việc nuôi. May mắn cho Đồng bằng sông Cửu Long là chiến lược phát triển nông nghiệp toàn diện này đã có một hình mẫu đẹp là hệ thống đa canh bền vững ở nông trường sông Hậu. Từ một mảnh đất hoang vu sau chiến tranh mênh mông lau sậy, chằng chịt gò trũng, trải 15 năm thử thách cam go và lao động sáng tạo, 10.000 thành viên của nông trường đã biến cải 7.000 hecta đất không ai buồn ngó ngàng tới lúc ban đầu này thành một vùng sinh thái vô cùng ngoạn mục. Nông trường Sông Hậu ngày nay là nơi có mức sống vật chất và tinh thần cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Là bức tranh thu nhỏ của Đồng bằng sông Cửu Long được khai thác toàn diện về đất đai và khí hậu mà vẫn giữ gìn bảo vệ môi trường trong lành. Nông trường có 5.565 hecta lúa hai vụ năng suất 10 tấn/hecta/năm, cho sản lượng 60.000 tấn. Ngoài ra còn 1.000 hecta rau màu trồng xen canh, 2.500 hecta nuôi cá dưới chân ruộng, 300 hecta vườn cây trái, 5 triệu cây bạch đàn trồng phân tán tương đương với 300 hecta rừng tập trung, cho sản lượng 60.000 tấn gỗ/năm. Để khai thác toàn diện và đa dạng hoá sản phẩm của 7.000 hecta đất, nông trường có hàng trăm máy cày, máy xới, máy bơm… có hệ thống máy xay, máy lau bóng gạo, xưởng sửa chữa cơ khí, xưởng gạch ngói, nhà máy điện 600kwh, hệ thống nhà kho, chuồng trại chăn nuôi heo công nghiệp… Giá trị tổng sản lượng của nông trường đến năm 1993 đã xấp xỉ 80 tỷ đồng. Nếp sống công nghiệp đã dần hình thành ở nông trường Sông Hậu với tác phong làm việc, họp hành đúng giờ giấc, có kỷ luật, 97% trẻ em ở độ tuổi đi học ở nông trường Sông Hậu được tới trường và nuôi dạy tốt. Nông trường Sông Hậu còn xác lập được vị trí là một đầu mối xuất khẩu nông sản và lúa gạo có uy tín quốc tế ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1996, nông trường Sông Hậu đã có khách hàng hợp đồng đặt mua 500 tấn gừng muối, 2.000 tấn ớt khô một năm. Đó là những nông sản có giá trị cao so với lúa gạo.
Nông trường Sông Hậu (thời còn thịnh phát)
Những gì đã làm được ở nông trường Sông Hậu xác lập một niềm tin rằng: bằng chính tiềm năng đất đai, khí hậu và sức lực của mình, Đồng bằng sông Cửu Longcó thể dựa vào sức mình là chính để thu hút đầu tư, chuyển đổi dần cơ cấu kinh tế, tích luỹ để tiến lên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá… Từ đó mở ra những cơ hội để phát triển toàn diện, công nghiệp hoá toàn diện.
Trong cuộc hội thảo “Đồng bằng sông Cửu Long – con đường đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá” (do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức) tại Cần Thơ cuối năm 1996, có người đã đặt câu hỏi: …Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chỉ là cái – van – an – toàn lương thực hay là cực – tăng – trưởng – kinh tế?
Nhiều ý kiến đã đồng tình cho rằng không có cơ sở gì để cho rằng công nghiệp hoá ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ là công nghiệp chế biến nông sản và hải sản trong khi các khu vực khác như Đài Loan, diện tích nhỏ hơn Đồng bằng sông Cửu Long, 2/3 lại là núi non, tài nguyên không có gì, thậm chí Hồng Kông chỉ có 1.078km2, bằng 1/2 thành phố Hồ Chí Minh… lại trở thành những con rồng công nghiệp.
Với 39.600km2 gần 20 triệu dân, có khu công nghiệp và chế xuất đã hình thành (tuy còn bé nhỏ) ở Cần Thơ… Đồng bằng sông Cửu Long luôn có cơ hội để phát triển công nghiệp toàn diện, hiện đại. Đó là điều phải nhận thức đầy đủ. Vì chúng ta đang sống trong một thời đại mà như nhà tương lai học Mỹ rất nổi tiếng Alvin Toffler đã viết: “Chúng ta đang rảo bước tiến nhanh đến một cơ cấu quyền lực hoàn toàn khác trước, cơ cấu này sẽ tạo dựng không phải một thế giới cắt đôi, mà một thế giới phân chia rõ nét thành ba nền văn minh tương phản và cạnh tranh: Nền văn minh thứ nhất vẫn tiếp tục mang biểu tượng “cái cuốc”, nền văn minh thứ hai biểu trưng bằng “dây chuyền rắp ráp”, nền văn minh thứ ba biểu trưng bằng “máy tính điện tử”.
Tại cái thế giới chia ba này, khu vực làn sóng thứ nhất cung ứng các nguồn lực nông sản và khoáng sản, khu vực làn sóng thứ hai cung cấp lao động giá rẻ và tiến hành sản xuất hàng loạt và khu vực làn sóng thứ ba đang nhanh chóng mở rộng sẽ vươn lên vị trí thống trị dựa trên phương thức mới để sáng tạo và khai thác tri thức”. (Tạo dựng một nền văn minh mới – Dịch từ nguyên bản tiếng Anh – Nhà xuất bản chính trị quốc gia Hà Nội – 1996, trang 59 – 60).
Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước ta không thể tiến hành công nghiệp hoá chỉ để “cung ứng các nguồn nông sản và khoáng sản” cho “vị trí thống trị” của làn sóng thứ ba mà phải cùng một lúc, chúng ta tìm mọi cơ hội để hoà nhập vào các làn sóng đang “cạnh tranh nhau” này. Đó là con đường vô cùng cam go và sống còn của Đồng bằng sông Cửu Long trên con đường đi đến tương lai. Chính thời đại tin học và bước chuyển biến thứ ba của kinh tế thế giới qua Phương Đông (là Nhật Bản và 4 con rồng châu Á) đã tạo cơ hội cho các nước chậm tiến như chúng ta có cơ hội hiện đại hoá nhanh một số ngành kinh tế, kỹ thuật. Chúng ta có thể “lợi dụng” sự bùng nổ của cách mạng khoa học kỹ thuật để tiến thẳng đến hiện đại trong một số lĩnh vực kinh tế kỹ thuật nếu có cơ hội! Công nghiệp hoá ở Đồng bằng sông Cửu Long quyết không phải là mấy khu công nghiệp và cụm công nghiệp đang có ở đồng bằng hiện nay. Người ta đã lấy đất ruộng màu mỡ của nông dân rồi san lấp đi, ngồi chờ nhà đầu tư với hy vọng họ sẽ đến thuê mướn nhân công rẻ mạt tại chỗ, cho đó là “chuyển đổi cơ cấu kinh tế”! Kết quả là chẳng có ma nào đến đầu tư, thế là ruộng đất đang canh tác bị đắp chiếu để đó hàng chục năm liền, hoang hoá trở lại…
Đi lên công nghiệp hoá ở Đồng bằng sông Cửu Long phải bắt đầu từ thế mạnh, từ tích luỹ của sản xuất nông nghiệp có giá trị hàng hoá qua chế biến tinh xảo. Trông chờ vào đầu tư nước ngoài như các khu công nghiệp ở đồng bằng hiện nay chỉ dẫn tới phá huỷ môi trường. Tư bản nào cũng thế, nhất là tư bản châu Á mới ngoi lên, chưa qua giai đoạn phát triển văn minh thì chỉ có bóc lột và tàn phá môi trường. Sự thật đã rành rành qua các vụ hối lộ của các nhà thầu Nhật Bản vào Việt Nam, qua vụ bột ngọt Vedan, qua đấm đá công nhân ta ở các nhà máy chủ đầu tư là người Hàn Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh…
Tôi nhớ, lúc sắp ra đi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện có “trối trăng” lại: Đã chơi với tư bản thì chơi hẳn với tư bản văn minh đi, đừng chơi với bọn tư bản sauvage (hoang dã)…
Tư bản văn minh quả là có khác. Có lần chị Ba Sương (Trần Ngọc Sương) Giám đốc Nông trường Sông Hậu đến tận cơ quan gặp tôi để khoe rằng, chị vừa đi Đức để quảng cáo các mặt hàng đồ gỗ bàn ghế ngồi chơi ngoài trời, do xưởng của nông trường đóng. Khách hàng Đức hỏi chị: gỗ đóng bàn ghế là phá rừng hay gỗ trồng rừng. Chị trả lời là gỗ trồng. Khách hàng Đức liền cử ngay một nhân viên đi theo chị về Việt Nam, đến nông trường Sông Hậu, họ thấy cả một rừng cây bạch đàn ở các bờ vùng bờ thửa tại nông trường, có cây đường kính đến 20-30cm đang được xẻ ra để đóng đồ. Thế là họ ký ngay hợp đồng mua bàn ghế và còn tăng gấp đôi giá chị Ba Sương chào hàng! Kể lại cho tôi câu chuyện này, chị Ba Sương đập tay xuống thành ghế nói lớn: Họ tử tế quá nhà báo ạ!
Tiếc thay, “vụ án” ở Nông trường Sông Hậu mấy năm trước, bắt giám đốc Ba Sương, xử 8 năm tù, xử phúc thẩm y án… sau đó lại tha bổng. Có thể nói nông trường Sông Hậu chính là hình ảnh đích thực của một nông trường quốc doanh xã hội chủ nghĩa mà chúng ta từng mơ ước. Ở đó làm ăn có hiệu quả, người lao động được chăm sóc chu đáo, cộng đồng dân cư văn minh…
Trong hoàn cảnh chung của tình hình chính trị, xã hội, kinh tế… toàn cầu và nước ta 40 năm qua, những gì làm được ở Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm nông nghiệp số 1 của cả nước là điều thật đáng mừng. Một Việt Kiều quê ở Bến Tre, Cà Mau xa xứ từ sau 1975, nay về cố hương, xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nếu không muốn bay tiếp Cà Mau, có thể “bon” thẳng một mạch bằng ô tô 6 tiếng liền là về đến Cà Mau, hay hai tiếng đồng hồ là đã về đến xứ dừa Bến Tre chắc hẳn là thấy vui vẻ trong lòng…
Lễ hội dừa Bến Tre 2015
Nếu có ai hỏi tôi, hơn 30 năm rong ruổi ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngày nào là ngày đáng nhớ nhất? Tôi có thể trả lời ngay, đó là ngày 19 tháng 5 năm 1989, ngày kéo điện lưới quốc gia về cho đất Bến Tre. Dòng điện mạnh đã vượt sông Tiền ở khúc sông rộng gần 3 cây số, đem ánh sáng về cho ba hòn cù lao làm nên xứ dừa Bến Tre. Sông rộng quá, cột điện phải chôn “nhờ” vào hai hòn cù lao giữa sông Tiền trước khi cặp bờ nam Rạch Miễu. Cái ngày đó, tôi thấy nhiều cán bộ và cụ già ở Bến Tre đã khóc vì vui mừng khôn xiết. Bến Tre từ đó thoát khỏi cảnh phải chạy máy phát điện bằng đi-ê-den, đã nghèo lại hao tốn. 9 giờ tối cả thị xã lúc đó đã tối om! Nay có điện lại thêm hai cây cầu lớn bắc qua sông Tiền, sông Hàm Luông thì Bến Tre hết khổ rồi. Có lẽ, nếu phải nói đến sự thăng tiến ở Đồng bằng sông Cửu Long 40 năm qua thì Bến Tre là hình ảnh rõ rệt nhất. Một sự đổi đời có thật. Xưa kia người Pháp cai trị xứ ta, khi đặt các thị xã, thành phố thủ phủ của 1 tỉnh thì họ đã tính toán, các thị xã chỉ cách nhau 60km trên toàn cõi Đông Dương để người dân đi xin giấy tờ, dù ở nơi xa nhất cũng có thể đi về trong ngày! Riêng hai thị xã Mỹ Tho và Bến Tre của 2 tỉnh, chỉ cách nhau 15km. Vì có sông Tiền ngăn cách! Nay cầu Rạch Miễu đã bắc, chỉ 15 phút xe gắn máy, có thể đi liền… hai tỉnh!!! Không vui sao được!
Nhìn lại những gì đã làm được ở Đồng bằng sông Cửu Long 40 năm qua, ngoài mồ hôi, trí tuệ của đội ngũ nông dân đã đổ ra trên đồng ruộng, ao hồ, sông rạch, rừng rẫy, còn phải nói đến đóng góp to lớn của các nhà khoa học đầy tâm huyết với nông dân mà tôi được biết như các Giáo sư Hồ Chín, Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, Giáo sư Tiến sỹ Võ Tòng Xuân, Tiến sỹ Vũ Trọng Khải, Giáo sư Nguyễn Văn Luật, Tiến sỹ Phạm Văn Kim, Tiến sỹ Nguyễn Chí Sơn, Tiến sỹ Nguyễn Bảo Vệ, cô giáo Trần Thị Thu Ba, cô Hiệu trưởng Bác sỹ thú y Vũ Ngọc Xuyến, Tiến sỹ Mai Thành Phụng, Tiến sỹ Lê Thanh Hải, Giáo sư Tiến sỹ Trần Thế Thông, Giao sư tiến sỹ Mai Văn Quyền, Thạc sỹ Mai Oanh, Tiến sỹ Lê Văn Bảnh, Tiến sỹ Tô Văn Trường… và còn rất nhiều nhà khoa học khác mà tôi chưa biết tới… Họ vừa là bạn, vừa là ông thầy cầm tay chỉ việc cho nông dân đồng bằng làm ăn bằng tri thức khoa học tiên tiến của thời đại.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt có một vai trò đặc biệt to lớn với sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long 40 năm qua với tư cách là nhà lãnh đạo sáng suốt và nhiệt tâm trong các chính sách, đường lối phát triển cho đồng bằng.
Con đường đi tới tương lai cho Đồng bằng sông Cửu Long theo sự quan sát và suy nghĩ của tôi phải làm bốn việc lớn sau đây:
Một là, những cơ sở khoa học đang có ở Đồng bằng sông Cửu Long như Trường cao đẳng nông nghiệp Miền Nam, Đại học Cần Thơ, viện lúa Ô Môn, Viện cây ăn quả Miền Nam, Trung tâm nghiên cứu thuỷ sản Đồng bằng sông Cửu Long, Phân viện nghiên cứu thuỷ sản Cà Mau, Trung tâm nghiên cứu Đồng Tháp Mười v.v… phải được đầu tư thích đáng để trở thành những đầu tàu trí tuệ, toả sáng trên ruộng vườn trên đầm tôm ao cá. Những cơ sở này phải trở thành những “tam giác vàng” ở đồng bằng làm chỗ dựa cho nông dân để canh tác bằng chất xám có lợi nhuận cao. Công nghiệp chế biến nông sản không thể chỉ là “bóc vỏ lúa để bán” chỉ “sơ chế” thuỷ sản, chưa có “công nghệ chế biến đồ hộp”, “công nghiệp chế biến sau thu hoạch”… như tiến sỹ Trần Thanh Bé ở Viện kinh tế - Xã hội Thành phố Cần Thơ đã khuyến cáo mạnh mẽ, phải được thay đổi mạnh mẽ trong tương lai.
Thứ hai là, không thể kéo dài mãi tình trạng càng xuất khẩu lúa gạo, người làm ra càng nghèo khó, chỉ quốc doanh buôn lúa gạo là béo bở. Vấn đề này nằm trong cơ chế, chính sách, chỉ có cải cách thể chế một cách toàn diện, cải cách hệ thống quản lý, xác định được chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo với vai trò nhạc trưởng của doanh nghiệp v.v… đã được phó Giáo sư Tiến sỹ Vũ Trọng Khải phân tích kỹ trong bài trả lời phỏng vấn ở trên… được thực hiện thì đồng bằng mới cất cánh. Nói nôm na là người trồng lúa phải khá giả thì bộ mặt của đồng bằng mới sáng láng. Đó là việc khó nhất trong những năm tới ở Đồng bằng sông Cửu Long. Không thể công nghiệp hoá sản xuất nông nghiệp khi nông dân chưa được đối xử công bằng.
Thứ ba là, vấn đề chủ quyền đất. Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam. Vậy mà đến nay, một tác giả có uy tín, am hiểu sâu sắc về nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Minh Nhị nguyên chủ tịch Tỉnh An Giang lại đặt vấn đề: Nông nghiệp đã hết thời? !. Bài viết của ông trên Tuổi Trẻ (24/12/2013) đã được ngay hàng trăm ý kiến phản hồi gửi đến quý báo “chia sẻ xót xa” với nông dân!
Ông Nhị đã nói trúng vấn đề: “chủ quyền đất mà không yên thì dù đất ở hay đất sản xuất cũng đều không yên lòng người”, “khi yên tâm đất là tài sản thiêng liêng của mình, sẽ được thừa kế đời đời con cháu thì mới có việc bỏ vốn ra mua đất và liên tục đầu tư cải tạo đất, mở rộng sản xuất chuyển dịch cây trồng vật nuôi… thì nông nghiệp mới có tính cạnh tranh cao”.
Ông Nhị cũng đưa ra luận điểm thứ 2 “tái cấu trúc hệ thống chính sách tam nông và tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Thứ tư là, phải có những đột phá. Phú Quốc, Hòn Tre, Hà Tiên… có thể trở thành những Ma Cao, Hồng Kông, những đặc khu kinh tế, dịch vụ vui chơi mang lại nguồn tài chính cho Đồng bằng sông Cửu Long trên bước đường phát triển. Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nghĩ và nói tới điều này nhưng chưa có cơ hội thực hiện vì nhiều lực cản bảo thủ.
Vấn đề lâu dài và sống còn đối với Đồng bằng sông Cửu Long là đấu tranh bằng mọi hình thức để bảo vệ dòng Mê Kông không bị các nước đầu nguồn, đặc biệt là Trung Quốc làm cạn kiệt và ô nhiễm. Trong cuốn sách “Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng” tác giả Ngô Thế Vinh đã cảnh báo: “Con sông vốn trinh nguyên trong suốt cả ngàn năm ấy, đang có những đổi thay thật mau chóng. Với 28 khu hầm mỏ đang triệt để khai thác nơi thượng nguồn con sông Mê Kông, trong đó có cả những mỏ chì, mõ kẽm là nguồn gây ô nhiễm nặng nề nhất”. Và tác giả đã có phán xét thật chí lý: “Khi mà người Trung Quốc đã không quan tâm gì tới sự tinh khiết của những dòng sông chảy dài trên suốt lãnh thổ Hoa Lục thì kể gì tới khúc sông Mê Kông chảy ra ngoài lãnh thổ của họ dưới phía hạ nguồn !” (trang 242, CLCD –BĐDS).

ĐÔI LỜI TỰ SỰ
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức ở Hà Nội. Ông nội tôi từng làm vaguemestre (bưu tá) cho Toàn quyền Đông Dương. Bố tôi làm secrétaire dactylographe (thư ký đánh máy) cho Ngân hàng Đông Dương. Nhưng ông nội tôi đã theo tiếng gọi của cụ Hồ dẫn cả gia đình tản cư kháng chiến chống Pháp ở miền sơn cước Thanh Ba Phú Thọ. Từ đó, đứa bé lên 5 là tôi chỉ thấy bà nội mình, mẹ mình rồi vợ mình những năm dài của cuộc đời, lúc nào cũng “thắt ruột mòn gan héo cả tim” (Tố Hữu) vì lo nhà hết gạo!!! Chỉ có Bình nguyên châu thổ Cửu Long giang mới cứu được cái đất nước “cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ” (CLV) này. Vì thế, tôi yên quý con người và mảnh đất đã cứu đói cho dân tộc là Đồng bằng sông Cửu Long.
… Cứ mỗi lần đi qua sông Tiền, sông Hậu… ngắm dòng sông mẹ vĩ đại này cuộn chảy mang trong nó hàng tỷ tỷ hạt phù sa màu mỡ, tôi cứ thấy nao nao trong lòng. Đây có phải là cuộc hò hẹn từ lâu của lịch sử, để dòng sông này cần mẫn chuyên chở từng hạt phù sa nhỏ bé từ những dãy núi trùng điệp vùng Tây Tạng xa xôi, đến bồi đắp nên Đồng bằng sông Cửu Long chờ đón dân tộc ta đi mở cõi về Phương Nam. Vì thế, tôi căm thù những ai vứt một túi nilon xuống dòng sông với những kẻ định xây một nhà máy hóa chất rồi xả nước thải độc hại xuống dòng sông trinh nguyên này.
/Hoàn tác tại Tân Bình – Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2014/
L.P.K

*           *          *

“BỔ ĐỀ” CHO CÂY LÚA
Trước mặt tôi lúc này là một cây cầu khỉ cao tới hơn 2m so với mặt nước dưới mương, lại khá dài vì con mương rộng. Nhưng điều tệ hại hơn cả là nó không có tay vịn! Vì thế, anh bạn trẻ tôi chưa kịp hỏi tên, cán bộ của Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy đã vượt qua cây cầu khỉ này như một người làm xiếc, vừa đi vừa dang hai tay “vịn” vào không khí để lấy thăng bằng… coi rất ngộ!
Bây giờ thì tôi mới nhận ra là mang giày trong chuyến đi này là sai lầm lớn! Phải cởi giầy, cởi tất cả là cái chắc! (Lúc đi vợ tôi nói: Bây giờ người ta trọng người giàu, khinh người nghèo, đi đâu cũng dép lê như ông có mà khỉ nó tiếp! Nói rồi mụ ta vứt đôi giày Ý của tôi từ trên giá xuống, nói như ra lệnh: Đi vào! Tôi vốn có tính “sợ cả vợ hàng xóm nữa”… nên ngoan ngoãn chấp hành!). Nhưng dù có cởi giầy, cởi vớ (tất)… thì chắc chắn tôi cũng không đủ trình độ để vượt qua cây cầu khỉ vừa cao, vừa dài không có tay vịn kia! May quá, nhìn về phía “ thượng lưu” của con kênh tôi phát hiện ra có một cây cầu khỉ có tay vịn…
Thế là đành đi ngược lên “Thượng nguồn” để qua kênh, rồi lại đi vòng xuống… Vì thế, khi đến được nhà nông dân Ba Việt (Lê Văn Việt) ở ấp 5 xã Mỹ Thành Nam thì mồ hôi đã vã toàn thân! Mỹ Thành Nam theo đường chim bay chỉ cách quốc lộ 1 chừng mười cây số, nhưng đường khó đi, nên được cán bộ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang xem là vùng sâu vùng xa. Ngoài con đường nhựa liên xã đã xuống cấp, xe máy vẫn chạy được, nhưng phải chạy vòng vèo như rắn bò… Còn bắt đầu đi sâu vào các xóm ấp là phải leo cầu khỉ, chống ghe, chống xuồng…Với cách đi lại như thế ở cái xứ kênh rạch chằng chịt này, thì muốn gọi vùng nào ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là vùng sâu đều được cả!
Sở dĩ tôi có chuyến đi này vì, chính ở mấy cái ấp hẻo lánh, đã diễn ra điều mà 35 năm qua, từ ngày 30/4/1975, người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long với sự giúp sức của nhà nước, nhà khoa học, và gần đây là cả nhà doanh nghiệp… mà báo chí quen gọi là “liên kết bốn nhà” chưa bao giờ làm được. Đó là công việc sản xuất lúa gạo ở đây đã đạt tiêu chuẩn Global Gap, nên lúa gạo của bà con ở hợp tác xã Mỹ Thành này đã được một doanh nghiệp (Công ty TNHH ADC) bao tiêu toàn bộ, với giá cao hơn 20% so với lúa gạo sản xuất bình thường. Gạo Mỹ Thành đang có nặt ở các siêu thị lớn tại TP HCM như Maximark, Citimart… với thương hiệu gạo Tứ Quý. Sẽ có bạn đọc của Tạp chí truyền hình sốt ruột hỏi: Tiêu chuẩn của Global Gap là cái đồ quỷ gì mà “ngon” vậy?
Xin thưa, đối với những nhà buôn bán nông sản trên thới giới thì tiêu chuẩn Global Gap không có gì xa lạ. Nhưng với Việt Nam thì còn mới. Global Gap là tổ chức tư nhân đặt ra những tiêu chuẩn tự nguyện cho việc chứng nhận sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Global Gap là sự cộng tác bình đẳng giữa những nhà sản xuất và nhà bán lẻ để thiết lập ra những tiêu chuẩn và thủ tục chứng nhận cho thực hành nông nghiệp tốt. Hiện nay, có khoảng hơn 80 quốc gia và hơn 100 tổ chức có chức năng chứng nhận GlobalGap. GlobalGap là những nguyên tắc được thiết lập để kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất. Đối với sản xuất lúa, việc kiểm soát bao gồm quá trình: vệ sinh đồng ruộng; giống; làm đất; tưới nước; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thu hoạch; vận chuyển; phơi sấy; tồn trữ v.v…
Với những tiêu chí cao như vậy, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất đối với người sản xuất đòi hỏi tối thiểu các gia đình phải có nhà vệ sinh tự hoại, tủ thuốc gia đình, kho chứa phân bón, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật cách li chỗ ở, dụng cụ bảo hộ lao động, hố chứa rác bảo vệ thực vật, rác sinh hoạt, điểm pha thuốc bảo vệ thực vật tập thể, sân phơi có lưới bao quanh, hộ chăn nuôi phải có hầm biogas v.v… Về phía hợp tác xã phải có nhà làm việc, máy tính nối mạng Internet, máy Fax, cán bộ kỹ thuật…
Xã Mỹ Thành Nam với diện tích đất sản xuất lúa 1.429 ha, là vùng sản xuất thâm canh 3vụ/năm, năng suất trung bình 16,5 – 17 tấn/ha/năm. Bà con nông dân rất nhạy bén trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và nơi đây được chọn xây dựng thí điểm nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhằm giúp cho người nông dân giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khoẻ con người va môi trường.
Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành được thành lập vào tháng 11 năm 2004. Ban đầu có 68 xã viên với 51 ha, nay đã tăng lên 189 ha với 209 hộ nông dân ở 2 xã Mỹ Thành Nam và Mỹ Thành Bắc tham gia.
Chính nhờ việc thành lập được HTX đã gắn kết những hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ thành tổ chức có tư cách pháp nhân để đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn của Global Gap, đồng thời đại diện cho xã viên HTX ký kết các hợp đồng tiêu thụ đạt tiêu chuẩn Global Gap.
Tháng 6 năm 2008 phòng Nông nghiệp Cai Lậy phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang hỗ trợ cho hợp tác xã Mỹ Thành thực hiện đăng ký và sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global Gap. Do tiêu chuẩn qui định rất nghiêm ngặt nên bước đầu chỉ được triển khai thực hiện với qui mô diện tích 11,4 ha của 15 hộ tham gia (các diện tích tham gia liền khu vực với nhau và các hộ dân đều là xã viên của HTX).
Kết quả sau 3 tháng triển khai thực hiện, ngày 18/09/2008 Công ty TNHH PSB Việt Nam (chi nhánh của Tổ chức chứng nhận TUV SUD PSB tại Cộng hoà Liên bang Đức) đánh giá chính thức việc áp dụng tiêu chuẩn Global Gap cho sản phẩm lúa gạo của HTX Mỹ Thành. Qua kết quả kiểm tra đánh giá, HTX Mỹ Thành cũng như các hộ dân đã thực hiện rất tốt các nội dung yêu cầu đặt ra. Ngày 12/02/2009 Công ty PSB Việt Nam trao chứng nhận cho HTX Mỹ Thành, đây là mô hình sản xuất lúa gạo đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận này. Chính vì vậy sản phẩm lúa gạo đạt tiêu GlobalGap của hợp tác xã được Công ty TNHH ADC bao tiêu với giá cao hơn 20% so với lúa sản xuất thường.
Với những lợi ích thiết thực của việc áp dụng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global Gap mang lại trong năm 2008-2009, năm 2010 Phòng Nông nghiệp huyện đã giúp HTX Mỹ Thành mở rộng diện tích áp dụng lên 95,6 ha của 101 xã viên ở địa bàn 2 xã Mỹ Thành Nam và Mỹ Thành Bắc.
Tôi có mặt tại ấp 5 xã Mỹ Thành Nam lúc này là vừa kết thúc vụ lúa thứ ba trong năm, vụ hè thu muộn. Năm nay lũ về muộn nhưng giờ này nước do áp lực triều cường đã trắng đồng. Đi một bước là ghe xuồng. Mùa mưa cũng vừa kết thúc, cây cỏ như mọc lên từ một cõi hoan lạc thần tiên nào đó. Luồn lách dưới những tán lá, vườn cây xanh ngắt, mát rượi, yên tĩnh, thanh bình, hai lá phổi tôi như có ai thở dùm nhẹ lâng lâng… Tôi ngồi bệt xuống một gốc dừa cổ thụ bên bờ kinh rễ mọc lan toả như một tấm đệm…châm một mồi thuốc để tận hưởng phút yên tĩnh trong lành của một góc Đồng bằng sông Cửu Long, bỗng nhớ đến cảnh đường phố Sài Gòn ùn tắc xe máy, khói bụi mù mịt rùng mình!
…Vượt một cánh đồng ngập nước bằng chiếc ghe nồng nặc mùi phân heo, phân gà vịt, tôi bước chân lên “giang sơn” của anh Ba Việt. Nhà xây, thềm rộng, võng đu đưa… Ba Việt trạc ngoài năm mươi, người xương xẩu, tóc đen nhánh. Ba Việt có hai hecta tại xã nhà, anh còn mua thêm 3 hecta nữa bên tỉnh bạn Long An. Vị chi anh đang canh tác 5 hecta. Anh quả quyết nói với tôi, 1 hecta làm giỏi ba vụ một năm cho lời 60 triệu đồng! Tôi ngắt lời Ba Việt: Tính cả giá doanh nghiệp bao tiêu cao hơn 20% đấy chứ? Trả lời: Vì được mua với giá cao hơn nên xã viên chúng tôi sau khi bán lúa tự nguyện góp 200 đồng 1kg lúa làm vốn cho hợp tác xã. Ba Việt còn cho hay anh đang tìm mua thêm ruộng bên Long An…
Ở Đồng bằng sông Cửu Long hai tỉnh Tiền Giang và An Giang là thâm canh lúa hàng đầu. Huyện Cai Lậy của Tiền Giang lại là hàng đầu của tỉnh. Từ đầu những năm 80, khi lương thực còn vô cùng khan hiếm, Cai Lậy đi đầu xây dựng “vùng lúa năng suất cao” 10.000 hecta ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi nhớ hồi đó tỉnh uỷ Tiền Giang đã “chịu chơi” mời cả những trí thức hàng đầu của chế độ Sài Gòn cũ như Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Xuân Oánh từng là Phó Thủ Tướng chính quyền Sài Gòn cũ, tiến sỹ Bùi Quang Hinh, chuyên gia về hoạch toán kinh tế tốt nghiệp đại học Connecticut Mỹ, nữ tiến sỹ Hải Dương học Bùi Thị Lạng và…cả kiến trúc sư Ngô Viết Thụ nữa, về Tiền Giang để xây dựng dự án “Vùng lúa năng suất cao”! Tôi nhớ có lần tỉnh uỷ Tiền Giang “chiêu đãi” các vị này… ngủ qua đêm tại trại sản xuất thuộc Công ty ngoại thương tỉnh ở xã Cẩm Sơn huyện Cai Lậy, sáng ra ăn bắp luộc (ngô luộc) còn nguyên cả vỏ, vị Phó Thủ tướng của chế độ Sài Gòn cũ Nguyễn Xuân Oánh bảo với tôi: Đây là lần thứ hai trong đời tôi ăn bắp luộc tự bóc vỏ lấy! Rồi vừa bóc trái bắp còn nóng hổi, đưa lên miệng cạp, ông kêu lên: Ngon quá, ngon quá! Còn kiến trúc sư Ngô Viết Thụ lúc nhâm nhi cà phê đã tâm sự với tôi: Tốt nghiệp thủ khoa nên tôi được sinh viên nhà trường công kênh trong ngày vinh danh… Nói rồi ông mở túi sách, đưa tôi coi trang nhất một tờ báo xuất bản ở Roma, đăng ảnh các sinh viên Ý đang công kênh thủ khoa Ngô Viết Thụ! Cho tôi xem xong tờ báo, bất ngờ ông bảo: Tôi tuy học giỏi nhưng nhát gan lắm, hễ nghe thấy tiếng súng là đái ra quần rồi, nên không làm cách mạng như mấy anh được! Tôi bảo với Kiến trúc sư Thụ: Tôi cũng như anh thôi, học xong thì tôi đi làm, chán dạy học thì đi viết báo, cả đời chỉ có mỗi một lần cầm súng là thời sinh viên khi học quân sự, nhưng lại là súng… giả, súng bằng gỗ!. Anh Thụ người to lớn, cười rung cả hai bả vai!!! Chưa hết! Lúc thu hoạch vụ lúa “năng suất cao” đầu tiên tại Cai Lậy, tỉnh uỷ Tiền Giang còn mời cả nhà văn Thép Mới từ Hà Nội vô! Tôi nhớ, đi đón nhà văn Thép Mới về Cai Lậy được tổ chức như đón nguyên thủ quốc gia. Đi một bước là có bảo vệ! Nhưng anh Thép Mới là một nghệ sỹ, đang đi ghe anh cũng có thể ngủ gật, mà còn ngáy o o… Tấm hình anh Thép Mới và tôi ngồi dưới ghe do phóng viên Báo Nhân dân Trần Thăng chụp, tôi còn giữ đến giờ… Đêm hôm đó anh Thép Mới và tôi ngủ lại tại Ấp Bắc xã Tân Phú – Cai Lậy, nơi xảy ra trận Ấp Bắc đã đi vào lịch sử. Lúc rượu ngà ngà say, anh Thép Mới đọc một câu ngạn ngữ Pháp mà tôi còn nhớ đến bây giờ “Les peuples heureux n’ont pas d’histoire” (những dân tộc may mắn không có lịch sử)!
Nói dài dòng như vậy để tôi muốn nhấn mạnh, huyện Cai Lậy là vùng thâm canh lúa có truyền thống lâu đời ở Đồng bằng sông Cửu Long, và người nông dân đang ngồi trước mặt tôi đây, anh Ba Việt, là 1 trong những người tiêu biểu cho Cai Lậy, cho những người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Những người nông dân như Ba Việt theo tôi, anh ta là tín đồ của một “tôn giáo” đã ra đời 300 năm nay ở vùng phù sa nước ngọt bên sông Tiền sông Hậu, đó là: “Đạo trồng lúa”! Hàng tỷ tỷ những hạt phù sa li ti từ núi rừng xa xôi đã cần mẫn qua tháng năm vượt hàng ngàn cây số đến chờ đón dân tộc ta từ phương bắc “mang gươm đi mở cõi” khẩn hoang, lập nghiệp ở phương trời Nam này. Ba Việt quyết tâm làm lúa, anh còn dự định muốn mua thêm đất để mở rộng diện tích lúa đang có là 5 hecta của anh ở hai tỉnh Tiền Giang và Long An. Mỗi hecta lúa một năm làm ba vụ cho anh lời 60 triệu đồng. 5 hecta của anh cho lời 1 năm 300 triệu. Điều tôi muốn nói là anh làm lúa bền vững, tay nghề cao. Điều quan trọng hơn nữa là anh ta đang làm lúa theo một quy trình tiên tiến “ngang tầm thời đại” là tiêu chuẩn Global Gap. Đậy thực sự là một cuộc cách mạng Khoa học Kỹ thuật đồng thời với cải cách Chính trị trong nghề làm lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Vì, không thể có bao nilon, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật vứt la liệt trên cánh đồng đang làm theo tiêu chuẩn Global Gap. Không thể có bao nilon, rác sinh hoạt vứt bừa bãi trong khu vực cư trú của xã viên đang tham gia làm lúa theo tiêu chuẩn Global Gap. Các gia đình phải có hố xí tự hoại, có kho phân, kho thuốc bảo vệ thực vật cách biệt khu vực sinh hoạt ăn ở… Phải tạo ra cảnh quan nông thôn an toàn, văn minh lịch sự… Với nếp sống xưa nay ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long thì những tiêu chuẩn như thế, được kiểm tra đột xuất không nhân nhượng, mỗi lần kiểm tra là một lần cấp giấy phép lại, hoặc thu hồi giấy phép sản xuất… thực sự là một cuộc cách mạng trong sản xuất. Bao tiêu sản phẩm lúa gạo cho nông dân với lãi xuất cao hơn thị trường 20%, đó thực sự là cải cách chính trị trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. 35 năm qua, các Quốc doanh lúa gạo được cấp vốn khổng lồ từ ngân hàng Nhà nước, họ chỉ lo buôn gạo và giàu nứt đố đổ vách. Các ông lớn ấy chưa bao giờ lo cho người trồng lúa cả. Làm lúa đã 35 năm nay, gạo Việt Nam đã xuất khẩu đi khắp nơi vậy mà người trồng lúa vẫn nghèo thì làm như HTX Mỹ Thành ở Cai Lậy, có doanh nghiệp tư nhân tham gia tiêu thụ lúa gạo cho nông dân để nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững là cải cách chính trị chứ còn gì nữa! Quyền lực và lợi nhuận, đó là chính trị của hạt lúa. Chính chủ nhiệm HTX Mỹ Thành Trương Văn Bẩy cũng đã rút ruột tâm sự với tôi ở Trụ sở HTX lúc sáng nay. Anh quả quyết: Tôi đã học ở trường cán bộ quản lý Nông nghiệp của Bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã đi hầu hết các tỉnh trồng lúa ở miền Bắc và thấy ngoài đó nhiều khó khăn lắm, có nơi như ở cao nguyên đá Hà Giang, bà con phải bốc từng nắm đất lên núi để trồng một cây bắp trong hốc đá. Ở đồng bằng mình, làm lúa gạo là bền vững nhất, vào các siêu thị ở Hà Nội, tôi chỉ thấy gạo Thái Lan, gạo Trung Quốc…bán cho bà con Thủ đô mình ăn. Nhìn gạo nước ngoài bán cho người Việt ăn, tôi thấy đau lòng lắm! Chỉ cần người giàu chiếm 10% ở Việt Nam hiện nay ăn gạo cao cấp thì Đồng bằng sông Cửu Long chúng ta thừa sức làm, và nông dân thì giàu. Vậy mà sao 35 năm nay không làm được, vì cái gì?
Là một người ăn học có bài bản, từng trải, dám đi khắp nơi để “nghiên cứu” sản xuất nông nghiệp, chủ nhiệm Bẩy phác thảo cho tôi hay: Muốn nông nghiệp đồng bằng này phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh thì phải tích tụ ruộng đất. Tôi ngắt lời chủ nhiệm Bẩy: Bằng cách nào? Chủ nhiệm Bẩy cho rằng: Phải bằng cách các doanh nghiệp đứng ra thuê đất của nông dân, liền bờ, liền khoảng từ 100 hecta trở lên mới sản xuất đồng bộ được, đưa cơ giới vào được. Mỗi công đất nông dân được thuê làm với giá 2 triệu đồng trở lên. Đất vẫn của nông dân không mất đi đâu, nhưng làm ăn phải có kỹ thuật, bài bản, đồng bộ. Có thế mới phát triển bền vững được nền nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long.
Vấn đề chủ nhiệm Bẩy đặt ra đã có nhiều người nghĩ tới. Nhưng vốn Ngân hàng Nhà nước rót vào cái thùng không đáy như Vinashin cả rồi, lấy đâu ra cho các doanh nghiệp tư nhân vay để làm nông nghiệp bền vững như mơ ước của chủ nhiệm Bẩy. Tôi bỗng nhớ đến nhận định của ông Nguyễn Trần Bạt mới đây, trong cuốn sách nổi tiếng của ông mới xuất bản: “Đối thoại với tương lai”, ông Bạt cho rằng: Các tập đoàn kinh tế Quốc doanh lớn ở nước ta là “19 con voi ăn cỏ nhà”! còn đâu “cỏ” cho các doanh nghiệp nhỏ nước ta để “phát triển bền vững” như ước mơ của chủ nhiệm Bẩy!
Sau chuyến đi này tôi gặp lại Trưởng phòng nông nghiệp huyện, Tiến sỹ Lê Hữu Hải, anh cũng “đau đớn” nói với tôi rằng: Các đại gia như Hiệp hội lúa gạo Việt Nam, Quốc doanh lúa gạo đâu có nhảy vào cuộc, đã thế còn đứng ngoài xỉa sói người khác!!!
Cũng đồng quan điểm với Tiến sỹ Hải, Phó Giáo sư Tiến sỹ Vũ Trọng Khải, môt chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề nông nghiệp Việt Nam, thầy dạy của chủ nhiệm HTX Mỹ Thành Trương Văn Bẩy ở Trường Quản lí Nông nghiệp, cũng cho rằng mô hình HTX Mỹ Thành ở Cai Lậy còn “mong manh, không bền vững”! Tôi hiểu ý của Tiến sỹ Khải là nếu thằng ADC nó bỏ cuộc thì HTX Mỹ Thành chới với! Cũng may nghe đâu Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, một công ty lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã “đặt chân” đến Cai Lậy để chung lo cho hạt lúa của nông dân. Như vậy, rõ ràng là với sự có mặt của Doanh nghiệp thì “liên kết bốn nhà” đã có thể cho ra đời các HTX như Mỹ Thành. Nhưng còn lẻ loi, chưa thể nói là bền vững. Đã đến lúc phải có những cải cách chính trị (quyền lực và lợi ích) cho cây lúa đồng bằng Sông Cửu Long nếu muốn nông nghiệp phát triển bền vững và hội nhập Quốc tế như người ta vẫn nói trên giấy như hiện nay.
… Chiều đã xuống, những ông bạn hàng xóm đã kéo sang nhà Ba Việt. Tôi xin phép chủ nhà ra về thì ngay lập tức thức ăn đã được dọn ra bàn. Lươn nấu với bông điên điển mùa lũ, thịt vịt quay… Ba Việt cười: Đã “chuẩn bị sẵn”! Không ai nỡ từ chối sự “chuẩn bị sẵn” như thế, nhất là với những người nông dân đất Nam bộ mến khách nên tôi ở lại! Ba Việt cho hay, đặt 40 cái ống trúm một đêm là có thừa lươn nhậu cả ngày. Anh còn trỏ tay ra cái bể xây bên hông nhà nói: Còn cả bể rắn đựng phòng kia, nếu không có lươn thì đã có rắn! Tôi ngạc nhiên hỏi: Rắn đâu mà sẵn thế? Một ông bạn ngồi cạnh tôi giải thích: Vớt được rắn non vứt vô bể, rồi hằng ngày ném thức ăn cho nó, lớn mấy hồi!!! Tô lươn nấu bông điên điển trước mắt tôi bốc mùi thơm ngây. Đó là những chú lươn nhỏ chỉ bằng ngón tay mềm và thơm; gắp kèm với bông điên điển rồi chiêu một ly rượu đế thì thấy nóng ran trong cổ. Người ta giải thích với tôi, nhờ sử dụng hạn chế thuốc trừ sâu nên lươn đẻ mạnh, đây là lươn non, mới đẻ hồi tháng chín ngoài đồng! Ba Việt giới thiệu: Lươn già trong mương, trong ao đến 200 - 300 gam một con nhưng không ngon bằng lươn non ngoài đồng!
… Trên đường về, tôi thấy người ta bán bắp (ngô) vừa mới bẻ ngoài đồng về, chất đống bên vệ đường. Biết là thứ bắp nếp Cai Lậy ngon ngọt, thứ bắp mà tôi đã được ăn với Tiến sỹ Nguyễn Xuân Oánh năm nào tại đất Cai Lậy này, nên sà xuống chọn mua một chục trái bắp còn nguyên cả vỏ, cả râu bắp… Lúc trả tiền, đếm lại thấy phần tôi chọn có mười trái bắp, cô bán hàng đưa cho tôi thêm bốn trái nữa, nói: Ở đây một chục là mười bốn trái chú ạ!
Chỉ cách Quốc lộ có 10 cây số; kinh tế thị trường đang nhốn nháo, chụp giựt như điên… mà ở đây còn giữ được cái văn hoá bán hàng của Đồng bằng sông Cửu Long… một chục là mười hai, mười bốn, mười sáu… như thế này, như thời cha ông ta “mang gươm đi mở cõi”… thì ai, chứ tôi thì: Lạy trời đừng bao giờ “công nghiệp hoá” vùng Đồng bằng sông Cửu Long.(Đăng trong Tạp chí THVTV số xuân 2011)
L.P.K

1 nhận xét:

  1. 40 năm qua, ĐBSCL đạt được thành tựu gì nhất ? xin thưa: thành tựu đáng nể phục nhất, là đã xuất khẩu hàng mấy trăm ngàn cô gái thơm như múi mít, qua làm vợ cho lũ đui què sức mẻ ở xứ hàn-đài, để thoát cảnh đời nghèo đói !
    Từ một vùng trù phú, gạo trắng nước trong, làm chơi ăn thiệt, trên đồng cò bay thẳng cánh, dưới mương cá lội từng bầy, sau 40 năm, con người ta phải bỏ xứ ra đi vì nghèo, điều đó đã nói lên tất cả, ông cán bộ ơi !

    Trả lờiXóa