Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

Đồng bằng sông Cửu Long – 40 NĂM NHÌN LẠI - Kỳ 10

Mùa khói đốt đồng ở miền Tây Nam bộ
* LÊ PHÚ KHẢI
(tiếp theo)
VIII - THÀNH TỰU KINH TẾ 40 NĂM CÂY LÚA
Sau ngày 30-4-1975, cây lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã chọn con đường từ quảng canh một vụ năng suất thấp sang thâm canh tăng vụ với giống lúa mới năng suất cao. Một phong trào khai hoang, phục hóa làm thủy lợi rầm rộ diễn ra khắp nơi. 
Kết quả là vụ lúa Đông Xuân đầu tiên 1975-1976, thắng lợi lớn. Tổng sản lượng lúa cả năm 1976 của Đồng Bằng Sông Cửu Long đạt 4,61 triệu tấn, ổn định lương thực trong vùng và ngay năm đầu tiên đó, Đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp cho cả nước gần 1 triệu tấn lương thực. Đến năm 1990, tức 15 năm sau Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất khẩu được 1,62 triệu tấn gạo, đứng thứ 3 trên thế giới. Với 2,5 triệu hecta đất nông nghiệp, Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo ra sản lượng 12 triệu tấn lúa vào năm 1990, bằng 50% tổng sản lượng lúa của Thái Lan canh tác trên 9,5 triệu hecta. 
Đến năm 1999 xuất khẩu được 4,4 triệu tấn gạo, lớn nhất từ trước tới thời điểm đó. Năm 2000 lũ lớn, thiệt hại lớn, nhưng năm 2001 toàn đồng bằng đã gieo sạ được 1.530.000 hecta vụ đông xuân cho sản lượng hơn 8 triệu tấn, 1.672.000 hecta vụ hè thu cho sản lượng 6.760.000 tấn…
Đánh giá những thành tựu về cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long 40 năm qua, chúng ta dễ thống nhất một điều là: Các công trình thủy lợi đầu mối với mục tiêu “dẫn ngọt, ém phèn, ngăn mặn” là yếu tố hàng đầu, quyết định số phận cây lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Với biện pháp “dẫn ngọt ém phèn” hai vùng đất hoang rộng lớn, nhiễm phèn nặng là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên có tổng diện tích trên 1 triệu hecta đã được khai hoang hữu hiệu. Với các vùng đất nhiễm mặn ven biển từ Gò Công đến bán đảo Cà Mau… Các công trình thủy lợi dẫn ngọt ngăn mặn đã đổi đời cho cây lúa một vụ từ xưa chỉ trông chờ vào nước trời hàng năm thành những cánh đồng cao sản 2-3 vụ một năm. Có nhà khoa học đã nói không quá lời rằng: “Mọi tư duy ở Đồng bằng sông Cửu Long phải xuất phát từ khả năng cung cấp nước ngọt!” Ở đâu có nước ngọt, ở đó có sự sống! 40 năm qua Đồng bằng sông Cửu Long đã tự khám phá ra mình trong cái quy luật giản dị mà kỳ diệu ấy. Có lẽ vì thế mà nhà báo Pháp, ông Oliver Baillancourt đã viết: “Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 12% lãnh thổ là một thế giới nước. Đấy là thế giới của những ngôi làng nhỏ bé mà chỉ tiếp cận được bằng ghe xuồng… Bùn dưới chân và nắng trên đầu, người Việt Nam dành cả trái tim của mình cho 2 mùa lúa mỗi năm. Để rồi trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới…”.
Sau thủy lợi thì giống mới và các biện pháp kỹ thuật, phân bón, phòng trừ sâu bệnh và đặc biệt là các chính sách đổi mới quản lý nông nghiệp của Đảng và Nhà nước (khoán 100, khoán 10) đã nâng cánh cho cấy lúa đồng bằng.
Đến năm 2000 Viện Ô Môn (tức Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long) đã thu thập và bảo quản đánh giá trên 1500 giống lúa mùa địa phương, đã lai được 2000 cặp để tạo chọn giống cho vụ Đông Xuân và Hè Thu. Tại hội nghị Nha Trang, tháng 11/1989, 160 nhà khoa học đã bỏ phiếu công nhận 10 giống lúa quốc gia do Viện Ô Môn nghiên cứu và đề xuất. Đó là các giống IR66, OM - 86-9, OM - 87-1, OMCS… Các giống lúa mới này có sức đề kháng cao, cho năng suất cao trong đó có 8 giống lúa cho phẩm chất gạo tốt, có giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, giống OMCS (tức Ô Môn cực sớm), có thời gian sinh trưởng ngắn rất thích hợp với vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên. Ngoài ra, các giống lúa cạn mới của Viện khoa học Nông nghiệp miền Nam cũng giúp cho cây lúa Đồng bằng sông Cửu Long trụ được ở những vùng ven biển thiếu nước về mùa khô.
Hơn bất cứ ở đâu trên đất nước ta, cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đã phải trải qua biết bao thử thách, đương đầu với bom đạn, thuốc độc hoá học, sâu rầy, lũ lụt… Để đến nay, cây lúa Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước những vận hội thật to lớn. Cả 3 vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu và chắc chắn cả vụ mùa nữa (xưa nay lúa mùa không hề bị lũ lụt đe doạ) đều phát triển tốt.
Nhưng, cây lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đứng trước những thử thách rất quyết liệt, thâm canh cây lúa 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu năng suất cao trong những vùng đất trũng rộng lớn xưa nay chỉ có lúa dài ngày năng suất thấp, chịu lũ lụt hàng năm như ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên… là một thách đố đối với nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Phải kiểm soát tốt lũ lụt hàng năm mới mong an cư lạc nghiệp ở những vùng đất mới khai phá. Mặt khác, sự cạnh tranh với các cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao trong cơ chế thị trường đang lấn đất của cây lúa. Đi trên những trục lộ chính của Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay, những người quan tâm đến “chiến lược lương thực quốc gia” không khỏi lo ngại thấy những ruộng lúa màu mỡ đang bị san ủi, đào bới, tôn cao, rào dậu lại để làm vườn, mở xí nghiệp, xây nhà máy.
Việc sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu, thuốc hoá học, việc tàn phá môi sinh làm mất cân bằng sinh thái đang làm cho đất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày một cạn kiệt dinh dưỡng. Nạn chuột phá lúa trồng từng xảy ra ở xã Phú Ninh, Cần Thơ, ở huyện Thạnh Hoá, Long An trước đây đều được các lão nông tri điền ở địa phương cho rằng nguyên nhân là do tình trạng săn bắt rắn một cách bừa bãi, chạy theo đồng tiền một cách vô tội vạ, nên không đếm xỉa gì tới tương lai của cây lúa.
Hội nghị lúa gạo quốc tế (FAO) tổ chức 4 năm một lần đều đã đi đến kết luận: Từ năm 2000 sản xuất lúa gạo hàng năm cần tăng 2% để đạt 408 triệu tấn. Giá gạo có thể tăng trong những năm tới… Đó là những thuận lợi cơ bản cho cây lúa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tốt trong tương lai…
Về yếu tố giống, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thịnh, Trưởng phòng nghiên cứu cây lương thực Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã chia các giai đoạn giống lúa ở đồng bằng ra 3 thời kỳ chính. Một, thời kỳ 1975-1980, diện tích lúa mùa còn chiếm đến 75% toàn vùng… Hai, là giai đoạn 1980-1989: Các giống cao sản ngắn ngày được thay dần các giống lúa địa phương. Đó là IR64, NN9A, IR66 , IR42 , IR48, MTL58, OM269, OM576. Riêng giống NN9A do Viện KHKTNNMN chọn lọc phát triển rộng trên hàng vạn hecta… Ba, giai đoạn đoạn 1990-2004, các giống kháng rầy KSB54, KSB218, cùng các giống IR50404, IR59606 đã gia tăng năng suất trên toàn vùng. Từ năm 1998 yêu cầu gạo có chất lượng cao, hạt dài 7,0mm, không bạc bụng nên các giống OM1490, VND95-20, MTL250, OMCS2000, OM230 ra đời… Các giống lúa thơm cũng được chọn lọc và phát triển như Jasmine 85, OM3536, Nàng Thơm Chợ Đào…
Thách thức lớn nhất với cây lúa Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn phát triển mới cũng là vấn đề giống. Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long tiên tiến hơn các nước trong khu vực về tốc độ thay đổi giống mới. Nhưng 90% giống mới vẫn do nông dân tự sản xuất bằng phương pháp thủ công. Các công ty giống do Nhà nước quản lý mới đáp ứng từ 4% đến 8% nhu cầu sản xuất. Đó là một chỉ số lạc hậu so với các nước trồng lúa trong khu vực như Ấn Độ, Băng La Đét, Philippin. Tổn thất sau thu hoạch từ 10 đến 15% sản lượng hàng năm là quá lớn. Không hiện đại hoá được khâu cung cấp giống và giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch thì cây lúa Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không đủ sức cạnh tranh khi ta thực hiện các “luật chơi” của AFTA. Cũng xung quanh vấn đề giống, đến nay (cuối 2014) chúng ta đã có những tiến bộ vượt bật. Đặc biệt là đáp ứng giống cho một vùng đa dạng sinh học là Đồng bằng sông Cửu Long. Tại Thủ Thừa, Long An vụ Đông Xuân và Hè Thu 2006 bị dịch vàng lùn, lùn xoắn lá phá hoại nặng…đã được dập tắt trong đó có đóng góp của khâu giống. Đến năm 2007 vê-rút vàng lùn phá hoại lúa ở đồng bằng cũng được dập tắt. Các quốc gia trồng lúa láng giềng như Thái Lan cũng thừa nhận rằng, Việt Nam có nhiều loại giống, đáp ứng được sự đa dạng sinh học trong sản xuất lúa.
Đến nay, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đang quản lý hơn 300 hecta ruộng lúa tại Ô Môn Cần Thơ với 220 cán bộ, trong đó có 30 tiến sĩ, 72 thạc sĩ sản xuất ra những giống lúa nguyên chủng, siêu nguyên chủng để các cơ sở sản xuất giống của nhà nước tại các tỉnh tiếp tục nhân rộng cung cấp tới 70% giống sản xuất cho nông dân. Bản thân nông dân cũng tự sản xuất được 30 đến 35% giống xác nhận cho đồng ruộng.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về những giống lúa hiện nay ăn khách nhất, có chất lượng nhất mà Viện lúa “tâm đắc” nhất, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, đương kim Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho hay, đó là các giống lúa thơm Jasmine, các loại giống chất lượng cao, hạt dài như: OM4900, OM6162, OM6976 (OM là chữ viết tắt Ô- Môn).
Từ sản lượng 4,7 triệu tấn lúa năm 1976 đến năm 2013, sản lượng lúa của đồng bằng đã đạt 24 triệu 470 ngàn tấn. Trong nửa năm, tính từ đầu năm 2014 đến tháng 6 năm 2014, theo số liệu của Ban chỉ đạo miền Tây, Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất khẩu được 2,5 triệu tấn gạo, trị giá gần 1 tỷ USD.
Những con số biết nói kể trên khẳng định thành tựu 40 năm của cây lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cùng với Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ. Tuy nhiên, càng xuất khẩu lúa gạo, nông dân đồng bằng càng nghèo khó, đó là câu hỏi nhức nhối nhất sau 40 năm thống nhất đất nước. Làm gì để giải bài toán này trong những năm tới. Chúng tôi xin nhường lời cho Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn trong bài phỏng vấn ông về vấn đề này ở cuối sách.

NHỮNG NGƯỜI NÔNG DÂN TIÊN TIẾN
Do được thiên nhiên ưu đãi Đồng bằng sông Cửu Long đã sản sinh ra một đội ngũ nông dân tuy không nhiều, nhưng các vùng quê khác của đất nước không dễ gì xuất hiện những gương mặt như thế. Họ là sản phẩm của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đã hình thành nhiều năm ở đồng bằng này. Ba mươi năm lăn lộn với ĐBSCL, tôi đã may mắn được gặp gỡ, làm quen… và có người đã thành bạn tri kỷ. Tôi luôn giữ địa chỉ, số điện thoại  của họ để thường xuyên liên lạc, hỏi han và nhờ họ chỉ bảo… Đó là những con người “cực kỳ bé nhỏ, nhỏ như một cái chấm, nhưng cực kỳ to lớn, tạo ra cả một miền trù phú của đất nước” (Băng Sơn). Đó là những nông dân Hai Chung làm lúa giống ở Chợ Gạo, Tiền Giang, là Ba Nở trồng bắp lai ở Tân Châu, An Giang, Tư Thành trồng sầu riêng hạt lép ở Cái Mơn, Bến Tre, Sáu Đức lập trang trại cả 100 hecta đất trồng lúa xuất khẩu cho Nhật Bản ở Tịnh Biên; Lê Văn Lùng làm 20 mẫu lúa, nhưng để riêng 3 mẫu làm từ thiện, cùng bà con góp tiền mua xe cấp cứu  600 triệu tặng Hội Chữ thập đỏ xã, ở Tịnh Biên, An Giang…
Đặc điểm nổi bật của những nông dân này là họ cực kỳ năng động, nhạy bén, luôn tiếp thu nhanh cái mới và sáng tạo, táo bạo trong lao động…
Ngày mới hòa bình 1975, trong thiên tai lũ lụt khủng khiếp năm 1978, rồi nạn rầy nâu tàn phá đồng bằng, nông dân Hai Chung từ xã Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo, Tiền Giang đã phóng xe Honda 67 xuống tận Cần Thơ để gặp giáo sư Võ Tòng Xuân học cách nhân giống mới năng suất cao. Hơn 3 hecta ruộng của ông đã trở thành ruộng nhân giống cho cả vùng.
Năm 1985, người nông dân này đã cùng đoàn các nhà khoa học Việt Nam đi dự hội nghị khoa học tại Viện Lúa Quốc tế IRRI ở Philippin. Mỗi lần gặp Hai Chung tại trang trại theo mô hình R.V.A.C (ruộng, vườn, ao, chăn nuôi) của ông tôi không thể không ôm chầm lấy bờ vai chắc nịch, ướt đẫm mồ hôi của ông. Đã ở tuổi “ xưa nay hiếm” nhưng Hai Chung từ sớm tinh mơ đến chiều tối, lúc nào cũng tất bật đạp xe đạp đi kiểm tra đôn đốc  nhân công của mình. Hết giờ chiều, Hai Chung lại đi nhặt nhạnh dụng cụ lao động, đem những dụng cụ mới đến từng vị trí để sáng hôm sau nhân công của ông đến làm việc có thể bắt tay vào công việc ngay, không lãnh phí thời gian đi tìm dụng cụ… Cách quản lý khoa học khiến trang trại của ông tồn tại gần 40 năm nay một cách bền vững, ngày càng phát triển đi lên. Nhưng Hai Chung không phải là ông chủ trang trại chỉ biết “đêm nằm nghĩ việc ra cho mà làm” (ca dao), mà còn là một nhà tâm lý học, một người nông dân có đạo lý của ông bà… Hãy nghe ông tâm sự: - Thuê nhân công bây giờ rất dễ vì quá dư thừa lao động, kiếm 10.000 đồng một ngày ở nông thôn bây giờ cũng khó, nhưng thuê người làm lâu dài với mình thì lại rất khó, vì phật ý là người ta có thể bỏ việc ngay lập tức. Vấn đề là phải gắn bó tình nghĩa với nhau. Nếu việc lớn trong đời người ta như cha mẹ qua đời, cưới hỏi cho con cái, giỗ tết… mình cũng chia sẻ với người ta như có thể ứng trước tiền, trả lương trước v.v... và v.v... thì người ta gắn bó với trang trại của mình có khi cả đời. Lao động ở nông thôn là thế!. Chú Hai còn giải thích cho tôi: - Nuôi con heo, con cá… không như làm việc với cỗ máy, hết giờ là đóng máy lại. Con heo đâu có đẻ… đúng giờ!.
Về điểm này thì Hai Chung có tầm hiểu biết ngang tầm… quốc tế. Vì có một thời gian trên thế giới. Ở các nền nông nghiệp tiên tiến như Pháp, Ý, Nhật người ta đã cho rằng các xí nghiệp nông nghiệp có vốn lớn, trang bị hiện đại, thuê hàng trăm công nhân, sản xuất trên một diện tích lớn sẽ triệt tiêu các trang trại nhỏ (gia đình). Nhưng thực tế đã chứng minh nhiều năm qua, các trang trại gia đình nhỏ 5-7 hecta ở Pháp, Ý, Nhật vẫn tồn tại và ngày một phát triển, Vì đối tượng sản xuất của trang trại nông nghiệp là cây, con, chúng cần được chăm sóc như con người với chủ nhân luôn ở bên chúng. Trang trại gia đình, lấy người trong gia đình làm lao động chính với việc thuê mướn thêm một số lao động sẽ tồn tại lâu dài. Một trang trại nhỏ ở Pháp chỉ nuôi trồng một vài loại cây, con… nhưng vẫn tồn tại từ đời ông đến đời cháu chắt… vì nó được những siêu thị, khách sạn nổi tiếng ở thủ đô và các thành phố lớn ký hợp đồng dài hạn mua nông sản để giữ tiếng, giữ khách sành ăn, quen dùng những món ăn mà chỉ có ở nông trại đó mới có những thực phẩm mang hương vị riêng ấy.
Là người nông dân sản xuất hàng hóa, Hai Chung rất nhạy bén với thị trường. Có thời gian trang trại của ông trồng một vườn mận Ấn Độ (miền Bắc kêu là quả doi), bán rất có giá. Bà con huyện Chợ Gạo thấy vậy đua nhau trồng mận Ấn Độ. Đến khi mận Ấn Độ ở Chợ Gạo ra trái, Hai Chung xách xe Honda chạy một vòng quanh huyện rồi về nhà ra lệnh cho nhân công của ông chặt hết vườn mận đang ra trái của mình… Thấy thế vợ ông kêu trời kêu đất. Ông chỉ cười… rồi bắt đầu trồng thứ khác. Mùa mận năm đó dội chợ, mất giá thê thảm, tiền thuê hái mận còn nhiều hơn tiền bán mận… Mọi người đều phục Hai Chung là “nhìn xa trông rộng”!.
Hai Chung cũng không ngừng cải tiến kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học. Năm 2009, 200 heo nái, 35 heo nọc, hơn 300 heo thịt… của trang trại được làm một cuộc cách mạng về chuồng trại, hoàn toàn theo hướng hiện đại: nhập thiết bị nước ngoài, khu chăn nuôi được cách ly tuyệt đối với bên ngoài để đề phòng bệnh tật. Nể tôi lắm, Hai Chung mới cho tôi vào chuồng heo chụp hình, nhưng… phải mặc blouse trắng, đi ủng lội qua một bể nước sát trùng!.
Nhưng cũng đừng tưởng Hai Chung chỉ biết làm mà còn biết chơi ra chơi. Đầu năm 2010, tôi về Mỹ Tho, gọi điện cho ông. Từ đầu dây đằng kia, tiếng ông sang sảng: - Ở đâu để tôi cho xe Jeep ra rước!
Thì ra Hai Chung mới tậu một cái xe Jeep còn “xịn”, giá một trăm triệu, có nguồn gốc từ chiến trường Irăc. Xe có đủ cả bộ vỏ (lốp) sơ-cua, can xăng mới, xẻng nhà binh cài cửa xe... chỉ còn “thiếu một khẩu trung liên đặt trước đầu xe” – như lời Hai Chung – là thành một ông quận trưởng! Hai Chung đón tôi bằng xe Jeep tại khách sạn. Đây là lần đầu tiên tôi được ngồi một chiếc Jeep lùn nên thú vị vô cùng. Xe chạy như bay, gió lùa vào từ bốn phía, mát rượi. Hai Chung hào hứng nói: - Hồi còn chế độ cũ, tôi mê cái xe Jeep của tay quận trưởng lắm, chỉ mong được đi một lần trong đời. Bây giờ mình làm ăn khá giả, lại già rồi, phải mua xe Jeep đi cho đã. Xe tôi đi ăn cưới, chẳng xe đời mới nào dám đụng, đụng xe nhà binh thì chỉ có thiệt!.
Khi tôi viết những dòng chữ này, không quên gọi điện cho Hai Chung hỏi thăm sức khỏe và tình hình sản xuất kinh doanh của ông trong lúc kinh tế đất nước đang rơi theo chiều thẳng đứng. Ông nói như reo trong máy, khoe: - Năm ngoái (2012-LPK), tôi được ra Hà Nội nhận danh hiệu “trang trại vàng” tại Nhà hát lớn!. Nhưng nói về trang trại hiện nay, ông cho biết rất khó khăn, thức ăn cho heo thì luôn tăng, giá heo xuất chuồng thì luôn giảm. Khi tôi hỏi thăm về sức khỏe, Hai Chung lại cười vang và nghiến răng ken két để tôi nghe thấy trong máy! Đó là cách quen thuộc của ông mỗi khi có ai hỏi thăm sức khỏe!. Ông nghiến hai hàm răng vào nhau cho phát ra tiếng kêu ken két nghe đến rợn người, để “khoe” sức mạnh của mình. Kể cũng lạ, các cụ ta xưa có câu “đầu bạc-răng long” để nói vể tuổi già, sức yếu. Vậy mà ở tuổi 80, Hai Chung vẫn rắn chắc như một cây kơ-nia của núi rừng Tây Nguyên, thứ cây có thớ gỗ vặn thừng, không dao, rìu nào chặt nổi. Khi cười, hai hàm răng của Hai Chung vẫn sáng lóa!
Kể về những người nông dân tiên tiến ở ĐBSCL thì luôn luôn có những chuyện lý thú. Tôi có thể viết một cuốn sách vài trăm trang để nói về họ, những người mà tôi đã đến tận nhà, ăn ngủ qua đêm, cùng họ ra ruộng, rẫy để “ba cùng”… Những điều mắt thấy tai nghe ấy tôi mới chỉ viết được những bài báo ngắn về họ (báo lề phải), và ngòi bút của tôi còn “nợ” họ, “nợ” bạn đọc rất nhiều…
Tư Thành với cây sầu riêng hạt lép ở Chợ Lách, Bến Tre cũng là một ví dụ. Những ai quan tâm đến ĐBSCL đều hay rằng đồng bằng có đến 250.000 hecta vườn cây ăn trái, chiếm hai phần ba diện tích cây ăn trái của cả nước. Hằng năm ĐBSCL cung cấp khoảng 2 triệu tấn quả, đó là nguồn lợi thứ ba của đồng bằng sau cây lúa và tôm cá ở vùng trọng điểm nông nghiệp lớn nhất nước này. Nhưng hầu hết cây trái ở đây đang trồng giống cũ, cho năng suất thấp, sản phẩm trái không có độ đồng đều nên kém khả năng chế biến và cạnh tranh trên thị trường. Tính chất lạc hậu của đồng bằng này là chỉ độc canh cây lúa. Khi gạo đã đủ ăn, có dư xuất khẩu thì phải nghĩ đến đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng, trước tiên phải nghĩ đến cây ăn trái. Nhưng khi trở tay thì mới thấy hụt hẫng. Tìm một kỹ sư trồng lúa thì dễ nhưng khi tìm một kỹ sư về cây ăn trái thì một tỉnh không kiếm nổi một người. Vì thế Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới phải mời một đoàn kỹ sư cây ăn trái có múi từ Cuba sang giúp ta. Sau đó ông cho lập “Trung tâm Cây ăn trái” ở xã Long Định tỉnh Tiền Giang. Nhưng Long Định chỉ đáp ứng được 15.000 cây giống mỗi năm. Nhu cầu cây giống, đặc biệt là giống mới, giống nhập ngoại là rất bức xúc… Những nông dân như Chín Hóa, Tư Thành ở Bến Tre là những con người đi tiên phong trong việc tìm kiếm giống mới từ bên ngoài cho các vườn cây ăn trái của ĐBSCL.
…Năm 1998, tôi đến nhà Tư Thành (Nguyễn Công Thành) ở ấp Phụng Châu 2, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, Bến Tre. Từ bến đò lên, đi khá xa mới tới nhà anh. Vậy mà chưa kịp vô nhà, anh đã dẫn tôi ra vườn sầu riêng mẹ đang mang trái của anh… Ba năm về trước (1995), nghe được bên Thái Lan có giống sầu riêng Mon-thoong hạt lép, cơm vàng rất nổi tiếng… Tư Thành đã nhờ người con rể làm việc ở ngoài đảo xa thuộc tỉnh Kiên Giang gửi các thủy thủ tàu Thái Lan hay qua lại, nhờ mua cho giống sầu riêng quí này. Phải 5 tháng sau, mới nhận được cây giống chở qua, với 4 cây vàng cho 250 cây mẹ. Tư Thành đã ra tận đảo để nhận giống cây về. Những cây sầu riêng hạt lép này cho lứa quả đầu tiên sau 3 năm, chỗ dày cơm nhất của nó đến gần bốn phân (4cm), đường kính một múi tới bảy phân, hạt lép. Ban đầu Tư Thành chỉ định trồng lấy trái, sau thấy thị trường có nhu cầu nên chiết cây con bán giống. Các chuyên gia Thái Lan và cán bộ Trung tâm Long Định đã đến tận vườn của Tư Thành tham quan. Lúc ấy, Tư Thành đã định hái một trái để đãi khách, nhưng vị tiến sĩ người Thái đã ngăn lại, nói: - Phải 5 ngày nữa mới chín. Đúng 5 ngày sau, Trung tâm Long Định đã cử người xuống chứng kiến Tư Thành khui trái sầu riêng đầu tiên đó và chụp hình. 100% là sầu riêng hạt lép giống Mon-thoong! Ngay vụ đầu đó, Tư Thành đã bán được 6.000 cây giống, với giá 15.000-20.000 đồng một cây (thời điểm 1998).
Sau chuyến đi đó, tôi đã viết một loạt tin bài cho Đài TNVN, cho báo chí của thành phố có kèm theo băng ghi âm tiếng nói của Tư Thành (cho đài), và hình ảnh vườn sầu riêng hạt lép đang mang trái của Tư Thành (cho báo).
Vài tháng sau, tôi tổ chức cho anh chị em phóng viên ở Chi hội nhà báo của Cơ quan Thường trú Đài TNVN, mà tôi là thư ký của Chi hội, về thăm vườn sầu riêng hạt lép của Tư Thành. Lúc đi đường tôi nói, con gái vùng này đẹp nhất ĐBSCL vì đây là vùng phù sa nước ngọt quanh năm, cây trái xum xuê, “con gái đỏ chót như trái mận trên cành”, như người ta đã ví. Lúc đến nơi, các bạn đồng nghiệp của tôi phải thừa nhận điều đó. Những phụ nữ bình thường bất chợt bắt gặp khi vô thăm một nhà vườn đều có vẻ đẹp bất ngờ. Không cần đến son, phấn, phụ nữ ở đây thắm đỏ phù sa sông mẹ… Sau này trong cuốn “Hồ sơ Đồng bằng sông Cửu long”, xuất bản năm 2000 (NXB Thanh Niên), tôi còn công bố bức ảnh người đẹp Bến Tre Thân Thúy Hà với chú thích: Cô gái miệt vườn Bến Tre này đã vượt lên 600 người đẹp khác trong cả nước để dành vương miện Hoa khôi thời trang 1995 của Tạp chí Thời trang tổ chức tại Hà Nội. Điều thú vị là, khi trả lời phỏng vấn báo chí, cô gái miệt vườn này đã hồn nhiên nói: - Khi biết tôi được nhận danh hiệu Hoa khôi, cả nhà đều ngạc nhiên vì tôi là cô bé xấu xí nhất trong các chị em tôi!
Xứ miệt vườn Chợ Lách của Tư Thành là như thế! Khác với sông Hậu được gọi là sông trẻ, chảy thẳng một mạch, sông Tiền được gọi là sông già, chảy quanh co. Chính sự quanh co già nua đó mà phù sa đã đọng lại nơi đây, làm nên những hòn cù lao lung linh cây trái mà người ta gọi là vùng miệt vườn Chợ Lách - Bến Tre, Long Hồ - Vĩnh Long…
Vì có gọi điện báo trước nên hôm đó Tư Thành đón chúng tôi tại ngay bến đò. Khi về đến nhà vợ Tư Thành khoe ngay: - Nhờ có đăng báo mà nhiều công ty đã từ Sài Gòn đã xuống tận đây đặt mua cây giống của nhà em.
Thì ra đã có những công ty tư nhân ở Sài Gòn xem được bài tôi viết trên báo nên đã xuống đặt mua cây giống sầu riêng hạt lép của Tư Thành để mang lên miền Đông đất đỏ bán. Thế là Tư Thành lại mở ra được một “xưởng” chuyên chiết cây giống, thu hút hàng chục chị em lao động để đáp ứng những hợp đồng lớn, hàng chục ngàn cây giống. Mỗi cây giống của Tư Thành, gốc đều có túi nilon bao bên ngoài, có in nhãn hiệu và địa chỉ nơi sản xuất, cả số điện thoại đặt hàng… trông y như sản phẩm lấy ra từ tủ kính siêu thị!!!.
Khi cuộc nhậu tưng bừng hôm đó đang diễn ra ở ngoài, Tư Thành kéo tôi vào nhà trong, đưa tôi một cái bao thư, anh nói: - Nhờ các bài viết của anh mà vợ chồng tôi có những khách hàng lớn từ Sài Gòn… vợ chồng tôi chia sẻ với anh… Tôi không nhận bao thư, và nói với anh: - Bữa nhậu hôm nay là coi như đã trả công cho tôi rồi. Thay mặt anh chị em, tôi cám ơn anh, đặc biệt là chị đã vất vả…
Nếu Tư Thành phải ra tận đảo xa để đi tìm giống mới thì Ba Nở ở Tân Châu, An Giang lại nhờ nghe đài mà tìm được ra giống mới. Vụ Xuân – Hè 1992, Ba Nở trồng bắp giống mới DK999. Nhờ nghe đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM mà biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đem giống này từ Thái Lan về nước. Anh tìm mua bằng được và đến vụ Đông – Xuân 1994-1995, 3 hecta bắp lai giống mới của anh đã cho lời 30 triệu đồng. Sau cuộc họp báo “đầu bờ” năm ấy do Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam tổ chức tại Tân Châu, bên ruộng bắp của Ba Nở, khi mọi người lên xe về hết, tôi đã ở lại luôn ba ngày với Ba Nở. Ở nhà Ba Nở tôi thấy nhà anh chẳng thiếu gì: tivi, cát- xét, đầu máy vi-đi-ô, phim chưởng…, nhưng tôi để ý, những thứ đó đối với anh là chỉ sắm cho có mà thôi… Tất cả tâm hồn anh để vào ruộng bắp ngoài kia… nơi cánh đồng mênh mông nắng trải… Chính anh nói với tôi: “không ra ruộng bắp nhớ lắm”!. Thế là anh lại chở tôi bằng chiếc xe Dream mới cứng ra ruộng! Len lỏi trong ruộng bắp, nghe Ba Nở nói về cách chăm sóc cây bắp, từ lúc cao bằng đầu gối đến lúc ra bông… tôi biết anh là con người của đất, của cây, của gió đồng nắng sớm… Cái thị trấn Tân Châu ồn ào suốt ngày kia, anh “không màng”!
Cũng như Ba Nở ở Tân Châu, Sáu Đức ở Tịnh Biên – An Giang là ông chủ đang quản lý một cánh đồng lúa xuất khẩu trên 70 hecta đất. Anh đãi chúng tôi rượu Tây nhưng đồ nhậu toàn là những thứ bắt được từ trên trời và dưới đất quê anh. Đó là thịt chuột đồng luộc và chim khúm núm nướng. Thịt chuột mềm và thơm, khi thái ra thớ thịt như ba chỉ, mỡ trắng phau, cho vào miệng mỡ như tan ra, không cần nhai… Thịt chuột đồng luộc và chim khúm núm nướng, thêm mấy trái đậu rồng mọc hoang bên bờ ruộng chấm muối ớt… nhai cho đã rồi chiêu một ngụm rượu nhỏ thì… chao ôi, mọi bữa tiệc trong khách sạn 5 sao trên đời này coi như… đồ bỏ! Chúng tôi đã lai rai với Sáu Đức như thế, trong trang trại của anh, nghe anh kể về câu chuyện tích tụ ruộng đất của mình và cung cách làm ăn với các nhà buôn Nhật Bản.
Còn bác Lê Văn Lùng làm 20 hecta lúa, để riêng 3 hecta làm từ thiện, sắm xe cấp cứu tặng Hội Chữ thập đỏ xã (Tân Lập, huyện Tịnh Biên, An Giang) thì vui vẻ nói với tôi: - Từ ngày có xe cấp cứu, xã tôi đã cấp cứu 20 bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên, cứu sống kịp thời trong đêm tối nhiều “ca” ở cái xã vùng sâu, vùng xa này…
Bác Lùng cười rung cả bộ râu để dài, đặc trưng của một tín đồ đạo Hòa Hảo, nói: - Xe này là xe cấp cứu cao cấp, Hàn Quốc sản xuất bán cho châu Âu, có thiết bị hiện đại, có bình ôxy, lên xe là được thở bình ôxy… Vậy muốn chết thì phải tới bệnh viện mới chết được!.

 Những người nông dân mà tôi kể trên, và còn nhiều nữa không thể kể hết trong giới hạn của một tập sách… là điều mà tôi thấy tự hào vì đã viết về họ trên báo chí “lề phải” suốt nhiều năm thường trú ở ĐBSCL. Nó làm vơi đi những hối hận của mình mỗi khi đọc lại những gì mình đã viết về cải tạo nông nghiệp, cổ vũ cho phong trào hợp tác hóa ở ĐBSCL của một thời mông muội đã qua…
(còn tiếp)
-------------

1 nhận xét:

  1. CHUYỆN DÀI NHIỀU TẬP về Đồng bằng châu thổ SỐNG THAMES *

    100 NĂM NHÌN LẠI



    Xứ Sương Mù là Thiên đường cho Đại đăng quang Thạc sĩ + Tiểu đăng quàng Cu Ti !!!!


    Y tế Anh nổi tiếng thế giới nhân đạo
    Triệu người nước ngoài đang sống tại đào
    Tha hồ lợi dụng điều trị bệnh tình nặng
    Trở thành gánh nặng cho Dân Anh thuế cao
    Luân Đôn địa chỉ hấp dẫn sinh con đẻ cái
    Du sinh học thạc sĩ đèo vợ hay chồng theo vào
    Con sinh Luân Đôn khi về nước Tề nước Vệ
    Trong mắt nai Hà L..ội đại gia đình tự hào !
    Cú này Đế quốc già chắc đang phá sản
    Dân Anh ngán ngẩm ba Tầu da Đen tận trăng sao !!!



    TỶ LƯƠNG DÂN

    Trả lờiXóa