Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

KẺ LƯU MANH CHÍNH TRỊ

* MINH TÂM
       Sau  gần một tháng đi tham gia “Chiến dịch mùa hè xanh” ở tỉnh X  về, cô cháu gái tôi gầy dộc đi, da đen xạm. Nhưng gương mặt rạng rỡ và tỏ ra rất tự hào vì được tặng huy hiệu “Dũng sĩ”. Cháu khoe tấm ảnh chụp với một cán bộ lão thành cách mạng và nói với tôi:
          - Ông có biết người trực tiếp gắn huy hiệu cho cháu là ai không? Chính cụ này đấy. Cụ cũng đã từng vượt Trường Sơn như ông…
         Tôi nhìn người trong ảnh bỗng giật mình vì thấy quen quen. Khuân mặt dài với cái đầu cá trê van vát, có nốt ruồi to như hạt đỗ đen bên khóe miệng. Phải chăng đây chính là hắn? Tôi hỏi cháu gái tôi:
        - Cháu  có biết tên ông này không?
             Cháu đáp:
         - Dạ biết chứ ạ! Thần tượng của chúng cháu mà !
          Nghe đứa cháu gái nói họ tên người gắn huy hiệu cho nó, người tôi bỗng run lên, một luồng gió lạnh buốt xương sống. Vậy chính là hắn …
          Mùa hè năm 1968, sau một năm dự trại viết của Bộ tư lệnh Công binh, tôi được điều về Ban chính trị trung  đoàn Sông Thao làm trợ lý tuyên huấn. Vừa mới chân ướt chân ráo thì có lệnh  chuyển sang  Đoàn 1506 đi B. Theo chính sách lúc đó, quân nhân  có hai người ruột thịt trở lên  vào chiến trường miền Nam  thì  được  hoãn . Tôi đã có hai người  anh  hy sinh ở chiến trường,  sao vẫn  phải đi ? Trong lúc vui chuyện tôi nói như vậy. Không ngờ  trung úy Nguyễn Thanh Bình, trợ lý thanh niên tóm ngay lấy,  lôi  ra cuộc họp chi bộ,  phê  bình  tôi có tư tưởng ỷ nại, sợ hy sinh gian khổ. Và ngay trong cuộc họp đó,Nguyễn Thanh Bình đã hăng hái xung phong  đi B, để chứng tỏ phẩm chất người đảng viên cộng sản. Chi bộ vỗ tay hoan hô Nguyễn Thanh Bình. Tôi không biết dấu mặt vào đâu trước những cặp mắt soi mói. Ngay sau cuộc họp tôi khoác ba lô đi thẳng về Đoàn 1506,  không dự bữa cơm  liên hoan  Ban chính trị tổ chức  tiễn chân Nguyễn Thanh Bình.
             Khi ở Ban chính trị trung đoàn Sông Thao , tuy Bình trung úy, tôi chuẩn úy nhưng cùng là trợ lý, không ai chỉ huy ai. Về Đoàn 1506, tôi  là trung đội trưởng, Bình là chính trị viên đại đội, thủ trưởng tôi.  Ngay trong cuộc họp  cán bộ khung đầu tiên, Nguyễn Thanh Bình  đã xác định  ranh giới cấp trên cấp dưới .  Không chỉ với tôi mà cà với  Đinh Tây Lâm , Lê Văn Liễn,  là trợ lý tham mưu bên Sông Thao chuyền sang làm đại đội trưởng, đại đội phó , Bình cũng xác định ranh giới lãnh đạo.  Đinh Tây  Lâm  hơn  Nguyễn Thanh Bình 4 tuổi đời , 10 tuổi quân, được đào tạo chính quy  trong  trường sỹ quan công binh  vẫn  chịu lép vế  vì Bình là bí thư chi bộ. Còn  Lê Văn Liễn thì không đáng tin cậy.  Liễn có bố  là  cán bộ  bị giết oan trong  cải cách ruộng đất,  sửa sai, đảng cho sang Liên Xô học  để đền bù .  Liễn  tốt nghiệp đại học, có bằng  kỹ sư hóa , nhưng nghe đâu dính xét lại , bị gọi về nước đưa  vào quân đội . Nguyễn Thanh Bình rất cảnh giác đối với Lê Văn Liễn. Trong các cuộc họp chi ủy , Liễn không được dự,  Bình  thường xuyên nhắc mọi người  đề phòng tư tưởng  hưởng thụ hòa bình, sợ chiến tranh, sợ đế quốc Mỹ từ Liễn tác động đến chiến sỹ.  Đối với Nguyễn Thanh Bình không thể tìm ra một chút tỳ vết. Bố là bí thư tỉnh ủy, mẹ là giám đốc ty thương nghiệp, Bình  học hết cấp II  được  vào đào tạo  ở Trường đoàn trung ương  ,  được sang Trung quốc bồi dưỡng lý luận , nghiệp vụ  về làm bí thư huyện đoàn.   Bình xung phong đi bộ đội, xung phong đi chiến trường như  Lôi Phong  của Bát lộ quân Trung quốc.
            Chúng tôi đến vùng bán sơn địa Bất Bạt , Sơn Tây thành một đại đội khung , nhận tân binh về huấn luyện.  Những  buổi  trưa nắng cháy  lăn lê bò toài trên những sườn đồi đá ong rát bỏng, những đêm lạnh buốt ngâm mình dưới dòng sông Hồng và những ngày đeo gạch tập hành quân leo núi Ba Vì nặng nề trôi đi.  Đàm  lính trẻ mặt phinh phính lông tơ  hôm nào đen sắt lại,  nhưng tâm hồn luôn phơi phới bởi được chính trị viên động viên cổ vũ, hứa hẹn tương lai phía trước.  
            Nguyễn Thanh Bình  thổi vào đại đội một bầu không khí háo hức thi đua hướng ra tiền tuyến giết giặc lập công. Những đêm sinh hoạt đại đội, Bình kịp thời biểu dương gương người tốt việc tốt và phê bình những chiến sỹ ngại khó, ngại khổ trong huấn luyện. Những đoàn viên thanh niên được Bình lựa chọn đưa vào đối tượng đảng  sẵn sang lăn xả vào các phong trào thi đua do Bình phát động, như thiêu thân lao vào đĩa dầu đèn.  Bình thực sự là linh hồn cùa đơn vị , chiếm trọn niềm tin cùa chiến sỹ. Nhờ công tác tư tưởng và biện pháp quản lý chặt chẽ  của Bình, suốt đợt huấn luyện đại đội không có trường hợp đào ngũ nào. Cán bộ khung chúng tôi vừa phục vừa sợ Bình. Bởi hơi tý là Bình  gán cho “bệnh tư tưởng” và báo cáo lên cấp trên,mà   mỗi lời nhận xét đánh giá cùa Bình đều được cấp trên tin tưởng tuyệt đối.
             Sau năm  tháng huấn luyện đơn vị chuẩn bị hành quân vào  B2.  Lê Văn Liễn có cô người yêu là cô Lộc nhân viên bán cửa hàng hợp tác xã tiêu thụ  ở chợ Đông Tảo , muốn về thăm ,  nhưng không dám  đi.  Liễn đã bị Bình báo cáo  mắc “Bệnh tư tưởng” và phân công một chi ủy viên theo dõi, giám sát.    Liễn biết  không  riêng Bình mà cả chính ủy và  ban chỉ huy  trung đoàn cũng định kiến với mình như vậy. Liễn nói với tôi:
           - Mày  mang chiếc xe đạp về Đông Tảo giao cho Lộc hộ tao?
          Tôi nói:
          - Đơn vị cấm trại. Chưa chắc ông Bình cho tôi đi?
          Liễn viết tờ lệnh cừ tôi về trung đoàn Sông Thao xin khí tài, đưa đại đội trưởng Đinh Tây Lâm ký  để hợp thức hóa. Nhưng  không qua được tai mắt Bình. Tôi vừa dắt chiếc xa đạp của Liễn ra sân ban chỉ huy đại đội, thì Bình đi theo, nói :
           - Ba đồng chí đồng lõa lừa chính trị viên hả?
            Tôi nói:
           - Thủ trưởng thông cảm cho ông Liễn!
            Bình cười nhạt, nhìn tôi thiếu thiện cảm.
            Trên đường về Đông Tảo, tôi ghé qua Đồng Châu nơi trung đoàn Sông Thao đóng quân chào Đoàn Mô, Huy San, hai người bạn than  trong Ban chính trị. Đoàn Mô nói với tôi :
            - Mày chỉ làm nhiệm vụ “ Chở đò dọc” .Giao quân rồi quay ra.
           Tôi hỏi:
           - Sao  không nghe phổ biến?
            Đoàn Mô cười phì phì:
           - Mày ngây thơ bỏ mẹ!   Phổ biền để lính nó trốn hết à? Chúng nó  tin tưởng  chúng mày cùng sống chết  ở chiến trường, mới gắn bó ,tôn trọng. Nếu biết  mang con bỏ chợ thì chúng khinh, và coi chừng cho ăn đạn sau lưng...
           Ngừng một lát Mô vỗ vai tôi nói nhỏ:
           - Mày tưởng thằng Bình dại à?  Còn lâu. Nó tính toán và có bàn tay đạo diễn  đấy.  Nó đổi cái ghế bí thư huyện đoàn lấy lon trung úy để ông  bố  thêm điểm lên Trung ương. Nó xung phong về 1506  vì biết trước  chỉ đi đò dọc! 
          Tôi vẫn chưa tin Đoàn Mô. Nhưng lúc chia tay, Mô nói thêm:
         - Quyết định  giao quân  Bình cầm đấy!
          Tôi đạp xe sang chợ Đông Tảo gặp Lộc người yêu Liễn. Không biết Liễn có biết quyết định giao quân không? Chả nhẽ ban chỉ huy đại đội  không biết?  Nhưng qua thái độ của Lộc tôi chắc chắn Liễn không biết gỉ. Chính trị viên Nguyễn Thanh Bình đã giữ bí mật tuyệt đối. Tôi thay mặt Liễn giao chiếc xe cho Lộc, Lộc sững sờ  một lúc rồi nói  : “ Biết đến bao giờ  anh Liễn  mới trở về ?” Rồi úp mặt xuống quầy hàng khóc nức nở.   Lộc không chuẩn bị thuốc thang, lương khô cho Liễu,  chỉ kịp dúi vào tay tôi chiếc hộp đựng dao cạo râu  và dặn: “Anh  nhắc anh Liễn  ngày nào cũng phải cạo bộ râu  quai nón nhé. Không thì ra thổ phỉ mất”. Rồi lại khóc.
          Đơn vị bắt đầu hành quân bộ từ Quảng Bình theo đường dây 559. Những ngày đầu trèo đèo lội suối băng băng.  Nhưng khoảng một tháng sau thì bắt đầu rệu rã. Thật lạ , những anh chàng to xác  lại dễ gục.  Đầu tiên là trung đội trưởng Nguyễn Văn Vệ , từng là một đô vật xứ Đoài , nặng gần 80 cân , chắc như phiến gỗ lim. Suốt mấy chặng hành quân Vệ  luôn xông xáo đôn đốc và vớt những chiến sỹ trong trung đội bị tụt lại . Vệ mang giúp bao gạo , cuốc, xẻng cho  các chiến sỹ yếu. Nhìn Vệ  như một con ngựa thồ. Thế  là Vệ kiệt sức và bị vi trùng sốt rét  đánh gục.  Người Vệ nhão ra, bước đi run rẩy như con dẽ.  Vệ  trùm  cái vỏ chăn kín từ đầu xuống chân, chống gậy  lò dò lê từng bước  rên ư ử. Kế đến là đại đội phó Lê Văn Liễn. Anh chàng được tẩm bổ bằng bơ , sữa, bánh mỳ Nga, lúc mới lên đường béo tốt như tây , da trắng hồng , cặp mắt xanh và đôi môi đỏ chót . Liễn ngày nào cũng chăm chút cạo bộ râu quai nón  và mỗi buổi chiều đến bãi khách lại đem ảnh người yêu ra ngắm và hát “ Chiều Matxcova ”  rất yêu đời.  Nhưng  rồi mặt mày xám ngoét, mắt trắng dã, râu ria lởn chởm . Liễn chả còn nhớ gì đến cái khung trời  màu tím bên nước Nga và  quăng cái hộp đựng dao cạo râu Lộc tặng.  Quăng  hết cho nhẹ xác. Chiếc ba lô của Liễn chỉ còn bộ quần áo,chiếc võng, chiếc tăng và ba kg gạo phòng thân. Trên khuôn mặt Liễn  râu quai nón  phát triển vô tổ chức trùm kín cà miệng. Chả hiểu trên đường đi  nghe ai bày cho cách làm cơm rượu và bảo ăn thứ đó sẽ diệt được vi trùng  sốt rét ác tính?   Thế là Liễn  nghiền nát mấy viên thuốc cảm và Vitamin C,  trộn với  cơm   nhão , nhét vào bình toong.  Mấy ngày sau mở ra thì , ối giời đất ơi , cơm rượu chẳng ra cơm rượu  mẻ chẳng ra mẻ. Nó  bốc mùi nồng nồng , cay cay chua loét như mèo mửa, không ngửi được.  Vậy mà Liễn vẫn nhắm mắt  ăn cái thứ hổ lốn ấy với hy  khỏi bệnh sốt rét. Liễn rất sợ bị tụt lại phía sau , bị Nguyễn Thanh Bình quy kết tư tưởng xét lại . Tôi vừa thương hại vừa cảm phục sự chịu đựng và lòng tự trọng của Lê Văn Liễn.
                 Ngược lại Nguyễn Thanh Bình mặt  vẫn  đỏ  hây hây, miệng vẫn leo lẻo . Ngay từ ngày đầu hành quân Bình  đã chọn ba chiến sỹ người dân tộc miền núi làm liên lạc cho mình. Bao nhiêu quân tư trang của Bình ba liên lạc chia nhau mang vác hết. Lúc đầu   Bình  đeo khẩu  súng ngắn  K54, đi được nấy trạm chỉ đeo cái bao nhét dầy giẻ,  còn khẩu súng  giao cho liên lạc. Trước ngày hành quân,  mẹ  và vợ Bình lên thăm, mang  cho Bình  đủ các loại thuốc  bổ và thực phẩm khô.  Tiêu chuẩn  Bí thư tỉnh ủy và Trường ty Thương nghiệp mà lại!  Bình  gói gém từng thứ ,  phân công liên lạc mang vác.  Ba chiến sỹ liên lạc như ba con ngựa thồ quân tư trang và đồ ăn thức uống cho chính trị viên. Bình chỉ giữ khư khư bên mình chiếc sắc cốt đựng tờ quyết định  giao quân và cái đài Xiong Mao của Trung Quốc…
           Đến cao nguyên Pô-lô-ven ,  gần nửa đường  B2 vào một buổi chiều cuối Thu.  Gió Lào  thổi hun hút . Khu rừng  bằng lăng ngập lá khô. Hơn hai chục cán bộ chiến sỹ lên cơn sốt rét không đủ sức  mắc võng , căng tăng,  nằm co coắp dưới gốc bằng lăng. Những thân hình gầy đét, quằn quại như những con dun.  Nguyễn Văn Vệ và Lê Văn Liễn  trong trong số đó, không đến dự   cuộc họp chi bộ được. Nguyễn Thanh Bình  kiểm điểm  những ngày hành quân đã qua và phát động đợt thi đua nước rút.  Bình nói : “  Chúng ta phải đi bằng cái đầu các đồng chí ạ!  Bát lộ quân  đã dùng cái đầu đề vượt qua Thập Đại Sơn  trong cuộc vạn lý trường chinh!”
           Đại đội trưởng Đinh Tây Lâm  đề xuất cho đại đội phó Lê Văn Liễn và trung đội trưởng Nguyễn Văn Vệ vào trạm quân y .  Chính trị viên Nguyễn Thanh Bình gạt phắt đi. Bình nói : “ Mới sốt 39-40 độ đã đòi vào trạm  thì  không xứng đáng là một  người cộng sản!”
            Hôm sau, đơn vị tiếp tục hành quân. Chiều đến bãi khách, chờ mãi không thấy trung đội trưởng  Nguyễn Văn Vệ. Họp giao ban Nguyễn Thanh Bình nghi ngờ Vệ đào ngũ.  Đại đội trưởng Đinh Tây Lâm cử  chiến sĩ quay lại tìm kiếm.  Trưa hôm  sau anh em  khiêng xác Nguyễn Văn Vệ về. Thi thể còn  ấm, bị kiến, mối gặm nát hết mặt mũi.  Anh em cho biết lúc tìm thấy Vệ nằm cạnh  ụ mối ven đường , Vệ  vẫn còn  thoi thóp và nói được mấy câu. Vệ bảo  trong lúc hành quân, lên cơn sốt,  ngã xuống  không đứng dậy được. 
             Nguyễn Thanh Bình lập tức tập họp toàn đại đội phát động phong trảo thi đua học tập  tinh thần  Nguyễn Văn Vệ.  Mới chiều hôm qua Bình nghi ngờ Vệ  B quay , dùng những lời lẽ mạt sát Vệ nặng nề . Vậy mà  chiều nay, bên xác người trung đội trường xấu số ấy, Bình cất lời ca ngợi như một anh hùng.
             Đơn vị hành quân đến bên bờ sông Sê Kông thì bị một trận bom B52.Trận bom bất ngờ trút xuống như mưa.  Đại đội phó Lê Văn Liễn và sáu chiến sỹ sốt rét nặng  không  lăn kịp  xuống hầm, hy sinh, tinh thần đơn vị hoàng loạn.  Chính trị viên Nguyễn Thanh Bình bị đất vùi, chỉ xây sát qua loa , nhưng  mặt của Bình cắt không còn hạt máu.  Bình nằm  hai tay ôm ngực, rên rỉ, nói bị sức ép nặng, không thở được. Ngay sau trận bom, Bình  quyết định vào bệnh viện binh trạm. Đại đội trưởng Đinh Tây Lâm nói:
             - Tình hình đơn vì hoang mang lắm! Anh nên cố gắng ở lại làm công tác tư tưởng xốc lại tinh thần anh em?
             Bình triệu tập cuộc họp cán bộ, đảng viên, rươm rướm nước mắt nói:
            - Tôi nhận trách nhiệm trước đảng cùng các đồng chí vào chiến trường  , giài phóng miền Nam . Với cương vị lãnh đạo  tôi đã làm hết sức mình suốt chặng đường hành quân dầy gian khổ. Tôi rất buồn vì bị thương phải vào trạm khi đơn vị đã gần tới đích. Các đồng chí hãy thay tôi phát huy phẩm chất cách mạng đi tới đích.
            Đại đội trưởng Đinh Tây Lâm nói:
            - Đồng chí chính trị viên chỉ bị đất vùi qua loa, nên cố gắng tiếp tục hành quân cùng đơn vị.
           Nguyễn Thanh Bình nói:
          - Với phẩm chất một người cộng sản tôi đã cố gắng hết sức mình rồi…
           Tôi bỗng nhớ những lời Đoàn Mô nói với mình. Không còn nghi ngờ gì nữa, Nguyễn Thanh Bình đã đóng kịch  lừa trên dối dưới. Không nhịn được, tôi đứng dậy chỉ vào mặt hắn:
            - Anh Bình ạ!  Bây giờ thì tôi đã hiểu bộ mặt thật cùa anh. Anh biết trước cán bộ khung chỉ “đi đò dọc” nên mới xung phong vế đoàn 1506.  Trong cái xắc-cốt anh luôn giữ khư khư kia là  tờ quyết định giao quân anh cố tình giấu chúng tôi. Anh tính toán ,với thuốc bổ và thực phẩm gia đình chuẩn bị sẵn, lại không phải mang vác nặng, anh sẽ  không bị  sốt rét. Sau ba tháng  quay ra,  anh sẽ lên cấp chức và bố anh tha hồ tự hào có người con đã đi chiến trường.  Anh  hô hào chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động viên chiến sĩ lót đường cho anh đi. Anh đạp lên xác anh Vệ, anh Liễn đề đạt mục đích của mình. Nhưng có một tình huống anh không lường hết. Đó là bom đạn. Trận bom B52 đã mách bảo  rằng, anh không chết sốt rét,  nhưng có thể chết vì bom trên nừa đường hành quân còn lại. Vậy nên anh đánh bài chuồn...
             Nguyễn Thanh Bình giơ tay cản, tôi vẫn nói. Nói ào ào như nước vỡ  bờ.  Nghe tôi nói chiến sỹ bỗng nhao lên phản đối Bình. Một tràng sung AK quét lên ngọn cây, lá rụng xuống rào rào.  Nguyễn Thanh Bình  biết tình thế bất  lợi,  vội khoác ba lô chạy theo con đường  mòn vào quân y binh trạm.
            Đinh Tây Lâm nhìn theo chửi:
           - Thằng hèn!
            Chúng tôi tiếp tục hành quân vào B2. Bị Nguyễn Thanh Bình ăn cắp quyết định giao quân,  toàn bộ cán bộ khung bị giữ lại, bổ sung vào các đơn vị chiến đấu. Đại đội trưởng Đinh Tây Lâm hy sinh năm 1969, trung đội trưởng Nguyễn Văn Bách hy sinh năm 1970, trung đội trường Lê Ngọc Đôi hy sinh 1972...
           Tôi đã cố quên tên đào ngũ Nguyễn Thanh Bình. Nhớ làm gì loài sâu bọ đó. Vậy mà bây giờ lại nhìn thấy hắn . Hắn xuất hiện không không như loài sâu bọ mà là một kẻ  ngạo nghễ đường bệ nhân danh  lão thành cách mạng, trao huy hiệu “Dũng sĩ” cho cháu tôi. Một tên đạo đức giả  trao cái huy hiệu dũng sĩ cũng giả cho những đứa trẻ trái tim còn trong trắng. Hắn đã lừa tôi chưa đủ , giờ lại lừa cả con cháu tôi.
           Tôi muốn cầm cái huy hiệu “Dũng sĩ” giả  ném vào sọt rác và bào cháu tôi: “Kẻ trong tấm hình này là quỷ, không phải là người cháu ạ! Hắn là kẻ thoái thác nhiệm vụ, ham sống sợ chết, một kẻ cơ hội, ‘lưu manh chính trị’ đấy cháu ạ!”. Nhưng tôi kịp ghìm lại, không ném, không nói, sợ cháu bị hụt hẫng. Nhưng, có lẽ thà bị hụt hẫng còn hơn tiếp tục bị lừa phải không các bạn!
MT (Tác giả gửi BVB)
----------------

20 nhận xét:

  1. Bài RẤT HAY, rất sâu sác. Cảm ơn BVB và tác giả

    Trả lờiXóa
  2. Trương Minh Tịnhlúc 20:07 21 tháng 10, 2014

    Bài nào của Minh Tâm cũng xuất sắc.Sát thực tế. Tuyệt vời.

    Trả lờiXóa
  3. Nếu không khôn ngoan thì làm ssao sống tối bây giờ để có xe hơi , nhà lầu...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. MT tố cáo cả hệ thống chính trị

      Xóa
  4. chưa bằng ở trong Nam này có bao nhiêu kẻ trước đây nợ máu, bắn VC và dân mình như điên mà nay vẫn làm cán bộ cấp to từ huyện lên đến tỉnh đầy ra đấy có sao đâu. tiền lo được hết mà chuyện trên thì nghĩa lý chó gì

    Trả lờiXóa
  5. Không những TG Minh Tâm bị lừa rồi đến cháu của LÃO THÀNH CM cũng bị lừa mà cả DT VN bị lừa trong suốt nhiều TK?
    NGLUY

    Trả lờiXóa
  6. Chẳng hiểu gì xã hội cả ! Mấy cô cậu sinh viên mặc quần áo xanh ấy bị lừa thôi. Có cớ để rút ngân quỹ đoàn trường chia nhau, thi thoảng cho các cháu bữa liên hoan còm cõi. Việc làm của thanh niên tình nguyện là cái cớ để nhiều kẻ dựa vào đó tham nhũng, trong đó có các sinh viên là cán bộ đoàn.

    Trả lờiXóa

  7. MT viết bài nào cũng "phản động"
    sự thật là kẻ lưu manh nhất lại leo lên vị trí cao nhất
    thằng khốn nạn vô đạo đức nhất lại trở thành thần tượng

    Trả lờiXóa
  8. Hồ Xuân Mãn : "Đó chính là nét ưu việt của chế độ ta".Đi đâu ông ta củng rao giảng câu này

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gs. Hoàng Chí Bảo cũng thường đi thuyết giảng tán phét về "đường lối" ở các tỉnh và các nơi khác để lấy FB - phong bì!

      Xóa
  9. Nó lừa tôi chưa dủ , giớ muốn lừa cả con cháu tôi! Vâng , mấy thế hệ người VN đã bị cộng sản lừa . Độc lập tự do hạnh phúc! Nó rất hay nhưng bốn mươi năm không còn chiến tranh mà có Độc lập tự do hạnh phúc đâu? Hoàng sa, Trường Sa Trung cộng chiếm, rừng Trung cộng 'thuê', Bauxite Trung cộng khai thác, nhân sự lãnh đạo Trung cộng sắp xếp, dân vẫn đói khổ, vẫn bị kìm kẹp, cấm đoán. Chúng nó hứa hão . Tên lưu manh Nguyễn Thanh Bình trong tác phẩm này là một trong 3 triệu tên đàng viên cộng sàn.Tôi ghét nhất bọn cán bộ đoán thanh niên cộng sản. Đó là bon ăn theo nói leo lau nhau như cá mương đớp cứt. Tôi nhớ có lần ông Đặng Quốc Bảo đã nói : " Đoàn thanh niên cộng sàn mỗi năm bồi dưỡng cho đảng mười vạn thanh niên cơ hôi!" Tiền thuế của dân nuôi bọn lưu manh chính trị.

    Trả lờiXóa
  10. “ Trả ơn “ và “ KẺ LƯU MANH CHÍNH TRỊ “ là những chuyện ngắn rất hay và gây xúc động mạnh trong lòng bạn đọc .

    Những kẻ lưu manh như Bình , Mạnh ( Trả ơn ) luôn đầy rẫy đang tồn tại dưới nhiều vỏ bọc khác nhau , lừa lọc , tạo vỏ kén vững chắc và leo dần lên cao .

    Hãy tưởng tượng một nơi chứa toàn những kẻ bằng mọi thủ đoạn để tụ tập ở đó . Nơi đó đầy rẫy mưu mô và lừa lọc . Người chân chính thẳng ngay , không còn chỗ và bị cô lập , đấu tố .
    Thật nguy hiểm khi những kẻ từng làm điều độc ác lại đứng ra rao giảng về đạo đức , nhân nghĩa và lập thành bè đảng , a dua tung hô lẫn nhau .


    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
  11. Nhiều trường hợp cho thấy Những anh hùng thật sự trong cuộc chiến tranh đang sống yên lặng ở quê nhà hay năm sâu dưới đất, rất nhiều những "Anh hùng lộ diên" đều là rởm.
    Dễ hiểu thôi, bản chất lưu manh và hành động anh hùng không đi liền với nhau

    Trả lờiXóa
  12. Cả cái tượng Thờ phụng, kinh văn , giáo phẩm cao cấp đều là đồ điểu , thì bảo sao bọn tăng lử lại có lòng tự trọng của loài người ? Bọn nó là quỷ có màu đấy !

    Trả lờiXóa
  13. Đảng viên thời @lúc 12:17 22 tháng 10, 2014

    Bây giờ bọn tuyên giáo từ xã huyện đến TU đều là một lũ ăn theo nói leo bị ban tuyên giáo TU lừa, rồi nói bừa nói phứa ,chẳng đâu ra đâu cả.Nói chuyện thời sự lúc nào cũng chăm chăm vào sách để đọc nên việc nói sai là tất yếu .Bí thư ,chủ tịch nói chống tham nhũng thì lại quá nhũng ,nói học tập bác Hồ thì lại đi ô tô đến hội trường,nói đến kỷ cương lại xem thường dân chủ, bắt bớ dân oan lan tràn trên cả nước .

    Trả lờiXóa
  14. Minh Tâm viết quá thực nên không thể làm chính trị được .Giáo làng xuân mậu thân 68 đang học lớp 10 cũng làm đơn tình nguyện đi bộ đội "chống Mĩ cứu nước" và được đi nam chiến đấu trong đoàn đi nam 1046 mấy tháng .Cho nên Giáo làng hiểu rất rõ về hoàn cảnh chiến tranh khi đó nên Giáo làng khẳng định Minh tâm viết quá thực .Nhưng thôi làm chính trị là như vậy đã làm chính trị mà không thủ đoạn ,lường gạt sảo trá thì không phải là làm chính trị, chỉ có điều ở việt nam ta đã được nâng lên tầm cao của nghệ thuật chính trị vĩ đại mà thôi...

    Trả lờiXóa
  15. Năm 66 quê tôi bị bom ác liệt vì cả xã có gần chục cây cầu ,thế mà lúc đó đã có ông đảng viên thịt chó,ông ấy mời mấy ông đảng uỷ bữa thịt chó rồi vào đảng ngon ơ, lại còn đi khoe nữa chứ,thế là dân quê tôi có câu mới là đv thịt chó hi hi.

    Trả lờiXóa
  16. Minh Tâm hay quá! Thực như cuộc đời đã trải qua vậy. Cộng sản là thế đó. Bọn cơ hội đang nhan nhản kia kìa. Ichs kỉ, vụ lợi, dối trá, lừa mị là bản chất, là căn cốt của bon người nhân danh cs.

    Trả lờiXóa
  17. Bây giờ ở VN thiếu gì kẻ lưu manh chính trị. Bản thân nào có ra gì nhưng nắm chức quyền đi đâu cũng mạnh miêng lên lớp dạy đời. Chỉ tổ làm mất lòng tin với nhân dân mà thôi.

    Trả lờiXóa
  18. Bài này rất thực và hay đấy chứ. Tôi là CCB , lính chiến thực thụ, nên cảm nhận được ngay nếu gặp tên Bình hèn hạ và đểu giả này. Nhưng hầu hết bọn "bê quay"sau này ra Bắc lại "phát triển" nhanh như diều gặp gió. Không hiếm loài Tổng giám đốc, Cục, Vụ , Thứ trưởng, Bộ trưởng đào ngũ thời chiến lại làm "cha thiên hạ" về tinh thần yêu nước, c/m..Xạo hết cả đấy thôi. Ngay cái ông Huynh. lính tạch tè ở Cửa Việt 1972, núp dưới hầm ôm máy Thông tin 2 W chứ dám ngoi đầu ra đâu.. nay lại là Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng , lên bục giảng nói như Nguyễn Trái, đọc Bình Ngô vậy .. đùng đùng đùng , đoàng đoàng đoàng. hô hô hô

    Trả lờiXóa