Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

THÁCH THỨC VỀ LÃNH ĐẠO VÀ THỂ CHẾ

    
* GS. JONATHAN LONDON
Cách đây đúng hai giáp Âm lịch, tức là năm Canh Ngọ – 24 năm trước, tôi đã sang Việt Nam lần đầu tiên. Hai giáp sau, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều và rất nhanh về nhiều mặt. Nếu hai giáp trước, Việt Nam đã là một nước nông nghiệp với mới tới 66 triệu dân, thì hôm nay, Việt Nam là một quốc gia đang công nghiệp hóa với số dân hơn 90 triệu người.
Và nếu trước đây, Việt Nam là một trong những nền kinh tế nghèo nhất Đông Á, trong 24 năm vừa qua, Việt Nam đã hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế mau chóng, sự giảm mạnh số hộ nghèo đói, và sự phát triển nhanh chóng của ngoại thương.
Bất chấp sự chững lại gần đây của các hoạt động kinh tế và những lo lắng hiện tại về sự yếu kém trong các thể chế cơ bản, Việt Nam là một nước còn nhiều tiềm năng. Vấn đề là chất lượng của sự phát triển đất nước Việt Nam sẽ như thế nào?
Có lẽ một trong những thay đổi quan trọng nhất là nước Việt Nam không còn bị cô lập như trong quá khứ. Chỉ mới 24 năm trước, khi tôi đến Việt Nam lần đầu, các mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam rất hạn chế. Việc một người Mỹ sang Việt Nam là chuyện hiếm. Trong khi ngày hôm nay, chính quyền Hà Nội đã có quan hệ với hơn một trăm quốc gia và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các tổ chức khu vực và quốc tế. Với sự pha trộn nhiều lợi thế cạnh tranh, và cả vị trí địa lý thuận lợi nằm ngay điểm giao của các tuyến đường thương mại tầm cỡ ở Đông Á, một tương lai sáng lạng hơn, thịnh vượng hơn cho Việt Nam tưởng chừng nằm trong tầm với.
Tuy nhiên, vẫn có những điều không chắc chắn đáng để bàn về tương lai của Việt Nam. Trong đối nội, không thiếu những thách thức cấp bách. Đa số liên quan đến những thách thức về lãnh đạo và thể chế. Trong đó, những vấn đề như sự thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình (không phải giải trình theo kiểu hình thức) là đặc biệt quan trọng. Vấn đề lớn thứ hai là sự bất bình đẳng trong xã hội, hiện đang tăng lên cùng với sự nhận thức rõ ràng hơn về sự bất công của người dân. (Là người Mỹ, tôi sẵn sàn chấp nhận vấn đề mất công bằng cũng là một vấn đề cũng rất lớn ở nước tôi – nhưng blog này nói về các vấn đề của Việt Nam).
Một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang đối mặt hiện nay là làm sao để đất nước có thể phát triển và mở rộng tầng lớp trung lưu. Muốn làm điều đó, chính phủ Việt Nam phải nhanh chóng phát triển số lượng lao động có kỹ năng cao thì mới hy vọng phát triển đất nước mạnh và bền vững được. Và phải giảm tối thiểu những loại chi phí (nhiều khi quá đáng) mà người dân phải gánh chịu từ hàng hóa đến các dịch vụ cơ bản, từ vấn đề nhà ở đến các dịch vụ giáo dục và y tế.
Là người khá lạc quan dù không ngây thơ, tôi tin rằng những thách thức trong nước có thể và phải được giải quyết sớm. Và những nỗ lực trong nghiên cứu của tôi chủ yếu tập trung ở những lĩnh vực này.
Giải quyết những vấn đề nêu trên quả là điều không dễ dàng, vì tốc độ, phạm vi, kết quả của những nỗ lực cải cách ở Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, hai yếu tố quan trọng là sự dũng cảm chính trị và trí tưởng tượng (trong ít nhất một phần quyết định) của giới lãnh đạo chính trị, một yếu tố chưa thấy rõ. Thứ hai là sự phát triển mạnh mẽ của xã hội dân sự mới nổi ở Việt Nam.
(Ở đây xin nhấn mạnh: Ở Việt Nam, xã hội dân sự không chỉ ở ngoài bộ máy Đảng cộng sản Việt Nam, mà (trong một số khía cạnh) có sự tham gia chưa công khai của nhiều người đã và đang là đảng viên. Tôi tin rằng trong những năm qua, xã hội dân sự sẽ được xem là một thế mạnh thay vì sự đe dọa của đất nước. Dù nghĩ gì về những nhân vật trong xã hội dân sự của Việt Nam, chẳng có ai có thể nói họ là những người không yêu nước. Nói họ không yêu nước chính là nói dối!)
Trong những tháng qua trên blog này, tôi chủ yếu đề cập đến những vấn đề trong nước. Thật ra, chẳng ai có thể đoán được quá trình này sẽ tiếp diễn như thế nào. Chúng ta đều biết sự phát triển của đất nước Việt Nam nên là một quá trình do chính người dân Việt Nam quyết định. Song, có một số điều đáng lo đang tiếp diễn trên phạm vi quốc tế mà điều đó đang đe dọa trực tiếp đến sự độc lập và nguyện vọng của người dân.
Vấn đề thứ nhất trong những thách thức này là Việt Nam cùng với Đông Á và thế giới, sẽ xử lý các thách thức quan trọng trong khu vực như thế nào. Cái tôi đang đề cập đến chính là sự bành trướng và những hành vi đế quốc của Bắc Kinh, mà một lần nữa đang làm dấy lên căng thẳng trong khu vực. Dù là người có một thái độ tôn trọng nhất định đối với Bắc Kinh, rõ ràng 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” không miêu tả những hành vi của Bắc Kinh hiện nay, dù ta giả định “hữu nghị, hợp tác, và ổn định” có nghĩa là Việt Nam không còn là nước độc lập. Việc Hà Nội đón nhận 6 tàu ngầm hạng Kilo từ Nga và dự định tăng cường bảo vệ bờ biển Việt Nam bằng tên lửa, công nghệ quân sự Nga là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đó không phải là một tương lai sáng lạng mà những người Việt trẻ tuổi và những người từng trải mong mỏi. (Ai muốn xem tôi đề cập vấn đề này bằng tiếng Anh có thể bấm link này).
Trong hai giáp qua, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ về mặt xã hội dù vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo phải đề cập. Và trong suốt thời gian đó, “Ông tây này” đã rất nỗ lực để hiểu thêm về những vấn đề này. Càng học nhiều và càng tìm hiểu nhiều, càng biết mình chưa biết đủ. Nhưng tôi vẫn cố gắng như mọi người. Trong những tháng tới, nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ sang Việt Nam để thực hiện một dự án nghiên cứu cho Liên Hợp Quốc và nhà nước Việt Nam, nhằm hỗ trợ tìm những cách giảm thiểu những trở ngại mà người dân Việt Nam đang phải đối mặt khi tiếp cận các dịch vụ giáo dục, và y tế, năng cao sự mình bạch và trách nhiệm giải trình trong hai ngành quan trọng này. Qua đó và qua việc phan tích những kinh nhiêm quốc tê, chúng tôi sẽ tìm giúp đẩy mạnh “tăng trưởng kinh tế bao trùm” ở Việt Nam.
Xin chia sẻ với các bạn rằng cách đây vài tuần, khi tôi đang ở Việt Nam, có một bạn đã khuyên tôi rằng việc chia sẻ những suy nghĩ và chính kiến của mình về đất nước này sẽ chỉ tăng rủi ro không được chính quyền hoan nghênh ở Việt Nam nữa. Vâng. Tôi hiểu rất rõ về điều đó. Tuy nhiên, ở địa vị của tôi, tôi vẫn phải là tôi; một người chân thành. Nếu các bạn thấy có bài nghiên cứu hay blog nào có tính “thiếu xây dựng” thì xin vui long cho tôi biết cụ thể nhé. Nếu thấy những bài blog “thiếu khách quan” thì tôi cũng sẵng sàng suy ngẫm về điều đó. Nhưng, xin chia sẻ: Tôi là người muốn và có điều kiện để đóng góp vào sự phát triển của đất nước Việt Nam, và tôi cũng muốn sống đúng theo lương tâm của tôi. Nếu có cơ sở mà lại không tìm cách nói ra thì là bất lương rồi. Đúng chưa?
Tôi nhận ra, những thách thức trước mắt là rất lớn và khó giải quyết. Nhưng, nếu có đủ quyết tâm thì bất cứ cái gì đều có thể đạt được. Dù cuộc thảo luận về tương lai của Việt Nam rất dễ đón nhận những trận ném đá, vào dịp Tết này, tôi xin gửi lời chúc an khang thịnh vượng tới toàn thể người dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước, đồng thời trân trọng đề nghị rằng: Với đủ nỗ lực, dũng cảm, và sáng tạo, cũng như một tình thần cơi mở mới, toàn dân Việt Nam cũng có thể giải quyết những thách thức này trong vòng nửa giáp.
Hai giáp và nửa giáp là hai giáp rưỡi đấy. Chúc mừng năm mới toàn dân Việt Nam!
JL
----------------

5 nhận xét:

  1. Ông nói mơ hồ lắm,chỉ được vài ý tưởng hay.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn giáo sư J. đã có những ý kiến quý báu , nhưng ở đây không phải là những phương pháp giải quyết mà là sự lựa chọn "Cho TÔI hay cho mọi người " ? Lãnh đạo các nước Đông Âu , IRắc , Lybia , Ai Cập , Syria v.v... họ đều kháng cự đến phút cuối cùng cũng chỉ vì cái TÔI . Một sự lựa chọn vô cùng khó khăn . Cảm ơn giáo sư , năm mới chúc giáo sư mạnh khỏe .

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn GS.
    Có điều GS chả hieur 1 chút gì về cộng sản cả!

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn GS! Vì ông đã có công tô hồng Đảng CSVN
    Phải chăng giáo sư phát biểu sau khi đã nhận được món quà đắt tiền của Đảng CSVN ?

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn GS! Vì ông đã có công tô hồng Đảng CSVN
    Phải chăng giáo sư phát biểu sau khi đã nhận được món quà đắt tiền của Đảng CSVN ?

    Trả lờiXóa