Trong "đại
án" lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, siêu lừa Huỳnh Huyền Như đã
khiến hàng loạt cá nhân vướng vòng lao lý. Trong đó, không chỉ có hàng loạt cán
bộ ngân hàng, các đại gia mà còn cả những người "nghèo kiết xác".
Ngày 27/1 vừa qua, sau 20 ngày xét xử, vụ án Huỳnh Thị
Huyền Như và đồng phạm đã tạm khép lại với bản án nghiêm khắc đối với 23 bị cáo
trong vụ án.
Theo dõi phiên tòa, người dự khán không khỏi xúc động
trước số phận pháp lý của nhiều bị cáo đã bị Huyền Như lợi dụng, đẩy vào con
đường phạm pháp.
Bán
quán cơm, chạy xe ôm nợ hàng chục tỷ?
Khoảng đầu năm 2011, đang cần tiền để trả nợ, Như nói
dối với Huỳnh Hữu Danh - nhân viên Ngân hàng VIB chi nhánh TP.HCM rằng Như có
tiền nhờ người thân và bạn bè đứng tên gửi vào Vietinbank nhưng chưa đến hạn.
Nay do cần tiền làm ăn, Như muốn thế chấp các hợp đồng
tiền gửi đó để vay tiền của VIB và được Danh đồng ý.
Từ tháng 1 đến tháng 9/2011, Như đã làm giả 40 hợp
đồng tiền gửi tại Vietinbank mang tên 12 khách hàng (thực chất chỉ là bạn bè,
người thân của Như) gồm: Bùi Minh Hải, Dương Thanh Tâm, Hùng Vạn Đức, Nguyễn
Thanh Nhã, Trần Thị Tố Quyên, Nguyễn Đình Út, Âu Thanh Hà, Đỗ Quốc Thái, Nguyễn
Thị Thủy, Nguyễn Thị Lành, Hùng Mỹ Phương, Đào Thị Tuyết Dung rồi nhờ hoặc chỉ
đạo họ ký hợp đồng thế chấp, vay và chiếm đoạt của VIB tổng cộng 180 tỷ đồng.
Vụ
án bị phanh khui, Trần Thị Tố Quyên, Nguyễn Thị Lành, Hùng Mỹ Phương và Đào Thị
Tuyết Dung, Huỳnh Mỹ Hạnh đã bị khởi tố vì có hành vi giúp sức cho Như lừa đảo.
Tại tòa, bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh - chị gái Huyền Như đã
nhiều lần bật khóc khi nói về con đường phạm pháp. Khác với em gái được học
hành đến nơi đến chốn, từng là niềm tự hào của gia đình.
Khi chưa đầy 30 tuổi Huyền Như đã nắm trong tay trên
dưới 50 tỷ đồng. Tự hào, tin tưởng em, bị cáo Hạnh làm theo mọi thứ mà Như sắp
đặt nên dẫn đến phạm tội.
Cũng trong thời gian này, Như tuyển thêm cả bạn thân
từ thời học phổ thông là Đỗ Quốc Thái đang hành nghề chạy xe ôm, tuyển Trần Thị
Tố Quyên đang phụ bán quán cơm...và những người thân quen khác phụ việc cho
mình.
"Thấy Như là sếp của mình, Như giỏi giang, giàu
có, nói là cần tiền làm ăn lớn nhờ lên ký tên giùm để vay tiền làm ăn, mọi việc
còn lại Như lo nên tôi tin mới ký giùm chứ không được hưởng lợi dù chỉ một
đồng...", Đỗ Quốc Thái khai trước tòa.
Nghe tòa đề nghị khởi tố vì cơ quan tố tụng đã
"bỏ sót" mình và 7 người khác, người bạn học phổ thông hồi nào của
Như run run, giọng nói lạc đi...
Với hành vi trên, Huỳnh Mỹ Hạnh, Trần Thị Tố Quyên
cùng bị tòa tuyên phạt 14 năm tù, buộc phải liên đới cùng Huyền Như bồi thường
15 tỷ đồng mà mình đã tiếp tay lừa đảo.
Quyên còn bị kiến nghị khởi tố bổ sung vì ngoài 15 tỷ
đồng trên, Quyên còn ký tên trong các hợp đồng giả khác để giúp Như lừa đảo
chiếm đoạt 35 tỷ đồng nhưng chưa bị khởi tố.
Một số người thân là dượng, cậu ruột, bạn bè của Huyền
Như như Đỗ Quốc Thái, Âu Thanh Hà...cũng đối diện với quyết định khởi tố. Theo
đó, bi kịch Huyền Như gây ra vẫn tiếp tục kéo dài.
Mang
án đến bao giờ?
Số phận những người nghèo vô tình vướng vòng lao lý vì
giúp sức Huyền Như sẽ ra sao với những ngày tháng lao tù dài đằng đẵng và những
khoản tiền lên tới hàng chục tỷ đồng? Đến khi nào họ mới thực sự được "trở
lại" với lý lịch trong sạch là một người không mang án?
Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Thành Công -
Đoàn luật sư TP.HCM phân tích: trường hợp trên, bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh, Trần Thị
Tố Quyên... chỉ được coi là chưa phạm tội sau khi họ được xóa án tích.
Để đảm bảo quyền lợi cho công dân tái hòa nhập cộng
đồng sau khi thi hành án, pháp luật có những quy định cụ thể về việc xóa án
tích.
Theo đó, có 2 loại xóa án tích là mặc nhiên được xóa
án tích và xóa án tích theo yêu cầu. Trong đó, mặc nhiên xóa án tích tức là sau
khi người bị kết án thi hành xong bản án một thời gian theo quy định thì sẽ
đương nhiên được xem là chưa phạm tội.
Trong trường hợp chưa hết thời gian theo quy định mà
người bị kết án muốn được xóa án tích (trở thành người chưa có tiền án) thì phải
gửi đơn lên tòa án cấp sơ thẩm xin xóa án tích. Trong trường hợp này bắt buộc
họ phải hoàn thành nghĩa vụ đóng án phí và khắc phục hậu quả phần trách nhiệm
dân sự.
Như vậy, với các bị cáo có hoàn cảnh khó khăn như
Huỳnh Mỹ Hạnh, Trần Thị Tố Quyên...việc khắc phục hậu quả với số tiền hàng chục
tỷ đồng hầu như là không thể. Điều đó đồng nghĩa với việc họ không thể được xóa
án tích theo yêu cầu .
Cũng theo quy định, với những cá nhân có hoàn cảnh khó
khăn, cơ quan thi hành án sẽ căn cứ vào từng trường hợp để những người này sau
khi thi hành xong hình phạt họ có thể đi làm và sẽ thi hành phần bồi thường dần
dần theo khả năng của họ. Như vậy, không biết đến bao giờ những bị cáo có hoàn
cảnh như bị cáo Hạnh và Quyên mới hết bị ràng buộc bởi một bản án?
Cùng chia sẻ về vấn đề này, với trường hợp của bị cáo
Hạnh và Quyên, luật sư Trần Ngọc Quý - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: theo khoản
2 điều 64 Bộ luật Hình sự, bị cáo Hạnh và Quyên bị tuyên phạt mức án 14 năm tù
nên họ sẽ được đương nhiên xóa án tích nếu chấp hành xong bản án được 5 năm mà
không phạm tội mới.
Tại khoản 2 và khoản 3 điều 67 Bộ luật Hình sự cũng
quy định nếu chưa được xoá án tích mà phạm tội mới, thì thời hạn để xoá án tích
cũ tính từ ngày chấp hành xong bản án mới.
Như vậy, với hành vi lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ
đồng, "siêu lừa" Huyền Như không chỉ khiến hàng loạt cán bộ ngân
hàng, đại gia "dính" án mà cả những phận nghèo cũng phải lao đao. Đây
cũng là bài học đắt giá với bất kỳ ai khi đặt bút ký các giấy tờ mà không nghĩ
đến hậu quả pháp lý về sau.
M.Phượng/ VnN
----------------
Sắp sập hệ thống ngân hàng?
Trả lờiXóaChung quy tại lòng tham, lòng tham ai mà không có.
Trả lờiXóaChỉ có ở xứ thiên đường, em hiền như mới có điều kiện triển khai "chuyên môn"....
Ko sao, cứ in ra là được thôi mà
Trả lờiXóa