Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

VĂN HOÁ LÂM NGUY - Kỳ 2

* PIERRE BOURDIEU
(Nguyễn Duy Bình - dịch)
(tiếp theo - Kỳ 2)
... Như Gombrich nói, khi “điều kiện sinh thái nghệ thuật” bị tàn phá thì sớm muộn gì nghệ thuật cũng sẽ chết. Văn hóa đang bị đe dọa bởi vì môi trường kinh tế, xã hội trong đó văn hóa có khả năng phát triển đang bị chi phố bởi logic lợi ích kinh tế trong các nước phát triển, những nước mà vốn tích lũy, điều kiện cho việc tự chủ, đã là rất lớn, huống chi là các nước khác.
Các thế giới thu nhỏ tương đối độc lập, các thế giới trong đó văn hóa được sản sinh, phải phối hợp với hệ thống giáo dục để sinh ra người sản xuất và kẻ tiêu thụ. Các họa sĩ đã mất gần năm thế kỷ để chinh phục những điều kiện xã hội mà một họa sỹ như Picasso đã được thừa hưởng; họ đã phải – chúng ta biết điều này qua việc đọc các bản kế ước – đấu tranh chống lại những “nhà tài trợ” để tác phẩm của họ được cư xử như một sản phẩm đơn thuần, được đánh giá trên cơ sở diện tích được vẽ và giá cả các màu sắc được sử dụng; họ đã phải đấu tranh để có được quyền được ký, có nghĩa là quyền được đối xử như là những tác giả. Họ đã phải đấu tranh để được quyền chọn lựa màu sắc, cách sử dụng màu sắc và cuối cùng, nhất là với nghệ thuật trừu tượng, quyền được lựa chọn chủ đề, mà thường thì quyền lực của nhà tài trợ đè nặng lên sự lựa chọn này.
                 >> Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam  
Những nghệ sĩ khác, nhà văn hay nhạc sĩ, đã phải đấu tranh để mới đây thôi có được quyền tác giả; họ đã phải đấu tranh cho tính độc sáng và chất lượng của tác phẩm. Họ chỉ nhờ sự cộng tác của các nhà phê bình, nhà viết tiểu sử, các giáo sư lịch sử nghệ thuật v.v… để tự khẳng định như những nghệ sĩ, như những “nhà sáng tạo”. Cũng như vậy, người ta không thể liệt kê ra hết những điều kiện xuất hiện những tác phẩm điện ảnh mang tính học thuật và công chúng để thưởng thức và đánh giá những tác phẩm này: đơn cử như những tạp chí chuyên ngành và các nhà phê bình để làm cho những tạp chí này sống được, những rạp chiếu phim, những viện tư liệu phim chiếu những bộ phim nghệ thuật cho sinh viên, những câu lạc bộ điện ảnh với sự góp sức của những người hâm mộ điện ảnh làm việc từ thiện, những người làm phim sẵn sàng hi sinh tất cả để sản xuất ra những bộ phim không “mì ăn liền”, những nhà phê bình tài giỏi, những nhà sản xuất có đủ thông tin và tri thức để tài trợ cho những câu lạc bộ đó.
Nói tóm lại, đó là một thế giới thu nhỏ trong đó điện ảnh tiên phong được công nhận, có giá trị và đang bị đe dọa bởi sự xuất hiện ồ ạt thứ điện ảnh thương mại, và nhất là với sự thống trị của những đại gia phát hành phim: khi mà các nhà sản xuất không thể tự mình phát hành phim thì phải trông cậy vào những đại gia này. Vậy nên, tất cả những thứ đó ngày nay đang bị đe dọa qua việc quy giản một tác phẩm thành một sản phẩm, một hàng hóa. Cuộc chiến của các nhà điện ảnh để hoàn thành bộ phim của mình và chống lại ý đồ chiếm đoạt quyền sở hữu tác phẩm của nhà sản xuất cũng y hệt cuộc chiến của họa sĩ thuộc trào lưu văn nghệ Quattrocento.
Là thành quả của một quá trình trỗi dậy, tiến triển, những thế giới tự trị này giờ đang đi vào một tiến trình đơn hóa(involution): chúng là nơi tụt hậu, thoái lui, tác phẩm chuyển thành sản phẩm, tác giả biến thành kỹ sư hay kỹ thuật viên, những kẻ áp dụng những phương tiện kỹ thuật không phải do mình sáng tạo ra, chẳng hạn như kỷ xảo, hay những ngôi sao nổi tiếng mà các tạp chí phát hành rộng rãi thường tung hô nhằm thu hút số đông người đọc. Mà người đọc thì chưa đủ trình độ để tiếp nhận các nghiên cứu đặc thù, thường mang tính hình thức.
Nhất là họ phải sử dụng các phương tiện cực kỳ tốn kém này để hướng tới những mục đích thuần túy thương mại, tức là tổ chức các phương tiện đó một cách có thể nói là vô liêm sỉ, nhằm thu hút càng đông khán giả càng tốt bằng cách thỏa mãn những xung năng sơ đẳng của họ, những xung năng mà các kỹ thuật viên khác, các chuyên gia marketing có thể thấy trước. Chính vì thế mà mà chúng ta cũng thấy xuất hiện, trong mọi lĩnh vực (chúng ta có thể tìm thấy những ví dụ khác trong lĩnh vực tiểu thuyết hay điện ảnh, thậm chí trong thơ ca với cái mà Jacques Roubaud gọi là “thơ thập cẩm” (poésie muesli), những sản phẩm văn hóa giả tạo. Những sản phẩm này thậm chí còn bắt chước y xì những thành tựu tiên phong bằng cách bắt chước những mánh khóe truyền thống để tạo ra những sản phẩm văn hóa. Những sản phẩm này, vì tính mơ hồ, nước đôi của chúng, có thể nhờ hiệu ứng allodoxia (nhầm lẫn) để đánh lừa các nhà phê bình và những người tiêu dùng cứ nghĩ mình là tân thời chủ nghĩa.
Chúng ta thấy sự lựa chọn giữa “toàn cầu hóa”, được hiểu như sự tuân theo cơ chế thị trường, tức là tuân theo sự thống ngự của “tính thương mại”. Mà tính thương mại thì ở đâu, thời kỳ nào cũng đi ngược lại cái mà người ta gọi là văn hóa và việc giữ gìn các nền văn hóa dân tộc hay một hình thức chủ nghĩa dân tộc văn hóa đặc thù nào đấy. Những sản phẩm vô vị thuộc trào lưu “toàn cầu hóa” thương mại, ví dụ như phim hoành tráng, nặng về kỷ xảo, hay “phim truyện thế giới” (world fiction) mà tác giả có thể là người Ý, người Ấn Độ, người Anh hay người Mỹ đối lập về mọi mặt với Quốc tế văn chương, nghệ thuật và điện ảnh, hội mà trung tâm của nó có thể ở bất cứ nơi đâu, cho dù đã ngự rất lâu tại Paris. Như Pascale Casanova đã chỉ ra trong Cộng hòa văn chương thế giới, “Quốc tế phi dân tộc hóa của những người sáng tạo”, những Joyce, Faulkner, Kafka, Beckett hay Gombrowicz, những đứa con máu mủ của Ailen, Mỹ, Tiệp Khắc hay Ba Lan nhưng lại được sinh ra ở Paris, hay những Kaurismaki, Mauel de Oloveira, Satyajit Ray, Kieslowsky, Kiarostami và biết bao nhiêu những nhà làm phim đương đại đến từ các nước trên thế giới mà mỹ học Hollywood không hề biết, không thèm biết, hẳn họ sẽ chẳng bao giờ tồn tại nếu không có truyền thống quốc tế chủ nghĩa về nghệ thuật, và cụ thể hơn, nếu không có thế giới thu nhỏ của những nhà sản xuất, nhà phê bình và những người tiếp nhận có trình độ. Vũ trụ thu nhỏ này rất cần thiết cho sự sống còn của nghệ thuật chân chính. Được thiết lập từ lâu, vũ trụ đó đã sống sót ở một số nơi không bị ảnh hưởng bởi sự xâm lăng của kinh tế.
Vì một chủ nghĩa quốc tế mới
Bất chấp vẻ bề ngoài, truyền thống chủ nghĩa quốc tế đặc thù về lĩnh vực văn hóa này đối lập cơ bản với cái mà người ta gọi là “toàn cầu hóa”. Khái niệm “toàn cầu hóa” vận hành như một mật khẩu, một khẩu hiệu và như một mặt nạ thuyết minh chính sách phổ cập hóa những lợi ích và truyền thống đặc thù của các thế lực thống trị về mặt kinh tế và chính trị, đặc biệt là Mỹ, và nhằm phổ biến khắp thế giới mô hình kinh tế và văn hóa có lợi nhất cho các thế lực này, bằng cách đồng thời đưa ra mô hình này như một chuẩn mực, như một lẽ sống (devoir-être) và như một định mệnh, một số phận mang tính phổ quát, làm thế nào đó để mà đạt được một sự gia nhập hay chí ít là một sự nhẫn nhục chấp nhận mang tính toàn cầu. Có nghĩa là, về mặt văn hóa, nhằm phổ quát hóa, bằng cách áp đặt trên toàn thế giới, những đặc trưng của một truyền thống văn hóa trong đó cơ chế thương mại đã có được sự phát triển toàn vẹn. (Trên thực tế, sức mạnh của logic thương mại nằm ở chỗ, ngoài thì trông có vẻ hiện đại tiến bộ nhưng trong chỉ là hậu quả của hình thức thả nổi căn bản, đặc trưng cho một trật tự xã hội phó mặc cho logic quyền lợi và nhu cầu trước mắt được chuyển đổi thành nguồn lợi nhuận.
Các trường sản xuất văn hóa, vốn được thiết lập một cách trình tự và phải chịu nhiều hy sinh lớn lao, thì tỏ ra rất yếu ớt trước sức mạnh công nghệ kết hợp với sức mạnh kinh tế: quả thế thật, ngày nay, giống như những trí thức truyền thông đại chúng và các nhà sản xuất hàng best-sellers, những người chấp nhận đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và hưởng lợi về mặt kinh tế và quyền lực biểu trưng thì luôn đông hơn và có thế lực hơn về mặt vật chất so với những người không hề nhượng bộ bất cứ nhu cầu nào của khách hàng, nghĩa là sản xuất cho một thị trường không tồn tại.)
Những ai gắn bó với truyền thống chủ nghĩa quốc tế văn hóa này, những nghệ sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu hay những nhà xuất bản, giám đốc nhà trưng bày, nhà phê bình của các nước trên thế giới, ngày nay phải tập trung lại để mà hành động vào thời điểm mà sức mạnh kinh tế, vốn có xu hướng bắt quy trình sản xuất và phát hành các sản phẩm văn hóa phải tuân theo quy luật lợi nhuận trước mắt, có sự tăng viện rất lớn từ các chính sách gọi là chính sách mở rộng tự do mà các thế lực kinh tế và văn hóa thống trị hòng áp đặt trên toàn cầu dưới vỏ bọc của “toàn cầu hóa.” Ở đây, bất đắc dĩ tôi phải nhắc đến những thực tế tầm thường vốn không có chỗ đứng trong tập thể các nhà văn… 
Dẫu biết rằng tôi có vẻ như đang nói gở, đang phóng đại những mối nguy cơ mà những biện pháp tự do mới đang đè nặng lên văn hóa. Tôi nghĩ đến Hiệp định chung về thương mại và dịch vụ (AGCS) mà nhiều quốc gia khác nhau đã tán thành bằng cách gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Như nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt Lori Wallach, Agnès Bertrand và Raoul Jennar, đã chỉ ra điều đó, hiệp định này buộc 136 nước thành viên phải chấp nhận một điều rằng tất cả các dịch vụ của mình phải tuân theo quy luật tự do trao đổi hàng hóa và như vậy tạo điều kiện cho việc biến tất cả các hoạt động dịch vụ, kể cả các hoạt động đáp ứng các quyền cơ bản là giáo dục và văn hóa, thành hàng hóa và thành nguồn lợi nhuận. Chúng ta thấy dường như không còn khái niệm dịch vụ công và các thành quả xã hội cũng mang tính quyết định như việc tất cả mọi người được tiếp cận với giáo dục miễn phí và với văn hóa theo nghĩa rộng (quả thế, nhờ vào việc đặt lại vấn đề về các phân loại hiện hành, biện pháp này dường như cũng được áp dụng cho các dịch vụ như nghe nhìn, thư viện, lưu trữ, bảo tàng, vườn bách thảo, vườn thú và tất cả các dịch vụ liên quan đến giải trí như nghệ thuật, kịch nói, phát thanh, truyền hình, thể thao, v.v…)…
                     (còn tiếp)
---------------

2 nhận xét:

  1. Văn hóa đang hứng chịu những cú đập chí mạng của bọn vô văn hóa! Khốn nỗi, chúng vẫn nghênh ngang trên các phương tiện "thông tin chụng đái"! Chẳng lẽ chỉ vì để có cái gì "đút vào lỗ miệng" mà người ta giờ đây trở nên hèn kém? Sự ẩn dật trí tuệ ngày nay dường như được coi là "ngu"?! Vậy thì "sự vĩ đại" bây giờ là gì? Phải đứng vào vị thế của loài vẹt chắc mới "cảm nhận" được?!

    Trả lờiXóa
  2. Những tên tự xưng là công sản lòi : Nói văn hóa thì VẸT . Hiểu văn hóa thì CÂM ...?
    Bởi chủ nghĩa VÔ THẦN nó phá tông giống chúng . HỌC KHÔNG HỎI , HIỂU KHÔNG HÀNH .

    Trả lờiXóa