=
Truyện ngắn
của Trương Huy San Huy Đức( in
lần đầu trên tạp chí Văn số 2-1988. Post lại khi nghe Võ Đắc Danh báo người
sáng lập ra tạp chí này, nhà văn Anh Đức, vừa mất:
Thủy không đi theo cái lối dưới chân đồi. Hồi chiến tranh, mỗi
khi cung đường qua Rú Trai bị tắc, cái lối nhỏ đó lại vằn lên những vết xe chạy
vô phía đồi thông. Rất lạ là bây giờ, hầu như không ai nhớ đến nó, có lẽ một
phần bởi lau lách đã mọc choán dày ra. Theo lối của bọn trẻ con đi nhặt củi
thông, leo lên đỉnh đồi, Thủy ngồi thẫn thờ ngó xuống cái gò trống phía dưới,
nơi không hiểu sao, chỉ có một cây thông đứng cô độc. Vì cô độc cho nên nó tỏa
tán rộng và trút lá xuống, phủ dưới gốc một thảm dày, óng mượt.
- Mẹ ơi! - Tiếng
thằng Thắng, con Thủy, reo lên - có chú bộ đội kìa mẹ!
Thủy quay lại,
trước mắt chị, phía chân đồi có một người đàn ông mặc bộ quân phục cũ, đầu để
trần, chân trái đi hơi khập khểnh. Anh tiến lại chỗ gốc thông độc, đi quanh,
rồi nhìn lên phía mẹ con Thủy. Thủy bỗng giật mình, nôn nao. Cô kéo thằng Thắng
lại gần và đứng dậy. Người đàn ông nhìn rất lâu lên đồi rồi thong thả bước lên.
Thủy nhìn chăm chăm vào anh ta, liên tưởng và hy vọng. Đột nhiên, người đàn ông
rẽ về phía con đường hồi chiến tranh những chiếc xe tải vẫn chạy vào đồi thông
tránh bom. Thủy bế xốc thằng Thắng lên, băm bổ đi xuống; người đàn ông đã mất
hút sau lau lách… Hay là anh ấy chưa nhìnthấy mẹ con mình? Thủy lại liên tưởng,
lại hy vọng! Cô ngồi bệt xuống thảm lá thông. Đôi mắt cô mở to ngơ ngác, lóng
lánh hai giọt nước mắt, ứa ra.
Thằng Thắng ngập
ngừng, hỏi:
-Ai rứa mẹ?
Thủy ôm lấy con
vào lòng, khẽ lắc đầu để khỏi phải nói thành lời những gì đang sống dậy.
Sau đám cưới được
hai ngày, Toản lên đường hành quân vào Nam , anh bặt tin từ mấy năm nay.
Đám cưới của Thủy được tổ chức với mấy đôi bạn cùng làng khác. Tất cả các chú
rể cưới xong là xung phong vào quân ngũ. Đám cưới vui vẻ và kéo dài tới khuya.
Gái làng thay nhau lên mừng những cặp uyên ương, hát mãi những bài hát mà hầu
như lúc đó ai ai cũng thuộc. Từ sân kho hợp tác xã, nơi tổ chức các đám cưới
trở về, Thủy bước đi và cảm thấy lạ lẫm với chính mình. Vừa nghỉ học, đột nhiên
Thủy trở thành cô dâu. Hai hôm trước, buổi tối, ông Lĩnh gọi cả nhà ra, dặn:
- Mai, bên nhà bà
Thục sang hỏi con Thủy cho thằng Toản!
Thủy giẫy nẫy lên:
- Eo ôi, con lấy
chồng ư?
Ông Lĩnh quắc mắt:
- Nghỉ học, không
lo chồng con tử tế, rửng mỡ, rồi bôi tro trát trấu lên mặt tao à. Tao gật với
người ta rồi đấy!
Thủy cãi:
- Bố gật thì bố
lấy đi, con không thèm cái đồ…
- Đồ chi! Hỗn… hắn
là con nhà tử tế, một mẹ, một con, mai mốt dễ sống. Cưới xong, thằng Toản lên
đường, ít năm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược về, lại chẳng già khằng với nhau. Lúc
đó, coi có còn chê là con nít nữa không?
Buổi sáng, bên nhà
Toản sang ba người: Toản, bà Thục và ông Cháu Thi-chú ruột Toản. Chú rể học sau
Thủy một lớp, đang độ phát triển về chiều cao. Đôi tay dài ngoẵng, thõng xuống.
Anh chàng ngượng ngịu, ngây thộn ra trong chiếc áo pôpơlin xanh, cài kín cúc cổ,
suốt buổi cứ nhìn xuống đất, mặt đỏ nhừ. Nhờ có thỏa thuận trước, đám hỏi diễn
ra hết sức chóng vánh. Sau đó chừng một tuần là lễ cưới. Chỉ hai ngày nữa là
Toản lên đường, điều đó làm choThủy không dám làm mình làm mẩy với ông Lĩnh.
Nhìn Toản, lòng Thủy bỗng dâng lên một tình cảm, thứ tình cảm neo Thủy lại bởi
một trách nhiệm.
Bà Thục đã sai
người dọn dẹp căn phòng cho đôi tân hôn. Ông Cháu Thi kêu thợ mộc xả cây gỗ
xoan tươi đóng một chiếc giường đôi. Thủy nằm sâu vào phía trong, người dán sát
vào mép tường, toàn thân cô căng lên chờ đợi,sự chờ đợi với bản năng tự vệ.
Phía bên kia, Toản cũng nằm im. Chàng trai mấy lần ngọ nguậy, nhưng không thắng
nổi tính rụt rè, nên lại im lặng. Gần sáng, có lẽ do quá mệt, Toản ngủ thiếp
đi. Nghe tiếng ngáy đều đều của chồng, Thủy thấy ngạc nhiên. Nhưng ngay sau đó,
cảm giác tự do, nhẹ nhõm đã làm Thủy ngủ được hơn tiếng đồng hồ rất thoải mái.
Sáng rõ mặt người, bà Thục đánh thức hai vợ chồng dậy, họ đi thắp hương ngoài
mả ông Thục rồi đến thăm hai bên họ hàng. Dọc đường Toản cứ dấn bước theo bà
Thục, mặc dầu bà đã cố đi lên trước để cho đôi vợ chồng có thể trò chuyện.
Đêm hôm sau, đêm
cuối trước ngày Toản lên đường - đơn vị khung đã vào nằm ở làng hơn chục ngày
nay, khám tuyển, phiên chế tân binh thành từng trung đội và sẽ hành quân ngay
vào Nam, vừa đi vừa huấn luyện. Họ lên giường khi đã khuya lắm vì phải tiếp
khách khứa đến chúc mừng và chia tay.
- Đi đường phải
cẩn thận đó! Thủy lên tiếng để phá tan sự im lặng hơn là để dặn dò.
- Đừng lo, ăn thua
chi-Toản hăm hở. Mấy ngày nay, anh cũnghăm hở như đám trai làng vì được đi bộ
đội. Chỉ có đêm về khi chỉ có hai người,Toản lại trở lại là một Toản rụt rè,
nhút nhát.
Thủy nhắc:
- Chủ quan! Bon
đạm không phải giỡn.
- Anh em răng, tui
rứa! Nỏ thua ai mô - Toản phấn chấn và tự nhiên anh chàng bạo dạn hẳn, co một
chân lên, đầu gối đụng vào ống quần lụa mát rượi của Thủy.
- Không phải! -
Thủy hơi gắt - Tui nói là chi thì chi cũng phải giữ lấy người.
Toản nổi hứng:
- Sá chi, mai mốt,
được phát súng, chết thì thôi, chứ không để cho mấy thằng Mỹ làm càn.
Thủy khóc. Tiếng
khóc làm cho Toản đang hăng bỗng im bặt. Anh lặng người đi và xích lại gần bên
vợ. Toản để tay lên người Thủy như để giảng hòa. Nhưng khi bàn tay của chàng
trai mười tám chạm vào bộ ngực non tơ đang mây mẩy, căng lên dưới làn áo mỏng
của vợ, bản năng mạnh mẽ của chàng trai bị đánh thức. Đôi tay Toản từ dè dặt
trở nên mạnh bạo. Cái mạnh bạo do bị ức chế giữa ham muốn và khả năng thực hiện
cứ run lẩy bẩy. Cho tới khi hàng cúc áo bị bứt tung ra, da thịt đã chạm được vào
với da thịt, Toản như bị hẫng hấc trước một thế giới mới mẻ, đầy đam mê, kỳ lạ.
Vượt lên trên cả sức tưởng tượng của một người con trai mới lớn. Toản rơi nhanh
vào cái thế giới ấy, choáng váng và ngột ngạt. Đôi môi của Toản bị buộc chặt
vào bộ ngực tròn đầy ấy. Chàng trai ngập mình vào đó, say sưa tận hưởng cái cảm
giác ngây ngất đó và quên rằng khả năng ban phát của một người đàn bà còn lớn
hơn nhiều.
Người nhà đã lục
đục trở dậy giết gà, gói ghém cơm nước đưa tiễn Toản. Mặc dầu bà Thục đã cố nhẹ
tay làm. Nhưng tiếng động từ dưới bếp vọng lên đã đánh thức đôi bạn trẻ. Thủy
mở mắt, chợt nhận ra nửa người của mình để trần, và bị đè nặng bởi đôi tay víu
chặt của Toản. Cô khẽ xoay người gỡ tay chồng rồi khép hai vạt áo lại. Toản
giật mình ngơ ngác như vừa bước ra từ ảo mộng. Như phải cố sức lắm, Toản chung
chiêng bước về phía cửa. Khi bàn tay anh đặt lên cái then cửa, Toản quay lại,
nhìn. Đôi mắt tròn của Thủy bỗng trở nên tỉnh táo và cô nhận ra rằng then cửa
ấy chính là cái ranh giới nghiệt ngã phân định với ngày mai, với xa cách. Và
nếu Thủy để Toản bước qua cái then cửa ấy lúc này là có tội. Thủy thảng thốt
gọi, tiếng gọi bật ra không phải là âm thanh mà chính là đôi tay Thủy dang ra
vươn về phía trước. Hai vạt áo chưa kịp cài cúc lại mở tung ra… Bộ ngực tuyệt
mỹ càng làm Toản ngây ngất khi được nhìn ngắm từ một khoảng cách hợp lý. Đôi
mắt Toản dại đi. Đôi môi khô cháy. Toản từ từ quỳ xuống, anh cảm thấy sức lực
như bị rút hết và lại cảm thấy như được tiếp thêm. Lúc đó, Thủy không kịp nhận
ra mình nữa. Cô gái mới trở thành một người đàn bà dạn dĩ. Thủy đã làm tất cả
để giúp Toản trở thành một người đàn ông với tấm lòng của một bà mẹ… cô chỉ trở
lại con người thật của mình khi người Toản mềm ra, nặng trĩu trên ngực với một
cảm giác đau rát nơi bẹn. Mỏi mệt và thất vọng, nước mắt ứa ra dàn dụa, Thủy
khóc.
Thủy nâng nhẹ cái
liếp tre chắn cổng, lách người vào. Cô vừa ở nhà một người làng mới từ trong Nam ra.
- Con Thủy về hả?
- Từ trên chiếc chõng tre kê trước nhà - bàThục lên tiếng.
- Dạ, con!
- Thằng Nam có ở
chung đơn vị với chồng mầy không?
Thủy lựa lời trả
lời bà Thục:
- Năm đầu ở cùng
một tiểu đoàn nhưng khi vô trong kia thì anh Toản được điều sang đơn vị trinh
sát.
- Rứa vô Sài Gòn
mà tụi nó cũng không gặp nhau à? - Bà Thụccướp lời con dâu.
Thủy nói để bà yên
lòng:
- Đông lắm, anh ấy
cũng đi tìm nhưng chỉ gặp được vài người.
- Hắn có gặp con
ông Bính không?
- Anh Đại hy sinh
rồi mẹ ạ!
- Răng thằng Đại…
- Miệng bà Thục như cứng lại.
Thủy lặng người,
cô biết mình lỡ lời.
- Thủy! - Một lúc
sau bà Thục gọi.
- Dạ.
- Lại đây!
Thủy ngồi xuống
bên bà Thục, cái chõng tre khẽ cót két kêu. Bà Thục cầm lấy tay con dâu:
- Thằng Đại mất
khi mô con?
- Hồi bảy hai mẹ ạ!
- Bảy hai!-Tiếng
bà Thục thảng thốt. Một lần nữa hai mẹ con lại ngồi im lặng như hai pho tượng.
Bà Thục khóc, nước mắt Thủy cũng chảy dài trên hai gò má. Cô hỏi, cốt lãng sang
chuyện khác.
- Thằng Thắng ngủ
rồi hả mẹ?
- Tao vừa đặt nó
trong võng - giọng bà Thục mếu máo - Thủy này, thằng Đại mất từ bảy hai mà chưa
báo tử, tao lo… Thằng Toản mấy năm rồi không thư!
- Anh Nam cũng
bốn, năm năm bặt tin đùng một cái là về. Chiến tranh, thư từ thất lạc! Mí lại,
mới giải phóng các anh ấy bận, xe cộ lại ít, phải nhường nhau lần lần. À, anh Nam gởi biếu mẹ
gói cau khô.
- Mô, đưa coi,
thằng có nghĩa dữ hè! Ừ, nó cho thì mừng chớ cau Sài Gòn tau không ưa. Họ không
cắt chũm, lại phơi răng để long hạt hết.
- Ở trong nớ người
ta chỉ ăn hạt mẹ ạ!
- Ờ, mô có cách
đó, thằng Nam
con trai biết chi! Hắn cho là quý rồi. Thôi khuya rồi đi ngủ đi con!
Bế con vô giường,
Thủy ngồi nhìn thằng Thắng ngủ, lòng bỗng nghẹn ngào. Đêm ấy Thủy nằm trằn
trọc, cô bị dằn vặt vì bao nhiêu mối lo trái ngược, giằng xé trong lòng.
"Sài Gòn giải phóng", cơn sóng của niềm vui tột độ ào ạt tràn qua
khắp mọi xóm làng. Khi những buổi lễ trọng thể qua đi, mọi nhà bỗng nháo nhác
lên vì một nổi lo rất riêng, rất cụ thể, đó là số phận của những người thân vừa
tham gia cuộc chiến tranh. Trong những ngày chờ đợi đó, Thủy bỗng cảm thấy lẻ
loi đơn chiếc, mặc dầu hơn ai hết, nỗi chờ đợi của Thủy còn thiết tha hơn, còn
mãnh liệt hơn.
Toản đi, Thủy càng
thất vọng bao nhiêu thì bà Thục lại càng hy vọng bấy nhiêu vào đêm tân hôn của
vợ chồng cô. Bà Thục nín thở theo dõi mỗi ngày từng cử chỉ biến đổi của con
dâu. Bữa cơm, thấy Thủy ăn kém đi một bát là đôi mắt của bà lại lấp lánh hy
vọng. Bà hỏi ngay:
- Có thấy chi khác
trong người mày, không con?
Thủy bẽn lẽn lắc
đầu. Có lúc không giấu được sự mong đợi, bà Thục gọi Thủy vô nhà bảo:
- Con vạch áo lên
cho mẹ coi?
Thủy cười, khẽ đẩy
tay bà ra. Tháng sau, khi thấy Thủy mang đi giặt một chậu đồ, bà Thục mới thở
dài, chấm dứt hy vọng.
Dòng dõi nhà bà
Thục hiếm hoi. Ông mất sớm, bà Thục quyết định cưới vợ cho Toản trước khi anh
đi bộ đội là đặt vào đó hy vọng giữ lại cho Toản một đứa con, để nếu như vô
chiến trường, Toản có bề gì thì còn có người nối dõi. Thế nhưng Thủy đã không
sinh cho bà một đứa cháu đích tôn như bà ước vọng.
Lác đác, đã có một
vài người lính được về phép hoặc về phục viên kể từ sau ngày miền Nam giải phóng.
Họ là trung tâm vũ trụ của người làng. Nhưng người làng vốn không chỉ sống nhờ
vào hạnh phúc của người khác. Họ tranh thủ kéo nhau ra đường Một, ngong ngóng
đợi những chiếc xe hiếm hoi chạy từ miền trong ra. Họ bàn tán khi thấy những
chiếc xe ca dài thượt, sơn phết rực rỡ, ống khói bắt tít lên tận nóc xe, ngạo
nghễ phun ra những tảng khói, đen kịt. Trai làng từ “Sài Gòn” ra đã xuống từ
những chiếc xe như thế, hãnh diện và cảm động trước những con mắt thán phục của
người làng. Nhưng thực tế từng chứa đựng những nghịch cảnh: Người thì trở về
nguyên vẹn lại còn tòn teng trên nắp ba lô những con búp bê, những món quà đẹp
mắt, hấp dẫn; người thì hun hút im lặng, cái im lặng gặm nhấm dần niềm hy vọng
của thân nhân.
Thủy không dám đi
theo đoàn người. Cô mong muốn Toản sẽ về và được tiếp đón khi không có cô và
thằng Thắng ở đó. Thủy lại lên đồi thông nhìn xuống gốc thông độc. Chỉ có cây
thông ấy là chứng kiến được niềm hạnh phúc và chỉ có cây thông ấy mới có thể
thông cảm được những tội lỗi của Thủy. Người đàn ông mặc quân phục hôm nay
không thấy đến. Từ hôm thằng Thắng phát hiện ra anh, Thủy cứ bị người đàn ông
đó ám ảnh… Những chiếc lá thông rơi, vương trên tóc Thủy; gió đông se se lạnh.
Người đàn ông ấy là ai nhỉ, hay là anh ta đã bỏ đi? Thủy thầm nghĩ và sợ hãi
với ý nghĩa bất chợt đó của mình.
- Bố về có mua búp
bê cho con không mẹ?
Thằng Thắng đã
quay lại, đến đứng bên mẹ từ lúc nào. Nó rất muốn được mẹ bế ra đường Một theo
những người làng đón bố, nhưng thấy mẹ im lặng lại không dám cãi, lủi thủi theo
mẹ lên đồi. Tuy nhiên những con búp bê to gần bằng người thật, đã hấp dẫn thằng
bé.
- Ừ, bố sẽ mua.
Nhất định thế! Nhất định thế! - Thủy nhắc đi nhắc lại câu nói khẳng định đó như
để nói riêng với lòng mình. Cô ôm con vào lòng để giấu thằng bé những giọt nước
mắt.
Thắng ra đời là
một sự kiện làm xáo trộn ngôi thứ của Thủy trong lòng tổ chức, trong lòng mọi
người. Thủy chịu đựng được vì trong cái sa mạc của sự xa lánh đó, Thủy sống nhờ
vào cái ốc đảo tí hon của mình: đó là thằng Thắng. Người mà cô cảm thấy ray rứt
vì có lỗi là bà Thục. Thủy biết, không chửi bới, không nguyền rủa nhưng người
đau khổ nhất trước việc này là bà. Thủy yêu mến và thông cảm với bà sâu sắc.
Nhiều khi, chính Thủy nhận thấy rằng trong nhiều lần hai mẹ con cô khóc, thì
những giọt nước mắt của cô nặng về chia sẻ với bà hơn là vì nỗi nhớ Toản.
Toản vào chiến
trường. Ở nhà những cô gái như Thủy lại là một lực lượng chiến đấu quan trọng.
Khúc đường núi hình thành, vắt qua Rú Trai, lúc đó là con đường huyết mạch cho
những chuyến vận tải chi viện ra chiến trường. Rú Trai trở thành một trọng điểm
đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Con đường đất đỏ sau một đêm lại bị biến
dạng bởi hàng trăm quả bom phá, rốc két đào xới. Cùng với đại đội thanh niên xung
phong, những cô gái làng như Thủy đã giành nhau với bọn giặc lái, nắn lại con
đường để không một ngày nào hàng vào Nam lại tắc. Trai làng đi bộ đội
gần hết, chỉ huy dân quân xã là Lực - anh vừa là xã đội trưởng, vừa là bí thư.
Lực gần bốn mươi tuổi, anh là thương binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi
Lực về làng thì vợ anh, tuy còn sống nhưng bán thân bất toại vì một căn bệnh
hiểm. Thủy chơi thân với Trâm em gái Lực, nên càng thấy kính trọng Lực hơn. Anh
là một chỉ huy dũng cảm và chân tình. Có thời gian Thủy hay bắt gặp những cái
nhìn khang khác của Lực. Trong cái nhìn đó có cả sự ghìm nén và có cả những ước
muốn bộc lộ. Nghĩ đến hoàn cảnh của Lực, Thuỷ rất thông cảm và thấy thương anh.
Với Trâm, dù thương anh trai mình, nhưng khi thấy sự khác thường đó của Lực,
Trâm gặng hỏi Thủy:
- Anh Lực có chi
với mi không?
Thủy bật cười:
- Anh ấy bảo mi
hỏi tao hả?
Trâm chớp chớp mắt:
- Là tao lo! Lo
cho mi, lo cho ông Lực. Tao hỏi thật mi nhé, Thủy ơi! Mi có nhớ Toản không?
- Điên mày! - Thủy
mắng.
- Tao hỏi thật đó,
Thuỷ này! - Trâm ngồi dịch lại bên Thủy - Tao với anh Bằng đã thề rồi! Tao sẽ
chờ, nhất định chờ!
Tháng trước có một
tiểu đoàn đặc công dừng chân huấn luyện ở làng, Bằng là anh chàng liên lạc tiểu
đoàn đẹp trai, ở trong nhà Trâm. Thủy bất chợt thở dài, cô ghen với Trâm. Hôm
trên trọng điểm, ngồi trú dưới hầm chữ A với Lực, khi nhận ra hơi thở của Lực
nong nóng bên má mình. Thủy hoảng hốt kêu lên:
- Anh Lực!
Lực giật mình bừng
tỉnh, rút tay về và anh nhảy ra khỏi hầm. Những chớp bom nháng lên nhoang nhoáng
ở bên ngoài ngay sau đó đã làm Thủy khóc nấc lên, cô ân hận! Nhưng sáng ra, gặp
Lực, chợt nhớ đến Toản, Thủy lại thấy lòng mình thanh thản. Khác với Trâm chờ
Bằng; Thủy đợi Toản bằng thứ tình cảm của bà Thục. Thủy thiếu sự giày vò bằng
những nỗi nhớ của tình yêu mãnh liệt như Trâm. Từ ngày thề non, hẹn biển với
Bằng, Trâm bỗng trở nên dè dặt ý tứ hơn. Mỗi ngày, bọn cô chỉ có được một chút
thời gian yên tĩnh, đó là lúc chập chiều. Khi đó nắng hạ đã thôi trút lửa xuống
những cung đường mà từ sáng sớm, các cô đã san lấp xong những hố bom, hố rốc
két. Đó là thời gian ngắn ngủi mà những chiếc phản lực thôi gầm thét. Cả một
không gian im lặng, thứ im lặng giả tạo, rờn rợn. Những cô gái đã mệt bã người
kéo nhau xuống sông tắm. Gió lào vào giờ đó cũng đã ngừng thổi, con đường im
lặng, những tán thông bị đánh chóc, cháy sém từng mảng cũng im lặng. Cả không
gian im lặng; im lặng đến lạnh nhạt, dửng dưng. Cô gái trẻ nhất có tên là Yến
đang tắm bỗng dừng lại nhìn như bị thôi miên bởi thứ im lặng dửng dưng kia rồi
tự nhiên phá ra cười:
- Chúng mình ngu
thật! Có ma nào ngó đâu mà che che đậy đậy. Dẹp hết đi! - Nói rồi Yến cởi tung
hết quần áo, thân hình của cô gái mười bảy tuyệt đẹp, như cười cợt, như chế
giễu trước không gian trơ ra như những pho tượng vô tri vô giác. Nhìn những cô
gái khác đang làm theo mình, Yến chửi - Tổ cha thằng Mỹ, lôi hết lũ đàn ông của
bà ra chiến trường. Hôm nào bà sẽ vít cổ vài thằng phi công xuống bà cắt dái!
Lập tức các cô
tranh nhau nói:
- Cắt chi uổng!
Yến không chịu lép
- Uổng cũng cắt!
Trên bờ, Trâm phì
cười mắng:
- Mồm mép, mai
mốt, lũ con trai về nghe, chắc chết khiếp!
Các cô gái lại
nhao nhao:
- Chết thèm thì
có, khi đó, mi không nhanh miệng không chừng con Yến nó khiêng mất thằng Bằng.
- Tổ cha bay -
Thủy lườm lũ bạn, rồi cô cũng tặc lưỡi, cởi quần áo lội xuống suối, lũ con gái
tròn mắt, trầm trồ:
- Tuyệt! Coi con
Thủy kìa! Trách chi hắn giữ như giữ mả tổ.
Thủy thu hai tay
về che ngực, cô cảm thấy cay cay nơi mi mắt. Thủy đẹp thế mà lâu nay, Thủy đã
quên mất cái điều cô gái nào cũng luôn mơ tưởng ấy.
Sáng hôm sau, một
quả bom phá rớt trúng hầm Yến ngồi đã cướp đi của Thủy bốn người bạn gái, trong
đó, có ba người chưa hề một lần có bạn trai.
Suốt ngày, phản
lực thay nhau quần nát Rú Trai. Tối, một chiếc xe chở đạn trúng rốc két bốc
cháy trên lưng dốc. Lũ máy bay lại tập trung đến xâu xé. Bọn Thủy đứng chặn ở
đầu dốc, hướng dẫn xe tỏa ra những khu rừng bên cạnh để tránh pháo sáng của lũ
giặc đêm phát hiện. Thủy gặp người đàn ông ấy như thế. Anh đã hôn Thủy. Nụ hôn
vừa dài vừa sâu làm Thủy bàng hoàng và chợt nhận ra là cả Toản và Lực chưa có
ai từng hôn cô như thế! Khi xe anh vừa trùi trũi bò đến. Thủy nhảy lên bám vào
cửa, nói như hét từ ngoài cửa vào những mệnh lệnh, ngắn gọn, buộc chiếc xe của
anh rẽ vào mé đồi thông… Tất cả đều xảy ra hết sức nhẹ nhõm: Xe dừng, anh lái
xe lập tức leo lên mở nắp ca-bô như không hề biết đến Thủy; mệt rã người, Thủy
lê bước lại gốc thông cô độc, gieo mình xuống thảm lá dày mịn. Nhớ đến Yến,
Thủy khóc, “Tổ cha thằng Mỹ”, tội nghiệp! - Nhữnglời của Yến hôm qua trên bến
tắm cứ văng vẳng bên tai Thủy. Nước mắt giàn giụa Thủy quên cả tiếng phản lực
đang gào xé, quên cả những chớp bom cứ lóa lên, xé toạc màn đêm… Anh lái xe
nhảy xuống, có lẽ anh nghe tiếng Thủy khóc. Thủy cảm thấy đôi tay anh nong nóng
đặt lên vai mình. Nước mắt Thủy lại càng giàn giụa hơn, Thủy khóc to hơn vì cảm
thấy có người biết, hiểu và thông cảm cho mình. Thủy như tìm được chỗ dựa, và
tiếng khóc của cô như giãi bày. Lần đầu tiên, một người đàn ông đến với Thủy
bằng đôi môi mơn man trên mặt mình. Thủy nhận ra cảm giác của những sợi râu lún
phún do chạy xe, thức đêm nhiều, cọ nhẹ trên má, trên cổ, trên ngực… Người Thủy
như tan ra, lớp lá thông khô rải thảm dưới lưng Thủy cứ trơn tuột đi. “Anh sẽ trở
về”; “Anh sẽ trở về… Trở về”! Anh nói thế. Hoặc Thủy đã khẳng định như thế, khi
toàn thân cô run lên, ôm chặt lấy anh…
Người đàn ông đó
đã đi ngay khi có tín hiệu thông đường. Anh đắp lên người Thủy chiếc áo quân
phục cũ. Thủy tỉnh dậy khi tiếng bom đêm đã thôi gầm thét. Cô nheo mắt
nhìn lên những búp thông non đang run rẩy như những đôi môi đang thề thốt, hứa
hẹn. Anh đi ngang qua đời Thủy như một ngọn gió. Nhưng ngọn gió đó đã làm dấy
lên những đợt sóng trên mặt hồ đang tĩnh lặng của đời cô. Ngoài cảm giác vật
chất hiện hữu của những sợi râu cọ nhẹ lên da thịt mình, Thủy cảm thấy anh là
một khối tinh thần đã hòa tan ra trong cuộc đời Thủy.
Thủy sinh con lúc
mới mang thai được tám tháng. Cô bị sức ép của bốn quả bom phá và khi tỉnh dậy,
thấy đau bụng dữ dội. Hôm đó, tiểu đội Thủy trực chiến. Từ dưới mặt đường các
cô lao lên công sự súng 12 ly 7. Bốn chiến phản lực từ hướng biển, quay ngoắt
đầu bay về Rú Trai. tiếng các cỗ pháo phòng không nổ rền trời ở bốn xung quanh.
Khẩu 12 ly 7 của tiểu đội Thủy như lọt thỏm vào giữa đội hình phòng không dày
đặc. Sau một vòng lượn, đột nhiên, một chiếc phản lực tách ra khỏi đội hình, bổ
nhào xuống trọng điểm. Chiếc máy bay như một con thú say mồi, Thủy có cảm giác
là nó đang lao xuống đầu mình. Dưới bụng nó tách ra một chùm bom đen trũi. Các
cô gái đã quen với cảnh ấy, nhẹn chân nhảy vô hầm kèo. Thấy Thủy bị kẹt ở phía
sau khẩu súng, Trâm nhô ra gọi thất thanh:
- Xuống hầm, Thủy!
Không kịp nữa rồi,
Thủy nhắm mắt, siết cò, Khẩu súng 12 ly 7 giật lên khùng khục. Cùng lúc Thủy
thấy tai mình điếc đặc. Bốn quả bom nổ quá gần đã nhấc Thủy và Trâm ném vào
vách công sự. Hình như lúc đó Thủy đã rú lên sợ hãi. Thủy không sợ bom, sợ chết
mà sợ cái mà Thủy đã giấu trong tám tháng qua sẽ không còn giấu được nữa. Đêm
ấy, ở trạm xá của đơn vị thanh niên xung phong, Thủy sinh con trai.
Chiếc ép bốn bị
cháy. Tên phi công to con, tồng ngồng đi giữa một tiểu đội nữ dân quân lăm lăm
tay súng. Lực tất bật lên vì mừng và vì cả công việc. Ở huyện đội, Lực đã
thuyết phục các đơn vị phòng không công nhận chiếc máy bay đã trúng đạn của
tiểu đội 12 ly 7. Theo anh, chiếc ép bốn bị bắn cháy ở tầm thấp, rất có thể là
nó bị trúng đạn của khẩu 12 ly 7. Đồng chí Thiếu tá huyện đội trưởng nghe Lực
trình bày xong, dàn xếp với thủ trưởng các đơn vị tham gia chiến đấu hôm đó:
- Nói thành tích
thì dân quân Rú Trai, thành tích nhiều! Các đồng chí ấy, giữ vai trò to lớn để
đảm bảo giao thông qua trọng điểm - Thiếu tá hạ thấp giọng - toàn là nữ các
đồng chí ạ! Đàn bà con gái mà làm được thế là giỏi, Nhân đây “bó đũa chọn cột
cờ”! Chiếc máy bay cháy qua kiểm tra, thì trúng nhiều loại đạn! Nhưng cũng có
thể nó bốc cháy vì loạt đạn 12 ly 7 của tiểu đội nữ Rú Trai. Nếu thêm thành
tích này, xã các đồng chí ấy đủ điều kiện để ta đề nghị Trung ương tuyên dương!...
Đồng chí Thiếu tá
vỗ tay và có nhiều tiếng vỗ tay. Lực sung sướng băm bổ chạy bộ về xã. Mới đến
đầu làng, anh nghe tin:
- Con Thủy chửa
hoang! Nó đẻ thằng con trai ngoài trạm xá. Ra mà coi tề.
Lực như bị dội một
gáo nước lạnh. Thủy chửa hoang - có hai nỗi lo cùng xuất hiện: Một là Lực sợ
tai tiếng - anh nhớ lại cái đêm trú bom trong hầm chữ A với Thủy; hai là Thủy
chửa hoang thì làm sao mà xã anh được tuyên dương đây! Lực triệu tập cấp ủy,
họp gấp. Ai nấy đều khẳng định đứa con hoangcủa Thủy là một tội tày đình, không
dễ chi mà giấu các đồng chí trên huyện đội được. Ngay ngày mai cả huyện này sẽ
biết: “Dân quân Rú Trai có một đứa chồng đang ở trong Nam ở nhà phản
bội, chữa cái bụng chình ình, đẻ rồi đấy!” Cấp ủy bàn tính và thấy rằng, khuyết
điểm của Thủy nên tính sau! Trước mắt là phải chọn người khác, thay Thủy đi báo
cáo thành tích “dùng súng dân quân bắn rơi máy bay Mỹ”. Người có đủ cơ sở để
chọn là Trâm. Cấp ủy quyết định chờ khi Trâm khỏe sẽ gọi lên quán triệt tư
tưởng về vấn đề này.
Người không thấy
bất ngờ trước sự kiện “Thủy chửa hoang” là bà Thục. Từ sau đêm gặp người lái xe
dưới gốc thông độc, Thủy đã bắt đầu có những thay đổi. Người đàn ông đó ra đi
không để lại tên tuổi, quê quán nhưng lại hiện hữu rất rõ nét trong lòng Thủy.
Những gì xảy ra trong đêm đó đã làmThủy mãn nguyện. Cảm giác hàm râu lởm chởm
cọ lên da thịt cứ làm Thủy nôn nao nhớ. Thủy chợt nhận ra, anh là người đàn ông
duy nhất tạo ra được cho Thủy những phút giây hạnh phúc. So với đêm tân hôn
trước khi Toản lên đường Thủy cảm thấy rất rõ nét sự phân bạch giữa sự chung
đụng vật chất và sự giao hợp về tinh thần. Đứng trước gốc thông già - nhân
chứng cho lần gặp gỡ đó, Thủy như nghe văng vẳng bên tai mình lời nhắn nhủ của
gió: “Anh ấy sẽ trở về”, “Anh ấy sẽ trở về!” - Cóthể lắm chứ. Gốc thông này sẽ
là sự nhắc nhở, là điểm hẹn cho cuộc gặp gỡ của họ.
Những đợt sóng
dâng lên trong trái tim Thủy đã khỏa lấp lời thú nhận tội lỗi của lý trí.
Những dấu hiệu
thay đổi báo trước sự có mặt của một sinh linh trong lòng mình đã đưa Thủy trở
lại với thực tế. Toản là người đầu tiên xuất hiện trong mối lo ngại của Thủy.
Toản hiện ra trước mắt Thủy trong vai một người chồng trong đêm tân hôn, đứng
như ngây dại trước cái chốt cửa. Thủy nhớ là lúc đó Thủy đã dang tay ra gọi
Toản quay lại, Toản đã sà vào lòng Thủy như một đứa bé vòi vĩnh quà cáp. Ngay
lúc đó, Toản đã được Thủy đền bù. Vai trò của Toản trong nỗi lo đã sớm mờ nhạt.
Người thực sự đau khổ trong việc này chính là bà mẹ của Toản. Đứa bé xuất hiện
- ở bà chỉ có sự mất mát. Hơn cả Toản, bà Thục trông đợi và hy vọng nhiều sự
tốt đẹp hơn. Thủy đã giấu được mọi người cái thai của mình đến tháng thứ tám -
Cô vẫn lao ra đường sau mỗi loạt bom và có mặt hầu hết ở những nơi cần sự có
mặt của các cô nhất - Nhưng đối với bà Thục thì Thủy không thể giấu được lâu
như thế, đã bốn năm tháng nay, bà Thục lảng tránh ánh mắt của Thủy, im lặng
trước những lời hỏi han của con dâu và bà đã thôi không còn khóc nhớ con trước
mặt Thủy. Thủy đau khổ. Sự đau khổ do tình yêu và hạnh phúc mang lại âm ỉ và
dịu ngọt, thầm tỏa trong lòng cô. Mỗi buổi chiều, từ trọng điểm trở về, Thủy
không còn đi theo các cô bạn xuống suối tắm. Một mình cô đến bên gốc thông già,
ngồi xuống thảm lá vàng, tự an ủi mình bằng ký ức và một niềm tin không chút
đắn đo.
Rất may cho Thủy,
sự kiện máy bay bị bắn rơi đã chia sẻ bớt sự chú ý vào tình cảnh của Thủy.
Trong những ngày nằm ở trạm xá, Thủy cố gắng để chia sớt một cái gì đó với
Trâm. Cô gọi:
- Trâm ơi!
- Chi, Thủy! -
Trâm nằm giường bên cạnh, sau hôm bị sức ép của bốn quả bom phá, cô vẫn thấy
tức ngực.
- Trâm có tin là
sẽ chiến thắng không?
- Mi nói chi lạ?
Thủy nhổn người
lên, mắt long lanh nhìn bạn:
- Trâm! Tao hỏi
thật, mi có tin là Bằng sẽ về không?
- Tao tin! Tao
tin! Trâm lập cập nói lặp đi, lặp lại như sợ bạn sẽ cãi lại lời mình.
Giọng Thủy thấp
xuống, tha thiết:
- Tao đặt tên cho
thằng bé là Thắng. Chiến Thắng! Trâm ơi, anh ấy sẽ trở về!
- Toản ư?
- Tao xin mày,
Trâm…! Thủy bỗng nhiên thổn thức, rồi nức nở.
Hai năm sau chiến
tranh mới có giấy báo tử của Toản. Trường hợp chậm của anh là do sự nhầm lẫn
của Phòng chính sách Tỉnh đội. Bà Thục đón nhận tờ giấy báo tử với một thái độ
bình tĩnh đến lãnh đạm. Toản là người cuối cùng trong danh sách những chàng
trai hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của xã. Tấm giấy báo lúc ấy chỉ có
giá trị thủ tục hóa một sự thật. Một sự thật xé lòng mà hai năm qua không lúc
nào là không hành hạ bà Thục. Nhưng có những điều như một nghịch lý mà vẫn xảy
ra trong lòng bà: lúc bà Thục còn hy vọng Toản trở về nhất thì cũng chính lúc
đó bà bị sự đau khổ dày vò nhất, khi sự đau khổ lên đến tột đỉnh, tức là lúc
chút hy vọng cuối cùng tan vỡ, thì trái tim bà Thục hầu như không còn chỗ để mà
đau khổ. Bà lặng lẽ sống với nỗi buồn của mình như chiếc bóng, và cũng chính
lúc đó, bà Thục chợt nhận ra những niềm chia sẻ chung quanh mình. Bà bỗng thấu
hiểu nỗi thống khổ của Thủy - của một cô gái mà từ lúc lấy chồng đã lùi lũi một
mình với tuổi xuân mỗi ngày tàn úa. Kể từ ngày Thủy sinh thằng Thắng - cái đêm
nhận được giấy báo tử của Toản, lần đầu tiên hai mẹ con lại ngồi ôm lấy nhau.
Họ khóc, khóc không thành tiếng, chỉ có những giọt nước mắt tưởng đã ráo hoảnh
từ lâu lại lặng lẽ rơi, ướt đầm vai áo của nhau… Gần sáng, bà Thục đánh thức
Thủy dậy, cô mệt lả và thiếp đi trong tay bà. Bà khẽ gọi:
- Thủy à.
- Dạ! - Thủy lại
ngồi lặng, chờ đợi.
Bà Thục ngồi buông
xuôi hai tay trên đùi, tiếp:
- Mi ra xã làm
giấy khai sinh cho thằng Thắng!
- Dạ! Thủy giật
mình, buột miệng. Lần đầu tiên bà Thục bàn bạc một vấn đề có liên quan đến
thằng Thắng với Thủy. Bà Thục nói tiếp, giọng rành rọt:
- Lấy họ của chồng
mi đặt cho hắn! Nói với họ, ý kiến của tao!
Thủy nắm lấy tay
bà Thục, đôi mắt cô nhìn bà vừa như biết ơn lại vừa như từ chối! Thủy vẫn hy
vọng. Hy vọng trong cái thế giới riêng của cô. Sáng sớm, Thủy không ra xã làm
giấy khai sinh cho con như bà Thục bảo. Không phải cô sợ họ từ chối nhưng Thủy
không muốn lừa dối với cả chính mình. Cô lên đồi thông, men theo lối của tụi
trẻ con đi nhặt cành thông khô, nhìn xuống cái gò trống, nơi chỉ có một cây
thông mọc.
… Buổi tối, Trâm
kéo Thủy ra sau nhà nói chuyện - Trâm đến từ chiều chơi với thằng Thắng, chờ
Thủy. Trời lạnh, Trâm khoác thêm ngoài chiếc áo len cổ cao một cái áo vét.
Thoạt nhìn, Trâm vẫn giữ được những nét đẹp của thời con gái. Nhưng bên khóe
môi và ở hai đuôi mắt của Trâm đã hằn những vết chân chim. Sau sự kiện bắn rơi
máy bay Mỹ, Trâm được đi báo cáo điển hình, đi học ở Đông Âu, hiện cô công tác
ở Tỉnh đoàn. Phải lâu lâu Trâm mới có dịp ghé thăm Thủy. Cô ôm chặt lấy Thủy,
trầm trồ:
- Con mỡm, mi vẫn
đẹp tợn! Thủy ơi, lấy chồng đi!
- Nói nhảm, mi! -
Thủy mắng yêu, cô mỉm cười, nụ cười dửng dưng trước lời khuyên của bạn.
Im lặng một lúc,
Trâm ngồi dậy, cô đẩy Thủy ra xa và nhìn vào mắt bạn:
- Thủy! Thằng
Thắng là con anh Lực chứ?
Đôi mắt Thủy bỗng
một thoáng sững sờ, cô quay đi. Một giọt nước nóng hôi hổi chạy trên gò má.
Thủy nhè nhẹ lắc đầu.
- Nói đi
Thủy!-Trâm quỳ xuống nắm lấy hai tay bạn - Hay là mi còn giận anh Lực. - Thủy!
Thủy cay đắng nghĩ
tới cái điều mà Trâm vừa gợi lại. Trước đây, cũng đã có một vài người không ưa
Lực thường đến tìm cô để gạn hỏi cái điều ấy. Thậm chí ngay cả sau lúc Lực hy
sinh, có người vẫn còn dè dặt đưa ra vấn đề nghi hoặc này để cân nhắc khi tuyên
dương anh.
Trâm vẫn thiết tha:
- Mi ác vừa vừa
chứ Thủy! Mi không nghĩ đến tương lai thằng Thắng sao?
Thủy gỡ nhẹ tay
bạn, nâng Trâm ngồi dậy. Thủy thông cảm vô cùng với Lực và cả với Trâm. Vợ
chồng Trâm cưới nhau ngay sau giải phóng, nhưng tới nay vẫn chưa có con. Hai
con người đã hy sinh tuổi trẻ của mình trong chiến tranh đó, khát khao có một
đứa con biết bao nhiêu.
- Không phải đâu
Trâm! Không phải!
- Thế … ! Đôi mắt
Trâm mở to ngơ ngác, cô đọc thấy sự thật trong ánh mắt của Thủy và thất vọng.
- Đừng hỏi! Tao
xin mày. Anh ấy đã hy sinh rồi!
- Anh ấy đã hy
sinh!
Từ khi buột miệng
nói ra điều ấy với Trâm, Thủy bỗng sợ hãi với chính điều cô vừa nói. Thủy lại
lên đồi ngó xuống cái gò trống nơi có gốc thông độc. Gần đây, Thủy đã nguyền
rủa mình khi cô tìm gặp người đàn ông có râu, mặc quân phục cũ hay đến chỗ mẹ
con cô ngồi. Buổi nói chuyện đã khẳng định mối hy vọng của Thủy là hoàn toàn vô
căn cứ. Anh là một người lính bộ binh chưa hề đi xe qua Rú Trai. Hiện anh tới
đây với dự tính mở rộng diện tích trồng thông.
Anh-ấy-đã-hy-sinh! Thủy ngạc nhiên là tại sao gần chục năm nay, cô không bao
giờ nghĩ tới khả năng rất dễ xảy ra ấy, phải chăng cô không thể tự giết chết hy
vọng. Dù xen giữa những hy vọng ấy vẫn có những khoảnh khắc của lý trí, manh
nha một sự thật lạnh lùng, nhưng lòng Thủy lại vội khỏa lấp đi, để mà sống! Thủy
lững thững đặt bàn chân trần của mình trên thảm lá thông. Gió heo may lùa nhẹ
trong mái tóc. Thủy ngước cặp mắt nhìn lên cao. Những búp thông non rung lên
nhè nhẹ như những đôi môi, thầm thì bên tai Thủy: ANH - ẤY - SẼ - TRỞ - VỀ!
(Đăng trên tạp chí Văn & Văn Nghệ Quân Đội năm
1988)
/Blog Osin Huy Đức/
-------------------
Bài nài không thấy ai cồng hè?
Trả lờiXóamệ cái thời 1988....thời ăn mày zĩ dzãng đĩ vại
bác osinHĐ không biết viết vìa chống phớp, chống mẽo hay chống tàu...???
Sao không có phản hồi? Tôi nghĩ bài này mang nặng tính tuyên truyền cũ kỹ, làm người đọc chán ngán. Nhưng họ cũng không đành lòng "cự" lại...
Trả lờiXóa