Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

TRÒ CHUYỆN VỚI RONG RÊU

 
* BÙI VĂN BỒNG
           - Tôi là phận rong rêu, nông dân chúng tôi đều là thứ như rong rêu – Ông Sáu nói – Hôm qua, trong bữa nhậu quán cóc bên hẽm phố, mấy ông làm vườn, nuôi cá với nhau đều rất “tự hào” với “phận rong rêu” của mình.
Ông Sáu Bình ở một vùng nông thôn  ngoại ô thành phố lớn phía Nam (ông Sáu yêu cầu giấu địa chỉ, địa danh, khỏi phiền, vì đời nay nhiều nỗi sợ lắm). Mấy năm nay, tôi với ông Sáu là chỗ quen biết, thường đến thăm tôi, anh em cùng dốc bầu tâm sự. Ông là nông dân nghèo, có 4.400 m2 đất vườn và ruộng, bị địa phương lấy đất làm “dự án giao thông”. Đất ông không nằm trên lộ, không phải lộ giới, nhưng vẫn bị chính quyền địa phương coi là lộ giới, thu  hồi, bồi thường với giá rẻ mạt. Hai vợ chồng ông vác đơn đi khiếu kiện suốt 4 năm, không ăn nhằm gì. Rồi đến nhờ báo Quân đội nhân dân giúp. Tôi đưa bài lên báo, lại trực tiếp gặp chính quyền địa phương, sở, ngành giúp ông. Cuối cùng ông Sáu Bình được địa phương “nhả ra” được hơn một công đất ( hơn 1.000 m2). Nay ông cũng có đất dựng nhà ở, lại có mảnh vườn 1 công đất trồng hoa, rau, đem bán lấy tiền sinh sống.
          Trẻ ơn, ông đem biếu tôi một chai rượu và mấy gói bánh. Tôi nói: “Việc của báo chí là bảo vệ, lo cho dân, giúp bạn đọc khi họ cần đến công luận. Không việc gì phải cảm ơn. Tôi thường xuyên có ngâm rượu thuốc, có uống cho khỏe và tiếp khách. Ông mang rượu về đi! Nghèo, mua làm gì cho tốn tiền. Còn gói bánh tôi nhận cho ông vừa lòng, cho bà dì tôi, bà ấy khoái ăn bánh điểm tâm. Cảm ơn!”.
            Tôi hỏi:
- Ông nói phận rong rêu, là sao?
             Ông Sáu kể:
- Anh em tôi ngồi nhậu. Ông Ba Chà nói: “Nay làm ăn cá lớn nuốt cá bé. Anh em mình chỉ là con tép riu”. Tôi nói: “Được tôm tép là may, mà anh em nông dân như mình cũng không cần, vì tôm tép có tung tẩy đấy, nhưng cũng làm mồi cho cá, cho cua, rùa… Anh em mình là nông dân, có chút đất thì bám ruộng vườn, moi đất mà sống. Phận rong rêu thôi, nhưng sống bền, đâu dễ chết! Dù mưa gió bão bùng gì thì rêu vẫn bám bùn, sống được. Chỉ sợ bùn cũng bị vét hết thì…toi!”.
             Rồi ông Sáu kể tiếp: “Ba Chà hỏi tôi: Rong rêu là sao? Tôi nói: Rong rêu là đáy nước, đáy bùn, đáy xã hội. Con tép là cái lão Trưởng khu phố (vì xã nông  nghiệp của tôi nay đã lên phường. Phường nước giếng khoan, tắm nước kênh rạch, và điện leo lét, ngõ lầy lội, là đo thị hóa rồi). Trưởng khu phố là cái chức chính quyền thấp nhất. Nó cũng “ăn rong rêu”. Có việc chứng giấy tờ gì, đến gặp, ông ta tỉnh bơ, nói bận, lúc khác. Tôi đưa phong bì có 100. 000 đồng nói rằng để ông cà phê cà pháo, chứng giúp đi. Ông ta cười: “Thôi được!”, rồi chứng giấy rất nhanh. Thế là tép, nó ăn rêu.
           Ông Sáu kể tiếp các câu chuyện mà người nông dân tuy túi tiền lép kẹp, nhưng chạy cửa nào không có tiền là không xong. Như là lo cho con cháu đi học, chữa bệnh, xin chính quyền chứng giấy tờ này kia, rồi phí giao thông, phí bảo hiểm, tiền đóng quỹ an-ninh quốc phòng, quỹ văn hóa, quỹ này quỹ kia, nhiều thứ lắm. tât cả đêu là túi tiền người dân phải moi ra cả. Không tiền không xong.
           Ông kể: Lo trần thân cho con gái học đại học. Tốt nghiệp ra trường, có bằng cấp hẳn hoi, nhưng không phải là lo đi xin việc mà phải lo mua việc làm. Vào các cơ quan hành chính của Nhà nước, có ít cũng vài ba chục triệu, xin việc các công ty cũng ít nhất 50 triệu, xin vào ngân hàng phải chi cửa này cửa nọ cũng phải gần trăm triệu. NHưng rồi hậu họa là, chính cái cảnh “mua việc làm” quá đắt ấy, tạo ra hội chứng kích thích tham nhũng, ăn cắp, gian dối, trước hết là bù vào khoản tiền đã lo “mua việc làm”.
             Ông kể: Cô em họ của ông ở Mỹ về, do có việc trong họ hàng, dòng tộc nên xin gia hạn thời gian lưu lại Việt Nam trong hộ chiếu. Đên Phòng xuất-nhập cảnh, gặp nhân viên. Đúng ra tiền nộp lệ phí chỉ mấy chục ngàn. Nhưng ngồi chờ gọi tên mãi mà không được. Có những người đến sau, nhưng đã quen biết, có chi cho  nhân viên, được làm thủ tục trước. Một cửa, cũng thế thôi. Họ mở một cửa đón dân, để gọi là ‘cải cách hành chính’, giảm phiền hà cho dân, nhưng (có lẽ) họ còn phải lo nhiều cửa khác. Cô em họ của tôi mới mạnh dạn lấy tờ 500.000 đồng kẹp vào hồ sơ, đưa đến dúi vào tay cô nhân viên. Lập tức, cô em tôi được giải quyết. Cô nhân viên còn nói: “Lần sau, nếu có làm giấy từ gì, cô cứ gọi điện cho tôi, số mày…Sẽ có người đến tận nhà lo đủ thủ tục, chị khỏi đến đây”…!
           Tết năm ngoái, muốn có một lô (chỗ bán hoa Tết) ở đường Hoàng Văn Thụ, ông chạy mấy hôm đều bị lắc đầu, hết chỗ. Ông hỏi: “Ai là người lo chỗ bán hoa ở chợ hoa Tết này?”. Người ta mách cho ông là Khu vực trưởng khu phố. Ông Sáu đến nhà, đưa một triệu, nói là gửi ông chút để cà phê cà pháo, nhờ  ông ta giúp. Thế là ông Sáu có cái lô bán hoa ở vị trí khá đắc địa…
          Nghe ông Sáu kể chuyện, tôi lắc đầu:
-         Thế thì phận rong rêu là phải rồi!
BVB

------------------

8 nhận xét:

  1. Câu chuyện của bác Bồng thật là tự nhiên, giản dị, lột tả thực trạng mà rất sâu sắc, cảm động. Thương người nông dân Việt!

    Trả lờiXóa
  2. Dưới dáy xã hội, như phận rong rêu dưới bùn, sóng dồi, phù ra vùi lấp, rác rều cũng đè lên. Nước nông nghiệp, nhưng nồng dân cơ cực quanh năm mà không đủ ăn.
    Ông lớn tham nhũng lớn, ông nhỏ moi móc nhỏ, túi tiền người dân ngày càng lép kẹp! Và chịu nhiều kìm kẹp!

    Trả lờiXóa
  3. Mất hết đất, cha đi nhặt rác
    Mẹ kiếm từng các bạc buôn rau
    Trong khi quan chức nhà lầu
    Xe hơi loại xịn đè dầu người dân

    Trả lờiXóa
  4. Nhờ bác Bồng cho gửi link , có nhiều tâm sự.
    "Kêu gọi Arsenal 'tuyệt giao với HAGL'"

    Trả lờiXóa
  5. Ông lớn tham nhũng lớn, ông nhỏ moi móc nhỏ, ở nông thôn cán bộ toàn là anh em ,con chaú., thế mà cũng ăn bẩn dăm chục ngàn đồng, vài ba trăm ngàn đồng. Lẽ ra những việc ấy là trách nhiêm của cán bộ xã phường, nhà nước đã lấy tiền thuế của dân trả lương cho cán bộ rồi.Một xã hội có một đội ngũ cán bộ"TUYỆT VỜI".
    Rong rêu đến khi nào ngóc đâu lên được?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nông dân đã nói là làm
      Đã đi phải đến, đã bàn dễ thông
      Đã quyết , là quyết một lòng
      Đã phát là động, đã vùng là lên
      Đã lật, lật dưới lên trên
      Đã chuyển là chuyển bốn bên chân trời

      Xóa
  6. Mất nước thì rong rêu hết chỗ sống. Còn nước thì rong rêu cấp thức ăn, dinh dưỡng cho mọi loài, cua cá rùa rắn...lớn bé tha hổ tranh ăn. Rêu tần tảo đáy bùn, còn không được yên...!

    Trả lờiXóa
  7. Nước ta là nước nông nghiệp, hơn 70% dân số là nông dân. Đối với nông dân, không cần đảng nào đứng ra đưa chủ nghĩa này luận thuyết nọ, không cần chế độ nào khoa trương, tự khoe mẽ mà chẳng đem lại lợi ích gì cho ho. Họ chỉ có đất nước, dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với họ, chỉ có 6 chữ vàng: "Khỏe mạnh, yên ổn, thanh thản" mà sống!

    Trả lờiXóa