Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Văn bản pháp quy – ĂN GIAN KHÓ NUỐT THÌ...NHẢ (!?)


* VÕ VĂN TẠO 
“Không ăn gian được thì bỏ” – câu cửa miệng nơi chiếu bạc dân dã - có vẻ như đang được quan chức các bộ, ngành và địa phương  xác định là phương châm khi ra các văn bản pháp quy gây sốc công luận.
Chưa hết ngạc nhiên với văn bản mới đây của Bộ Xây dựng ở Xây dựng không cấp phép cho công trình nhái kiểu cổ điển Pháp – châu Âu, người dân và báo chí lại bị sốc bởi các văn bản của Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trương cộng điểm ưu tiên thi đại học cho các thí sinh là bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ tiền khởi nghĩa… và yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP ngăn chặn báo chí đăng tải những thông tin mà Bộ này coi là “nhạy cảm” như đề thi có sai sót, tiêu cực trong thi cử… Tòa án nhân dân Tối cao soạn pháp lệnh, theo đó, báo chí muốn ghi âm, ghi hình tại các phiên tòa phải được sự cho phép bằng văn bản của chánh án… Chưa hết, bằng công văn 1042/C67-P3 (ghi âm, ghi hình CSGT đang tuần tra, kiểm soát trên đường phải xin phép trước), Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67) Bộ Công an lại gây bão phản ứng dữ dội trên công luận…
Những văn bản “ngớ ngẩn” trên đây thường bị thu hồi, hủy bỏ hay  sửa đổi sau khi bị búa rìu dữ dội từ công luận. Những tưởng sau liên tiếp scandan tệ hại kiểu ấy, các bộ, ngành và địa phương chí ít cũng giật mình, yêu cầu cấp tham mưu chấm dứt tập quán nhắm mắt, uống thuốc liều trong khâu biên soạn các văn bản pháp quy. Chẳng dè, mới đây, hai Bộ Y tế - GTVT lại thập thò “trình làng” cái thông tư liên Bộ, cấm người ngực lép điều khiển mô tô xe máy. Chuyện tưởng như đùa, bởi năm 2008, quy định “cấm ngực lép” không giống ai đã “ăn đủ” búa rìu công luận, phải rút lại nhục nhã, nay lại nhâng nháo tái xuất giang hồ. Đến nước này thì quá lắm, công luận cảm thấy bị xúc phạm như các quan bộ cố tình coi khinh, chọc giận.
Vi hiến, trái luật, vô cảm, vụ lợi một cách trơ trẽn, phi thực tế, bất khả thi, bất chấp công luận khi ra văn bản mang tính pháp quy… động thái trên của các bộ, ngành và địa phương làm cho người dân khó có thể nghĩ khác: kỷ cương, phép nước đang đi vắng!
Trả lời báo chí sau vụ công văn 1042 của C67, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp cho biết, 10 năm qua, các cơ quan chức năng thuộc các bộ, ngành và địa phương trong cả nước rà soát hậu kiểm hơn 1,7 triệu văn bản thì có tới hơn 50.000 văn bản sai trái. Riêng Cục Kiểm tra VBQPPL hậu kiểm hơn 27.000 văn bản, phát hiện hơn 4.800 văn bản sai trái. Thế nhưng, ông Sơn cũng than phiền, cơ quan ông chỉ có chức năng tham mưu, kiến nghị thu hồi, hủy bỏ hay sửa đổi, không được giao chức năng trực tiếp sử dụng chế tài xử lý hủy bỏ các văn bản sai trái đó. Có văn bản phải họp đi họp lại 7-8 lần để thuyết phục cơ quan đã ra văn bản hoặc cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ. Quá trình xử lý rất gian khổ. Rất lãng phí công sức, thời gian và tiền bạc.
Thực trạng trên cho thấy, tình trạng ra văn bản sai trái bạt mạng ở ta khó mà thuyên giảm, nếu cơ chế hậu kiểm không được sửa đổi mạnh tay.
Trở lại câu chuyện bài bạc đã nói ở đầu bài viết, để ngăn ngừa tệ ăn gian, nhiều chiếu bạc quy định mức phạt khắt khe đối với con bạc chơi gian, bất kể cố ý hay do bất cẩn. Chế tài đơn giản đó tỏ ra rất công hiệu.
Ra văn bản quy phạm pháp luật sai trái, bị phát hiện thì bất quá đành thu hồi hoặc sửa đổi, kẻ chấp bút và người ký tá cho ban hành chẳng bị kỷ luật, truy tố (nếu gây hậu quả nghiêm trọng). Chẳng lẽ, Nhà nước – cơ quan quản lý cao nhất, nắm pháp luật trong tay, lại tối kiến đến mức thua cả các con bạc, đành bất lực trước vấn nạn các bộ, ngành và địa phương cứ liên tiếp ra những văn bản sai trái theo cung cách “không ăn gian được thì bỏ”, gây phản ứng dữ dội từ công luận, làm mất uy tín Nhà nước như trên?
V.V.T.
(Võ Văn Tạo – 01273990293)
-----------------
(Bản thảo gửi đến BVB từ tác giả VVT)

9 nhận xét:

  1. Nhiều vị quan của dân ngồi trên bàn giấy trong phòng máy lạnh ký một cái quyết định qui hoạch xong rồi treo đấy hàng chục năm , ký xong có thể vị quan đấy lên chức hoặc về hưu gì đấy nhưng họ không biết rằng cú đặt bút ký vào quyết định qui hoạch treo SẼ lÀM HÀNG NGÀN GIA ĐÌNH LÂM VÀO CẢNH SỐNG DỠ CHẾT DỠ trong tình trạng qui hoạch treo, mỗi lần tại kỳ họp HĐND TP HCM đều có hứa và hẹn , nhưng từ đời bà Phương Thảo nay tới bà Quyết Tâm cũng chả thấy ai quan tâm đến người dân hiện đang khổ sở như thế nào trong cái khu gọi là qui hoạch treo

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ..."họ không biết rằng cú đặt bút ký"...
      > Họ biết cả đấy, biết kỹ hơn mình nữa, nhưng có tiền, họ đang cần được "vinh hạnh, vinh danh, vinh quang" ký nhiều, nhiều hơn thế nữa, ký nữa, tiền dzô....

      Xóa
  2. Cái dù che cái cán.
    Để biết nguyên nhân C67 ra công văn bảo kê cho CSGT làm luật, xin kể lại câu chuyện xảy ra cách nay ít năm để mọi người cùng suy ngẫm:
    Sau khi báo chí liên tục đưa tin về "cung đường đen Khánh Hòa", một Cục phó Cục CSGT lập tức bay vào Nha Trang để "kiểm tra". Chẳng biết chuyện kiểm tra thế nào, chỉ biết xảy ra vụ ông cục phó bị trộm lẻn vào phòng ngủ ở Nhà khách 378 bên bờ biển Nha Trang (trực thuộc Bộ Công an), lấy mất mấy vật dụng cá nhân đắt tiền và 2.000 USD. Báo chí đang biên soạn bản tin vụ trộm thì có điện thoại Công an Khánh Hòa xin "bỏ qua", vì ngại dư luận cười chê Nhà nghỉ Bộ Công an cũng mất trộm và vì sao cục phó đi "công tác" lại có 2.000 USD. Cục phó rời Khánh Hòa, TNGT chẳng những không giảm, lại tăng vùn vụt, cả số vụ lẫn người tử nạn.
    Không biết có phải gần đây báo chí liên tiếp phanh phui tệ CSGT làm luật. Thấy đàn em thất thu, ảnh hưởng "chất lượng" cống nạp, C67 liều mạng ra công văn 1042/C67-P3?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải,Phan Long Để nói chí phải.Đàn em thất thu,nên chất lượng cống nạp nhẹ hều, mà các anh đang rất cần chi tiêu.Các anh hiểu lắm chứ,nên ra cái văn bản nội bộ để đàn em cứ mạnh tay mà làm.
      Thế mà báo chí nó biết,nó tương cả lên mặt báo,nó cũng chẵng nể mũi khi vuốt mặt vì còn mình là còn ....,nên Cục kia nó đánh.
      Thôi đàn em làm cho khéo đó nghe!

      Xóa
  3. Trích "Chẳng lẽ, Nhà nước – cơ quan quản lý cao nhất.."

    Cái này, bác Tạo đã sai. Trích điều 4 hiến pháp vậy: "đảng cộng sản VN... là lực lượng LÃNH ĐẠO nhà nước ...."

    Vậy, trên nhà nước, còn có "lực lượng LÃNH ĐẠO nhà nước "

    Trả lờiXóa
  4. Lũ sâu mọt vinh thân phì gia bòn thiên hạ do đâu mà có, gây nên lỗi này? Do công tác cán bộ của Đảng yếu nên chạy chức chạy quyền chạy lung tung.... dốt nát nhưng có quyền, nó cầm đằng chuôi nên dân không được thụ hưởng dân chủ thôi!

    Trả lờiXóa
  5. "Lợi ích nhóm" trong ban hành văn bản pháp luật rõ như ban ngày vậy mà sao báo lề phải đăng "nhẹ hều". Bộ Y tế còn nhiều trò lắm. Một Bác sĩ muốn có chứng chỉ hành nghề mở Phòng Mạch tại Cần thơ, phải gửi hồ sơ ra Hà Nội làm, không thèm phân cấp địa phương. Quái chiêu không? Tốn bao nhiêu tiền bạc, công sức của người hành nghề. Chỉ muốn ôm nguồn thu vào cho Bộ và Cục. Nghị định Chính phủ ban hành nhưng Bộ đề xuất và trình ký. Kiếm người đàng hoàng dự thảo văn bản khó lắm, chúng chọn người biết viết mập mờ, làm phức tạp những cái đơn giản,càng khó hiểu càng tốt. Chán như con gián.

    Trả lờiXóa
  6. Chúng ta đang trong thời kỳ loạn chữ. Các bộ ngành ra hàng loạt văn bản mà không có nghiên cứu kỹ xem có phù hợp với thực tế cuộc sống và có thể thực thi được không. Bởi vậy có nhiều văn bản làm cho dân chúng bực mình và làm trò cười cho thiên hạ. Tôi thấy cần phải kỷ luật nặng những kẻ tham mưu và kẻ đã ký ban hành những văn bản đó. Hãy chấm dứt tình trạng làm hề trong việc lập pháp. Chính quyền không thể để dân cười vào mặt vì cho ban hành những văn bản không thi hành được và làm xấu đi hình ảnh chính quyền !

    Trả lờiXóa
  7. Đại ca phải có trách nhiệm với đàn em chứ, để tụi nó bị sửa lưng hoài coi sao đặng

    Trả lờiXóa