Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

THÂN PHẬN ĐỜI NGƯỜI

                                                                                                      (Ảnh minh hoạ)
* PHẠM THÁI
   
ĐỊNH MỆNH.
     Lão ngồi đó, trong căn nhà trống trơn. Lão ngồi im như chiếc bóng. Lão mệt mỏi, hay đang suy tính điều gì? Không. Lão không biết. Tôi không biết. Mọi người cũng không biết!
Tôi do dự, nửa muốn bước tới ôm choàng lấy ông cụ, nửa muốn lùi lại. Tôi đứng tần ngần sau cái bóng của lão mà cuộc sống chỉ tính bằng ngày. Nhìn ông cụ, đầu óc tôi liên tưởng đến cái thây ma. Sao tôi nghĩ ác thế! Tôi cũng không biết. Ước nguyện duy nhất lần này về quê là được gặp ông lần cuối, như trả một món nợ, nhưng tại sao tôi phải nghĩ thế. Tôi tự mâu thuẩn với mình! Tôi không biết hay né tránh, không dám nhìn thẳng vào sự thật. Sự thật đầy trắc ẩn và phủ phàng. Không. Không phải thế! Mặc kệ, ai nghĩ sao cũng được. Nhưng trước mắt tôi hiện hữu một lão ông bằng da bằng thịt.
   Lão thuộc lớp người sống dai nhất làng, đã qua tuổi thượng thượng thọ, nhưng điều kỳ diệu, ông cụ có căn số mà các loại sách tử vi hay bất kỳ ông thầy bói toán nào cũng không thể chấm được mạng sống của lão. Hàng trăm lần đối diện với cái chết, từ hồi kháng Pháp, sang thời chống Mỹ, những vết thương đầy người, cái miễng đạn cối 81 bằng hạt bắp còn hằng sâu trong da thịt. Lúc trở trời trái gió nó nổi cơn hành hạ cái thân xác già nua của ông. Những năm tháng tuổi thơ, tôi đã ít nhất hai lần chứng kiến ông chết hụt. Lần đầu vào mùa khô năm 1966, lính Đại Hàn càn xuống làng bắt ông, và đám trẻ con chúng tôi, lùa dân làng dồn vào một góc sân trường học chuẩn bị nhã đạn. Chúng tôi cầm chắc cái chết, bởi trước đó mấy ngày lính Đại Hàn đã bắn chết hàng trăm người dân ở hai làng kế bên (làng Nam Yên- Long Bình 35 người, An Phước trên 50 người, thuộc xã Bình Hòa). Nhưng rất may cho ông, cho cả chúng tôi. Sáng đấy lính Mỹ đi càn, chúng vào từ phía sau làng, đụng đầu với toán lính Đại Hàn đang lục soát, và bắn một trái khói màu xanh. Sau trái khói, bọn lính Đại Hàn bỏ đi. Sau này tôi mới biết trái khói màu xanh là ám hiệu khu vực Mỹ kiểm soát. Gía như sáng hôm đó chúng bắn nhầm trái khói màu đỏ, thì bà con cả làng tôi sẽ chung số phận với những người dân làng Long Bình, An Phước...
    Lần hai, hôm đó vào giữa trưa, trời nóng như đổ lửa, tôi đi học về tới sân nhà, một chiếc “rọ” lao đến như con chim sắt, phanh “kịt” trên không, cách đầu tôi khoảng năm sáu mét. Có lẽ chúng nhầm tôi là một cán bộ, hay du kích, bởi tôi mang chiếc cặp giống kiểu cán bộ thường dùng. Một loại chất liệu làm bằng bông xô của Mỹ. Bằng một thứ phản xạ, tôi liền giơ hai tay, giật chiếc nón lá khỏi đầu. Một tên Mỹ trắng nhô đầu ra cửa máy bay nhìn tôi, rồi quay ngoắt nòng súng về phía nhà lão Nhất. Nhà lão cách sân nhà tôi bởi một hàng rào dăm bụt. Ông đang hóng mát nơi gốc cây khế trước sân, thấy tàu bay đến vội chạy vào nhà. Chiếc trực thăng liền quay đầu về phía nhà ông, nó sà xuống sát mái, quạt mạnh, tức tốc mái tranh tơi tả bay vèo vèo, chỉ còn trơ lại chiếc hầm đá ong xây hình chữ L. Chúng dí nòng súng M60 siết cò, đạn nổ rát lỗ tai, tuýt đạn văng vãi trên đầu, rơi trước mặt tôi. Bắn xong chúng lao đi, tôi và những người hàng xóm chạy đến chui vào hầm lay mạnh nhưng ông chỉ bị thương nhẹ, viên đạn xuyên qua gót chân. Rất may cho hai ông bà, chúng không ném lựu đạn như những lần trước. Có lẽ nó nghỉ bắn đạn đại liên là đủ tiêu diệt mục tiêu, nên không phải dùng lựu đạn. Hơn nữa, mục tiêu không chống cự-không phải VC
     Hơn chín mươi năm, thì có quá nữa thời gian chinh chiến mà ông trực tiếp đối đầu với bom rơi đạn lạc. Bốn người con trai ông rút ruột đẻ ra nuôi dưỡng đến tuổi trưởng thành đã lần lượt ra đi, bị bom đạn giết chết tức tử bên sự tuyệt vọng của người cha. Vậy mà ông vẫn sống, vẫn khỏe mạnh, vẫn minh mẫn. Dường như trời đất khiến lão sống để làm một chứng nhân thời cuộc. Có lần lão buồn bã nói với tôi “sao mình không chết, để mấy thằng con trẻ sống”.
    Quê tôi, làng tôi trải qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, bom đạn cày xới đến những nấm mồ yên nghỉ dưới lòng đất từ bao đời cũng không qua khỏi chiếc mai sắc bén của những chiếc máy ủi quân dụng siêu nặng dưới thời chiến tranh đặc biệt, huống gì nhà cửa, con người làm sao tránh được bom đạn Mỹ. Trải qua hai cuộc chiến nhà nào cũng nặng vành khăn tang, có gia đình hy sinh, chết đạn không còn người thừa kế, thắp hương. Kết thúc chiến tranh tháng tư năm 1975, kiểm lại trong làng có bốn mươi gia đình mất gần trăm người chết đạn, phần lớn họ được ghi công liệt sĩ, anh dũng hy sinh. Người nào còn sống sót thương tật đầy mình, trong nhà trên tường vách đất treo đầy bắng Tổ quốc ghi công, Huân chương, Huy chương đủ hạng. Lão Nhất cũng không nằm ngoài số phận của những con người ấy. Ông trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc, những lớp người như ông ở cái làng này, chết hồi tám hoánh. Họ không chết vì bom Tây, đạn Tàu cũng chết vì ốm đau, bệnh tật gìa cỗi theo quy luật sinh tồn.
     Một giây, hai giây trôi qua, bộ nhớ của mình đã sao lục lại hàng loạt sự kiện. Tôi nghỉ bâng quơ. Ông vẫn ngồi đó như bức tượng. Tôi nhìn ông một lần nữa hết lượt từ chân đến cái đầu trống trơn không sợi tóc. Cũng có thể đây là lần cuối gặp ông. Tôi từ tốn:
-Thưa cụ, cụ có khỏe không?
    Lão liền quay đầu lại. Một động thái phản xạ nhanh nhẩu như thời ông chạy càn trốn Mỹ. Cái nhanh ở độ tuổi thiên niên kỷ. Cụ nhìn tôi, nói liền:
- Con về khi nào, đi với ai, có dẫn con trẻ về không?
- Dạ…con về hồi sáng sớm, đi mỗi một mình.
   Gương mặt cụ hiện rõ trụi trần theo thời gian. Đôi mắt già nua, cụ nhìn tôi rạng rỡ, thấu suốt, lắng đọng hằng sâu những quá khứ xa xăm. Nước từ trong đáy mắt ông cụ rịn ra. Tôi im lặng, kéo thời gian ký ức về phía mình. Ông nho nhã nói:
  -Có thể đây là lần cuối qua (1) nhìn thấy em, và nhờ em tý việc.
  -Việc gì, thưa cụ?
  Tần ngần một lúc, ông cụ bảo:
 - Đi tìm xương cốt mấy thằng con.
   Tôi tỏ thái độ ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi sau 40 năm ngày thống nhất đất nước, toàn bộ liệt sĩ ở cái làng này, xã này đã quy tụ đầy đủ chỉ thiếu mỗi hai người con của ông. Mặt khác hai người con ông là bộ đội địa phương, hy sinh nơi chính quê hương mình? Việc lớn, việc khó như làm hồ sơ phong xã anh hùng họ còn làm được. Vụ này rắc rối lắm: Sau hai mười năm bị từ chối bởi một trong ba thôn bị chế độ chính quyền Sài Gòn chiếm đóng, có nhiều lính ác ôn; nhân dân của hai thôn đấu tranh mãi, cuối cùng Nhà nước cũng phải phong danh hiệu anh hùng cho toàn xã. Gía như cái danh hiệu này được phong cho cấp làng, cấp xóm thì cái xứ Long Bàn này, Xóm Núi này thượng phong đến mấy lần anh hùng chống giặc ngoại xâm cũng xứng đáng. Thôi thì đành vậy, trên tỉnh, trong huyện có mấy xã cùng thời đánh Tây, chống Mỹ như nhau mà được cái vinh danh này.
   Không phải vậy, dường như ông cụ đoán được suy nghỉ của tôi. Cụ nói tiếp.
 -Thằng Tống, thằng anh cả chết trận hồi tết Mậu thân, nó chết tại thị xã, chết ngay đợt nổ súng đầu tiên trong cái đêm mồng một tết.
 -Sao cụ biết?
 -Hồi đó bạn nó sống sót về nói với qua. Sau lần ấy không thấy nó trở lại, nghe nói nó cũng hy sinh trong một trận chống càn gần Núi Thành.
   Nói đến đây, tôi thấy ông cụ xúc động, muốn cắt câu chuyện, nhưng ông không muốn dừng:
  -Đêm đó quần nhau với địch suốt đêm, thương vong quá nặng, sáng hôm sau bộ đội buộc phải rút hết, không lấy được xác. Thằng Tống con qua cùng mười mấy anh em D48 nằm lại vĩnh viễn nơi cái thông hào vành đai thị xã Quảng Ngãi.
 -Sao cụ không đi tìm?
 -Có chứ, đi miết không tìm thấy. Qua nghe nói năm rồi đài báo loan tin công ty gì đó thi công đaò xúc phát hiện mười mấy cái cốt nơi thông hào, chỗ thằng con hy sinh. Nhưng chờ hoài không thấy trên tỉnh đưa danh sách về có tên thằng Tống. Hay nó đi bộ đội thay đổi tên khác, qua cũng không biết. Còn thằng…
 -Thằng nào nữa?
 -Thằng Tờn và hai đứa sau cũng chết trận.
   Nói đến đây ông nghẹn lại nơi cổ họng. Tôi cũng vậy.
  Tôi biết Tờn, biết từ thuở nhỏ. Anh độ tuổi người anh trai của tôi cũng hy sinh gần đợt với anh tôi, nhưng may mắn tìm được xác đem về nhà, còn anh Tờn họ chôn cất ngay tại trận địa ngoài Bình Thuận, bây giờ là khu vực cảng nước sâu Dung Quất. Sau năm 1975, khu vực này Nhà nước giải tỏa xây dựng khu công nghiệp- nhà máy dầu khí- bến cảng… người ta đưa anh về nghĩa trang nhưng bị thất lạc tên tuổi.
  Ông cụ bảo:
 -Nghe nói nó chôn ngoài nghĩa trang Bình Thuận, qua đi tìm hoài không thấy tên nó. Giờ thì không còn đi được nữa, qua nhờ em có dịp nào tìm đưa thằng Tờn, thắng Tống về quê, chết mới yên lòng.

     ĐIỀU KHÔNG MUỐN KỂ
      Lão Nhất kể:
 -Năm 1972, qua nhận tin thằng con thứ hai hy sinh. Lúc đó khoảng chiều tối, mấy đưá trong đơn vị nó mặt mũi hốc hác be bết máu, hớt hải bảo: “Anh Tờn hy sinh hồi khuya, địch kháng cự dữ quá nên anh em đành phải để ảnh nằm tại chỗ”.
     Khác với tin dữ lần trước, ba tháng sau ngày anh Tống hy sinh, đơn vị mới đưa cái giấy báo tử cho ông, lần này anh Tờn hy sinh ở xã bên cạnh, cách nhau hai quả đồi, lại biết tin ngay trong ngày, nhưng ông không được nhìn mặt con lần cuối. Hơn thế, mấy cái huyệt bỏ trống bên trảng hoang ông cùng mấy anh em trong xóm đào sẵn, để hờ nếu có anh em nào đánh đồn trong đêm hy sinh thì vác xác về mai táng. Đó là một thứ tiền lệ của cái làng này kéo dài suốt trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Bởi nơi đây là vùng giải phóng, là căn cứ địa của cách mạng an toàn. Căn cứ này có từ thời 1954, sau khi tập kết ra Bắc, cách mạng cài cắm cán bộ ở lại nằm vùng hoạt động như các ông Chinh, Nguyễn Hạnh, Tô Ưu… Luật 10/59 ra đời chế độ Ngô Đình Diệm khủng bố, những người hoạt động bí mật như ông Chinh, ông Hạnh, bị địch bắt, tàn sát tra tấn dã man đến chết. Sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ (1/11/1963) nơi đây trở thành vùng giải phóng, thành căn cứ địa cách mạng. Tháng 8/1965 bộ chỉ huy trung đoàn Một (trung đoàn Ba Gia) của ông Nguyễn Chơn làm trung đoàn trưởng về “ếm quân” ở đây để đánh trận Vạn Tường.
     Ông cụ bảo tôi, hồi trước, đêm đêm ông nằm nghe tiếng đạn pháo nổ đùng đoàng trên quận, hoặc mấy cái tiền đồn lính ngoài Động Bằng, ông hồi họp muốn ngợp tim, chờ anh em bộ đội, dân công khiêng xác chiến sĩ hy sinh về tập kết nơi cái trảng hoang này. Mỗi lần mai táng các anh, trước khi đặt các tử thi xuống huyệt, ông thường soi đèn pin, lật qua lật lại xem kỹ mặt mũi có phải thằng con mình hay mấy đứa cháu trong xóm. Sau này, hàng năm cứ đến đầu tháng Chạp, đi dẫy mộ cúng âm linh, nhìn những cái mộ hoang xếp hàng ngang, ông cảm nhận bóng dáng con mình vất vưởng đâu đây. Không biết dạo này họ đã đưa hết mấy anh em vào nghĩa trang chưa, hay còn nằm lại cái trảng cỏ buồn tênh kia. Gia đình, cha mẹ mấy anh có người ở tận ngoài Bắc. Anh Hương, anh Lâm, anh Phụng, anh Thảo, anh Tự…nghe bảo ở miệt Mộ Đức, Đức Phổ hay trong Bồng Sơn, Tam Quan gì đó ông không rõ lắm, không biết họ đã tìm được con em mình, đưa về quê chưa. Tội nghiệp quá!
   Ông lại kể: Sau lần đó, ông chưa kịp hoàn hồn thì thằng em kế nằn nì đòi đi bộ đội trả thù cho anh, nhưng may mắn chị Hai nó trong Nam về dẫn đi luôn. Trong bụng ông mừng lắm, nhưng không dám hé răng. Ông tiên đoán thằng này sẽ thoát chết. Nhưng đâu ngờ, sau một năm thay đổi cuộc sống mới, nó lớn như thổi, nó bị bắt lính. Chị nó gởi liền cho ông hai lá thư. Lá thứ nhất kể lại chuyện nó bị bắt đi lính đưa vào Sư đoàn 23 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa, và đưa lên tận Plây-me. Lá thứ hai báo tin người ta chở xác nó về bằng chiếc hòm kẽm, không thể khui nắp nhìn mặt. Sau ngày thống nhất, ông vào tận trong Nam nhìn ngôi mộ con và nhiều ngôi khác cùng thời nằm xếp hàng ngay ngắn…
     Kể đến dây, ông lau nước mắt. Tôi nhìn xuống đất! Tôi  không muốn nghe. Sự xúc động tràn về từ hai phía.
    Ông lại kể: Cuối năm 1973, tới lần giỗ đầu thằng con thứ ba, địch càn quét đánh phá ác liệt, bắt dân vào khu dồn. Ông không có thời gian bày mâm cổ mà chỉ thắp hương khấn vong hồn nó từ trong Nam về phù hộ cho thằng em kế và gia đình bình an, nếu phải ép vào khu dồn. Ông kiên quyết bám trụ tại làng, tiếp tục làm hậu cứ cho cách mạng, nhưng vợ con buộc phải vào ấp chiến lược. Thằng thứ tư, chưa đến tuổi phải đi quân dịch, nên ông cảm thấy tạm an lòng để nó theo mẹ. Ban ngày đi làm lụng kiếm sống, tối về ở trong khu dồn. Trên đỉnh khu dồn là một cái tiền đồn lính bảo an, dưới chân đồi nhà dân sắp lớp, họ làm theo hình vòng cung ôm quả đồi, bên ngoài hàng rào ấp chiến lược. Hàng rào người ta dựng bằng cây tre vót nhọn, bên trong đào giao thông hào, cắm chông. Đêm xuống mọi người dân đến tuổi mười tám đều phải luân phiên canh gác. Nếu thấy Việc Cộng về ấp thì gõ tùng xèng. Những người đàn ông trai tráng, bị bắt làm dân vệ (lính phòng vệ dân sự), được ghi tên và trang bị súng carbin. Thằng con ông cũng bị chọn vào đội dân vệ. Một thời gian ngắn, ông ở trong vùng giải phóng nghe tin nó hung hăng, cầm súng hù dọa những người có con em đi bộ đội, du kích. Nghe thế, ông bực tức muốn lộn ruột, dự định sẽ kêu nó về cho đi bộ đội. Nhưng chưa kịp thực hiện thì quân giải phóng tiến về phá ấp chiến lược, xóa sổ cái đồn lính Bảo an trong một đêm. Nó chết chung với hàng chục thằng lính Cộng Hòa. Nhưng được cái là ông đem xác nó về chôn ngay trên mảnh đất quê nhà, đến ngày giỗ chạp còn có chỗ tới  thắp cho nó nén hương.
   Tôi không muốn, nhưng ông cứ kể và tôi phải nghe. Tôi tò mò:
 -Thế, ngày trước cụ được hưởng tiền tuất của hai người lính Cộng hòa?
 -Có…nhưng …
    Ông kể: Thằng thứ ba chết trên tận Plây-me, người ta trả tiền tử tuất một lần, sau này nghe chị Hai nó kể lại, ông cũng không quan tâm lắm chuyện tiền bạc. Chiến tranh lo cái  mạng sống chưa xong, ở đó mà tính đến việc lấy tiền để làm gì!
   -Nhưng người thứ tư, đi lính dân vệ chết?
   -Không có. Hồi đó qua nghe nói dân vệ không phải là lính có số quân, họ không trả lương, nên khi chết không chi trả tiền tử tuất. Ở cái xã này có mấy thằng ấp trưởng, dân vệ ác ôn khắc tiếng bị cách mạng xử tử, nhưng thân nhân họ đâu có được lãnh tiền tử tuất.
    Ông kể đến đây, tôi bất chợt liên tưởng đến mấy tờ giấy chứng tử, bằng Tổ quốc ghi công được Nhà nước hai phía chứng nhận cho những người lính tử trận, hoặc bộ đội hy sinh. Mấy cái tờ giấy còn đó, đang treo lơ lửng trên bàn thờ nhà ông. Mặt dù hai tấm bằng Tổ quốc ghi công lâu ngày bị nhạt nhòa, song nét chữ viết nắn nót bằng mực xạ, một chất màu đen kịt còn in rõ nét tên họ người hy sinh: Phạm Tống, hy sinh năm 1968…Phạm Tờn, hy sinh ngày…
QUÁ KHỨ TRỖI DẬY
    Mỗi lần về quê, tôi thường đi hết lượt các nhà trong xóm, thăm hỏi, xem người còn người mất. Lớp trẻ sao cũng xong, nhưng mấy cụ già nhất thiết phải đến, không phải mang theo bất kỳ một thứ quà cáp gì, miễn họ nhìn mặt mình là thỏa ước rồi. Cái lệ này, không phải tôi hay bất kỳ ai hễ đi xa trở về là phải trình làng. Cái quý giá, cái văn hóa làng quê là ở chỗ đó.
   Mấy chục căn nhà, vườn ai nhà ấy vẫn như xưa. Có khác chăng một số gia đình vượt nghèo, thay đổi nhà tranh vách đất bằng tường xây, mái ngói. Nhiều nhà còn giữ nguyên tường đá ong loang lổ vết đạn của thời chống Mỹ còn lại như một kỷ vật hoài niệm. Lớp trẻ bây giờ biết biến đồng ruộng lúa, rẫy bắp bằng những loài cây ngắn ngày thành thứ hàng hóa nông sản, bán thu tiền liền, không còn khái niệm sản xuất tự túc, tự cấp như thập niên tám mươi. Nhà nào cũng có của ăn của để.
    Lão Nhất cũng nằm trong số những người mà tôi phải đến. Ngoài việc tuổi tác, ông còn là chứng nhân lịch sử. Cái lạ, cái hiếm ở vào tuổi chín mươi, cận kề cái chết nhưng ông cụ rất minh mẫn, nhớ rõ quá khứ, dự đoán tương lai. Ông thuộc lòng đến từng chi tiết, thời cuộc, ông nói cả ngày không hết chuyện. Năm nào đánh đuổi giặc Nguyên-Mông, trận nào Việt Minh giết Tây, đuổi Nhật cụ kể như thánh. Cụ thuộc làu tên tuổi các vị Tiền hiền trong làng. Thuộc đến mức người nào, tuổi gì, sinh vào năm con giáp thứ mấy, chết năm nào ông cụ bấm vào đốt lóng tay nói vanh vách, không cần tra cứu sách vở. Nếu so với cụ Trọng Vĩnh ngoài Bắc hay cụ Nguyễn Đình Đầu trong Nam thì không thể bởi cụ Vĩnh cụ Đầu còn có học hàm, học vị, thường xuyên tra cứu sử sách, viết sách, viết báo đưa lên mạng INTETNET bài Tây xích Tàu. Còn cụ Nhất chính danh một anh nông dân chân đất thứ thiệt, suốt cả cuộc đời gắn liền ruộng vườn, với hạt lúa, củ khoai.
    Lão Nhất kể rằng: Trước năm 1945, dưới thời phong kiến Pháp thuộc ở cái làng này bình an lắm, nhà nào cũng làm ăn dư dã, không có giặc đến càn quấy, không biết nạn đói. Cán bộ xã thì có mỗi ông Lý trưởng, thêm ông Hương kiểm làm phụ tá. Còn quan Tri huyện, Tri phủ cũng nghe vậy thôi chứ cả đời không giáp mặt, cấp Chánh tổng, Phó tổng cũng chỉ biết, mấy khi họ về làng. Còn bây giờ cán bộ nhan nhãn, cả xã nghe nói trăm người, mỗi lần về làng xe cộ đậu đỗ đầy đường, xong việc rủ nhau đi hàng quán.
   Nói tới đây, ông cụ dừng lại như có điều gì trắc ẩn. Cụ hỏi tôi với thái độ thăm dò:
  -Qua nghe trên đài nói ở tận ngoài Bắc có cái xã nào đó tới năm trăm cán bộ, em có biết không?
 Tôi ấm ờ cho qua chuyện chứ nghe thấy trên đài trên báo đưa tin ngoài Thanh Hóa xã Quang Vinh, huyện Quảng Xương biên chế 500 cán bộ, bị trung ương phê bình, sau đó Chủ tịch tỉnh phải làm công văn báo cáo giải trình lên Chính phủ còn lại  254 người.
   Ông lại hỏi như trách cứ:
-Qua thấy thời này sao nhiều cán bộ quá hở em?
  Tôi lại phải nghe, phải nhét vào óc những thứ mà nó không còn muốn chứa chấp. Ơ cái thôn này,cái xã này cũng đủ thứ ban bệ, chức tước không khác mấy hàng chục ngàn đơn vị hành chánh của cả nước Việt thời hiện đại hóa, dân chủ hóa như bây giờ. Đủ thứ chức danh chủ tịch: nào là chủ tịch xã, chủ tịch huyện, rồi chủ tịch hội nông dân, chủ tịch hội phụ nữ, chủ tịch mặt trận…Thời Việt Minh, chín năm kháng Pháp, mười năm chống Mỹ ở cái làng này, xã này cũng có bộ máy chính quyền nhưng không loạn cán bộ như bây giờ. Mà thời đó nhiều cán bộ lấy đâu ra lương thực nuôi quân đánh giặc. Nói đến đây ông lại tần ngần, nhìn xa xăm, thở dài:
 -Qua nghe mấy đứa nhỏ nói tàu Trung Quốc nó vào đến gần đảo Lý Sơn rồi phải không em?
 -Dạ, nhưng tàu đánh cá !
 -Đánh cá với quân sự mấy hồi. Thời chống Mỹ lũ qua tiếp nhận mấy chiếc tàu đánh cá dưới bãi biển Mãi Giáng- An Cường khi vào bờ mới biết súng đạn của Nga của Tàu chất đầy. Mấy đứa du kích bộ đội thấy súng đạn mới cáu sướng rơn cả người.
   Thấy tôi do dự, ông dẫn giải:
 -Thời ấy những chiếc tàu không số chở đạn dược, vũ khí nó không bao giờ cặp cảng chính như cảng Sa Kỳ, Chu Lai, Bình Sa, Vũng Quýt… mà nó chỉ vào những bãi cạn vùng giáp ranh hoặc vùng giải phóng kiểm soát. Nhưng có lần, cũng tại bãi An Cường bị địch phát hiện anh em mình phải cho nổ mìn đánh chìm tàu phi tan.
    Qua câu chuyện tôi mới biết ông có thằng cháu đi nghĩa vụ quân sự đóng ngoài đảo Lý Sơn, sắp đổi ra Trường Sa, nên ông đặc biệt quan tâm. Hồi chống Mỹ trong đất liền thằng con thứ tư nó chết tức tử. Gía như ông nhanh chân một tý sẽ cứu được nó, đỡ mang tiếng theo Ngụy làm ác ôn. Thằng út sinh sau đẻ muộn, nó gầy đéc, tính nết gàng rỡ, lính chê khỏi phải lo. Nhưng tức cái nó bắt chước mấy đứa trên xã ăn chơi liêu lỗng, uống rượu quên lối về nhà. Ông bảo: Lũ trẻ bây giờ là vậy, khuyên nó không nghe, còn hờn dỗi. Ông còn mỗi mình nó nối dõi tông đường nên phải chiều theo, lỡ nó dại dột thì tiệt giống, còn ai lo bữa kỵ nén hương.
ĐẤT LÀNG
   Trước ngày đi khỏi làng, tôi ghé chia tay ông cụ như một thông lệ mà ở độ tuổi như tôi ở cái làng này ai cũng phải làm thế. Một thứ thông lệ chỉ có lợi cho tâm hồn lẫn kẻ ở người đi, mà đến cái tuổi bạc đầu rồi tôi mới thấy thấm thía tâm can.
   Lần này lão Nhất không kể chuyện huyên thiên, nói một cách mạch lạc đi thẳng vào vấn đề. Ông bảo tôi:
-Con lấy bút ghi, lỡ đi đường xa quên hết.
    -Ghi những gì, thưa cụ.
     Lão không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà hành động như mặc định:
    -Lương qua Nhà nước trả tháng triệu tám, có thiếu nương nhờ bà con lối xóm, sống chết thế nào đã có số.
    Mặt ông xám xịt. Ông buồn lắm, ông nói:
   -Làng mình có năm mẫu đất. Đất này có từ bao đời rồi qua không biết chắc, nhưng từ khi đẻ ra qua đã thấy nó rồi. Đất làng là của của làng, không ai được quyền mua bán chia cắt! Họ bảo không làm giấy được nên bán quách cho xong, em nghe có được không?
   Tôi chưng hửng, ghi chép cẩn thận lời lão dặn:
   Trước đây tôi có nghe loáng thoáng, nhưng bây giờ ông nói đúng đến từng chi tiết mới vỡ lẽ. Lão kể rằng: Ngày xưa, cấp xã có ruộng công điền, làng xóm thì có đất làng. Ruộng công điền nhằm để chia cho những người bần cố nông thiếu đất cày. Đất làng là để giao khoán luân phiên cho người làng canh tác, trích hoa lợi gây quỹ giúp người cùng đinh, xây dựng làng, sửa san đình miếu, cúng tế, ghi công các vị Tiền hiền, Thủ bổn có công. Bây giờ họ bảo đất làng làm giấy không được, Nhà nước không cấp sổ đỏ, vì không có chủ thể đứng tên nên đem bán, lấy một cục tiền chia đều cho các hộ là xong chuyện. Sau này lấy của đâu ra lo việc sửa sang đền thờ, cúng tế âm linh. Cúng âm linh hàng năm là việc lớn phải làm, mọi người nhất thiết phải tham gia dẫy mả hoang, tham dự cúng tế. Đó là trách nhiệm của người sống với những sinh linh không còn mồ mả, không còn thân thân cúng bái, linh hồn phiêu bạt…Nói đến đây, tôi thấy lão rưng rưng nước mắt. Lão khóc. Miệng lão méo xẹo, vỡ òa như một đứa trẻ. Lão bảo: lão nhớ con, nhớ thằng Tống, thằng Tờn, thằng Năm, thằng Sáu…không biết chỗ nó nằm bây giờ họ có dẫy mả cúng cơm cho chúng nó không?
    Lão nói với tôi: Cái làng này có mười mấy người đi tập kết về. Mỗi lần về họ đều đến thăm hỏi. Họ kể nhiều chuyện về công cuộc xây dựng thành công CNXH ở Miền Bắc, họ khoe với ông như một thứ chiến công. Ngược lại lão bảo mấy ông đó ghi chép như tôi bây giờ, nhưng ông nào cũng vâng vâng dạ dạ không để tâm rồi bỏ đi tuốt tuột. Đến ngày tế làng cũng không thấy ai về. Họ bảo bận công tác, nhưng mấy ông về hưu rồi có bận bịu gì đâu cũng đi luôn ra Bắc vào trong Nam. Còn mấy đứa trẻ thì cứng đầu cứng cổ nói không nghe, cứ làm theo ý chúng. Đứa nào có học hành tử tế thì bỏ xứ đi, chúng nó bảo về làng không có việc làm. Khu kinh tế Dung Quất, nhà máy hóa dầu Bình Sơn cũng chỉ dành cho lớp người có chuyên môn cao. Mấy đứa con gái lên tỉnh vào khu công nghiệp làm thợ may cũng bỏ về. Nghe nói nhà máy không có việc làm, cán bộ không trả lương công nhân, tiền trợ cấp thất nghiệp không đủ đong gạo.
    Tôi cứ ngỡ lão quan tâm đến mấy cái vong linh liệt sĩ, và nhờ tôi tìm hộ, song qua việc nói chuyện tôi mới thấy ông cụ nhìn xa, biết rộng. Cuộc sống cận kề cái chết mà còn lo lắng cho lớp trẻ, nghỉ đến chuyện tồn vong của cái làng bé tí này. Tôi nghe nói người già bao giờ cũng thế, nhất là những típ người “đoán” được thời khắc của mình sẽ đi xa.
    Ra về, đầu tôi nặng trĩu ưu tư, ngậm thấm từng lời ông cụ dặn dò. Khi hầu chuyện mình tưởng sẽ san sẻ cùng cụ nổi niềm của người xa xứ, song nghe ông kể lòng se lại, như dồn thêm gánh nặng. Cái nặng thứ nhất về cái  hài cốt của hai người con ông cụ. Trên đài trên báo ngày ngày vẫn còn tiết mục nhắn tìm đồng đội, tìm thân nhân liệt sĩ, biết đâu gặp may có ngày nào đó các con ông sẽ đoàn tụ. Nhưng lời khuyên thứ hai, cụ bảo tôi tiếp quản mấy thứ lệ làng, đòi lại mấy mẫu đất làng thì chào thua.
    Tôi nghĩ một ngày nào đó không xa ông cụ phải ra đi về với bốn người con nơi cõi vĩnh hằng. Chắc các anh, các con ông cũng không còn giận nhau, chia phe ra đánh nhau như thời chống Mỹ - của kiếp trước.
    Trên thế gian này, ở cái làng nhỏ bé và heo hút này chắc sẽ có người thay ông. Biết đâu có ai đó trong số mấy ông già, đảng viên kỳ cựu thời kháng Pháp tập kết ra Bắc cuối đời lại quay về quê thay lão lo chuyện lễ làng.
    Trên cõi này đâu có cái gì chắc chắn, có mấy ai biết trước được thời cuộc, nhất là chuyện sinh tử!
   Trời trở gió, tiếng sét tóe lửa như trái phá thời chiến. Tôi ghé mắt nhìn qua cửa sổ nhà lão Nhất, trên bầu trời mây giăng vầng vũ, xám xịt.
    P. T (Tác giả gửi BVB)
----------------/
(*) - Tái bút: khi những trang viết này lên khuôn, ông- lão Nhất đã theo những người con của cụ về cõi vĩnh hănng.
Anh: Lão Nhất, còn gọi là Lão Nhị.                       
(1)Qua và em là ngôn ngữ cho người thứ bậc lớn xưng với người nhỏ hơn.
(2) Anh: tức Lão Nhất
------------

2 nhận xét:

  1. 4 người con của ông Nhất phải chia ra 2 phe bắn giết nhau rồi tất cả đều chết chính là điều mà theo lời ông Thành,con trai của Lê Duẩn,một nghị sĩ Hàn Quốc rất khâm phục.
    Chuyện nhà ông Nhất chỉ là hình ảnh thu nhỏ của đất nước khi "đảng ta" phát động cuộc chiến tranh thôn tính miền Nam.
    Tội ác này chắc chắn lịch sử dân tộc sẽ ghi lại đầy đủ.

    Trả lờiXóa
  2. Chiến tranh Nam Bắc là 1 cuộc nội chiến tương tàn của 2 phe CS và Tự do , những mất mát do chiến tranh đau thương thì vô bờ , đã lùi xa trong quá khứ 42 năm rồi . Nhưng hậu quả thì mãi đến nay đất nước VN vẫn bị nghèo nàn và tụt hậu , tương lai đen tối .
    Mà bi thảm nhất là đất nước VN dưới chế độ CS lại xấu số nhất trong tất cã các nước theo CNCS .
    Các nước khác vướng nạn CS làm đất nước te tua nhưng rồi cũng đã thoát khõi . Đói nghèo , vô cùng độc tài như Bắc Hàn nhưng dân của họ cũng được “ sống trong cảnh nghèo mà hạnh phúc “
    Còn duy nhất VN lại rơi vào nguy cơ mất nước diệt tộc : Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh .
    VN đã rơi vào mưu đồ , cạm bẩy của Tàu ngay từ đầu cuộc chiến !

    Trả lờiXóa