Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

MƯỜI NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG – GIAN NAN VÌ “TỔ QUỐC ”

Kỷ niệm Mười năm ra đời tập san “TỔ QUỐC”
(15.9.2006 – 15.9.2016)
Ngày 20-09-1956 tờ báo “Nhân Văn” số 1 ra đời, chủ nhiệm Phan Khôi, thư ký tòa soạn Trần Duy. Trong số đó có một bài ngắn tựa đề “Ý kiến của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, giáo sư đại học ” trình bày yêu cầu mở rộng tự do và dân chủ. Tiếp đó là bài  “Phải hiểu, phải yêu, phải quý trọng con người”, đòi văn nghệ sĩ phải được tự do sáng tác…  
“Nhân Văn ” được nô nức đón đọc, đặc biệt là giới học sinh- sinh viên. Báo ra được 5 số, số 6 nhà in đã lên khuôn thì bị đình bản. 
Sau đó những người tham gia vào trào lưu Nhân Văn Giai Phẩm bị trừng trị rất thảm khốc. Bà Thụy An, chẳng dính dáng gì đến “Nhân Văn” cũng bị ghép tội và bị đưa ra xử trong “Vụ án gián điệp” cùng ông Nguyên Hữu Đang. Uất ức quá, bà dùng cây viết tự chọc mù mắt. Ông Trần Thiếu Bảo (Nhà xuất bản Minh Đức) và hai ông Phan Tại, Lê Nguyên Chi bị coi là tòng phạm. Bà Thụy An và ông Nguyễn Hữu Đang mỗi người bị 15 năm tù ngồi, bị tịch thu gia sản. Hai ông tòng phạm mỗi ông lĩnh án 5 năm tù ngồi.
Không phải chỉ các ông Phùng Cung, Trần Duy, Hoàng Công Khanh, Tuân Nguyễn …âm thầm ngồi tù biệt giam 12 năm, nhà văn Phan Khôi cùng các giáo sư đại học Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh… đều bị cách chức, bị bao vây kinh tế và quản thúc cho đến cuối đời. Và, trong suốt 30 năm nhiều văn nghệ sĩ rất tài hoa bị đưa đi “lao động cải tạo”, bị cô lập, bị treo bút. Không một tác phẩm nào của Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Hữu Loan , Quang Dũng… được phép ấn hành. Hàng loạt người có cảm tình với Nhân Văn khắp nơi từng ủng hộ, bênh vực, chuyền tay, thậm chí chỉ đọc hay lưu giữ báo “Nhân Văn” đều bị công an địa phương ghi sổ đen, khốn khổ đến hết đời.
Đúng 50 năm sau khi “Nhân Văn” bị khai tử, ngày 15 tháng 9 năm 2006, tập san “Tổ Quốc ” với danh xưng “Tiếng nói từ suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam” ra đời. Phải chăng đây là tờ “Nhân Văn” phục sinh?
Như là tuyên ngôn, “Thư tòa soạn” đăng trên số 1 viết: “ Tập san này mang tên Tổ Quốc. Hiểu theo Voltaire: “Tổ Quốc đó là cái tên vừa êm ái nhất, vừa vĩ đại nhất có thể làm vang dội tai chúng ta. Ở đó nó ca ngợi tình yêu, sự cuồng nhiệt sự hy sinh và danh dự”,
“Ở đây Tổ Quốc là tiếng nói từ suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam. Ước vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam ngày nay là đất nước có tự do dân chủ để tiến tới mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh”
“Tổ Quốc không đăng tải ý tưởng cực đoan, quá khích, cổ vũ bạo lực, kêu gọi bạo loạn, lật đổ, những chỉ trích phê phán quá gay gắt, nặng nề”.
“Hy vọng với sự đóng góp nhiệt thành của đông đảo đồng bào trong và ngoài nước,Tổ Quốc sẽ thực sự là tiếng nói suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam và sẽ được trân quý đón nhận”.
Cơ cấu nhân sự ban đầu của tập san gồm:
Hội đồng Cố vấn: Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Hộ, Nguyễn Gia Kiểng, Bùi Tín; 
Thường trực Tòa soạn: Trương Nhân Tuấn, Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Thanh Giang, Phan Thế Hải, Nguyễn Chính Kết
Ban biên tập: Nguyễn Phương Anh, Phạm Hồng Đức, Phan Thế Hải, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Chính Kết, Trần Lâm, Tuệ Minh, Lê Chí Quang, Vũ Cao Quận, Trương Nhân Tuấn, Đặng văn Việt, Phạm Việt Vinh.
Cùng với tờ “Tự do Ngôn luận”, bán nguyệt san “Tổ Quốc” là một trong hai tờ báo đầu tiên của Phong trào Dân chủ Việt Nam sau Nhân Văn Giai phẩm. Ít năm sau đó nở rộ những “Ba Sàm”, “Bauxite Việt Nam”, “Tễu”, “Phạm Viết Đào”, “Trương Duy Nhất”, “Bùi Văn Bồng”, “Bà Đầm Xòe”, “Văn Việt”, “Việt Nam Thời báo” …
Từ số 1, số 2 Tập san Tổ Quốc chỉ có 12 trang A4 , đến số 22 có 20 trang rồi đến 32 trang. Có những số đặc biệt như số 71 ngày 15-09-2009 kỷ niệm 3 năm ngày thành lập có tới 60 trang.
“Tổ Quốc” được bạn đọc đánh giá rất cao. Nhà văn- nhà báo Khương Thế Hà ở Nghệ An viết:
“Tập san “Tổ Quốc” ra đời đã đáp ứng đúng nhu cầu hiểu biết nắm bắt thông tin đa chiều, giúp bạn đọc nhận thức được thực trạng, bản chất, thực chất của nhiều vấn đề chính trị, xã hội đời sống đang nổi cộm, đang đặt ra bức bách, đang nóng bỏng đòi hỏi phải được tháo gỡ, những vấn đề mà từ lâu cho tới nay những người cầm quyền vẫn tìm đủ cách bưng bít vì những mục đích chính trị .
 “Tổ Quốc” đã đề cập đến những vấn đề liên quan mật thiết đến vận mệnh, đời sống, tiền đồ của đất nước, của mỗi người dân, của các thế hệ như: vai trò của đảng cầm quyền, nhà nước pháp quyền; xã hội dân sự; cải cách Hiến pháp; kinh tế thị trường định hướng XHCN; tự do dân chủ, nhân quyền; chính sách đất đai; suy thoái và khủng hoảng kinh tế; thực trạng nền giáo dục; các quan hệ quốc tế … vv… “Tổ Quốc” đúng là tiếng nói của Suy tư và Ước vọng của các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước.
“Tổ Quốc” qua 46 số ra mắt bạn đọc, thấy nổi lên khá nhiều bài viết có giá trị của những tác giả như Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Gia Kiểng, Bùi Tín, Trương Nhân Tuấn, Như Hà, Hà sỹ Phu, Vi Đức Hồi, …. Ở mỗi góc nhìn khác nhau, trên những bình diện khác nhau và ở những trình độ khác nhau. Nhìn chung cũng như xét từng bài, thấy đó là những bài viết khá công phu, có luận cứ minh xác, có nhận định khoa học có tư liệu cụ thể, rõ ràng, ý kiến có sức thuyết phục. Những bài báo đó cho thấy các tác giả theo rõi khá chặt chẽ diễn biến của thời sự, giúp người đọc thức tỉnh, đổi mới tư duy, bồi dưỡng khả năng độc lập suy nghĩ, nâng cao năng lực quan sát, cảm nhận để từ đó có thái độ đúng, có hướng sống tích cực hơn.
Tuy nhiên, “Tổ Quốc” cũng còn những hạn chế cần được sớm khắc phục:  Một số bài viết chưa thực sự có chất lượng, ý kiến chung chung, sơ lược, lặp lại mình, thiếu tìm tòi khám phá, chưa có những nhận định xác đáng, thiếu sự phân tích khách quan khoa học; hoặc dài dòng, dàn trải, sức khái quát yếu. … Tập san in ấn chưa đẹp, chưa chững chạc, khá nhiều số bị nhoè bẩn. Nên chăng, trong điều kiện có thể, Tập san có thể cải tiến khuôn mẫu, khổ giấy, trình bày. Bạn đọc có cảm tưởng như “Tổ Quốc ” là một tài liệu bí mật thời xưa. Cần nghiên cứu suy nghĩ làm thế nào để tờ “Tổ Quốc” có một chỗ đứng vững chắc trên bình diện công khai, thực sự bình đẳng với nhiều tờ báo hiện nay được Đảng bảo hộ như tờ Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Thanh Niên, Văn Nghệ, Đại đoàn Kết …vv…Điều này không dễ, còn tuỳ thuộc vào tiến trình dân chủ phát triển đến đâu. Dù sao “Tổ Quốc” cũng phải phấn đấu thể theo nguyện vọng bức thiết của nhân dân. Tin rằng  “Tổ Quốc” sẽ phát triển tốt và nhất định sẽ khẳng định được vị trí của nó”.
Uy tín của “Tổ Quốc” càng cao thì sự đàn áp của chính quyền càng khốc liệt. Tất cả những người có tên trong danh sách nhân sự nêu trên đều bị câu lưu, tra vấn, truy xét, vợ con bị hăm dọa. Người sáng lập – tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang càng là đối tượng bị nhà cầm quyền tập trung truy bức, hãm hại bằng rất nhiều thủ đoạn dã man, tàn bạo. Mấy trích đoạn trả lời phỏng vấn các đài RFI, RFA … sau đây của Tiến sỹ phản ánh phần nào những diễn tiến đó: 
“Họ tổ chức những chiến dịch ghê gớm lắm, với ba, bốn, năm cánh quân. Cánh quân công an thứ nhất họ xộc đến nhà những người mà họ biết là dự định sẽ đến đây, họ ngăn cấm ngay. Không phải chỉ là anh em trẻ, kể cả những bậc lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa. Cánh quân thứ hai, họ ếm ở bên Ủy ban xã Trung Văn, tức là ngay đối diện nhà tôi. Ở đấy cũng phải hàng chục người, với xe cộ. Cánh quân thứ ba là những tốp ở đầu ngõ vào nhà tôi. Có những người bị đuổi về, người thì họ bắt đi…. Còn có một người lọt lưới vào được đến cổng nhà tôi, thì người nhà tôi vừa ra mở, thì bị chỉ mặt: “Cấm không được mở cổng!”. Và họ điệu người khách của tôi đí. Còn cánh quân ở trong nhà tôi, vừa làm nhiệm vụ thẩm vấn tôi, vừa làm nhiệm vụ ếm quân ở đấy không cho ai vào”.
“Công an đang bao vây quanh nhà tôi. Ai từ nhà tôi đi ra đều bị lôi vào trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Trung Văn để khám xét. Sáng hôm kia, luật sư Trần Lâm, nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, 85 tuổi từ nhà tôi đi ra cũng bị hơn chục công an lôi vào khám xét, tịch thu mấy chục tờ tập san Tổ Quốc số 80. Sáng hôm qua là nhà báo Lê Phú Khải và nhà văn Phạm Đình Trọng và mấy người khác.
Thân phận tôi sẽ ra sao?
 Đã một lần bị bỏ tù (1999), gần chục lần bị lục soát khám xét nhà cửa tanh bành và bắt đi thẩm vấn. Ngắn là vài buổi, dài là mươi ngày. Rồi bị đem ra phường đấu tố, rồi bị người ta thuê côn đồ mang danh thương binh xông vào nhà chửi bới và đe dọa hành hung …. ’
 "Nếu rồi đây họ còn tiếp tục xúc phạm tôi thì e tôi không còn có thể chịu đựng nổi nữa. Cảm ơn các đấng anh linh đã cho tôi hưởng đến nay đã 74 tuổi trời. Tôi không còn ân hận, cũng không nuối tiếc gì nhiều nữa mà sẵn sàng tự đốt mình cháy lên ngọn lửa căm phẫn ngất trời để mọi người nhanh chóng nhìn rõ những bộ mặt, những tâm địa xảo trá bất lương cuả những kẻ bất chấp công lý, đạo lý, đầy đọa mãi nhân dân tôi trong những nối đắng cay, oan khuất trường cửu".
Mười năm mưa dập gió vùi, may sao “Tổ Quốc” vẫn còn đó để đến nay chúng tôi vẫn được hồi hộp và háo hức dón chờ từng số từng số mới. Nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn”. Chúng tôi nói: “Tổ Quốc” còn, tiếng nói của lương tri, trí tuệ của nhân dân Việt Nam còn”.
            Bán nguyệt san “Tổ Quốc” ra đời đã diểm một dấu son không phai trong lịch sử báo chí Việt Nam. Cầu chúc “Tổ Quốc” trường tồn. Giữa ngổn ngang bừa bộn báo Đảng. “Tổ Quốc” hãy cứ như đóa hoa vàng rực rỡ trên bãi cỏ xanh, như viên kim cương lóng lánh trên triền cát.
Hà Nội ngày 6 tháng 9 năm 2016                                                                                              
 Dương Khôi (Cựu giảng viên Sư phạm Hải Dương - Mobi: 0934 669 507)
/Tác giả gửi BVB)
------------

12 nhận xét:

  1. Đề nghị bác Tín thành lập khẩn trương chi bộ tập san nhá

    Trả lờiXóa
  2. Xin bác cho link của báo này

    Trả lờiXóa
  3. Hồ Thị Hải Yếnlúc 10:58 9 tháng 9, 2016

    Cuộc cải cách ruộng đất và thanh trừng các nhà trí thức yêu nước mà ghép tội là đám văn nhân giai phẩm là do HCM chỉ đạo. Đó là sự thật không ai phủ nhận được, đừng đổ cho Trường Chinh là sai lầm.
    Các trí thức thời đó đều sống trong hoảng loạn về tâm lí vì đã được chứng kiến cuộc cải cách ruộng đất oan sai đẫm máu. Ai mà không khiếp sợ những vu oan giá họa của chế độ cộng sản này? Chúng gắp lửa bỏ tay người vô tội, nỗi đau khổ lan tràn trong các tầng lớp trí thức như vầng thơ của cụ Phan KHôi đã viết:
    "Ngẫm thân thế ba chìm bảy nổi
    Lại phen này lạc lối đến đây
    Một đêm cảnh vội đổi thay
    Rồi ra sao nữa, sau này trăm năm."
    Con người ngày hôm trước còn tình làng nghĩa xóm, bạn bè với nhau. Nhưng đến ngày hôm sau do xúi giục, lái gạt của cộng sản, đã trở thành giặc thù. Nó làm tan nát cả XH, vương vãi đến ngày hôm nay. Kính thưa anh Linh, vong hồn cụ Phan Khôi, tiếng nói của ngài, nhân dân chúng tôi vẫn thấm thía và tạt dạ.

    Trả lờiXóa
  4. Chẳng khác chi bọn IS đày đoạ,hãm hại những ai không chịu "thấm nhuần" tư tưởng của chúng.

    Trả lờiXóa
  5. Dân lương thiệnlúc 15:00 9 tháng 9, 2016

    Lúc xẩy ra vụ Nhân Văn giai phẩm, tôi chỉ là một học sinh cấp 2, chưa hiểu biết gì.
    Nhờ trong gia đình có người hâm mộ phong trào Nhân văn Giai phẩn này và có lúc đã mang về một vài cuốn tạp chí.
    Tôi đã lén lúc đọc được câu chuyện CÂY TÁO ÔNG LÀNH và CÂU CHUYỆN CON NGỰA GIÀ CỦA CHÚA TRỊNH.
    Đến khi vụ thanh trừng BỌN PHẢN ĐỘNG NHÂN VĂN GIAI PHẨM xẩy ra, người nhà bắt tôi phải câm như hến, không được để cho ai biết tôi đã từng đọc những tác phẩm đó, nếu không gia đình tôi sẽ mang họa.
    Tuổi trẻ vốn tò mò, tôi vẫn âm thầm tìm hiểu, dần dần tôi hiểu ra chuyện CÂY TÁO ÔNG LÀNH tức là nói về Nhà ông Tố Hữu trên đường phố Phan Đình Phùng, đúng là nhà ông có một cây táo ở trước cổng thật, còn chuyện CON NGỰA GIÀ CỦA CHÚA TRỊNH thì lúc đó tôi chỉ hiểu ngụ ý muốn nói ĐCS sẽ vắt hết sinh lực của anh rồi sẽ vứt anh ra vỉa hè.
    Nghĩ lại mà thấy thương cho những người đi trước.
    Tôi không nghĩ được rằng nửa thế kỷ trôi qua rồi mà số phận con người vẫn tăm tối như thế.
    Có điều Internet đã giải phóng chúng ta.

    Trả lờiXóa
  6. To quoc ta -nhu mot con tau .Lung khung khong lai biet ve dau ???

    Trả lờiXóa
  7. Tiếc không được phổ biến đến nhân dân

    Trả lờiXóa
  8. Tổ quốc không thể mất cũng như tên tờ báo này, chỉ có đảng lừa cướp tay sai cs quốc tế du nhập vào ám dân tộc này thì sắp bị nhân dân chôn sống.
    liệu mà sống cho tử tế, đừng để dân lôi cổ từ ống cống lên mấy thằng cầm đầu đảng cướp lừa cosavina ạ.
    CCB, cựu đảng viên kết nạp năm 79 đã tự bỏ đảng năm 2000

    Trả lờiXóa
  9. Trong giới lãnh đạo đảng CSVN nhất là lúc trước vào thời 50 có nhiều thành phần thất học, bần cố nông, cai đồn điền, lớp năm, hoạn lợn.... nên cách chủ trương cai tri, hành động tàn ác, ngu ngóc, bần tiện tiểu nhân không như ke trượng phu quân tử biết tự trọng.

    Trả lờiXóa
  10. Báo chí cách mạng thật tài tình khi cho ra 1 "Tô Vĩnh Diện" mới!
    Tại đèo Bảo Lộc mới đây, khi 1 xe khách mất phanh lúc đổ dốc đèo, chỉ còn cách đâm vào đít 1 xe tải (đang chở quá tải) mới dừng lại, được xào nấu thành:
    Tài xế xe tải "nhận thấy" xe khách mất thắng bèn dũng cảm cứu?
    1. Nếu đi sau, xe tải nặng nề này làm sao vượt qua xe khách đang lao vun vút?
    2. Nếu đi trước, làm sao tài xế xe tải biết xe khách đi sau mất thắng?
    Chắc Việt Tân báo cho tài xế xe tải?

    Trả lờiXóa
  11. Cam ơn người viết,cám ơn internet mọi người đã sáng tỏ nhiều uẩn khúc của xh xưa cũng như nay!

    Trả lờiXóa
  12. Trương Mỹ Trânlúc 16:52 11 tháng 9, 2016

    Trước đây cụ Phan Khôi đi qua ngôi mộ cụ Lê Chất là anh hùng thời Lam Sơn xót xa vì XH mải đấu tố nhau trong cải cách ruộng đất, không ai quan tâm tới những người anh hùng dân tộc này khi nằm xuống. Cụ làm một bài thơ viếng mộ ông Lê Chất như sau:
    "Bình Tây chấn Bắc sử ngàn thu
    Ấy cỏ mờ rêu đất một u
    Ấy dũng ấy trung là thế thế
    Mà ân mà nghĩa ở mô mô
    Chim gào hờn xót xuân ầm ĩ
    Hùm thét oai lưa gió vụt mù
    Cái chuyện anh hùng ai giở đến
    Hồ Tây còn vọng tiếng chuông vu."
    Khi đất nước được bình yên, người ta chỉ lo đến gia đình & bản thân. Nhất là các cơ quan của nhà nước, cán bộ chỉ lo giữ ghế, giữ quyền lực để bóc lột nhân dân, thậm chí còn tìm cách bán đất nước cho quân thù. Ai mà lo đến tôn vinh những tấm gương trung quân ái quốc như cụ Lê Chất? Ấy thế mà cả một thời, bài thơ này bị ghép tội là phản động, nói xấu Đảng & Bác. Tôi nhớ không được rõ lắm, nhưng có thể vào những năm 90, 91 gì đó, Ông Võ Văn Kiệt về thăm Minh Hải nơi đây, cũng chua xót về nghĩa trang liệt sĩ ở Hồng Dân Bạc Liêu. Không có một cơ quan nào quan tâm, ông đã lên án, cán bộ tỉnh đã thoái hóa, biến chất. Chỉ lo xây nhà, riêng tư của mình, mua sắm ti vi, tủ lạnh để nghĩa trang liệt sĩ điêu tàn, trâu bò quần nát như vậy, mà có ai xót xa đâu? Thực tế, nếu Đảng cộng sản biết trân trọng những ý kiến tốt, tính nhân văn của các nhân sĩ, trí thức như cụ Phan KHôi trước đây. ĐỪng quy cho cụ là tội phản động, thuộc nhóm văn nhân giai phẩm mà Đảng cộng sản nhìn nhận ra điều đúng đắn từ thời đó. Thì làm gì có cảnh XH tan nát, thốt nát, mất đạo đức như hôm nay?

    Trả lờiXóa