Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

AI SẼ ĐỀN BÙ CHO NGƯ DÂN MIỀN TRUNG?

NHÂN VỤ NGƯỜI DÂN KIỆN FORMOSA: AI SẼ ĐỀN BÙ CHO NGƯỜI DÂN VIỆT NAM TRONG THẢM HỌA MIỀN TRUNG? 
Sự lần khân và vội vã đáng ngờ
Sau mấy tháng dài im hơi, lặng tiếng tìm nhiều cách lấp liếm, bao che cho thủ phạm đầu độc Biển Miền Trung gây nên thảm họa môi trường đẩy hàng chục triệu người dân, vào bước đường cùng, chính phủ Việt Nam cuối cùng cũng phải tuyên bố: Thủ phạm đầu độc môi trường là Formosa.
Sự bao che, lấp liếm và đổ lỗi hết thủy triều đỏ cho đến những nguyên nhân nghe nực cười, nhất là việc bố trí cảnh sát và công an các loại canh phòng người dân, bảo vệ Formosa trước khi chịu công bố thủ phạm gây thảm họa, nhà cầm quyền Việt Nam đã cho người dân hiểu được họ đã và đang đứng về phía nào.
Điều nực cười, là trước khi công bố thủ phạm là Formosa, nhà cầm quyền Việt Nam chưa hề điều tra về thảm họa, về những thiệt hại người, của, môi trường, cuộc sống của người dân thì họ đã nhanh nhẩu nhận 500 triệu đô la "bồi thường" của Formosa. Trong khi đó, việc điều tra cứ lần khân rồi hứa hoãn đến tận 15/9 mới công bố những thiệt hại do Formosa gây ra - Hẳn nhiên là chưa biết họ sẽ công bố những gì!
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao nhà cầm quyền Việt Nam vội vàng nhận 500 triệu đola mà không cần điều tra? Thậm chí, người thiệt hại là người dân nhưng nhà cầm quyền không hề hỏi han xem họ thiệt hại ra sao, chết người như thế nào và những vấn đề liên quan thì mức độ bồi thường như thế nào? Việc làm này, chẳng khác gì việc mấy ông thầy bói mù sờ voi và phán bậy.
Trong khi, chính họ đã tuyên bố điều tra nguyên nhân cá chết có thể phải đến hàng năm. Vậy hậu quả sự cùng cực của người dân, cũng như những cái chết của họ do sự đầu độc gây ra thì họ có phép thần thông của mà vương quỷ sứ?
Xin thưa là không, họ đã vội vàng nhằm khỏa lấp tảng băng chìm đằng sau sự kiện hủy hoại môi trường biển Miền Trung. Chỉ có điều sự khỏa lấp đó chưa đủ để người dân thấy "như thật" rằng đây là một chính phủ của dân.
Đền bù hay hỗ trợ?
Chính phủ Việt Nam đã dẫn Formosa vào đất nước này, nói theo ngôn ngữ dân gian, là đã "rước voi về giày mả tổ", họ phải chịu trách nhiệm gì trước nhân dân, và họ đã làm gì?
Cho đến nay, chính phủ Việt Nam dù đã nhận 500 triệu đola, thì người dân vẫn chưa biết được họ sẽ được đền bù như thế nào? Trong khi đó, từ đầu thảm họa đến nay, chính phủ chỉ công bố các biện pháp hỗ trợ!
Vậy hỗ trợ là gì?
Gạo mốc hỗ trợ cho ngư dân trong thảm họa Miền TrungTheo đúng từ điển Tiếng Việt, "Hỗ trợ" là động từ có nghĩa là " giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ thêm vào". Do vậy, việc chính quyền hỗ trợ người dân chỉ là sự giúp đỡ người dân trong lúc khó khăn và sự giúp đỡ này hoàn toàn không thể thay thế được cái cốt yếu người dân đang cần, mà chỉ là sự "thêm vào" khi khó khăn. Cần phải hiểu cho rõ nghĩa như vậy kẻo nhầm lẫn.
Thực ra, tiền của hỗ trợ người dân ở đây, cũng chính từ những đồng tiền thuế và của cải của người dân mà ra chứ chính phủ thì làm gì có xu nào cho dân, chỉ có đi vay mượn phá phách xả láng và dân è cổ ra chịu nợ mà thôi. (Hình ảnh: Gạo mốc hỗ trợ cho ngư dân trong thảm họa Miền Trung.)
Nói rõ như vậy, để thấy rằng việc "hỗ trợ" người dân của chính quyền không phải là sự ban ơn hay một sự cho không từ trên trời rơi xuống. Và đó cũng là nhiệm vụ của chính quyền ăn lương của người dân.
Sau khi xảy ra thảm họa biển Miền Trung, chính phủ đã có quyết định Số: 772/QĐ-TTg, ngày 09 tháng 5 năm 2016 với nội dung: Hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Sau đó, ngày 25/6/2016, ít ngày trước khi công bố thủ phạm đầu độc biển là Formosa, chính phủ có Quyết định tiếp theo số 1138, tăng thời hạn hỗ trợ ngư dân ảnh hưởng vụ cá chết.
Đó là những việc làm của chính phủ đối với ngư dân thời gian qua.
Vậy đền bù là gì?
Đền bù, là một động từ được định nghĩa là "trả lại đầy đủ, tương xứng với công lao, sự mất mát hoặc sự vất vả"
Cần phải hiểu rõ rằng: Formosa đã gây ra thảm họa biển Miền Trung Việt Nam, một thảm hoa môi trường ghê gớm, họ là thủ phạm phải chịu trách nhiệm đền bù những thiệt hại do hành vi của họ gây ra cho người dân Việt Nam. Họ đã thừa nhận điều đó.
Việc đền bù phải tương xứng với những thiệt hại do thảm họa này gây ra.
Những ai được đền bù?
Hẳn nhiên, khi đã nói đến đền bù, thì tất cả những người bị ảnh hưởng, thiệt hại về mọi mặt bởi hành động của Formosa đều phải được đền bù tương xứng với sự thiệt hại và ảnh hưởng đó.
Cần phải hiểu rằng, thảm họa Biển Miền Trung không chỉ rảnh hưởng tới ngư dân mà có thể nói cả dân tộc Việt Nam, cả đất nước này, hiện nay và mai sau đều bị ảnh hưởng và thiệt hại.
Hầu hết các ngành kinh doanh, sinh sống đều bị thảm họa gây thiệt hại. Ngành thủy, hải sản bị thất thu hàng triệu tấn cá từ biển, hàng vạn ngư dân mất việc làm, đời sống bị đe dọa đã đành. Những ngành khác như du lịch vắng khách tắm biển, người kinh doanh không thể bán được hàng hóa bởi ngư dân không có tiền để tiêu dùng, ngành giao thông bị ảnh hưởng bởi lượng khách du lịch và vận tải hải sản không còn. Không chỉ có vậy, ngành chế biến hải sản, thủy sản, ngành nuôi trồng thủy, hải sản biển bị thất thu, ngành sản xuất muối không thể hoạt động, các ngân hàng không thể cho vay hoặc không thể thu hồi vốn khi ngư dân không còn biển để khai thác... Ngay cả những ngành tưởng như không liên quan đến biển như ngành văn hóa không thể có khách thưởng thức các tác phẩm văn hóa.
Có thể nói rằng, không có ngành nào và không có người dân Việt Nam nào đứng ngoài những thiệt hại bởi thảm họa biển Miền Trung. Cũng không chỉ có các tỉnh mà chính phủ đã liệt kê mới chịu ảnh hưởng. Bởi dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một, không thể chỉ một nơi đau đớn mà nơi khác không bị ảnh hưởng cả tinh thần lẫn vật chất.
Mặt khác, thảm họa này không chỉ là một năm hoặc mươi năm, mà là hàng chục năm sau vẫn chưa thể khắc phục.
Hơn thế, sức khỏe, tính mạng người dân và giống nòi bị đe dọa hết sức nghiêm trọng hiện tại và lâu dài...
Tất cả những thiệt hại đó, thủ phạm phải đền một cách tương xứng.
Vậy, với 500 triệu đola mà chính phủ Việt Nam đã nhanh nhẩu, vội vàng nhận lấy đó có phải là số tiền đền bù tương xứng?
Xin thưa là không thể. Bởi số tiền đó, so với những thiệt hại mà Formosa gây ra chỉ là một hạt cát trên bãi biển miền Trung mà thôi.
Người dân có ủy quyền cho chính phủ nhận tiền đền bù của họ hay không? Vấn đề này là vấn đề về pháp lý, hãy để các luật gia phân tích. Ở đây, chúng ta chỉ phân biệt giữa đền bù và hỗ trợ cũng như những vấn đề liên quan trực tiếp thiệt hại của người dân.
Vậy ai sẽ đền bù?
Lẽ ra, trước thảm họa to lớn này, chính phủ phải đứng ra đòi Formosa đền bù cho những thiệt hại mà họ gây ra cho đất nước này, dân tộc này như sự đói nghèo dẫn đến tụt hậu, chậm phát triển của dất nước, thảm họa lâu dài đối với nòi giống, với xã hội... Nhưng hình như chính phủ này coi đó là những điều không quan trọng với họ?
Còn đối với người dân thì sao?
Cho đến nay, chưa hề có một nhóm, ủy ban của nhà nước hay bất cứ một tổ chức xã hội nào đứng ra nhận trách nhiệm đền bù cho người dân Việt Nam bị thảm họa Miền Trung. Tất cả những việc kê khai, điều tra (nếu có) của nhà nước, chỉ nhằm phục vụ việc "hỗ trợ" người dân bị ảnh hưởng mà thôi.
Mà như trên đã phân tích, việc hỗ trợ của nhà nước dù bằng bất cứ nguồn tiền nào, đều không thể thay thế việc đền bù thiệt hại cho người dân.
Hẳn nhiên, cần phải có người chịu trách nhiệm đền bù rõ ràng cho người dân bị ảnh hưởng. Vậy nơi nào sẽ đền bù cho người dân? Chính phủ Việt Nam hay Formosa?
Nếu chính phủ chính thức nhận đền bù thay Formosa vì lỡ "ăn của chùa ngọng miệng" thì chính phủ phải kiếm đủ số tiền đền bù tương xứng thiệt hại của người dân và nền kinh tế quốc dân bởi thảm họa này. Và đúng đắn, nghiêm túc hơn nữa, chính phủ không được dùng tiền thuế của người dân cho việc đền bù mà lỗi là do Formosa gây ra. Ngoài ra, chính phủ có nhiệm vụ đòi hỏi Formosa bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người dân, bởi họ được dân nuôi thì phải làm việc cho dân. Đơn giản vậy thôi.
Và khi đó, người dân cần kê khai đầy đủ những thiệt hại của mình, của ngành mình cũng như cộng đồng do thảm họa này gây ra. Chính phủ phải đền bù đầy đủ cho họ. Đó là trách nhiệm của chính phủ, nếu đã nhận lấy việc đề bù thay thủ phạm trong vụ này.
Hẳn nhiên, khi chính phủ không đáp ứng được việc đền bù cho người dân, thì người dân có quyền lên tiếng, biểu thị thái độ của mình bằng biểu tình, bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm đạt được công bằng cho mình.
Còn nếu chính phủ không nhận nhiệm vụ đền bù cho người dân, thì thủ phạm là Formosa phải đứng ra chịu trách nhiệm đền bù cho họ.
Và khi đó, người dân cần trực tiếp Formosa để đòi hỏi quyền lợi của mình. Hoặc bằng Tòa án. Điều đó không thể chối cãi.
Khi đó, chính phủ phải bảo đảm an toàn cho người dân đòi hỏi quyền lợi chính đáng, sự công bằng cho mình, chính phủ phải đứng về phía người dân chứ không thể dùng cảnh sát và các lực lượng ngăn cản.
Bởi nếu có hành vi dùng các lực lượng ngăn cản người dân đi đòi quyền lợi chính đáng cho mình, nhằm bảo vệ thủ phạm, thì chính phủ đó là chính phủ phản động, đứng về kẻ thù để chống lại nhân dân.
Và khi một chính phủ đứng lên chống lại quyền lợi người dân, thì người dân có quyền truất phế, loại bỏ chính phủ đó không cần thương tiếc.
Hà Nội, ngày 11/9/2016
J.B N.H.V/ Tễu Blog
------------

4 nhận xét:

  1. Dân miền trung anh hùng dũng cảm nên ngoại bang muốn tiêu diệt trước lực lượng này chăng, làm cho sức dân mỏi mòn kiệt quệ để dễ bề đối phó. chứ đền bù gì?

    Trả lờiXóa
  2. Kiểu này bọn chó má lại lấy tiền thuế cộng với tiền bán tài nguyên của cả nước ra đền bù cho dân biển miền Trung đây

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đổ hết cho bọn phản động do Mỹ cầm đầu giật dây

      Xóa
  3. Bác cả lú bán tượng hồ ra mà cho dân tạm ứng trước cái đã

    Trả lờiXóa