Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

TRẦN ĐỘ - Nhật ký Rồng Rắn - Phần 4

(Tiếp theo)
... Tháng 10 năm 2007, Nhà xuất bản Quân đoọi nhân dân phát hành cuốn Chuyện tướng Độ. Cuốn sách dày 318 trang đã vẽ lại chân dung của Trần Độ, là một vị tướng nổi tiếng tài ba đồng thời là nhà văn đã gắn chặt đời mình vào cây súng và cây bút đi cùng dân tộc suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại. Giúp bạn đọc tìm hiểu về một Trần Độ có nhiều công trạng, có cá tính, thuộc dạng “công thần” của cách mạng Việt Nam: 16 tuổi đã đi hoạt động; 17 tuổi bị địch bắt, bị giam cầm qua nhiều nhà tù…rồi trốn thoát tiếp tục hoạt động.
Có đoạn đại ý: sau 1974 ông được đi công tác nước ngoài ( Cộng hòa dân chủ Đức), ông đã nhận ra rất nhiều điều chưa ổn và không ổn trong nguyên lý cũng như thực tiễn xây dựng  chủ nghĩa xã hội, ông nghiên cứu và viết một bức "Thư tâm huyết", dài 14 trang, trình bày tất cả những gì ông thấy, ông nghĩ, ông muốn về xây dựng chủ nghĩa xã hội, gửi tới lãnh đạo đảng Cộng sản. Ông viết vào kiến nghị phát hiện của ông về sự nhầm lẫn khái niệm trong lý luận của Stalin và dự báo những hậu quả của nó, ông hiến những giải pháp, ông không hề né tránh cả những điều mà ngày ấy nói ra rất khó nghe, chấp nhận gặp nguy hiểm.
Giải pháp đáng chú ý nhất là ông đề nghị mời những nước có nền kinh tế phát triển vào trong nước hợp tác đầu tư, không kể đó là nước Xã hội chủ nghĩa hay Tư bản chủ nghĩa. Ông Đõ Mười cho rằng quan điểm của ông Trần Độ không có lập trường người cộng sản, muốn cho Tư bản vào đầu tư ở Việt Nam!?
B.- Khuyến khích và bồi bổ tệ nạn sùng bái cá nhân là tệ nạn đã bị lên án nặng nề trong phong trào cộng sản thế giới.
Võ Nguyên Giáp và Trần Độ
- Bao giờ ý kiến của Bí thư, uỷ viên Thường vụ và cấp uỷ cũng là quan trọng, là thiêng liêng, là chân lý. Luôn luôn những ý kiến này được trích thuật, có khi chỉ là một ý kiến vớ vẩn, ai cũng nói được. Trong các phương tiện thông tin đại chúng, mục “hoạt động của các vị lãnh đạo” bao giờ cũng là mục quan trọng ở trang nhất, tất cả chiều dài của tin, khổ rộng của ảnh đều được quy định chặt chẽ.
- Ở tất cả các loại báo thì các thông tin và hoạt động, và hội nghị về lễ kỷ niệm, Đại hội và chào mừng vv… chiếm đến 80%, còn những thông tin có ích chỉ chiếm 10-20%.
- Một người có địa vị trong xã hội thì chức vụ trong Đảng cũng là quan trọng nhất, bao giờ cũng đưa ra trước hết như là Bí thư, uỷ viên Bộ chính trị, uỷ viên cấp uỷ.
- Trong các cáo phó người chết thì danh hiệu đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam cũng là danh hiệu vẻ vang lớn nhất, hơn tất cả các danh hiệu khác …
- Đảng cố tạo nên các phong tục tập quán, các tục lệ xã hội, cái gì cũng phải thần phục Đảng, thần phục các quan chức của Đảng, tạo ra một tục lệ là mọi người bình thường phải lập công để trở thành đảng viên, dù phải lạy lục, nịnh bợ, chạy chọt, thậm chí có lúc phải hối lộ tiền nữa. Tôi nhiều lần tự hỏi Đảng có cần gì phải có đến 2-3 triệu đảng viên và vẫn còn đang tìm cách phát triển nữa, trong khi bây giờ không cần có sự hy sinh như trong chiến tranh và trong khi ai cũng thấy chất lượng đảng viên ngày càng sa sút. Vậy cố gắng tăng số lượng làm gì? Đó cũng lại là một sự phi lý nữa
30.12.2000
Bài thơ rất tâm đắc của Bùi Minh Quốc:
Cay đắng thay !
Các guồng máy nhục mạ con người
Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất
ù lì quay
Quay
Thao thao bài đạo đức
Liệu mấy ai còn ngây
Cay đắng thay
Mỉa mai thay
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính bộ máy này.
Nhật ký Rồng Rắn
Trần Độ
------------------
III. Thư gửi anh Lữ Phương:

Tết Tân Tỵ ngày 5 tháng giêng, (ngày 28.1.2001)
Nhân dịp Tết, tôi lục các bài viết cũ, đọc lại chơi, tiện thể lục được bức thư anh viết cho tôi từ đầu năm 1999, sau khi anh đã đọc xong 2 bài bút ký "Một Cái
Nhìn Trở Lại" của tôi, và biết tin tôi đã bị (hay được) khai trừ.
Ngay từ trang đầu của thư anh, tôi thấy anh đã hiểu rõ tâm can tôi. Anh viết rằng: "Nếu có một cái gì đó có ý nghĩa mà Đảng cho anh, thì đó là cái lý tưởng cực kỳ tươi đẹp để anh đi vào tù đày và chết chóc thôi. Anh có bảo vệ Đảng thì cũng chỉ bảo vệ cái lý tưởng đã trả bằng máu ấy. Chính là với lý tưởng ấy, thái độ của anh là nhất quán trước sau. Trước đây Đảng có một thời đẹp đẽ thì bây giờ anh muốn
Đảng giữ gìn mãi mãi điều đẹp đẽ ấy”. Anh đã nói rất trúng tâm tư của tôi.
Tôi không có điều kiện để nghiên cứu sâu vào các vấn đề lý thuyết, tuy rằng tôi cũng đọc được và được nghe giảng khá nhiều nhưng tôi chỉ “vận dụng những ý tưởng có trong sách vào cuộc đời”, và nhìn vào thực tiễn của cuộc đời mà suy ngẫm. Tôi đọc lại bút ký của tôi, tôi lại càng thấy rõ té ra hơn chục năm nay, có thể cả mấy chục năm nay, tôi cứ trăn trở chỉ có một điều, và vẫn cứ tiếp tục trăn trở về cái điều đó, càng ngày càng sâu sắc, càng ngày càng day dứt đau đớn. Cái điều đó tôi đã khái quát vào bốn câu mà anh có nhắc đến:
Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ác xoá đi thay bằng Cực Thiện
Tháng ngày biến hoá, Ác luân hồi…

Với tâm trạng ấy tôi rất tâm đắc với mấy câu
trong bài thơ "Cay đắng thay” của Bùi Minh Quốc:
Cái guồng máy nhục mạ con người
Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất
… Cay đắng thay
Mỉa mai thay
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính bộ máy này….
Tôi cứ nghiền ngẫm mãi cái cay đắng và mỉa mai đó và ngày ngày, tháng ngày đau khổ về cái cay đắng ấy.
Không biết đã bao nhiêu lần, tôi muốn giải đáp mấy câu hỏi ... cay đắng ấy:
Cuộc cách mạng ở Việt Nam, rút cục đã xoá được cái gì, đập tan được cái gì ? và đã lập nên được cái gì, xây dựng được cái gì ?

Rõ ràng ta đã xoá được cuộc đời nô lệ mất nước, nhục nhã. Đời sống nhân dân giảm được đói nghèo dốt nát. Mới giảm được thôi, chứ chưa thoát được hẳn đói nghèo và "dốt nát", nghĩa là ta còn quá lạc hậu.
Ta đã đập tan được bộ máy đàn áp, nô dịch, bóc lột, xoá được nỗi nhục mất nước và ta đã xây dựng được một bộ máy như thế nào? và một xã hội như thế nào? Những tiêu ngữ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, Dân chủ Cộng hoà, và mục tiêu một nước độc lập, thống nhất, hoà bình, dân chủ giàu mạnh, đã thực hiện được đến đâu ???
Trong các mục tiêu lý tưởng của ta thì lý tưởng lớn nhất, tha thiết nhất, bao trùm nhất là tự do dân chủ.
Nhưng hiện nay, ta đã có một bộ máy nhà nước có mấy đặc điểm:
• To lớn, cồng kềnh, chồng chéo và do đó ít hiệu quả, nhiều mặt bất lực.
• Làm được một số việc xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhưng quá kém trong việc đưa đất nước phát triển nhanh. Đất nước ngày càng phát triển chậm chạp và tụt hậu xa so với các nước láng giềng trong khu vực.
• Nổi bật lên là một bộ máy độc đoán, độc tài toàn trị, đàn áp thẳng tay các ý kiến khác. Có một đội ngũ “lưỡi gỗ” rất đông đảo, chuyên “ngụy biện”, “nói lấy được”, “nói bừa bãi”, “trắng trợn” bất chấp lẽ phải, đạo lý và cả luật pháp, và có lúc dùng nhiều thủ đoạn như "lưu manh".

Trong khi ấy, bộ máy đã tạo nên một xã hội không có tự do dân chủ, đầy tệ nạn tham nhũng, đầy tệ nạn xã hội, làm tất cả mọi người trong xã hội không lúc nào được yên tâm và thường xuyên lo lắng, sợ hãi. Đó, ta đã xây dựng nên một bộ máy như vậy và một xã hội như vậy đó.
Bao nhiêu những điều tốt đẹp xuất hiện sau cách mạng tháng Tám, ta tưởng nó sẽ mở rộng và nâng cao thì nay tình hình lại phát triển ngược lại.
Từ một Đảng chịu gian khổ hy sinh để giải phóng nhân dân, nay trở thành một Đảng cầm quyền xa rời nhân dân, cai trị nhân dân, bắt nhân dân phải sống hết thảy theo ý của Đảng: nhân dân bị tước hết mọi quyền tự do dân chủ. Tất cả quyền và lợi trong xã hội, thâu tóm trong tay Đảng và cụ thể là trong tay một nhóm đảng viên có địa vị ở các cấp. Đảng tự do yêu cầu dân đóng góp và tự do sử dụng mọi sự đóng góp của dân, không có tổ chức và lực lượng nào giám sát và kiềm chế.
Đảng nói những lời hay, làm ra Hiến pháp và luật pháp có nhiều điều hợp lý, nhưng bộ máy của Đảng đều làm ngược lại Hiến pháp và luật pháp, bất chấp đạo lý.

Đảng còn làm ngược lại cả Điều lệ của chính mình như tự nhiên đẻ ra chế độ cố vấn; Bộ chính trị và Trung ương quyết định những điều cấm đoán đảng viên ngoài quy định của Điều lệ như là tước cả quyền công dân của đảng viên.
Đảng luôn tạo ra một không khí khủng bố đối với bất cứ ai có chính kiến độc lập, làm cho xã hội khô cằn, Đảng bưng bít và cấm tất cả những ý kiến dồi dào phong phú để đưa đất nước tiến lên.
Thế là Đảng đã tạo ra ở Việt Nam một xã hội đầy tham nhũng, phản dân chủ (vì độc tài độc đoán và toàn trị), đầy dối trá lừa bịp (vì nói một đàng làm một nẻo), đầy thủ đoạn (nịnh nhau, hất nhau và hại nhau). Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, ở bất cứ người nào, ta cũng nghe thấy được những lời phàn nàn về sự không dân chủ, tàn bạo, lừa bịp, dối trá; về những hiện tượng lưu manh, hãnh tiến. Trong bút ký của tôi, tôi đã nói nhiều lần.
Trước 1945, xã hội ta có một bộ máy của thực dân phong kiến có đủ các đặc điểm của sự tàn bạo, dã man, của sự vơ vét, bóc lột và xa hoa hưởng thụ, của sự lừa bịp, dối trá, thủ đoạn đểu giả.
Tôi “trọn tuổi xuân hiến dâng cuồng nhiệt” để tham gia đập tan bộ máy đó và tích cực tham gia xây dựng bộ máy mới, mà ngày nay ta gọi là "của dân, do dân, vì dân", có những nét đẹp như trong những ngày đầu sau cách mạng tháng Tám 1945 và một xã hội, mọi người thương yêu nhau, tôn trọng nhau. Tôi đã mơ ước hững nét đẹp ấy sẽ được mở rộng và nâng cao tạo nên một xã hội lý tưởng.
Nhưng rồi …..
Cái không giống với mơ ước thì nhiều và những cái giống với cái đã được đánh đổ thì lại càng ngày càng nhiều.
Và những gì trước đây ta khinh bỉ, chửi rủa và chống phá thì ngày nay những cái đó lại xuất hiện nhiều và ngày càng nâng cao.
Như vậy là ta lại xây nên chính cái mà ta đã đập tan. Ta đã làm cho xã hội hiện nay lại có đủ các đặc điểm của bộ máy ta đã đập tan, của cái xã hội ta đã phá bỏ.
                                       * * *

Bộ máy cai trị bây giờ ngày đêm chỉ lo xây dựng bộ máy tuyên truyền, lo cổ động rầm rộ, dùng những "lưỡi gỗ" xây dựng và truyền lan các thứ "lý luận" "nói lấy được", dùng mọi thủ đoạn lừa bịp, dối trá, nguỵ biện để nhằm một mục đích duy nhất là duy trì và giữ vững bộ máy cai trị mà họ gọi là "sự lãnh đạo của Đảng”. Suốt năm suốt tháng họ tổ chức đủ thứ đại hội, kỷ niệm, lễ hội…để làm cho mọi người đều thấy đang sống trên những thắng lợi, và mọi thắng lợi từ trước đến nay đều do bộ máy này tạo nên, dân phải biết ơn bộ máy này. Tất cả những ý nghĩ, tư tưởng chệch chút ít so với tư tưởng chính thống đều bị kết tội “chống đối” nặng nề.
Do đó, trong thực tế bộ máy này là bộ máy phá dân chủ, phá dân chủ một cách trắng trợn, tinh vi và tàn bạo.
                                    *   *  *
5.2.2001

Như thế là tôi cũng như anh, ta đứng trước một sự biến động, một sự biến chuyển và biến dạng, là một Đảng từ một tổ chức gồm những con người chịu hy sinh gian khổ, phấn đấu để đập tan một bộ máy thống trị gian ác, giải phóng nhân dân, rồi sau khi đập tan được bộ máy ấy thì lại trở thành một bộ máy cai trị, thống trị nhân dân. Nói thật gọn, là từ người giải phóng biến thành kẻ thống trị. Khi là người giải phóng thì mọi nguyện vọng, mục tiêu, tâm lý và tình cảm là của người giải phóng, và khi là kẻ thống trị thì sẽ có đầy đủ nguyện vọng, mục tiêu, tình cảm và tâm lý của kẻ thống trị. Đó là "cố giữ vững địa vị thống trị của mình", tình hình ấy hình như không phải của riêng Việt Nam. Đó là một biến chuyển tất yếu. Xem ra không ai cố ý, không ai có ý kiến trong việc này, không ai (kể cả những người chủ chốt) tự giác được trong quá trình chuyển biến này, tất cả đều bị cuốn vào sự vận hành của một cỗ máy khổng lồ.
Vậy đâu là nguồn gốc của sự biến chuyển này. Có thể nói sự chuyển biến này có nhiều nguồn gốc:
Có nguồn gốc thứ nhất là từ ở những học thuyết.
Rõ nhất là học thuyết về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Học thuyết này được người vận dụng nó đưa tới những chủ nghĩa kinh khủng như “chủ nghĩa thành phần”, “chủ nghĩa công nông”, “chủ nghĩa lý lịch” … Các thứ chủ nghĩa ấy làm cho học thuyết giai cấp bị méo mó thành bất nhân bất nghĩa. Ta có thể tin một cách chắc chắn rằng nếu Mác và Lênin (là những trí thức lớn) còn sống đến bây giờ thì các ông tổ đó cũng không thể chấp nhận các thứ chủ nghĩa “vô học” đó.
Học thuyết ấy bị méo mó ngày càng lớn, càng cực đoan, nó thành ra kiểu Mao-ít, cao hơn nữa là kiểu Pôn Pốt. và trở thành những tội phạm ghê tởm của loài người.
May mà Việt Nam ta chưa đi tới chỗ đó.
Còn nhiều vấn đề học thuyết khác, nhiều cách lý giải những khái niệm không theo kịp sự biến đổi tiến bộ của nhân loại, vì không theo kịp mà thành ra sai lầm, thiếu sót. Những khái niệm cơ bản như “lao động”, “bóc lột”, “sở hữu” … cứ bị quan niệm như cũ, như thế tất phải đưa tới những cách xử lý cứng nhắc, không đúng và nhiều tai hại. Phải thấy rõ rằng những đầu óc giáo điều đáng ghê tởm biết là chừng nào!
Về nguyên lý tổ chức của Đảng.
Khi cần tổ chức Đảng thành một Đảng chiến đấu thì cần có những nguyên lý tổ chức thích hợp với hoàn cảnh chiến tranh và cách mạng. Những nguyên lý ấy không thể thích hợp với thời hoà bình xây dựng. Nhưng khốn thay, vẫn không có sự phân tích lại để điều chỉnh cho hợp lý. Vì vậy Đảng cộng sản Việt Nam vẫn cứ như mắc trong mớ bòng bong những mâu thuẫn khi đề ra yêu cầu cho đảng viên của Đảng: lúc thì đảng viên phải làm giàu để làm gương cho mọi người, và cũng để bảo đảm cho cuộc sống gia đình, lúc thì lại cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân. Cho nên có những đảng viên làm kinh tế đã phải thốt lên: "Tôi phải ra khỏi Đảng thôi". Cái kiểu gò bó bảo thủ, giáo điều tạo nên một lớp người khá đông đảo chỉ biết “ngu trung” (nghĩa là trung thành một cách ngu xuẩn), mất hết óc xét đoán để tìm hiểu thực tiễn đời sống mới đang tiến triển mạnh mẽ, làm cho cả Đảng bị rơi vào trạng thái tê liệt, tư duy ngày càng xa cuộc sống và do đó càng xa dân.
Xa dân mà lại cai trị dân thì ngày càng đối lập với dân.
Nguồn gốc thứ hai của tình hình biến đổi xã hội, đó là vai trò của những người có trách nhiệm chủ chốt.
Những người này càng về sau càng là những người ít học, lại ít được tôi luyện, thành ra những người thô sơ đơn giản. Những người đó có trách nhiệm lớn, nhưng lại vẫn mang đủ trong mình bản tính tiêu cực của người bình thường: hám lợi, hám danh, thích quyền, ích kỷ vv… Vì thế, những người đó trở thành thủ phạm của mọi tội lỗi: dốt nát, quan liêu, tham nhũng, mất đoàn kết, bè phái. Đó là những tội không sao xoá bỏ được, chỉ có ngày càng nặng thêm, và kết cục là toàn bộ cơ chế quyền lực không có một sức mạnh nào làm phanh hãm và giám sát nó. Sức mạnh giám sát ấy chỉ có thể là sức mạnh của một chế độ dân chủ. Dân chủ phải là vấn đề của một chế độ, chứ không phải chỉ là mấy cái công tác lặt vặt như “dân chủ cơ sở”, “lấy ý kiến việc nọ việc kia”, “ghi điều nọ điều kia vào Hiến pháp, nghị quyết và luật pháp” v. v…
Ta không thể mơ tưởng có những ông Thánh để thực hiện những học thuyết và nguyên lý. Rút cục thì vẫn là những con người trần tục phải thực hiện các học thuyết ấy, mà con người trần tục thì có đầy đủ những “cái trần tục”, làm hỏng học thuyết. Phải có một chế độ, một cơ chế, một chiến lược dân chủ, có tác dụng hạn chế các tệ nạn quan liêu độc đoán và tuỳ tiện.
Sự vận dụng các nguyên lý của học thuyết và của tổ chức, tuỳ thuộc vào cá tính của những con người chủ chốt. Người lãnh đạo như Hồ Chí Minh vận dụng các nguyên lý của học thuyết và nguyên tắc tổ chức có lẽ sẽ mang lại những hệ quả kém xấu hơn. Ngược lại những người không đủ trình độ và nhiều ham muốn cá nhân sẽ đưa đến những hậu quả ngày càng tệ hại.
Nguồn gốc là ở “trình độ” cộng với lòng “ham muốn quyền và lợi” của cá nhân, hai cái đó có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất.
Những tình trạng yếu kém và khuyết điểm trong quản lý, cai trị và tình trạng xã hội không tốt đẹp. Không thể tìm nguyên nhân gần được, mà phải tìm từ nguồn gốc xa, ở chỗ Đảng đã xây dựng nên một thể chế phản dân chủ và trọng quyền lực. Những câu chữ tốt đẹp như “nhà nước của dân, vì dân, do dân” và “cán bộ nhà nước phải là đầy tớ trung thành của nhân dân” chỉ còn là những câu nói mỉa mai, những cái màn mỏng manh che giấu các thói hám quyền tham lợi, chia chác và giành giật nhau ghế ngồi và danh vị.
Thật ra, cuộc cách mạng với những lý tưởng cao đẹp của nó đã bị phản bội. Trốtsky là người đã nhận ra điều này ở Liên xô từ năm 1936. Tôi cũng dần dần thấy ra điều này từ vài chục năm nay.
Tôi không thể trung thành với sự biến dạng này.
Tôi vẫn cầu mong Đảng này tự phê bình mà nhận ra sự thật. Như thế tốt cho Đảng, và quan trọng hơn là tốt cho đất nước. Nhưng tôi lại cũng thấy rằng cái Đảng này, với thể chế và trình độ của nó hiện nay, không thể, không dám, và không muốn tự phê bình. Cuộc vận động chỉnh đốn Đảng có tự phê bình chỉ là một sự “gãi ghẻ” thôi.
Tôi không thể không trung thành với lý tưởng tốt đẹp của thời tuổi trẻ, thời Đảng là người giải phóng. Phải chăng quy luật của lịch sử các triều đại là cứ lúc bắt đầu thì nhiều tốt đẹp, tiến bộ thông minh, sáng suốt ? Thế rồi có những thắng lợi được ca ngợi nhưng dần dần cứ sa sút, kém cỏi, dốt nát, sa đoạ, xuống cấp dần, đi đến phản bội.
Cái triều đại Đảng cộng sản này cũng đang thế chăng ? Đảng cộng sản cứ để mình bị sa vào cái quy luật suy thoái ấy hay muốn cứu mình thoát khỏi sự suy thoái ?...
 (Còn nữa)
------------------

7 nhận xét:

  1. Nếu đọc được nhật kí này Sớm thì đời tôi bây có lẽ sẽ khác.Sẽ có giá trị hơn.

    Trả lờiXóa
  2. - Thời nguyên thủy có các đảng phái chưa nhỉ?
    - Ông hỏi cái chi dở hơi vậy? Làm gì có! Nếu có, con người đã diệt vong sớm.
    - Ừ. Hai người nguyên thủy thuộc hai đảng khác nhau, gặp nhau chỉ lo giết đối phương. Trong khi không có chính trị thì họ luôn coi nhau là bạn.
    - Ông nói hơi bị đúng. Hay! Ê, nhưng mà không được, vậy là suy thoái!
    - Đến lượt ông bị điên rồi!

    Trả lờiXóa
  3. Bác Bồng cho em hỏi cái Đảng hiện nay là Đảng gì vậy, cái Đảng ăn cắp tên Cộng Sản, nơi quy tụ toàn những tên lưu manh bậc cao. Cái Đảng mà càng lúc càng suy thoái và đểu cáng, hèn với giặc ác với dân. Cái đảng thẳng tay, biết bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh trắng tay phải đi khiếu kiện trừng phạt những bậc trung thần, trọng thưởng những thằng tội phạm như Trần Văn Vệ, Đỗ Hữu Ca, cái Đảng gây nên những cảnh tang thương trên khắp VN, gây nên những thảm cảnh Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Cần Thơ, Dương Nội..., những tiếng súng hoa cải uất ức của Đoàn Văn Vươn mà giờ đây cả gia đình họ phải "sum họp " trong tù, bao nhiêu gia đình bị cướp sạch, trắng tay phải đi khiếu kiện hàng đoàn làm " xấu " hình ảnh thủ đô, và cần phải "cưỡng chế " khiếu kiện đông người. Cái Đảng mà cụ Trần Độ đã trọn đời cống hiến, cái Đảng mà cha ông chúng tôi đã theo và đã ngã xuống vì lý tưởng đó nay đâu rồi, hãy trả lại ĐCS đích thực cho chúng tôi

    Trả lờiXóa
  4. xin kinh can gui toi gia dinh trung tuong loi chan tinh kinh chuc trung tuong sieu thoat.lich su se danh gia cong lao cua ong.that dau kho cho dan toc viet

    Trả lờiXóa
  5. Nghịch lý đất Việt :- Cái hay cái đúng thì bị phê phán,bài xích.
    - Cái dở, cái xấu thì được tung hô "kiên quyết giữ vững".
    Ai "kiên quyết giữ vững" ? chỉ có đảng csVN, cái đảng sợ tư tưởng Trần Độ như lũ dơi, chuột sợ ánh mặt trời. Còn phủ định tư tưởng Trần Độ,dù biện minh,tuyên truyền cách nào, Đảng csvn vẫn không thoát khỏi tiếng dơi, chuột.
    Trong nội bộ đảng hiện nay chắc đã và sẽ có nhiều người nghĩ như Trần Độ, khác Trần Độ là họ không ra mặt, ngoài miệng vẫn muôn năm, sống mãi nhưng trong lòng cũng ngao ngán lắm mà chưa biết làm sao.

    Cái đúng cái hay vốn dễ được chấp nhận, muốn chấp nhận nhưng lại chưa được công nhận, muốn được công nhận chỉ còn cách xem lại lãnh đạo.Muốn xem lại lãnh đạo thì... ôi cái này vượt quá hiểu biết và khả năng của còm. Khổ thế đấy.

    Trả lờiXóa
  6. Đã muộn chưa các bạn trẻ, khi đọc những dòng này của Ông TRUNG TƯỚNG? Thế hệ chúng ta bị lừa, bị cũi quá lâu rồi phải không các bạn. Chúng ta hãy tỉnh táo, cùng nhau phá tan cái cũi lợn ấy nhé.

    Trả lờiXóa
  7. Việt Nam cần một Goocbachop để thoát vòng nô lệ của tư tưởng giáo điều do ĐCS áp đặt. Chí ít cũng cần một cuộc chính biến hay đảo chính êm thấm, lập nên chế độ dân chủ thật sự

    Trả lờiXóa