Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Cần có “giới hạn đỏ” cho Trung Quốc

Chuyên gia John Hemming thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương nói, trong khi Trung Quốc xem những gì họ đang làm như biểu hiện sức mạnh của một siêu cường đang trỗi dậy, thế giới lại nhìn thấy ở đó sự hung hãn, nhập nhèm không đáng có ở một nước lớn. Hàng loạt sự kiện gần đây càng khiến cho cộng đồng quốc tế thêm quyết tâm đặt ra “giới hạn đỏ” dành cho Trung Quốc.
Hôm 20/6, Mỹ và một số quốc gia khác đã lên tiếng về thông tin Trung Quốc đang tiếp tục kéo thêm nhiều giàn khoan tới khu vực biển Đông, trong đó có giàn khoan Nam Hải số 9 vào vùng biển gần Việt Nam hơn giàn khoan Hải Dương 981. Đây không chỉ là hành động khiêu khích, làm gia tăng căng thẳng tình hình ở Biển Đông, mà còn là hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia một cách nghiêm trọng. Sự bất chấp đạo lý và các quy định của luật pháp quốc tế của Trung Quốc là điều không thể chấp nhận được trong thế giới hiện đại khi mà con người đề cao vấn đề hòa bình và hội nhập.
“Mặt trận mới” về giàn khoan
Những diễn biến ở Biển Đông, đặc biệt là quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế.
Ngay từ hôm 20/6, sau khi có thông báo từ Cục Hải sự Trung Quốc về hoạt động của các giàn khoan Nam Hải 2, 4, 5, 9 ở Biển Đông, phần đông các quốc gia đều bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về an ninh biển trong khu vực này. Hãng ABC của Australia dẫn lời của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo với Thủ tướng New Zealand John Key tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, kêu gọi Trung Quốc và các nước láng giềng giải quyết các tranh cãi về chuyện giàn khoan ở biển Đông thông qua biện pháp hòa bình và tránh leo thang căng thẳng. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định, khi một nước đưa giàn khoan vào vùng biển tranh chấp và thực hiện các hành vi khiêu khích thì điều đó thực sự đáng lo ngại…
Theo thông tin mà hãng Reuters trích dẫn từ thông cáo đăng tải trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc, vị trí của giàn khoan Nam Hải số 9 gần bờ biển Việt Nam hơn cả giàn khoan Hải Dương 981. Việc Trung Quốc đưa nhiều giàn khoan ra khu vực Biển Đông còn được các chuyên gia nước này tô vẽ như là “một bước đi chiến lược” nhằm gây sức ép tinh thần và thách thức các quốc gia láng giềng. Tờ Global Times dẫn lời Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn Zhuang Goutu cho biết, giàn khoan Nam Hải số 9 là giàn khoan lớn thứ 2 trong số các giàn khoan của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) và rằng “sự gia tăng số lượng giàn khoan chắc chắn sẽ đánh mạnh vào tinh thần của Việt Nam và Philippines”. Còn theo nhận định của GS Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia thì việc gia tăng số lượng giàn khoan của Trung Quốc là để “mở một mặt trận mới với Việt Nam” vì Trung Quốc bực tức khi vấp phải áp lực ngày càng gia tăng của cộng đồng quốc tế trong vấn đề giàn khoan Hải Dương 981. Còn nhà nghiên cứu chương trình địa chính trị vì năng lượng thuộc Đại học Harvard của Mỹ Molly Morrow thì nhận định, có thể, Trung Quốc muốn nhấn mạnh quan điểm tất cả hoạt động khoan dầu đều là bình thường để từng bước thực tế hóa yêu sách “đường chín đoạn” trên biển Đông.
Tiền không mua được đạo lý
Theo GS Renato DeCastro thuộc  Đại học De La Salle ở Manila (Philippines), Trung Quốc đã nhầm khi cho rằng họ có thể dùng quyền lực của một quốc gia đang trỗi dậy và dùng tiền để mua chuộc dư luận. GS Renato DeCastro khẳng định: “Tiền không mua được đạo lý. Công luận quốc tế luôn là một sức mạnh quan trọng. Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế trong cuộc kháng chiến cứu chống Mỹ cứu nước thì nay công luận quốc tế cũng có thể giúp họ chiến thắng trong vấn đề giàn khoan Hải Dương 981. Trung Quốc sẽ phải nỗ lực nhiều để trở thành một cường quốc lớn trong thế kỷ XXI nhưng Trung Quốc đã đánh mất trách nhiệm đạo đức để tăng cường sức mạnh cường quốc đó, không thể hiện sự kiềm chế, tôn trọng với các nước nhỏ”.
Chuyên gia John Hemming thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương nói, trong khi Trung Quốc xem những gì họ đang làm như biểu hiện sức mạnh của một siêu cường đang trỗi dậy, thế giới lại nhìn thấy ở đó sự hung hãn, nhập nhèm không đáng có ở một nước lớn. Hàng loạt sự kiện gần đây càng khiến cho cộng đồng quốc tế thêm quyết tâm đặt ra “giới hạn đỏ” dành cho Trung Quốc. Và điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh mà Trung Quốc đang cố xây dựng vì họ xây dựng hình ảnh đó bằng lời nói chứ không phải bằng hành động.
Từ chối giải pháp ngoại giao hòa bình mà Việt Nam đang thực hiện chính là Trung Quốc “tự làm khó mình”. GS Jerome Cohen, Chủ tịch Luật pháp Mỹ, Đại học Luật New York (Mỹ) cho rằng, với giải pháp kiện Trung Quốc ra tòa mà nhiều chuyên gia khác đã gợi ý với Việt Nam thì điểm mấu chốt không phải ai mạnh hơn ai mà là công lý, chính nghĩa thuộc về ai.
Tướng Daniel Schaeffer, nguyên cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp và là một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông tại Pháp từng nói, ông ủng hộ các hành động bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và rằng, Việt Nam cần làm cho quốc tế thấy được sự đúng đắn của các hành động của mình và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế.
Chí Anh (Tổng hợp)
----------------

1 nhận xét:

  1. Do bởi sự "bình tĩnh sáng suốt" của đcsVN nên TC ngày càng phấn khích đưa thêm nhiều giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam. Không có gì lạ, nếu vào một ngày xấu trời nào đó, khi thức giấc chúng ta thấy lù lù 1 cái giàn khoan to tướng của các đồng chí đểu giả TC mọc lù lù ngay trước nhà, chặn hết lối ra của vợ con ta... Khi ấy thật "may mắn" nếu các đồng chí đểu giả TC cho ta 1 chân lao động phổ thông (phụ hồ) tại giàn khoan Hồng Phong 2014!

    Trả lờiXóa