Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

BÓNG TỐI và NGƯỜI VỀ

Công nhân Trung Quốc rời tàu sơ tán từ Việt Nam về
sau vụ bạo động ở Bình Dương và Vũng Áng
Chúng ta còn nhớ cách đây 36 năm (1978-2014) sự kiện những người Hoa kiều phải trở về Tổ quốc họ. Nhà thơ Hải Như đã sáng tác bài thơ: " BÓNG TỐI SẼ PHẢI LÙI " và tuỳ bút:
 " VỚI NGƯỜI VỀ CỐ LÝ " đăng trên Báo Tin Sáng (TP Hồ Chí Minh) 07-1978, tới nay vẫn còn giá trị. 
Theo nhà thơ Hải Như: từ khi có nhân loại những người dân thường thuộc các quốc gia đều mong muốn chung sống trong hoà bình. Nếu có xảy ra chiến tranh giữa các quốc gia, các sắc tộc, đó là do các nhà cầm quyền hiếu chiến phát động. Những người đứng đầu nhà nước có chế độ độc tài mang tư tưởng nguy hiểm mọi thời đại đều lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, họ kích động, xúi giục gây hận thù giữa các dân tộc, như câu nói của George Bernard Shaw (Giải thưởng Nobel 1925): " Có một sự lãng phí đầy bi thảm của sinh mạng tuổi trẻ dưới chiêu bài yêu nước của các nhà cầm quyền hôm nay ".
                                                 HẢI NHƯ

BÓNG TỐI SẼ PHẢI LÙI
          
Xin anh nhớ lòng tôi sau trước
Không có tỵ hiềm không có chia ly!
***
Tôi đọc thấy nỗi lòng anh giằng xé
Từ biệt tôi anh lặng lẽ không chào
Ơi Trung Hoa của Khuất Nguyên, Đỗ Phủ…
Trung Hoa đau thương ta thông cảm dạt dào.
***
Trên quê Việt bao đời anh đã sống
Chung trang vui và chung cả trang buồn
Chung ước mơ chung niềm hy vọng
Ơi Trung Hoa lận đận bến Tầm Dương.
***
Tôi mãi mãi yêu bến sông chưa tới
Bến sông thu lau lách khúc Tì Bà
Trung Hoa với nhà thơ lưu đày Giang Châu Tư Mã(1)
Sống giàu tình chan chứa lệ đầm sa…
***
Anh có mẹ già. Mẹ già anh nằm xuống
Phút lâm chung trên quê Việt dặn dò
Với mảnh đất  đùm bọc ta khi đói
Chớ bao giờ bội nghĩa khi no!
***
Ôi Trung Hoa của Khuất Nguyên, Đỗ Phủ
Trung Hoa ta tin – bóng tối sẽ phải lùi…!
Hà Nội, tháng 06 năm 1978
(Báo Tin Sáng, tháng 7 năm 1978)
 --------------
(1) Tức nhà thơ Bạch Cư Dị tác giả bài thơ Tỳ Bà Hành.
                        >>  Giữ cho em mùa hoa đào  
------------------

VỚI NGƯỜI VỀ CỐ LÝ
                    * Tùy bút - HẢI NHƯ
Pearl Buck – Nữ văn sĩ người Mỹ chuyên viết về nước Trung Hoa cũ, viết nhiều tiểu thuyết về người Trung Quốc. Bà vẫn tự hào là một nhà văn thuộc người Trung Hoa không kém người Trung Hoa bản địa, thuộc những lề thói phong kiến những thảm kịch đè nặng lên gia đình xã hội Trung Hoa - những tác phẩm đã làm bà nổi tiếng. Nhưng có một điều thiệt thòi cho nữ văn sĩ Pearl Buck, bà đã bỏ mất một mảng lớn trên cái "thế giới"- thế giới của nhà văn mà bà vẫn tự hào nắm vững. Đó là những người Hoa ở khắp chân trời trong đó có người Hoa tại Việt Nam.
Trên hành tinh của chúng ta, tôi tự hỏi có nơi nào lại không in dấu chân của người Hoa? Nước Trung Hoa rộng lớn mênh mông nhưng người Hoa vẫn bồng bế nhau đi "tha hương" khắp các chân trời. Trong các nơi họ dừng chân, có những dải đất mà họ tự nhận là Tổ quốc thứ hai như Việt Nam, tôi nghĩ có lẽ không nhiều. Bởi trước hết trên dải đất họ dừng chân, phải giàu lòng nhân ái, có thừa nhận họ không đã? Có thừa nhận "bốn phương vô sản đều là anh em" không? Việt Nam từ bao đời nay đã thành truyền thống sẵn sàng đón nhận những nạn nhân của chế độ hà khắc phải bỏ Tổ quốc ra đi, người Việt đối đãi với người Hoa không có phân biệt về quyền lợi làm ăn sinh sống trên quê hương thứ hai mà họ chọn này. Nhiều bạn bè đồng nghiệp viết văn với tôi, thời gian gần đây khi những người hàng xóm cùng phố với mình bỏ về Tổ quốc, Anh em mới chợt nhớ ra – Họ là những người Hoa. Giữa Việt và Hoa, giữa những người anh em vô sản tuy "gốc" dân tộc có khác nhau nhưng cái "gốc" bị đè nén và bóc lột đâu có khác?
            Lịch sử dựng nước Việt Nam còn ghi một trang buồn: "nghìn năm Bắc thuộc". Với nghìn năm Bắc thuộc ấy, những tưởng tinh thần hận thù dân tộc sẽ được nhân lên đến mấy nghìn năm.(Nhiều nước trên thế giới đã không xoá nổi hận thù dân tộc như chúng ta đều biết). Nhưng người Việt không hề lầm lẫn những nhà cầm quyền phong kiến Trung Quốc với những nạn nhân là dân lành – đối tượng suốt đời của nhà thơ Đỗ Phủ thời Trung Hoa đời Đường miêu tả. Đó là những ông già ở thôn Thạch Hào có 3 người con phải bắt đi lính đã chết trận hai người, nửa đêm còn bị lính lệ vào định bắt nốt cả mình đi phục dịch. Đó là những cặp vợ chồng mới cưới chập tối đón dâu sớm mai từ biệt ( Mộ hôn thần cáo biệt) vì bị bắt lính, cầm chắc cái chết trong tay. Người con gái xấu số"ngước nhìn trăm giống chim bay trên trời mặc dầu lớn nhỏ đều có đôi" khóc khi chia tay chồng.
Người Việt hiểu lịch sử người dân lành Trung Hoa như hiểu lịch sử của chính bản thân mình. Thông cảm và yêu thương người Hoa phải bỏ Tổ Quốc đi "tha hương" sang đất Việt, được người Việt từ bao đời nay đã tiếp nhận với tất cả tấm lòng cao thượng rộng mở. Người Hoa đã coi "nghìn năm Bắc thuộc" của Việt Nam do tập đoàn phong kiến phương Bắc xâm lược gây ra như một vết nhơ trong lịch sử Tổ quốc Trung Hoa. Nét cao thượng của mối tình quốc tế giữa hai dân tộc Việt – Hoa rất đáng tự hào. Mối tình quốc tế trong sáng ấy trong những ngày gần đây bỗng bị bôi đen xuyên tạc. Người Hoa đang sinh sống ở khắp nơi trên Tổ quốc thứ hai của mình có lệnh của đất nước kêu gọi hãy tìm cách trốn về quê cũ. Ở lại hay về? Trong câu hỏi đặt ra ấy có cả bão táp trong lòng, như nhiều bạn bè, tôi cũng có những người Hoa quen biết. Những người hàng xóm đã từng chia sẻ với tôi những lo âu khi từng đoàn B.52 của Mỹ xâm phạm bầu trời Hà Nội. Và những người Hoa ấy cũng rạng rỡ nụ cười vui chung với tôi ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
            Chúng tôi vẫn gặp gỡ nhau hàng ngày, vẫn đi cùng chung cầu thang khu tập thể nhưng tự nhiên trong quan hệ có điều gì khó nói, những người Hoa tìm cách tránh mặt tôi. Một buổi sáng trẻ con cho tôi hay người bạn Hoa của tôi đã trở về quê cũ, lặng lẽ không chào từ biệt. Đứng trước căn phòng vắng chủ được niêm phong, tôi tình cờ nhặt được một mảnh giấy bằng chữ Hoa, mảnh giấy nhắc hỏi bao giờ trở về Tổ quốc của một bàn tay "ma" đêm đêm lùa vào khe cửa phòng của người bạn Hoa hàng xóm. Tôi hiểu ngay đây là một thứ "Kim bài" tức lệnh nhà vua mà Tần Cối đã dùng để bức Nhạc Phi phải trở về.
Chúng ta còn nhớ câu chuyện Tống Nhạc Phi và Tần Cối thời Trung Hoa cổ, nước Trung Hoa thời Nam Tống bị giặc Kim nhòm ngó âm mưu xâm lược. Tần Cối thỏa hiệp với giặc, Nhạc Phi đứng về phía nhân dân không chịu nhục. Nhạc Phi đã bị Tần Cối "trói tay" bằng cách giả danh nhà vua gửi cho Tống Nhạc Phi 12 chiếc "Kim bài", Nhạc Phi cuối cùng đã phải cúi đầu tuân lệnh. Cầm trên tay chiếc "Kim bài" mà tôi nhặt được ở phòng anh, rất tiếc không được nắm tay anh bạn người Hoa để chúc anh lên đường may mắn. Tôi tin anh sẽ không quên những năm tháng vui buồn ở Tổ quốc thứ hai. Tôi cũng không tin anh sẽ dễ dàng phụ họa với bọn xấu đang dựng nên những hiềm khích giả tạo giữa nhân dân hai nước.
Nhà văn nữ Pearl Buck với sở trường miêu tả nội tâm người Trung Hoa, nổi tiếng những trang tiểu thuyết viết về xã hội Trung Hoa ngày ấy. Nội tâm của người Hoa trên quê hương thứ hai Việt Nam lúc này chưa có nhà văn nào đi sâu khai thác, một nội tâm giằng xé bị "ma đưa lối quỉ dẫn đường". Họ đang làm ăn sinh sống yên lành tại Việt Nam bỗng có "Kim bài" buộc phải trở về "cố lý". Cố lý là làng cũ, là quê xưa, là gốc gác có mồ mả tổ tiên mình yêu dấu nhưng vì lẽ này lẽ khác phải chia ly. Trong thơ Đỗ Phủ chúng ta vẫn gặp từ "cố lý", hai chữ "cố lý" chúng ta cũng gặp trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du: Người về quê cũ bao giờ cũng vui. Nhưng trong trường hợp này tôi biết: Người về cố lý không vui.
                                                                           Hà Nội, đầu tháng 6 năm 1978
                                                                                                         HẢI NHƯ
* Chú thích: Tác giả đã gửi bài tuỳ bút:" VỚI NGƯỜI VỀ CỐ LÝ" tới Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, ông đã cho D/C Năng- Thư ký riêng trả lời: Bài viết tốt nhưng chưa nên đăng. Nhưng Báo TIN SÁNG- Tp.Hồ Chí Minh thời điểm đó đã tới gặp tác giả lấy bài viết đăng.
-----------------

12 nhận xét:

  1. Cả hai bài đều rất hay, vậy mà tận bây giờ Chí Văn Phèo tôi mới biết. Thật tiếc và cảm thấy mình như người mắc lỗi!
    Hãy đào mả tên thất phu bán nước lên mà truy vấn: Tại sao công hàm bán nước thì phổ biến ngay, mà thơ ca yêu nước lại rắp tâm giấu nhẹm?
    Cảm ơn nhà thơ Hải Như, cảm ơn chủ trang Bùi Văn Bồng. Đặc biệt, cảm ơn Báo Tin Sáng - Một tờ báo dũng cảm, dám đăng những gì cần đăng! Không biết Báo Tin Sáng bây giờ còn không và ở đâu?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Năm 1981 Báo Tin Sáng bị dẹp!

      Xóa
    2. Báo Tin Sáng bị dẹp ư? Rất hèn mạt! Trách gì bây giờ bọn Tàu ô giết ngư dân mình ngay trên vùng biển nước mình, đem giàn khoan đến ngõ nhà mình đặt, mà mình chỉ dám "kiên quyết đấu tranh hòa bình"; lại còn thanh minh là "em không bao giờ liên minh quân sự với nước thứ ba để chống các anh"... Quá xấu hổ, quá nhục nhã cho thể diện quốc gia, dân tộc!

      Xóa
    3. Chỉ một bài thơ "Bóng tối sẽ phải lùi" của Hải Như, trị giá gấp vạn triệu lần những bản báo cáo dối trá, lưu manh, tào lao... của đại hội đảng các cấp ở VN.

      Xóa
    4. Những bản báo cáo ấy đem đốt lấy gio bón ruọng , lúa cúng không lên được. Hóa ra nó chứa rất nhiều chất độc hại, ảnh hưởng môi trường sõng.

      Xóa
  2. An Nam mình là thế, cái gì không quản được thì cấm thôi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không cấm được thì bắt đi tù... he... he...

      Xóa
  3. Nhân dân TQ và vn đều là một lũ khốn khổ, khốn cùng như nhau.

    Trả lờiXóa
  4. Đúng vậy , " em không bao giờ liên minh quân sự với nước thứ ba để chống các anh " . Các anh yên tâm là em chỉ kiên quyết đòi chủ quyền lamh thổ bằng cách đóng chặt cửa rồi hô phản đối ở trong nhà .

    Trả lờiXóa
  5. Khẩn cấp! VN đang mắc mưu " Dương đông kích tây" trên biển Đông. Tất cả xúm vào HD 981, ở Gạc Ma sân bay, bến cảng, khu dịch vụ, dân cư của Trung Quốc sắp hoàn thành rồi.

    Trả lờiXóa
  6. Ở mọi quốc gia cộng sản,tất cả mọi người dân đều là nạn nhân.người dân Trung quốc cũng vì miếng cơm phải dứt áo ra đi,họ cũng như người dân ta ; nay bươn trải xứ người,chồng hàn hay đài bắc,ô sin hay gái điếm,bán phẩm giá đời người ,mong đổi bát cơm đầy...ô nhục và thương đau cho các dân tộc bị cộng sản thống trị!!!

    Trả lờiXóa
  7. Tôi rất đồng cảm với bài viết của Hải Như. Nhưng tôi cũng xin kể một chuyện thật ,chuyện buồn mà tôi chứng kiến. Ở văn phòng Bộ tôi có một người đánh máy chữ rất giỏi (xin lưu ý mọi người là khi đó muốn có một văn bản, người ta phải gõ từng chữ một trên thiết bị gọi là "máy chữ " theo nguyên lý cơ học ). Anh đánh được chữ Anh , chữ Pháp, chữ Hoa, tất nhiên là cả chữ Việt , rất nhanh , rất chính xác. Mỗi lần có văn bản cần đánh đem xuống văn phòng , được anh nhận là rất mừng ..Thế rồi năm 1978 quan hệ Việt Nam -Trung Quốc căng thẳng. Anh là người Việt gốc Hoa dù ở Việt Nam đã nhiều đời , nhưng người ta không cho anh đánh máy ở văn phòng Bộ nữa mà chuyển anh sang đánh máy ở một trường cạnh Bộ..Tôi, một thời gian sau cũng chuyển sang trường đó và lại gặp anh khi đem giáo trình , giáo án xuống giáo tài cho anh đánh máy.Thế rồi một buổi trưa (tôi không nhớ là năm 1979 hay 1980 ) , anh gặp tôi, buồn rầu nói:anh đến từ biệt em ,mấy ngày nữa anh đi.Bên kia vận động về, bên này vận động đi, ép đi..người ta bảo anh:chúng tôi không báo đám an ninh cho gia đình anh..anh sợ lắm. Anh phải đi em ạ. Tôi hỏi anh:anh đi đâu ?- Anh cũng chưa biết đi đâu...nếu bán tất cả mọi thứ mà gom đủ mỗi người 2000 đồng (khi đó lương tháng của tôi là 74 đồng ) thì anh góp tiền đi Hồng Công còn nếu không đủ thì về Trung Quốc...Tôi tiễn anh ra tận cổng trường,..Hơn 30 năm rồi không biết anh về đâu. Cầu mong đừng bao giờ sảy ra điều ấy nữa

    Trả lờiXóa