Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

CŨNG LÀ “LỠ BƯỚC SANG NGANG” ?

* MINH DIỆN
           Vào ngày này 58 năm trước, 2-9-1955, tờ báo Trăm Hoa ra đời, đặt Tòa soạn tại 15 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đó là tờ báo tư nhân hiếm hoi xuất bản vào đúng ngày Quốc khánh năm thứ 10 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, do nhà giáo, nhà văn Nguyễn Mạnh Phác, tức Trúc Đường, làm chủ nhiệm, và nhà thơ Nguyễn Bính, em trai ông, làm chủ bút. Tờ Trăm Hoa chỉ tồn tại được hơn tám tháng, phát hành được 31 số báo, đến giữa tháng 5-1956 phải đình bản vì lỗ vốn và cũng do một sắc lệnh...Hơn 5 tháng sau, 20-10-1956, tờ Trăm Hoa tiếp tục xuất bản (hay còn gọi “Trăm hoa mới”), dời tòa soạn về 17 Lê Văn Hưu, do Nguyễn Bính làm chủ nhiệm và cũng là chủ bút. Nhưng Trăm Hoa này mệnh cỏn yểu hơn, chỉ ra được 16 số , đến đầu  tháng 6-1957, Nguyễn Bính phải tuyên bố “làm đám ma cho báo Trăm Hoa”.
Hai tờ báo Trăm Hoa đều “Sớm nở tối tàn”, và nhà  thơ Nguyễn Bính phải ngậm ngùi rời Hà Nội về Nam Định, nơi ông sinh ra, sống lay lắt mười năm, và ngày 9-2-1967, tức 30 tết Bính Ngọ ông qua đời khi vừa tròn 49 tuổi .
              Kể từ ngày ấy, ngoài vài bài thơ đã dân gian hóa như “Lỡ bước sang ngang” , “Chân quê”, “Cô hàng xóm”..., tác phẩm của Nguyễn Bính hầu như chìm vào quên lãng. Tên tuổi  tờ báo Trăm Hoa và  tên tuổi  nhà thơ ít người nhắc tới.
               Đến  giữa thập kỷ 80 thế kỷ trước, sau khi Tổng bí thư  Nguyễn Văn Linh tuyên bố “cởi trói cho văn nghệ sỹ” nhiều tác phẩm của Nguyễn Bính mới được xuất bản, đồng thời với  những bài viết ca ngợi  ông. Tuy nhiên  các bài viết rất dè dặt khi nói về số phận của tờ báo Trăm Hoa và cái chết bi thương của nhà thơ Nguyễn Bính.

               Những người rất thân ông, từng là nạn nhân trong vụ Nhân văn-Giai phẩm  như Trần Lê Văn, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hoài Việt thì e ngại. Đọc  “Cát bụi chân ai” và “Chiều chiều” thấy nhà văn lão thành Tô Hoài nói lấp lửng, úp mở vài điều. Còn Chu Văn, thì tả chân dung Nguyễn Bính  khá chi li và tỏ ra quý mến và ưu ái ông : “ Nguyễn Bính về Nam Hà, tuổi gần năm mươi, gầy , đen, tóc cắt ngắn gần như trọc. Anh ăn mặc thật giản dị: Một cái áo sơ mi màu nâu, một quần ka ki bạc màu, và đôi dép cao su. Toàn bộ hình thức ấy không gợi một vẻ gì một nhà thơ lớn trước đây - sau này người ta gọi là “thi nhân tiền chiến”. Anh cười đôi mắt nâu, sắc sảo, ánh hơi lạnh, và nụ cười khô, hàm răng ám khói thuốc lào” (nguồn Tuyển tập Nguyễn Bính , NXB Văn học,1986, trang 191)
                Năm 2010 nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân có một bài viết khá công phu về tuần báo Trăm Hoa, qua đó giúp mọi người hiểu được phần nào nguyên nhân “sớm nở tối tàn” của báo Trăm Hoa và chuyện Nguyễn Bính phải ngậm ngùi rời Hà Nội về Nam Định, chết cô đơn giữa quê hương mình, nhưng trong bài đó, ông  không nói về quãng đời phiêu lưu trước đó của nhà thơ.
               Nhân dịp Quốc Khánh năm nay, tôi ra Phú Quốc, tình cờ thấy một tảng đá trong khu vườn Resort trên bờ biển khắc bài thơ (theo kiểu  thư pháp) “Cánh buồm nâu” của Nguyễn Bính:
                      “Hôm nay dưới bến xuôi đò
                      Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
                       Anh đi đấy, anh về đâu?
                       Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...”
              Người chủ Resort nói ông khắc bài thơ của Nguyễn Bính lên đá vì Nguyễn Bính đã từng đến Phú Quốc với nhà thơ Đông Hố trước cách mạng tháng Tám 1945. Không biết chi tiết đó có đúng không, nhưng  quả thật  đứng  bên tảng đá thơ thơ ấy, nhìn biển hoàng hôn, một người chằng phải là nhà thơ như tôi cũng cảm thấy nao lòng. Tôi có cảm giác cánh buồm nâu kia như hình dáng nhà thơ Nguyễn Bính thấp thoáng trên biển hoàng hôn về nơi vô định, như số phận  long đong của ông. Từ cảm xúc đó tôi ngồi trước máy vi tính viết về ông,như một kẻ ngoại đạo “múa rừu qua mắt thợ” là các nhà thơ .
                 Nguyễn Bính  tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh ngày 13-2-1918, tức 3 tháng Giêng năm Mậu Ngọ, cầm tinh con ngựa, là con  cụ Nguyễn Đạo Bình,một nhà nho ở thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Người  cầm tinh con Ngựa, mạng Thiên Thượng Hỏa lại sinh vào tháng Dần, đầu mùa xuân, là người tài ba xuất chúng, tính cương trực, tự cao, thích phiêu lưu, công việc hay đổ vỡ vì nóng nảy, tình duyên trắc trở và số phận đắng cay! Có lẽ cái “lá số tử vi” ấy một phần nào đúng khi đối chiếu với cuộc đời  của Nguyễn Bính.
                Mẹ ông, bà Bủi Thị Miện (vợ ông Nguyễn Đạo Bình) sinh được ba người con là Nguyễn Mạnh Phác, Nguyễn Ngọc Thụ và Nguyễn Bính. Nguyễn Bính chưa được ba tháng tuổi thỉ bà Miện bị rắn độc cắn và mất khi mới 24 tuổi. Bà cả Giần chị gái bà Miện, phải bế cháu đi bú nhờ khắp làng :
                             “Còn tôi sống sót là may
                       Mẹ hiền mất sớm trời đày làm thơ!”
                  Sau này Nguyễn Bính đã viết hai câu thơ đó khi nghĩ về thân phận mồ côi của mình.
                 Ông Nguyễn Đạo Bình lấy vợ khác, ba anh em Nguyễn Bính được cậu ruột là  Bùi Trình Khiêm mang về nuôi. Cụ Bùi Trình Khiêm vốn dòng tộc khoa bảng, bản tính nhân hậu, độ lượng và rất nghiêm cẩn gìn giữ nền nếp gia phong. Cụ có người con trai là nhà văn Bùi Hạnh Cẩn  nên  cũng hướng các cháu đi theo con đường văn nghiệp. Nguyễn Mạnh Phác học hết thành trung , đi dạy học,  sau theo nghiệp văn, với bút danh Trúc Đường,  Nguyễn Ngọc Thụ cũng có thời viết báo. Còn Nguyễn Bính  là thần đồng thơ từ lúc còn nhỏ.
                    Năm 13 tuổi Nguyễn Bính đã đoạt giài nhất trong cuộc thi hát trống quân ở hội làng. Bài hát có đoạn:
                       Anh đố em này:
                       Làng ta chưa vợ mấy người?
                       Chưa chồng mấy ả,em thời biết không
                       Đố ai đi khắp tây đông
                       Làm sao kiềm nổi tấm chồng như chúng anh đây?
                       Làm sao như rượu mới say
                       Như giăng mới mọc như cây mới trồng…
            
                   Nguyễn Mạnh Phác lên Hà Đông dạy học tư, đưa Nguyễn Bính theo, kèm cặp em , đặc biệt  về văn học Pháp qua những tác phẩm của Victor Hugo, G.Mopasxang, Louis Aragon, Joachim du Belley, Jacques Brel... Nguyễn Bính từ đó  gắn bó với anh trai cả về văn chương và cuộc sống. “Lỡ bước sang ngang” chính là bài thơ Nguyễn Bính viết về mối tình  của  anh trai với  người Nguyễn Bính đã gọi là chị dâu, nhưng không thành, một mối tình đẹp như mơ đầy ngang trái:
                          “Hôm nay xác pháo đầy đường
                          Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng
                          Chuyến này chị bước sang ngang
                          Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây”
                       Nguyễn Bính trưởng thành sớm và thơ  ông càng vượt lên trước tuổi.   Năm 1932-1933,  mới mười bốn, mười lăm tuổi, Nguyễn Bính đã theo bạn lên tận vùng Đồng Hỷ, Thái Nguyên, si tình  như một người trưởng thành:
                           “Da trời ai nhuộm mà lam
                           Tình ta ai nhuộm ai làm cho phai”
                            Hay:
                           “Hỡi cô con gái hái mơ già
                           Cô chửa về ư? Đường thì xa
                            Mà cái thoi ngày như sắp tắt
                            Hay cô ở lại về cùng ta?”
                       Năm 1937, mười chín tuổi , Nguyễn Bính đoạt giải khuyến khích thơ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, ba năm sau , bước vào tuổi hai hai, thơ ông   nổi như cồn  từ Bắc chí Nam.
                      Cũng như nhiều văn nghệ sỹ khác thời ấy, Nguyễn Bính muốn vào đàng trong tìm hồn thơ ở sông Hương, núi Ngự  cố đô Huế. Nguyễn Mạnh Phác  chiều lòng em,  bán chiếc máy chụp ảnh là thứ rất quý giá bấy giờ, và về quê bán luôn  những tảng đá xanh lát thềm nhà   lấy tiền làm lộ phí cho Nguyễn Bính.
                 Từ Huế , Nguyễn Bính gửi thơ cho Nguyễn Mạnh Phác in báo, cũng là gửi tâm tư mình cho anh chị:
                          “Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió
                           Xuân này em chị vẫn tha hương
                           Vẫn ăn cái tết ngoài thiên hạ
                           Son sắt say hoài rượu bốn phương”
                           ......
                           “Thời chưa gặp đỏ, nằm xuông mãi
                           Xuông cả ân tình rượu cũng xuông
                           Trước mặt bút nghiên , sầu tịch mịch
                           Quanh mình chăn chiếu rộn tang thương”
                     Năm 1943, Nguyễn Bính đi biệt vào miền Tây Nam Bộ , kết bạn vong niên với nhà thơ Đông Hồ và Kiên Giang.
                    Cuộc khởi tháng 8- 1945 thành công,rồi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Đông Hổ, Kiên Giang, Nguyễn Bính  hòa vào dòng thác cách mạng do Hồ Chủ tịch đứng đầu.
                  Bấy giờ ở Sài Gòn chính phủ “Nam kỳ tự trị” của thủ tường Nguyễn Văn Thịnh treo giải cho người nào đưa được nhà thơ Nguyễn Bính dinh tê, sẽ thưởng 1000 đồng bạc Đông Dương. Nếu Nguyễn Bính tự vào thành cũng được thưởng món tiền đó, ngoài ra còn được bảo đảm cuộc sống sung túc. Một ngàn đồng Đông Dương lúc đó mua được xe hơi, nhả lẩu , bằng cả một cơ nghiệp. Có người  viết thư khuyên Nguyễn Bính nên bỏ Việt Minh theo chính phủ Nam kỳ tự trị,  sống sung sướng và tự do sáng tác. Tổ chức cách mạnh đâm nghi Nguyễn Bính “rẽ bước sang ngang”. Ông đã trả lời thẳng thắn bằng hai câu thơ :
                             “Mình không bỏ Sở sang Tề
                           Mình không là kẻ lỗi thề thì thôi!”
                  Thái độ dứt khoát ấy còn thể hiện bằng việc Nguyễn Bính  gia nhập Vệ quốc đoàn.  Tướng  Trần Văn Trà và  Nguyễn Văn Vịnh, những người rất thích thơ Nguyễn Bính,  đã nói với Bảo Định Giang: “ Đối đãi đàng hoàng,chăm sóc chu đáo tác giả Lỡ bước sang ngang”. Cả bí thư khu ủy Lê Duẩn cũng quý mến Nguyễn Bính. Ông đã mai mối cho Nguyễn Bính lấy Nguyễn Hồng Châu, một cán bộ phụ nữ miền Nam  xinh đẹp, và hai người đã sinh được người con gái đặt tên là Nguyễn Bính Hồng Cầu.
                 Nguyễn Bính quấn khăn rằn, khoác  súng trường, đeo nóp cùng những người lính  chinh chiến từ  rừng U Minh đất mũi miền Tây, đến Đồng Tháp Mười miền Đông . Ông chung võng, chung chăm, chung mảnh khăn rằn cùng người lính. Mổ hôi , nước mắt và máu của quân dân Nam Bộ hòa vào thơ ông , vừa đằm thắm nghĩa tình, vừa hào sảng , đẫm sắc thái phương Nam.  Ông theo chân các chiến sỹ Tiểu đoàn cơ động 307, tham gia trận  Mộc Hóa, La Bang và bài  thơ  “Tiểu đoàn 307”, ông sáng tác năm 1949, đăng trên báo Tổ Quốc , Khu 8, được nhạc sỹ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc thành một bài hát nổi tiếng  sống mãi cùng năm tháng:

                           “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long giang
                            Cửu Long giang sóng trào nước soáy
                            Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn
                            Tiếng Tiểu đoản ba trăm lẻ bảy
                             Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy
                             Cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng
                             Người chiến sỹ tiếc gì máu rơi
                             Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy
                             Nguyện một lòng giữ vững non sông...”
                 Năm 1954, Nguyễn Bình tập kết ra Bắc theo hiệp định Genève.Ông cũng như cán bộ chiến sỹ miền Nam tập kết đinh ninh rằng hai năm sẽ có hiệp thương thống nhất, nhưng rồi niềm tin ấy tắt ngấm. Cảnh “ngày Bắc , đêm Nam” day dứt, khắc khoải,  rất sâu đậm trong bài thơ “ Gửi vợ miền Nam” của Nguyễn Bính:
                             “Thư một bức ngàn lời tâm huyết
                             Đêm canh dài thức viết cho em
                             Bồi hồi máu ứ trong tim
                             Chảy theo ngòi bút hiện lên thư này”
                             .....
                             “Ai chia cắt kẻ Nam người Bắc
                             Mảnh trăng tròn ai cắt làm đôi?
                               Ai làm máu đổ lệ rơi
                             Ai đang lấp ngõ, ai xui phá cầu?”
                 Nỗi khắc khoải dần nguôi ngoai, và  Nguyễn Bính bị cuốn vào công cuộc xây dựng miền Bắc. Cũng như nhiều nhà văn, nhà thơ bấy giờ, Nguyễn Bính đặt niềm tin vào  chế độ mới, tiếng thơ của ông có vẻ  gượng gạo giữa một “dàn tụng ca” nhuần nhuyễn của Tố Hữu, Huy Cân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên...
                               “Từng lớp người vĩ đại
                                Cuồn cuộn đi trong một biển cờ
                                 Đi giữa lòng ngưỡng mộ
                                 Đi giữa tiếng hoan hô
                                 Những bước chân chiến thắng
                                 Rầm rập vang rền nẻo cố đô
                                  Người Hà Nội vỗ tay trào nước mắt
                                 Ôi! Tám năm đằng đẵng mong chờ”
                  Và:
                                “Đường dài nghĩa nặng tình sâu
                               Ăn cơm Trung Quốc đi tàu Liên Xô”
                  Có lẽ Nguyễn Bính sẽ được ưu ái chả kém gì các nhà văn miền Nam tập kết như Nguyễn Văn Bổng, Bảo Định Giang, Đoàn Giỏi nếu ông cứ khai thác cái mạch thơ ấy, và nhất là đừng đụng chạm đến Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoài Thanh .  Nhưng với tính cách  tự do phóng túng và kiêu kỳ khinh bạc của mình , Nguyễn Bính không chịu cúi luồn. Ông bỏ cơ quan nhà nước là Nhà xuất bản Văn Nghệ , ra làm báo tư nhân, để được viết, được đăng những gì mình muốn.
               Tờ Trăm  Hoa mới  của Nguyễn Bính  đã đánh thẳng vào cái thói cửa quyền, bè phái, sùng bái cá nhân, nịnh bợ trong giới văn nghệ, làm cho đời sống văn học bị độc tôn hóa , phiến diện hóa, ém nhẹm thông tin hóa, mà tiêu biểu là việc trao “Giải thưởng văn học 1954- 1955”. Giải thưởng văn học đó bị  Nguyễn Bính cho là sai lầm nghiêm trọng, là một nỗi nhục, và ông đề nghị xét lại toàn bộ giải thưởng , cụ thể : Đưa  tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu từ giải nhất xuống giải nhì , bỏ giải nhì  tập thơ Ngôi Sao của Xuân Diệu đi,  loại tập  ca dao của Nguyễn Hiêm, tập Thơ chiến sỹ, tập bút ký “Nam bộ mến yêu”, kịch bản “ Việt ơi”, truyện ngắn” Cái lu” ra khỏi giải , đưa tập thơ “Chú Hai Neo” và tập thơ của Tú Mỡ  từ giải nhì xuống giải khuyến khích, xét lại  truyện “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc  có nên để giải nhất hay đưa xuống  giải nhì và  đưa vào giải  những tác phẩm có giá trị của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm.
              Có lẽ chưa có bài viết nào cụ thể về tập thơ “Ngôi sao” của Xuân Diệu, bằng bài viết Nguyễn Bính . Thời bấy giờ, với cái dáng sừng sững như cây cổ thụ giữa rừng của Xuân Diện , mà Nguyễn Bính dám nói bốp chát như dao chém đá thì quả thật  đáng phục.  Ông Viết : “ Bản thảo tập thơ Ngôi Sao đã đưa cho nhà xuất bản Văn Nghệ xem. Toàn thể anh em văn nghệ công tác ở nhà xuất bản đều thấy là dở quá. (Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Bính...)không đồng ý cho in. Quyển đó cứ bỏ lay bỏ lắt 4-5 tháng. Nhưng cấp trên cứ dục in. Túng thế anh em đành lựa một số bài không đến nỗi tồi lắm đưa sang nhà in Quốc gia (lúc ấy còn coi cả việc phát hành sách báo)thì bên ấy cũng không chịu in. Vì lẽ “Thơ Xuân Diệu không có độc giả”. Xuân Diệu lại vận động mãi với cấp trên , sau bất đắc dĩ nhà in Quốc gia nể quá mới in 1.500 quyển. Khi in ra , tập Ngôi sao đã bị dư luận chỉ trích rất nhiều. Điều đó thiết tưởng thường vụ Hội Phải biết rõ hơn ai hết. Xin nói thêm rằng hồi cho in tập Ngôi sao, là hồi  nhà xuất bản Văn nghệ cùng đóng chung một căn nhà với thường vụ Hội (51 Trần Hưng Đạo) , thường vụ Hội mặc dù có bưng tai bịt mắt đến đâu chăng nữa chắc cũng phải nghe dư luận ở những anh em cùng chung một nhà ở, cùng chung một bàn ăn, đối với tập Ngôi Sao. Vậy mà đến lúc chấm giải vẫn cứ để cho nó được giải. Mà lại giải nhì. Như thế thì hiền như bụt cũng phải thắc măc”
              Nguyễn Bính  vạch ra lý do tập thơ Ngôi Sao của Xuân Diệu được giải nhì vì: “ Ông Xuân Diệu trong Ban giám khảo đưa tác phẩm mình dự thi, tự chấm giải cho mình. Ông Huy Cận trong Ban giám khảo với Xuân Diệu là một. Ông Hoài Thanh trong Ban giám khảo lại là vụ trưởng vụ nghệ thuật là  cấp dưới của ông thứ trưởng Huy Cận”
                 Nguyễn Bính phẫn nộ: “ Anh em không thể ngờ Ban giám khảo lại có thể khinh  thường văn nghệ, khinh thường anh em và quần chúng đến mức ấy”
               Chao ôi thế mà những bài thơ trong tập Ngôi Sao của Xuân Diệu xuất hiện nhan nhản trong sách giáo khoa thì có giết người không!
                Về tập thơ  Việt Bắc của Tố Hữu đoạt giải nhất, Nguyễn Bính  táo tợn viết bằng giọng châm biếm rất sâu sắc: “  Khi bắt đầu đặt giải thưởng Văn học toàn quốc 1954-1955, anh em văn nghệ sỹ gặp nhau thường hay nói đùa một câu : Giải thưởng này cái gì thì không biết, chứ tập thơ Việt Bắc thì chém chết cũng được giải nhất rồi. Tất nhiên chúng ta  đều hiểu rằng câu nói đó không phải là một câu tán dương. Anh em nhớ mãi cái cuộc tranh luận về quyển thơ Việt Bắc, chưa ngã ngũ ra sao, thì các ông lãnh đạo Hội đã vội vàng đưa ra mấy bài “bịt lỗ châu mai”lại. Anh em không thể nào quên cái câu ông Hoài Thanh phát biểu : “Địch nó không mong gì hơn là ta chê thơ Tố Hữu”. Ông Hoài Thanh đã mang cả địch ra mà bảo vệ cho thơ Tố Hữu . Cái lối nịnh trên nạt dưới ấy tất nhiên ông Hoài Thanh phải đem sử dụng vào việc chấm giải... Sở dĩ anh em biết trước  thế nào tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu cũng đoạt giải nhất bởi anh em không còn lạ gì cái tệ sùng bái cá nhân của một số cá nhân lãnh đạo Hội Văn nghệ”
                 Cái tội Nguyễn Bính cả gan xúc phạm đến Tố Hữu, Hoài Thanh và anh em nhà Huy Cận, Xuân Diệu đã là tội tày đình. Nhưng người ta chưa đụng tới Nguyễn Bính,thậm chí còn muốn sử dụng ông làm một thứ vũ khí sắc bén để đánh nhóm Nhân Văn- Giai Phẩm.
                 Còn nhớ, khi  tờ Trăm Hoa cũ của Nguyễn Mạnh Phác và Nguyễn Bính chỉ ra được 31 số rồi phải đình bản vì : “ Phải mua giấy giá cao hơn so với giá cung cấp dành cho các báo nhà nước và đoàn thể, các cơ sở phát hành lớn của hệ thống “hiệu sách nhân dân” không bán các báo tư nhân, ngoài ra còn một trở ngại đáng kể là cán bộ chính quyền và đoàn thể các địa phương thường gây trở ngại cho phóng viên và người phát hành các báo tư nhân” nên lỗ vốn, hết tiền. Thì ngay lúc đó lại  người  giúp tiền cho Nguyễn  Bính ra tờ Trăm Hoa mới. Người đó là ai?
Trong “Cát bụi chân ai”, Tô Hoải đã trả lời câu hỏi đó : “ Cấp trên đã có sáng kiến lấy giấy và tiền nhà của  xuất bản Văn Nghệ  dúp Trăm Hoa, và  giao nhiêm vụ cho Tô Hoài  thuyết phụ tờ báo tư nhân nhưng có tiếng nói chống những luận điệu ngang ngược của báo Nhân Văn giai phẩm”. Qủa là một đòn hiểm của các nhà lãnh đạo!
                 Kết quả theo nhận định của Tô Hoài : “ Tờ Trăm Hoa có một vẻ khác. Không về bè với Nhân văn giai phẩm, nhưng chẳng đi với ai. Cấp trên nhận xét từng số, từng bài, cho là chưa đủ hơi sức hỗ trợ cấn thiết”.
               Tô Hoài đem nhận xét ấy bàn lại với Nguyễn Bính. Nguyễn Bính bảo Tô Hoài : “ Trăm Hoa thế mới là báo của Nguyễn Bính chứ. Nếu không thì mày làm quách cho xong”.
                Cấp trên cùa Tô Hoài nhận ra đã đầu tư nhầm chỗ.  Nguyễn Bính không ra đòn thẳng tay đánh Nhân Văn-Giai Phẩm, ngược  còn bênh những văn nghệ sỹ bị nạn như  Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Quang Dũng, Hoàng Cầm , Thụy An...  
               Trên tờ Trăm Hoa số 4, ông đăng bài ký tên  Lưu Thủy, có đoạn  : “ Biết bao nhiêu bài thơ, chưa nói đến văn, dở òm và nhạt phèo của Xuân Diện, của Nguyễn Đình Thi, của Huy Cận ...vẫn được in một cách vô tội vạ. Trong khi một bông hoa của chị Thụy An bị vùi dập. Vì cái tinh thần bè phái đương nghự trị trong đầu một số ông phụ trách báo , sách văn nghệ và văn hóa đại chúng, và trên hết là cái tinh thần bè phái ở ngay trong cơ quan lãnh đạo Hội. Tất cả rắc rối ( hạn chế tài năng của cá nhân, kìm hãm tiến triển của phong trào, thiếu đoàn kết, gây phản ứng) do đó mà ra cả”
               Về chính trị, Nguyễn Bính  muốn : “ Đem những lời trung thực cùa ta để xây dựng chế đội ngày thêm tươi đẹp, chúng ta sẽ không bị câm ,và nhất định không bao giờ để phải bị câm!” Ông viết trên Trăm Hoa số 5 : “ Phải nói rằng một trong những nguyên nhân mắc phải sai lầm là mũi nhọn chuyên chính đã chĩa vào ta và bạn. Máu và nước mắt đã chảy dài trong cuộc chiến tranh cách mạng. Máu và nước mắt của một số người lại chảy trong cải cách ruộng đất. Nỗi đau khổ của một số đồng bào nông dân , của một số đảng viên bị xử trí oan không phải là không chính đáng”
              Tưởng có thể biến Nguyễn Bính thành một lính xung kích, nào ngờ Nguyễn Bính ngang ngạnh như thế. Cấp trên của Tô Hoài quyết định ra đòn với Nguyễn Bính. Cái tội phỉ báng Tố Hữu, Xuân Diệu được cộng vào. Người  chấm dứt sáng kiến tài trợ tiền , giấy cho Trăm Hoa và đày Nguyễn Bính về Nam Hà.
               Một buổi tối,Nguyễn Bính cùng anh là Trúc Đường đặt một mâm rượu ở nhà hàng Lục Quốc , mời Tô Hoài tới dự. Nguyễn Bính nâng ly rượi lên, mắt ầng ậng nước, nói với Tô Hoài : “Hôm nay ăn cỗ đám ma Trăm Hoa!” ( Theo Cát bụi chân ai)
              Nguyễn Bính về Ty văn hóa  Nam Hà, nơi  nhà văn đồng hương Chu Văn, làm Trường ty.
               Năm 1986, khi viết lời bạt cho Tuyển tập Nguyễn Bính ,  Chu Văn ca ngợi nhà thơ đồng hương như một bậc thiên tài, và ông như  cố nhân của Nguyễn Bính. Nhưng trong “ Chiều chiều” của Tô Hoài, thì Nguyễn Bính về Ty văn hóa  Nam Hà trước sau chỉ là một nhân viên ngoài biên chế”.  Trưởng ty Chu văn được giao đặc trách “ chăm sóc” Nguyễn Bính thì  : “ Những ai đã công tác cùng Nguyễn Bính ở Ty văn hóa Nam Định có thể biết Chu Văn đã quần Nguyễn Bính như thế nào”.(nguồn  Chiều chiều, trang 228)
              Ông Chu Văn cư xử thế nảo chả cần phải nói hết ra, nhưng về cái chết của nhà thơ Nguyễn Bính, ông  bảo có điềm báo trước. Ông kể : “ Cuối năm 1965 , nhằm kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, người mà Nguyễn Bính vốn coi như “ Tổ sư”của mình trong lĩnh vực làm thơ, báo Xuân Bính Ngọ ra số đặc biệt với nhiều bài thơ về Nguyễn Du. Hôm duyệt bài bào Tết, Nguyễn Bính cười thật tươi, tay cầm một xấp giấy mỏng, khoe : “ Chỉ trong một đêm , tôi đã viết được một bài tập Kiều, vịnh cụ Tiên Điền”. Nguyễn Bính không cho ai xem mà chờ đến lúc đông đủ anh em mới trịnh trọng giở những trang giấy được viết thật công phu, chữ đẹp như xếp, rồi hắng giọng ngân nga: “Kính tặng cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều”:
                                      Cào thơm lần giở trước đèn
                            Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa
                                     Trăm năm trong cõi người ta
                             Một thiên tuyệt bút gọi là để sau
                                   Khen tài nhả ngọc phun châu
                             Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
                                 Mấy lời ký chú đinh ninh
                             Rằng tài nên trọng mà tình nên thương
                                  Khen rằng giá đáng Trịnh Đường
                             Thì treo giải nhất , chi nhường cho ai
                                  Gẫm câu người ấy, báu này
                             Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
                                 Nặng vì chút nghĩa xưa sau
                             Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay
                                  Thương vui bởi tại lòng này
                              Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời
                                   Lòng thơ lai láng bồi hồi
                               Tưởng người nên lại thấy người về đây...
                   Cả hội đồng duyệt bài số báo Tết hôm ấy , cùng lặng đi. Một bài tập Kiều thật hay. Nhưng nghe ra ... đây tuy đề tặng cụ Tiên Điền mà cứ như tâm sự cùa Nguyễn Bính , tổng kết cái cuộc đời thơ tài hoa long đong lận đận của mình”
                Thực ra Nguyễn Bính chỉ là một nhân viên ngoài biến chế làm gì  được nằm trong hội đồng duyệt báo Tết mà cười với chả tươi. Khi ông Chu Văn và những người lãnh đạo duyệt báo , thì Nguyễn Bính đang bệnh nặng, nằm co ro một mình trong căn phòng trống gió lùa hun hút. Ông cố gắng đạp xe về quê Đại Hoàng ăn tết với vợ con nhưng không nổi, phải rẽ vào nhà một người bạn ở Lý nhân, và chết ở đó.
                  Nhà văn Vũ Bão kể về cái chết đau lòng của nhà thơ Nguyễn Bính như sau: “ Khi làm báo Hà Nam, tôi và Nguyễn Bính có một người bạn chung là Đỗ Văn Hứa, người thôn Mạc Hạ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Anh này làm nghề bốc thuốc đông y nhưng cũng viết báo, làm thơ lấy bút hiệu là Tân Thanh. Đặc biệt anh rất yêu thơ Nguyễn Bính nên mỗi lần về Ty văn hóa Hà Nam họp , Tân Thanh lại khẩn khoản  mời Nguyễn Bính về nhà mình chơi. Được cái cô Sang-vợ Tân Thanh-là người rất mến khách, mỗi lần chúng tôi về nhà, cô tiếp đón niềm nở.
                 Mùng 4 Tết, tôi mới được nghỉ, đạp xe đi thăm đây đó. Mười giờ sáng tôi tới nhà Tân Thanh, ở Mạc Hạ. Vừa nhìn thấy tôi dắt xe vào trong sân, cô Sang đã nói ngay: “ Bác Vũ ơi, bác Bính mất rồi! Tôi đứng sững lại: “Ai nói với cô?” Cô Sang nói tiếp: “Tuần trước , bác ấy đạp xe về nhà em. Trời trở gió, vừa vào tới nhà, bác ấy đã bảo nhà em đưa bác ấy đi bệnh viện. Thời may, bệnh viện huyện lại sơ tán ngay ở xã em. Bác ấy bị thổ ra máu. Nằm ở bệnh viện huyện ba ngày, sức khỏe hơi đỡ, lại về nhà em lấy xe đạp tính về Đại Hoàng ăn tết với vợ con. Hôm ấy đã là 29 Tết rồi. Thấy bác còn mệt, chúng em sợ bác không đủ sức về Đại Hoàng nên cố giữ bác lại ăn tết cùng chúng em. Sáng 30, nhà em sang chỗ hàng xóm  chia thịt lợn mang về cái đùi và một ít lòng, tiết canh để hai anh em ăn cơm. Bác Bính bảo nhà em cứ ở nhà ăn với bác bát cơm cái đã. Nể bác nhà em ngồi nán lại ăn cơm. Bác Bính có thói quen ăn xong là đi rửa tay. Bác vắt khăn lên vai, lò dò bước xuống cầu ao. Bỗng chúng em nghe tiếng bác gọi “ Tân Thanh”. Nhà em chạy vội ra sân, thấy bác Bính đang gục xuống gốc mít, cạnh hố vôi. Nhà em xốc bác lên, tựa người bác vào ngực mình. Miệng bác đầy máu, bác thổ ra huyết. Nhà em chạy đi gọi anh Huê và anh Đáp, nhờ họ cáng bác lên bệnh viện. Y sỹ khám cho bác ấy  xong mới cho nhà em biết bác ấy mất rồi. Nhà em ra Bưu điện gọi điện bào tin cho bác Trúc Đường và Ty văn hoa”
               Đó là 30 Tết Bính Ngọ, nhằm ngày 9-2-1967, Nguyễn Bính vừa tròn 49 tuổi.
              Nguyễn Bính làm thơ từ lúc thiếu thời, và trải hơn ba mươi năm theo nghiệp thơ. Ông sống hết mình cho thi ca, và thơ ông là âm thanh chau chuốt nhất được chắt lọc từ mảnh đất màu mỡ thấm đẫm chất dân ca vừa giản dị vừa đằm thắm lại vô cùng cao sang của làng quê Việt Nam. Ông yêu tự do như một chàng lãng tử, tâm hồn  luôn bị ám ảnh vì lỡ bước sang ngang, số phận  đen bạc như hai tờ báo Trăm Hoa sớm nở tối tàn mà  nhà thơ Xuân Sách đã vẽ thành chân dung ông: “Hai lần lỡ bước sang ngang. Thương con bướm đậu trên dàn mồng tơi. Trăm hoa thân rã cánh rời. Thôi đành lấy đáy giếng thơi làm mồ!”.
              Ôi, “Trăm hoa thân rã cánh ròi” – thăng trầm, biến trải, cám cảnh!  Nhớ tới Nguyễn Bính năm xưa với ước vọng làm báo mà đành chịu thân phận èo uột của tờ Trăm Hoa (khó mà đua nở) với “hai lần lỡ bước sang ngang”. Lại nghĩ, làm báo thời nay sướng thật; nhà nước bao cấp cho cả nghìn tờ báo, đài phát thanh, truyền hình bằng nguồn “kinh phí khủng”, sống khỏe. Nếu bị lỗ ư? - Có ngay bù lỗ! Khó khăn gì ư? - Có Đảng, nhà nước lo! Viết gì ư? - Có chỉ đạo sát sao hàng tuần, hàng ngày, cả nội dung từng ván đề, vụ việc… 
             Chỉ hiềm một nỗi, với công nghệ tinh xảo, hiện đại của thời @, bùng nổ thông tin toàn cầu, thế giới phẳng, nhưng các trang mạng xã hội vẫn không được quyền thoải mái hòa nhập cộng đồng, chịu cảnh phập phù đi tìm con đường “tự do ngôn luận”, quyền truy cập, trao đổi thông tin. Xem ra, nay không chỉ Trăm Hoa, mà nhờ sóng trời (mạng Internet) đã khai thông tầm giao lưu cho cả hàng Chục Triệu Hoa blog đang nở, thế mà không hiểu vì những lý do gì, người ta vẫn coi đó là điều lo ngại, coi như ‘thế lực thù địch’...Đã là thời đại nào mà người  ta lại cảnh giác và sợ Internet đến thế? Họ còn, tìm mọi cách ‘xịt thuốc diệt cỏ’ vào những vườn hoa mạng xã hội đầy sắc hương mà chẳng càn đếm xỉa đến sự phát triển khoa học công nghệ cao, chẳng cần biết đến dân chủ, nhân quyền (!?).  Chẳng lẽ thân phận mạng xã hội nay cũng là “lỡ bước sang ngang”? Dịp lế Quốc Khánh, lại nhớ câu trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh tố cáo chế độ thực dân Pháp: “Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân…”. Có gì đau nhói trong lòng!
2-9-2013
M.D
----------------

32 nhận xét:

  1. Mot bai viet rat hay va that sau sac.Khong phai mua riu truoc mat tho dau ma sieu nghe day.Chuyen bao Tram hoa nua the ky truoc da dau chuyen bay gio con dau hon. Giua thoi dai thong tin Internet ma nguoi ta cam bao mang thi phat xit that. Mang thuoc diet co xit vao vuon hoa blog .Hay qua hay.Dau that va cung that nuc cuoi vi do khung.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trịnh Đình Thiếtlúc 20:00 4 tháng 9, 2013

      Một cái kết bài viết rất tuyệt vời, đúng thực trạng, sát thực tế, hợp với sở nguyện của những sinh viên, cư dân mạng chúng tôi. Cản ơn tác giả MD và chủ trang - đại tá Bùi Văn Bồng. Mỗi ngày thiếu thông tin mạng, chúng tôi như đang sống tại nửa thế kỷ trước!

      Xóa
    2. Đồng ý với bạn 100%.

      Xóa
  2. Đúng quá bác Bồng ơi. Nếu vậy chúng ta lại được và sẽ sống dưới thời kỳ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phê phán cách đây gần trăm năm.

    Trả lờiXóa
  3. Đinh Duyên Địnhlúc 20:21 4 tháng 9, 2013

    Ôi, ngày xưa, vì cái Chiến dịch đánh Nhân văn-Giai phẩm mà Trăm Hoa tự do ngôn luận đã không thể "đua nở", nay cả "Triệu đoán hoa hồng" mạng XH lai có nguy cơ bị xịt "thuốc diệt cỏ" oan khốc . Hu ... hu ...

    Trả lờiXóa
  4. Ngày xưa, trong TNĐL, Chủ tịch Hồ Chí Minh tố cáo chế độ thực dân Pháp: “Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân…”. Nay là "Thực quan Việt"! Xã hội dân chủ, tự khoe tôn trọng nhân quyền mà thế?! Buồn, đau, tôi 'mếu máo' đây!

    Trả lờiXóa
  5. Nguyễn Bính rất khí khái khi không thèm ra Báo Một Hoa.

    Trả lờiXóa
  6. thế mới biết một lũ ô hợp http://soha.vn/xa-hoi/thai-nguyen-bi-thu-xa-mang-dan-ngu-kem-hieu-biet-va-bo-lao-20130827175848138.htm

    Trả lờiXóa
  7. Cam on nha bao Minh Dien - Bui Van Bong da viet nhung bai bao that su tam huyet va chuyen nghiep. Nhung van de cac anh dat ra la van de ma nhan dan dang buc xuc. Toi khong the hieu noi tai sao nguoi ta lai xoe ban tay che,mat troi khi ra Nghi dinh 72.Nhung do lai chinh la cai co de bat bo sau nay.Khon nan that cac anh a.Mong nhieu nha bao nhu MD-BVB

    Trả lờiXóa
  8. Duoc cho tien lam bao nhung Nguyen Binh khong cam tam lam tay sai cho dang cong san danh ban be.Khon nan cho bon du luan vien bay gio tham tien vu khong danh dong nghiep minh.Chung hen mat va de tien vo liem xi.Cam on nha bao Minh Dien va Bui Van Bong da cho moi nguoi hieu rat sau mot con nguoi mot le song va quy luat cuoc song

    Trả lờiXóa
  9. chuẩn không cần chỉnh

    Trả lờiXóa
  10. MD và Trang chủ là những cây hoa trong hàng trăm hoa trong vườn hoa thế giới phẳng . chúc sức khoẻ 2 cây hoa tươi tốt toả hương cho đời .

    Trả lờiXóa
  11. Tôi đang có số báo VĂN năm 1969 viết về Nguyễn Bính của nhà văn Vũ Bằng và nhà thơ Mộng Tuyết (vợ của Đông Hồ), Bác Bồng thấy được thì tôi chuyển cho Bác. Kính .

    Trả lờiXóa
  12. 1956 là năm Bính Thân
    1957 là năm Đinh Dậu
    Nếu N B sinh năm 1918 (Mậu Ngọ/Thiên thượng hỏa ) mất năm 1957 thì thọ có 39 tuổi (40 là tuổi mụ) mà thôi

    Trả lờiXóa
  13. Tôi thích cách viết giản dị,cẩn thận rành mạch của nhà báo Minh Diện.Nhà thơ Nguyễn Bính có tiết tháo quân tử. Tính cách ông như vậy sống sao nổi giữa đám tiểu nhân Xuân Diệu, Huy Cận, Hoài Thanh đặc biệt là Tố Hữu. Nhưng những người như Nguyễn Bính, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Hữu Loan...được người đời sau ca tụng còn bọn tiểu nhân kia , mỉa mai thay, cỏ chưa xanh mồ đã bị đào xới lên.Bài học đó lẽ ra người trí thức phải hiểu, nhưng vì tiền, quyền và cũng vì hèn, nhiều trí thức bây giờ làm những việc tồi tệ bẻ cong ngòi bút ca ngợi cái ác, cái xấu, vu oan giá họa vào hòa với quan tham quan ác hại bạn bè đồng nghiệp. Thật đau lòng quá.Cái gọi là Nghị định 72 đúng là thuốc diệt cỏ rải vào vườn hoa Blog rồi.Tấm gương Hồ Chí Minh đàng cộng sản bấy nay tổ chức phất động học tập và làm theo trở thành tấm gương phản chiếu rất hiện thực về sự sa đọa đọa biến chất của đảng.Cám ơn nhà báo Minh Diện và chủ Blog Bùi Văn Bồng. Mong các anh mạnh khỏe. ( Phan Minh Tuất Đại tá CCB, Quận Đống đa, Hà Nội)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. He...he...Đúng như thế đấy, bác P.M. Tuất ơi!
      Xuân Diệu thì lo "ru với gió", Huy Cận cũng ru bên giường để "hầu quạt" người đẹp và theo 'con chim mộng đầu giường", Tố Hữu thì "Mặt trời chân lý chói qua tim" làm trái tim khô cứng, héo quắt, hết rung động, đâu biết đến dân chủ, nhân quyền, dân sinh, tình đồng nghiệp đồng hội đồng thuyền là gì...Vì thế, các nhà văn nhà thơ có tâm có tài bị đánh tơi bới xác pháo!Đau, buồn đời lắm thay! Nay mong các nhà chức trách thấm bài học để đời ấy, đừng bó nát mạng xã hội nữa!

      Xóa
    2. Có đôi lời góp ý với ông T.Đ.Khoa: Khoảng 10 năm trước tôi có đọc một bài của ông, trong đó ông ca ngợi Tố Hữu ngồi đó trông giống Đức Phật? Ông nên kiểm soát ngôn từ của mình. Làm vậy ông chẳng nói tốt ai được, kể cả chính ông.

      Xóa
    3. Tôi có cùng nhận định với ND : 09: 06

      Với tôi TĐK chẳng tài giỏi gì đâu , nhờ Tố Hữu , Xuân Diệu lăng xê vài bài thơ trẻ con rồi nhảy lên thi đàn múa may . Nhờ đúng dịp nhân điển hình toàn quốc trong những năm kháng chiến chống Mỹ , để cổ vũ tinh thần yêu nước : già có , trẻ có , phụ nữ có , thanh niên cà thiếu nhi đều có cho đẹp đội hình " Cà dân tộc ta là một rừng hoa đẹp " , tài năng chẳng có lại được đề cao và đánh bóng quá mức với danh xưng " Thần Đồng " , đã làm TĐ Khoa bị choáng ngợp ,thơ thẩn bay sạch đi đâu hết cả .

      Sau này cạn nguồn , " Hết Thơ " cũng bắt chiếc Xuân Diệu xu nịnh để cầu danh ,Cuốn " Chân dung và đối thoại " đọc thấy suồi suội là tiêu biểu cho một chất giọng như vậy .
      Mới hay người có khả năng ghép chữ cho có vần ( Thợ làm thơ ) và những nhà thơ đích thực ( làm thơ theo cảm xúc và có nhân cách ) là hai sự khác biệt .

      Với tôi TĐK đã tự khoác lên mình một chiếc áo quá rộng so với khả năng của ông ta

      Để gió cuốn đi

      Xóa
  14. Dân ta quá hẩm hiu. Hết nghìn năm phong kiến lạc hậu, là trăm năm người Pháp đô hộ. Những tưởng chẳng dân tộc nào bất hạnh cho bằng.
    Vậy mà, tai ương CNCS lại ập đến, bần cùng hóa xã hội về thời đồ đá. Chóp bu đảng, sau mỗi thế hệ ngày càng vô văn hóa, dốt nát, thô lỗ, tàn bạo và tham lam vơ vét.
    Dưới thể chế độc tài ngu dân hại nước, văn nghệ sĩ chân chính không bị vùi dập mới là chuyện lạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trịnh Đình Duyênlúc 08:29 5 tháng 9, 2013

      Thời đại Công nghệ thông tin, miệng hô "CN hóa, Hiện đại hóa" "Dân chủ, văn minh", nhưng họ dang làm ngu dân!

      Xóa
  15. Trịnh Nguyên Philúc 08:49 5 tháng 9, 2013

    Bài của bác Minh Diện viết hay quá! Cái kết bài nhắc khéo các nhà chức trách phải tôn trọng dân trí, dân sinh, dân chủ, nhân quyền.
    - Cháu đã đọc bài thơ "Hương Cau" của bác Bùi Văn Bồng:
    "...Còn đâu ánh mắt trong veo
    Còn đâu dáng nón trắng chiều nắng hanh
    Vào mùa đồng bãi vẫn xanh
    Phù sa mát mịn đất lành nâu tươi
    Tôi vương tơ mãi nụ cười
    Thầm thương giấu nhớ một người áo xanh..."
    > Thơ lục bát trữ tình của bác Bồng có nét đồng điệu, quê kiểng, giản di mà đằm thắm như thơ Nguyễn Bính.
    Có lẽ bản lĩnh, tính cách của bác Bồng cũng như Nguyễn Bính. Chúc bác Diện và bác Bồng khỏe để cư dân làng mạng được đón đọc bài của các bác!

    Trả lờiXóa
  16. Mong có những trí thức như Nguyễn Bính, thà làm đám ma tờ Trăm Hoa, về sống ngoài biên chế rồi chết vì lao lực, chứ không làm tay say hại bạn, hại dân. Tôi thích nhất câu Nguyễn Bính bảo Tô Hoài : " Thế mới là tờ báo cùa Nguyễn Bính chứ, bằng không thì mày làm quách đi cho rối!"
    Ôi ngày ấy Nguyễn Bính còn nói được như thế, bây giờ sao đây hỡi các nhà báo, nhà văn, các bậc trí thưc? Dân tôi ngu dốt đã đành còn các vị thông thái đi nhiều, hiểu rộng chả nhẽ lại " để người ta bắt mình câm".
    Đoàn Văn Vươn đã nói bằng hai phát súng hoa cải, Nguyễn Phương Uyên trước toa tuyên bố "tôi yêu Tổ Quốc nên chống Trung Quốc và ghét đảng", người nông dân và em sinh viên còn như vậy thì người trí thức phài làm những việc phải làm thôi.

    Trả lờiXóa
  17. Phạm Quang Khảilúc 09:29 5 tháng 9, 2013

    - Từ lâu, ngày nào tôi cũng mấy lần mở trang này của Đại tá BVB. Đọc tháy nhiều bài tâm đắc, đúng mực, thẳng thắn và nhất là tỏ rõ quan điểm, chính kiến, rất coi trọng nhìn thẳng thực tế, đổi mới tư duy
    - Tôi thấy trên trang này, bác Minh Diện và bác Bùi Văn Bồng đúng là "Song kiém hợp bích". Mong đọc nhiều bài của các bác. Trí thức, Đảng viên có chí tiết tháo như các bác nay hơi bị hiếm!

    Trả lờiXóa
  18. Nghị định 72: Thông tin tổng hợp là tổng hợp thông tin...Internet nét là mạng Internet, dịch vụ Internét là loại dịch vụ sử dụng Internet...
    Có lẽ: Nghị định là đã ý định sao cứ ban hành ào ào, quyết định đại, không cần "Nghị...bàn" với ai?

    Trả lờiXóa
  19. Trí thức bây giờ đa số ươn hèn, nhỏ mọn... cũng một phần do bọn chỉ điểm trong vụ Nhân văn - Giai phẩm, trong đó có Tô Hoài - một kẻ cơ hội, láu cá, trơn như chạch.
    Kể cả Văn Cao, tại sao lại chọn con đường câm lặng 30 năm? Sống như vậy thì thà tuyên bố phản đối và treo cổ tự tử còn có ích hơn. Cứ xem gương Hòa thượng Thích Quảng Đức đấy. Vụ tự thiêu của ngài làm dấy lên hàng chục vụ tiếp theo, gây bão dư luận toàn thế giới, góp phần quan trọng kết liễu chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô. Vì sao mang danh trí thức, lại chọn cách sống hèn, thay vì chết vinh?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Tự thiêu" ư ? Dù tôn trọng cái chết tự nguyện của HT/TQĐ.nhưng
      tôi từng góp ý là nên định nghĩa lại 2 chữ này,còn nếu đúng nghĩa
      là tự thiêu thì mọi việc đều do người muốn hy sinh hay chết làm
      từ A đến Z.
      Trường hợp này ngược lại theo kịch bản như sau :
      -người đổ xăng : đại đức Thích Chơn Ngữ.
      -người bật diêm : cư sĩ Trần Quang Thuận.
      Người đổ xăng đại đức TCN.tên thật là Huỳnh Văn Thạnh từng được làm
      Đại biểu Quốc hội sau 1975 nhưng ông ta vượt biên qua Mỹ sau đó vài
      năm và hiện còn sống ở Mỹ.
      Muốn hiểu rõ sự kiện chính trị cho chính xác thì cần phải căn cứ vào
      cả những tài liệu bí mật,chứ không chỉ dựa vào những gì thấy được từ
      mặt ngoài.Thiếú 1 trong 2 điều kiện trên thì sự thật chỉ có 1/2.
      Theo sử gia Na Uy Stein Stonnesson thì đến nay,VN.vẫn chưa cho giải
      mật,nghĩa là chưa cho phép sử gia tiếp cận tài liệu mật về tình báo.

      Xóa
    2. Bạn đừng bắt bẻ câu chữ. Theo cách mà Thích Quảng Đức phát tâm đấu tranh cho chúng sanh, ngài đã tự đem thân vào lửa trời để góp phần lật đổ chế độ gia đình trị ộc tài họ Ngô. Nếu một thân một mình ngài thực hiện, không thể được với bọn mật vụ. Nhóm của ngài còn phải giả bộ hỏng xe ở ngã tư đường để dễ bề hành động.
      Giả sử ngài Thích Quảng Đức tự bê can xăng xuống, đang loay hoay mở nắp can thì công an sẽ nhào tới vô hiệu hóa ngay.
      Riệng câu "một nửa sự thật", các thành viên CLB này thấy kỳ kỳ làm sao ấy. Họ kỵ lắm. Hiện nay họ đang lo vạch trần sự giả dối là chủ yếu.
      Vài ý kiến. Dù sao bạn hãy tin là tôi tôn trọng bạn. Xin lỗi nếu làm bạn buồn.

      Xóa
  20. Chân dung chân tướng Hoài Thanh mà tác giả nêu trong bài:
    Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
    Nừa đời sau lại vị người ngồi trên
    Thi nhân còn một chút duyên
    Lại vò cho nát lại lèn cho đau
    Bính thơ tới tuổi bạc đầu
    Vẫn chưa thể tất một câu nhân tình
    Giật mình mình lại thương mình
    Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan

    Chân tướng Chu Văn
    Một con trâu bạc già nua
    Nhờ cơn bão biển thổi lủa lên cây
    Trâu ơi ta bảo trâu này
    Quay về đất mới kéo cày cho xong.

    Trả lờiXóa
  21. Báo Trăm hoa của Nguyễn Bính xuất bản vào thời gian 1954-1955. Tư liệu này cho thấy thởi kì đầu mới giải phóng thủ đô, chính phủ cụ Hồ cũng chưa có chủ trương cấm báo tư nhân, chắc vì còn ảnh hưởng văn minh thực dân (?). Nếu chủ trương này được duy trì và thực hiện nghiêm túc đến ngày nay thì VN cũng văn minh tiến bộ lắm rồi. Tiếc thay nó bị dẹp (không biết chính thức vào thời gian nào) để rồi dân VN chỉ còn được nghe, được đọc, được suy nghĩ theo một luồng văn hóa, thông tin duy nhất : tụng ca.

    Internet ra đời, người Việt có dịp "mở mắt", có dịp được biết nhiều sự thật của sự thật. Thế là họ sợ, họ phun thuốc diệt cỏ vào vườn hoa thông tin mạng - hình ảnh thật đắt giá - để hòng độc quyền thông tin, độc quyền truyền bá những cái họ nghĩ bất chấp đúng sai, phải, trái. Toàn cầu hóa rồi, không thể chấp nhận độc quyền dù là độc quyền thông tin, độc quyền kinh doanh, độc quyền lãnh đạo...Độc, đồng nghĩa với độc hại, vậy mà họ cứ khư khư bám mãi vào, lý do cũng thật dễ hiểu.

    Thương tiếc Nguyễn Bính, một nhà thơ, nhà báo thực thụ có tài và khẳng khái. Mong cho đời có thêm nhiều những nhà thơ, nhà báo như Nguyễn Bính.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cả hàng nghìn báo, đài, ...hiện nay chỉ có một Tổng biên tập- Đồng chí quan Thượng thư Bộ Tuyên - Đinh Thế Huynh!

      Xóa
  22. Lai một người có tài, khí huyết , lý tưởng nhưng lại cả tin đi theo một sự dối trá . lừa gạt đến lúc mở mắt thì đã muộn.
    Cái lạ là vẫn còn nhiều người vẫn còn bị mê hoặc bởi một đảng trị độc tài, ngoại la du nhập từ Nga, Tàu tạo nhiều sai lầm cho văn học, lịch sữ VN.

    Trả lờiXóa
  23. Văn hóa văn nghệ bây giờ ư? Nhiều người là con số 0. Còn tệ hơn nữa kìa - là số ÂM, với những sản phẩm hay do... ăn cắp, và những sản phẩm tự sáng tác thì đại dở!

    Trả lờiXóa