Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

TRẦN ĐỘ - Nhật ký Rồng Rắn - Phần 6

(tiếp theo)
        … Ông còn làm Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 7, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội, ủy viên Hội đồng Nhà nước (1989-1992).
             Ông cũng là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa 3 (dự khuyết từ năm 1960 đến năm 1972), 4, 5, 6 (1960-1991).
             Ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng nhất và hạng ba),...
Do bất đồng chính kiến với một số lãnh đạo cao cấp khác của Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông bị khai trừ khỏi Đảng ngày 4-1-1999 khi đã 58 tuổi đảng.
Ông mất ngày 9 tháng 8 năm 2002 sau một thời gian dài lâm bệnh nặng, tuổi cao, sức yếu. Đám tang ông có sự tham dự đông đảo mọi tầng lớp quần chúng và trí thức, văn nghệ sĩ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi vòng hoa đến viếng và gia đình Đại tướng Lê Trọng Tấn đã có mặt đông đủ.
Trong đôi câu đối tặng Trần Độ, Hà Sĩ Phu viết:
Văn võ tung hoành, trung tướng phong trần, thế sự song kiên song trọng đảm
Bắc Nam xuất nhập, đại quân tế độ, hùng binh nhất trượng, nhất đan tâm.
-----------------
(tiếp Nhật ký) - IV. Đại Hội IX
Đại hội thế là đã xong (tôi nói XONG, chứ tôi không nói THÀNH CÔNG RỰC RỠ được, ngượng mồm lắm). Đại hội làm được một số việc: Đại hội đã bầu được một Ban chấp hành mới. Việc thay đổi nhân sự kỳ này có cái được là:
• Đã loại bỏ được một số yếu tố của sự bảo thủ, trì trệ quá lỗi thời. Và sự loại bỏ này tuy mới chỉ là một số, nhưng là một số quan trọng. Nó giảm đi được các yếu tố bảo thủ.
• Đã ngăn chặn được một số yếu tố cơ hội hãnh tiến và lưu manh côn đồ. Tôi biết là trước Đại hội có nhiều người rất e ngại, nay ngăn chặn được, nhiều người thở phào.
• Đã có được vài chữ tích cực trong văn kiện đó là chữ Dân Chủ trong khẩu hiệu chiến lược, và sự xác định thứ tự các nguy cơ, nguy cơ lớn nhất là Tụt Hậu và nguy cơ Tham nhũng …
Đó mới là những cái được ở chữ nghĩa, chứ còn nội dung của Dân Chủ và đường lối Dân Chủ thì chưa có gì rõ ràng. Nội dung Tụt hậu và Tham nhũng cũng như đường lối khắc phục cũng chưa rõ.
Dù sao cũng cần ghi nhận rằng Đại hội IX có mấy cái được đó. Còn vấn đề cơ bản lớn là đường lối thì chưa giải quyết, chỉ mới là một sự lặp lại vô duyên các khẩu hiệu và công thức quá lỗi thời, đầy mâu thuẫn. Mâu thuẫn rõ là: đã nói huy động sức mạnh của toàn thể dân tộc (tức là tất cả già trẻ, lớn bé, trai gái, các dân tộc và giai cấp khác nhau) thế mà lại nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, tức là khuyến khích các giai cấp đấu lẫn nhau. Lại còn nhấn mạnh Đảng của giai cấp công nhân và Đảng giành quyền lãnh đạo độc tôn, tức là xoá bỏ sạch các Đảng khác. Đảng chỉ chấp nhận và đoàn kết với những người giống như Đảng và nói theo y nguyên ý Đảng, coi tất cả mọi người có ý kiến khác đều là chống đối, là phản động. Ngay cả những đảng viên lâu năm mà có ý kiến khác cũng khai trừ và đối xử như thù địch.
Như vậy là vấn đề đường lối chưa được giải quyết và thậm chí chưa được đặt ra. Đất nước đang bị tụt hậu nghiêm trọng.
Bây giờ phải có đường lối phát triển đất nước cho nhanh. Đảng cộng sản có muốn làm việc ấy không và có làm được không ?
Còn cứ kêu gọi kiên định, kiên trì ... thì thực chất vẫn cứ là trì kéo đất nước trong vòng lạc hậu, đất nước có tiến lên được chút nào thì cũng vẫn cứ tụt hậu ngày càng xa so với những đất nước không cần có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và họ cũng không cần “kiên định”, “kiên trì” cái gì hết.
Tôi nhắc lại: Bây giờ điều quan trọng nhất là làm thế nào cho đất nước phát triển nhanh, để đất nước được nhanh chóng giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh thực sự.
Không cần “kiên định, kiên trì” cái gì cả!
Đại hội IX đã sắp xếp lại nhân lực, lựa chọn người vào bộ máy lãnh đạo mới có trình độ học vấn cao hơn và tuổi cũng trẻ hơn. Đó là hiện tượng đáng mừng.
Nhưng về đường lối thì vẫn ở trong tình trạng nửa vời. Một mặt thì phải thích nghi với những vận động mới của thế giới và trong nước, nhưng mặt khác lại ra sức kìm hãm các yêu cầu đổi mới và dân chủ hoá tích cực, tạo nên một cơ chế vừa thích nghi vừa kìm hãm. Trong tình thế ngày nay, không thích nghi thì sụp đổ nhưng lại sợ thích nghi. Hy vọng sắp tới yếu tố thích nghi có thể có sự nhúc nhắc nhỉnh hơn. Nhưng rõ ràng đường lối chưa thoát ra khỏi sự kìm hãm, chưa thoát khỏi tình trạng nửa vời.

I. Thực Trạng Về Đường Lối Hiện Nay
Hiện nay, sau 15 năm đổi mới, quả thực đất nước có nhiều thành tựu, tiến bộ, nhưng tại sao lòng người vẫn chưa yên? Hàng ngày rất nhiều lễ hội, rất nhiều cờ hoa, rất nhiều mít tinh, rất nhiều khẩu hiệu, rất nhiều băng cờ, biển báo, rất nhiều diễu hành, rất nhiều ca nhạc v. v. và v.v.
Cứ chỉ trông vào đó thì có thể tưởng rằng nước ta lúc nào cũng đang tưng bừng phấn khởi. Thế nhưng đi bất cứ đâu, gặp bất cứ ai mà gợi chuyện thời sự thì đều có thể được nghe các điều dằn vặt, các điều trăn trở, các điều phàn nàn. Có những người trong các cuộc hội nghị vẫn hăng hái “hoan hô thắng lợi”, “hoan hô Đảng sáng suốt và tài tình”, nhưng khi gặp trao đổi riêng thì vẫn thở vắn than dài … Người nghĩ đến những vấn đề chung thì phàn nàn nhiều nhất về hai vấn đề:
1. Sao đất nước mình nghèo nàn và chậm chạp thế. Cái nhục nghèo khổ và lạc hậu kéo dài đến bao giờ ? Bây giờ đã thắng lợi vẻ vang 26 năm rồi …
2. Sao mà xã hội này nhiễu nhương quá thể, người dân không được tự do. Nơi nơi tham nhũng, cấp cấp tham nhũng, ngành ngành tham nhũng. To tham nhũng to, nhỏ tham nhũng nhỏ. Người dân đóng góp nhiều thứ, nhiều lần quá, trong khi lương thực không đủ ăn. Mất dân chủ mọi lúc mọi nơi, mất tự do hơn cả khi còn chế độ thực dân.
Tình hình có thật thế không ? Tôi không phải nói dài, cứ gặp bất cứ vị lão thành nào hoặc một người dân lao động bình thường nào mà khơi chuyện ra thì đều được nghe đầy đủ, phong phú, sinh động không bút mực nào tả xiết. Gặp bất cứ một trung niên hoặc thanh niên nào đang làm ăn khấm khá, phong lưu (không nói đến những đại gia đầy quyền lực) thì đều gặp những lời kêu ca vô tận, kêu ca công an, thuế vụ, các cơ quan nhà nước v.v.
Một sự kêu ca nữa thường nghe là sự kêu ca về đạo đức xuống cấp, tệ nạn xã hội không giảm mà ngày càng tăng, sự quan liêu bất lực của cơ quan nhà nước đến phát sợ. Nhiều việc oan khuất ngất trời và kéo dài vô tận. Vậy thì xã hội tươi đẹp ở đâu ?? Xã hội dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư bản là ở chỗ nào ?
Ta đã tốn bao công sức để mà xây đắp mộng tưởng về một chế độ tươi đẹp, một xã hội tuyệt vời, ta lại tốn công tô vẽ cho nó. Khi gặp đôi điều trục trặc, ta thường an ủi nhau rằng đó là cục bộ, là hiện tượng, còn về toàn thể và bản chất, chế độ ta vẫn tuyệt vời. Nhưng càng ngày các hiện tượng tiêu cực, tệ hại trong xã hội càng nặng thêm, rộng rãi thêm, kéo dài thêm, đậm đặc thêm. Vì thế, cái câu an ủi cho là “cục bộ”, cho là “hiện tượng” … không thiêng nữa.
Càng ngày cái hiện tượng càng bộc lộ rõ bản chất. Bản chất chế độ ta, xã hội ta là không đẹp, mà chủ yếu là không dân chủ.
Như vậy thì hiển nhiên là đường lối xây dựng và phát triển đất nước hiện nay chưa ổn, chưa thích hợp. Đường lối (tôi nhấn mạnh là “xây dựng và phát triển đất nước”, chứ không phải đường lối làm một cuộc cách mạng nào và đánh đổ cái gì nữa cả).
Đường lối xây dựng và phát triển hiện nay có nhiều mâu thuẫn và nhiều điều duy ý chí chủ quan, không làm cho đất nước phát triển nhanh mạnh được. Đất nước không thể phát triển nhanh được bằng các cuộc đón chào, chào mừng, bằng thi đua, bằng băng cờ, bằng các cuộc vận động … Đất nước chỉ có thể phát triển nhanh bằng kỹ thuật và năng suất, và trước hết là bằng dân chủ. Xã hội ta hiện nay đầy tham nhũng, đầy tệ nạn, sự phát triển cứ chập chờn. Đường lối thì cứ nửa vời đầy mâu thuẫn. Mỗi một tệ nạn đều có nguyên nhân trực tiếp của nó, tìm ra nguyên nhân trực tiếp nhưng không thể giảm bớt được tệ nạn (chưa nói đến xoá bỏ).
• Chống tham nhũng thì tham nhũng ngày càng tăng.
• Chống quan liêu thì quan liêu ngày càng nặng.
• Giảm biên chế thì giảm một lại tăng ba v.v.
Đó là vì ta không chịu phân tích đến nguồn gốc của vấn đề. Nguồn gốc đó là đường lối. Đường lối đã sản sinh ra một hệ thống chính trị cồng kềnh, chồng chéo, quan liêu, “nhà nước hoá” tất cả các tổ chức xã hội. Đó là một hệ thống chính trị phản dân chủ và nặng nề, bất lực. Mỗi người dân khi gặp khó khăn và oan khuất khi tìm đến bộ máy thì chỉ gặp phải sự đưa đẩy và chờ đợi. Người dân không còn biết kêu vào đâu! Đó là hệ quả tất yếu của một tình trạng đường lối nửa vời, bắt buộc phải tự thích nghi với biến động thế giới, trong nước, nhưng lại sợ sự thích nghi tổn hại đến vai trò lãnh đạo và những danh cùng lợi.
Khi đọc Dự thảo báo cáo chính trị cho Đại hội IX, tôi có nhận thấy nhiều mâu thuẫn và nhiều điều đầy duy ý chí chủ quan, tôi có viết một số ý kiến nhưng rồi không gửi, vì tôi biết có gửi cũng không ai chú ý, thành ra vô ích. Nay tôi trích một vài đoạn ghi vào đây như sau:
1. Bản dự thảo có một cái tên rất hay, nhất là vế mở đầu “phát huy sức mạnh toàn dân tộc …”. Đó là một tư tưởng cực kỳ hay, và đúng ý Hồ Chí Minh.
Nhưng nếu nói tiếp theo là để “đẩy nhanh phát triển đất nước” thì ngắn gọn và nâng cao tư tưởng… sức mạnh dân tộc hơn.
2. Nhưng đọc tiếp bản dự thảo, thì thấy bản dự thảo có hai điều không tốt. Đó là nó đầy mâu thuẫn và hết sức duy ý chí.
Cái mâu thuẫn lớn nhất là mâu thuẫn giữa phát huy sức mạnh toàn dân tộc với định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì định hướng xã hội chủ nghĩa là định hướng vào công hữu, định hướng vào quyền lợi và vai trò của giai cấp công nhân, mà đại diện là nhà nước chuyên chính chỉ lo lãnh đạo đấu tranh giai cấp. Vai trò của toàn dân tộc ở đâu ?
3. Mâu thuẫn nói trên thể hiện rõ ràng nhất ở đoạn nói về đấu tranh giai cấp: “Nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục tình trạng nước nghèo …. xây dựng nước ta thành …”. Buồn cười thật, nội dung của đấu tranh giai cấp là thực hiện, khắc phục, xây dựng, … Dự thảo không chỉ ra được đấu tranh giai cấp giữa cái gì và cái gì …
Hơn thế, tiếp theo, dự thảo lại khẳng định mạnh mẽ:
“Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của đại đoàn kết toàn dân … kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của các thành phần kinh tế của toàn xã hội”.
Thế mà lại cứ nhấn mạnh định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế quốc doanh là chủ đạo, thì chẳng phải là triệt tiêu cái “động lực chủ yếu” đi không ?
Có đoạn khác, có câu “Mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội là quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài trong sự nghiệp ...”
Nhưng trước đó, lại nói: do còn nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế … nên “tất yếu còn mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp”.
Thật là mâu thuẫn và gượng ép …
4. Dự thảo có rất nhiều điểm duy ý chí rất nặng. Có đoạn viết:
“Con đường công nghiệp hoá của nước ta có thể rút ngắn thời gian so với các nước đã đi trước, vừa có những bước tuần tự, vừa có những bước nhảy vọt …”.
Trong khi ấy, thực tế là về tăng trưởng kinh tế (GDP đầu người hàng năm), ta đã trải qua 15 năm (1986- 2000) mới tăng được 1,5 lần. Trong khi đó, các nước họ chỉ cần thời gian để tăng gấp đôi GDP như sau:
Indonesia 2-3 năm.
• Hàn Quốc 28 tháng.
• Đài Loan 19 tháng.
Về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thì sau 15 năm, lực lượng lao động nông nghiệp chỉ giảm được 4% (từ 74% rút xuống 70%), trong khi đó Hàn Quốc giảm được 50%. Thế mà ta muốn “nhảy vọt” nhanh hơn các nước đã đi trước. Chuyện ngược đời !!! Có lẽ chỉ nên nêu “cố gắng đỡ chậm hơn”.
Ta đỡ chậm hơn các nước không xã hội chủ nghĩa cũng đã là may cho dân tộc, cho đất nước lắm rồi.
Ai lại phát huy sức mạnh toàn dân tộc để cả nước đấu tranh mà tụt hậu ngày càng xa, cứ “định hướng” để ngày càng đi chậm, thì chẳng uổng công cho sức mạnh dân tộc lắm sao!
Ví dụ nữa về cái duy ý chí là:
Nêu lên “Thực hiện công bằng trong phân phối, khuyến khích nhân dân làm giàu chính đáng và hợp pháp” mà lại không có một chiến lược chống tham nhũng cho rõ rệt, chỉ nêu lên chống tham nhũng như là sửa chữa một khuyết điểm “mụn ghẻ”, thì vẫn là dung túng tham nhũng, dung túng làm giàu bất hợp pháp.
- Nêu lên “Khắc phục dần sự cách biệt giữa thành thị với nông thôn…”, “hàng năm tạo ra hàng triệu việc làm mới …”. Thế mà báo cáo chính trị, về đường lối, chính sách, lại chỉ loanh quanh với “bằng nhiều biện pháp, khuyến khích các thành phần kinh tế, mở rộng ngành nghề” thì lấy đâu ra hàng triệu việc làm ?
- Đáng lẽ phải khẳng định một chiến lược xác định vị trí doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích sao cho xuất hiện hàng chục vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa, mỗi doanh nghiệp thu hút vài chục lao động, thì việc gì Bộ Lao động - thương binh - xã hội phải chạy vạy tìm công việc. Đáng lẽ phải tôn trọng kinh tế tư nhân, thu hẹp hợp lý kinh tế quốc doanh kém hiệu quả, thì lại cứ sợ tư bản xuất hiện. Một nền kinh tế muốn phát triển, không có các nhà doanh nghiệp, các ông chủ và các người quản lý giỏi, mà chỉ có người đi tìm chỗ làm thuê thì tìm chỗ làm thuê ở đâu ?
Vấn đề này nằm trong đường lối và chiến lược chứ không phải chỉ là những khuyết điểm, thiếu sót mặt nọ mặt kia.
Cái đường lối và chiến lược “định hướng” và “chủ động” rất tai hại. Càng phát huy sức mạnh toàn dân tộc, mà không sửa đường lối và chiến lược, càng đẩy đất nước vào chỗ trì trệ, chậm chạp.
Đảng đã phát huy sức mạnh toàn dân tộc đánh thắng giặc ngoại xâm rất oanh liệt, nay vì sai lầm đường lối mà không phát triển đất nước thì cái “chệch hướng” (nếu có) chính là cái chệch hướng rất nguy hại này, nó làm tổn hao và phung phí sức mạnh toàn dân tộc.
Lại một ví dụ duy ý chí nữa:
Trong báo cáo có chỗ nêu:
“Văn nghệ sĩ … phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng …”
Ai mà chẳng muốn thế, các văn nghệ sỹ lại càng muốn thế, và nhiều đại hội cũng đã từng phấn đấu rồi đấy. Nhưng làm sao có được các tác phẩm đó trong khi chính sách tự do báo chí và xuất bản bị bóp nghẹt.
Rõ ràng, chỉ có tự do thì các mặt xã hội mới phát triển. Đại hội VI đã mở ra đường lối tự do, đưa lại cho nông dân quyền được tự do làm ăn, người buôn được quyền tự do buôn bán, mở cửa cho xuất nhập khẩu, đầu tư … thì xã hội mới đổi, mới có bộ mặt phồn vinh. Tình hình đến đây rồi đóng lại, chựng lại. Các thứ tự do, từ tự do kinh doanh đến tự do sáng tác đều bị xét nét, ngăn cấm, thì làm sao mà “phấn đấu có nhiều” được.
Báo cáo chính trị lẽ ra phải có đường lối mới, chính sách mới, tư tưởng mới … thì lại cứ khư khư những khẩu hiệu cũ, rồi nêu lên những nguyện vọng để phấn đấu, tăng cường và nâng cao, đẩy mạnh, thì đại hội chỉ “thắng lợi rực rỡ” trong hội trường mà thôi…

(còn tiếp)
---------------

6 nhận xét:

  1. Cụ Trần Độ viết câu nào cũng cực kỳ chính xác. Chỉ khi tâm sáng, trí tuệ anh minh, bản chất ngay thẳng, hướng thiện... mới nhận thức và hành xử được như cụ.
    Chẳng bù cho lũ vua tập thể bây giờ, đứa ngu độn hủ nho, thằng gian tham vơ vét, kẻ vô cảm lập lờ...
    Buồn cho nước Việt, buồn cho con cháu vua Hùng, lẩn quẩn đói nghèo, tụt hậu, làm thuê làm mướn khắp thế giới

    Trả lờiXóa
  2. thời thế bây giờ....ai...kẻ ngu
    dối lừa thắng thế...cứ vi vu
    dân đen nói lắm...vô kho...hết
    báo chí một lề...cứ hát...ru

    ai bảo dân mình...mãi..tí...cu
    oan sai mãi miết....cứ êm..ru
    Quan trên thỏa chí nên...rồng rắn
    ai hiền thì sướng....bướng...đi tù

    Trả lờiXóa
  3. Côn là ai? côn đồ đâu xa
    Lũ mua quan chức thực ra công đồ

    Trả lờiXóa
  4. con thap nhang kinh can cam ta tam long cua mot vi tuong trong long con tu lau. con khoc cho dan toc nay.chi co nhung vi thanh moi nhin ra nhu vay

    Trả lờiXóa
  5. Kính bác BVB
    Giang Nam lãng tử xn phép đăng lại loạt bài Trần Độ trên trang Blog
    Cảm ơn bác.Chúc bác sức khỏe binh an.
    Cẩn bút
    http://giangnamlangtu.wordpress.com

    Trả lờiXóa
  6. Đọc "Nhật kí rồng rắn" để thấy một bức tranh khác về thực tai xã hội VN.
    Nhiều người chắc cũng chưa đồng ý lắm với cách đánh giá và nhận xét của TĐ.
    Cụ thể lãnh đạo đảng csVn đã cực lực lên án,đã "khai trừ",đã chơi xấu cả đám tang TĐ.
    Đất nước VN vẫn "tươi đẹp" đấy chứ.
    Người dân VN vẫn ngày càng "ấm no,hạnh phúc" đấy chứ.
    Xã hội VN vẫn "ổn định và phát triển" đấy chứ.
    V.V...

    Vâng, sau tất cả các tính từ "tươi đẹp,ấm no, hạnh phúc, ổn định, phát triển" là một cái gì đó như vướng mắc, như một người trông bình thường nhưng đang mang tâm bệnh. Thứ tâm bệnh không biết rồi sẽ gây ra hậu quả gì,nhưng rõ ràng là tâm bệnh.
    Giải pháp TĐ là thang thuốc khá thực tế để chữa bệnh này. Vấn đề là có chịu dùng hay không.

    Người mang tâm bệnh, thường không nhận ra bệnh của mình. Họ giải thích "vấn đề" của mình theo một cách khác và luôn tự cho là mình vẫn khỏe mạnh,vẫn sáng suốt, anh minh. Chỉ đến khi có tai họa rõ ràng xẩy ra họ mới bừng tỉnh, lúc đó e là đã muộn.

    Trả lờiXóa