Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Biên phòng, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết: Âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không bao giờ thay đổi. Lần này, Trung Quốc thực hiện bước đi mới hết sức nguy hiểm và ngang ngược, khác với những lần trước chỉ mang tính răn đe, ngăn cản. Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để đưa đơn kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế.
Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được coi là biện pháp kinh tế và hành chính để thực hiện ý đồ của mình. Bản chất của tranh chấp liên quan đến tài nguyên dưới biển, miếng bánh tài nguyên mới là quan trọng chứ không phải phạm vi là không gian. Trung Quốc đang nhằm vào khai thác kinh tế để có thể đánh lừa dư luận, rằng Việt Nam, Ma-lai-xi-a hay In-đô-nê-xi-a vẫn khai thác trong vùng mà Trung Quốc có yêu sách, vậy họ cũng có thể làm tương tự. Mục tiêu trước mắt của họ là biến vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp. Tôi cho rằng, đây là cuộc "xâm lược mềm", tức là không cần tiếng súng, không cần bom đạn nhưng rất nguy hiểm, hiệu quả và rất khó đối phó.
Nguy hiểm hơn, nó còn là cái bẫy pháp lý. Nếu chúng ta không khéo léo, cương quyết ngăn cản bước tiến này buộc họ phải rút thì nó tạo thành tiền lệ để Trung Quốc tiếp tục tiến lên và họ có thể tiến sát đến vùng biển Việt Nam đang khai thác dầu khí, và không phải chỉ đối với Việt Nam, Trung Quốc có thể tiến sát đến vùng biển của các nước trong khu vực. Vì thế, Việt Nam phải nỗ lực thông tin để thế giới hiểu rõ nguy cơ này và ủng hộ quyền hợp pháp của chúng ta.
PV: Hành động của Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ làm ảnh hưởng đến những sinh hoạt chung của cộng đồng các quốc gia trong khu vực và quốc tế như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Mặc dù vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam đã được Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) xác nhận, nhưng Trung Quốc vẫn tráo trở đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam. Đây là một hành vi bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp Công ước về Luật Biển mà Trung Quốc cũng là một thành viên, tham gia ký kết, là hành vi mang lại nhiều nguy cơ cho hòa bình, an ninh trong khu vực và thế giới. Nguy cơ ở đây không chỉ là xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, mà còn có nguy cơ Trung Quốc đã xem thường, phớt lờ UNCLOS. UNCLOS được coi là Hiến pháp của thế giới về đại dương. Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng mà nhân loại đã mất hàng thế kỷ để xây dựng và làm cơ sở pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển cũng như các quốc gia khác trên thế giới.
Nếu như Trung Quốc vẫn tiếp tục hành động vô lý của mình và không có một sự can thiệp kịp thời yêu cầu Trung Quốc rút lui thì rõ ràng, với Trung Quốc, Công ước này sẽ vô giá trị, bị Trung Quốc "vứt vào sọt rác". Đấy là một nguy cơ quá tráo trở, xem thường quốc tế, xem thường thành quả của nhân loại, mà Trung Quốc đang ngang ngược tiến hành.
Mặt khác, họ bất chấp tất cả những quy định của Công ước về Luật Biển, nhưng đồng thời lại có ý đồ lợi dụng chính các điều khoản đó để giải thích, áp dụng theo ý muốn chủ quan và theo động cơ của mình để bảo vệ lợi ích của mình, đây cũng là điều mà Trung Quốc đã từng làm và bây giờ họ vẫn tiếp tục. Có một nguy cơ nữa, đó là hành động đưa giàn khoan đặt nằm sâu trên 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam là một hành động vi phạm đến quyền chủ quyền và quyền tài phán, làm tổn hại đến lợi ích về mặt kinh tế, tài nguyên của Việt Nam.
Đồng thời, để bảo vệ cho những hoạt động sai trái của mình, Trung Quốc còn điều cả lực lượng không quân, hải quân, lực lượng vũ trang nhằm đe dọa, cản trở, thậm chí còn hung hăng phun vòi rồng và đâm thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Đây là một điều cho thấy, Trung Quốc xem thường luật pháp quốc tế, xem thường các quy định của Hiến chương Liên hiệp quốc mà Trung Quốc cũng là một thành viên.
PV: Trung Quốc đang sử dụng đông đảo phương tiện, trong đó có cả tàu quân sự nhằm bảo vệ giàn khoan và quy định vùng an toàn. Việc này đang trực tiếp đe dọa nghiêm trọng đến an toàn hàng hải trong khu vực?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Biển Đông là nơi tàu thuyền đi lại đông đúc, một trong những nơi nhộn nhịp nhất thế giới, có vai trò quan trọng quyết định đến nền kinh tế toàn cầu. Hành động của Trung Quốc đang đe dọa đến quyền tự do hàng hải ngay bây giờ chứ không phải trong tương lai nữa. Trung Quốc đã quy định vùng an toàn đến 3 hải lý quanh giàn khoan, trong khi đó, Luật quốc tế chỉ cho phép phạm vi an toàn đối với các công trình nhân tạo, đảo nhân tạo và công trình giàn khoan là 500m, nhằm tránh ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của tàu thuyền. Trung Quốc đưa ra quy định đơn phương của mình là hoàn toàn sai trái, là nguy cơ đe dọa hàng hải nhãn tiền. Chúng ta cũng đã chứng kiến dư luận quốc tế phản ứng về việc này, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực.
- PV: Chúng ta có thể đưa vụ việc này lên các cơ quan tài phán quốc tế nhờ can thiệp không, thưa ông?
- Tiến sĩ Trần Công Trục: Giải quyết tranh chấp thông qua giải pháp đàm phán song phương, đa phương là ưu tiên số một. Tuy nhiên, nếu không đàm phán thành công được thì phải đưa tranh chấp lên các cơ quan tài phán do các tổ chức quốc tế thiết lập ra để phân giải tranh chấp, trong đó có Tòa án quốc tế về Luật Biển. Đó là thủ tục cần thiết trong quan hệ quốc tế hiện nay trong xử lý các vấn đề tranh chấp, khủng hoảng. Nhưng tùy vào bản chất của từng vụ việc, một quốc gia có tranh chấp mới xem xét áp dụng thủ tục nào cho đúng và hiệu quả. Có vấn đề tranh chấp, nếu một quốc gia đơn phương đưa lên thì các cơ quan tài phán quốc tế không thụ lý được. Vì theo qui định của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp qua các cơ quan tài phán, những loại tranh chấp như về chủ quyền lãnh thổ hay về xác định phạm vi, ranh giới các vùng biển của các quốc gia đối diện, liền kề nhau nếu các bên ngồi lại với nhau mà cuối cùng vẫn không giải quyết được thì các bên có thể cùng nhau thỏa thuận đưa lên các cơ quan này. Nếu một bên đơn phương đưa lên, thì cơ quan tài phán quốc tế khó có thể thụ lý.
Tuy nhiên, loại tranh chấp có liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS thì một quốc gia có thể đơn phương kiện lên Tòa án quốc tế. Chính Phi-líp-pin đang vận dụng quy định này để kiện Trung Quốc. Nên mặc dù Phi-líp-pin đơn phương thực hiện trong sự phản đối của Trung Quốc, nhưng Tòa án quốc tế vẫn đang xem xét thụ lý. Rất nhiều quốc gia và dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ cách làm của Phi-líp-pin. Việt Nam chưa thực hiện cụ thể việc này, nhưng rõ ràng về nguyên tắc, chúng ta hoàn toàn ủng hộ, vì đây là giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp và đúng thủ tục của UNCLOS đã nêu.
Nếu so sánh với bãi cạn Xca-bô-rô của Phi-líp-pin thì Việt Nam có điểm chung là Trung Quốc giải thích và áp dụng sai Công ước để đưa ra những yêu sách, những hoạt động thực tế, tranh chấp thực tế hoàn toàn sai. Chúng ta có quyền kiện với tư cách quốc gia thành viên của Công ước, nếu như nước khác vi phạm do giải thích và áp dụng sai Công ước. Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng có thể kiện hành động phạm pháp của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) ra Tòa án quốc tế. Bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được Chính phủ Việt Nam cho phép khai thác dầu khí ở lô 143 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - vị trí mà CNOOC hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép. Với tư cách người nghiên cứu nhiều năm, tôi cho rằng, nếu ta đưa vụ kiện này lên các cơ quan tài phán quốc tế thì chắc chắn, Việt Nam sẽ thắng lợi. Vì Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, đầy đủ các cơ sở để kiện.
Có thể nói, đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam tiến hành đưa vụ việc lên các cơ quan tài phán quốc tế. Đây là sinh hoạt bình thường, thể hiện cách hành xử văn minh, tiến bộ, sòng phẳng trong quan hệ quốc tế hiện nay để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. 
- PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Hiệp (Thực hiện)
----------------------

9 nhận xét:

  1. Trời ơi, tưởng có gì mới, hóa ra ông nào cũng chỉ đọc thuộc lòng 1 câu cũ rích!
    Vâng, thưa ông Trần Công Trục, "Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để đưa đơn kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế". Nhưng vấn đề là Việt nam có kiện hay không?
    Nếu kiện thì hẵng nói, còn không kiện mà cứ gào mãi lên cái câu cũ mèm ấy chỉ tổ rác tai.
    Nào, ông thay mặt chính phủ trả lời cho dân rõ:

    1) Việt Nam KIỆN, hay KHÔNG KIỆN?
    2) Nếu kiện thì bao giờ kiện?

    Nếu 2 câu hỏi này không được trả lời một cách dứt khoát, rõ ràng, thì cũng đừng bô lô ba la về "đầy đủ cơ sở pháp lý" nữa ông nhá, chán lắm rồi, mọi người muốn bịt tai lại lắm rồi, thưa ông.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. VN đang "cân nhắc" để... kiện...
      Ê, cái cân mất đâu rồi nhỉ?...
      (Trần Trùng Trục)

      Xóa
    2. Lãnh đạo VN đang chờ TQ tự rút lui để cho tình hữu nghị tiếp tục " Nở hoa " chứ kiện là hết tình hết nghĩa , sợ các đ/c nổi giận đá đổ ghế là đập mông xuống đất .

      Xóa
  2. Ông Trọng , Ông Hùng , Ông Thanh phát biểu gì với nhân dân , và ngư dân mình đi chứ , sao cứ lờ tịt , im thin thin thít , giữ chữ vàng hữu nghị với giặc như vậy . Các ông có là người Việt Nam , có cảm thấy đau đớn trước cảnh này không , sao cứ đẩy dân tay không ra đối đầu với sói dữ như vậy , các ông có lương tâm không :

    http://khampha.vn/tin-nhanh/clip-tau-trung-quoc-tan-bao-dam-chim-tau-ca-viet-nam-c4a196548.html

    Trả lờiXóa
  3. Cau tua de nay da an ang nay may thang roi.chin chuc trieu nguoi dan da thuoc long het roi.ai cung hieu chi may thang ko chiu hieu.

    Trả lờiXóa
  4. Các ổng khôn thiệc...???
    im lặng là dzàng bốn số chín......

    Trả lờiXóa
  5. Tôi ủng hộ VN kiện TQ ra tòa án Quốc tế . Mình người đàng hoàng mà.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CS = nói là 1 chuyện, làm là 1 chuyện khác, nói & làm lại 1 chuyện hoàn toàn khác.
      ..................
      mình là người đàng goàng quá quá.......

      Xóa
  6. NTD;Các anh bên Tàu mà cứ bên TRỌNG bên nhẹ '3X' là k xong đâu tôi sẽ KIỆN....
    TCB 'ỦA mày dám chơi-kiện tau hả ?Tau đỡ đầu mấy vụ... k bọn đồng đảng thịt chết mày đã quên rồi sao...?
    NTD;Dạ...đấy là đệ nói chơi và lấy lai' nòng tin chiến nược' khi mà dân Việt toàn cho là đệ nói VIỂN VÔNG? Mà cũng mong các đại ca nếu k qua vụ HD981 NẾU CÓ thay NGỰA giữa dòng thì thay con già con LÚ con ú ớ... đừng thay đệ đệ vẫn trung thành vẫn còn khoẻ để kéo cái xe CNXH đi hết thế kỉ này!
    TCB; CNXH mang màu sắc TQ còn k biết tồn tại mấy năm nữa k để mà còn cho mày kéo các xe KTTT định hướng XHCN đây 'ngao ngán'!!!
    NGLUY

    Trả lờiXóa