Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

CẢI CÁCH hay SỤP ĐỔ ?


 * TỐNG VĂN CÔNG                                                            
(Đọc “Tôi biết làm thế nào” của Tập Cận Bình)
I. TÔI THƯỜNG ĐỂ TÂM CÂU THÀNH NGỮ TRUNG HOA: ĐỒNG  BỆNH TƯƠNG LIÊN.
“Tôi biết làm thế nào?” là bài  được tạp chí Tiền Tiêu, Hồng Công, tháng 4-2013 đăng theo ghi âm phát biểu nội bộ của Tổng bí thư Tập Cận Bình.  Viet-studie  đăng bản tiếng Việt  ngày 14-7 . Đã gần tròn một tháng,  Bắc Kinh vẫn không bác bỏ, vậy có thể tin bài này có thật.
Tôi thường để tâm đến Đảng Cộng sản Trung Quốc, không chỉ vì nó liên quan đến vận mệnh của đất nước  mà còn   liên quan đến vận mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam  như một thành ngữ  Trung Hoa: “đồng bệnh tương liên”. Năm 2010 , tôi  viết bài “Những điều nên học và không nên học  từ Trung Quốc”,  cho rằng thuyết “Mèo trắng, mèo đen” của Đặng Tiểu Bình và thuyết “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân có ý nghĩa tích cực. Bởi các lý thuyết  này giúp  Đảng Cộng sản Trung Quốc vứt bỏ ý thức hệ cộng sản, thẳng tiến vào chủ nghĩa tư bản ( nhiều học giả kèm thêm mấy chữ “hoang dã”, “thân hữu”)  mà vẫn có thể khẳng định rằng đang tiến lên  chủ nghĩa xã hội, giữ yên lòng các lão thành cách mạng.
Ngày 25-2-2010, Tuần Việt Nam đưa bài này lên mạng, lập tức  hai cơ quan quản lý nhà nước buộc phải lấy xuống ngay. Theo Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn, các cơ quan này  sợ mất lòng Đảng bạn, vì bài viết chỉ trích hai điều không nên học Đảng Cộng sản Trung Quốc:
1-Tham nhũng, gây khoảng cách giàu nghèo rất lớn ;
2- Đàn áp đẫm máu phong trào đòi dân chủ ở Thiên An Môn.
Cả hai vấn đề nay  đều được  Tổng bí thư Tập Cận Bình nhắc đến. Các nhà lý luận chính thống của Việt Nam vẫn không đồng ý hai thuyết nói trên, họ cho rằng “mèo trắng, mèo đen” là thứ chủ nghĩa cơ hội. Kể ra  cũng có lý, bởi để mua lòng “con hổ giấy”, ông Đặng đã  không rung tay chỉ đạo  hai cuộc chiến biên giới phía Bắc và Tây Nam để  lấy máu Việt Nam đem đặt cược. Tuy dân tộc Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam đã nếm quá nhiều vị đắng từ người đồng chí “bốn tốt”, nhưng  tôi vẫn cứ  nuôi ảo vọng trước khi đọc Tập Cận Bình, người cầm trịch của thế hệ lãnh đạo thứ 5 ! Tuy nhiên…
II- ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG  QUỐC  ĐÃ THAY ĐỔI  BẢN CHẤT HAY VỐN NÓ LÀ  NHƯ THÊ ?
Tập Cận Bình có những luận điểm về Đảng cộng sản Trung Quốc rất đáng kinh ngạc :
1-“ Đảng Cộng sản chúng ta làm gì đều xuất phát từ lợi ích căn bản và logic của chúng ta”.
 Nghe cái “lợi ích căn bản” này không khỏi nhớ chuyện chia quả thực trong cải cách ruộng đất. Ở thế kỷ trước, các Đảng cộng sản đều dạy cho  đảng viên  của mình về Đạo đức cách mạng (Hồ Chí Minh) và Bàn về tu dưỡng của đảng viên cộng sản (Lưu Thiếu Kỳ). Cả hai ông đều nói, Đảng cộng sản chiến đấu vì hạnh phúc của nhân dân, ngoài ra Đảng không có  lợi ích nào khác. Hồ Chí Minh còn nói rõ:” Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Nếu đảo ngược lại Đảng làm gì cũng xuất phát từ lợi ích của mình, thì hẳn là chẳng  đếm xỉa tới nỗi  khổ và nguyện vọng của nhân dân!
2- “Nếu xâm phạm quá mức tới lợi ích của quần chúng nhân dân, rõ ràng sẽ tác động không tốt tới lợi ích lâu dài của Đảng”.
Câu này cho thấy lợi ích của Đảng và lợi ích của nhân dân  khác nhau. Do đó,  Đảng chỉ nên xâm phạm  lợi ích của nhân dân vừa vừa, phải phải, để dân còn chịu được lâu dài. Nhân dân đang ở vị thế thần dân, tưởng mình còn  nhờ  ơn mưa móc,  không quá bức xúc mà  nổi loạn!
3 - “Chúng ta phải làm thế nào để kiên trì không mệt mỏi sự nghiệp của Đảng ta, củng cố cho được chính quyền mà Đảng chúng ta phải chịu bao nhiêu gian khổ mới giành được”.
Như vậy chính quyền  do Đảng giành lấy thì nó mãi mãi là của Đảng. Trước kia, chúng tôi được dạy rằng “Marx nói quần chúng sáng tạo ra lịch sử”, và “Lê nin nói, cách mạng là ngày hội của quần chúng”(Lê nin toàn tập, tiếng Việt,tập 11, trang 131). Hồ Chí Minh nói “Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương  do dân cử ra”(TT, ST, 1985,T1, trang 299 và “Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”( TT,ST, 1984, T4, trang 283).
Có lẽ các luận điểm của Tập Cận Bình  xuất phát từ việc kiên trì chủ nghĩa Mao :”Tôi vẫn phải nhấn mạnh tinh thần cách mạng của đồng chí Mao Trạch Đông”. Mao là cha đẻ   thuyết “Súng đẻ ra chính quyền”. Có rất nhiều thức giả trong và ngoài Trung Quốc  đánh giá Mao rất tệ hại : Đảng viên cộng sản, đại tá Tân Tử Lăng, trong quyển sách viết về Mao đã nhận định:” Nhảy vọt lớn và Đại cách mạng văn hóa vô sản là sự phát triển ác tính của chủ nghĩa xã hội bạo lực Mao Trạch Đông. Ba năm nhảy vọt lớn, cả nước có 37, 55 triệu người bị chết đói”. Ông Lý Quang Diệu nói:”Ông ta thật điên rồ”. Nguyên Thủ tướng Đức Helmut Schmidt nói:”Mao là một tay tàn bạo”. Giáo sư Francis Fukuyama, đại học Stanford nói, Mao là một “ngụy vương”…
Nhưng tại sao nhà cải cách Đặng Tiểu Bình lại  chủ trương bảo vệ Mao? Hãy nghe Helmut Schmidt kể với Lý Quang Diệu như sau:”Năm 1983, tôi có buổi trò chuyện với ông ấy. Hai chúng tôi và người phiên dịch. Khi đó, chúng tôi đã quen nhau gần mười năm cho nên nói chuyện khá cởi mở và thân mật.Tôi giễu cợt:” Nhìn kỹ vào thực tế thì thấy những người cầm quyền ở Bắc Kinh không trung thực cho lắm; họ tuyên bố mình là cộng sản, nhưng thực ra thì họ theo Khổng giáo.”  Ông Đặng có vẻ hơi sốc một chút, mất vài giây, nhưng sau đó thì ông ấy đáp lại vỏn vẹn ba từ. Ba từ đó là :”Thì đã sao?”. Ông Đặng công nhận mình theo Khổng giáo,  một học thuyết bảo vệ vương quyền, xưa  là các hoàng đế Trung Hoa,  nay là những vị “vua tập thể”! Do đó, Đặng  bảo vệ Mao đâu có gì khó hiểu! Có lẽ chúng ta đã nhầm, Đảng Cộng sản Trung Quốc xưa nay vốn vẫn y như thế!
III -  GIẢI Mà VỤ THẢM SÁT THIÊN AN MÔN.
Tập Cận Bình nói:”Phong trào dân chủ Thiên An Môn ngày 4-6-1989 cho tới nay là cái cớ để các thế lực phản động trong và ngoài nước công kích Đảng ta. Đồng chí Triệu Tử Dương cũng do đó mà bị hạ bệ và đưa lại hậu quả nghiêm trọng”. Đây không phải ý kiến riêng của Tập Cận Bình mà là quan điểm xuyên suốt  của các thế hệ cầm quyền Bắc Kinh. Phân tích vụ thảm sát Thiên An Môn sẽ cho thấy rõ 3 quan điểm lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 1- CÁC THẾ  LỰC THÙ ĐỊCH CHÍNH LÀ NHÂN DÂN NHEN NHÓM PHONG TRÀO DÂN CHỦ .
  Mặc dù nhà cầm quyền Trung Quốc đã ký kết các Công ước  dân chủ, nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, nhưng họ luôn luôn bài bác cái gọi là “dân chủ, nhân quyền của phương Tây”. Các nhà lý luận Trung Quốc cho rằng Mỹ và Phương Tây muốn  Trung Quốc “Tây hóa”, hòng chống phá   chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.  Lưu Minh Phúc tác giả  Giấc mơ Trung Quốc ( Gần đây, Tập Cận Bình nêu lên như là một quyết sách của chính ông) cho rằng Mỹ đưa ra “3 định luật chính trị” nhằm lật đổ địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc
:1-Chế độ một Đảng là nguồn gốc tham nhũng.
2- Liên Xô sụp đổ là do chỉ có một Đảng cầm quyền.
3- Phải thực hiện đa Đảng  thì mới là nhà nước dân chủ.
Lưu Minh Phúc cho rằng: “Đảng cộng sản Trung Quốc trường kỳ cầm quyền sẽ bác bỏ “3 định luật chính trị  kiểu Mỹ”(trang 586). Ông cho rằng, Trung Quốc sẽ vô hiệu hóa con át chủ bài “dân chủ kiểu Mỹ” bằng “chế độ thống nhất hữu cơ gồm có 3 yếu tố: sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Nhân dân làm chủ và Nhà nước pháp trị”( trang 579).
Thực tế cho thấy “chế độ thống nhất hữu cơ” này đưa tới: Đảng độc quyền, Đảng làm chủ, Đảng trị. Giáo sư Trương Duy Vi  trong đối thoại với giáo sư Francis Fukuyama, cho rằng hệ thống bầu cử Mỹ chỉ là “trình diễn dân chủ”. Trung Quốc, ngược lại, “ đó là quốc gia chỉ có thể được điều hành bởi những người có đủ tài năng và kinh nghiệm, được lựa chọn theo chế độ tuyển dụng nhân tài truyền thống”. Ông còn lạc quan hơn cả Lưu Minh Phúc về sự trường tồn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi nêu ra khái niệm “khí” của văn hóa Trung Hoa: Mỗi triệu đại hưng thịnh trong lịch sử Trung Hoa đều kéo dài từ 200 đến 300 năm. Sự trỗi dậy hiện nay, do đó có thể coi là chỉ  mới bước vào giai đoạn khởi đầu! Ông đưa ra 4 điều bất cập của chế độ dân chủ, trong đó có tình trạng xấu là rất  khó tạo ra sự đồng thuận cao, một Đảng thắng cử chỉ đạt 51% phiếu bầu.  Trung Quốc không bị ràng buộc bởi thứ dân chủ ấy, nhờ đó  Đảng có thể  quyết định được mọi việc một cách rất nhanh chóng.
Các học giả của Đảng không biết rằng, Tocqueville đã từng lo ngại nguy cơ “chuyên chế của đa số” ông cho rằng phải có  nền quản lý phi tập trung để góp phần cho cá nhân bớt bị bộ máy quan liêu đè nén, và cần phải có tòa án độc lập để đối trọng với quyền lực của đa số. Huống hồ ở Trung Quốc hiện nay là nền chuyên chế không phải của đa số mà là của chế độ toàn trị  một Đảng, lại không có nền  tư pháp độc lập!
2- QUÂN GIẢI PHÓNG NHÂN DÂN LÀ CÔNG CỤ CỦA ĐẢNG.
Đảng Cộng sản Trung Quốc từ chỗ coi Quân Giải phóng Nhân dân  là công cụ của nhân dân như tên gọi của nó, có nhiệm vụ tiến hành cuộc chiến tranh lâu dài  để giải phóng nhân dân khỏi ách thống trị ngoại bang và các thế lực cường quyền áp bức. Dù tên gọi vẫn không đổi, nhưng ngày nay Quân Giải phóng Nhân dân  bị buộc  phải  là công cụ của Đảng để đàn áp nhân dân gây thảm sát ở Thiên An Môn. Trong lịch sử, các nhà nước độc tài đều dùng bạo lực đàn áp nhân dân, nhưng vụ thảm sát Thiên An Môn đứng đầu về mức độ man rợ. Người ta huy động  quân đoàn 27 và 28  từ  xa, âm thầm tiến vào thủ đô từ  4 giờ khuya, xông thẳng vào  những trí thức,  sinh viên, công nhân  trong  tay không tấc sắt,  bắn chết và  nghiền nát  hơn 800 người, làm bị thương hơn 10.000 người !
Hiện nay, để đáp ứng tham vọng bá quyền, Tập Cận Bình đang đòi hỏi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đáp ứng cho được “cuộc chiến tranh quy mô lớn trong điều kiện kỹ thuật cao phức tạp, có Mỹ tham chiến”!
3- ĐỒNG THỜI  THẢM SÁT QUYỀN TỰ QUYẾT CỦA CÁC DÂN TỘC.
Vụ thảm sát  dân chủ ở Thiên An Môn cũng đồng thời  thảm sát quyền tự quyết của các dân tộc vừa manh nha trong các  nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách  dân chủ,  để nuôi lớn chủ nghĩa dân tộc  sô vanh Đại Hán. Trước khi gây ra vụ thảm sát Thiên An Môn, Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đặng Tiểu Bình đã  sa thải liên tục hai Tổng bí thư có tư tưởng cải cách chính trị là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương.
Hồ Diệu Bang bị kết tội “sai lầm trong những nguyên tắc chính trị”: Cảm thông, lắng nghe và  tiếp thu  ý kiến của trí thức về tự do, dân chủ. Tán thành tự do ngôn luận, tự do báo chí. Rút cán bộ người Hán khỏi Tây Tạng, để cho người Tây Tạng điều hành việc quản lý khu tự trị của mình.
Triệu Tử Dương  kế nhiệm và cũng kế tục tư tưởng  Hồ Diệu Bang: Chủ trương phát triển kinh tế phải đi đôi với dân chủ hóa chính trị. Chấp nhận đối thoại với trí thức, sinh viên đang biểu tình ở Thiên An Môn.  Bỏ lá phiếu duy nhất chống quyết định thiết quân luật, để gây ra vụ thảm sát. Trong  hồi ký  viết khi đã bị quản chế, ông cho rằng:”Hệ thống nghị viện dân chủ Phương Tây là con đường duy nhất giúp cho Trung Quốc có thể giải quyết nạn tham nhũng và cách biệt giàu nghèo to lớn”.
Ngay khi còn “ẩn mình chờ thời”, những nhà lãnh đạo nuôi  tư tưởng quân quyền đã  thẳng tay  dìm nhân dân mình vào bể máu Thiên An Môn và  nuốt chững các dân tộc Tây Tạng, Uyghur Tân Cương, Nội Mông. Vậy thì ngày nay, khi đã trỗi dậy, tự cho mình tư cách sắp đứng đầu thế giới, việc họ  ngang nhiên tuyên bố “các lợi ích cốt lõi”, thè “lưỡi bò”  liếm trọn Biển Đông, đe dọa các nước trong khu vực là sự phát triển logic của chủ nghĩa bá quyền!
IV- CẮT CÁI NGỌN THAM NHŨNG, GIỮ CÁI GỐC TOÀN    TRỊ!
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có nhiều nghị quyết về chống tham nhũng. Hệ thống  tuyên huấn Đảng, bộ máy truyền thông nhà nước thường xuyên, rầm rộ tuyên truyền  sâu rộng nhằm tạo niềm tin rằng không cần thực hiện đa đảng, cũng không cần tam quyền phân lập kiểu phương Tây, vẫn có thể chống tham nhũng thắng lợi. Chủ trương lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc là thực hiện dân chủ trong Đảng thay thế cho dân chủ ngoài xã hội, phân chia định chế tổ chức của Đảng thành 3 bộ phận:1-  Ra quyết định. 2- Thực thi chính sách. 3- Giám sát. Tức là chuyên môn hóa theo chức năng “3 định chế”  trong nội bộ của Đảng.
Cách làm đó  giữ cho  Đảng đứng trên sự giám sát, đứng trên Hiến pháp. Ủy ban trung ương về Chính trị và Pháp luật của Đảng (CCPL- Chính pháp Ủy) chỉ đạo các cơ quan chức năng của nhà nước như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ An ninh quốc gia. Đây được coi là bộ máy quyết định tiêu diệt tham nhũng của Trung Quốc.
Nhiều nhà lý luận lớn của họ viết sách cổ vũ cho niềm tin này. Trong Giấc mơ Trung Quốc của Lưu Minh Phúc xuất bản năm 2009 có đoạn: “Làm nên kỳ tích “Trị quốc liêm khiết lâu dài” hiệu quả hơn cạnh tranh đa Đảng”. Ông  thuyết lý vấn đề  một cách rổn rảng dài dòng: ”Chúng ta cần phải đi con đường liêm khiết đặc sắc Trung Quốc, xây dựng quốc gia đặc sắc liêm khiết Trung Quốc, xã hội liêm khiết đặc sắc Trung Quốc. Trung Quốc giàu mạnh ắt phải là Trung Quốc liêm khiết. Xây dựng một hệ thống chính quyền liêm khiết  đặc sắc Trung Quốc là như thế nào? Đây là một vấn đề cần bứt phá và sáng tạo mới.” Nhưng sau đó không thấy ông chỉ ra thế nào là sự “ bứt phá và sáng tạo mới”!
Giáo sư Trương Duy Vi  cho rằng tham nhũng là vấn đề kinh tế chứ không phải chính trị, khi nói “các vùng đã phát triển của Trung Quốc miễn dịch tốt hơn với tham nhũng” và kết luận rằng để chống tham nhũng đạt hiệu quả thì “Quản trị tốt là điều quan trọng hơn dân chủ hóa theo phong cách Phương Tây”.  Tập Cận Bình nhiều lần nói về nạn tham nhũng, gọi nó là “con hổ” và đồng ý với Trưởng ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn rằng cách làm hiện nay chỉ là “xì hơi khi quả bóng quá căng”, “lấy đũa khuấy nồi canh đang sôi để nước không tràn”, “chỉ là trị ngọn chứ không trị tận gốc”. Như vậy Tập Cận Bình đã phải công nhận sự phá sản của chiến lược chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thực ra  từ lâu người dân Trung Quốc đã thấy điều đó.  Vụ Bạc Hy Lai vỡ ra cho thấy những kẻ tham nhũng lớn không phải là cá biệt mà là sản phẩm phổ biến của chế độ Đảng đứng trên Hiến pháp và pháp luật. Chế độ đảng trị đang dung chứa ngày càng  nhiều những “đồng chí chưa bị lộ”. Trong cuộc đối thoại với Trương Duy Vi, giáo sư Francis Fukuyama có nhận xét xác đáng: ”Ở nhiều khía cạnh khác, cơ cấu quản trị xã hội ở Trung Quốc ngày nay lại rất giống với những gì từng tồn tại dưới triều đại Tần Thủy Hoàng. Đó là một chính phủ quan liêu tập trung có chất lượng cao được xây dựng trên sự tuyển chọn khách quan và các luật lệ mang tính hình thức”. Và, “Ngày nay trong chính phủ Trung Quốc tính giải trình và chịu trách nhiệm theo chiều từ cấp dưới lên cấp trên trong hệ thống do Đảng Cộng sản lãnh đạo, thay vì Hoàng đế hay vua như trước kia”. Và “đặc tính quan liêu luôn mang lại tình trạng tham nhũng và điều hành yếu kém.” Trả lời bạn đọc BBC “ vì sao tham nhũng là vấn nạn lớn của Trung Quốc?”, nhà bình luận quốc tế kỳ cựu John Simpson đáp:” Nó luôn là vấn nạn lớn khi các xã hội khép kín đột nhiên tiếp xúc với tiền bạc mà không có sự giám sát phù hợp”. Có lẽ nên nói thêm: Tuy đã mở cửa, nhưng bên trong xã hội Trung Quốc, vẫn tiếp tục là một xã hội khép kín, vì nó không có tự do tư tưởng, tự do báo chí, không có  một xã hội dân sự đúng nghĩa.
Tập Cận Bình đặt câu hỏi và trả lời:”Khi nào chúng ta mới trị được tận gốc nạn tham nhũng ? Có lẽ phải đợi tới khi mà lý luận, đường lối, chế độ bắt đầu đứng trước sự điều chỉnh thực sự. Có người hỏi, tới khi đó có quá muộn không? Tôi cho rằng có lẽ chúng ta phải tìm câu trả lời trong cuốn sách “Chế độ cũ và Đại cách mạng” mà đồng chí Vương Kỳ Sơn giới thiệu với chúng ta.”  Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn muốn nói đến quyển Chế độ cũ và Cách mạng ( L` ancien Régime et la Révolution) của Tocqueville  xuất bản năm 1856 . Tocqueville cho biết đây là tập 1 của bộ Lịch sử Cách mạng Pháp, nhưng cái chết đột ngột đến với ông khiến cho  không có tập 2. Tác phẩm này chứng minh, cách mạng   hoàn tất sự phát triển đã hình thành sẵn trong lòng của chế độ cũ. Ngày 30-11- 2012,  Vương Kỳ Sơn kêu gọi các quan chức và học giả nên đọc quyển sách này. Sau đó, các báo chính thống đều đăng tin này, nhưng tóm tắt nội dung sách méo mó và  chỉ gọn lỏn hai câu:”Chế độ phong kiến trước kia sụp đổ và mất lòng dân, nhưng những cuộc bạo loạn xã hội không đem lại kết quả mà những nhà cách mạng mong muốn. Cả những kẻ thống trị và quần chúng cuối cùng đều bị ngọn lửa phẫn nộ nuốt chửng”.
Từ cách làm này cho  thấy mục đích chính của Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn chỉ là muốn cảnh báo với các quan chức của Đảng Cộng sản rằng, quan liêu và tham nhũng có thể làm cho một chế độ hùng mạnh phải  sụp đổ. Đồng thời, cảnh báo với  giới  trí thức rằng nếu đòi  dân chủ hóa nhanh chóng, thì  có thể gây ra hỗn loạn, đổ máu và nhiều hậu quả khôn lường. Đây là  thủ đoạn “quản lý thông tin” phục vụ cho điều ông gọi là tiếp tục “3 tin tưởng”  để thực thi  “liệu pháp giữ nguyên”, khiến cho việc chống “con hổ tham nhũng” chỉ nhằm “cái ngọn”, còn “cái gốc” là chế độ toàn trị thì không được động đến bởi sợ “rút dây động rừng”!
V- LỜI GIẢI CỦA NHÀ CÁCH MẠNG VĨ ĐẠI TÔN TRUNG SƠN. 
Tập Cận Bình nhắc lời Hồ Cẩm Đào, phải sáng tạo, đổi mới  phương pháp quản lý xã hội và bác bỏ “một số dư luận lại cho rằng đây chỉ là chủ nghĩa kỹ trị để tăng cường tính chuyên chế độc đoán của một Đảng”. Các nhà lãnh đạo và học giả Trung Quốc tìm cách chứng minh rằng phát triển kinh tế phồn vinh là bảo đảm vững chắc cho độc quyền lãnh đạo của Đảng. Giáo sư Trương Duy Vi cho rằng Mùa Xuân A rạp không phải là phong trào  tự do mà chỉ là vấn đề kinh tế. Nhiều người  bác bỏ ý kiến này cho rằng: Kỹ sư Bouazizi - người châm ngòi nổ Mùa xuân A rap – tự thiêu không phải vì bị thất nghiệp mà để phản đối sự xúc phạm nhân phẩm!  Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào tìm đến thuyết kỹ trị của các học giả Mỹ  thế kỷ 20, cho rằng có thể  thực hiện một cuộc “cách mạng quản lý” để ổn định xã hội,  không cần phải cải cách chính trị.
Trong Giấc mơ Trung Quốc, tác giả Lưu Minh Phúc có một nhận định đúng là “Làm người cải cách khó hơn làm người cách mạng”…Người cách mạng bao giờ cũng là động lực của cách mạng chứ không thể trở thành đối tượng của cách mạng; người cải cách vừa là động lực cải cách lại vừa là đối tượng của cải cách”. Chứng minh cho việc này, ông cho biết có đến 97% quan chức Trung Quốc phản đối công khai tài sản riêng. Về vấn đề này Việt Nam có câu thành ngữ rất hay “Không ai muốn lấy đá ghè chân mình”!
Những năm gần đây càng ngày càng có nhiều nhân dân và đảng viên cộng sản Trung Quốc công khai  đòi hỏi phải cải cách chính trị.
Ngày 25-12-2012,  hơn 70 trí thức hàng đầu Trung Quốc trình Bản Kiến nghị kêu gọi Ban lãnh đạo mới sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc phải  cải cách chính trị, thực hiện bầu cử tự do,  tự do ngôn luận và nền tư pháp độc lập. Kiến nghị có đoạn:” Nếu những cải cách hệ thống chính trị mà xã hội Trung Quốc đang đòi hỏi khẩn cấp tiếp tục bị ghìm nén và tình trạng tham nhũng, bất bình xã hội tích tụ đến mức độ nguy hiểm và bùng nổ thì lúc đó Trung Quốc sẽ một lần nữa để lỡ cơ hội cải cách hòa bình, sẽ chìm  trong hỗn loạn của cách mạng bạo lực”.*
Trước đó, ngày 29-11-2011, giáo sư Tôn Lập Bình, người thày hướng dẫn Tập Cân Bình làm luận án tiến sĩ , đã  phát biểu tại cuộc hội thảo ở Bắc Kinh:”Tôi nghĩ rằng, vào lúc này, dân chúng vẫn còn một chút tin tưởng và cảm tình dành cho chính quyền. Nếu một vấn đề nào đó không được giải quyết mà lãnh đạo xin lỗi thì người dân vẫn cảm động đến khóc. Tuy nhiên cơ hội này không kéo dài. Nhiều lắm là 5 đến 10 năm. Có thể không đến 10 năm. Có thể trên dưới 5 năm. Khi đó chỉ còn một cách là: Cai trị bằng bạo lực, đàn áp bất cứ ai chống đối”. Ông trùm bất động sản Nhiệm Chí Cường viết trên blog của mình: ”Nếu không cải cách sẽ không có Đại hội Đảng lần thứ 19 !” *
Gần đây ở Trung Quốc có hai hiện tượng  rất đáng coi trọng là:
1- ĐANG  XUẤT HIỆN NHIỀU ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN MUỐN THỰC HIỆN  MỘT NỀN DÂN CHỦ ĐA ĐẢNG .
Càng ngày càng có nhiều đảng viên cộng sản cao cấp, đặc biệt là các nhà lý luận của Đảng  lên tiếng yêu cầu thực hiện nền dân chủ kiểu phương Tây. Nhà lý luận nổi tiếng của Đảng cộng sản Trung Quốc, Du Khả Bình viết: ”Sẽ nguy hiểm chết người nếu cho rằng Trung Quốc chỉ cần dân chủ trong Đảng, thay vì một nền dân chủ thực sự cho nhân dân (nhân dân dân chủ) hay dân chủ xã hội ( xã hội dân chủ), cả hai hình thức dân chủ này đều bao hàm bầu cử đại chúng và thực hiện từ cơ sở”.  Giáo sư Vương Trường Giang chủ nhiệm bộ môn xây dựng Đảng của Trường Đảng Trung ương nói: ”Thúc đẩy dân chủ trong nội Đảng không vì thế mà hi sinh dân chủ của toàn xã hội.” Ông dẫn chứng những cuộc khủng hoảng ở Tây Tạng , Tân Cương và những cuộc bạo loạn xã hội nổi lên khắp nơi, rồi nhận định: ” Dân chủ cho xã hội là thứ không thể ngồi chờ mà có được!”. Nữ học giả Từ Trung Quân, nguyên giám đốc Viện nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội TQ, phê phán các nhà lãnh đạo có quan điểm cho rằng dân chủ là thứ không phù hợp với truyền thống Trung Quốc và “những giá trị phổ quát toàn cầu” chỉ là âm mưu của Phương Tây nhằm chống phá Trung Quốc. Cả ba học giả nổi tiếng nói trên đều là đảng viên cộng sản, vậy tại sao họ lại tán thành nền dân chủ đa nguyên chính trị, sẽ xuất hiện  những chính Đảng cạnh tranh với Đảng của họ?  Những người bảo thủ cho rằng như vậy tức là chống Đảng, phản Đảng.
Thực ra,  những đảng viên trí thức này  hiểu rõ sự  độc quyền toàn trị chính là nguyên nhân gây thoái hóa  Đảng, làm cho Đảng sụp đổ một cách nhục nhã. Hiên nay Đảng đã lâm vào  tình trạng mà Tập Cận Bình  gọi một cách bóng bẩy là ”Đảng phong trong nội bộ Đảng hiện nay không bằng trước đây”. Nếu nói thẳng ra là, một Đảng quan liêu, tham nhũng, phản bội nhân dân! Sự suy thoái của Đảng kéo theo sự băng hoại đạo đức của cả xã hội. Do đó, các đảng viên cộng sản này muốn đặt lợi ích và  tiền đồ dân tộc lên trên quyền lợi ích kỷ của Đảng và cũng là một cách cứu Đảng may ra khỏi bị ghi danh bạo chúa, sau Tần Thủy Hoàng.
2- NHIỀU ĐẢNG VIÊN LÀ SĨ QUAN QUÂN GIẢI PHÓNG NHÂN DÂN  KÊU GỌI“QUÂN ĐỘI LÀ CỦA QUỐC GIA”
       Cuối năm 2012, một số đảng viên là sĩ quan Quân Giải phóng Nhân dân phát lời kêu gọi  chủ trương “quân đội là của quốc gia” thay vì “quân đội là của Đảng”. Phong trào này là sự thức tỉnh của các đảng viên là sĩ quan sau những vụ dùng quân đội đàn áp đẫm máu ở Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và nhiều cuộc bạo loạn của nông dân bị mất đất đang xảy ra  khắp nơi. Cũng có thể nói sự thức tỉnh ấy được  nhen nhóm từ ngọn lửa âm ỉ  ở vụ thảm sát Thiên An Môn hơn 20 năm trước. Giáo sư Tiễn Lý Quần của Đại học Bắc Kinh cho rằng các “thái tử Đảng” trong quân đội giải phóng nhân dân sẽ ủng hộ chủ trương này. *
Hai hiện tượng nói trên cho thấy xu thế  của phong trào dân chủ đang phát triển rất sâu sắc. Tờ  Hoàn cầu Thời báo (bản tiếng Anh) thông báo cuộc thăm dò của họ ở 7 thành phố  Trung Quốc cho thấy có 63,6% người được hỏi không phản đối việc chấp nhận nền dân chủ kiểu phương Tây cho Trung Quốc. Có lẽ, Tập Cân Bình và các nhà lãnh đạo thế hệ thứ 5 của Đảng Cộng sản Trung Quốc không cần tìm sách ở đâu xa mà chỉ cần học lại lời dạy  của nhà cách mạng vĩ đại Tôn Trung Sơn ngày 9-3-1924 trong bài thuyết giảng của ông với quốc dân:
“Thế giới ngày nay là thế giới gì? Là thế giới dân quyền! Tuy mầm mống đã có từ thời Hy Lạp, La Mã cách đây hơn 2000 năm, nhưng nó mới được xác lập vững vàng cách đây 150 năm… Dân quyền là người dân đấu tranh với nhà vua, cũng có thể nói là người thiện đấu tranh với kẻ ác, công lý đấu tranh với cường quyền. Ở thời đại này, dân quyền dần dần phát triển. Chủ trương nền chính trị dân quyền, chúng ta phải khảo sát tình hình dân quyền ở các nước trên thế giới để thực hiên cho tốt. Bởi vì từ khi có lịch sử, Trung Quốc chưa hề thực hiện chế độ dân quyền. Lịch sử Trung Quốc trải 4000 năm, có thời thịnh trị có thời loạn ly, nhưng đều áp dụng chế độ quân quyền.”
Một tập trung trí tuệ Trung Hoa mới mẻ và sát cuộc sống hiện nay hơn, đó chính là Bản Linh bát Hiến chương ra đời ngày 10-12-2008 bởi 300 người con ưu tú nhất của Trung Hoa đứng đầu là Lưu Hiểu Ba, người sống sót trong vụ thảm sát Thiên An Môn. Linh bát Hiến chương có những chữ lớn là: Tự do, Nhân quyền, Bình đẳng, Cộng hòa, Dân chủ, Hiến trị. Và những điều “ nhiệt liệt cổ vũ” là: Một Hiến pháp đảm bảo nhân quyền, dân quyền; Một nhà nước phân chia và hạn chế quyền lực; Một nền tư pháp độc lập đứng trên mọi đảng phái; Quân đội, Công an chịu trách nhiệm trước chính phủ, không dính dáng với đảng phái…
Xin cầu chúc  Trung Quốc trỗi dậy cũng đồng thời là  Trung Quốc thức tỉnh tự do dân chủ! Đó không chỉ là hạnh phúc của 1,3 tỉ  nhân dân Trung Quốc anh em! Đó còn là may mắn cho lân bang  và  toàn nhân loại yêu chuộng  hòa bình!                                                        
11- 8 2013
  T.V.C                                                                
-----------------
.* Theo “Hồi kết cho chế độ chuyên chế dẻo dai của Đảng cộng sản Trung Quốc”… của Cheng Li (Lý Thành) đã đăng trên Thời đại của  Viet-studies.
<From: TTHN>
-------------------

2 nhận xét:

  1. Khó có thể tin một người như TCB lại có thể cởi lòng như vậy ,dù là trong nội bộ đảng CSTQ.

    Có thể đây chỉ là cách bủa lưới bắt cá dân chủ giống phong trào báo chữ to trước cách mạng văn hóa mà đảng CSTQ đã thực hiện để triệt hạ những người có tư tưởng đối lập.

    Trả lờiXóa
  2. Ông ta đơn giản chỉ là muốn làm động tác cân bằng giữa các phe nhóm lợi ích (gia phiệt) trong đảng CS. Đồng thời giữ nguyên tư thế lập lờ các vấn đề biển đảo, đẩy vấn đề đó cho xã hội, cho quần chúng mặc sức tưởng tượng

    Trả lờiXóa