Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

SUY NGẪM VỀ THỜI CUỘC - Phần 11

 
* NGUYỄN TRUNG
(tiếp theo Phần 11)
…Giả định rằng ngay sau 30-04-1975, ĐCSVN với tư cách là người chiến thắng (nói theo Huy Đức là “bên thắng cuộc”) chủ trương hòa giải dân tộc, giương cao ngọn cờ dân chủ, và với ý thức “không gì quý hơn độc lập tự do!”, nỗ lực dẫn dắt đất nước phấn đấu đổi đời cả dân tộc, để trở thành một quốc gia của các giá trị mà ĐCSVN đã từng ghi trên lá cờ của mình là “dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc”, đã từng nói lên thành lời ý chí này trong Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945, đã từng thể hiện ý chí này thành pháp quyền trong Hiến pháp 1946… Ôi, giả thử xây dựng nên một Việt Nam như thế và cùng đi như thế với cả thế giới!..  Ôi, nếu từ ngày ấy đi theo con đường này, hôm nay nước ta sẽ là gì và đang đứng ở đâu! ĐCSVN hôm nay sẽ là đảng gì, thế giới sẽ nhìn nhận Việt Nam ra sao!?.. 
Tôi không trả lời được những chữ “nếu” như vậy.
Nhưng trong lòng tôi hôm nay vẫn dào dạt tâm trạng biết ơn những tình cảm tốt đẹp nhất nhân loại tiến bộ hồi ấy đã từng dành cho tinh thần yêu độc lập tự do của dân tộc ta trong kháng chiến chống Mỹ:  “Việt Nam là lương tri của thời đại!”, “Việt Nam trong trái tim tôi!...”
Vâng, lịch sử không làm lại được. Nhưng nếu ngày nay học được từ lịch sử!
Vâng, sau 30 Tháng Tư Bẩy Nhăm cái giá dân tộc ta phải trả tiếp cho ý thức hệ và sự ngu dốt thật đắt quá, đau quá!
    > Phần 1 ; Phần 2; Phần 3; Phần 4; Phần 5; Phần 6; Phần 7; Phần 8 ; Phần 9 ; Phần 10 
Xin thưa lại chuyện cũ. Trong lịch sử cận đại, Việt Nam khi đã hoàn toàn ổn định lại dưới thời Gia Long, đất nước đã từng bỏ lỡ cơ hội để tìm một con đường như nước Nhật hồi ấy (thời Minh Trị) đã tìm được. Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân gốc có thể là thế giới quan hồi ấy của đất nước là Khổng giáo và Nho giáo, thế giới đối với Việt Nam hồi ấy hầu như chỉ là Trung Quốc. Nói nôm na: Với cái lõi nhân văn này và tầm nhìn này của triều Nguyễn lúc thịnh, Việt nam không thể đi xa hơn, không thể với tới xa hơn, hệ quả cuối cùng đối với số phận của đất nước như chúng ta đã biết. Có gì đau đớn hơn cho một dân tộc khi bỏ lỡ cơ hội lịch sử?[74]
Làm sao chúng ta có thể chia sẻ với nhau bây giờ và với mọi thế hệ mai sau: Đừng bao giờ để cho đất nước bỏ lỡ cơ hội lịch sử!..
Thế nhưng… Vâng, thế nhưng…
 (1)Hiện nay và trong tương lai, làm thế nào để phát huy sức mạnh dân tộc?
(2) Làm thế nào để nước ta có thể dấn thân cùng đi với cả thế giới?
Đấy vẫn là 2 câu hỏi lớn phía trước.
(1)Tư duy ý thức hệ, (2)sự giác ngộ chưa đúng tầm lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc, (3)sự hẫng hụt của trí tuệ và phẩm chất lãnh đạo đất nước, đấy vẫn là 3 rào cản chính đang tiếp tục cản trở lãnh đạo ĐCSVN đi đến những câu trả lời đúng đắn phía trước phải có cho 2 câu hỏi sống còn nêu trên đối với đất nước hôm nay.

Vâng, thế nhưng… Cái giá phải trả cho bước ngoặt định mệnh
Chiến tranh biên giới tháng 02 - 1979 của Trung Quốc chống Việt Nam lại đột nhiên rộ lên ác liệt tháng 04 – 1984, khi hàng nghìn lính Trung Quốc ồ ạt tấn công chiếm địa danh Núi Đất (tại xã Thanh Thuỷ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Tuyên, nay là tỉnh Hà Giang.[75]). Nhưng hồi ấy nội tình Trung Quốc vẫn tiếp tục đầy rẫy khó khăn. Tháng 5 – 1989 xảy ra vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn là hệ quả tất yếu. Trong khi đó Trung Quốc vẫn tiếp tục bắn phá trên biên giới nước ta; tháng 3-1988 đánh chiếm thêm 7 đảo và bãi đá của ta ở Trường Sa, tiếp tục gây sức ép với ta trong đàm phán bình thường hóa quan hệ 2 nước và trong giải quyết vấn đề Campuchia, cùng với Mỹ tiếp tục bao vây cô lập nước ta.
Trong khung cảnh như vậy, các nước LXĐA sụp đổ (1989 -1991). Việt Nam chấp nhận yêu sách của Trung Quốc, đến hội nghị Thành Đô (ngày 3 & 4 – 09/1990) để hoàn tất việc bình thường hóa hai nước và việc giải quyết vấn đề Campuchia. Lãnh đạo Việt Nam hồi ấy coi bước đi này là con đường bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo vệ đất nước.  Bước đi này cột chặt nước ta vào Trung Quốc đến bây giờ chưa gỡ ra được, với mọi hệ lụy tác động nghiêm trọng vào toàn bộ con đường phát triển của đất nước và sự nghiệp bảo vệ tổ quốc hôm nay[76].  
Nhìn thực trạng quan hệ Việt – Trung mọi mặt hôm nay, nhìn vào thực trạng đất nước từ sau 30-04-1975, chưa bao giờ nước ta bị suy yếu và bị thách thức nghiêm trọng như hiện tại. Tôi nghĩ rằng thực trạng này bắt đầu từ hội nghị Thành Đô. Tôi nghĩ, đây là sai lầm đối ngoại lớn nhất mang tính chiến lược của lãnh đạo nước ta kể từ sau 30-04-1975. Rất mong bước đi này được mổ xẻ cặn kẽ, để nhìn nhận hiện tại và tiên liệu tương lai cho đất nước[77].
Lại phải nói, lịch sử không làm lại được, nhưng phải chăng cho phép đặt ra những câu hỏi:
Khi các nước LXĐA sụp đổ, có hay không cơ hội cho Viêt Nam bứt ra khỏi mọi lệ thuộc vào bất kỳ ai, để thực sự là nước độc lập tự chủ, đi với cả thế giới tiến bộ?
Phải chăng lợi ích quốc gia đã bị đẩy xuống dưới, để ưu tiên bảo toàn chế độ chính trị với bất kỳ giá nào?
Bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là tối cần thiết. Song có thể đi với Trung Quốc để cùng nhau bảo vệ CNXH giữa lúc quan hệ Việt – Trung có không biết bao nhiêu sự kiện nước ta bị phản bội và rất đẫm máu?[78]
Đi với Trung Quốc như thế, hôm nay nước ta mạnh lên hay yếu đi?
Phải chăng nhận thức thế giới và lợi ích của đất nước qua lăng kính ý thức hệ, cùng với sự tha hóa phẩm chất cách mạng, đã tất yếu dẫn tới bước đi định mệnh này?
Nói rốt ráo hơn nữa: Phải chăng đã là ĐCSVN thì chỉ có thể lựa chọn như vậy trong tình huống các nước XHCN Đông Âu sụp đổ? – Vì tư duy ý thức hệ không có chỗ cho sự lựa chọn khác, không muốn lựa chọn khác?[79]
…Vận mệnh quốc gia đòi hỏi phải mất công sức tìm ra những câu trả lời chuẩn xác.
Muốn xây dựng quan hệ láng giềng tốt và bền vững không thể thiếu với Trung Quốc, càng phải rút kinh nghiêm những chặng đường đã qua để có bản lĩnh thực hiện đúng đắn mục tiêu này.
          Phải chăng có thể kết luận: Vì bất kể lý do gì – hoàn cảnh lịch sử và tình hình phát triển thấp của đất nước, bối cảnh quốc tế bất khả kháng, sự trói buộc của ý thức hệ, sự hẫng hụt của trí tuệ và phẩm chất trong nhận thức thế giới và trong giác ngộ giác ngộ lợi ích quốc gia, sự tha hóa của đạo đức, vân vân… - suốt 38 năm qua, tất cả những hệ lụy của những sai lầm và thất bại trong lĩnh vực đối nội cũng như đối ngoại, tất cả những việc gì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc đòi hỏi phải thực hiện nhưng chưa làm được, đất nước đều phải trả giá.

*
Sau 38 năm kể từ khi giành lại độc lập thống nhất, nói chuẩn xác hơn sau 28 năm đổi mới, Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn phát triển đầu tiên của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời bình. Đây là thành tựu rất to lớn của đất nước.
Một sự thật khách quan là sau 30-04-1975 những công việc phải làm là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn của một nước chịu nhiều hậu quả của chiến tranh (với nghĩa là 7 cuộc chiến tranh trong một cuộc chiến tranh) tàn phá nặng nề và kéo dài, lại phải tiến hành trong những điều kiện đối ngoại rất khó khăn phức tạp.
Về nhiều mặt, những nhiệm vụ phải hoàn thành trong thời kỳ này nhìn chung đều vượt quá tầm với của bất kể đội ngũ lãnh đạo nào đất nước hồi ấy có thể có được. Bởi vì đấy là những nhiệm vụ rất khó, chưa có tiền lệ. Những sai lầm và thất bại nhất định đã vấp phải là điều không thể tránh khỏi. Không thể có bất kỳ một đội ngũ lãnh đạo toàn năng nào, dù là được thượng đế ban cho nước ta, cứ được đặt vào vị trí là có thể hoàn thành được những nhiệm vụ phải làm ấy. Đây cũng là một thực tế khách quan.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là bản chất của hệ thống chính trị, trước hết là đội ngũ nòng cốt của nó là ĐCSVN, thiếu hẳn tố chất dân chủ và học hỏi trong thời bình, do đó rơi vào tình trạng:
Khi nhận thức ra sai lầm, đã tiến hành được công cuộc đổi mới năm 1986, và đã xoay chuyển hẳn được tình thế trong phát triển kinh tế, nhưng cũng chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà thôi, không thể đi tiếp sang cải cách chính trị mà sự nghiệp phát triển của đất nước đòi hỏi.  
Trong quá trình cầm quyền, vì thiếu tố chất của dân chủ và học hỏi, lại không có một hệ thống chính trị dân chủ làm được các chức năng: cọ sát, sàng lọc, thải loại, quyền phải được ràng buộc với trách nhiệm giải trình, thực hiện công khai minh bạch.., nên hệ thống quyền lực của ĐCSVN tha hóa thành hệ thống quyền lực cai trị - (nhóm Kiến nghị 72 gọi đấy là hệ thống quyền lực của chế độ toàn trị). Trở thành một hệ thống chính trị như thế, trước hết là ĐCSVN trở thành một đảng toàn trị, nắm trọn mọi quyền thế. Hệ quả dẫn tới: Sai lầm xảy ra nối tiếp sai lầm, tha hóa ngày càng tha hóa, khiến cho đất nước vấp phải những thất bại nặng nề, và hiện đang rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng[80].
Bản tổng kết 38 năm qua của ĐCSVN phải chăng như sau:
So với mục tiêu chiến lược của ĐCSVN đã đề ra trong các cương lĩnh và trong các nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng,
so với nhiệm vụ thực hiện dân chủ, độc lập, tự do, hạnh phúc cho đất nước và cho nhân dân mà  ĐCSVN đã cam kết,
so với công sức và nguồn lực đất nước đã bỏ ra, so với các cơ hội to lớn đến với đất nước và so với mọi nguồn lực bên ngoài đất nước ta đã tranh thủ được,
so với những thành quả lẽ ra đất nước phải giành được và triển vọng phải có cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước,
so với hệ thống chính trị hiện hành có quá nhiều khuyết tật đang để lại nhiều hệ quả trầm trọng cho đất nước và đang kìm hãm sự phát triển của đất nước,
so với những cái giá đất nước phải trả về đối nội và đối ngoại suốt 38 năm qua,
rồi so mức phát triển của nước ta với các nước có liên quan,
so một bên là tình trạng nguy hiểm hiện nay và những thách thức lớn phía trước đang đặt ra cho đất nước và một bên là khả năng đối phó rất hạn chế của đất nước.., vân vân…
so như thế, phải chăng có thể đi tới nhận xét:
Trong 38 năm hòa bình đầu tiên kể từ khi đất nước độc lập thống nhất, ĐCSVN đã vấp phải nhiều thất bại rất nghiêm trọng; đất nước phải trả giá và hiện nay đang lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc và toàn diện.
Bản thân ĐCSVN ngày nay tha hóa thành đảng cai trị, qua đó đã đánh mất phẩm chất chiến đấu cách mạng của mình.
Nhân danh thực hiện sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, ĐCSVN 38 năm qua đã thiết lập nên một chế độ toàn trị, nguồn gốc cơ bản của biết bao nhiêu quyết sách sai lầm và tệ nạn quan liêu tham nhũng mà ngày nay đất nước đang phải gánh chịu mọi hậu quả[81].
Có phải như thế không?
Nếu đúng là như vậy, ĐCSVN hôm nay chỉ còn lại là một lực lượng chính trị lớn nhất nắm vận mệnh đất nước; lợi ích cai trị của nó và lợi ích đất nước thường không phải là một, và thậm chí có những xung đột hoặc đối kháng nghiêm trọng. Rất nên trao đổi thẳng thắn trong nội bộ ĐCSVN và với nhân dân, để làm rõ thực trạng nguy hiểm này và cùng nhau khắc phục, thay đổi.
Có phải ĐCSVN bây giờ chỉ còn lại là một lực lượng chính trị lớn nhất trong nước hay không?
Câu hỏi này quá nghiêm trọng, nhất thiết các đảng viên ĐCSVN phải tìm ra câu trả lời.
Vì lợi ích của bản thân sự tồn tại ĐCSVN đã đành, nhưng quan trọng hơn thế là vì lợi ích của hòa giải đoàn kết dân tộc đòi hỏi nhất thiết không để xảy ra xung đột hoặc thậm chí đổ máu giữa một bên là lực lượng chính trị lớn nhất này (ĐCSVN) và một bên là các lực lượng chính trị khác trong nhân dân sớm muộn đến lúc nào đó sẽ xuất hiện.
Muốn tránh cho đất nước ta đến một lúc nào đó sẽ có thể xảy ra cái gọi là “hậu chiến tranh Iraq”, hoặc những cái gọi là “mùa xuân Ả-rập” đang diễn ra rất đẫm máu.., thì ngay từ bây giờ phải mổ xẻ thực trạng này, để ĐCSVN phải tự thay đổi chính mình và tranh thủ sự hậu thuẫn của nhân dân cho cuộc đổi đời này của Đảng. Ngay từ bây giờ nhân dân cả nước cần thấy rõ triển vọng nguy hiểm này, chủ động đòi ĐCSVN phải thay đổi.
Có không ít ý kiến không phải là thiếu căn cứ: “Để cho chế độ này sụp đổ đi, rồi làm lại từ đầu. Sự ngột ngạt hiện nay hết chịu nổi, hà hơi tiếp sức góp ý xây dựng cho nó kéo dài làm gì!.. Hơn nữa quyền lực ĐCSVN là không thể thay đổi được!”[82]
Thế nhưng…: Sau 4 cuộc chiến tranh liên tiếp mà 3 thế hệ của đất nước phải gánh chịu, bây giờ Việt Nam có nên chấp nhận một kịch bản như nêu trên không? đấy có phải là kịch bản tối ưu không? Cũng xin đừng quên cảnh đục nước béo cò đã nhiều lần dầy vò nước ta suốt 7 thập kỷ vừa qua, chắc gì không tái diễn?. Xin trí tuệ cả nước – kể cả trong ĐCSVN – hãy tỉnh táo cân nhắc. Thậm chí: Đây có phải là kịch bản duy nhất như một định mệnh của đất nước hay không?.. …
Trước sau, riêng tôi chỉ lựa chọn con đường hòa giải dân tộc. Chỉ đi con đường này, còn nước còn tát.
Nếu như ĐCSVN vẫn còn tự coi mình là một đảng cách mạng, cam kết chỉ có lý tưởng duy nhất là phục vụ đất nước, nếu ĐCSVN không muốn phản bội truyền thống chiến đấu hy sinh vì nước của biết bao nhiêu thế hệ đi trước của đảng mình và của dân tộc mình, thì ĐCSVN nên mổ xẻ thực trạng hiện nay của mình để tự kết luận.
ĐCSVN hiện nay còn đủ thời giờ và các điều kiện cần thiết cho một cuộc mổ xẻ như thế để tự thay đổi, và hoàn toàn có thể thay đổi được. Trong lịch sử đã từng không dưới một lần ĐCSVN đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của đảng một khi tình hình đòi phải làm như vậy. Trong hàng ngũ đảng viên yêu nước hiện nay không thiếu trí tuệ và tâm huyết cho sự thay đổi này. Khi còn sống, Võ Văn Kiệt là một trong nhưng tấm gương như thế dấn thân cho thay đổi ĐCSVN trở thành đảng của dân tộc[83].
Quả thực, sựa lựa chọn đặt ra cho ĐCSVN hôm nay rất khắc nghiệt: Hoặc là bảo tồn mình như là một lực lượng chính trị lớn nhất đang cai trị đất nước – và như thế, đến một lúc nào đó đối kháng giữa cai trị và bị cai trị là điều khó tránh khỏi. Hoặc là phải thay đổi tất cả để phấn đấu trở thành lực lượng lãnh đạo mạnh nhất trong nước – với tính cách là một đảng của dân tộc!?
Song cũng phải nói lên một sự thật khác: Cho đến nay chưa có một đảng cộng sản đã cầm quyền nào ở các nước XHCN LXĐÂ trước đây có khả năng thay đổi đến lột xác như thế, các đảng này chỉ có chung một số phận là bị lịch sử gạt bỏ thô bạo hay lặng lẽ.
ĐCSVN có bề dày mấy thế hệ kháng chiến cứu nước, liệu có thể là một ngoại lệ được không? Liệu ĐCSVN có thể đặt lợi ích quốc gia lên trên hết để tự thay đổi mình được không?   Có nên thay đổi như thế không?..
Phải tìm đường trả lời những câu hỏi này. Vì đấy là con đường đỡ xương máu và mồ hôi nước mắt cho đất nước, đồng thời tránh cho ĐCSVN cuối cùng sẽ đi vào lịch sử với tính cách là kẻ đối kháng lại lợi ích dân tộc. Thực ra, đây là sự thay đổi để trở lại cái bản chất gốc, bản chất ban đầu là chủ nghĩa yêu nước của những người cộng sản Việt Nam đã từng làm nên Cách mạng Tháng Tám và tinh thần tiên phong hy sinh chiến đấu suốt mấy thế hệ trong kháng chiến cứu nước. Sự thay đổi này chính là sự giải phóng của bản thân những đảng viên ĐCSVN hôm nay khỏi sự nô dịch của ý thức hệ ăn đong và vay mượn từ bên ngoài. Ý thức hệ này đâu có phải là sản phẩm tinh thần của dân tộc mình và của văn minh nhân loại[84]!
Nghe có vẻ kỳ quặc, sự thật là đã đến lúc các đảng viên ĐCSVN hôm nay hơn bao giờ hết phải đấu tranh giải phóng chính mình, để trở thành con người tự do! Nói cay nghiệt hơn: Đã đến lúc những đảng viên ĐCSVN hôm nay cần vứt bỏ cái lý tưởng nhân danh ý thức hệ mà trên thực tế nó hầu như chỉ còn là cái bình phong che đậy sự sa ngã của tha hóa và phi đạo đức.
Nhiều cá nhân đảng viên yêu nước ở các nước XHCN LXĐÂ cũ đã thực hiện được sự thay đổi như vậy. Nhiều đảng viên có phẩm chất và năng lực sau này vẫn được nhân dân trao cho những trọng trách trong chế độ dân chủ ở các quốc gia này.  Vậy rất nên đưa vấn đề lựa chọn sống còn này ra cho các đảng viên ĐCSVN thảo luận dân chủ, công khai và thẳng thắn trong nội bộ để quyết định.
Chưa bao giờ ý chí độc lập - tự chủ, chưa bao giờ tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” của đất nước bị xâm phạm, bị sa sút như ngày nay.  Sau 38 năm độc lập thống nhất, hiện nay đất nước ta đang ở thời kỳ bên trong thì lòng dân vô cùng bức xúc; trong khi đó sự uy hiếp và thách thức từ bên ngoài đối với đất nước vô cùng nguy hiểm. Cả nước nhất thiết phải cùng nhau nhìn nhận lại tất cả . Phải cùng nhau nhìn nhận lại tất cả! – xin được phép nhấn mạnh như vậy, vì đất nước này không phải là của riêng ai, mà là của tất cả mỗi người Việt Nam chúng ta! …
(còn tiếp)
 
---------------
Chú thích:
[74] Tham khảo: YOSHIHARU TSUBOI  Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa - Lịch sử Việt Nam  www.lichsuvietnam.info/index.php?...‎ Không phải ngẫu nhiên một số học giả đã đề ra ý tưởng “thóat Á luận”, “thoát Trung Quốc luận” để giải thoát nước ta khỏi cái quán tính đầy tai ác của lịch sử.
[75] (1) Năm 2009, nhân dịp 20 năm ngày nổ ra chiến tranh 17-02-79, sách và báo Trung Quốc có một số bài thừa nhận cuộc chiến 1984 của quân Trung Quốc chiếm vùng Núi Đất của ta vấp phải sự kháng cự vượt sức tưởng tượng của họ, gọi đấy là một trận “tiểu Stalingrad”, mỗi bên thương vong hàng nghìn binh sỹ.
(2) Trận chiến núi Đất năm 1984 giữa Việt Nam và Trung Quốc
[76] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Phải chặn đứng nguy cơ tái diễn kịch bản Thành Đô 1990 http://www.vietstudies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_ChanDungThanhDo.htm
[77] Tham khảo: Trần Quang Cơ, “Hồi ức và suy nghĩ”, tìm trên các trang web.
[78] Xin lưu ý, khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam theo lập trường của phía Trung Quốc, phía Trung Quốc nhấn mạnh: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, là đồng chí (ý nói cùng là xã hội chủ nghĩa), chứ không phải là đồng minh (ý nói không có chuyện đứng chung với nhau một chiến tuyến trong bất kể việc gì). Như vậy đây là thứ quan hệ gì?
[79] Đối với ĐCSVN, tôi nghĩ câu hỏi này vô cùng quan trọng tới mức sống còn (to be or not to be?!); bởi lẽ câu hỏi này đòi ĐCSVN phải xem lại chính mình: Tổ quốc trên hết, hay ý thức hệ trên hết!
[80] Sau khi ra khỏi cuộc chiến tranh Trung – Triều 1950 – 1953, chính thể Hàn Quốc dười thời Lý Thừa Vãn và Pác Chung Hy là một chính thể độc tài, quân phiệt khét tiếng. Tuy nhiên, đặt trên nền móng dù chưa hoàn hảo của kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền, sự phát triển của Hàn Quốc dần dần dựa trên một nền móng hoàn hảo hơn của kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự, được nuôi dưỡng bởi một nền giáo dục  coi trọng phát huy các giá trị. Đấy là những yếu tố cơ bản chuyển hóa Hàn Quốc thời hậu chiến thành nước công nghiệp phát triển như ngày nay.
[81] Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, tiểu thuyết “”, tập II, tr. 499… và tr. 554…,
 http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/Lu_T2_Final.pdf
[82] Tổng thống Nga Yeltsin đã từng nói như vậy và đã làm mọi việc xóa bỏ ĐCSLX qua tòa án hiến pháp.
[83] Nhìn lại, có thể có căn cứ xác đáng để nhận định:  Võ Văn Kiệt đã sớm có ý tưởng này giữa lúc ông là đương kim thủ tướng. Trong bức thư ngày 09-08-1995 gửi Bộ Chính trị ĐCSVN ông nêu ra 4 vấn đề: (1)Phải nhìn nhận lại thế giới; (2)Phải xem lại đường lối phát triển đất nước; (3)Phải xây dựng nhà nước pháp quyền; (4)Phải xây dựng lại ĐCSVN về tổ chức và về đường lối, loại bỏ cái gọi là nguyên tắc tập trung dân chủ. Cho đến khi đi xa..., ông vẫn kiên trì quan điểm phải xây dựng lại ĐCSVN trở thành đảng của dân tộc.
[84] Tham khảo bài đã dẫn: Nguyễn Trung, “Diễn văn của Tổng thống CHLB Đức, Joachim Gauck” http://viet-studies.info/NguyenTrung/MguyenTrung_DienVanTongThongDuc.htm
 
-----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét