Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

NHỚ BẾN SẮN, NGHĨ VỀ Y ĐỨC HÔM NAY!

* Ghi chép -  Nghệ sĩ KIM CHI 
            Câu chuyện này xảy ra năm 1985, thế kỷ trước. Khi đó tôi giảng dạy trong trường Nghệ thuật sân khấu 2 (125 Cống Quỳnh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Ngày đó chúng tôi dựng vở "Loài hoa bất tử" ( LHBT) của nhà viết kịch Luu Quang Vũ cho các em học sinh diễn viên thi tốt nghiệp. Kịch bản này nói về tình yêu của một thầy thuốc dành cho bệnh nhân phong. Bác sĩ Nhân đã tiêm vào cơ thể mình máu mủ của người hủi để chứng minh "bệnh phong không dễ lây". Tôi đã xúc động đến trào nước mắt khi đọc kịch bản. Đây là một bài ca về lòng nhân ái của một nhà khoa học đã dành cả cuộc đời mình cho những con người bất hạnh bị mắc bệnh phong.
Vở diễn  LHBT đã thành công tốt đẹp. Chúng tôi quyết định sẽ đem vở diễn đó đến với công chúng. Khán giả mà tôi muốn phục vụ đầu tiên vở diễn này là những bệnh nhân ở các trại phong. Bởi tôi muốn chia sẻ nỗi đau với họ. Điều quan trọng nữa là tôi muốn truyền vào tâm hồn những người học trò của tôi tình yêu thương dành cho những con người bất hạnh. Các em chỉ có thể trở thành những nghệ sĩ chân chính khi trái tim chúng biết rung động trước nỗi đau của đồng loại.
            Tôi tới bệnh viện da liễu tìm gặp bác sĩ Hồ Minh Quang - Giám đốc Bệnh viện phong Bến Sắn. Hàng tuần ông vẫn về đây để lấy thuốc men hoặc hội họp... Ông là người tập kết ra Bắc và trở lại miền Nam. Tôi đưa cho ông tờ giấy giới thiệu của nhà trường. Đọc xong ông quay lại nhìn tôi và mỉm cười:
 - Cháu là Kim Chi, đạo diễn, giảng viên trường sân khấu ?
- Dạ phải.
- Nhìn cháu  quen lắm...À, phải rồi, chú vừa thấy cháu trên phim cách đây ít hôm. Cháu đóng một cô bộ đội...
- Dạ phải. Phim "Bài ca không quên" do Nguyễn Văn Thông đạo diễn...
            Thấy ông giám đốc bệnh viên phong  nhận ra mình thì tôi mừng thầm vì biết ông cũng thích văn nghệ.
Ông rất ngạc nhiên và xúc động khi nghe tôi đề nghị ông cho phép chúng tôi tới phục vụ bệnh nhân phong ở bịnh viện ông phụ trách.
- Cháu muốn đưa các học sinh tới diễn ở trại phong thiệt sao? Cháu không sợ lây hả ?
Tôi trả lời ông:
- Chú là bác sĩ bệnh phong, chú biết bệnh đó không dễ lây mà.
Ông vui hẳn:
- Bệnh phong hoàn toàn không dễ lây... Cháu nói đúng. Việc cháu đề nghị tới đó biểu diễn khiến chú xúc động và vui quá. Nhưng mà bệnh viện của chú rất nghèo. Chú không có tiền trả thù lao cho các cháu...
- Chú nghĩ chúng cháu tới đó để lấy tiền của chú và bệnh nhân sao?
Như không tin vào tai mình, ông nói:
- Vậy thì các cháu tới thật nhé. Chú sẽ bố trí cho xe tới trường nghệ thuật sân khấu đón các cháu. Bệnh viện có chỗ ở cho khách. Ăn uống đã có các sơ lo. Nhưng có thể ăn tươi hơn bình thường một chút thôi... Bệnh viện của nhà nước dành cho người nghèo, phục vụ không lấy tiền của bệnh nhân.
            Nghe lời tâm sự của vị giám đốc già, tôi rất xúc động. Tôi nói với ông:
- Con rất hiểu và rất thương những người bệnh phong, chú ạ. Vở diễn mà con muốn mang tới Bệnh viện Bến Sắn là nói về tình yêu của người thầy thuốc và các xơ dành cho người bệnh phong. Anh ruột của con cũng bị bệnh phong...Trong lòng con luôn mang nỗi khổ đau của người bị phong.
Chú hai nhìn tôi đầy vẻ cảm thông:
- Vậy thì chú hiểu cháu rồi...Lúc nào cháu có thể đưa đoàn tới ?
-  Dạ, bây giờ trước tiên con phải đi tiền trạm tới Bệnh viên Bến Sắn để  chuẩn bị sân khấu và mọi thứ...
- Đồng ý.
- Con muốn đi liền trong ngày hôm nay có được không chú?
- Sáng mai sẽ có chuyến xe đưa các xơ đi học thêm chuyên môn ở dưới này trở về bệnh viện. Giờ cháu ngồi đây chờ chú ít phút.
            Ông đi vào phòng trong  một lát rồi quay trở lại. Ông đưa cho tôi mảnh giấy nhỏ ghi địa chỉ. Nơi tôi phải tới là một tu viện tọa lạc ở 42 Tú Xương. Các xơ công tác ở các tỉnh về TP học hành, hội họp thường nghỉ ở đây.
Ông dặn đi dặn lại:
- Đúng 4 giờ sáng  xe chạy.Người ta đi sớm để lên đó còn kịp giờ làm việc buổi sáng.
- Dạ, con sẽ đúng giờ.
            Tôi cảm ơn ông rồi ra về.
             Tôi đến chỗ hẹn trước năm phút. Các xơ cũng đã có mặt trên xe. Xơ lớn tuổi nhất ở đó chỉ ghế số 1 bảo tôi lên ngồi. Tôi ngập ngừng:
- Dạ, xơ để em ngồi dưới ạ.
Xơ vui vẻ nhưng nói như ra lệnh:
- Không. Đây là chỗ dành cho khách quí của chúng tôi. Ông giám đốc đã báo chúng tôi chuyến xe có nữ nghệ sĩ Kim Chi cùng đi...Từ hôm  qua tới giờ  chị em chúng tôi đang mong gặp cô. Mời cô vào chỗ cho xe chạy.
            Tôi đành bước lên ngồi vào ghế số 1 mà trong lòng rất ngại vì thấy trên xe có xơ lớn tuổi hơn mình.
Một xơ khác nói:
- Cô Kim Chi xinh quá! Nghe chú hai nói cô lên để tổ chức biểu diễn phục vụ cho bệnh viện chúng tôi hả?
- Dạ, đúng ạ.
Một  xơ  khác lại nói:
- Chắc chắn bệnh nhân sẽ rất vui. Ở trên đó chung quanh là rừng, cách biệt với xóm làng nên buồn lắm...
Rồi các  xơ giới thiệu tên từng người đi trên xe: Xơ lớn tuổi nhất tên Loan - là Phó giám đốc bệnh viện. Suốt đoạn đường tôi đã tranh thủ tìm hiểu về tình hình bịnh nhân, thầy thuốc và các xơ. Tôi hỏi :
  - Các xơ có thể kể cho em nghe lịch làm việc trong một ngày không ạ?
Xơ Loan nói đùa:
- Cô Chi tính viết kịch bản về chúng tôi hay sao mà hỏi kỹ thế?
- Trong vở diễn này có nhân vật  là cô nữ tu...Chúng em phải biết rõ thì mới diễn tốt được ạ.
            Vậy là các  xơ  kể chi tiết mọi sinh hoạt trong ngày cho tôi. Từ 4 giờ sáng khi chuông nhà thờ vang lên thì các  xơ thức dậy. Sau khi làm vệ sinh cá nhân xong thì các  xơ  tới trước bàn thờ chúa cầu nguyện. Cầu nguyện xong các  xơ có ít phút tập thể dục và sau đó đi lấy cơm về ăn sáng. Đúng 6 giờ các  xơ tới phòng bệnh chăm sóc bệnh nhân. Việc đầu tiên là cho bệnh nhân ăn sáng . Ai bệnh không quá nặng thì tự đi lãnh phần ăn. Ai tay chân bị co rút lại, đi đứng khó khăn thì các  xơ mang thức ăn tới tận giường bệnh. Ai tay bị lở loét phải băng bó thì các  xơ đút cho ăn. Các  xơ chăm sóc người bệnh rất tận tình, nâng niu như ruột thịt.
              Chuyện về cuộc sống của bệnh nhân và thầy thuốc đã lôi cuốn tôi tới độ xe đã tới nơi mà tôi không nhận ra.
  Các  xơ đưa tôi về một căn nhà nhỏ xinh xắn chừng 30m2, chỉ có một phòng.( Bây giờ ngôi nhà khách đã xây lại rộng rải, có tới ba bốn phòng)
 Xơ Loan nói với tôi:
- Đây là ngôi nhà chúng tôi dành cho khách quí. Cô rửa mặt, nằm nghỉ ngơi ít phút rồi ta ăn sáng.
Tôi cảm ơn  xơ rồi quay vào phòng. Ở một góc đã có chậu nước sạch để cho khách rửa mặt.
            Chỉ hơn chục phút đã có một  xơ  trẻ bưng cơm tới. Tôi nói ngay:
- Sao các  xơ lại làm vậy? Hãy cho phép tôi cùng ăn với mọi người...
            Xơ trẻ tươi cười:
- Dạ, khách ở nhà này là khách quí phải ăn riêng ạ.
Tôi thầm nghĩ " hình như mình làm cho các xơ ở đây vất vả thêm rồi."
            Mâm cơm sáng của tôi gồm một bát cơm, mấy miếng đậu hũ kho với dừa, một chén nước tương có quả trứng luộc, một dĩa rau muống  .
            Tôi vừa ăn sáng xong thì  xơ Mai Anh  tới đưa tôi đi xem chỗ sẽ làm sân khấu. Sau khi xem xong địa điểm, tôi trở về vẽ lại sơ đồ và ghi chi tiết những thứ cần cho đêm diễn. Làm việc với  xơ Loan (Viện phó) xong thì tôi xin cho đi xem chỗ ở sẽ dành cho các em. Ở đó có một phòng dành cho con trai, một phòng dành cho con gái.
              Sau khi lo xong phần công việc của người tiền trạm,  tôi xin đi thăm bệnh nhân. Xơ Loan đích thân đưa tôi đi. Bệnh nhân ở đây đủ các lứa tuổi. Nhưng phần đông bệnh nhân là những người trung niên, trên trung niên, cả đàn ông lẫn đàn bà. Hầu hết bệnh khá nặng.   
Tôi nói với  xơ  Loan: "Xơ về làm việc đi, cứ để em đi một mình tiếp xúc với bệnh nhân."
            Tôi đi thăm không sót phòng bệnh nào. Câu chuyện tôi nhớ nhất là khi tôi gặp một bệnh nhân nữ đã ngoài sáu mươi. Khi tôi hỏi thăm hoàn cảnh gia đình bà thì bà òa khóc. Bà kể rằng nhà bà chỉ có một mẹ một con. Khi thằng con trai phát hiện ra bà bị bệnh hủi thì một đêm nọ khi bà đang ngủ, nó khóa cửa ngoài lại rồi rưới xăng đốt nhà. Nghe tiếng la "nhà cháy", giật mình tỉnh giấc, bà quá hoảng sợ. Bà đã tung vách liếp, chay được ra ngoài. Bà đã được láng giềng đưa tới bệnh viện Bến Sắn hơn một tháng. Mặt mũi bà bị biến dạng do vi khuẩn Hansen ăn mất cả lông mày và sống mũi đã bị sụp. Đã vậy còn những vết bỏng lửa nên mặt bà đỏ lựng, nhìn  thật tội nghiệp.
             Câu chuyện người đàn bà mắc bệnh phong bị con đốt vẫn ám ảnh tôi cho tới hôm nay. Thằng con Trời đánh kia chắc chắn vì sợ có mẹ bị bệnh hủi không lấy được vợ nên mới tìm cách giết mẹ.
             Khi trở lại nhà khách ăn trưa, các  xơ nói cho tôi biết là người phụ nữ tội nghiệp đó ở cách bệnh viện chỉ vài cây số trong một cái làng nghèo sống cách biệt giữa rừng. Họ hoàn toàn không biết bệnh viện phong ở rất gần làng.
            Các  xơ nói cho tôi biết tất cả những người bệnh phong ở đây đều rất nghèo và thường ở những nơi xa thành phố, ít học. Bệnh nhân ở đây hầu như đều bị gia đình xa lánh, người ta sợ bị khinh rẻ vì có người nhà mắc bệnh phong.
            Xơ Loan nói: "Khi bệnh ở vào giai đoạn nặng thì vi khuẩn Hansen ăn hết cả lông mày, sống mũi, tay chân bị rút co quắp lại, nhìn giống như những củ gừng. Thuốc chữa bệnh phong uống vào đủ liều thì sẽ khỏi dần. Nhưng nếu uống quá liều qui định sẽ khiến cho bệnh nhân bị công thuốc, khi đó tay chân sẽ bị co rút lại hết...". Anh hai Mậu của tôi đã rơi vào trường hợp này. Bàn tay anh co lại không thể cầm nắm đồ vật được. Khi dựng vở "Loài hoa bất tử",  tôi đã hướng dẫn các em thể hiện  đôi tay rất giống bệnh nhân phong ( lúc nào cũng phải co năm ngón tay lại),
             Cơm chiều xong, các  xơ dặn: " Chúng tôi tới nhà thờ cầu nguyện một lúc rồi trở về . 7 giờ tối nay mời cô Chi lại chỗ chúng tôi chơi nhé."
   Khi các  xơ tới nhà thờ thì tôi cũng trở về phòng ghi chép kế hoạch công việc chuẩn bị cho đêm diễn hôm sau. Đúng 7 giờ tối, tôi quay lại chỗ các  xơ thì mọi người đã có mặt đông đủ. Trên bàn những li nước trà gạo lứt rang bốc khói thơm phức. Bên cạnh là những thanh kẹo đậu phông vàng ươm, nhìn rất hấp dẫn. Tôi đã hát, đọc thơ cho các  xơ nghe. Các  xơ  kể cho tôi nghe bao chuyện buồn vui trong công việc. Thấy phòng sinh hoạt chung của các  xơ có ảnh của một vị Thánh tên là Vincent de Paul và mẹ Louise de Marillac, tôi hỏi về hai vị đó. Các  xơ nói mình tu theo dòng tu của hai vị đó - dòng tu HIẾN THÂN.  Dòng tu này có lờì thề là "dành cả cuộc đời cho những người bất hạnh ". Các  xơ ở bệnh viện này mỗi người một việc.. Bác sĩ, y tá thì lo việc chữa bệnh. Công việc hộ lí do các xơ đảm nhận. Việc của các  xơ hằng ngày là: lau rửa, băng bó vết thương, tắm rửa, giặt giũ, cho bệnh nhân ăn...
Tôi hỏi: "Có khi nào các  xơ nhớ nhà, nhớ người thân và thấy buồn không?"
            Xơ Loan nói: "Chúng tôi bận rộn nên không có thời gian để buồn".
Rồi  sơ Mai Anh kể: "Các  xơ  đây nhiều lần bị các bệnh nhân đuổi đánh chạy vòng vòng khắp bệnh viện mà cũng chẳng ai buồn bực, giận hờn gì...". Tôi nghe kể vậy cũng thấy bất ngờ, hỏi: "Họ vô ơn thế sao?".
Xơ Loan dịu dàng giải thích: "Không phải đâu, thuốc chữa bệnh làm cho trong người của bệnh nhân phong nóng nảy, bứt rứt, nên nhiều khi  họ không tự kiểm soát được hành vi của mình... Chúng tôi không những không giận họ mà con rất thương, buổi chiều đi nhà thờ còn xin chúa tha tội  cho những con người tội nghiệp đó...".
            Tôi đã có một buổi tối đáng nhớ cùng các  xơ ở bệnh viện Bến Sắn.
Ngày hôm sau tôi đưa các em lên diễn vở "LHBT". Vở diễn rất thành công, bởi khán giả là những người trong cuộc. Khi kết thúc vở diễn, đại diện của bệnh nhân lên phát biểu cảm ơn, giọng ông ấy ghẹn ngào:
- Chúng tôi tưởng chỉ có các thầy thuốc và các xơ  ở đây thương chúng tôi thôi... Không ngờ các anh chị em văn nghệ sĩ cũng dành tình thương cho chúng tôi..."   
             Câu chuyện  chúng tôi diễn ở bệnh viện Bến Sắn và hình ảnh các  xơ ở đó không bao giờ nhạt phai trong kí ức của tôi.
Sau này, tôi được biết: Nguồn gốc bệnh viện phong Bến Sắn từ một Khu Điều trị Phong Bến Sắn, được thành lập năm 1959 do Soeur Rose – người Pháp và Soeur Mathilde Thanh quản lý, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân (nay ở huỵen Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà nước tiếp quản. Từ năm 1976 được giao cho Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Khu Điều trị phong có cơ sở chính là Trại phong Bến Sắn với diện tích là 96 hec-ta và ba cơ sở phụ: Thanh Bình, Bình Minh, Phước Tân. Nhiệm vụ chính của Khu Điều trị là giúp bệnh nhân và con em họ phòng ngừa, chữa trị và phục hồi về mặt y tế, đồng thời động viên giúp đỡ họ ổn định tinh thần, tạo điều kiện cho họ có cơ hội làm ra của cải vật chất để sống tự lập và cùng đóng góp cho xã hội.
Với phương châm điều trị dứt bệnh và giúp cho người bệnh có thể hội nhập cộng đồng, đơn vị đã cố gắng tạo điều kiện để các trại viên khỏe phát triển kinh tế gia đình như chăn nuôi, trồng trọt... Con em của họ đều khỏe mạnh và đi học ở các trường bên ngoài, có em đã vào Đại học, Trung học chuyên nghiệp và một số em sau khi tốt nghiệp đã trở về phục vụ ở Khu Điều trị. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế nên phần lớn trại viên vẫn phải nhận trợ cấp từ Nhà nước và các tổ chức xã hội.
 Ban giám đốc và các xơ ở đây đã ngỏ lời tâm sự rằng: Bệnh phong là một bệnh xã hội. Để có một cách nhìn đúng đắn về căn bệnh này đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, mỗi người trong chúng ta cần ý thức giúp người bệnh phong về nhiều phương diện mà cụ thể là: Y tế, tinh thần, kinh tế xã hội... khi đó người bệnh phong mới được sống với đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm và nhân phẩm của họ. Chúng tôi rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước. Hãy cùng với chúng tôi góp một chút công sức, tinh thần và vật chất để phần nào bù đắp những bất hạnh, nỗi đau của người bệnh phong, giúp họ được sống như bao con người bình thường trong xã hội…
            Vậy mà đã 28 năm trôi qua với  biết bao thăng trầm thời cuộc, đầu tháng 8./2013 mới rồi, tôi đã tới bệnh viện da liễu Thành phố Hồ Chí Minh để đi nhờ xe lên thăm lại bệnh viện phong Bến Sắn ở Bình Dương. Cảnh vật nơi đây đã hoàn toàn thay đổi: Nhà cửa khang trang, vườn hoa,  cây cảnh được chăm sóc tốt tươi. Một số người quen trước đây tôi không còn được gặp lại. Chú tư Quang giám đốc đã về sống ở Nghệ An, xơ hai Loan, Phó giám đốc đã mất,  xơ Mai Anh đã chuyển ra Nghệ An công tác... Ở đây cảnh vật và con người có sự thay đổi lớn. Nhưng có một thứ vô cùng quí giá không hề thay đổi là tấm lòng của các  xơ dành cho những bệnh nhân phong.  Những cán bộ quản lý, hộ lý và các Ma-xơ ở đây sống dạm bạc, không chạy theo đồng tiền, không ham tuyên truyền, thành tích, họ thực tâm theo dòng tu Hiến Thân vì những bệnh nhân phong. Khi tiếp xúc với các xơ từ 28 năm trước, xơ Loan và các xơ đã tâm sự: “Chuyện kể cho Kim Chi nghe để tâm tình thôi, đừng viết gì, đừng đi khen với ai, chúng tôi làm từ thiện là từ thiện, không muốn ai khen hoặc báo chí đưa tin”.
Biết vậy, bao năm nay tôi cứ giữ những ấn tượng đẹp về họ. Có điều, lâu nay đọc báo viết, báo mạng, nghe-nhìn qua các đài, thấy người đời kêu về “y đức” hiện nay xuống cấp quá. Người ta bất nhẫn vì đồng tiền mà ‘nhân bản xét nghiệm máu’; người ta vô trách nhiệm tiêm vắc-xin để những đứa trẻ sơ sinh chết oan uổng; người ta bỏ mặc lời kêu cứu khẩn cầu của bệnh nhân khi họ không có ‘phong bì’ nhét túi; người ta bán thuốc quá đát, thuốc giả cho người bệnh để vơ vét lợi nhuận; cả lãnh đạo Bộ y tế và các bác sĩ cùng vô cảm khi có 3 trẻ bị chết do tiêm nhầm thuốc hoặc thuốc quá hạn dùng…; người ta ta ép bệnh nhân và người  nhà bệnh nhân chịu những khoản phí tổn dịch vụ bệnh viện quá đắt và vô lý…Giá như họ có được chút tấm lòng như các xơ ở bệnh viện phong Bến Sắn!                     
            Bất giác tôi nghĩ "Phải chi những người lãnh đạo Việt Nam, những đảng viên cộng sản có chức, có quyền cũng thật lòng yêu dân như các xơ yêu bệnh nhân phong nhỉ...!".
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10-8-2013
                          Ns. K.C
(Tác giả gửi bản tháo và ảnh đến BVB)
-------------------

21 nhận xét:

  1. Nữ Nghệ sĩ Kim Chi quả là người đa tài, giàu lòng thương người, nhân đức, có bản lĩnh, chính kiến rõ ràng, kiên định một lạp trường vì dân chủ, tự do, công bằng xã hội. Những suy nghĩ và việc làm của bà thật đáng nể trọng. Ta có rất nhiều nghệ sĩ, nhưng cơ hội, thự dụng chạy theo danh hão, "giá áo túi cơm" vì an phận và miếng ăn!

    Trả lờiXóa
  2. Bằng khen là cái chi chi/
    Tại sao cuộc sống phải vì bằng khen...!
    > Tôi không thích nhận bằng khen, vì tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một "người" làm nghèo đất nước! Một câu nói nổi tiếng của Ns. Kim Chi! Thán phục!

    Trả lờiXóa
  3. Nghệ sĩ Kim Chi quả là có tài, đẹp người đẹp nết. Cũng trong Hội ĐA, bà Hống Ngát có chức quyền, nhưng chẳng thấy tài cán gì nổi, mà xâu người xấu nết, cơ hội, thực dụng nịnh cấp trên như thân phận nô bộc. Đã thế còn đi 'bôi nhọ' Kim Chi . Ôi, sao mà gà trống gáy hay thế: "Đời có thế mà thôi!".

    Trả lờiXóa
  4. Thán phục Kim Chi.Một người ĐÀN BÀ đẹp người ,dẹp nết.

    Trả lờiXóa
  5. Thay vì nhồi nhét y đức kiểu mac-lê, nên cho các y, bác sỹ cả nước theo một khóa học dòng tu Hiến thân, ai tốt nghiệp mới được phân công tác, nhất là lãnh đạo.

    Trả lờiXóa
  6. Điện Hải 1858lúc 16:19 5 tháng 9, 2013

    Ước chi Ban tuyên giáo TW và Bộ giáo dục bổ sung một số bài kinh dòng tu Hiến thân vào giáo trình Max -Lenin cho sinh viên Đại học nhỉ?. Rất trân trọng tình cảm và việc làm của Nghệ sỹ Kim Chi trong quá khứ và hiện tại.

    Trả lờiXóa
  7. Cô Kim Chi thật là dũng cảm trong công cuộc kháng chiến trước đây, và trong đấu tranh chống tệ quan liêu, cửa quyền hiện nay, và rất nhân ái trong cuộc sống đời thường .
    Chúc cô và gia đình: vui, khỏe, hạnh phúc.
    Những người giàu lòng nhân ái như các bác sĩ và các xơ ở bệnh viện phong Bến Sắn, thật đáng qúi và trân trọng
    Để xã hội tốt đẹp lên , cần viết nhiều những câu chuyện cảm động như trên, và cần lắm sự đoàn kết lương giáo

    Trả lờiXóa
  8. Các bạn có thấy là dân Nghệ Tĩnh rất thâm thúy qua giọng địa phương của họ không? Đối với nền y tế ngày nay, họ gọi là - Y tệ!

    Trả lờiXóa
  9. Kim Chi một Ns yêu nước chân chính - một nhân cách lớn
    Kính chúc Cô và gia đình: vui, khỏe, hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
  10. Cá nhân tôi rất ngưỡng mộ nhân cách sống và đạo đức cao cả của Nghệ sỹ Kim Chi , xin gửi tới Bà và gia đình những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi .

    Qua bài viết rất cảm động của Bà , tôi còn được biết thêm về tấm lòng nhân hậu và sự hy sinh cao cả vô bờ bến của các Masơ , từ những sự hy sinh thầm lặng mà không hề muốn được kể công hay nhận bất kỳ sự ban khen nào của nhà nước của các vị đó , làm tôi lại chạnh lòng khi nghĩ về đạo đức của xã hội nói chung và của nghành y nói riêng , phải chăng sự vô đạo đức và lối sống vô cảm hôm nay của rất nhiều người là bắt nguồn từ phương pháp giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa được sao chép và vay mượn của nước ngoài một cách đầy vô thức , hết sức vong bản đã quên hết cội nguồn nhân tính mà ông cha đã để lại .

    Việc du nhập một cách máy móc và đầy cưỡng bức chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam là một việc làm đầy sai lầm và khó có thể biện minh được khi con người ngày càng trở nên hung bạo , độc ác và xấu sa .

    Sự vô thần mà CNCS hướng tới nhằm tách các cá nhân ra khỏi mọi tôn giáo có lẽ đang là một trong những lý do khiến hành vi của con người trở nên tàn bạo và vô cảm với đồng loại , bởi khi niềm tin vào những gì tốt đẹp mà CNCS mang tới đã không còn và rằng đó chỉ là những điều hão huyền và ảo vọng thì đó cũng là lúc đức tin biến mất , con người sẽ sống theo bản năng hoang dã mà không có một niềm tin tôn giáo nào ngăn cản và giúp họ hướng thiện . đó là một thảm họa mà CNCS mang lại do sự Vô Thần, vô đạo mà họ tạo dựng.

    Thảm họa vể đạo đức đang xảy ra đối với xã hội Việt Nam hôm nay không phải do lỗi của những người dân , bởi họ chỉ như những tờ giấy trắng , lỗi lầm to lớn này phải thuộc về nhà cầm quyền khi họ du nhập , vẽ lên và gây dựng một thứ chủ nghĩa quái gở , đầy mê hoặc và không có nhân tính , cần có những ví dụ để ta biết rằng ở những nước phát triển và văn minh , con người ở nơi đó đều sống có đạo với một niềm tin tôn giáo mãnh liệt và hướng thiện trong tim mỗi người . Đó có lẽ là sự khác biệt cơ bản .

    Xã hội miền bắc trước 1945 , và Miền Nam trước 1975 không có quá nhiều những cảnh chém giết , thanh toán đẫm máu , dù đất nước trong cảnh loạn ly bởi chiến tranh , nhưng con người luôn sống nhân ái , hiền hòa và đạo đức hơn nhiều so với hiện nay . Mọi nguồn cơn là do đâu ?

    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quá nặng về Duy vật, cho nên coi của, coi tiền bạc hơn con người. Vận dụng Triết học chỉ 1 chiều , 1 vế: Vật chất có trước... Thằng cha giám đốc Móc Công và lũ hút máu ở BV Hoài Đức xét nghiệm nhân bản cũng vậy, chúng nó lòng lang dạ soi!

      Xóa
    2. Nhưng kẻ ký thưởng cho người dũng cảm tố cáo kẻ ác còn thâm hơn và hiểm ác cũng không kém.

      Xóa
    3. Nhân chi sơ tính bản thiện , con người sinh ra là như vậy nhưng chủ nghĩa Duy vật Biện Chứng đã tạo tác nên những trái tim vô cảm và tàn ác với chính đồng loại của mình , đó là một học thuyết sai lầm .

      Xóa
    4. ND 3:31 nói hay , ở nhà trường người ta dạy học sinh phải yêu CNXH , đó là thiên đường , chứ không dạy về lòng nhân ái và yêu thương con người , nên ngày nay mới ra nông nỗi này .

      Xóa
  11. Không phải chỉ có ngành y suy thoái mà tất cả các ngành trong xã hội đều suy thoái ,tha hóa ;vì ngành y mang tính xã hội cao hơn các nghành khác nên cái sai ,cái xấu khó che đậy.Đất Nước rơi vào thảm họa này là do đường lối lãnh đạo của đảng ,không trách từng cá nhân trong xã hội được

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải trách từng cá nhân trong xã hội chứ. Khi trách từng cá nhân trong xã hội đều tích cực, sẽ không có một xã hội tiêu cực!

      Xóa
    2. Xin sửa lỗi:
      Khi từng cá nhân trong xã hội đều tích cực, sẽ không có một xã hội tiêu cực!

      Xóa
  12. Đất Nước hiện nay VN đã rơi vào thảm họa đó là tội lỗi của lãnh đạo, là tội lỗi của người chèo lái !

    Trả lờiXóa
  13. Học đạo đức ở cha , ông không chịu học , lại lôi mấy ông râu xồm ở đẩu đâu về để học , để rồi con tố cha , vợ tố chồng , có nơi nào như đất nước Việt Nam này không , đang xây dở CNXH mà đã thế này thì lúc xây xong chắc còn " Tươi đẹp gấp vạn lần " nữa chăng .

    Chẳng cần nói đâu xa , nước Lào ngay cạnh nước ta , dân số ít hơn cũng nhiều nơi nghèo , nhưng con người sống hiền hòa , tình nghĩa với nhau lắm thật đáng mơ ước , ở đây dân theo đạo Phật nhiều , vì có đạo nên tệ nạn rất ít .không nhiều thủ đoạn và xảo trá như VN .

    Trả lờiXóa
  14. Chỉ có BV Hoài Đức, Hà Nôi mới mới vi phạm Y đức ư ???
    Bệnh viện “Huyện anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” của tỉnh TH xét nghiệm máu lắng cho bệnh nhân chưa đầy 30 phút đã trả kết quả.
    Như vậy bác sĩ bệnh viện “Huyện anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” xét nghiệm máu lắng cho mỗi bệnh nhân họ tiết kiệm được 90 phút so với các nước có nền Y học tiên tiến??? !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bến Sắn tình yêu ở trong tôi
      Mai lở xa rời, cố nhân ơi!
      Bồi hồi trở bước lòng tê tái
      Lả chả tình châu nối mấy đồi
      (BS Nguyễn Đắc Thắng - Khu Điều Trị Phong Bến Sắn)

      Xóa