Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Nội dung liên lạc cuối cùng từ MH370



  1. Công tác tìm chiếc phi cơ MH370 vẫn tiếp tục. Trong hình là cảnh sát biển Indonesia tìm kiếm ở eo biển Malacca ngoài khơi đảo Sumatra. Cho đến nay có 42 tàu và 39 phi cơ từ nhiều nước đã và đang tham gia công tác tìm chiếc máy bay 'mất tích'.
  2. Một phóng viên chất vấn Bộ trưởng Giao thông Malaysia trong cuộc họp báo chiều 12/03:
    "Ngày càng có nhiều chỉ trích là các ông tìm kiếm ở phía Đông, rồi sang tìm phía Tây, có vẻ như là các ông không biết tới các dữ liệu radar cho đến tận lúc này, năm ngày sau [xảy ra vụ mất tích]. Tôi muốn hỏi có phải đang có sự khó hiểu?"
    Ông Hishammuddin Hussein trả lời: "Tôi không nghĩ thế. Tôi còn nghĩ khác hẳn là nó chỉ khó hiểu khi người ta muốn coi nó là khó hiểu.
    "Ngay từ đầu chúng tôi đã nói rất rõ ràng và chắc chắn rằng có hai khu vực và chúng tôi đã tìm kiếm hai khu vực này..."
    Phóng viên: "Có đúng là các ông nay đã mở rộng khu vực tìm kiếm và nhờ Ấn Độ giúp đỡ?"
    Ông Hishammuddin Hussein: "Ấn Độ tham gia vào chiến dịch tìm kiếm đa quốc gia, và tôi nghĩ là điều này đáng được khen ngợi. Đây không phải là một chiến dịch nhỏ bé và cho tới khi nào tìm ra được chiếc máy bay, chúng tôi sẵn sàng làm bất kỳ điều gì có thể."
  3. BBC News: Nội dung liên lạc cuối cùng nhận được từ phi cơ MH370 cho thấy mọi thứ trên máy bay đều diễn ra bình thường chỉ ít phút trước khi máy bay mất tích trên Biển Đông, giới chức Malaysia nói.
    Chiếc MH370 đã trả lời "Được rồi, đã nghe rõ" đối với tin nhắn qua vô tuyến điện của trạm kiểm soát không lưu, giới chức nói.
    Việc tìm kiếm nay đã được mở rộng ra vùng biển ở cả hai bên bán đảo Malaysia.
  4. Zhang Qizhun, một chuyên gia về luật hàng không từ Hiệp hội Luật Bắc Kinh nói với Tin tức Bắc Kinh rằng chính phủ Trung Quốc cần phạt hãng Malaysia Airlines nếu thấy hãng gây chậm trễ cho tiến trình cứu hộ.

  5. Trong cuộc họp báo hôm 12/3 tại trụ sở chỉ huy Trung tâm tìm kiếm cứu nạn ở Phú Quốc, Thứ trưởng Giao thông Vận tải nói Việt Nam đang giảm bớt quy mô cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích.
    Ông Phạm Quý Tiêu phát biểu trước báo giới: "Chúng tôi có thông báo cho nhà chức trách Malaysia biết là tại thời điểm máy bay mất liên lạc thì có hướng máy bay quay mũi về hướng Tây, nhưng nhà chức trách Malaysia cũng không có bất cứ một thông tin gì trao đổi lại với chúng tôi."
    Trong buổi sáng cùng ngày, có thông tin báo một người nhìn thấy điểm trông giống đám cháy dầu, nhưng Việt Nam đã gửi máy bay ra điều tra và kết luận không tìm thấy đám dầu trên.
    Vụ mất tích chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines được coi là 'bí ẩn' khi đã sang ngày thứ năm của cuộc tìm kiếm vẫn chưa có thông tin khả quan.
  6. Hoàn cầu Thời báo, bản tiếng Trung: Quân đội Malaysia đang giấu diếm điều gì, hay hiện đang thiếu sự phối hợp giữa các bộ phận quân sự và dân sự, khiến cho thông tin bị xáo trộn một cách khủng khiếp?... Chúng tôi lo ngại là Kuala Lumpur không đủ năng lực xử lý thông tin một cách hiệu quả. Nếu vậy, liệu họ có cân nhắc việc để Trung Quốc cùng tham gia nghiên cứu các thông tin chưa qua xử lý không?

  7. Tổng tham mưu trưởng Quân đội Malaysia Zulkifeli Mohd Zin nói trong buổi họp báo chiều 12/2 tại Kuala Lumpur rằng vị trí cuối cùng của chiếc máy bay trên radar quân đội không phải là kết quả từ hoạt động theo dõi trực tiếp.
    Ông cho biết ông đã chỉ đạo tìm lại các dữ liệu được radar quân đội lưu lại trong ngày 8/3 sau khi mất liên lạc với chiếc Boeing 777.
    Ông Zulkifeli Mohd Zin cũng nói quân đội Malaysia chưa thể chắc chắn vật thể mà radar của họ phát hiện ra là chiếc bay bị mất tích.

  8. Tại buổi họp báo ngày 12/3 ở Kuala Lumpur, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết hiện nay đã có 12 quốc gia tham gia tìm kiếm cứu nạn, với tổng cộng 42 tàu và 39 máy bay.
    Ông cũng nói "mỗi ngày qua, công tác 'Tìm kiếm và Cứu hộ' của chúng tôi đang có nguy cơ chỉ còn là 'Tìm kiếm', nhưng chúng tôi sẽ không để mất hy vọng."
    Bộ Giao thông Malaysia cũng cho biết vào ngày 8/3, sau khi chiếc máy bay biến mất khỏi radar dân dụng, radar quân đội nước này đã phát hiện ra khả năng nó đã quay đầu và đổi hướng.
    Trước câu hỏi về việc tại sao đã phát hiện ra máy bay chuyển hướng ngày 8/3 mà vẫn kêu gọi các nước tìm kiếm trên Biển Đông, Bộ trưởng Hishammuddin Hussein nói bởi vì phía Malaysia cho rằng "đó chỉ là một trong các khả năng".

  9. Trả lời phỏng vấn BBC ngày 12/3, ông Đoàn Hữu Gia, Chỉ huy trưởng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn (Cục Hàng không), nói phía Việt Nam sẽ chỉ dừng tìm kiếm sau khi Malaysia xác nhận đã phát hiện ra máy bay:
    "Thực tế thì công tác tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam vẫn đươc tiếp tục. Hiện tại trên bầu trời của chúng tôi có hai máy bay CASA, hai chiếc A56 và trực thăng tham gia tìm kiếm cứu nạn," ông nói.
    "Các thông tin từ Malaysia trên báo chí nói tìm thấy máy bay thì đó là thông tin tham khảo. Chúng tôi cần được xác minh chắc chắn là Malaysia đã tìm được thì chúng tôi mới dừng hẳn."
    Ông Gia cũng cho biết phía Việt Nam "chưa nhận được thông tin xác nhận của Malaysia là đã tìm được máy bay hay chưa."
    "Hôm qua thì bên Việt Nam mở rộng khu vực tìm kiếm cứu nạn về phía Đông Nam của Mũi Cà Mau … nhưng chưa có thông tin gì mới," ông cho biết thêm.

  10. Phóng viên BBC John Sudworth tường thuật từ Bắc Kinh:
    Công tác tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích đã bước vào ngày thứ năm. Nhiều gia đình đang có mặt tại một khách sạn ở Bắc Kinh vẫn không biết điều gì đã xảy ra đối với thân nhân của mình có mặt trên chuyến bay.
    Họ đang phải chờ đợi trong sự mệt mỏi, lo sợ và bực dọc.
    Lại một lần nữa, đám đông khoảng 300 người lại tụ tập trong phòng hội nghị của khách sạn này để nghe thông báo từ đại diện của Malaysia Airlines, với sự có mặt của đại sứ Malaysia tại Trung Quốc.
    Khi những người này đặt câu hỏi về việc điện thoại của những người thân của họ trên máy bay vẫn đổ chuông, nhiều giờ sau khi chiếc máy bay mất tích, họ nhận được câu trả lời "chúng tôi vẫn đang điều tra."
    Những người này cũng muốn biết liệu một cuộc tìm kiếm trên bộ đã được triển khai hay chưa, hãng Boeing đang có những hình thức giúp đỡ nào và liệu chính phủ Malaysia có đang cố ý che dấu thông tin hay không.
    Đại sứ Malaysia tại Trung Quốc Iskander Sarudin đã tuyên bố như sau tại cuộc họp:
    "Tôi đảm bảo rằng Malaysia sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề. Những câu hỏi mà quý vị đưa ra sẽ được chuyển lại cho nhà chức trách trong nước và sẽ báo lại cho quý vị sau khi nhận được phản hồi từ họ. Chúng tôi sẽ không thông báo cho quý vị những tin chưa được kiểm chứng trên internet."

  11. Bạn có muốn cùng tham gia tìm kiếm MH370? Hãy nhấn vào đây
    Đã có hàng chục nghìn tình nguyện viên đăng ký giúp Digital Globe, một công ty đóng tại bang Colorado, Hoa Kỳ, truy lùng dấu tích của chiếc máy bay bị mất tích bằng cách rà soát những tấm ảnh do 2 vệ tinh của công ty này chụp khu vực giữa vùng Vịnh Thái Lan và Biển Đông.
    Tính đến nay, đã có 6,5 triệu lượt xem các tấm ảnh của công ty này trên trang www.tomnod.com.
    Digital Globe cho biết các vệ tinh của công ty sẽ chụp thêm nhiều ảnh và có khả năng sẽ bao gồm cả khu vực Eo biển Malacca.

  12. Giới chức Việt Nam chỉ tay vào địa điểm nơi họ đã cử máy bay đến để điều tra lời kể của một nhân chứng rằng anh ta nhìn thấy một vật thể bị cháy cách Vũng Tàu 300km.

  13. "Chúc ngủ ngon"
    Đây là câu nói cuối cùng mà trạm kiểm soát không lưu Malaysia nghe thấy từ buồng lái của chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines, sau khi bộ phận này thông báo cho phi công rằng chiếc máy bay đang chuẩn bị tiến vào không phận của Việt Nam.
    Thông tin trên được đưa ra trong cuộc gặp giữa đại diện chính phủ Malaysia với những gia đình Trung Quốc có thân nhân là hành khách trên chuyến bay ngày 12/3.
    Tuy nhiên khi những gia đình này đặt câu hỏi rằng phía quân đội, vốn có radar với công nghệ hiện đại hơn radar dân dụng, đã cung cấp những thông tin gì cho chính phủ, họ được đáp lại là "bây giờ chưa phải là lúc".
  14. Malaysia Airlines nói trong một thông cáo rằng hãng này “bị chấn động” trước những cáo buộc chống lại ông Fariq Ab Hamid, phi công phụ trong chuyến bay bị mất tích.
    Một khách du lịch người Nam Phi nói với kênh Channel Nine của Australia rằng cô này cùng với bạn của mình đã được mời vào phòng lái cùng với ông Fariq Ab Hamid và cơ trưởng trong một chuyến bay hồi năm 2011 – một sự vi phạm rõ ràng quy tắc ngành hàng không.
    Malaysia Airlines cho biết hãng này xem tin nói trên là “rất nghiêm trọng”.
  15. Jennifer Pak, phóng viên BBC ở Kuala Lumpur: Chính phủ Malaysia dường như không hề biết chiếc máy bay mất tích hiện ở đâu.

  16. Phóng viên BBC Jonathan Head đang ở Kuala Lumpur đã phỏng vấn một người bạn của Pouria Nour Mohmammad Mehrdad, hành khách 19 tuổi người Iran mang hộ chiếu đánh cắp lên chiếc máy mất tích MH370, trong điều kiện giữ kín danh tính.
    Người bạn này cho biết chính anh là người cùng với Mehrdad đến tiệm Internet để in vé ra. Khi thấy vé đề không đúng tên thì đã hỏi Mehrdad và được trả lời rằng anh ta có 'hộ chiếu khác'.
    Về lý do Mehrdad đi Đức, người bạn này nói là 'để tìm cuộc sống tốt đẹp hơn'.
    Mehrdad được người bạn này mô tả là 'một người rất hiền lành' và 'không dám giết một con vật'.
  17. Quan chức cao cấp của Bộ Giao Thông Vận tải xác nhận với BBC là cho tới sáng 12/3 họ vẫn chưa nhận được thông tin chính thức gì từ phía Malaysia về việc máy bay mất tích "đổi hướng bay".
    Sáng nay, giới chức Việt Nam nhận được email từ một nguồn tin trên dàn khoan Songa Mercur ngoài khơi Vũng Tàu nói có dấu vết cháy ở vị trí gần dàn khoan này, cách Vũng Tàu 300km về phia đông nam và đã gửi máy bay tuần thám tới nơi đó để xác minh.
    BBC đang tìm cách kiểm chứng độc lập nguồn tin này.
  18. Trung Quốc sẽ tăng cường thêm hai máy bay để tham gia tìm kiếm cứu nạn, Reuters dẫn lời Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng nước này cho biết.
    Ông Lý Gia Tường cũng nói công tác tìm kiếm sẽ được mở rộng và bao gồm cả đất liền.

  19. Tư lệnh không quân Malaysia vừa ra thông cáo nói ông không hề tuyên bố quân đội nước này phát hiện ra chiếc Boeing 777 lần cuối cùng là ở Eo biển Malacca.
    "Tôi muốn tuyên bố là tôi không đưa ra thông báo nào như vậy," Reuters dẫn thông cáo từ Tướng Rodzali Daul cho biết.
    Trước đó, Nhật báo Berita Harian của Malaysia dẫn lời Tướng Daul nói thời điểm cuối cùng mà chiếc máy bay được phát hiện trên radar quân đội là gần đảo Perak ở Eo biển Malacca, lúc 02:40 sáng ngày 8/3.
    “Phóng viên báo Berita Harian đã hỏi tôi liệu có việc đó hay không. Tuy nhiên, tôi không đưa ra bất cứ câu trả lời nào cho câu hỏi trên, thay vào đó, tôi chỉ đáp lại là “Vui lòng xem thông cáo mà tôi đã đưa ra hôm 9/3/2014, trong một buổi họp báo với tại Khách sạn Sama-Sama, Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur.”
    Trong buổi họp báo đó, tôi nói rằng:
    Không lực Hoàng gia Malaysia chưa loại trừ khả năng chiếc máy bay đã quay đầu lại trước khi biến mất khỏi radar và điều này dẫn đến kết quả là các chiến dịch tìm kiếm cứu hộ được mở rộng ra vùng biển gần đảo Pinang.
    Tôi đề nghị thông tin thiếu chính xác này phải được chỉnh sửa để tránh diễn đạt sai.
  20. Hồng Nga, phóng viên BBC Global News từ Phú Quốc: Ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Giao thông Vận tải, nói với BBC Việt Nam chỉ giảm mức độ nhưng sẽ không ngừng hoạt động tìm kiếm trong sáng 12/3.
  21. BBC News: Interpol nói cả hai cuốn hộ chiếu bị đánh cắp đều có trong hệ thống dữ liệu Giấy tờ thông hành bị đánh cắp hoặc thất lạc (SLTD), nhưng sân bay và nhân viên hãng hàng không đã không kiểm tra đầy đủ.
    "Rõ ràng đây là một mối quan ngại to lớn, khi mà hành khách có thể lên chuyến bay quốc tế bằng hộ chiếu bị đánh cắp đã được lưu hồ sơ trong cơ sở dữ liệu của Interpol," Tổng thư ký Interpol, Ronald Noble nói với các phóng viên.
    "Nếu Malaysia Airlines và tất cả các hãng hàng không đều có thể so sánh, kiểm tra thông tin hộ chiếu của các hành khách với dữ liệu của Interpol, thì chúng ta đã không phải dò đoán xem liệu các hộ chiếu bị đánh cắp có bị sử dụng cho hành động khủng bố đối với chuyến bay MH370 hay không."
    Interpol thành lập cơ sở dữ liệu SLTD hồi 2002, sau vụ tấn công 11/9/2001 ở Mỹ. Cho đến nay, nó đã có tổng số hơn 40 triệu hồ sơ.
    Cơ sở dữ liệu SLTD để ngỏ cho 190 quốc gia thành viên Interpol, nhưng cho đến nay chỉ có ba nước áp dụng rà soát đối chiếu một cách có hệ thống, là Hoa Kỳ, Anh và Ả rập Saudi.

  22. Việc tìm kiếm đang được chuyển hướng từ vùng biển phía đông Malaysia, giáp Việt Nam (ô vuông bên phải) sang phía tây, eo biển Malacca.
  23. BBC News: Công dân của ít nhất 14 quốc gia có mặt trên chuyến bay MH370, với đa số là người Trung Quốc, 153 trên tổng số 239 người có mặt trên khoang.
    Trong số này, có một nhóm 19 người là các nghệ sỹ nổi tiếng, đang trên đường trở về sau một cuộc triển lãm ở Malaysia.
    Tất cả các thành viên trong nhóm của nhiếp ảnh gia Hầu Ba, đều "rất nổi tiếng tại Trung Quốc", nhà tổ chức triển lãm Daniel Liau được báo Star dẫn lời nói.
    Một hành khách Trung Quốc nữa là Yuchen Li, một người đang làm bằng tiến sỹ về ngành xây dựng dân dụng từ Đại học Cambridge của Anh.
    Tám hành khách Trung Quốc khác cùng 12 công dân Malaysia là nhân viên của hãng Freescale Semiconductor của Mỹ.
    Công dân Trung Quốc, Ding Lijun sang Malaysia từ một năm trước để làm việc cho các công trình xây dựng, đang có chuyến trở về Bắc Kinh lần đầu tiên.
    Mohd Sofuan Ibrahim, sinh tại Malaysia, đang tới Bắc Kinh trong chuyến đi công tác cho chi nhánh của Bộ Thương mại và Công nghiệp  Quốc tế của Malaysia tại thành phố này.
    Năm em nhỏ, từ hai đến bốn tuổi, đi trên máy bay gồm ba em mang quốc tịch Trung Quốc và hai mang quốc tịch Mỹ.
    Công dân Mỹ thứ ba là Philip Wood, 51 tuổi, nhân viên hãng IBM tại Texas.
    Người cao tuổi nhất trên máy bay năm nay 79 tuổi.
    Phi công, đứng đầu phi hành đoàn 12 người, là Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, từng có kinh nghiệm 18.365 giờ bay.
  24. BBC News: Radar quân sự cho thấy chiếc máy bay đã rẽ sang phía tây, ra khỏi đường đi dự kiến trước khi mất tích, không quân Malaysia nói.
    Trước đó, tin tức nổi lên cho thấy có hai người Iran đã dùng hộ chiếu giả để lên chuyến bay. Các chuyên gia nói tuy việc này vi phạm quy định an toàn, nhưng là điều khá phổ biến ở khu vực được coi là cổng quan trọng cho dòng người di cư bất hợp pháp.
    Tổng thư ký Interpol, Tướng Ronald Noble nói hai người này đi từ thủ đô Doha của Qatar bằng hộ chiếu Iran, rồi chuyển sang dùng hộ chiếu Ý và Áo bị đánh cắp để lên máy bay MH370.

  25. Phóng viên BBC Alice Budisatrijo vừa trở về Phú Quốc sau chuyến đi trên chiếc trực thăng của Việt Nam, ngay trước lúc có tin từ quân đội Malaysia nói thời điểm phát hiện ra tín hiệu cuối cùng của máy bay là ở eo biển Malacca.
    Phóng viên Budisatrijo tỏ ra ngạc nhiên khi thấy cán bộ đội tìm kiếm chỉ nhìn bằng mắt thường từ máy bay.
    "Khu vực tìm kiếm thì khổng lồ trong khi điều kiện và nguồn lực của đội tìm kiếm cứu nạn Việt Nam lại hạn chế."
    "Chẳng hạn như chiếc trực thăng này chỉ có thể bay được từ 2-3 giờ đồng hồ mỗi chuyến, và chỉ bay hai chuyến một ngày," cô nói.

  26. Cảnh sát chống khủng bố được vũ trang đầy đủ tuần tra tại nhà ga thuộc Sân bay Quốc tế Manila hôm 11/3. Các tiết lộ về việc có ít nhất hai người dùng hộ chiếu giả lên chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines, hiện đang mất tích, đã làm dấy lên những quan ngại về tình trạng vi phạm nguyên tắc an ninh, gây lo lắng trong toàn khu vực.
    Hai người dùng hộ chiếu giả được xác định là hai người Iran không có liên hệ với khủng bố, giới chức nói.
    Cảnh sát Malaysia nêu danh một người là Pouria Nour Mohammad Mehrdad, 18 tuổi, và nói có thể người này đang tìm cách di cư sang Đức.
    Interpol xác định người thứ hai là Delavar Seyed Mohammadreza, 29 tuổi.
  27. Yahoo.com: Việc tìm kiếm chuyến bay MH370 đã được mở rộng ra vùng biển Sumatra ở phía bắc Eo biển Malacca, với việc radar quân sự có thể đã phát hiện thấy dấu vết của chiếc máy bay mất tích ở vùng lân cận Paulau Perak.
    Báo Berita Harian hôm nay dẫn lời Không lực Hoàng gia Malaysia (RMAF) nói chiếc máy bay đã quay lại xa hơn mức người ta dự đoán, trên đường trở lại Kuala Lumpur.
    "Thời điểm cuối cùng mà chiếc máy bay được phát hiện là gần Pulau Perak ở Eo biển Malacca, lúc 2:40 sáng," Berita Harian trích lời người đứng đầu Không lực, Rodzali Daud.
    Tin này mâu thuẫn với các tường thuật trước đó, nói máy bay biến mất hỏi màn hình radar ở cách Kota Bharu 120 hải lý và ở trên Biển Đông vào lúc 1:30 sáng 8/3.
  28. Phóng viên Malcolm Moore của báo Telegraph (Anh) từ Bắc Kinh: Eo biển Malacca chạy dọc xuống phía tây của Malaysia, khá gần với Kuala Lumpur. Có một số đồn đoán rằng nếu máy bay bị trục trặc với hệ thống máy tính và đội bay muốn quay trở lại sân bay, họ có thể tìm cách đi theo bờ biển phía tây xuống Kuala Lumpur.
    Đó là đồn đoán, nhưng những gì chúng ta biết vào lúc này là họ đang tập trung chú ý vào Eo biển Malacca, họ cần phải tin vào tin trước đó, theo đó nói một radar quân sự đã thấy máy bay quay lại, hoặc đổi hướng bay.
  29. tin mới nhất
    Hãng tin Reuters: Quân đội Malaysia tin rằng đã lần ra dấu vết chiếc máy bay bị mất tích bằng radar ở eo biển Malacca, rất xa so với nơi nó lần cuối cùng liên lạc với trạm lưu không dân dụng ở bờ biển phía đông của Malaysia, một nguồn tin quân sự nói với Reuters.
    Eo biển Malacca là một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới, chạy dọc bờ biển phía tây của Malaysia.
    MAS nói hôm thứ Bảy rằng chiếc phi cơ có liên lạc cuối cùng ở thị trấn duyên hải Kota Bharu ở phía đông Malaysia.
    "Nó đã đổi hướng sau Kota Bharu và đã ở độ cao thấp hơn. Nó đi vào eo biển Malacca," nguồn tin quân sự nói với Reuters. (Theo BBC)

6 nhận xét:

  1. VN có vẻ như đang bị "ăn quả lừa" của Malaysia, khi họ giấu thông tin. VN chi 20 tỉ/ngày để làm chuyện tào lao, tự quảng cáo "Tôi là người tốt"! Số tiền chi ba vạ này có thể cứu được rất nhiều gia đình VN nghèo đang khốn đốn. Thêm nữa, cứu hộ bằng mắt thường, ngồi rung đùi trên mấy cái máy bay cũ mèm của LX trông nhếch nhác quá. Không chừng mấy cái máy bay cũ này (chỉ bay được 2 giờ) rơi tõm xuống biển?
    Nói thêm, nhìn hình Thứ trưởng Bộ GTVT Tiêu cũng giật mình! Sao cứ chọn mấy ông mặt mũi khó coi làm lãnh đạo vậy? Đừng nói là do "quá giỏi" nhéHãy l
    Làm việc chuyên nghiệp một chút, các ông ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng có ý kiến như ban. Phương tiện và thiết bị hỗ trợ trang bị thô sơ, còn làm thì cho có, nói hay nhưng không làm hoặc làm rất tệ. Gây tốn kém tiền thúê của nhân dân và mất thể diện, niềm tin của bạn bè quốc tế. Còn tiếp tục thế này nước Việt Nam sẽ không bao giờ ngọc đầu lên được.

      Xóa
  2. Một chiếc máy bay to như thế , bay chệch đường quy định mà hệ thống phòng không các nước không hề có ghi nhận gì ? ví dụ nó là máy bay ném bom chiến lược của " Nước lạ " thì sao ? đúng là radar làm bằng CÓT rồi !

    Trả lờiXóa
  3. Giờ thì đã lộ rõ âm mưu bọn bành trong vụ này, tại sao phải chọn MH370 và tại sao lại tung tin rớt tại khu vực biển việt nam...,câu hỏi cho các nhà chức trách có điều thì sự hiên diên của chúng trong vùng biển hình dái bò đã thành hiện thực, chúng ta có đủ thực lực để bám theo chúng dài dài k? MH370 giờ là Mối Hận 370 đó các bác.

    Trả lờiXóa
  4. Malaysia đang giấu một điều gì cực kỳ ghê gớm?

    Trả lờiXóa
  5. Phải chi số tiền này dùng vào việc hỗ trợ cho ngư dân bị Tàu cướp cá,ngư cụ,bắn cháy tàu...thì thiết thực hơn,dù gì đó cũng là tiền người dân đóng thuế.Đất nước còn nghèo,nhưng tiền được dùng vô tội vạ bởi những kẻ thiểu năng

    Trả lờiXóa