Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

CON NGƯỜI - BẢN THỂ LUẬN

Trường hợp Nguyễn Du: Văn học trung đại từ chủ nghĩa dân bản đến chủ nghĩa nhân bản (Về ý nghĩa hiện đại của Nguyễn Du)
* TRẦN NHO THÌN
           Lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều cho thấy mỗi thời đại, mỗi thế hệ lại tìm thấy ở tác phẩm này một vấn đề nổi bật, phù hợp với thời đại mình. Các nhà nho trong thế kỉ XIX tâm đắc với thuyết tài mệnh tương đố. Đầu thế kỉ XX, những trí thức Tây học muốn xây dựng một nền quốc văn mới đã tìm thấy ở tiếng Việt văn học của Truyện Kiều sự cổ vũ to lớn.
... Nhận thức về con người là một vấn đề có tính lịch sử. Nhận thức này đã diễn ra trong văn học trung đại như là một quá trình quan sát con người, lúc đầu từ góc độ con người “thần dân”, như là đối tượng thuần túy của hoạt động chính trị, cuối cùng đi đến chỗ nhìn nhận con người như là một đối tượng của chủ nghĩa nhân bản, con người “tự nó”. Nguyễn Du là trường hợp điển hình nhất cho chặng cuối, là người đánh dấu sự hoàn thiện của ý thức về con người nhân bản.
              Nhìn lại Nguyễn Du cũng là dịp chúng ta ngày nay duyệt xét lại cách quan niệm lâu nay của chúng ta về “chủ nghĩa nhân đạo”, xem xét lại không chỉ bản thân khái niệm “chủ nghĩa nhân đạo” mà cả nội hàm của nó. Một sự xem xét như thế thực sự có ý nghĩa cấp bách về nhiều phương diện, từ phương diện khoa học thuần tuý đến lĩnh vực quản lý văn hoá xã hội mang tính chất ứng dụng.
PGS.TS Trần Nho Thìn
             Trong hoàn cảnh của một xã hội nông nghiệp, lệ thuộc nhiều vào tự nhiên, thiên tai địch họa thường xuyên đe dọa, năng suất lao động thấp kém, cộng với ách áp bức bóc lột của địa chủ và quan lại, cộng với nạn ngoại xâm, cộng với những cuộc nội chiến tàn khốc, v.v… người dân xưa thường xuyên phải sống trong cảnh đói cơm rách áo, giặc giã tàn phá. Đại để chúng ta có thể mường tượng như thế cái bối cảnh xã hội điển hình trong đó đã ra đời và truyền bá các hệ tư tưởng triết học- tôn giáo- chính trị- đạo đức như Nho- Phật- Lão Trang. Trong một bối cảnh đại để như đã nói, tất nhiên điều khiến các nhà tư tưởng phải quan tâm nhất chính là làm sao để người dân được yên ổn, có cơm ăn áo mặc, có nhà ở, làm sao để cứu người dân thường trước nạn bạo hành của các thế lực thống trị.
              Dễ hiểu là các nhà nho đã nêu lên những vấn đề tựu trung nhằm giải quyết những nhu cầu tồn tại vật chất tối thiểu cho con người. Hướng tư tưởng của họ không nhằm vào các khía cạnh kỹ thuật của vấn đề mà tập trung vào mô hình tổ chức xã hội. Do đó, tư tưởng “thân dân”, lấy dân làm gốc của nước đã xuất hiện từ trước công nguyên và được các nhà tư tưởng nho giáo tiếp tục vận dụng cho mãi đến tận đầu thế kỷ XX. Dân là gốc của nước, gốc có vững thì nước mới yên (Dân duy bang bản, bản cố bang ninh- Thượng thư, Ngũ tử chi ca). Làm cho gốc nước vững thực ra trước hết là lo cho dân no đủ, là chế độ “dưỡng dân”, “huệ dân”, “bảo dân”, “trọng dân”, coi ý dân là ý trời thì cũng là lo cho nguyện vọng được ăn no mặc ấm. Mạnh Tử đã khái quát thực chất của học thuyết dân bản này qua phép “ chế dân chi sản” (lập định chế về tài sản của dân) qua hai khái niệm “hằng sản” và “hằng tâm”. Để cho người dân có “hằng tâm” (tâm đạo đức- chỉ sự tuân phục, không nổi loạn chống lại triều đình) thì người cầm quyền phải có chính sách sao cho người dân có được “hằng sản” (tài sản cố định vừa đủ) trên nuôi được cha mẹ, dưới nuôi được vợ con. Các nhà tư tưởng cổ đại cũng không quên cảnh báo nguy cơ triều đại bị lật đổ nếu không quan tâm đến dân. Tuân Tử: “Dân như thủy, quân như chu; thủy khả tái chu, dã khả phúc chu” (Dân như nước, vua như thuyền; dân có thể chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền). Nguyễn Trãi: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (làm lật thuyền mới biết dân như nước). 
              Nói cách khác, mục đích đem lại cơm no áo ấm, sự yên ổn cho người dân đã là một động lực quan trọng thúc đẩy sự ra đời các học thuyết này. Các học thuyết có thể có những cách trình bày khác nhau về phương pháp, song đều gặp nhau ở mục tiêu tối hậu nhằm tiến tới xây dựng một xã hội trật tự, thái bình thịnh trị, người dân được yên lành, no ấm (tất nhiên ai cũng biết là không cần lo hão cho kẻ cầm quyền). Kết quả là trong cái nhìn của các học thuyết truyền thống, con người bị lược qui về thân phận thần dân, con người như là đối tượng của chính trị. Không có con người với nghĩa là con người bản thể, con người được xem xét bên ngoài ngữ cảnh chính trị xã hội. Văn học trung đại Việt Nam đậm màu sắc chính trị xã hội ngay cả khi bàn về con người. Đó là mặt mạnh của văn học trung đại nhưng mặt hạn chế cũng nằm ngay ở đặc điểm này.
              Nói cho công bằng, các học thuyết Nho- Đạo- Phật bàn không ít về các vấn đề bản thể luận như đạo, đức, tâm, tính, tình… Nhưng cũng phải nói ngay rằng các luận bàn ấy cuối cùng vẫn phục vụ cho mục đích “xây dựng thế giới”, mục đích lo cho cơm ăn áo mặc, cho thân phận của người dân. Có thể có những cuộc tranh luận về hữu vi và vô vi, về tính thiện hay tính ác, về nhập thế hay xuất thế… nhưng cái đích này là không khác nhau giữa các học thuyết, học phái. Nhằm thuyết phục kẻ cầm quyền không tham lam quyền lực và chạy theo tham vọng vật chất mà đày đọa, áp bức bóc lột người dân, áp đặt sưu cao thuế nặng; nhằm thuyết phục người dân tuân phục quyền lực triều đại để đổi lấy sự yên ổn thì có thể tuyên truyền đạo nhân, lễ như nho gia mà cũng có thể áp dụng thuyết vô vi của đạo gia, lại cũng có thể tuyên truyền “sắc tức thị không, không tức thị sắc” như nhà Phật để mọi người từ vua quan đến dân chúng giác ngộ sự vô nghĩa của thế giới vật chất mà từ bỏ mọi tham vọng vật chất vốn là cội nguồn của tội lỗi. Thậm chí xét trên một phương diện nào đó, để đạt mục tiêu rất nhân đạo là lo cho con người như là người dân, các học thuyết này lại có những phương cách mâu thuẫn với chính mục tiêu, chẳng hạn như tuyên truyền thái độ khinh miệt đối với thế giới vật chất, coi khinh thân xác với những nhu cầu vật chất tối thiểu như ăn, mặc, ở và bản năng tình dục.
              Truyền thống quan tâm đến con người như một thần dân đã tạo nên những đặc điểm đáng chú ý của văn học trung đại. Trong văn thơ, phổ biến là đề tài viết về cảnh khổ cực của nhân dân (các môtip về cảnh lụt lội, hạn hán, mất mùa, cảnh nhận phát chẩn, cảnh đi ăn xin ăn mày, chiến tranh tàn phá, làng xóm tiêu điều xơ xác, thuế khóa nặng nề, nạn bóc lột cướp phá, quan lại nhũng nhiễu…). Cảm xúc thương cảm, xót xa, đau buồn là cảm xúc phổ biến. Các nhà thơ thường ôm ấp nỗi lòng lo cho dân, thương dân, băn khoăn day dứt, trông trời nhìn đất, vì không làm được gì để cứu dân, giúp dân.
            Cũng có những giây phút tuy hiếm hoi, nhà thơ xưa mừng cho năm được mùa, vui lây không khí làm ăn yên ổn của nhân dân như là dấu hiệu của đời thái bình. Đối với những người cầm quyền, nhà nho có những ngụ ý sâu xa, thường là kêu gọi hay qui trách nhiệm trước thực tế đau khổ của nhân dân, qua những môtip như ước mơ có người họa sĩ vẽ bức tranh tả cảnh ăn xin hay bức tranh tả cảnh dân đói khổ nhận phát chẩn để dâng lên cho vua hay; hoặc môtip người dân hỏi thăm khi nào tác giả “đến Tràng An” (để thông báo tình hình thực tế)… Trường hợp tố cáo tội ác của giặc Minh xâm lược đối với nhân dân như Nguyễn Trãi viết trong các sáng tác của ông tuy không phổ biến song vẫn nằm trong nguyên tắc thân dân, bảo dân, trọng dân nói chung của ông. Có thể nói chủ nghĩa dân bản đã làm nên một truyền thống tốt đẹp của văn học trung đại và được tiếp tục phát huy cho mãi đến văn học hiện thực phê phán ở nửa đầu thế kỷ XX. Đây là một phương diện đặc sắc của chủ nghĩa nhân bản của văn học Việt Nam trung đại.
              Nhưng chủ nghĩa nhân bản không chỉ thu hẹp trong quan niệm con người như là một đối tượng của chính trị, con người thần dân. Cái ăn, cái mặc, chuyện ở mặc dầu là quan trọng hàng đầu đối với con người song không thể là tất cả. Lo cho con người cái ăn cái mặc là một biểu hiện quan trọng của chủ nghĩa nhân bản nhưng chủ nghĩa nhân bản không dừng lại ở đó. Nguyễn Du đã chỉ rõ cần phải mở rộng chân trời của khái niệm nhân bản như thế nào.
Tất nhiên Nguyễn Du là một nhà nho, sáng tác của ông kế thừa và phát huy truyền thống thân dân, dân bản chủ nghĩa của nho gia. Những bài thơ như Sở kiến hành, Phản chiêu hồn, Thái Bình mại ca giả và bản thân Truyện Kiều đều đậm nét dân bản: xem xét con người như là đối tượng tác động của chính trị, như là người dân, thần dân, đều mang cảm hứng xã hội đậm nét khi viết về con người. Bài thơ nổi tiếng Sở kiến hành đối chiếu sự đói khổ cùng cực của bốn mẹ con người ăn xin với những bữa tiệc xa hoa phung phí của quan lại; Thái Bình mại ca giả diễn đạt cảm xúc trước sự khác biệt thân phận giữa người hát rong mù loà một bên và bên kia là cuộc sống hưởng thụ của thế giới quan lại. Bài Phản chiêu hồn lại có sắc thái khái quát hơn vì so sánh bản thân cuộc sống trên cõi nhân gian (đầy rẫy hổ lang) với thế giới của các loài thuỷ tặc ăn thịt người (rắn rồng, cá sấu). Còn Truyện Kiều đầy ám ảnh về cõi người ta, đất khách quê người, chân trời góc bể nơi đó thân phận con người bị đe doạ, bị chà đạp với những biểu tượng diễn tả sự bé nhỏ, mong manh: con ong cái kiến, thân lươn, dây leo (cát đằng), cánh bèo… Hình tượng Từ Hải đúng là có liên hệ với cảm hứng đổi thay, cải tạo xã hội. Giới nghiên cứu trong thế kỷ XX đã bàn nhiều đến phương diện xã hội dân bản của chủ nghĩa nhân bản Nguyễn Du.
                  Nhưng nếu Nguyễn Du chỉ nhìn con người như người dân thì ông vẫn nằm trong phạm trù các nhà văn dân bản trong lịch sử. Sở kiến hành của ông tương đồng với những dòng thơ nổi tiếng của Đỗ Phủ Chu môn tửu nhục xú, Lộ hữu đống tử cốt (Chốn quyền quí rượu thịt để ôi thiu, Ngoài đường xương chết buốt). Trên thực tế, Nguyễn Du đã vượt qua chủ nghĩa dân bản và nêu những vấn đề nhân bản một cách sâu sắc. Nguyễn Du đã lấy con người bản thể làm đối tượng quan sát và suy ngẫm
                 Sáng tác của Nguyễn Du bao hàm một phương diện đặc biệt không thể không ghi nhận, đó là sự tự ý thức sâu sắc về thân phận của người nghệ sĩ. Truyện Kiều là tiếng than cho thân phận đầy bi kịch của người kỹ nữ tài sắc, một mẫu hình điển hình của người nghệ sĩ chuyên nghiệp trong xã hội xưa. Không phải ngẫu nhiên mà một nhà nho ở thế kỷ XIX đã giải mã tác phẩm như thế này: Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như khóc Kiều. Người đời nay khóc người đời xưa, người đời sau khóc người đời nay, hai chữ tài tình là mối thông lụy của bọn tài tử khắp cả gầm trời và suốt cả xưa nay. Nhà thơ khóc thương cho nàng Tiểu Thanh, cho nữ nghệ sĩ đất Long Thành, ông ai oán than thở với Đỗ Phủ: “Ông đau khổ thế há phải vì hay thơ?” (Nhất cùng chí thử khởi công thi?). Nghĩa là Nguyễn Du đã tiến tới nhận thức tự giác về thân phận những người nghệ sĩ trong đó có chính ông. Nhà nghệ sĩ không chỉ thương người mà còn thương thân- thương chính mình, đó là một căn nguyên khác của chủ nghĩa nhân bản đặc biệt của thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Muốn thông cảm, thương yêu nhân loại thì trước hết hãy thương chính bản thân mình. “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? ”. Nhà nghệ sĩ đã tách ra khỏi ông quan, Nguyễn Du cảm nhận vấn đề thân phận của những người nghệ sĩ thông qua sự chiêm nghiệm thân phận chính mình. Mặt khác, và đây là điều quan trọng hơn: Nguyễn Du đã ý thức được tầm quan trọng của những giá trị văn hoá- nghệ thuật đối với con người. Triết lý tài mệnh tương đố của ông có ý nghĩa sâu sắc vì ông lên án cuộc đời đã đối xử bất công với những người làm nên những giá trị đó, những chủ nhân của thi ca, nhạc hoạ. Qua đó ông gián tiếp yêu cầu sự trân trọng, tôn vinh  các nghệ sĩ ấy, bởi lẽ chính họ mang lại cho cuộc sống con người những giá trị văn hoá.                   Thiếu các giá trị tinh thần, cuộc đời của chúng ta nghèo nàn, buồn chán biết bao nhiêu.
              Một nét mới căn bản là nhận thức toàn diện của Nguyễn Du về con người. Con người không chỉ là thần dân, con người cần được quan tâm không chỉ về phương diện vật chất. Con người có thân xác do đó có quyền sống về mặt thân xác, có trái tim do đó có quyền được mong muốn, ước ao, được buồn vui, hy vọng hay đau khổ, có quyền sống riêng về tư tưởng. Ngợi ca con người theo lập trường nhân bản chân chính không thể không ngợi ca vẻ đẹp của chân dung và hình thể con người. 
             Theo lập trường dân bản, sử gia nho giáo thường qui trách nhiệm cho các mỹ nhân trong việc làm khuynh đảo các triều đại, từ đó hình thành tiền đề cho cách tiếp nhận hình tượng các mỹ nhân như là tinh khí của yêu ma, là hồ ly tinh, là rắn báo oán. Nhưng Nguyễn Du đã sôi nổi bênh vực cho Dương Quý Phi. Nguyễn Du vượt qua quan niệm truyền thống trọng đức hơn trọng sắc, trọng đức hơn trọng tài để đến với loại tiểu thuyết “tài tử giai nhân” của Trung Quốc thời Minh Thanh, nơi nhân vật chính là những người có sắc, tài, đức kết hợp nhuần nhuyễn. Trọng sắc không chỉ là tả vẻ đẹp chân dung con người. Do đó, chúng ta có bức tranh Kiều tắm được nhà nho Nguyễn Du tả rất táo bạo. Điều quan trọng là vẻ đẹp thân thể con người gắn bó chặt chẽ với phẩm chất tinh thần tốt đẹp, trước hết là tài năng văn chương, nghệ thuật. Nói cách khác, theo Nguyễn Du, tình yêu đôi lứa xây dựng vững chắc trên cả nền tảng tinh thần và vật chất. Nhà thơ Xuân Diệu từng đếm số câu thơ trong Truyện Kiều mà Nguyễn Du dành tả tình yêu Thuý Kiều- Kim Trọng và cho biết 1/8 tác phẩm đã được Nguyễn Du dành cho mối tình ấy. Đó là chủ nghĩa nhân bản theo đúng nghĩa lấy con người làm gốc. Không phải là lối tả tình yêu chiếu lệ, công thức mà là sự thể hiện tình yêu của con người tự nhiên đầy màu sắc nghiệm sinh. 
              Tình yêu thống hợp cả hai mặt thân và tâm, cả những cảnh “đầu mày cuối mắt” nồng nàn, những đợt “sóng tình”, những phút giây “âu yếm”, “lả lơi”, cả những nỗi niềm tương tư cháy bỏng, những nỗi niềm nhớ nhung, buồn thương. Tâm hồn con người là tiếng vọng của đời sống, nó phong phú, phức tạp và đầy mâu thuẫn như bản thân đời sống. Truyện Kiều được các nhà nghiên cứu ở thế kỷ XX gọi là tiểu thuyết phân tích tâm lý chính vì Nguyễn Du đã khắc hoạ bức tranh tâm hồn con người tự nhiên, trần thế với mọi cung bậc mọi sắc thái chứ không cắt xén, không tô vẽ. Lý tưởng rất đẹp về mẫu người thánh nhân quân tử đã chi phối việc thể hiện “tâm” trong thơ ca trung đại mà đặc điểm nổi bật là cái tâm đạo lý- xã hội với niềm ưu ái, quân thân, trung hiếu, nhân nghĩa… Nhưng cũng chính vì thế mà lý tưởng này đã loại bỏ tâm của con người tự nhiên, phàm trần. Vì thế đặc biệt phải ghi nhận lập trường mới của Nguyễn Du đối với phương diện nội tâm mang tính bản năng ở con người (trai gái gặp nhau phải nảy sinh tình cảm như tâm trạng của Kiều và Kim Trọng sau buổi sơ ngộ; thấy sắc đẹp phải nảy sinh thèm muốn như Mã Giám sinh trước Kiều; cay nghiệt với mưu mô đánh ghen kẻ tình địch như Hoạn Thư; lòng tham luyến vật chất trước cám dỗ của tiền bạc, gấm vóc như Kiều…). 
              Có người đã đọc Truyện Kiều theo quan điểm thiền học, cho rằng vì không biết hành thiền, không biết dứt bỏ lòng trần tục nên Kiều đã liên tiếp vấp phải hết nạn nọ đến nạn kia. Nhưng nếu giữ vững lòng thiền thì cũng có nghĩa là nhân vật không còn sống cuộc sống với các quan hệ hiện thực nữa và tâm của nó không còn là tiếng vọng của cuộc sống nữa. Một trạng thái tịch mịch tĩnh lặng của tâm đồng nghĩa với việc từ chối cuộc sống của con người tự nhiên, đồng nghĩa với cái chết của tâm hồn. Chủ nghĩa nhân bản không nhìn con người như một chiếc máy sàng lọc cảm xúc mà trân trọng ghi lại hết thảy mọi phản ứng tình cảm của con người trong các tình huống của đời sống. Đến cả một nỗi buồn vu vơ, vô cớ cũng có một ý nghĩa nào đó đối với con người. Trân trọng con người, không thể không trân trọng đời sống thân xác. Do đó mà Nguyễn Du đã nâng niu cả mối tình Thuý Kiều- Thúc Sinh dẫu cho Thúc Sinh đối với chúng ta hiện nay có vẻ không thật tương xứng với Kiều. Dường như Thúc Sinh chính là người biết đánh giá thật đúng vẻ đẹp thân xác của Kiều, và vì thế, tình cảm của họ cũng rất thắm thiết. Không có cuộc chia ly nào trong Truyện Kiều được Nguyễn Du tả hay, thấm thía như là cảnh chia ly Kiều- Thúc Sinh. Đối với chủ nghĩa nhân bản chân chính, sự sống là rất đáng trân trọng. Vì thế, Nguyễn Du đã tìm cách lý giải, biện minh cho việc Kiều sống trong cảnh tủi nhục suốt mười lăm năm lưu lạc. Việc làm này táo bạo và mới mẻ đến nỗi có những nhà nho đương thời và cả trong nửa đầu thế kỷ XX vẫn không thể tất nhân tình, vẫn lớn tiếng mắng mỏ nàng. Đứng trên quan điểm “sát thân thành nhân”, “xả sinh thủ nghĩa” của Nho giáo, một số người đã lên án Kiều chỉ vì nàng đã không tìm đến với cái chết như một lựa chọn duy nhất để thoát khỏi tình thế rơi vào nhà chứa. Tà dâm là tội lớn mà một số nhà nho đã gán cho Kiều vì đối với họ, chết đói là sự nhỏ thất tiết mới là sự lớn. Lẽ ra cần tìm mọi lý lẽ để can ngăn một ý định tự tử, các nhà đạo đức lại chờ đợi một cử chỉ “sát thân thành nhân” để ngợi ca và khi sự chờ đợi không được đền đáp, họ quay ra lên án. Con đường đến với chủ nghĩa nhân bản thật không dễ dàng đối với các hệ tư tưởng đạo đức truyền thống.
               Thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX là một giai đoạn văn học có nhiều biến chuyển to lớn. Về mẫu hình nhân vật lý tưởng, đó là sự thay đổi mẫu hình thánh nhân của các giai đoạn trước bằng mẫu hình con người tự nhiên. Về phương diện bản thể luận, chủ nghĩa dân bản vốn chiếm địa vị thống trị trong các giai đoạn trước được thay (hoặc bổ sung) bằng chủ nghĩa nhân bản. Những phạm trù giá trị thuộc về con người tự nhiên, con người tự nó được đề cao. Một ví dụ đầy ấn tượng cho sự thay đổi này là trường hợp tác giả Sơn cư tạp thuật ở thế kỷ XVIII “đọc lại” truyền thuyết về sư Huyền Quang trong sách Tam tổ thực lục thế kỷ XIV. Chúng ta đều biết theo Tam tổ thực lục thì thiền sư Huyền Quang đã vượt qua thử thách trước sự cám dỗ của nàng Điểm Bích nhan sắc, nhưng sách Sơn cư tạp thuật cuối thế kỷ XVIII lại kể rằng đêm ấy, sư đã mấy lần nhìn vào căn phòng nơi Điểm Bích nằm ngủ và cuối cùng, lòng thiền đã sụp đổ trước tâm dục và nhà sư đã “thông dâm” với nàng. Khoan không bàn đến sự thật câu chuyện ấy đã diễn ra trên thực tế như thế nào, ai kể đúng sự thật, ai xuyên tạc sự thật, bản thân việc “kể lại” câu chuyện cho thấy tác giả khi xét đoán câu chuyện đã đứng trên lập trường con người tự nhiên, phàm trần chứ không đứng trên lập trường tu trì của Thánh, Phật nữa. Đó là chỉ báo về sự thay đổi quan trọng trong cách nhìn nhận con người của văn học thời đại này. Hầu như tất cả các thể loại của văn học thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX đều hướng đến con người nhân bản. Nhưng trong khi hướng đến chủ nghĩa nhân bản, nhiều tác phẩm lại khá mở nhạt về phương diện dân bản. Phải khẳng định rằng Nguyễn Du mới là tác giả kết hợp nhuần nhuyễn nhất chủ nghĩa dân bản và chủ nghĩa nhân bản, theo đúng nghĩa ông là tập đại thành của văn học trung đại dân tộc.
*
                Việc phân tích chủ nghĩa nhân bản trong sáng tác của Nguyễn Du có một số ý nghĩa sau:
             1. Đối với việc nghiên cứu và giảng dạy Truyện Kiều: Xưa nay giới nghiên cứu thường nhấn mạnh một chiều chủ nghĩa dân bản, đồng nhất chủ nghĩa dân bản với khái niệm chủ nghĩa nhân đạo. Trong sách giáo khoa trường phổ thông và sách lịch sử văn học dành cho bậc đại học, đều thiếu sự chú ý đúng mức, trực tiếp đến phương diện nhân bản của tác phẩm. Nhận thức của người nghiên cứu đều cho các vấn đề dân bản là quan trọng, đáng nói hơn các vấn đề nhân bản thực thụ. Có nhiều bài viết phân tích thấu đáo về phương diện nạn nhân xã hội của Thuý Kiều và hình tượng Từ Hải – ước mơ giải phóng, mà còn quá ít khảo cứu về phương diện con người tự nhiên của nhân vật. Sách giáo khoa phổ thông lại càng ít chú ý vấn đề này hơn, vô tình đã xem nhẹ đóng góp thời đại hết sức to lớn của Truyện Kiều, làm sai lệch nhận thức lịch sử của học sinh. Nhân đây cũng cần nhận xét thêm rằng xu hướng thiên về khai thác phương diện dân bản mà xem nhẹ phương diện nhân bản của tác phẩm văn học có thể là một nguyên nhân khá căn bản khiến cho việc giảng dạy văn học lâu nay trở nên nhàm chán. Thực tế này cần được chỉnh lại.
             2. Về phương diện lý luận văn học: chúng ta vẫn dùng khái niệm “chủ nghĩa nhân văn” hoặc phổ biến hơn “chủ nghĩa nhân đạo” để dịch khái niệm humanisme. Đã đến lúc cần xem xét lại các khái niệm dịch này vì chúng hoặc là không chuyển đạt đầy đủ tinh thần khái niệm gốc (trường hợp “chủ nghĩa nhân văn”), hoặc là gây ngộ nhận (trường hợp “chủ nghĩa nhân đạo”). Đặc biệt cần nói về khái niệm chủ nghĩa nhân đạo. Nhân đạo dễ gợi liên tưởng đến “đạo nhân” của Nho gia. Nhân giả ái nhân. Nhân là thương yêu con người. Từ đó, chúng ta, những người hiện đại dễ tự hạn chế và thoả mãn bằng cách hiểu truyền thống của phương Đông về đạo nhân mà đồng nhất nó với humanisme của thời Phục hưng vốn lấy con người làm bản vị. Thực tế này đã bộc lộ trong cách phân tích tác phẩm văn học của giới nghiên cứu trong mấy chục năm qua, chẳng hạn, người ta rất dễ khẳng định chủ nghĩa nhân đạo của tiểu thuyết hiện thực phê phán 1930-1945 nhưng lại phân vân không biết có nên xem thơ Mới hay tiểu thuyết Tự lực văn đoàn có nhân đạo hay không. Chúng ta thường nhạy cảm với đề tài về cái đói, cái rét, sự bần cùng hóa con người nhưng lại ít đồng cảm với những khao khát sống, khao khát yêu, những nỗi niềm rất riêng tư của con người, thậm chí có lúc còn chụp mũ tiểu tư sản cho những xúc cảm đó. Do đó, nên chăng đã đến lúc chọn khái niệm “chủ nghĩa nhân bản” để chuyển dịch khái niệm humanisme? Nhân bản là lấy con người làm gốc. Con người tất nhiên luôn luôn sống trong môi trường xã hội và chính trị cụ thể nên nhất định phải được xem xét như một người dân. Người dân cần được các nhà chính trị, nhà cầm quyền quan tâm, cần được thoả mãn đầy đủ các nhu cầu vật chất tối thiểu cho sự sống: ăn, mặc, ở (vì thế, xưa là chuyện “hằng sản” và “hằng tâm” và nay là sự nghiệp xoá đói giảm nghèo). Nhưng chủ nghĩa nhân bản không chấm dứt ở đây: Chủ nghĩa nhân bản còn quan tâm đến con người với các phương diện bản thể luận, đến đời sống bản năng, thân xác, đến một thế giới nội tâm phong phú, đa dạng, tự do, không bị kiểm soát. Thiết nghĩ, có dùng khái niệm “chủ nghĩa nhân bản” mới khắc phục được cách hiểu có phần đơn giản hiện vẫn đang lưu hành trong giới nghiên cứu văn học và cả trong giới quản lý văn hóa xã hội. Đó là phần gợi ý từ thực tế sáng tác của Nguyễn Du. Thành công của Nguyễn Du bắt nguồn từ chủ nghĩa nhân bản sâu sắc của ông, đây là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục xây dựng và phát triển một nền văn học nhân bản chủ nghĩa hiện đại.
TNT
 
-----------------

1 nhận xét:

  1. http://www.thanhlinh.net/node/11167

    Một bài viết với một góc nhìn khác về Chủ Nghĩa Nhân Bản.

    Trả lờiXóa