Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

SỔ HƯU ĐỂ LẠI

                  
* MINH DIỆN
               Hôm nào cũng vậy, cứ  đúng bảy giờ sáng, ông Thao lại đóng bộ quân phục đi ra chợ. Bộ quân phục đã cũ mèm, ông  vẫn cố vá víu, vuốt cho thẳng nếp. Ông đi đôi dép cao su Trường Sơn mòn vẹt, sỏ đủ bốn  quai, đội chiếc mũ lưỡi trai sờn rách được ông  trần kỹ lại. Từ khuôn mặt nhăn nheo  đến bộ quân phục cũ  đều một màu tối thẫm, duy có chiếc huy hiệu cựu chiến binh trên nắp túi áo ngực ông vẫn thấy lấp lánh.
Dù đã  tám chục tuổi, ông Thao vẫn chững chạc, những  bước chân tuy chậm, nhưng vẫn đều , mặt ông vẫn hướng  thẳng phía trước, thói quen của người lính!
              Từ nhà ông Thao ra chợ qua một ngã ba, có cây đa cổ thụ, dưới gốc đa có cái miều thờ liệt sỹ. Bao giờ đi qua ông Thao cũng dừng lại, đứng nghiêm, giơ tay lên mũ chào. Ông bật lửa châm những nén nhang bị tắt và phủi bụi trên bệ thờ.  Thình thoảng ông  mang  mấy trái ổi, trái mận hái ở vườn nhà ra đặt  trên bệ thờ và nói: “ Mời các đồng chí ! Cây nhà lá vườn !”.
               Ông Thao đến chợ lúc chợ đã khá đông, nhiều người quen cất tiếng chào, ông gật đầu đáp lại, rồi  tới quán bún riêu của bà Mận. Đó là quán ăn sáng  quen thuộc của ông Thao.
               Ông ngồi xuống cái ghế gỗ thấp đối diện với bà Mận, cầm chiếc điếu cày thông bã thuốc, rồi móc túi quần lấy gói thuốc lào, vê một điếu nhỏ  vừa bằng hạt đậu đen cho vào nõ, châm lừa hút.  Ông chậm rãi rít từng hơi ngắn, rồi lấy sức kéo một hơi dài. Chiếc điếu cày réo lên  canh cách  như tiếng sáo , mồi thuốc cháy đỏ lừ, nhỏ dần , nhỏ dần, rồi tóp lại chui tọt vào nõ điếu.  Khi biết chắc chắn không còn gỉ để lãng phí, ông Thảo mới  từ từ há miệng nhà khói. Nhìn khuôn mặt ông  ngây ngây , bạc phếch,  như  tạc  bằng gỗ, giống hệt một bức tượng La Hán ở chùa Rọc.               
             Khi ông Thao hút thuốc lào, thì bà Mận đã làm cho ông một bát bún riêu. Bát bún riêu của ông hôm nào cũng giống nhau, chỉ lưng lưng. Đó là quy ước giữa ông Thao và bà Mận. Bát đầy giá năm  ngàn đồng, bát lưng ba ngàn rưỡi. Ông Thao sợ bát đầy không ăn hết lãng phí, nên thỏa thuận với bà Mận, chỉ mua bát lưng. Nhiều người không hiểu, bảo ông Thao bủn xỉn.  Có người nói xéo: “Lương hưu đại tá mà trùm sò!”.  Bà Mận có lần nói với ông :
              - Cụ cứ ăn bát đầy, nhà cháu vẫn chỉ lấy của cụ ba ngàn rưỡi thôi!
              Ông Thao  đáp:
              - Thì ra chị cũng nghĩ như người ta nhỉ!
              - Thôi, cháu xin lỗi cụ!
              Ông Thao cười xuề xòa:
              - Có gì mà phải xin lỗi!
                                                              *****
               Ông Thao là  người cùng xóm với tôi, và theo thứ bậc trong họ, tôi gọi bằng anh.
               Anh Thao  nhập ngũ năm 1951, cùng  với cậu ruột  tôi, lúc tròn 18 tuổi . Năm 1954, hai người  tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cậu tôi hy sinh, anh Thao bị thương nhẹ. Hòa  bình lập lại, anh Thao  được đi học văn hóa một thời gian rồi phục viên. Anh có giọng hát hay, lại biết đàn sáo, nên được cử làm  phó chủ tịch xã phụ trách văn hóa .
                Đầu năm 1965, trong đêm liên hoan tiễn chúng tôi lên đường nhập ngũ, anh Thao lên sân khấu kể lại chuyện kéo pháo vào Điện Biên Phủ và hát bài “Bế văn Đàn sống mãi” của nhạc sỹ Huy Du.  Giọng anh rất vang  và  anh hát rất  say xưa : “  Bế Văn Đàn ơi! Mười năm qua   anh vẫn còn sống mãi! Đất nước quê anh lá thắm rừng xanh, cam Mường Pồn quanh mồ anh sây đỏ. Lúa chín vàng trận địa cũ Mường Thanh, đàn em thơ hát ca đời anh. Đồi anh giữ  ngày nào cùng đội ngũ,  mũ hoa ban, chan nước mắt anh Pù, thân giá súng vẫn còn nguyên chỗ cũ, miền Nam đang nhả đạn xuống đầu thù...”
               Hát xong anh Thao nắm chặt tay chúng tôi nói to:
               - Ra đi giữ trong lời thề, đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương! Anh em mình sẽ gặp nhau ngoài mặt trận!
                Mấy người bảo: “Ông Thao chỉ bẻm mép động viên anh em, chứ một thương binh 33 tuổi, hai  con, đang giữ chức phó chủ tịch xã như ông thì trận mạc gì nữa!”.
                Nhưng không ngờ hai năm sau, trên đường hành quân vào Nam, tình cờ tôi gặp anh trên đường dây 559.
              Đó là vào một ngày giáp tết Đinh Mùi, 1967, đơn vị tôi hành quân đến một bãi khách bên dòng sông Sêrêpôk thì được lệnh dừng lại nghỉ một  ngày ăn tết.
Một góc bãi khách (trạm giao liên) Trường Sơn
                Bây giờ  các bạn trẻ  chắc không hiểu  khái niệm “bãi khách”,  nhiều người lớn tuổi có khi cũng quên, nhưng những người lính già từng vượt Trường Sơn như chúng tôi thì hình ảnh bãi khách khắc sâu trong tâm thức.
               Bãi khách là cái tên giao liên đặt cho mỗi trạm  dừng chân của bộ đội sau một ngày hành quân . Đó là khoảng đất phủ kín tán cây rừng, hầm hào dọc ngang, chi chít giá đỡ ba lô, cọc mắc võng, căng tăng,  bếp Hoàng Cầm , hố xí... đón hết đoàn quân này đến đoàn quân khác.
                Mỗi buổi chiều bãi khách nhộn nhịp bước chân . Giọng nói đủ các miền quê hội tụ về. Những làn khói xanh lam bò trên bếp Hoàng Cầm. Những cánh võng đung đưa, tiếng hát ngêu ngao và tiếng cười nói. Mỗi bãi  khách  có mùi vị đặc trưng, mà còn cách vài trăm mét những người lính hành quân đã  biết chính xác,  động viên nhau: “Cố lên sắp tới bãi khách rồi!”.
                 Có thể nào quên   những  thân cây cổ thụ  chi chít những  dòng chữ khắc  bằng dao găm.Tên người, tên quê, những  ký hiệu đơn vị, có khi cả một câu thơ lục bát.  Người đi trước muốn nhắn người đi sau ,  tâm tư  người lính ra trận gửi vào những tấm bia cây giữa rừng đại ngàn.  Mỗi gốc cây như một quyển nhật ký mở. Có người vừa khắc chữ “Sống mãi cùng quê hương!” chiều trước, sáng hôm sau  hy sinh  vì một trận bom B52 rải trúng đội hình hành quân. Có người khắc “Hẹn ngày trở lai” nhưng rồi gục ngã, mãi mãi nằm lại một bãi khách khác, vì sốt rét ác tính.  Mỗi bãi  một nghĩa trang , những  nấm mồ  nông rải rác dưới gốc cây, ven suối, bia mộ chỉ là một hòn đá,  một khúc cây  viết vội họ tên ngưởi lính.
                Chiều ba mươi tết năm ấy  chúng tôi ở bãi khách trạm 54. Mắc võng, căng tăng xong, ngồi  bên nhau nói chuyện tết. Giữa rừng già hun hút, không  bánh chưng, rượu thịt, thậm chí một chiếc kẹo, điếu thuốc cũng không. Nghe nói binh trạm  cho mỗi người một lạng  nếp, nhưng chờ mỏi mắt không thấy. Thôi thì ăn tết bằng ký ức! Những  mẩu chuyện tết khơi sâu thêm nỗi nhớ nhà. Vào giờ này chắc nồi bánh chưng đang sôi rền? Năm nay  không biết thầy bu  có  nấu thịt đông, bó giò như năm xưa?  Thằng em mình có   nhồi sinh diêm làm pháo chuột ? Và ngày mai ngày kia , bọn con Yến, con Oanh có nhún   nhảy trên cây đu ...Càng kể chuyện càng buồn, có  đứa ôm mặt khóc hu hu.  
                 Tôi có chiếc đài bán nhỏ bằng  năm đầu ngón tay , nhặt   được trên đường hành quân . Tôi  bật công tắc , tò mò dò đài Hà Nội . Dò hoài không được, mà chỉ toàn thấy đài Sái Gòn.  Dù bị cấm ngặt , nhưng vì buồn,  chúng tôi vẫn chum đầu bên nhau nghe trộm,  những bài thơ, tiếng hát  não nuột  rót vào tai chúng tôi : “ Mùa mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi. Tình xưa bạn cũ gặp nhau đêm ấy mưa rơi. Tách cà phê ấm môi. Mình  ngồi ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi...”,  “ Ôi những người con đất Việt! Giờ này anh ở đâu? Đêm ba mươi đi đặt trái phá cầu! Sáng mùng một rủ nhau đi nhặt xác!....”
                Càng nghe càng trống trài cô đơn. Gió lạnh ngắt từ dòng sông  Sêrê Pôk tràn lên , xoáy vào tim.
                Giữa lúc đó trạm  trường  giao liên xuất  hiện. Tôi không ngờ đó chính là anh Thao.  Tôi nhận ra anh qua giọng nói chứ không nhìn rõ mặt. Tôi hỏi:
               - Có phải anh Thao không?
               - Ừ, tớ đây, anh nào đấy?
               Tôi  chạy tới ôm lấy anh Thao.  Anh khoác chiếc đàn Ghita và mang theo  chiếc điếu cày. Tôi nói:
              - Cứ tưởng anh nói đùa , hóa ra anh tái ngũ  thật!
               Anh Thao  nói:
              - Chiến tranh gõ cửa từng nhà rồi!
               Anh  Thao mở gói thuốc lào , vê cho mỗi người một điếu, điếu nào cũng vừa bằng hạt đậu đen, giọng xởi lởi:
              - Hút thuốc đi các cậu!  Ăn tết bằng thuốc lào vậy! Vui lên...
              Chiếc điều cày chuyền tay  người này qua người khác,  rít lên sòng sọc . Tiếng cười tiếng nói vui vẻ ấm cúng trở lại. Anh Thao nói:
               - Các cậu mà nghe cái mục “Sinh Bắc tử Nam” của đài Sài Gòn thì sẽ rủn củ tỷ ra. Quân đội Sài Gòn thua vì nhạc vàng đấy!
                Tôi tưởng anh Thao sẽ tịch thu chiếc đài tâm lý chiến , nhưng anh chỉ nói ngắn gọn như vậy, rồi bảo chúng tôi góp vui văn nghệ.  Anh  vừa  gảy đàn vừa  hát: “Ta vượt  trên triền núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn. Máu thấm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình!”.
                Hết bài : “Bước chân trên dải Trường Sơn” của nhạc sỹ  Vũ Trọng Hối đến “Bài ca Trường Sơn” của  nhạc sỹ Trần Chung.  Bài hát phổ thơ của Gia Dũng như ngọn lửa hừng hực bốc lên theo  hơi thở của anh Thao : “Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió. Trời vắng trăng sao nhưng tim ta rực lửa. Đi ta đi tung cánh đại bàng...!”
                 Tiếng hát của anh Thao lôi cuốn chúng tôi hát theo, quên đi cái lạnh giá cô đơn của đêm giao thừa giữa Trường Sơn.
                 Hôm sau chia tay, anh Thao cho tôi mấy điếu thuốc lào. Bấy giờ tôi mới nhì rõ khuôn mặt quắt queo, xanh xám của anh. Anh bảo : “ Cố gắng lên, chớ có B quay nhục lắm!” Anh cho biết xã tôi đã có sáu người nằm lại bãi khách này. Anh nói:
                - Thằng Thìn con bác Khúc sốt có năm ngày là  ác tính , thương quá!
                - Anh có nhận được thư nhà không?Tôi hỏi.
                - Không! Anh Thao đáp gọn lỏn.
                 Tôi vào B2 và ở miết chiến trường miền Đông tám năm, không  biết anh Thao Trường Sơn sống chết thế nào.  Sau ngày tiếp quản Sái Gòn tôi về phép , biết tin anh Thao còn sống và cũng đã về thăm quê.  Lại bẵng đi  hơn  mười năm nữa, năm 1984, tình cờ tôi gặp anh ở Preah Vihear, Campuchia.  Bấy giờ anh làm phó tham mưu trưởng sư đoàn . Vẫn vóc dáng cao gầy , khuôn mặt quắt queo , miệng cười cởi mở , giọng nói  oang oang. Tôi không hiểu anh lấy đâu ra sức  mà bền bỉ bám trụ như vậy,  toàn ở nơi  đầu sóng ngọn gió ? Rồi vợ con anh ra sao? Chả nhẽ một đời người chỉ thích bôn ba nơi trận mạc?
                 Một đêm trong Sở chỉ huy sư đoàn ,tôi mắc võng nằm cạnh anh tâm sự. Anh cũng trăn trở , bức xúc nhiều chuyện , nhưng rồi anh bảo : “ Dù sao thì đời cũng   dành cho mình  may mắn . Bao nhiêu anh em , đồng  đội đã ngã xuống , có người xương bị mối xơi  hết ở Trường Sơn, có người đang nằm dưới những gốc cây thốt lốt xa lạ kia thì sao?” Anh lại  hút thuốc lào, rồi lại cất tiếng hát, dù giọng không còn vang như hồi ở Trường Sơn : “ Đời mình là một khúc quân hành, là bài ca chiến sỹ. Ta ca vang triền miên qua tháng ngày, lượn bay trên núi đồi biên cương đến nơi đảo xa...”
                 Năm 1989, Thao là một trong những người lính cuối cùng rời khỏi Cam puchia sau gần mười năm lăn lộn trên cái chiến trường  ác liệt đầy ma mỵ này.   Trong cuốn sổ tay,   anh ghi tên tuổi , địa chỉ và nơi hy sinh của gần 40 cán bộ chiến sỹ.  Anh bảo đó là những người anh trực tiếp chứng kiến lúc  hy sinh , còn quân số cán bộ chiến sỹ trong đơn vị hy sinh thì gấp ba , bốn lần. Mỗi thước đất Camphuchia đều thấm máu người dân Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam.  Phải dựng bao nhiêu bia căm thù và tượng đài mới xứng đáng! Anh Thao nói với tôi nhu vậy, hai khóe mắt rưng rưng.
                 Về nước ít ngày, anh Thao nhận quyết định phong quân hàm đại tá rồi nhận quyết định nghỉ hưu. Dù đã 58 tuổi, năng lực có hạn,  biết chắc không thể lên tướng  , nhưng anh Thao vẫn chưa muốn rời quân ngũ. Đối với anh, lý  tưởng  cộng sản và lý tưởng người lính  hòa quyện với nhau , bền vững và cao đẹp không gì sánh bằng.  Anh bảo đó  là chân lý  chỉ có cái chết mới làm anh rời bỏ.
                 Có lẽ vì  vậy mà khi buộc phải về hưu,anh Thao vẫn  không dành chút thời gian ngắn ngủi còn lại cho gia đình, vợ con,  tiếp tục  lao vào những nhiệm vụ khó khăn phức tạp hơn. Anh tham gia ban lãnh đạo Hội cựu chiến binh xã, huyện ,  thành lập nhóm  văn nghệ “Bài ca không quên”,   nhóm viết truyền thống và nhóm tìm hài cốt liệt sỹ.  Vẫn cái thân hình cao gầy , khuôn mặt quắt queo, cái miệng rộng cởi mở ấy,  anh lao vào công việc với  tinh thần quên mình . Anh quay lại con đường mòn Trường Sơn , đến những bãi khách tìm và khai quật mộ liệt sỹ, hết chuyến này chuyến khác, rồi sang Campuchia tìm bằng được hài cốt mấy chục liệt sỹ có tên trong cuốn sồ công tác của mình.
              Trong một chuyến anh Thao  đi tìm hài cốt liệt sỹ ở Trường Sơn, ở nhà chị Thái , vợ anh,  lâm bệnh chết đột ngột. Năm ngày sau anh mới về tới nhà ,  làng xóm đã chôn cất chị Thái xong rồi. Lần đầu tiên trong đời anh khóc. Người vợ ấy suốt đời lam lũ, nhẫn nhịn nuôi con, chờ chồng , trước lúc nhắm mắt dặn lại mấy câu  : “ Bảo ông cháu cố giữ sức khỏe!”. Bà không buồn, không trách móc, bình thản  chịu số phận  mình.
               Anh Thao có hai người con, một trai một gái. Người con trai  làm bác sỹ ở  bệnh viện tỉnh  còn người con gái lấy chồng,  buôn bán ở phố huyện. Khi chị Thái còn  , hai ông bà sống ở quê,  trong ngôi nhà  tổ tiên để lại. Ngôi nhà ngói ấy ba gian, xây dựng từ thời Pháp thuộc, tuy cũ kỹ nhưng còn  chắc chắn . Ngôi nhà nhìn ra dòng sông , dựa lưng vào doi đất cao, chung quanh có  hồ nước và vườn cây ăn trái.  Người ta nói đó là thế đất tụ thủy , được hưởng phúc lộc lâu bền.
              Ông Thao không mê tín nhưng ông tin phong thủy, nên nhiều lần con trai con gái ông bàn phá nhà cũ xây nhà mới,  ông không đồng ý. Khi bà Thái chết, người con trai muốn đón ông Thao  ra tỉnh ở ,  để tiện chăm sóc,ông Thao nói: “ Không có gì quý hơn độc lập tự do!”
                Ông tiếp tục tham gia công tác cho đến năm kia, 78 tuổi mới nghỉ hẳn.
Mắt đã mờ, chân đã chậm, ông vẫn  tự lo cuộc sống của mình một cách tươm tất. Quần áo ông tự giặt, rách ông tự vá, nhà cửa vườn tược ông tự chăm sóc. Thói quen của người lính không rời bỏ ông. Điều duy nhất ông phải từ bỏ là không đàn hát được nữa.
                Sáng ông dậy sớm, tập thể dục, đánh răng , rửa mặt...Khi ngủ dậy ông  gấp chăn màn hình hộp chữ nhật , tám góc  đều chằn chặn. Khi phơi chiếc khăn mặt ông kéo bốn  mép khăn đều nhau, và đôi dày , đôi dép lúc nào ông  cũng xếp thằng hàng.
                 Ông Thao ăn ở không mất lòng ai,nói chung được mọi người trong làng vị nể.  Người ta chỉ  dị nghị cái tính ki bo của ông.  Ai đời lương đại tá,  cộng tiền thương tật, tiền phụ cấp huân huy chương , mỗi tháng gần chục triệu đồng, mà hầu như ông chằng  tiêu cái gì đáng giá vài trăm ngàn. Mọi nhà  nấu bếp ga, ông vẫn đun bếp củi. Ông lượn từ cành cây đến chiếc lá khô trong vườn,  bó  thành từng bó, xếp gọn vào góc bếp đun dần. Cả xóm bây giờ  mỗi nhà ông Thao trưa chiều lởn vởn khói bếp! Ông mua một chai nước mắn, một chai dầu, một lạng bột ngọt, ăn cà tháng không hết. Rau ông hái ở vườn , đủ các loại,  rau dền, rau dệu, đọt sắn, mồng tơi, có cây  ông trồng, có cây mọc hoang. Những bát canh rau tập tàng ấy vừa ngon vừa không sợ thuốc hóa học, ông Thao nói thế. Ông  mò con ốc, bắt con cua, xúc mớ tép ở sông, ở hồ  về  ăn. Khi được nhiều ông kho mặn, phơi khô ăn dần.  Món ăn sang nhất, tốn kém nhất của ông Thao là bát bún rượu lưng lưng ba ngàn rưỡi vào mỗi buổi sáng mà tôi đã kể ở phần đầu. Ông ăn uống dè xẻn, kham khổ đến nỗi cô con gái nhiều lần vừa khóc vừa gắt toáng lên:
                    -Sao bố khổ thế? Trời đày bố à?
                    Ông Thao không cãi lại con gái, nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Ông dành dụm từng đồng lương hưu, và ông giữ bí mật tuyệt đối số tiền ông đã tiết kiệm được.  Ông đã trở thành tù nhân của lý tưởng ông theo đuổi. Ông tự tước bỏ những hoa trái hiếm hoi mà cuộc đời dành cho ông , ông bắt  mọi người theo mình,  phải khép nép trong cái  khuôn đúc ông cho là  mẫu mực nhất.
                    Năm ngoái con  cháu  bàn xây mộ cho  ông  bà , tổ tiên,  ông Thao  đồng ý góp một ít tiền, nhưng dứt khoát  chỉ cho phép xây vừa bằng những mộ bia liệt sỹ ở nghĩa trang. Ông bảo, các liệt sỹ  hy sinh vì dân vì nước, nằm dưới những  nấm mộ như vậy, mình xây lăng tẩm nguy nga coi sao được?  Linh hồn Người lính thiêng lắm, họ nhìn suốt thời gian và không gian đấy! Đề khằng định điều đó, ông Thao tự làm sẵn một nấm một cho mình, cạnh mộ bà Thái rất nhỏ gọn, đơn giản.
                                        
        Ông Thao mất cách đây mấy tháng, ở tuổi tám mốt. Buổi sáng ông vẫn ra chợ ăn bát bún rượu của bà Mận. Ăn xong , ông bảo:
                - Từ ngày mai tôi không ăn bún của chị nữa!
Bà Mận nói:
                  - Cụ dận con hà củ ?
                  Ông Thao cười:
                  - Tôi đi xa!
                   Ông Thao nói lấp lừng thế, rồi đứng rất lâu xem chợ. Sau  đó ông quay về nhà hý hoáy viết.  Sáng hôm sau  không thấy ông ra ăn bún, bà Mận đâm nghi vì lời “nói gở” của ông hôm trước, nên  tan chợ ghé vào, thì thấy ông Thao đã chết rồi.
                  Ông Thao chết, để lại một quyển sổ hưu kèm theo sổ tiết kiệm có số dư hơn một tỷ đồng. Đó là số tiền rất lớn ở một miền quê nghèo như quê tôi. Hơn hai chục năm nghỉ hưu, ông Thao vẫn chỉ mặc những bộ quân phục cũ, đi đôi dép cao su vẹt mòn, ăn con tép, lá rau tự bắt, tự hái, gom góp để dành được một số tiền lớn như vậy ? Cả làng xôn xao bàn tán. Rồi mọi người rưng rưng xúc động, khi được biết mấy dòng dòng di chúc ông viết để lại trước lúc ra  đi: “Gửi hai con! Đây là toàn bộ số tiền bố  tiết kiệm bằng những đồng lương hưu chính đáng của mình. Bố muốn nó được sử dụng để tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ, trả ơn những hy sinh vì dân vì nước. Bố nghe nói Hội cựu chiến binh Trường Sơn, đang vận động xây dựng ngôi đình thờ liệt sỹ Trường Sơn. Ở đó có rất nhiều đồng đội của bố. Hai con dùng số tiền này, đóng góp thay bố!”
                Vừa qua tôi về thăm quê, nghe tin hai người con ông Thao mới chửi nhau một trận và chuẩn bị đưa nhau ra tòa vì cuốn sổ hưu và số tiền ông để lại. Anh con trai đòi hai phần, cô con gái đòi chia đôi. Họ giành giật nhau từng đồng và quên béng cái bàn di chúc ông bố để lại.
                 Tôi sang thắp nhang cho ông Thao. Ông mới chết mấy tháng mà ngôi nhà cổ của ông đã đổi mới nhiều rồi. Cái ngõ vào nhà, trước chỉ vừa người đi, giờ rộng thênh, đổ bê tông thằng tắp. Cái  cổng  gạch  cũ kỹ, có hai cánh cửa gỗ, ít khi cài then, gió thổi kêu cót két, đã  bị đập bỏ, thay cổng mới cao to, xe hơi chui lọt.
               Anh bác sỹ con trai ông Thao đang chỉ dẫn mấy thanh niên xoay trần quai búa đập bức tường hoa trước sân. Bức tường hoa này từ hồi còn bé, tôi được nghe kể,  ông nội ông Thao xây tốn nhiều công sức lắm,  phải giã giấy bản thật  nhuyễn trộn với vôi và mật mía, đắp cuốn thư  và các câu đối chữ nho.
               Anh bác sỹ nói với tôi:
              - Cái nhà cổ xuống cấp lắm rồi chú ạ! Sang năm cháu phá, làm nhà mới...
              Tôi thắp ba nén nhang trước di ảnh ông Thao. Hình như tấm ảnh này ông chụp đã lâu, khi còn khá trẻ. Ông mặc quân phục sỹ quan, hai bên ngực đầy huân chương, huy chương, khuôn mặt nghiêm trang, đầy niềm tin và kiêu hãnh. Đôi mắt ông như đang nhìn người con trai chỉ dẫn đám thanh niên đập phá ngoài kia. Những nhát búa đập rầm rầm làm rung cả cái bàn thờ ông Thao. Tôi chợt nghĩ; Đó cũng là những nhát búa mà hậu thế đang "trả ơn" tiền nhân để nhắm vào những mục tiêu 'hiện đại hóa' chăng?!.
M.D 
--------------------

25 nhận xét:

  1. Đời thật của người lính, đọc thấy thương và cũng buồn!

    Trả lờiXóa
  2. Đoàn ta là giải phóng quân
    Là con em của nhân dân

    Trả lờiXóa
  3. Đọc truyện nầy, nhớ Tướng Về Hưu quá !

    Trả lờiXóa
  4. Thật xót xa. Lớp người như ông Thao đã ra đi gần hết rồi. Những người như thằng con trai ông thì đang...sung sức!

    Trả lờiXóa
  5. Một kiếp người rồi cũng qua đi. Còn lại là đất nước này. Ông Thoa, bà Thái cũng chỉ là những hạt cát trong dòng chảy. Nhưng dòng chảy dân tộc sẽ về đâu?

    Trả lờiXóa
  6. Một câu chuyện rất thật và cảm động.Những buổi chiều khói lam bò trên bếp Hoàng Cấm, tiếng cười tiếng nói râm ran, và cả tiếng rên của những người lính lên cơn sốt rét...Nhà báo lính Trường Sơn Minh Diện đã vẽ lại bức tranh chân thực đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa.
    Lớp lính già chúng tôi không quên Trường Sơn, không quên đồng đội. Có điều không ai chống lại được quy luật Minh Diện-Bùi Văn Bồng ạ. Anh Thao chết đi để lại di chúc thiêng liêng như vậy, nhưng con anh không làm theo, mà còn giành giưt nhau. Đau quá phải không các anh!Trong một gia đình đã vậy,ngoài xã hội cũng vậy thôi.Nói rộng ra là hiện trạng đất nước...
    Cảm ơn Minh Diện-Bùi Văn Bồng về một bài viết giàu nhân văn.( Nguyễn Duy Nghĩa, đại tá CCB, Từ Liêm, Hà Nội)

    Trả lờiXóa
  7. Cuối đời, ông Thao vẫn chưa ngộ ra thế hệ mình bị lợi dụng và phản bội. Thời trẻ, vô tình làm tay sai cho cái ác của cộng sản.
    Ông là người tốt, nhưng dốt.

    Trả lờiXóa
  8. Em khóc khi đọc bài này. Nghĩ được nhiều nhưng chẳng còn nói được gì nữa. Cho phép em lưu bài này về ổ cứng của mình bác nhé, cảm ơn bác.

    Trả lờiXóa
  9. Bác sỹ con ông Thao giâu có thế mà vẫn tranh gianh với em tưng đồng
    Ông Thao sống tiết kiệm tằn tiện nhưng sống lâu.Những ngươi cựu chiến binh như ông Thao chắc đều như thế.Họ sống đạm bạc nhưng vì dân vì đồng đội. bây giờ họ sống với nhau tranh giành với nhau từng tý mot thật là buồn.

    Trả lờiXóa
  10. Muốn khóc quá!có lẽ nào chúng ta,thế hệ con cháu Cụ Thao mà lại như vậy.Hãy sửa sai ngay cho dù có thể đã muộn.

    Trả lờiXóa
  11. Không biết câu chuyện MD kể có thật tẹo nào không? Tôi là chiến sĩ đã chiến đấu từ giới tuyến 17 đến Long an va căm pu chia. Nay thấy bọn Đại tá còn sống rất tham lam, là lực lượng hổ trợ đắc lực cho tham nhũng, anh thì chủ tịch CCB, anh thì ...rất nhiều thứ từ tỉnh xuống huyện, xã.Còn con cái thì cũng dựa bóng bố làm ăn . Nhưng có một điều đúng là con cái họ không bao giờ chấp nhận lối sống của " ông Thao " như chuyện đã kể.Ngoài cánh đại tá thì các vị từ phó chủ tịch các cấp trở xuống cũng giành giật các vị trí " chủ tịch các hội " nên tiếng nói của cánh này khó mà trung thực Nếu tầng lớp này về hưu chịu từ bỏ lợi lộc tham lam, họ khách quan góp sức cùng nhân dân can gián chính quyền thì nhân dân sẽ được nhờ rất nhiều, Đảng cũng sẽ lành mạnh hơn! Vì số này đã qua một đời công tác có nhiều kinh nghiệm... Nhưng tiếc thay họ lại tham đến cùng ...không như BVB đâu./.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi, đừng 'kéo' tôi vào. Tôi kém ông Thao, lấy đâu để dành được 1 tỉ? Có lương đấy , nhưng giá cả cả thị trươgf bây giờ, hơn nửa triệu một bình ga nấu bếp, sống cũ khoa mà dư giả. Vì có mác báo Quân đội, người ta cũng muốn tôi làm chủ tịch này - kia, nhưng tôi không dám phục vụ nữa.Tôi muốn rằng: cả đời đảng rèn đảng quản, nay về hưu, nghỉ cho khỏe, viết cái gì mình thấy cần, thấy khoái; nói cái gì mình muốn nói thẳng thắn, trung thực, xây dựng. Dù cho cả ngày ngồi dán mắt vào vi tính chằng ai cho ồổng nào, nhưng thích. Tự do muôn năm! Cảm ơn ND 11:43!

      Xóa
    2. Hảo lớ, Bồng sư huynh! Tôi cũng là cựu đảng viên ĐCSVN. Hưu non (lãnh lương hưu 1 cục năm 1993). Chuyển hồ sơ sinh hoạt đảng về phường. Lúc ấy tôi mới 34 tuổi. Họp đảng ở chi bộ phường lần đầu (và cũng là lần cuối cùng), đang ngồi hàng cuối thì ông bí thư trịnh trọng: "Xin giới thiệu với các đ/c: hôm nay chi bộ ta có thêm người. Đó là cụ... (tên tôi) (!!!) , cán bộ hưu trí. Mời cụ đứng lên ạ!". Khi đ/c "cụ" 34 tuổi đứng dậy, tất cả cười ồ!
      Bây giờ mình tự quản, có sự theo dõi của đ/c vợ. Đọc gì cũng được, nhưng không được coi phim đen. Vậy là không được tự do 100% như huynh Bồng rồi.
      Chúc vạn sự tốt lành cho tất cả chúng ta.

      Xóa
    3. MD viết toàn của hiếm không ah, hay, quá hay, cuộc đời có nhân quả mà

      Xóa
    4. Chúc bác Bổng và bác Diện khỏe, viết được nhiều: Những tâm huyết của một đơi người để bạn đọc cùng con cháu lớp sau suy ngẫm! Dẫu cuộc sống ngày càng thực dụng nhưng "nhân văn" vẫn phải là bản tính của con người chứ!

      Xóa
  12. Người sông Tiềnlúc 14:37 25 tháng 5, 2013

    Đọc bài nào của nhà báo Minh Diện cũng sâu thẩm, cảm thấy buồn buồn. Cám ơn, hai nhà báo Bùi Văn Bồng (hay Chu Mã Giang) và Minh Diện.

    Trả lờiXóa
  13. Câu chuyện của một gia đình miền Bắc Việt Nan cũng là câu chuyện của đất nước. Thế hệ trước đã để lại cho thế hệ sau cuốn sổ hưu là một nhà nước vô luân vô pháp. Thế hệ sau bằng mọi giá đạp lên nhau để có chân trong nhà nước này để vơ vét, kiếm chác.

    Trả lờiXóa
  14. Toi hoan toan dong y voi ban.Day khong phai chuyen rieng cua ong Thao.

    Trả lờiXóa
  15. Được đọc thể tài bút ký của Nhà Văn Minh-Diện thì được thưởng thức hương hoa qua ngòi bút của ông. Nếu Chế Lan Viên hay Hàn Mạc Tử, qua tài thơ đã phác họa những bức ảnh siêu-hình trong thi-ca, thì Minh-Diện và Xuân-Vũ (Bùi Quang-Triết), qua nét bút tài-hoa và với thể tài bút-ký, đã lột tả đến tận cùng bức tranh vô cùng siêu-thực của các thế-hệ thanh-niên Việt-Nam phải trải qua trong cuộc-chiến-không-cần-thiết, để Nam-Bắc-tương-tàn do một phe nhóm nhỏ trong đảng cộng sản Việt-Nam chủ động.
    Qua nét bút tài hoa linh-động, đong chở muôn hình hài hiện-thực, phải chăng Nhà Văn Minh-Diện cũng như Đại Tá Bùi Văn Bồng đang nhắn nhủ các Thế-Hệ Viêt-Nam hãy nhận chân những chất ‘sinh-hóa cường-toan cộng-sản’ , hãy dứt bỏ những ‘độc-tố- đỏ’ đó, đừng để nó ăn sâu vào trí-tuệ và huyết-thống cho đến giây phút cuối của đời người như Anh Thao.
    Hãy đứng lên để vực dậy đời sống cho chính mình và cho các thế hệ Viêt-Nam đang phải đối mặt muôn nỗi khó khăn do những hiệu-ứng của độc tố đỏ, và để mở một sinh-lộ mới cho Tổ Quốc và Dân-Tộc Việt-Nam, trong một tương-lai gần, phải đối đầu với kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc.
    Xin được tỏ lòng biết ơn và cảm phục đến Nhà Văn Minh-Diện và Đại Tá Bùi Văn Bồng.

    Trả lờiXóa
  16. Vì Nhân Dân chiến đấu quên mình!

    Trả lờiXóa
  17. Cách đây hơn 20 năm, có một cán bộ ở Q. Bình Thạnh TPHCM chiếm đoạt một cách ngang nhiên 21 tờ vé số trúng giải đặc biệt của một người nghèo. Vậy mà chẳng ai dám làm gì hắn ta! Kể cả khi người nghèo được người khác hùn tiền ứng án phí kiện hắn ra tòa?!
    So với ông Thao, thằng này chỉ là cứt đái!

    Trả lờiXóa
  18. "Vừa qua tôi về thăm quê, nghe tin hai người con ông Thao mới chửi nhau một trận và chuẩn bị đưa nhau ra tòa vì cuốn sổ hưu và số tiền ông để lại...."Đôi mắt ông như đang nhìn người con trai chỉ dẫn đám thanh niên đập phá ngoài kia. Những nhát búa đập rầm rầm làm rung cả cái bàn thờ ông Thao. Tôi chợt nghĩ; Đó cũng là những nhát búa mà hậu thế đang "trả ơn" tiền nhân để nhắm vào những mục tiêu 'hiện đại hóa' chăng?!." Quá rõ, chứ chẳng phải lúc đọc lần đầu cứ ngờ ngợ , thấy giống giống cái gì đấy lớn lao hơn. Giờ đọc lại thấy Quá rõ.

    Trả lờiXóa
  19. Con hư tại mẹ cháu hư tại bà Không con hư tại mẹ tại cha ,cháu hư là tại cả bà lẫn ông. Ông Thao tốt là vậy liêm khiết tằn tiện là vậy ,chỉ biết nuôi con mà không biết dạy con đồng thời đẻ con ra mà không hiểu nổi con ...Nên con hư cũng là phải mong sao chúng ta những người đang sống hãy vì xã hội vì cộng đồng mà giáo dục con ,bắt buộc con mình phải sống chân thiện mỹ kính trên nhường dưới .Sống có luân thường đạo lý ở đời.

    Trả lờiXóa
  20. Ông Thao may mà đã chết, nếu còn sống không chừng bị thằng con... hành hung vì không đưa nhà, tiền cho nó!

    Trả lờiXóa