Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

CHẲNG LẼ DÂN PHẢI 'ĐẢNG VẬN' ?


* TS. TÔ VĂN TRƯỜNG
            BVB - Trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 7, TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân; quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ và của Đảng… Tình trạng phân hóa giàu nghèo, phân cực, phân tầng xã hội; những biến đổi về quan hệ lợi ích, hệ giá trị xã hội; sự cách biệt về kinh tế, xã hội… làm nảy sinh tiền đề của sự phân hóa về nhận thức, tư tưởng…"
..." Trong khi đó chúng ta lại chậm đổi mới, cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ. Trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền trong công tác dân vận ở nhiều nơi bị xem nhẹ, chỉ dựa chủ yếu vào bộ máy hành chính và biện pháp hành chính”...
Thực chất, nói về vai trò, sức mạnh của nhân dân, nói vè công tác dân vận thì bao giờ cũng thấy hay và đúng. Những bài bản hầu như ai cũng thuộc lòng cả rồi. Nhưng nay, nhân Hội nghị Trung ương 7 có vấn đề bàn về  công tác dân vận, tôi có những ý kiến và luận giải như sau:
Còn nhớ 3 năm trước, trong bài viết “Cảm xúc tháng Tư” ngày 1/4/2010, tôi đã phân tích Thông báo số 316-TB/TW ngày 15-3-2010 của Bộ Chính trị các văn kiện công bố lấy ý kiến nhân dân gồm các dự thảo: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã  hội 10 năm 2010-2020, và Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương khoá X. Trong đó, có đề cập phải sau hơn 6 tháng, nghĩa là đến 15-10-2010, các văn kiện mới được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Như vậy, việc lấy ý kiến chỉ diễn ra trong vòng một tháng (từ 15 tháng 10 đến 15 tháng 11 năm nay) là quá muộn, dễ trở thành hình thức. Nếu phải chờ đến tận ngày 15/10 mới được góp ý với Đảng, chắc nhiều người không đủ kiên nhẫn, để nghiên cứu, suy nghĩ, vắt óc hiến kế trong khung cảnh hẹp cả về thời gian và cả lòng tin vào lãnh đạo.
Người dân tích cực, hào hứng, tham gia đóng góp ý kiến với Đảng chỉ khi có lòng tin của họ và mong muốn của Đảng được xây dựng trên nền tảng dám nhìn thẳng vào sự thật, thảo luận một cách công khai và dân chủ cùng với cả nước để tìm lối đi cho đất nước. Phát huy dân chủ là tạo cơ chế để người dân, đặc biệt giới trí thức tham gia vào mọi mặt của cuộc sống, nhất là phản biện xã hội. Phản biện cần phải được thực hiện trong quá trình hình thành, tạo ra cơ chế, đường lối, chính sách chứ không phải sau khi đã ban hành để tránh không còn phải xé rào! Ngay khi tổng kết rút kinh nghiệm Đổi mới từ năm 1986 người dân đã được biết qua bài viết của GS Đặng Phong cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự “Những cuộc điều tra thăm dò khách quan, vai trò của báo chí, vai trò của Quốc hội, các cơ quan nghiên cứu độc lập đã không có điều kiện để phát huy hết hiệu quả. Có nơi, chúng chỉ mang nặng tính chất hình thức, như những vật làm cảnh hơn là những công cụ hữu hiệu của xã hội. Thay vào đó là một hệ thống những kênh thông tin khép kín, vừa chậm chạp, vừa nghèo nàn và méo mó. Trong nhiều trường hợp, sự méo mó đó cộng với quyền uy đã dẫn tới những sai lầm mang nặng tính chủ quan, duy ý chí, mà sau này Đại hội Đảng lần thứ VI đã kiểm điểm và phê phán nghiêm khắc.”
Có thể nhiều ý kiến của nhân dân, đặc biệt của các vị lão thành cách mạng, ít nhiều đã tác động đến những người có thẩm quyền, cho nên Ban chấp hành Trung ương mới công bố các dự thảo văn kiện trình đại hội Đảng XI sớm hơn 1 tháng so với thông báo trước đây.
Trong thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều người viết góp ý với Đảng tùy theo chỗ đứng, góc nhìn về những điều mình mong  muốn nhất hoặc thấy rõ nhất. Có nhiều  bài viết chỉ 1 đến 3 trang nhưng có bài viết công phu đến hơn 40 trang, rất tâm huyết, quan tâm, trăn trở lo lắng về vận mệnh của đất nước. Nhiều phân tích, đề xuất sắc sảo, thẳng thắn mang tính đột phá về tư tưởng và hành động của các vị lão thành cách mạng, cán bộ nghỉ hưu, cựu chiến binh, giới trí thức, tiếc rằng vẫn chưa được làm rõ nét trong Dự thảo văn kiện! Phải chăng do ngôn ngữ bất đồng theo nghĩa nói bằng thứ tiếng khác nhau hay là do các vấn đề liên quan về phương thức, cách thức lắng nghe tiếp thu ý kiến?! Theo thiển nghĩ của tôi, nếu tiếp tục cất công làm phép quy chiếu, đem so sánh kết cấu, từng câu chữ, để tranh luận tìm ra vài ý mới hay nhiều chỗ thụt lùi so với văn kiện cũ, chẳng giải quyết được vấn đề gì, bởi vì gò bó vào câu chữ sẽ bị cuốn theo lối mòn.
Dù có viết góp ý hay đến mấy cũng thế thôi khi mà cốt lõi của vấn đề là người ta viết văn kiện vẫn theo lối tư duy, thói quen xưa nay là  “ý Đảng, lòng Dân” vừa không chuẩn, vừa quá cảm tính. Thực ra,  phải đặt ngược lại: Nguyện vọng của nhân dân phải trở thành ý chí của Đảng.  Nhận thức là cả quá trình, tiếc thay cho đến tận ngày nay, người ta vẫn coi câu khẩu ngữ  “ý Đảng, lòng Dân” như sự phát kiến vĩ đại. Ý là nói về lý trí, lý tính, duy lý có tính chất rất quan trọng, mang tính trí tuệ, thể hiện trong tư duy, định hướng, tầm nhìn, phương pháp luận, giải pháp v.v… Lòng có thể hiểu là thể hiện tình cảm, mong muốn. Chỉ khi nào viết văn kiện phù hợp với thực tế đúng đắn, sáng tạo, phong phú, sâu sắc được xây dựng trên quan điểm “ý Dân, lòng Dân” thì mới có giá trị đi vào cuộc sống. Ngày xưa, Tư Mã Thiên có nói đại ý như sau: “Người phụ nữ làm đẹp vì người mình yêu, còn kẻ sỹ dốc sức vì tri kỷ.” Ngày nay, suy rộng ra, nếu Đảng với Dân là tri kỷ thì Đảng phải nghe Dân và Dân sẽ dốc lòng vì Đảng.
Tôi chỉ đơn cử một vài ví dụ về quan điểm và các giải pháp đưa ra cần phải xem xét lại vì không logic, không được lòng dân. Trong lĩnh vực giáo dục mà lâu nay chỉ nói về đổi mới cơ bản và toàn diện, không nói về cải cách. Trong bối cảnh hội nhập, cần quan điểm mới, chính sách mới mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện cải cách giáo dục, có gì mà phải né tránh. Trong chiến lược phát triển giáo dục của nước ta vẫn chỉ chạy theo số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng. Xin thử xem số liệu sau:
Năm
2006
2020
Tốc độ tăng năm
Dân số
84.155.800
97.208.267
1,5%
Độ tuổi 18-22
8.127.069
6.492.855
-2,2%
Số sinh viên
1.666.200
4.374.372
10,1%
Số sinh viên/10.000 dân
195
450
8,7%

            Theo đó, số sinh viên phải tăng 10,1% một năm thì mới có thể đạt 450 sinh viên trên 10 ngàn dân. Vậy thử hỏi phải làm các biện pháp gì, như thế nào, khi nào để có thể tăng số giáo sư ở mức độ hiện nay lên, để ít nhất là giữ được chất lượng như hiện nay? Nếu muốn giữ chất lượng cao hơn, tức là giảm số sinh viên trên 1 giáo sư thì tốc độ tăng phải cao hơn nhiều.
Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 có viết "Nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc-Nam, một số cảng biển và cảng hàng không đạt đẳng cấp quốc tế, hạ tầng đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh”. Trong thời gian vừa qua, người dân, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã phân tích thấu đáo, chỉ rõ những bất cập, không hiệu quả về kinh tế, xã hội, thậm chí ảo tưởng, phiêu lưu về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam – Kim tự tháp của Việt Nam. Mặc dù chịu sức ép từ nhiều phía, Quốc hội đã sáng suốt, dũng cảm, bỏ phiếu bác bỏ dự án này, thể hiện ý chí, nguyện vọng  của cử tri.  Thật khó hiểu, trong chiến lược phát triển kinh tế của Đảng  đến 2020 (chỉ còn 10 năm nữa) trong  lúc rất khó khăn về  kinh tế, nhân lực hạn chế, nợ công, “nợ ngầm” đã đến mức báo động lại vẫn cứ đưa ra kế hoạch tập trung nguồn lực xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam!?  Lâu nay, nhiều vụ khiếu kiện gây bất ổn trong xã hội chính là liên quan đến vấn đề cho nhà nước toàn quyền phân phối "quyền sử dụng đất"!
Câu hỏi được đặt ra là tại sao một chính quyền dù ở bất cứ vị trí nào từ trung ương đến địa phương có quyền lấy đất canh tác của dân để giao cho một doanh nghiệp khi cả hai về mặt luật pháp là hai thực thể kinh tế độc lập và giống nhau!? Ở các nước, chỉ có thể lấy lại đất tư nhân nếu như sử dụng để xây dựng công trình công cộng như đường sá, công viên, sân bay, bến cảng v.v… chứ không có quyền lấy đất giao cho doanh nghiệp. Làm như thế là phân biệt đối xử, vi phạm hiến pháp. Nếu vì lý do kinh tế mà lấy lại thì phải có cơ chế bảo đảm không có phân biệt đối xử, thí dụ  thông qua quyết định của cộng đồng và sau khi nhà nước lấy lại, phải có đấu giá để mọi người tham dự.  
            Một trong những vấn đề quan trọng, cốt tử liên quan đến sự ổn định và phát triển của đất  nước là việc lựa chọn nhân sự thì Đảng lại không hỏi Dân!? Nguyên Phó thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên, một vị tướng đáng kính của nước nhà cũng bày tỏ quan điểm lựa chọn người lãnh đạo, rất hay, rất đẹp nhưng xin thưa rất khó thực hiện. Trong cơ chế hiện nay, và văn hóa của người Việt, đòi hỏi người đương chức, đương quyền tự đổi mới mình là việc rất khó.  Suy cho cùng cái "thói quen" (như Lenin nói) và tư duy nhiệm kỳ vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ của không ít người có thẩm quyền. Muốn có giống nòi tốt, những hạt nhân để quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước thì phải đổi mới cơ chế bầu cử, cơ chế nhân sự, có tranh cử thực sự, hay nói theo cách khác là phải từ bỏ một tập tục "lấy nhau" trong đảng, giống như tập tục lấy nhau giữa những người cùng huyết thống. Cách làm cán bộ lãnh đạo cũ chọn hay chỉ định cán bộ mới ra để bầu cử, không phải tranh cử, tức là chọn những người giống mình, cùng suy nghĩ như mình, tệ hơn là sẵn sàng "hẩu" với mình.
Cách chọn người lãnh đạo như thế thì dù có để mọi người bầu hay đại biểu bầu cũng thế thôi bởi vì sẽ không thể loại được cái gọi là sự xuống cấp của gene. Do chọn lựa trong nhóm quá nhỏ bé, và nếu phải gene tồi thì cái xã hội nhỏ bé đó sẽ lập lại cái gene tồi đó ở mức cao hơn và rộng hơn. Ở một xã hội rộng lớn hơn thì gene mạnh sẽ đánh bật gene yếu theo thuyết Darwin. Ở  một tập thể ngày càng teo lại thì làm gì có gene mạnh để được tuyển chọn.  Để  thực hiện “ý Dân, lòng Dân” trong công tác nhân sự, cách đơn giản nhất là tổ chức bầu cử các cơ quan và chức danh nhà nước trước ở tất cả các cấp: Ở cấp Trung ương thì bầu Quốc Hội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, Chánh án toà án tối cao, sau đó mới họp Đại hội Đảng bầu Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, bầu Tồng bí thư). Sự tín nhiệm và kết quả bầu cử của dân là căn cứ rất vững chắc cho Đảng bầu cử các cơ quan và người lãnh đạo của Đảng.
Trong bối cảnh nguồn nhân sự và cách bầu cử như hiện nay, người dân chỉ mong sao có cơ chế phân bổ quyền lực, kiểm tra, kiểm soát hữu hiệu để những người được bầu vào cương vị lãnh đạo nhà nước ở trung ương cũng như địa phương luôn biết tự vấn, nhìn lại mình, hiểu được rõ năng lực và uy tín của mình đối với xã hội. Thực tế, trong cơ chế hiện nay, chúng ta không thể tìm được vĩ nhân, lãnh tụ như Hồ Chủ Tịch, hay những người học trò xuất sắc của Bác thời xưa, có tư duy chính trị, văn hóa, năng lực, phẩm chất  trí tuệ, luôn đấu tranh, biết hy sinh vì nền độc lập và quyền lợi cho dân tộc, cho đất nước. Bởi thế, càng cần có thể chế xã hội phải làm sao để tự nó vận hành trong khuôn khổ pháp luật, giúp cho người lãnh đạo thời nay hiểu được rằng làm công bộc của dân không phải dễ và khi họ có làm sai cũng hạn chế tối đa mức độ gây thiệt hại cho xã hội. 
Từ trước đến nay, chúng ta quen nói đến “ý Đảng, lòng Dân”. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng sức mạnh của Đảng là nằm trong khối đại đoàn kết toàn dân, thành công của Đảng là bởi các quyết sách của Đảng đưa ra phù  hợp với “lòng Dân”. Bởi vậy đã đến lúc phải nhận thức rằng “ý Đảng” cũng là “”ý Dân”, từ đó có thể nói cụm từ quen thuộc trên thành “Ý Dân, lòng Dân” vừa đúng nghĩa, vừa sâu sắc hơn.  Để văn kiện của Đảng thực sự có sức sống, nội dung phải được xây dựng trên tinh thần cầu thị, dân chủ lấy “Dân làm gốc”. Các vấn đề Đảng nêu ra xuất phát từ ý Dân, lòng Dân sẽ được sự ủng hộ của Dân, chỉ khi đó nội dung văn kiện, các câu chữ, khẩu hiệu mới biến thành sức mạnh vật chất để công cuộc đổi mới thực sự có hiệu quả hơn, không nên diễn văn, phát biểu tỏ lời ca ngợi dân, nhưng khi hành động thì coi dân chẳng ra gì! Thực ra, cái gốc của dân vận là tôn trọng dân, là tuân thủ những nguyên tắc và nội dung thực thi dân chủ, là đưa ra những chính sách có lợi cho người dân. Nhiều tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của người dân không được đảng quan tâm, đề xuất, kiến nghị thì bị cho là suy thoái, là nghe 'thế lực thù địch' xúi giục, là có ý đồ chống đối, là phải điều tra 'màu sắc chính trị' xem có 'phản động'...Thực trạng đó, những diễn biến, biểu hiện và phát ngôn như thế chẳng lẽ bây giờ để nhân dân phải dùng đến bài lội ngược dòng: "Đảng vận"?
TVT  

7 nhận xét:

  1. Các vị lãnh đạo của ĐCSVN,họ là những người có học thức,có kinh nghiệm cộng với đội ngũ cố vấn đông đảo có trình độ,họ biết hết và làm được hết.Mô hình tiên tiến của các nước có cả, Phong phú và đa dạng,học tập và làm theo không phải là việc khó,nếu như họ thực lòng muốn đổi mới.Nhìn thấy thiên đường ở trước mặt thế nhưng ĐCSVN vẫn còn luyến tiếc,không muốn giã từ cái "máng lợn" năm xưa! Nhưng có 1 điểm quan trọng nhất mà tất cả chúng ta cần biết là tại sao lại có "ĐỘ Ì" ghê gớm vậy? vì họ biết rằng,nếu bây giờ mà rẽ ngang thì đối với họ là dấu CHẤM HẾT đây là cái mà họ sợ nhất trong tất cả các loại sợ,khi con người ta hoảng sợ, thì họ bám càng chặt. Từ chối quyền lực là 1 việc khó nhất trên cõi đời này!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ảo tưởng về quyền lực là một thứ rất tệ hại. Không có gì nhục hơn khi cứ bắt người khác phải làm theo những điều vô lý!

      Xóa
  2. Chế độ XHCN Việt Nam do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo ...Kiên định với đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội tươi đẹp. Càng ngày càng trở nên thối nát (Không giống Chủ nghĩa XH mà cũng không giống Chủ nghĩa Tư bản) nó y hệt chế độ Việt Nam Cộng Hòa do ngụy quyền sài Gòn cai trị trong ngững thập kỷ 60 - 70 của thế kỷ 20. Đó là nhận xét của nhiều người trong đó có cả những cán bộ đảng viên là sỹ quan trong LLVT ...Sập đến nơi rồi.Hết cả niềm tin với đảng rồi.
    Mong sao có một nhân tài đứng lên lãnh đạo đất nước trong lúc khó khăn này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đánh giá hay nhận định một vấn đề như chính trị kiểu trên là dễ dãi
      và qúa đơn giản vì cố tình bỏ qua yếu tố hoàn cảnh,môi trường trong
      đó miền Nam bị VC.khích động dân chúng lật đổ.Ngay một nước dân chủ
      như Mỹ mà dân chúng cũng còn bất mãn,nói chi miền Nam bị chiến tranh
      du kích củc CS.phá hoại đêm ngày không ngừng nghỉ !
      Do đó,so sánh như vậy là rất phiến diện,thiếu thuyết phục.Giọng điệu
      "ngụy quyền" chứng tỏ đó là ngôn từ tuyên truyền xảo quyệt của cán bộ trước kia thường dùng.Nói xảo quyệt là vì làm nhục đối thủ như một cách đánh phủ đầu về tâm lý,dễ làm người có dân trí thấp tưởng rằng chế độ khác với chế độ miền Bắc đích thi là bọn ngụy mới làm tay sai, bán nước v.v.Cách làm mất danh dự đối phương cũng là một thủ đoạn
      gián tiếp đề cao mình nên thái độ "vỗ ngực ta đây yêu nước" thường
      đưọc người CS.thể hiện rất trịch thượng,khinh người !

      Xóa
  3. Đúng thê, nay Dân phải "Đảng vận" để đảng từ bỏ con đường sai lầm, trở về với nguyên thể vì nước vì dân. Có đâu tràn lan tham nhũng, tràn lan "Tư sản Đỏ" còn xưng đảng cộng sản thì ai tin, hãy lấy lại tên Đảng Lao động, đảng phải lao động để sống, đừng ăn bám, bóc lột làm khổ dân nữa!

    Trả lờiXóa
  4. Bài này tác giả dẫn liệu, lý giải, phân tích có lý, chuẩn không cần chỉnh.

    Trả lờiXóa
  5. Vì sao phải Đảng vận?
    TS Tô Văn Trường đã lý giải rất sâu sắc. Tôi xin nhấn thêm:
    - Nếu xét lại Đơn xin vào Đảng của các đảng viên, thì có thể 90% phải đưa ra khỏi đảng vì " hứa thế nhưng không làm theo thế".
    - Cứ đến các chi bộ của các đảng bộ: cơ quan, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, chính quyền các cấp mà xem, dễ có đến 50% số chi bộ là chỉ 4 - 6 tháng mới họp một lầm cho ...gọn!
    - Sức chiến đấu của các cụ đảng viên chi bộ nông thôn thì... có đến 60% chứ không ít hơn là số o ( thực chất là " có cũng như không") bởi các cụ đều cho rằng " góp ý, đấu tranh nhưng họ chẳng bao giờ nghe , thì nói làm gì", Thậm chí, có chi bộ tiến hành phê , tự phê, chỉ làm trong ...20 phút!
    Vì thế, đảng vận bây giờ quan trong như Công vận, Phụ vận, Thanh vận, Lão vận, Trí vận...

    Trả lờiXóa