Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Đêm chong đèn nhớ Trịnh

* NGUYỄN QUANG LẬP
1. Nhớ Trịnh thì nhớ những gì? Nhớ “đường phượng bay mù không lối vào…”, nơi quán cóc rượu Kim Long, nem và tré. Con đường chiều chiều nàng vẫn đạp xe đi qua. Bốn giờ tới quán, sáu giờ ngà ngà say, cũng là lúc bóng hồng thấp thoáng. Nàng đẹp nhất khi say, đáng yêu nhất cũng khi say, tỉnh rồi đều “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, bỏ ta đi hay ta bỏ đi thì cũng thế.
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai? Nhiều lắm. Không chỉ Diễm, không chỉ là Dao Ánh. Những nàng như Hồng Nhung “quá gần gũi không biết phải gọi là ai!”… Những nàng như thiếu nữ trường Trưng Trắc Huế, trường Trưng Vương Hà Thành, “Lần đầu tiên đứng trước nhau, cả tôi và anh Sơn đều run. Tôi run vì quá trẻ và Sơn run vì anh quá… già!”…, là những ai? Làm sao biết được. Tất cả chỉ là tình ảo, tình mộng, đắm say nhưng là ảo, nồng nàn nhưng là mộng.
Tình hờn bờ sông Nhật Lệ, tình đau rừng thông Thiên Thai, tình ngọt gốc sấu Hà Thành, tình buồn cát trắng Hải Lăng, tình vớ vẩn đò sông Hương, tình very fun gầm Cầu Dài – Đồng Hới, tình vờ tuyết trắng Moskva, cả tình đắng ngắt trên máy bay to Sài Gòn một trưa nắng gắt… Những cuộc tình đủ vị nhưng chỉ là tình rỗng. Tình ảo và tình hát.
“Hát để mà yêu, yêu để mà hát. Thiệt không? – Thiệt! – Còn gì nữa không? – Hết rồi, rứa thôi. – Thiệt không? – Thiệt!”.
Không ai có nhiều hơn một mối tình. Trịnh Công Sơn cũng vậy, anh chỉ có một mối tình. Ấy là khi anh yêu để mà sống, không phải yêu để mà hát. Người tình của anh cũng không phải yêu anh để mà hát, chỉ vì “cảm thấy mình sống khi được hát Trịnh Công Sơn”. Đó là Khánh Ly. Tình ấy còn đến bây giờ và sẽ còn mãi muôn sau, bất chấp những xì xèo sau những chuyến du ca.
2. “Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung. Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng thì tình yêu không giữ được người mình yêu…”.
Anh nói câu này khi nào? Nói sau Sương đêm, sau Ướt mi… hay sau Tình xa, Tình sầu, Tình nhớ…? Tình Trịnh Công Sơn như một tiếng thở dài, nhạc tình anh cũng thế. Buồn thì hẳn rồi, đau hình như không, nào có ai bội bạc anh đâu để mà đau? Được yêu nhưng không yêu được. Đời anh không có chữ phúc, nhạc tình anh cũng thế, chỉ có đắng, đắng hoài và đắng ngắt. Dù là điệu Slow, Blues hay điệu Boston cũng chỉ thấy đắng, không thấy gì.
3. “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau.” Anh nói câu này khi nào? Sau Cát bụi, Một cõi đi về… hay sau Ru ta ngậm ngùi, Đêm thấy ta là thác đổ, Phúc âm buồn, Rừng xưa đã khép? Cũng có thể sau trận ốm thập tử nhất sinh tuổi 18, Sartre và Camus, Phật và Chúa đã ngấm vào anh, giúp anh sinh ra dòng nhạc thân phận không ai theo kịp cũng chưa thấy ai dám theo. Anh viết dòng nhạc này như Tagore làm thơ, như Rodin tạc tượng, như Faulkner viết văn… có phải thế chăng? Nhạc Trịnh đã ra thế giới và sẽ còn ra thế giới, không chỉ khúc Diễm xưa và Ngủ đi con. Cùng với Văn Cao và Phạm Duy, Trịnh Công Sơn đứng vào tốp ba đỉnh cao nhạc Việt thế kỉ 20. Rất có thể nhiều thế kỉ sau không thể có tốp ba nào được như tốp ba này. Có phải thế chăng?
4. “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…”. Anh nói câu này khi nào? Sau Ca dao Mẹ, Ngủ đi con… hay sau Gia tài của mẹ, Cho một người vừa nằm xuống, Đi tìm quê hương? Phật không dạy anh, Chúa cũng chẳng dạy anh, cả Sartre và Camus cũng ngoài cuộc trong dòng nhạc da vàng buốt đau và cuồng nộ. 
Không phải Trịnh Công Sơn đẻ ra dòng nhạc phản chiến, nhưng chỉ nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn mới làm cả hai chính quyền tham chiến đều sợ hãi và né tránh, vì chỉ có Trịnh Công Sơn mới dám Hát trên những xác người. Việt Nam Cộng hòa tẩy chay nhạc Trịnh, cũng chỉ tẩy chay dăm ba bài. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cấm cửa hết thảy nhạc Trịnh có đến cả chục năm, mãi đến hôm nay dòng nhạc Da vàng, dòng nhạc phản chiến của anh vẫn còn bị cấm cửa.
Đôi khi thấy anh một mình đứng tựa cửa 26 Lê Lợi ngóng ra sông Hương mặt buồn như khóc, lẻ loi đến tận cùng lẻ loi. Đôi khi thấy anh ngồi bệt trên tấm chiếu rách quán rượu nghèo chị Phước, uống và hát như điên, uống và cười như dại, cô độc đến tận cùng cô độc.
5. ”Cái chết chẳng qua cũng chỉ là một sự đùa cợt sau cùng của cuộc sống.” Anh nói câu này khi nào? Sau cuộc say quán rượu nhà chị Hiếu đêm hè năm 86? Hay sau khi anh mua tặng tôi cuốn Qui luật của muôn đời? Không biết nữa.
Anh vỗ nắp thùng gạo nhà chị Hiếu hát như cuồng đến kiệt sức “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không?…”. Anh hát một lần, hát thêm lần nữa, một lần nữa vẫn chưa thôi. Ngô Minh khóc, Hoàng Phủ Ngọc Tường khóc, Vĩnh Nguyên khóc, tôi cũng khóc. Chỉ mình anh vui, vui như là lần đùa cợt sau cùng của cuộc sống.
Lần ấy đùa cợt để mà đùa, mười lăm năm sau anh mới đành đùa cợt để mà đi. Tháng này đây, ngày nay đây năm 2001. Uống rượu say, về cơ quan ngủ một giấc đến hai giờ chiều, tỉnh dậy nghe ai đó đang gọi máy, nói Trịnh Công Sơn đi rồi, đi lúc 12h45. Hệt như ngày nhận được điện ở quê báo tin ba mất, tôi ngồi ngẩn ngơ, đầu óc rỗng không, chẳng nhớ gì, chẳng nghĩ gì.
Bỗng từ giá đỡ bàn làm việc cuốn Qui luật của muôn đời rơi xuống. Chợt nhớ một buổi chiều quán rượu chị Phước, anh ném cuốn sách đó cho tôi, nói Lập đã ốm lần nào chưa? Anh ốm rồi. Chả hiểu anh nói gì. Đến khi đọc sách mới hiểu. “Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời”, Nodar Dumbadze đã nói thế. Thốt nhiên ngồi nghĩ vẩn vơ. Ừ nhỉ, anh Sơn đã ốm một lần tuổi 18, nhờ đó đất nước đã có một dòng nhạc bất diệt có tên là nhạc Trịnh. Còn mình thì sao, đến bây giờ mình chưa ốm lần nào cho ra ốm.
Chẳng ngờ một tháng sau tôi rơi vào trận ốm mười lăm năm không dứt. Trận ốm tuổi năm mươi chẳng giúp tôi có thêm được gì, ngoài những khổ đau ngày mỗi ngày chồng chất.
Dù vậy chẳng khi nào dám ghen tị với anh, chỉ thương nhớ anh, luôn luôn thương nhớ anh, cả khi anh sống lẫn khi anh đùa cợt lần cuối để mà chết. Như đêm nay chẳng hạn, ngồi thương nhớ anh cho đến 4 giờ sáng. Chỉ biết thương nhớ thôi, chẳng biết làm gì.
N.Q.L (Sáng tác mới)/Văn Việt  
-------------- 

17 nhận xét:

  1. Trịnh Công Sơn là người khá khách quan. Việc ông nói: "20 nội chiến từng ngày!" do vậy là rất chính xác.
    Pháp là nước xâm lược VN kiểu truyền thống, còn TC xâm lược VN kiểu "đổi mới" - làm mà như không...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "20 băm nội chiến từng ngày!"
      40 năm tối tăm lạc hậu, ôi thân phận người Miền Nam.
      http://xuandienhannom.blogspot.ca/2015/04/nghiet-nga-phan-oi-ngay-lam-cong-nhan.html
      CÁM CẢNH ĐỜI CÔNG NHÂN 40 NĂM SAU "GIẢI PHÓNG"

      Xóa
  2. Mừng cho bác Quê choa ngồi viết 'sáng tác mới' này mà không bị công an nhảy vào "bắt quả tang" đang...ngồi gõ máy tính! He...he...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Choa Nè, VNCH đâu có tẩy chay nhạc Trịnh. Toi còn nhớ ngày còn cắp vỡ đến trường trung hoc, nhạc Trinh ở mọi nơi. Các quán cà phê rê rã toàn nhạc Trịnh và '' Những bài không tên'' của một tác giã khác mà bây giờ tôi già nên quên mất , ai nhắc dùm.

      Xóa
    2. Đó là Vũ Thành An,bác ạ !

      Xóa
    3. A Vũ Thành An...cám ơn bác. Nhạc Trinh và nhạc Vũ ....cả một bầu trời đầy hoài niệm!

      Xóa
  3. Tien thoai luong nan - Trinh Cong Son
    https://www.youtube.com/watch?v=G-0gHDV_LJE

    Trả lờiXóa
  4. Bài này Lập viết khi nào? Có thể không phải là trước ngày đi "an trí". Nghĩ đây là bài Lập viết sau ngày tạm ngừng "an trí". Thế hệ trước Trịnh Công Sơn đã có Văn Cao, Phạm Duy. Dòng nhạc CM cũng có nhiều nhạc sĩ sáng tác những bài hát, bản nhạc để đời, nhưng không là mãi mãi, vì nhạc của họ chỉ có một dòng, toàn nạc hoặc toàn mỡ. Còn Phạm Duy và Văn Cao, bản chất nhạc của các bác là dòng tình, nhưng sau khi tham gia CM thì cũng pha nạc và mỡ với nhau, nhưng cái sự pha này cũng không giống những nhạc sĩ "đỏ" 100%. Trịnh Công Sơn thuộc hế hệ sau. Đất nước chia cắt, nhưng tâm hồn nghệ sĩ thì không biên giới, vì thế mà sau cái ngày "một triệu người vui, một triệu người buồn" (Võ Văn Kiệt) thì Trịnh Công Sơn gặp đực bác Văn Cao, họ như có thần giao cách cảm chỉ bảo. Mình đồng ý với Lập là, Phạm Duy, Văn Cao và Trịnh Công sơn là một bộ ba, không thể thêm ai vào để thành bộ tứ được, đưa vào thì sẽ cập kênh ngay. Về tình tục thì bác Văn Cao chỉ có một, Tình ảo không thấy bác nhắc tới. Bác Phạm Duy thì không có tình ảo, mà toàn là tình thật, nó rất con người, nó đằm thắm, bay bổng, phiêu lưu không một chút đắng, một chút ảo nào. Còn anh Trịnh Công Sơn, tình của anh bồng bềnh, hư hư, ảo ảo, đau đau, đắng đắng. Tình của anh Sơn giống như con nhện nhả tơ dệt lưới bắt muỗi, nhưng nhả mãi, nhả mãi đến cạn kiệt mà mạng nhện không thành nên chẳng có cánh muỗi nào bị vướng vào sợi tơ. Âu cũng là thiên định.
    Có người nói Lập không vào tù mới lạ. Có người nói Lập vào tù oan. Mình thì nghĩ Lập tạm tù mấy tháng là phản ánh đúng, đủ thực trạng của tư duy chính trị của nhà lãnh đạo. Lập tạm tha tù cũng phản ánh đúng sân khấu chính trị nước nhà. Tư pháp nước nhà là công cụ của quyền lực chính trị lấy chủ thuyết làm kim chỉ nam cho hành động, thế nên nó không phải là pháp quan công lý. Cái sự châm biếm của Lập hàm chứa sự mỉa mai các "đấng bề trên". Quyền lực của chủ thuyết chính trị phải ra tay là đúng rồi, oan sao được mà oan. Nếu là tư pháp phục vụ công lý thì Lập bị oan. Nhưng nếu là tư pháp phục vụ chủ thuyết chính trị thì Lập không oan.
    Thế đấy. Những câu tục của Lập thì lại rất thật, rất vật chất. "răng chắc .....bền.." xét về mặt cơ thể học thì quá đúng đi chứ, sự suy diễn logic đó được chứng minh bằng cái ghế lắc kê màu vàng (không dám nói là nạm vàng nhá, vì chưa có chứng cớ)

    Trả lờiXóa
  5. Vì tội yêu vu vơ, yêu tình hơn yêu đảng, nên đảng phải cấm, nên đảng phải nhốt tù.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. dù chế độ Nô lệ, Phong kiến, Tư bản, Đế quốc hay chủ nghĩa nào đi nữa thì đi tù cũng khổ nên không ai muốn đi tù bạn nhỉ?Nhưng tù vì cái gì mới là điều đáng nói.
      Nếu như không đáng tù nhưng vì bọn lâu la của chế độ sợ bóng sợ gió mà bắt người ta tù thì lại đáng cười lắm lắm. Thì để tránh bị chê cười cần tung tin, bịa ra một tội vạ nào đó để bắt tội cũng mệt lắm thay cho người bắt tù vậy./.
      Nặc danh11:30 Ngày 12 tháng 04 năm 2015
      (Xin lỗi, đăng lộn bên dưới)

      Xóa
  6. Giờ nhìn những kẻ mang danh nghệ sĩ ngồi tinh tướng trên TV, mặc kệ nỗi đau của đất nước, tôi chỉ muốn đá đít tụi nó!
    Thằng HL giờ giống 1 tên tuyên truyền viên, ru ngủ dân chúng. Tởm thay cái bọn trốn qua Mỹ, rồi lại vì ba cái đồng tiền xôi thịt, lai lết về VN làm ba cái trò hề!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. dù chế độ Nô lệ, Phong kiến, Tư bản, Đế quốc hay chủ nghĩa nào đi nữa thì đi tù cũng khổ nên không ai muốn đi tù bạn nhỉ?Nhưng tù vì cái gì mới là điều đáng nói.
      Nếu như không đáng tù nhưng vì bọn lâu la của chế độ sợ bóng sợ gió mà bắt người ta tù thì lại đáng cười lắm lắm. Thì để tránh bị chê cười cần tung tin, bịa ra một tội vạ nào đó để bắt tội cũng mệt lắm thay cho người bắt tù vậy./.

      Xóa
  7. Trương Minh Tịnhlúc 04:07 13 tháng 4, 2015

    “Cảm thấy mình sống khi được hát Trịnh Công Sơn”. Đó là Khánh Ly. (Trích bài viết ở trên).
    Những điều khác thì tôi không biết,nhưng riêng với điều nầy thì không đúng.Tôi không dài dòng nói tôi quen Khánh Ly như thế nào, nhưng tôi xin khẵng định:
    1/-Khánh-Ly là một ca-sĩ chuyên nghiệp.Nhạc gì cũng hát hết.Đặc biệt chẵng thích gì nhạc Trịnh Công Sơn.Chỉ vì hợp chất giọng thì hát thôi.Nếu nói thích thì Khánh-Ly thích (con người và nhạc) Trầm Tử Thiêng hơn nhiều.
    2/-Khánh-Ly là một người có tư tưỡng,một tư tưỡng độc lập.Có khi còn hay hơn Trịnh Công Sơn.Chứ không phải "đi theo" Trịnh Công Sơn đâu.

    Trả lờiXóa
  8. Sinh ra ở Miền Bắc thì làm Bộ Đội , sinh ở Miền Nam làm lính QLVNCH . Cùng là người Việt , nhưng sinh ra ở hai miền đất khác nhau sẽ mang hai thân phận khác nhau .

    Ước gì , mình được sinh ra giữa dòng sông Bến Hải . Cũng là một nỗi niềm của Nhạc Trịnh , một nỗi niềm bị trách cứ , lên án & chê trách của cả hai bên .

    Nhưng khổ nỗi , chính nó đã làm dịu oán thù , làm cho người Việt nhìn thấy nỗi đau chung trong kiếp người nô lệ da vàng nhược tiểu . Bớt đi cái tự hào và mặc cảm trong thắng bại , để tiếp tục sống , để đối diện nhau trong xã hội còn đầy ô trọc này .

    Người hiểu thấu nhạc Trịnh , sẽ biết tha thứ cho mình & tha thứ cho người , những kẻ khốn cùng do cuộc chiến tương tàn cốt nhục bởi chủ nghĩa phi nhân ngoại bang !

    Trả lờiXóa
  9. Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay!.
    Ôi cái vòng tay lớn “tuyệt vời” của nhạc sĩ TCS.
    Những người Miền Nam thơ ngây tội nghiệp!. Đứng giang hai tay chờ đợi.
    Những người “chiến thắng” không dư thì giờ để nắm tay vô ích.
    Họ bận thu dọn chiến lợi phẩm. Họ bận tiêu diệt tàn dư Mỹ Ngụy.
    Họ bận cải tạo văn hóa tư tưởng lạc hậu miền Nam. Họ bận cải tạo công thương nghiệp miền Nam và thu dọn chiến lợi phẩm.
    Họ bận ... họ bận và họ bận....
    Những người Miền Nam thơ ngây tội nghiệp!. Xuôi tay đi vào bóng tối.

    Trả lờiXóa
  10. Cảm ơn trang Bác BỒNG đăng bài của nhà văn Nguyễn Quang Lâp người tài năng chỉ phụng sự cho dân cho nước . thế mà phải bị giam cầm trong nhà tù công sản Viêt Nam .cũng như nhiều người xuất xắc khác trong đất nước Việt Nam .

    Trả lờiXóa