* LÊ PHÚ KHẢI
(tiếp theo)IV- CÔNG CUỘC KHAI PHÁ VÙNG
LONG
XUYÊN
Lịch
sử chinh phục Đồng Tháp Mười (ĐTM) đã diễn ra đầy kịch tính.
Nhìn
vào bản đồ Đồng Tháp Mười thời Pháp thuộc, người ta thấy những con kênh đào mang
tên Pháp như kênh Lagrange, kênh Quatre Bis… đều được đào để tiêu phèn cho cánh
đồng trũng này ra sông Vàm Cỏ . Đó là một bài toán sai của người Pháp về Đồng
Tháp Mười. Vì càng hạ thấp mực nước trong đồng bao nhiêu, càng biến phèn không
độc hại thành phèn hoạt tính độc hại do bị ôxi hoá. Người Mỹ sau này, rồi cả
người Hà Lan – nước có diện tích đất phèn lớn nhất thế giới, cũng đã tổ chức
nghiên cứu khá công phu về Đồng Tháp Mười nhưng đều không đi đến kết luận. Sau
năm 1975 người Nhật, Liên Xô (cũ) đều có những ý kiến khác nhau. Đến lượt chúng
ta phải mất ba năm, bài toán bí mật của Đồng Tháp Mười mới được giải mã từ khi
chúng ta tìm ra chiếc chìa khoá vàng: “dẫn ngọt ém phèn”!
Từ
lâu nông dân Đồng Tháp Mười đã có kinh nghiệm làm lúa trên đất phèn, kinh
nghiệm đó được đúc kết thành câu tục ngữ:
“Cày
nông bừa sục
Giữ
nước liên tục
Thay
nước thường kỳ .”
Cơ
sở khoa học của phương pháp này chính là không đụng tới ổ phèn ở tầng đất sâu,
luôn giữ một lớp nước trên mặt ruộng để phèn tiềm tàng không xì lên, biến thành
phèn độc hại. Phương pháp đó gọi nôm na là cách “ém phèn”. Trên cơ sở đó của
nông dân Đồng Tháp Mười được tỉnh Long An đúc kết và kiến nghị, Trung ương đã
có một quyết định táo bạo vào năm 1982 là đào một kênh lớn từ Hồng Ngự, nối
sông Tiền với sông Vàm Cỏ Tây ở địa điểm Cả Môn dài trên 40 km dẫn nước ngọt từ
sông Tiền về cho nông dân Đồng Tháp Mười “lấy ngọt ém phèn”. Cùng với biện pháp
dẫn ngọt ém phèn, giống mới ngắn ngày được đưa xuống đồng ruộng để cơ cấu lại
mùa vụ nhằm né lũ hàng năm. Kể từ khi có nước ngọt từ kênh Hồng Ngự chảy về, Đồng
Tháp Mười đã bừng dậy. Nước ngọt bò đến đâu thì lúa hai vụ năng xuất cao, mía,
khóm, khoai mỡ, bạch đàn… lấn dần cỏ dại đồng hoang. Để biết ơn Nhà nước Trung
ương đã đầu tư làm kênh dẫn ngọt, nông dân Đồng Tháp Mười còn gọi kênh Hồng Ngự
bằng một cái tên thứ hai độc đáo là “Kênh Trung ương”. Từ đó đến nay, vùng đất
trũng hoang vu rộng trên 600.000 hecta xưa kia chỉ có cỏ dại, muỗi mòng, rắn
rết… mà người Pháp gọi là “Đồng cỏ lát” (Plaine de jons) đã thay đổi từng ngày.
Đã có 5 huyện mới là: Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hoá, Tân Hồng, Tân Phước và
hàng chục xã mới thuộc 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp có chung Đồng Tháp
Mười… được thành lập từ sau năm 1982. Đường sá, cầu cống, bệnh viện, trường
học, thị tứ… đã mọc lên trong Đồng Tháp Mười hoang vu. Tốc độ tăng trưởng sản
lượng lương thực của Đồng Tháp Mười rất nhanh. Năm 1987 là 1 triệu tấn với năng
xuất bình quân 33,5 tạ/ha. Năm 1990, toàn Đồng Tháp Mười nhảy vọt gần 2 triệu
tấn. Năm 1991 đến nay, mỗi năm Đồng Tháp Mười đều tăng trưởng sản lượng lương
thực vài trăm ngàn tấn…
Thời
gian đã đi qua, chúng ta sẽ rút ra những bài học đầy ý nghĩa: Người Pháp, người
Mỹ, người Hà Lan có thừa tri thức khoa học, nhưng họ chưa chinh phục được Đồng
Tháp Mười vì chưa có kinh nghiệm thực tế sản xuất ở nơi đây. Kết hợp kinh
nghiệm sản xuất lâu đời của nhân dân với tri thức khoa học và sự đầu tư của nhà
nước đã đem lại thắng lợi cho công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười. Các công trình
thuỷ lợi phải được kết hợp chặt chẽ với giao thông. Khi đào kênh Hồng Ngự, lúc
thì đưa đất đào lên sang trái, lúc thì đưa đất sang phải, nên đã không tranh
thủ được một nền đường, gây lãng phí lớn. Đồng thời trong công cuộc khẩn hoang
những vùng đất rộng lớn, giao thông phải đi trước để mở đường. Những con đường
rộng rãi, những cây cầu mới được xây dựng tiến sâu vào đồng hoang… đã tạo nên
sức hút từ phía trước với người đi khai hoang lập nghiệp. Riêng Long An, đến
năm 1988, đã làm mới 143 km đường xe hơi, 27 cầu thép, 6 cầu treo, 9 cầu bê
tông, trong đó có cầu Mộc Hoá dài 229m… trong vùng Đồng Tháp Mười. Trước kia
không làm đường, làm cầu… cấp tiền cho người đi khai hoang rồi người ta cũng bỏ
về. Nay làm cầu, làm đường trước, không biểu người ta cũng tự lực vô vùng khai
hoang. Rõ ràng, với công việc đưa dân đi vùng kinh tế mới khẩn hoang sức hút từ
phía trước hiệu quả hơn sức đẩy từ phía sau.
Nhận
thấy khai thác Đồng Tháp Mười có hiệu quả, Nhà nước đã đề ra chương trình 10
năm khai thác và phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng Tháp Mười (1987-1997). Sau
10 năm nỗ lực lớn của 3 tỉnh có chung Đồng Tháp Mười là Long An, Đồng Tháp và
Tiền Giang, cuối năm 1997, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tại Cao
Lãnh tỉnh Đồng Tháp, chính phủ đã mở hội nghị tổng kết 10 năm khai thác Đồng
Tháp Mười. Hội nghị đã đi đến kết luận: Thành công lớn nhất, nổi bật nhất của
quá trình khai thác Đồng Tháp Mười những năm qua là, chúng ta đã biến đổi hoàn
toàn một vùng có hệ sinh thái tự nhiên hoang dã, dân cư thưa thớt… thành một
vùng có hệ phát triển sinh thái nông nghiệp với năng suất cao, dân cư ngày một
đông đúc và đời sống ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, giao
thông, điện, y tế, giáo dục ngày một phát triển.
Sản
xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp Mười phát triển nhanh, đặc biệt là sản xuất lúa.
Có thể nêu những con số rất điển hình: Trong vòng 10 năm, diện tích gieo trồng
lúa tăng từ 312.580 ha vào năm 1987 lên 625.330 ha vào cuối năm 1996. Song song
với diện tích, sản lượng lúa tăng từ 1.116.900 tấn lên 2.760.000 tấn trong vòng
10 năm. Bình quân lương thực tính theo đầu người trong vùng năm 1996 là 1.747
kg/người, lớn hơn gần 6 lần mục tiêu lương thực tính theo đầu người của cả nước
vào năm 2000. Sản lượng lúa hàng hoá hàng năm của Đồng Tháp Mười đến năm 1997
là 1,5 triệu tấn đến 2 triệu tấn, chiếm 60% sản lượng lúa sản xuất trong vùng.
Song, cũng chính sự thay đổi lớn lao về hệ sinh thái trong vùng đã đặt ra những
vấn đề cấp bách cần phải quan tâm đúng mức.
Vấn
đề phải quan tâm hàng đầu là sự giảm sút diện tích rừng. Từ năm 1991 đến năm
1995 diện tích rừng tập trung ở Đồng Tháp Mười giảm hàng năm là 5.670 ha. Đến
năm 1996, diện tích đất rừng của Đồng Tháp Mười chỉ còn 43.100 ha. Trong đó
rừng tràm còn 40.390 ha chiếm 94%, rừng bạch đàn còn 2.410 ha, chiếm 6%. Tỉnh
Long An có diện tích tràm trong vùng Đồng Tháp Mười lớn nhất , năm 1987 còn
90.000 ha sau chỉ còn 29.000 ha. Nếu rừng Đồng Tháp Mười vẫn tiếp tục giảm tốc
độ như hiện nay thì trong vòng 5 – 6 năm sau, Đồng Tháp Mười sẽ hết rừng. Đó là
một hiểm hoạ lớn đối với Đồng Tháp Mười và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nói
đến Đồng Tháp Mười xưa kia là nói đến một vùng ngập trũng với những rừng tràm
mênh mông. Hệ canh tác rừng tràm ở Đồng Tháp Mười được hình thành từ lâu bổ
sung cho vùng canh tác vùng lúa nổi, lúa cao sản, vùng miệt vườn, vùng rừng
ngập mặn ven biển… Và lúc có hệ canh tác này đã đạt đến sự cân bằng lý tưởng về
mặt sinh thái cho đồng bằng sông Cửu Long. Ai cũng biết, sự khắc nghiệt của
Đồng Tháp Mười là do đất nhiễm phèn. Vào mùa khô, hơn nửa triệu ha đất phèn của
Đồng Tháp Mười trở thành những hoang mạc. Những mùa khô cằn của đất phèn, chỉ
có rừng tràm vẫn tràn trề sức sống. Tràm trở thành những ốc đảo xanh giữa hoang
mạc. Trong rừng tràm, lớp đất hữu cơ luôn ẩm ướt, nước ngầm luôn duy trì. Thực
sự rừng tràm là nguồn nước khổng lồ luôn “bơm nước” từ dưới sâu lên mặt đất và
khử độc cho nước phèn. Khi mùa mưa tới, lũ ngập rừng, nước giàu hữu cơ, khoáng,
mùn… trong rừng tràm là nơi sinh sống rất tốt của cá, tôm, rùa, rắn, trăn, chim
chóc. Nếu tiếp tục duy trì thì bầy khỉ, chồn, heo rừng v.v… sẽ lại xuất hiện
trong rừng tràm như xưa…
Nếu
xem rừng tràm như là “ đất hoang”, là đối tượng để trở thành… ruộng lúa như
chúng ta đã đối xử với rừng tràm là nguy cơ lớn. Sự giảm sút diện tích rừng
tràm ở Đồng Tháp Mười đã và đang làm môi trường sinh thái mất cân bằng, nhiều
động vật quí hiếm sẽ bị tiêu diệt, sự tàn phá của lũ lụt sẽ lớn hơn, đất đai sẽ
bị chua phèn nhiều hơn, dẫn tới nhiều diện tích đất đai bị bỏ và hoá hoang hoá
trở lại.
Những
năm qua, các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang có chung vùng Đồng Tháp Mười
đều đẩy mạnh chương trình giao khoán đất rừng cho người lao động, công nhận
quyền sở hữu đất đai, nhưng do chưa tiến hành quy hoạch tổng thể và chưa dành
đất để trồng lại rừng nên nhiều diện tích rừng vẫn đang bị chuyển sang làm đất
canh tác lúa, nhiều rừng đến độ sử dụng và đang bị khai thác sau đó không được
trồng lại! Tốc độ trồng rừng ở Đồng Tháp Mười hiện chưa bù đắp được diện tích
đất có rừng bị mất. Ở phương diện khác, số cây trồng phân tán bình quân hàng
năm cũng chưa cao. Năm 1993 khoảng 3,26 cây/người, tăng 0,66 cây/người so với năm
1990. Việc trồng cây phân tán bờ kinh, bờ vùng kinh mương thuỷ lợi, trục giao
thông và dọc biên giới chưa được quan tâm đúng mức. Mô hình kinh doanh tổng hợp
lúa – cá – tràm… có khả năng sinh lời lớn vẫn chưa có kế hoạch phát triển. Các
chương trình trồng rừng theo chỉ thị 327/CT và 773/TTg ở Đồng Tháp Mười đạt
hiệu quả thấp.
Tất
cả những tồn tại nói trên cần phải được mau chóng khắc phục ngay để giữ cho “lá
phổi” của Đồng Tháp Mười trở lại xanh tươi, vì một tương lai lành lặn, phồn
vinh của Đồng Tháp Mười.
Những
kết luận của hội nghị tổng kết 10 năm phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng Tháp
Mười do Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trì là phương hướng đúng đắn để các tỉnh có
chung vùng Đồng Tháp Mười vừa khai thác, vừa tập giữ gìn sinh thái rừng cho
Đồng Tháp Mười. Đến nay, tuy chưa thực khả quan, chưa đúng với mong đợi các
tỉnh trong vùng đã giữ lại được một số diện tích rừng để bảo vệ cho Đồng Tháp
Mười. Tỉnh Đồng Tháp đã quy hoạch khu ngập nước hoang hóa 7.000 hecta, và trở
thành “Vườn quốc gia Tràm Chim” nổi tiếng tại huyện Tam Nông. Loài sếu đầu đỏ
quý hiếm đã được nhử về đây. Hàng năm, từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch sếu
đầu đỏ về Tam Nông kiếm ăn. Năm 2007 cán bộ Vườn quốc gia Tràm Chim đã đếm được
225 con… Theo các nhà khoa học thì loài sếu đầu đỏ đã xuất hiện trên trái đất
tròn 60 triệu năm, cùng thời với loài bò sát khổng lồ khủng long. Nó được phân
bổ mọi châu lục. Sếu Canada
là loài chim hiện tại cổ nhất trong các loài chim và nó không thay đổi gì trong
vòng 9 triệu năm. Rất nhiều chim trên thế giới có chân dài, cổ dài, mỏ dài như
diệc, cò, giang sen nhưng không phải là sếu. Cái khác nhau là cò lớn, diệc và
cò trắng có ngón chân sau dài và dùng nó để đỗ trên cây. Chúng làm tổ trên cây,
có khi trên nóc nhà! Còn sếu đầu đỏ và các loài sếu khác có ngón chân út ngắn
và cao hơn những ngón khác, vì thế chúng không thể đỗ trên cây. Tổ của chúng
luôn ở trên mặt đất và làm tổ đơn độc. Sếu con nở ra sau vài giờ là có thể đi
kiếm ăn một mình. Sếu có một tình yêu rất chung thuỷ chúng “kết hôn” cả đời.
Nếu chẳng may một trong 2 con chết, con kia mới… đi bước nữa! Khi mùa xuân đến,
chúng nhảy múa để ghép đôi. Điệu múa này được diễn ra ở tất cả các đôi. Khi bay
cổ và chân sếu duỗi thẳng, người ta dễ nhận ra một đàn sếu bay. Nó còn được
nhận biết vì tiếng kêu to và vang xa hàng 2-3 cây số. Tiếng kêu độc đáo này do
khí quản đặc biệt dài tạo nên hiện tượng cộng hưởng âm thanh, giống như những
ống xoắn của kèn trumpet. Hầu hết sếu di cư trên một đoạn đường dài giữa hai
nơi sinh sống mùa đông và mùa hè, chủ yếu là để kiếm ăn và nước. Sếu ăn tạp, cả
động vật và thực vật. Nhờ chân cao và mỏ dài, sếu lội nước và qua những đám cỏ
rậm rạp để kiếm ăn. Vì là loài chim lớn nên chúng cần những vùng ngập nước lớn,
an toàn để nuôi con. Điều đó cũng làm cho chúng khó tồn tại.
Ở
Đồng Tháp Mười xứ ta như Tràm Chim (Tam Nông), sếu kiếm ăn từ ếch nhái, côn
trùng, củ năng mọc trên bãi đá cạn, sau đó tìm đến các đầm nước để uống và tắm.
Vì thế, nhất thiết phải có những khu ngập nước rộng lớn mới có thể nhử sếu về
được! Ở Tràm Chim hiện nay, khu ngập nước hoang hoá được quy hoạch là hơn 7.000
hecta! Người có công gầy dựng Vườn Quốc gia Tràm Chim này là bác Mười Nhẹ
(Nguyễn Xuân Trường). Lớn lên ở vùng Đồng Tháp, tuổi nhỏ bác Mười đã say mê
những đàn sếu, giang sen, già đẫy, bồ nông, cồng cộc… của Tháp Mười hoang sơ.
Chính bác Mười đã từng bắt được sếu non đưa về nhà nuôi. Trong 2 cuộc chiến
tranh ác liệt, lăn lộn tại Đồng Tháp, bác Mười đã nghĩ đến ngày đất nước độc
lập sẽ khôi phục lại tràm chim để dụ sếu về quê hương! Đến khi trở thành người lãnh
đạo của tỉnh, bác Mười đã thực hiện ngay ý đồ đó. Đến năm 1989, Vườn Quốc gia
Tràm Chim ra đời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhờ công đầu của bác
Mười. Vì thế bà con Đồng Tháp gọi bác là “Ông Mười sếu”.
Hiện
nay hàng năm có 5-6 ngàn du khách đến tham quan Tràm Chim, trong đó 30% là du
khách quốc tế. Chủ yếu là các nhà khoa học môi trường và sinh viên làm luận văn
tốt nghiệp đến để nghiên cứu tìm hiểu và … thích thú!
Vườn
Quốc gia Tràm Chim Đồng Tháp, cũng như Vườn Quốc gia U Minh Hạ, U Minh Thượng…
với những vườn tràm đặc chủng, những đàn dơi quạ quý hiếm… còn đến hôm nay là
niềm tự hào của Đồng bằng sông Cửu Long. Chính tại Tràm Chim này đã sinh ra một
nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên chụp sếu đầu đỏ là Bác sĩ Đoàn Hồng ở Đồng Tháp. Có
nhà khoa học đã từng tuyên bố: Một đất nước không có những vùng hoang thì không
ra đất nước!
Tỉnh
Tiền Giang, tỉnh có diện tích ít nhất trong vùng Đồng Tháp Mười (90.000 hecta),
đã thành lập một huyện mới trong vùng khai hoang là huyện Tân Phước năm 1994.
Tuy nhiên bên cạnh cây trồng chủ lực là lúa, khóm, mía, khoai mỡ… các xã như Mỹ
Phước, Thạnh Hoà, Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Tân Hoà Đông… vẫn duy trì và trồng mới
rừng tràm “truyền thống” của vùng Đồng Tháp Mười. Đến nay diện tích rừng tràm
toàn huyện đã là gần 8.000 hecta. Xã Thạnh Tân đến năm 2004 có 1239 hecta rừng
tràm trong tổng số 3.319 hecta đất tự nhiên toàn xã. Riêng năm 2002 đã trồng
được 1.075 hecta rừng.
Long
An là tỉnh có diện tích lớn nhất trong vùng Đồng Tháp Mười. Trong hơn 30 năm
khai phá Đồng Tháp Mười, Long An đã khai hoang phục hoá 186.000 hecta, đưa vào
sản xuất lúa 100.000 hecta, còn lại là trồng tràm. Vùng Đồng Tháp Mười đã trở
thành vựa lúa của tỉnh. Long An cũng khoanh vùng bảo tồn sinh thái tự nhiên của
Đồng Tháp Mười ờ Láng Sen (Tân Hương) với 2.000 hecta. Nơi đây đã trở thành
vùng du lịch hấp dẫn của Long An. Ngoài ra tỉnh cũng khoanh vùng bảo tồn dược
liệu đa dạng quý hiếm của Đồng Tháp Mười tại Mộc Hoá với diện tích 2.000 hecta.
Điều đặc biệt đáng nói là, với việc khẩn hoang thành công, đã giúp tỉnh Long An
phân bổ lại dân cư trong tỉnh. Các huyện phía đông nam của tỉnh rất đông dân
như Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ đã kéo nhau lên Đồng Tháp Mười lập nghiệp.
Cách làm của Long An rất sáng tạo là mở đường, trợ cấp ban đầu cho những người
khoẻ mạnh lên khai phá đất hoang đi trước, sau khi có ăn sống được trên vùng
đất mới khai hoang mới kéo cả gia đình lên lập nghiệp lâu dài.
Trong
hơn 30 năm “tiến quân” vào Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An đã đưa được 38.274 hộ
dân với 51.961 lao động, 89.000 nhân khẩu từ các nơi khác đến Đồng Tháp Mười
định cư. Trong đó có 36.000 lao động nội tỉnh với 63.000 nhân khẩu từ các huyện
đông dân lên Đồng Tháp Mười.
Một
buổi chiều yên ả cuối năm 2013 tại thành phố Tân An, thủ phủ của tỉnh, Bí thư
Tỉnh uỷ Mai Văn Chính, người đã có nhiều năm làm Bí thư huyện Thủ Thừa, một
huyện có nhiều đất hoang “khó mần ăn” nhất của vùng Đồng Tháp Mười đã tâm sự
với người viết cuốn sách nhỏ này: Cảm động lắm anh ạ, đồng bằng các tỉnh phía
Bắc đông dân ít ruộng như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Hưng… với 8900 hộ, 15.000
lao động, 22.000 nhân khẩu đã vào vùng Đồng Tháp Mười của Long An lập nghiệp!
Đồng chí Tý, Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh vừa qua có vào thăm đồng hương Bắc Ninh
đang làm ăn sinh sống trong vùng Đồng Tháp Mười của Long An, thấy dân của mình
đã có của ăn của để, anh Tý mừng lắm, chúng tôi càng mừng hơn … Hiện nay Long
An chúng tôi có dân 17 tỉnh trong cả nước đến làm ăn trong Đồng Tháp Mười, cả
dân ngay ở Nam Bộ như Tiền Giang, Cà Mau cũng có.
Hiện
nay kết cấu hạ tầng giao thông, nước sạch, cầu cống, chợ búa, trường học, bệnh
viện, trạm xá… trong ở các huyện mới thành lập trong Đồng Tháp Mười của Long An
khá hoàn hảo.
Người
viết cuốn sách nhỏ này đã từng vào ra vùng Đồng Tháp Mười của Long An hàng trăm
lần từ khi mới “tiến quân” vào vùng hoang, đường đất đỏ, ổ gà, ổ trâu bụi mù,
khi đi từ Vĩnh Hưng về Tân An xuống xe thì lông mày, lông mi, đầu tóc đều đỏ
loè bụi đất, y như người mới nhuộm tóc… Nay quốc lộ 62 trải nhựa rộng thênh
thang, các con đường quê, con gái chạy honda xé gió Đồng Tháp Mười là hình ảnh
đã quen thuộc, mớ cá bắt được trong Đồng Tháp Mười ban đêm, sáng mai có thể đem
lên Chợ Lớn Thành phố Hồ Chí Minh bán là “chuyện thường ngày ở huyện”! Khai
thác Đồng Tháp Mười, Long An còn làm tốt công tác bảo vệ biên giới phía Tây Nam
của đất nước do bố trí được vành đai dân cư đến ở dọc tuyến biên giới xung yếu
này.
Sau
vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên là vùng đất hoang rộng lớn được khai
thác có hiệu quả, góp phần làm nên một thị trường lúa gạo nhộn nhịp ở Đồng bằng
sông Cửu Long.
Tứ
giác Long Xuyên (TGLX) bao gồm phần đất trũng, nhiễm phèn nặng từ bờ Tây sông
Hậu đổ ra biển Kiên Giang, từ lộ Cái Sắn ngược lên biên giới Campuchia mà đỉnh
của Tứ Giác là 4 thị xã sầm uất của miền Tây: Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên,
Châu Đốc rộng trên 500.000 ha, chủ yếu thuộc phần đất của hai tỉnh An Giang và
Kiên Giang.
Đặc
điểm nổi bật nhất của vùng đất này là ngập lũ sâu từ 1 mét đến 2 mét hàng năm.
Vì thế, trước năm 1975, đất hoang ở Tứ giác Long Xuyên còn rộng lớn.
Công
cuộc khẩn hoang Tứ giác Long Xuyên trong vòng 20 năm diễn ra đầy mâu thuẫn,
thăng trầm không kém vùng Đồng Tháp Mười, thậm chí có lúc đã trở thành chuyện
“cười ra nước mắt” như xuất hiện khái niệm vùng“kinh tế mới – cũ” ở An Giang!
Theo
những người am hiểu thì khái niệm vùng “kinh tế mới – cũ” tuy khó hiểu mà lại
đầy đủ ý nghĩa nhất. Vì rằng, trong vòng 12 năm đầu, từ năm 1975 đến năm 1987,
mọi cố gắng của hai tỉnh An Giang và Kiên Giang trong việc khẩn hoang Tứ giác
Long Xuyên đều kém hiệu quả nếu không muốn nói là thất bại. Điển hình là hơn
20.000 ha đất lúa mùa nổi của An Giang trong Tứ giác Long Xuyên do cắt chế độ
xâm canh mà bị bỏ hoang hoá trong nhiều năm. Kể từ năm 1988, sau 1 năm chuẩn bị
kỹ về tổ chức và biện pháp, An Giang đã tiến công chinh phục lần thứ hai Tứ
giác Long Xuyên và thắng lợi từ đó. Lần thứ hai trở lại xây dựng vùng kinh tế
mới trên vùng đất đã từng được gọi là “vùng kinh tế mới” trước đó nhưng không
có hiệu quả, nên mới có tên là: Vùng kinh tế mới – cũ!
Đến
năm 1987, tức sau 12 năm khai phá Tứ giác Long Xuyên, phần đất thuộc An Giang
diện tích lúa tăng vụ mới chỉ đạt 45.000 ha, lúa mùa 1 vụ còn tới 83.600 ha,
sản lượng lương thực trong vùng chỉ mới đạt 444.000 tấn. Nhưng chỉ sau 5 năm từ
1988 đến 1992 nhờ có chính sách đổi mới và các biện pháp khoa học kỹ thuật đúng,
cụ thể và hiệu lực, diện tích lúa tăng vụ trong vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc
An Giang đã được nâng lên 105.900 ha, tăng 60.000 ha, sản lượng lương thực đạt
1 triệu 120.000 tấn, tăng 675.000 tấn. Và sau hai năm củng cố, mở rộng vùng
khai hoang mới, đến năm 1994 vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc An Giang chỉ còn
10.000 ha đất hoang. Sản lượng lương thực của An Giang đã qua ngưỡng cửa 2
triệu tấn/ năm, dẫn đầu cả nước về sản xuất lúa, trong đó phần chủ yếu là do
vùng đất hoang Tứ giác Long Xuyên đóng góp!
Về
phía tỉnh Kiên Giang, phần đất của Tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh còn khó khăn
hơn nhiều vì xa nguồn nước ngọt sông Hậu, được xem là hành lang thoát nước của
tứ giác về mùa lũ, nhưng sa mạc hoá về mùa khô. Sau nhiều năm khai phá, đất
hoang còn lại là 18.000 ha so với hơn 50.000 ha hồi trước 1975. Chỉ riêng năm
1994, tỉnh đã di được 1.342 hộ với 3.087 lao động đến định cư tại vùng kinh tế
mới trong Tứ giác Long Xuyên, đạt 103,25% kế hoạch Trung ương giao. Đặc biệt
vùng kinh tế mới Cô Tô đã có 217 hộ dân tộc Khmer khai hoang được 6.292 ha đất,
đưa vào trồng lúa được 4.543 ha. Năm 1995 là năm chứng kiến Kiên Giang hoàn
thành việc chinh phục đất hoang, khép kín sản xuất trong vùng trũng Tứ giác
Long Xuyên.
Hai
mươi năm khai phá Tứ giác Long Xuyên, Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh An Giang và
Kiên Giang có chung vùng đất hoang rộng lớn ở phía Tây Nam tận cùng của đất nước đã đúc
kết được những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu trong chỉ đạo và sản xuất
nông nghiệp.
Trước
hết, là bài học về công tác thuỷ lợi nội đồng. Với vùng đất hoang rộng lớn,
ngập sâu về mùa lũ, khô hạn về mùa nắng, xa nguồn nước ngọt lại nhiễm mặn ven
biển như Tứ giác Long Xuyên, ngoài những công trình thuỷ lợi đầu mối do Nhà
nước đứng ra làm, công tác thuỷ lợi nội đồng đóng một vai trò quyết định. Chỉ
trong vòng một tháng rưỡi trước vụ hè – thu năm 1989, nông dân xã Vọng Thê
huyện Thoại Sơn, An Giang đã đào tới 39 tuyến kinh nội đồng dài trên 45km và
góp tiền thuê 200 máy cày để san ủi mặt bằng kịp chuyển vụ – nhiều nông dân
đồng bào dân tộc Khmer ở Vọng Thê nhờ chuyển từ 1 vụ lúa lên 2 vụ lúa/1 năm
bằng biện pháp thuỷ lợi nội đồng mà thoát được cảnh đói nghèo truyền kiếp từ
bao đời.
Thứ
hai, An Giang có chính sách thu hút các hộ nông dân có vốn để đầu tư làm thuỷ
lợi, xổ phèn, cải tạo đất… khi tấn công chinh phục những vùng đất hoang hoá
rộng lớn trong Tứ giác Long Xuyên. Đây là một sáng tạo lớn của Đảng bộ An
Giang. Vì rằng, theo các đồng chí lãnh đạo An Giang: - Nếu lực yếu thì phải dồn
sức, và chỉ nên dồn sức vào nơi nào để lấy đà tăng thêm sức, không dồn sức vào
nơi làm ta kiệt sức… 300 tỷ đồng được thu hút từ các hộ nông dân có vốn đã làm
nên một bước ngoặt “một quả đấm mạnh” khiến An Giang thắng lợi giòn giã trong
giai đoạn 2, từ năm 1988 đến năm 1992 của quá trình khai hoang, chuyển vụ trong
vùng Tứ giác Long Xuyên. Nhưng từ năm 1993 trở về sau công cuộc khai hoang đã
mang những đặc điểm mới. Đất hoang còn lại trong Tứ giác Long Xuyên là thuộc về
những nông dân nghèo, không có đất và không có vốn. Vì vậy, chính sách của An
Giang lúc này là hỗ trợ những nông dân nghèo đến lập nghiệp ở vùng kinh tế mới
lại là hoàn toàn đúng đắn.
Ba
là, sự đa dạng của điều kiện tự nhiên ở Tứ giác Long Xuyên, có đồng bằng, có
vùng đồi núi, đồng cỏ… đã được hai tỉnh An Giang và Kiên Giang nhận thức đầy đủ
để khai thác toàn diện điều kiện đất đai khí hậu nơi đây; đồng thời những khó
khăn mang đặc điểm vùng đất trũng, lũ lụt hằng năm cũng được từng bước rút kinh
nghiệm, đề ra chiến lược khắc phục. Huyện Hòn Đất, một huyện rộng lớn của Kiên
Giang nằm trong hành lang thoát nước của Tứ giác Long Xuyên đã đưa ra nhận
định: Dù lũ lớn cách mấy, thì lũ lụt cũng chỉ có mùa. Và “dân Hòn Đất chỉ còn
một cách là tính toán làm sao để sống được trên nước”!
Huyện
Hòn Đất cũng như toàn vùng Tứ giác Long Xuyên đã tồn tại và phát triển được
trong vùng đất khắc nghiệt này suốt những năm qua. Mùa xuân thứ 20 của công
cuộc khai hoang Tứ giác Long Xuyên không chỉ có lúa mà còn có cả bắp lai, đậu
nành, nấm rơm, chuối cấy mô, lúa, thơm, nghề nuôi trồng thuỷ đặc sản… Công việc
chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã bắt đầu một thời kỳ mới đầy triển vọng
ở vùng đất được mệnh danh “nghèo muôn thuở” là Tứ giác Long Xuyên sau 20 năm
khai phá đất hoang.
Tháng
11 năm 2012, tại Thành phố Long Xuyên sầm uất, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ
thuật tỉnh An Giang, Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ đã tổ chức hội thảo: “20
năm khai thác, phát triển kinh tế xã hội vùng Tứ giác Long Xuyên” và có kỷ yếu
hội thảo khoa học này. Ngoài những người dự hội thảo là đại diện của ba đơn vị
chủ trì trên. Ban tổ chức còn mời những nhà khoa học trong cả nước đã có đóng
góp với chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên. Người viết cuốn sách này
cũng được mời Hội thảo với tư cách là nhà báo đã từng viết nhiều về vùng Tứ
giác Long Xuyên trước đây. Trong báo cáo các chuyên đề tổng kết của hội thảo đã
có phần kiến nghị 12 điều của vùng Tứ giác Long Xuyên với nhà nước Trung ương.
Trên
cơ sở thực trạng và định hướng phát triển vùng Tứ giác Long Xuyên, để tạo điều
kiện cho vùng Tứ giác Long Xuyên phát triển theo định hướng, đề nghị Trung ương
những vấn đề chủ yếu sau đây:
1/
Vùng Tứ giác Long Xuyên trước đây và tương lai là vùng lúa trọng điểm lương
thực của Đồng bằng sông Cửu Long (cũng như cả nước) và đóng góp quan trọng vào
việc đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, đề nghị Trung ương ưu tiên đầu tư
xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế, văn hoá và xã hội cho vùng Đồng bằng
sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và
vùng Tứ giác Long Xuyên nói riêng như các qui hoạch tổng thể kinh tế xã hội
vùng Đồng bằng sông Cửu Long và qui hoạch các tỉnh đến 2020; cũng như đề án
thành lập vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Đề nghị Trung ương
cần có các nghị quyết chuyên về Đồng bằng sông Cửu Long như trước đây, hoặc các
Nghị quyết về vùng trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
2/
Nghiên cứu các phương án đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với
vùng Tứ giác Long Xuyên/ Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là phương án kiểm soát
lũ lụt hiệu quả, phương án ngăn xâm nhập mặn, phương án giữ nước ngọt trong mùa
khô.
3/
Nghiên cứu và đầu tư các giải pháp và công trình phòng chống sạt lở bờ sông và
ven biển cũng như bảo vệ thành phố Long Xuyên…
4/
Nghiên cứu cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu luân canh, đa canh nhằm thích
nghi với biến đổi khí hậu và nước biển dâng ảnh hưởng đến vùng nhằm “sống chung
với lũ cao”, “sống chung với mặn” và thậm chí trường hợp thiếu nước ngọt nghiêm
trọng là “thích nghi với hạn”.
5/
Sửa đổi, bổ sung Luật đất đai như nghiên cứu vấn đề sở hữu đất đai, việc mở
rộng thời gian giao đất, bỏ hạn điền hoặc mở rộng hạn điền, mở rộng diện tích
được phép chuyển nhượng, thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất và chuyển dịch cơ
cấu lao động…
6/
Có cơ chế tăng vốn hỗ trợ đầu tư hằng năm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn
để xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí qui định.
7/
Có cơ chế chính sách đặc thù đối với vùng trồng lúa trọng điểm, người trồng lúa
nhằm bảo đảm an ninh quốc gia; đồng thời bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững
và quyền lợi của các địa phương trồng lúa và người trồng lúa.
8/
Các Bộ ngành Trung ương (như Bộ NN & PTNT) cụ thể hoá chi tiết bằng các
chính sách nhằm giúp địa phương thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, nhà nước
như: có chính sách khuyến khích nông dân giữ đất lúa, đảm bảo người sản xuất có
lãi trên 30%, chính sách khuyến khích địa phương giữ đất lúa, chính sách khuyến
khích nông nghiệp tiêu thụ lúa, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu
hoạch đối với nông-thuỷ sản, vấn đề dự trữ lúa…
9/
Đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu điều chỉnh các chỉ tiêu xây dựng nông thôn
mới theo hướng gọn nhẹ, thực tế, khả thi, phù hợp giữa lí luận và thực tiễn.
Hiện nay, có 19-20 tiêu chí với 57-59 tiêu chí cụ thể, chi tiết. Có các tiêu
chí cần nghiên cứu thêm có phù hợp thực tế không và tránh lãng phí (như mỗi xã
phải có chợ đạt tiêu chuẩn loại III, nghĩa trang, khu xử lí rác thải…). Quá
trình thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới không nên cầu toàn, nóng
vội sẽ dễ đi đến bệnh hình thức chạy theo thành tích, chỉ tiêu dẫn đến kết quả
không bền vững, lãng phí. Cần quan tâm đến việc phát huy hiệu quả các công
trình đã có ở địa phương.
10/
Đầu tư cho trường Đại học An Giang, các trường đại học trong vùng và cơ sở đào
tạo nghề khác để tăng cường năng lực đào tạo nguồn nhân lực cho vùng.
11/
Ưu tiên tăng cường cho các chương trình mục tiêu về văn hoá xã hội, các chương
trình liên quan đến đồng bào các dân tộc, nhất là chương trình giảm nghèo, các
chương trình liên quan đến giáo dục đào tạo và y tế.
12/
Đầu tư các dự án bảo vệ môi trường sinh thái (như Đầm Đông Hồ – Kiên Giang,
rừng Trà Sư – An Giang).
40
năm nhìn lại, có thể nói, một trong những thành tựu đáng kể nhất của vùng Đồng
bằng sông Cửu Long là đã khai thác thành công hai vùng đất hoang rộng lớn gần 1
triệu hecta ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Từ một vùng cỏ dại hoang vu
“Muỗi kêu như sáo thổi – Đỉa lội như bánh canh” ở Đồng Tháp Mười, từ một vùng
được mệnh danh là “nghèo muôn thuở” như Tứ giác Long Xuyên...
(còn tiếp)
--------------
Có ông Nhật Bản nói: "Chúng tôi mà có điều kiện tài nguyên như VN, còn giàu mạnh gấp 3 hiện nay. Có khi hơn cả Mỹ!"
Trả lờiXóa