* LÊ PHÚ KHẢI
(tiếp theo)
V-
QUYẾT ĐỊNH 99TTG CỦA THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ - MỘT 'CỘT MỐC'
QUAN TRỌNG VỚI ĐỒNG BẰNG SÔNG
CỬU LONG
Một trong những mâu thuẫn lớn nhất ở vùng Đồng bằng
sông Cửu Long là, với một vùng kinh tế chiến lược của cả nước, có tiềm năng to
lớn và toàn diện về nông sản, hàng hoá nhất về lương thực thực phẩm, nhưng
trình độ phát triển lại có nhiều mặt thua kém các vùng khác trong cả nước.
Trên bước đường công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất
nước, việc hiện đại hoá và xây dựng nông thôn văn minh ở Đồng bằng sông Cửu
Long chẳng những có liên quan đến đời sống của gần 20 triệu nhân dân trong vùng
mà còn có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của cả đất nước. Đặc biệt là
đối với vấn đề sản xuất lương thực để bảo đảm lương thực an toàn quốc gia trong
bất kì tình huống nào và có dư để xuất khẩu, để đất nước yên tâm đi vào công
nghiệp hoá hiện đại hoá.
Nhận thức rõ vị trí đó của Đồng bằng sông Cửu Long, theo
đề nghị của Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông
vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính…, Thủ tướng Chính phủ đã ra
Quyết định 99TTg ngày 9-2-1996 “Về định hướng dài hạn và kế hoạch 5
năm1996-2000 đối với việc phát triển thuỷ lợi, giao thông và xây dựng nông thôn
vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Với
quyết định này, Nhà nước đầu tư vốn ngân sách cho sự nghiệp phát triển thuỷ
lợi, dân cư và giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1996 đến năm 2000 là
7.100 tỷ đồng, nhân dân sẽ tham gia đóng góp 8.400 tỷ đồng. Như vậy vốn tổng
hợp là 15.500 tỷ đồng. Trong ngày khai mạc Hôi nghị triển khai Quyết định 99TTg
tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “Đồng bằng sông Cửu
Long đi lên bằng cái gì, công nghiệp hoá bằng cái gì, thoát khỏi cái nghèo bằng
cái gì, nếu không phải là cơ sở hạ tầng là cái rất cơ bản để giải quyết hàng
loạt các vấn đề khác. Hạ tầng đó là thuỷ lợi gắn với giao thông và gắn với đời
sống… Để làm được điều đó trong tình hình hiện nay, với thời gian như thế là
một yêu cầu cao và rất gay gắt. Nhưng đó là sự lựa chọn không cách nào khác. Vì
thế chúng ta phải tập trung, phải dành dụm, phải huy động một cách cao nhất tài
lực và vật lực… Nhưng nếu chúng ta không chọn lựa phương án hết sức khó khăn
này thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tụt hậu xa, chẳng những nguy cơ với đồng bào
vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn nguy cơ đến nhịp độ phát triển của đất
nước”.
Trong ba ngày hội nghị có một nhất trí cao là: Quyết
định 99TTg của Thủ tướng Chính phủ ra đời rất đúng lúc. Nó thỏa mãn sự khát
khao chờ đợi của Đảng bộ và nhân dân các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu
Long từ nhiều năm nay.
Mục
tiêu của kế hoạch triển khai Quyết định 99TTg ở Đồng bằng sông Cửu Long thực sự
to lớn. Trong 5 năm tới phải tăng thêm ít nhất 2 triệu tấn thóc, đạt sản lượng
15,5 đến 16 triệu tấn/ năm. Để đạt được mục tiêu đó, thuỷ lợi phải tạo điều
kiện để khai hoang, tăng vụ thêm 500.000 ha gieo trồng lúa, đưa diện tích gieo
trồng lúa đạt 3,6 triệu hecta đồng thời nâng cấp, đảm bảo điều kiện thâm canh
tăng vụ trên diện tích đã gieo trồng 2 vụ, phát triển bền vững cây ăn trái và
hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày.
Cùng với phát triển sản xuất, trong 5 năm phải tập
trung giải quyết các yêu cầu cụ thể, tối thiểu về đời sống vật chất, văn hoá,
ổn định đời sống cho khoảng 4 triệu nông dân vùng ngập lũ; đảm bảo những sinh
hoạt chủ yếu nhất của nhân dân không bị gián đoạn trong mùa lũ như sàn nhà ở,
trường học, bệnh viện… hạn chế thấp nhất thiệt hại về người khi có lũ. Ở những
vùng không bị ảnh hưởng của lũ phải nhanh chóng khắc phục những mặt yếu kém của
Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu: Mọi gia đình đều có nhà kiên cố, trẻ em
đến tuổi đều được đi học, xóa lớp học ba ca, mọi người dân đều được dùng nước
sạch, có đường ô tô đến tận xã, ấp, bê-tông hóa hầu hết các cầu ở nông thôn…
Nói tóm lại 5 năm phải xoay chuyển hẳn cục diện nông thôn toàn vùng Đồng bằng
sông Cửu Long.
Về cơ sở hạ tầng của Đồng bằng sông Cửu Long 5 năm
phải hình thành được những trục chính của hệ thống thủy lợi và giao thông. Với
thủy lợi, định hình được hệ thống kênh trục tạo nguồn tiêu thoát úng, lũ, chua,
phèn, kết hợp với việc hình thành các cụm, tuyến dân cư bảo đảm sinh hoạt của
vùng ngập lũ, ở vùng mặn có nguồn nước ngọt, mở ra địa bàn khai hoang tăng vụ.
Về giao thông, phải hình thành được hệ thống giao thông thủy và bộ tương đối
hoàn chỉnh, đồng bộ giữa hệ thống giao thông các cấp và hệ thống thủy lợi. Hệ
thống giao thông đó không được tạo thành vật cản dòng chảy làm tăng cao thêm
mức lũ…
Những yêu cầu về xây dựng hạ tầng Đồng bằng sông Cửu
Long trong vòng 5 năm rõ ràng là rất cao và rất gay gắt như Thủ tướng Võ Văn
Kiệt đã nói.
Có
lẽ vì thế mà trong hội nghị triển khai Quyết định 99TTg, những người phải trực
tiếp “xắn tay áo” làm những việc này ở Đồng bằng sông Cửu Long là cấp huyện, đã
được Thủ tướng mời đầy đủ cả Chủ tịch
lẫn Bí thư các huyện toàn đồng bằng về thành phố Hồ Chí Minh để bàn bạc. Đây là
lần đầu tiên có một cuộc hội nghị mà Thủ tướng Chính phủ và các bộ làm việc
trực tiếp với cấp huyện ở một vùng kinh tế rộng lớn của đất nước.
Điều đáng mừng là cấp huyện ở Đồng bằng sông Cửu Long
tuy còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng đầy phấn khởi và quyết tâm để thực
hiện Quyết định 99TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện một chương trình phát triển to lớn ở Đồng
bằng sông Cửu Long, đánh dấu một giai đoạn phát triển lịch sử với đồng bằng, để
làm được những điều đó trong 5 năm tới, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã yêu cầu phải
“nói rõ cho bàn dân thiên hạ” biết chủ trương lớn này của Đảng và Nhà nước ta.
Thủ tướng nói: Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng ở sự thành công của
Quyết định 99TTg.
“Thủy lợi” được xem là trọng yếu nhất để đầu tư. Đó là
một bài toán đúng. Sản phẩm của vùng đất trù phú này là lúa gạo, trái cây và
thủy sản… tất cả đều phải trông cậy vào nguồn nước ngọt, hay nói một cách khác:
tất cả trông vào khả năng cung cấp nước ngọt. Ở đâu kiểm soát, phân bổ sử dụng
có hiệu quả nước ngọt phù sa của sông mẹ Cửu Long… thì ở đó lúa vàng trái ngọt,
tôm cá mặn mòi. Nói như một nhà văn ở đồng bằng thì ở đâu có nước ngọt “con gái
đỏ chót như trái mận trên cành”! Nước ngọt phù sa là tất cả hạnh phúc, là sống
còn với Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay và mai sau. Vì thế việc bảo vệ nguồn
nước ngọt, không để nước ngọt bị ô nhiễm, khai thác và sử dụng nó một cách hợp
lý, có tính toán kĩ là cực kỳ quan trọng với Đồng bằng sông Cửu Long. Có thể
nói không ngoa rằng, một giọt nước sông Tiền, sông Hậu là một giọt vàng. Cái gì
cũng có thể làm ra được nhưng nước ngọt phù sa thì không thể làm ra. Có đồng
chí lãnh đạo ngành nông nghiệp nhiều năm ở Đồng bằng sông Cửu Long đã nói với
tôi: Mọi tư duy Đồng bằng sông Cửu Long phải xuất phát từ khả năng cung cấp
nước ngọt. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng có
lần nói với tôi rằng: Nước ngọt cần cho công nghiệp hóa ở Đồng bằng sông
Cửu Long sau này…
Ngay từ những năm đầu đi đôi với việc sản xuất lương
thực, thực phẩm rất khẩn thiết sau chiến tranh, chúng ta đã tiến hành điều tra
cơ bản về Đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó được nâng lên thành chương trình điều
tra cơ bản và tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long có mã số 60-02. (Chương trình
Khoa học Kỹ thuật trọng điểm cấp nhà nước 1981-1985).
Kết quả của chương trình 60-02 là cơ sở để phân vùng
sản xuất, phân vùng sinh thái, vì sản xuất nông nghiệp là sản xuất theo vùng,
gắn chặt với vùng.
Các
công trình điều tra cơ bản tổng hợp và phân vùng đã được tổng hợp lại để xác
định 6 vùng sinh thái lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Sáu vùng sinh thái của Đồng bằng sông Cửu Long được
trình bày dưới đây, tác giả gắn kết nó với các công trình thủy lợi và giao thông
đang được triển khai của Quyết định 99TTg trong tháng 6 cuối năm 1996, năm đầu
tiên thực hiện kế hoạch trong 5 năm của Quyết định 99TTg.
* Vùng 1:
Vùng phù sa nước ngọt ven sông Tiền, sông Hậu.
Trong
sáu vùng sinh thái nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long, vùng phù sa nước
ngọt ven sông Tiền, sông Hậu được xếp hàng đầu. Vì thế nó còn có tên là vùng 1.
Vùng 1 đúng là vùng số một của Đồng bằng sông Cửu Long vì nó hội tụ được nhiều
thế mạnh cơ bản các điều kiện tự nhiên, xã hội của đồng bằng.
Trong lịch sử chinh phục Đồng bằng sông Cửu Long, vùng
một đã phát huy tiềm năng với tốc độ phát triển cao và trong tương lai, nó vẫn
là vùng dễ phát huy thế mạnh nước ngọt để lấn sâu vào vùng phèn và mặn bao
quanh.
Nhìn trên bản đồ Đồng bằng sông Cửu Long, vùng phù sa
nước ngọt ven sông Tiền, sông Hậu bắt đầu từ địa phận sông Cửu Long chảy vào
biên giới nước ta, chạy dài từ Hồng Ngự, Châu Đốc qua một phần đất của các tỉnh
Đồng Tháp, An Giang, kéo dài xuống đến Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ…
Do vị trí trên mà đất đai vùng này đều là đất phù sa
mới, phì nhiêu, cân đối lượng NPK (đạm – lân – kali). Cũng do vị trí ven sông
mà vùng đất này thuận lợi nhất. Vì rằng, một phần đất ở đây được ngập hoặc được
tưới nước phù sa. Có điạ bàn có thể lợi dụng thủy triều để tưới từng phần. Ngay
trên địa bàn bị ngập lũ hàng năm của vùng này, vẫn có thể biến khó khăn thành
thuận lợi, bằng cách thay đổi cơ cấu mùa vụ để thâm canh, khi mùa lũ thì lấy
phù sa, lấy nước ngọt và tôm cá.
Diện tích canh tác của phù sa nước ngọt ven sông Tiền,
sông Hậu vào loại nhất trong 6 vùng sinh thái của Đồng bằng sông Cửu Long, gần
1 triệu hecta bao gồm đất lúa: 836.000ha còn lại là đất vườn.
Cũng do vị trí thuận lợi số một này, vùng 1 trước năm
1975 và xa hơn nữa, vẫn là vùng kinh tế phát triển nhất ở Đồng bằng sông Cửu
Long. Đây là vùng tập trung lao động đông nhất và có kỹ năng cao nhất về sử
dụng các giống mới năng suất cao, sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, trừ
cỏ, thâm canh lúa, đậu nành, bắp, các loại dưa xuất khẩu… Đây cũng là vùng miệt
vườn cây trái nổi tiếng của Nam Bộ với kỹ thuật lên liếp, lập vườn, chiết cây,
ghép cành, bảo vệ vườn cây trái bằng cách nuôi kiến vàng để bắt sâu rất độc
đáo. Ngoài ra, vùng này còn có tập quán nuôi cá bè, nuôi tôm, vớt cá giống hàng
trăm triệu con hằng năm. Vùng phù sa nước ngọt ven sông Tiền, sông Hậu là vùng
tập trung cơ khí nhiều nhất ở Nam bộ với hàng trăm ngàn máy cày, máy bơm, máy
suốt lúa… và có tay nghề sữa chữa cơ khí thành thục.
Sau
hòa bình năm 1975, do chính sách hợp tác hóa nông nghiệp ồ ạt, thiếu bước đi
thích hợp, sự phát triển của vùng 1 bị chựng lại. Nhưng kể từ sau khi có nghị
quyết 10 của Trung ương, vùng 1 của Đồng bằng sông Cửu Long đã có bước phát
triển nhanh. Trước hết phải kể đến khu vực trồng lúa. Chưa bao giờ Đồng bằng
sông Cửu Long nói chung và vùng 1 nói riêng lại có phong trào thâm canh tăng
vụ, luân canh sử dụng giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sôi nổi như
lúc này. Nhiều nông dân được suy tôn là các nhà “bác học chân đất” như chú Ba
Nở trồng bắp lai ở Tân Châu (An Giang) đạt 7 tấn/ha, chú Hai Chung, Tư Tải, Bảy
Nhỏ ở Tiền Giang làm giống mới, trồng đậu nành xen lúa. Các câu lạc bộ nông dân
giỏi làm vườn đã lần lượt ra đời ở Cái Bè, Cai Lậy(Tiền Giang) vào cuối những
năm 80 rồi lan rộng ra cả đồng bằng… Tỉnh Tiền Giang có thể xem là tiêu biểu
cho phong trào thâm canh tăng vụ cho cả vùng 1 và cả đồng bằng. Từ đầu những
năm thập kỷ 80, ngay thời kỳ còn cơ chế bao cấp, Tiền Giang đã xây dựng phương
án vùng lúa năng suất cao trên diện tích 10.000ha ở huyện Cai Lậy, sau đó mở
rộng ra hai huyện Cái Bè và Châu Thành. Huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang chỉ có
diện tích trồng lúa 21.977 ha, nhưng với
kỹ thuật thâm canh 3 vụ/năm, Cai Lậy đã nâng diện tích trồng lúa cả năm lên đến
65.834 ha. Năm 1986 sản lượng lúa của Cai Lậy là 239.000 tấn, năm 1995 đã lên
đến 320.000 tấn. Nâng bình quân lúa ở Cai Lậy đạt kỷ lục 11 tấn/ha/năm.
Nhưng có lẽ không khí nhộn nhịp nhất là ở vùng 1 của
Đồng bằng sông Cửu Long tập trung ở miệt vườn. Do tác động của thị trường và sự
hỗ trợ vốn của Ngân hàng nông nghiệp, phong trào cải tạo vườn tạp thành vườn
chuyên canh cây ăn trái có giá trị được đẩy mạnh. Ở tiểu khu vực miệt vườn Mỹ
Tho, Sa Đéc, Vĩnh Long, Cần Thơ… một công vườn (1.000m2) cho giá trị bằng từ 5
đến 10 công lúa. Chỉ có 2.500 ha nhãn, mùa nhãn năm 1994 đã đem lại cho nông
dân miệt vườn Vĩnh Long gần 100 tỷ đồng (với giá bán tại gốc 4.000đồng/ kg)!
Nhãn “lên ngôi” ở Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ thì hàng ngàn hecta cây trái
khác như dừa, chôm chôm…bị đốn bỏ… để trồng nhãn! Nhưng liệu nhãn ở ngôi được bao
lâu nữa?!! Đốn cây này trồng cây kia là chuyện sôi động ở miệt vườn hôm nay
trong thời buổi cơ chế thị trường này. Một điều thú vị bất ngờ là cùng với sự
phát triển của miệt vườn, một ngành du lịch mới được hình thành ở Đồng bằng
sông Cửu Long mấy năm qua là du lịch xanh – còn gọi là du lịch miệt vườn. Sáu
tháng đầu năm 1996, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang đã đón hơn 46.000 du khách
tới tham quan miệt vườn, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 36.000
khách quốc tế, chủ yếu là khách châu Âu. Cồn Thới Sơn một vùng cây ăn trái tươi
tốt giữa sông Tiền, vài năm qua đã đón một lượng du khách quốc tế gấp 10 lần số
dân sở tại nơi đây!
Bước vào thời kỳ mới, vùng 1, tức vùng phù sa nước
ngọt phát triển nhất của Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đứng trước những thử
thách gay gắt.
Lúa,
sản phẩm chính của vùng 1 đã có dư để xuất khẩu nhưng phải đủ sức để cạnh tranh
với thị trường lúa gạo quốc tế bằng phẩm chất hạt gạo không ngừng được nâng
cao! Trong khu vực miệt vườn, sự thách đố còn cao hơn nữa 200.000 ha vườn cây
trái ở vùng phù sa nước ngọt đang đứng trước 3 nguy cơ lớn. Một là, giống cây
ăn trái như cam, quýt, sa-pô-chê, mãng cầu… đều đã tới thời kỳ thoái hóa và
đang sinh bệnh. Hai là, công nghiệp chế biến trái cây còn quá nhỏ bé. Tỉnh Tiền
Giang là một ví dụ, sản phẩm được chế biến chưa quá 5% tổng sản lượng 350.000
tấn trái cây hàng năm của tỉnh. Thứ ba là, “đầu ra” cho thị trường trái cây
hoàn toàn không ổn định.
Quyết định 99TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Định
hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996-2000 đối với phát triển thủy lợi , giao
thông, xây dựng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long” có một ý nghĩa rất lớn với
vùng phù sa nước ngọt. Việc định hình hệ thống kênh trục tạo nguồn tiêu thoát
úng, lũ, chua, phèn và hình thành hệ thống giao thông chính ở đồng bằng sẽ đặt
cơ sở để vùng 1 bước vào thời kỳ phát triển mới. Có mặt bằng và đường sá tốt,
mới thu hút được đầu tư và quyến rũ khách du lịch. Chỉ có hoàn chỉnh cơ sở hạ
tầng thủy lợi và giao thông thì các thế mạnh của vùng 1 mới phát huy hết tiềm
năng của nó. Hơn thế, các công trình của dự án vùng ngập nông như: dự án kênh
Xã Tàu – Sóc Trăng, kênh Xẻo Mát – Cái Von, kênh Nha Mân – Tư Tải… đều nằm
trong vùng miệt vườn. Kinh nghiệm mấy năm trước đó cho thấy, khi xảy ra lũ lụt,
tuy ngập nông nhưng vùng miệt vườn thiệt hại nặng nhất. Chỉ tính riêng 32.000ha
vườn cây trái ở Vĩnh Long bị ngập lụt trong mùa lũ 1994 đã thiệt hại đến 30 tỷ
đồng! Quyết định 99TTg của Thủ tướng Chính phủ tạo thêm một ưu thế nữa cho vùng
phù sa nước ngọt vốn có ưu thế hàng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
* Vùng 2:
vùng đất nhiễm mặn phù sa ven biển đông ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng đất phù sa nhiễm mặn ven biển Đông là một trong 6
vùng sinh thái tự nhiên lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm tới hơn
900.000 ha đất tự nhiên, chạy dài từ các huyện ven biển tỉnh Long An qua vùng
ven biển Gò Công (tỉnh Tiền Giang), Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng đến tận huyện
Giá Rai – tỉnh Minh Hải.
Hạn chế nhất của vùng đất này là mặn vào mùa khô, nồng
độ mặn lên cao, không có nước cho sản xuất và đời sống. Ở những nơi đất trũng,
mặn còn kết hợp với gió chướng, nhiều ruộng trũng ven biển bị ngập.
Do đặc điểm của đất đai như vậy nên vùng nhiễm mặn ven
biển ở Đồng bằng sông Cửu Long xưa kia chỉ trông vào nước trời mùa mưa mỗi năm
làm được một vụ lúa dài ngày, năng suất rất thấp, dân tình rất nghèo khổ, phụ
nữ, trẻ em thường bệnh tật vì thiếu nước ngọt cho sinh hoạt tới 6 tháng trong
một năm.
Công
cuộc ngăn mặn và giữ ngọt là cuộc chiến đấu bền bỉ của nhân dân vùng đất khắc
nghiệt này từ bao đời nay. Nhưng ngăn mặn và giữ ngọt cho một vùng đất cả triệu
hecta là một công việc to lớn tầm cỡ vĩ mô, từng hộ nông dân cá thể không làm
nổi việc này.
Phải chờ đến sau 30/4/1975, những công trình thủy lợi
đầu mối được ra đời, nhằm biến cải bộ mặt nông nghiệp từ quảng canh sang thâm
canh ở Đồng bằng sông Cửu Long, đem lại no ấm cho nông dân đồng bằng, trong đó
có vùng đất nhiễm mặn rộng lớn ven biển…
Có thể nói sau 20 năm với vùng đất nhiễm mặn ven biển
Đồng bằng sông Cửu Long là 20 năm Nhà nước và nhân dân cùng làm thủy lợi, dẫn
ngọt, ngăn mặn, tháo úng cho một vùng đất khắc nghiệt rộng lớn tới 54.000 ha
gồm cả tỉnh Gò Công cũ xưa kia. Hệ thống công trình “Ngọt hóa Gò Công” phải
thực hiện trong 15 năm, theo một trình tự gồm 3 giai đoạn, với nhiều hạng mục
như: tuyến đê biển và đê sông ngăn mặn dài 134km, mạng kênh trục dẫn nước ngọt
dài 119 km và sự vận hành nhịp nhàng, đồng bộ của 55 cống đập lớn nhỏ. Chương
trình “Ngọt hóa Gò Công” được chính thức khởi công từ năm 1986. Sau một thập
niên gian khổ, chương trình đã đi được 2/3 chặng đường với những kết quả náo
nức lòng người. Vùng đất nghèo đói từ bao đời này đã tự túc được lương thực
trong dân. Vụ đông xuân 1995-1996 nhiều nơi như ở Gò Công Đông có nơi lúa vụ 3
đã lấn sát tới tận đê biển.
Những ai đã từng chứng kiến mùa khô dài dằng dặc, đất
nẻ đến tận đáy ao, gió chướng mang nặng sương muối từ biển dội vào, tàn phá
làng mạc nơi đây, con gái phải oằn lưng gánh nước đêm trăng… mới thấy hết giá
trị những dòng nước ngọt do công trình “Ngọt hóa Gò Công” mang lại…
Vùng đất nhiễm mặn ven biển Bến Tre có công trình ngăn
mặn Vàm Đồn đem lại nhiều bất ngờ trong sản xuất. Trước đây, với độ nhiễm mặn
tương đối cao, người ta chỉ nghĩ đến một hệ thống canh tác lúa và dừa. Nhưng
với công trình Vàm Đồn, có xã như Châu Bình của huyện Giồng Trôm đã trồng mía
với năng suất 80 tấn/ha. Mở ra nhiều triển vọng
trồng trọt và chăn nuôi xưa nay chưa có ở vùng đất này.
Với
tỉnh Trà Vinh thì dự án ngọt hóa Tầm Phương đã đem lại lúa hai vụ, góp phần xóa
bỏ tình trạng nghèo đói của đồng bào Khmer từ nhiều đời nay.
Điều bất ngờ trong công cuộc ngọt hóa lại diễn ra ở
một tỉnh vào loại nghèo nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long là Sóc Trăng. Bức xúc
trước sự nghèo đói của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, bằng sức lực của chính
mình, Đảng bộ Sóc Trăng đã phát động nhân dân xây đắp một tuyến đê biển đê sông
ngăn mặn. Đê cao 1,5m, mặt đê rộng 6m, xe bốn bánh có thể đi lại dễ dàng vào
mùa khô. Đất đào lên đắp đê tạo thành một hệ thống kênh mương chứa 6 triệu mét
khối nước ngọt! Sản xuất và đời sống của dân Sóc Trăng nhờ có đê ngăn mặn mà
bật dậy, 160.00 ha đất nông nghiệp đã có nước tưới. Từ 64.000 ha lúa hai vụ năm
1993 đã nâng lên 90.000 ha trong năm 1995. Sóc Trăng đã tham gia câu lạc bộ 1
triệu tấn nhờ hệ thống đê ngăn mặn này.
Nhìn toàn cảnh, vùng nhiễm mặn ven Đồng bằng sông Cửu
Long đang ngọt hóa. Đó là cuộc chiến đấu bền bỉ, ngoan cường với khát vọng đổi
đời của bà con vùng đất khắc nghiệt này. Có thể lấy “câu chuyện của bác Tám
Tiệm” ở xã Thái Thuận, huyện Mỹ Xuyên làm một ví dụ. Bác Tám vừa mới xây xong nhà
thì một tuần lễ sau đê ngăn mặn chạy tới. Ăn tân gia xong, Bác Tám lại thắp
hương khấn ông bà và tự tay phá bỏ ngôi nhà mới của mình để công trình đê ngăn
mặn đi qua…
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, Quyết định 99TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ là thời kỳ mới đầy hứa hẹn
với vùng đất nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong 3 dự án lớn về thủy lợi
đến năm 2000 được đầu tư tập trung gần 2.000 tỷ đồng, thì vùng nhiễm mặn “có
phần” trong 2 dự án. Đó là dự án ngọt hóa Quản Lộ – Phụng Hiệp và ngọt hóa Nam
Măng Thít. Trong 34 danh mục công trình của Quyết định 99 thực hiện trong năm
1996 có tới hàng chục công trình nằm trong vùng nhiễm mặn của Đồng bằng sông
Cửu Long. Trong 7 tháng đầu năm 1996, các công trình cống Mỹ Tú, cống Tam Sóc,
cống Rạch Rê, kênh Nàng Rền, kênh Ngàn Dừa- Bạc Liêu… trong 34 danh mục đó đã
được chuyển tiếp và khởi công xây dựng mới…Tương lai của vùng mặn ven biển đồng
bằng sông Cửu Long sẽ rất ngọt ngào …
* Vùng bán
đảo Cà Mau
Vùng bán đảo Cà Mau là mảnh đất tận cùng phía Nam
của Đồng bằng sông Cửu Long, có tiềm năng giàu và có thế mạnh đặc biệt về kinh
tế nông – lâm – ngư nghiệp kết hợp.
Do có địa hình chữ V với góc rất nhọn, nước biển theo
các kênh ngòi lớn đi suốt chiều dọc và chiều ngang, thủy triểu ngập sâu, vào ra
liên tục, đã đem lại những nguồn tài nguyên sinh vật biển quý, đặc biệt là tôm
cá cho bán đảo Cà Mau. Ngoài ra bán đảo Cà Mau còn có hệ thống sinh thái rừng
ngập mặn (rừng sác) và hệ thống sinh thái rừng tràm cùng với lớp đất mặn có
nhiều chất hữu cơ. Hơn thế nữa, với cường độ bức xạ mặt trời mạnh, chế độ nhiệt
ôn hòa quanh năm và mưa trên 2.000mm kéo dài tới tháng 7… vùng bán đảo Cà Mau
đã trở thành mảnh đất lý tưởng cho kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp phát triển.
Hệ sinh thái rừng tràm còn là khu vực điều hòa nước ngọt rộng lớn và rất quan
trọng với vùng mặn và phèn như bán đảo Cà Mau. Và rừng tàm dày đặc là cái nôi
cư trú cho các loài thủy sản, các loài chim và ong rừng, biến Cà Mau trở thành
vùng có sinh thái độc đáo.
Thiên nhiên đã ưu đãi cho bán đảo Cà Mau của Đồng bằng
sông Cửu Long những điều kiện địa lý và tự nhiên thật lý tưởng cho sự sống của
muôn loài. Vì thế, rừng ngập mặn Năm Căn hiện nay được xếp vào loại quý hiếm,
nó có hạng trên thế giới sau rừng ngập mặn sông Amazon ở Brazil – Nam Mỹ.
Về
mặt lịch sử, dù cũng là vùng ven biển nhưng bán đảo Cà Mau được khai thác chậm
hơn vùng ven biển phía Đông vì đất nhiễm phèn nặng.
Sau hòa bình lập lại năm 1975, kinh tế của bán đảo Cà
Mau mà chủ yếu thuộc lãnh địa tỉnh Minh Hải và một phần nhỏ của tỉnh Kiên Giang
đã phát triển theo xu hướng nông – lâm – ngư nghiệp kết hợp. Nhưng một thời
gian dài, do sai lầm của chính sách phá rừng để xây dựng các nông trường lúa,
vùng chuyên canh đậu nành, di dân khai hoang thiếu tổ chức… rừng Minh Hải đã bị
tàn phá nặng. Đến năm 1983, Minh Hải chỉ cỏn 118.000 ha rừng (trước tháng
9/1945 là 290.000 ha). Từ năm 1983 trở đi, tình hình còn phức tạp hơn. Với chủ
trương giải thể các lâm trường, giao đất cho dân nhưng không có chính sách cụ
thể để bảo vệ rừng, đã dẫn tới rừng ở một số nơi bị phá sạch để nuôi tôm. Như ở
Lâm trường Bông Văn Dĩa, trong vòng 5 năm, 10.000 ha rừng đã bị tàn phá hết!
Thủ tướngVõ Văn Kiệt trong Hội nghị sơ kết 3 năm thực
hiện QĐ 99TTg tại TPHCM (1988).
10 năm sau, trong sự đổi mới đi lên của đất nước, kinh
tế Minh Hải có bước phát triển rõ nét. Trước hết phải kể đến những tiến bộ
trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Vì kinh tế Minh Hải mũi nhọn lả thủy sản,
trong vòng 5 năm từ năm 1991 đến năm 1995, sản lượng khai thác thủy sản là
660.000 tấn, doanh số xuất khẩu lên đến là 537 triệu USD. Nhưng cái gốc của
thủy sản là rừng. Nhận thức rõ: mất rừng là mất hết, Minh Hải có những nỗ lực
lớn trong các biện pháp can thiệp đồng bộ để giữ rừng. Quyết định 389 của UBND
tỉnh Minh Hải năm 1989 rồi tiếp đó hoàn thiện một bước bằng chỉ thị 64 “Giao
đất giao rừng cho dân” đã khuyến khích được nhân dân trồng rừng. Với mô hình
lâm nghiệp xã hội, đã có 10.114 hộ dân được giao đất khoán rừng với diện tích
75.170 ha, thời gian từ 5-10-15 năm. Tháng 8/1993, Tổng bí thư Đỗ Mười đi thăm
lâm ngư trường 184, một lâm- ngư trường thực hiện giao toàn bộ đất cho dân sản
xuất, bảo vệ, kinh doanh tổng hợp (trồng rừng và nuôi tôm) dưới sự hướng dẫn,
quản lý chặt chẽ của Nhà nước… Tổng bí thư đã hết sức khen ngợi bà con và cán
bộ nơi đây, và cho đó là một việc làm kết hợp được lợi ích trước mắt và lợi ích
lâu dài của đất rừng Minh Hải.
Đến hết năm 1995, Minh Hải đã phục hồi và trồng mới
được 104.000 ha rừng. Trong đó rừng đước là 71.000 ha, còn lại là rừng tràm.
Cái đích của Minh Hải là 176.000 ha rừng trong những năm sau.
Cũng trong năm 1995, Minh Hải đã làm được một việc có
ý nghĩa là, kiên quyết thực hiện Quyết định 432 TTg của Thủ tướng Chính phủ,
trục xuất 2.214 hộ gia đình đã “được giao đất kết hợp trồng rừng với nuôi tôm
mà không thực hiện nghiêm chỉnh, chỉ khai thác tôm, dẫn đến hủy hoại rừng” ra
khỏi rừng. Đồng thời giải tỏa 8.000 ha đất bãi bồi từ Mũi Cồn đến bờ nam sông
Bảy Hạp bị lấn chiếm, tranh chấp quyết liệt từ nhiều năm!
Ở khu vực sản xuất nông nghiệp, từ năm 1991 đến 1995,
tổng sản lượng lương thực của Minh Hải đạt 5,7 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so
với năm trước đó. Đất nông nghiệp của Minh Hải có tới gần 400.000ha, trong đó
đất lúa 300.000ha. Minh Hải còn có những giống lúa thơm nổi tiếng như một-bụi,
tép-hành, nàng-hương, gieo cấy thành vùng gắn với nuôi cá đồng ở Đầm Dơi, Cái
Nước, U Minh… Do bị ngập sâu nên diện tích lúa ở Minh Hải phần lớn là lúa một
vụ. Vài năm sau, trên 100.000ha đất của Minh Hải bị nhiễm mặn và phèn được ngọt
hóa để tiến tới làm được 2 – 3 vụ/năm cùng với các sản phẩm cây trồng khác.
Trên bước đường đi lên của nông nghiệp Minh Hải, Quyết
định 99TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm
1996 – 2000 đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn
Đồng bằng sông Cửu Long” đã thổi một luồng gió mới lên đồng ruộng Minh Hải. Vì,
từ trước tới nay Minh Hải ít nhận được những đầu tư về thủy lợi của Nhà nước
Trung ương so với các vùng khác ở Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp Mười,
vùng mặn ven biển Đông…
Nhưng với dự án ngọt hóa Quản Lộ - Phụng Hiệp, dự án
lớn thứ hai trong 3 dự án của Quyết định 99 thì vùng bán đảo Cà Mau và một phần
tỉnh Sóc Trăng sẽ nhận được đầu tư của Trung ương đến năm 2000 là 260 tỷ đồng
để ngọt hóa 276.000ha. Ngay trong năm 1996 đã hoàn thành các mục tiêu của dự án
thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng để tăng vụ cho 42.000ha. Tiếp đó, 7 cống ngăn mặn
lớn thuộc địa phận Minh Hải là: Vĩnh Mỹ, Chủ Chí, Phó Sinh, Láng Trâm, Cà Mau,
Bạch Ngưu, Trắng Băng sẽ được thi công cùng với 7 kênh tưới tiêu nữa được nạo
vét. Sẽ có khả năng khai hoang thêm 23.000ha, tăng thêm một vụ cho 140.000ha,
mở thêm 3 vụ cho 30.000ha ở bán đảo Cà Mau để có thêm 1 triệu tấn lúa và mở
rộng vùng đất trồng bắp khi dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp được hoàn thành. Bán đảo
Cà Mau đầy tiềm năng thực hiện Quyết định 99 TTg với nhiệt tình của một vùng
đất xưa nay “nghèo” thủy lợi nhất.
* Vùng 4:
Vùng đất trũng Tây Sông Hậu
Trong 6 vùng sinh thái nông nghiệp ở Đồng bằng sông
Cửu Long, vùng đất trũng Tây Sông Hậu ít được nhắc tới nhất. Có lẽ một phần vì
diện tích của nó nhỏ nhất, chỉ có 380.000ha đất tự nhiên trong đó diện tích đất
lúa 262.000ha. Nhìn vào bản đồ Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Sông Hậu nằm
lọt giữa kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp ở phía Đông thuộc tỉnh Sóc Trăng và kênh Cái
Sắn, ở phía Tây thuộc tỉnh Kiên Giang. Như vậy, vùng Tây Sông Hậu phần lớn
thuộc phần đất phía Tây tỉnh Cần Thơ và còn lại thuộc đất 2 tỉnh Sóc Trăng ở
phía đông, Kiên Giang ở phía tây.
Đặc
điểm cơ bản của vùng này là đất trũng, bị ngập úng nông, trung bình 70cm, khó
thoát nước ra sông Cái Lớn. Nhưng do bị ngập úng nên có tác dụng ém phèn. Vì
thế đại bộ phận ít phèn, riêng phần đất trũng có nguồn gốc trầm tích biển thì
phèn trung bình.
Cũng có địa hình như vậy mà xưa kia vùng Tây Sông Hậu
có tập quán cấy lúa giâm, tức là cấy lúa hai lần, vì vào thời vụ cấy lúa mùa,
nước còn ngập sâu. Hơn nữa, còn do đất vùng này nhiều đạm cấy một lần lúa sẽ bị
lốp! Ở vùng gần kênh Cái Sắn, ruộng bị ngập sâu trên 1m, người ta phải cấy lúa
nổi, năng suất thấp.
Thế mạnh của vùng đất Tây Sông Hậu là tuy phèn và
trũng nhưng đất có chứa nhiều chất hữu cơ và mùn nên nhìn chung là đất tốt.
Riêng phần đất vùng Hỏa Lựu, giáp ranh giữa 3 tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang và Minh
Hải đất chua phèn nhiều nhưng chứa nhiều hữu cơ nên rất thích hợp với việc
trồng khóm. Đây cũng là vùng chuyên canh khóm tập trung nhất (trên 10.000ha) ở
Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ sau ngày 30-4-1975, Đảng bộ và nhân dân địa phương
trong vùng đã tác động mạnh vào vùng đất này bằng các biện pháp thủy lợi thích
hợp như đào kênh mới, nạo vét, mở rộng các kênh cũ, dẫn ngọt từ sông Hậu, đẩy
phèn về phía sông Cái Lớn ra biển, kết hợp thủy lợi nội đồng… để chuyển lúa 1
vụ lên 2 vụ/năm (đông-xuân và hè-thu).
Theo hướng đó, đến năm 1990, ngành thủy lợi đã hoàn
thành 9 con kênh nối sông Hậu với sông Cái Lớn để bà con nông dân trong vùng
tăng vụ. Nhìn vào bản đồ Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay, các con kênh song
song nhau, thẳng hàng như kẻ chỉ, được kí hiệu như KH1, KH5, KH6, KH7, kênh
Thốt Nốt, kênh Xà No… chính là những công trình thủy lợi mới nhằm biến cải vùng
đất Tây Sông Hậu lên 2 vụ lúa/năm. Riêng tỉnh Kiên Giang đến năm 1981 lúa
đông-xuân trong vùng Tây Sông Hậu mới đạt 4.000ha, năng suất 1,8 tấn/ha, nhưng
nhờ các công trình thủy lợi nói trên đến năm 1986 đã nâng lên 40.000ha, năng
suất đạt 3,7 tấn/ha. Với tỉnh Cần Thơ cũng đạt hiệu quả tương tự.
… Có thể lấy Nông trường Sông Hậu trên địa bàn Ô Môn
tỉnh Cần Thơ làm ví dụ tiêu biểu cho sự thay đổi đi lên của vùng đất Tây Sông
Hậu. Sau 1975, 7.000ha đất thuộc Nông trường sông Hậu, lúc đó là vùng mênh mông
lau sậy, chằng chịt gõ trùng, không ai muốn ngó ngàng tới. Nhưng với sự lãnh
đạo, sáng tạo của giám đốc – anh hùng Năm Hoằng, những người lao động ở đây đã
nỗ lực biến cải mảnh đất hoang sơ này thành một địa chỉ đỏ, thành nơi có đời
sống vật chất và tinh thần cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. 7.000ha đất tự
nhiên ở Nông trường sông Hậu có 5.565ha lúa 2 vụ, năng suất bình quân 10
tấn/ha/năm, cho sản lượng 60.000 tấn/năm. Ngoài ra còn 1.000ha rau màu trồng
xen, 300ha cây ăn trái, 2.500ha nuôi cá trên ruộng, 5 triệu cây bạch đàn trồng
phân tán tương đương với 3.000ha rừng tập trung…
Nông trường sông Hậu còn có một nhà máy phát điện
600KWh, 60 máy cày, 800 máy bơm, 12 máy xới, 40 máy tuốt để phục vụ gần 6.000ha
canh tác; 4 nhà máy xay lúa và nhà kho 20.000 tấn phục vụ xuất khẩu. Giá trị
tổng sản lượng của Nông trường sông Hậu đến năm 1993 là 80 tỷ đồng. Nhưng điều
đáng nói nhất ở Nông trường sông Hậu là đã xây dựng được một nếp sống văn hóa
cao. 97% trẻ em Nông trường sông Hậu trong độ tuổi đến trường. 2.800 hộ nông
trường viên, trong đó có 10.000 lao động, 105 cán bộ quản lý và kỹ thuật ở Nông
trường sông Hậu có tác phong công nghiệp… đó là điều giám đốc Năm Hoằng tự hào
nhất. Chính ông đã nói với người viết: “Công cụ, máy móc càng tinh xảo thì kỹ
năng, lối sống của con người phải tương đương, vì thế chúng tôi lo giáo dục con
người, xây đắp cho con người…”
Nông
trường sông Hậu cung cấp cho chúng ta những hình mẫu để suy nghĩ về công cuộc
công nghiệp hóa nông nghiệp… ở Đồng bằng sông Cửu Long sau này. Với Quyết định
99TTg thì vùng Tây sông Hậu được hưởng các công trình thủy lợi, giao thông
trong dự án “vùng ngập nông” của “dự án lũ” – dự án lớn nhất của Quyết định
99TTg. Các công trình đó tiếp tục nạo vét các kênh KH6, KH7, kênh Nàng Mầu…
nhằm tạo nguồn tưới tiêu cho vùng Tây sông Hậu cùng các công trình khác. Công
trình KH6 được khởi công trong năm 1996-1997 để tưới ngọt cho 19.000ha với vốn
đầu tư đến 24 tỷ đồng. Các công trình khác được làm vào các năm 1997 đến 1999
với số vốn mỗi công trình từ 20 tỷ đồng trở lên.
Miền Tây sông Hậu tuy diện tích nhỏ nhất trong 6 vùng
sinh thái của Đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại nằm ở vị trí khá trung tâm gần
các cơ sở khoa học như Viện Lúa Ô Môn, Đại học Cần Thơ, lại có mô hình Nông
trường sông Hậu phát triển nông nghiệp toàn diện, kết hợp trồng trọt, chăn
nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng chế biến nguyên liệu tại chỗ để xuất khẩu… chắc
chắn sẽ là vùng phát triển nhanh ở Đồng bằng sông Cửu Long sau này.
* Vùng
5:Vùng Tứ giác Long Xuyên
Sau
Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên là vùng đất hoang rộng lớn được khai thác có
hiệu quả ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng đất này bao gồm phần đất trũng nhiễm phèn nặng từ
bờ Tây sông Hậu đổ ra biển Kiên Giang, từ lộ Cái Sắn ngược lên biên giới. Đỉnh
của Tứ Giác là thị xã sầm uất: Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên và Châu Đốc. Tứ
giác Long Xuyên rộng trên 500.000ha của hai tỉnh Kiên Giang và An Giang.
Đặc điểm nổi bật của vùng đất này là hàng năm bị ngập
lũ sâu từ 1m đến 2m. Vì thế, trước ngày giải phóng miền Nam , đất hoang ở Tứ giác Long Xuyên
còn rất lớn.
Tứ giác Long Xuyên còn được xem là vùng đất xa xôi đầy
bí ẩn, bởi giữa một vùng đồng bằng bao la lại mọc lên những dãy núi và dưới
lòng đất của nó còn ẩn giấu một điều kỳ diệu là nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng…
Thực hiện Quyết định 99TTg, từ đầu năm 1996, vùng Tứ
giác Long Xuyên thuộc An Giang đã tập trung cho 10 tuyến kênh và 8 vùng bao
phục vụ sản xuất, giao thông và dân cư… với số vốn là 3,6 tỷ đồng/15,3 tỷ đồng
kế hoạch dài hạn. Về giao thông, đã thực hiện 23 công trình, trong đó nâng cấp
3 tuyến đường dài 208km, làm mới 54km, sửa chữa 18 cây cầu vốn ngân sách 15 tỷ
đồng. An Giang cũng là tỉnh sớm nhất có quy hoạch và kế hoạch tôn nền nhà dân
cư trong vùng ngập lũ. 100% các huyện, thị trong tỉnh đã triển khai đến ấp,
khóm việc bình chọn các hộ nghèo và hộ gia đình chính sách được vay vốn tôn nền
hoặc làm nhà sàn trên cọc theo Quyết định 256TTg và Chỉ thị 13/CT-UB.
Tỉnh Kiên Giang đã nạo vét kênh kết hợp giao thông
được 254km với vốn 9,85 tỷ đồng, xây dựng đường Giồng Riềng – Vị Thanh dài 37km
với số vốn 8 tỷ đồng. Đồng thời chuẩn bị khởi công 4 tuyến đường khác. Tỉnh
cũng đã phân bổ kế hoạch cho các hộ nghèo và hộ chính sách khác vay vốn trong
vùng ngập lũ trên 1m năm 1996 là 2.73 hộ thuộc 5 xã, năm 1997 cho 5.076 hộ
thuộc 10 xã.
Quyết định 99TTg của Nhà nước khi được hoàn thành,
tương lai của vùng ngập lũ Tứ giác Long Xuyên, vùng đất xa xôi và đầy bí ẩn của
Đồng bằng sông Cửu Long… rất sáng sủa. Một cuộc sống phong phú, đa dạng sẽ được
thiết lập ở một vùng đồng bằng rộng lớn lại có núi, có biển này.
* Vùng 6:
Vùng Đồng Tháp Mười
Sau ngày 30/4/1975 chúng ta đã xếp Đồng Tháp Mười
xuống hàng thứ 6 trong 6 vùng sinh thái nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Vì
lẽ, Đồng Tháp Mười nhiễm phèn nặng, khô hạn về mùa nắng, ngập úng về mùa lũ,
chỉ có cỏ năn, tràm hoang, rắn rít, muỗi mòng và cây lúa nổi sống được ở đây.
Là
vùng hoang hóa, về mùa lũ, trước kia còn được gọi là mùa nước nổi, Đồng Tháp
Mười trên trời dưới nước! Nhưng vì không có dân định cư trong vùng, nên thời đó
không ai phải quan tâm đến lũ lớn hay lũ nhỏ. Lũ không làm chết ai, còn đem lại
tôm cá, phù sa và cây lúa trời không trồng mà có lúa, nên lũ khi đó còn được
gọi là lũ lành. Ngày nay, chúng ta khai phá đất hoang, đưa dân cư vô ở, xây nhà
xây cống, thâm canh cây lúa hai vụ năng suất cao phải đầu tư lớn. Vì thế, lũ
trở thành tai họa lớn với Đồng Tháp Mười hàng năm. Chỉ tính riêng huyện Tân
Thạnh, một huyện mới thành lập trong vùng Đồng Tháp Mười thuộc Long An, trong
hai mùa lũ lớn năm 1994 và 1995 đã thiệt hại trên 45 tỷ đồng và làm chết 22
người (!)…
Quyết định 99TTg và Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa lớn
đối với số phận của Đồng Tháp Mười trong giai đoạn phát triển mới. Với Quyết
định 99TTg, 3 chương trình lớn được đầu tư 2.000 tỷ đồng từ 1996 đến năm 2000,
thì dự án đầu tư chống lũ bảo vệ dân cư và phát triển sản xuất ở vùng ngập lũ,
trong đó chủ yếu cho vùng Đồng Tháp Mười đã chiếm 1.500 tỷ đồng. Nhìn vào bản
đồ dự án thủy lợi cho Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2000, các công trình
chống lũ cho vùng ngập sâu ở Đồng Tháp Mười như công trình kênh Tân Thành – Lò
Gạch, kênh Hưng Điền, công trình đê bao thị trấn Tân Hồng… đều đứng ở vị trí
đầu bảng với số vốn đầu tư lớn nhất …
Ngay 7 tháng đầu năm 1996, các công trình như kênh Tân
Thành – Lò Gạch đã được khởi công và triển khai với số vốn xây dựng 21 tỷ 640
triệu đồng, tức 77% vốn kế hoạch, công trình kênh Hưng Điền với vốn xây dựng 6
tỷ 400 triệu, tức 44% vốn kế hoạch… Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã kiểm tra
từng huyện có các hạng mục các công trình trên với sự quan tâm đặc biệt về vùng
ngập sâu của Đồng Tháp Mười.
Đồng Tháp Mười Đã thực sự bước vào thời kỳ mới với
quyết định 99TTg của Thủ tướng Chính phủ. Những công trường thủy lợi hoạt động
trong Đồng Tháp Mười là những mũi tiến quân mở đường cho vùng đất lịch sử này
tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với cả nước...
L.P.K
VN nên phát triển về mặt du lịch , nghỉ dưỡng , giải trí . Không nên chú trọng về nông nghiệp . Nhất là đồng bằng sông Cửu Long đang nằm trong mối nguy hiểm bị TQ đang khống chế về thượng nguồn về việc xây dựng các đập thuỷ điện .
Trả lờiXóaĐể cạnh tranh với thế giới , đồng bằng sông Cửu Long nên chú trọng về nuôi trồng thuỷ sản hơn trồng trọt . Đời sống của nông dân lệ thuộc vào sưj bù lỗ của nhà nước về mặt giá cả . Do đó , vì lợi nhuận mà ép giá người nông dân thì đây là hành động bóc lột tệ hại nhất .
Kết hợp được giữa du lịch và sinh thái nông nghiệp sẽ mang lợi giàu có và ổn định cho VN hơn là duy nhất phát triển nông nghiệp bằng hiện đại khoa học .
Không đâu trên thế giới có ưu điểm hơn VN về vẻ đẹp thiên nhiên và thời tiết thuận lợi du lịch cho cả bốn mùa . Nhờ rặng Trường Sơn chạy sát biển , cỏ cây xanh tốt quanh năm , nghành du lịch VN có thể phát triển và cạnh tranh ăn đứt cả thế giới kể cả Hawaii của Mỹ .
Muốn thế , chúng ta cần sự hợp tác đầu tư của các tập đoàn đầu tư nghỉ dưỡng của thế giới về khách sạn và sòng bạc . Đồng thời phải nâng cao dân trí về kiến thức phục vụ , nhân phẩm và nhân cách cùng đạo đức của dân tộc , đây là việc làm khó khăn hơn kỷ thuật và tiền bạc .
Muốn tìm được nguồn ngoại hối đổ dồn vào VN mạnh mẽ , đời sống nhân dân ổn định , đây là con đường hàng đầu cho tất cả mọi kế hoạc đầu tư , khi một đất nước tụt hậu hơn thế giới về khoa học , ngân hàng , công nghiệp gần cả một thế kỷ .
Bốn mươi năm độc lập , với 20 năm lấy sức người để làm nên sỏi đá cũng thành cơm , tiếp theo 20 còn lại thì lu bu với những nền công nghiệp chẳng đủ sức bám đuôi thế giới . Chúng ta bỏ quên hoặc không biét cách phát triển hai khả năng trời ban cho VN đó là công nghệ thông tin và du lịch nghỉ dưỡng cờ bạc .
Phải có một cái nhìn bao quát về thế giới hôm nay để thấy được nguồn tiền của nhân loại đang chảy về đâu , mình hãy làm chiếc phếu để hứng . Đừng tự ái , đạo đức ba xu , khi một đất nước tụt hậu 100 năm so với một cường quốc , đang phải thế ngoi đầu để tiến lên trước một áp lực chung cố dìm mình xuống .
Du lịch nghỉ dưỡng thì Ok. Nhưng cờ bạc thì KHÔNG ! Chúng ta cần tiền, nhưng đừng để đến lúc tay nắm một đống tiền mà chẳng có hạnh phúc. Xã hội Cờ bạc là xã hội bẩn thỉu- đứa ngu nhất cũng biết.
Trả lờiXóa