Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Đồng bằng sông Cửu Long – 40 NĂM NHÌN LẠI - Kỳ 2


* LÊ PHÚ KHẢI
(tiếp theo) 
II - ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRƯỚC NĂM 1975
A/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi…
                                     (Thơ Huỳnh Văn Nghệ)
          Sau 45 năm bất phân thắng bại với các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài (1727-1772), chấm dứt cuộc chiến, các chúa Nguyễn lo “mở cõi” về Phương Nam. Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, đất hoang ngút ngàn “ruộng không cần cày, phát cỏ rồi cấy, cấy một hột thóc, gặt được 300 hột” như Lê Quý Đôn đã viết trong “Phủ biên tạp lục”… luôn được các chúa Nguyễn coi trọng, xem là miền đất hứa, là hậu phương, là chỗ dựa, là căn cứ địa về kinh tế cho cuộc tranh bá đồ vương… nuôi ý chí thống nhất giang sơn của mình ...
          Ngay từ năm 1659, Triều đại Paramaraja VIII của Chân Lạp đã cho phép thần dân của chúa Nguyễn được định cư trên lãnh thổ Chân Lạp, được sở hữu đất đai mà họ khai thác như một công dân Khmer vậy.
         Chúa Nguyễn rất khuyến khích việc đưa dân lưu tán vào khai thác vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long. Để mở mang vùng đất mới, tạo điều kiện cho khẩn hoang, đi lại, buôn bán… các chúa Nguyễn đã cho đào các con kênh quan trọng từ những năm đầu của thế kỷ 18 (1705) ở vùng Mỹ Tho. Qua đến đầu nhà Nguyễn, tức một trăm năm sau (đời Gia Long 1802-1820), một trong số các con kênh này được đào vét quy mô và được đặt tên là sông Bảo Định. Cái tên đó được giữ đến bây giờ. Một nhà thơ đương đại với chúng ta quê ở xã Mỹ Thiện huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang đã lấy tên con sông đó đặt bút hiệu cho mình: Bảo Định Giang (!).
        Vào đầu thế kỷ 18, Đồng bằng sông Cửu Long được mở rộng thêm nhờ sát nhập của đất Hà Tiên. Nguyên Hà Tiên do một người Trung Hoa là Mạc Cửu vượt biển đến mở mang. Đến năm 1708, Mạc Cửu ra Thuận Hóa xin quy phục chúa Nguyễn, và được chúa Nguyễn lập Mạc Cửu làm tổng binh Hà Tiên, và đổi đất Hà Tiên thành trấn. Lần lượt các năm 1732, 1756 vùng Mỹ Tho, Long Hồ rồi Tầm Bôn, Lôi Lạp (Tức Long An và Gò Công ngày nay) được các vua chúa Chân Lạp nhường cho chúa Nguyễn. Sau đó Mạc Thiên Tứ (thay cha là Mạc Cửu cai quản đất Hà Tiên) còn được các Chân Lạp tặng cho 5 phủ nữa để sát nhập vào đất Hà Tiên. Như vậy là sau gần một thế kỷ, các chúa Nguyễn đã tiến đến mũi Cà Mau – giang sơn của chúa Nguyễn liền một dải từ sông Gianh đến vịnh Thái Lan.
        Trong thời kỳ giao tranh với nhà Tây Sơn (1771-1802) Đồng bằng sông Cửu Long vẫn được các chúa Nguyễn chú ý khẩn hoang. Sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh Gia Long (1802-1820) và các triều vua Nguyễn sau đó: Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883) đều chú ý đến việc khai hoang trên quy mô cả nước mà Đồng bằng sông Cửu Long là một trọng điểm.
Để tiến hành khẩn hoang Đồng bằng sông Cửu Long, nhà Nguyễn đã rất chú trọng việc đào kênh, dẫn nước vô đồng ruộng đồng thời tạo nên một hệ thống đường thủy thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển lúa gạo, buôn bán ở vùng đất mới này.
          Trong hệ thống kênh rạch được đào bằng sức người ấy, có thể kể ra một số con kênh chính như sau:
         Kênh Đông Xuyên – Kiên Giang đào năm 1818, đây là con kênh dài đầu tiên được đào dưới triều Nguyễn. Kênh được đào theo một lạch nước cũ và sau một tháng thì hoàn thành. Để ghi công người phụ trách đào kênh là Thoại Ngọc Hầu, vua Gia Long lấy tên ông đặt cho con kênh mới mà sách sử quen gọi là sông Thoại Hà. Kênh Vĩnh Tế được khởi công vào năm 1819, dài 100 km chạy từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Những con kênh được hình thành từ thế kỷ trước cũng được nhà Nguyễn nạo vét, nới rộng như kênh Bảo Định ở Mỹ Tho, kênh Ruột Ngựa ở Chợ Lớn.
          Trong số những kênh đào ở Đồng bằng sông Cửu Long dưới triều Nguyễn, có một con kênh nổi tiếng mang tên người phụ nữ, đó là kênh Vĩnh Tế - tức Châu Vĩnh Tế, vợ Thoại Ngọc Hầu, vì bà đã có công giúp chồng đôn đốc sức dân binh đào kênh như đã kể ở trên. Kênh Vĩnh Tế chạy men theo biên giới Việt Nam – Campuchia. Sách “Lịch sử Việt Nam” của tác giả Tôn Nữ Quỳnh Trân do NXB Trẻ TP.HCM ấn hành 1988 đã kể về con kênh nổi tiếng này như sau: “Để tiến hành việc đào con kênh này, nhà Nguyễn đã để ra hơn hai năm cho việc chuẩn bị. Nguyên vào năm 1817, sau khi đặt nền bảo hộ trên đất Chân Lạp, vua Gia Long muốn củng cố mặt sau của Nam Vang, cho tăng cường, sửa sang đồn Châu Đốc. Nhưng đường từ Châu Đốc đến Hà Tiên lại không thông, nhà vua xuống chiếu điều động người Việt đẵn chặt gai góc cây cối để khai thông dòng sông. Mọi chi phí do Gia Định chu cấp. Công việc tiến hành chưa bao lâu thì qua hai năm sau nhà vua chỉnh lý lại kế hoạch đào kênh. Nhà vua cho đo đạc lại cẩn thận các đoạn cần phải đào, lên danh sách rạch ròi chiều dài của mỗi đoạn, vạch con đường kênh tiếp giáp với sông Giang thành thông ra vịnh Thái Lan.
         Vua giao cho Nguyễn Văn Thoại (1762-1829) chỉ huy công trình này. Bấy giờ Nguyễn Văn Thoại đang giữ chức Trấn thủ Định Tường, đồng thời làm Bảo hộ Chân Lạp. Ông cũng vừa hoàn thành công trình đào sông Tam Khê (1818) nối cảng Đông Xuyên đến sông Kiên Giang. Công trình này được hoàn thành chỉ trong vòng một tháng. Ghi công cho ông, vua Gia Long đã đặt tên cho con sông đào này là Thoại Hà.
Cùng thi công trên công trình đào kênh Châu Đốc – Hà Tiên, còn có hai phụ tá của Nguyễn Văn Thoại là Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên và Điều bát Nguyễn Văn Tồn. Công trình được chia làm nhiều đợt, bắt đầu bằng việc phát cỏ vào năm 1818 chiếu theo đồ bản đã được vạch từ trước. Mười chiếc thuyền được phái đi khảo sát thực tế các lòng sông, xem đoạn nào cạn hẹp, đoạn nào cây cỏ đã được cắt phát cùng biên chép các chế độ thủy triều, định vị các nơi giáp nước (là nơi hai dòng thủy triều giáp nhau, nước đứng không chảy phải đợi khi nước ròng mới chuyển được).
          Công việc đào vét được khởi công vào tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819) bắt đầu từ sau đồn Châu Đốc kéo dài về phía Nam 3265 trượng (3265 x 3.2 = 10448m). Dân ở tỉnh Vĩnh Long được chia thành phiên, mỗi phiên 5.000 người, binh lính đang đồn trú ở đồn Uy Viễn cùng đồn Châu Đốc có 500 người được trưng dụng cho việc đào kênh. Ngoài ra vua Chân Lạp cũng phải cho dân mình tham gia vào việc đào vét, cử mỗi phiên là 5.000 người, có 100 quan Chân Lạp phụ trách số người này. Mỗi phiên làm việc trong một tháng và hạn định là ba tháng thì hoàn tất công trình này. Đoạn công trình được chia làm hai phần. Phần ngắn khoảng 3000m nhưng đất cứng do người Việt đào.                Dân làm xâu hàng tháng được lãnh sáu quan tiền và một vuông gạo.
       Sử liệu ghi lại rằng để cho đường kênh được thẳng Nguyễn Văn Thoại cho đốt đuốc trên những cây sào dài, vào ban đêm những cây sào lửa ấy là những cọc tiêu để nhắm đường kênh cho ngay thẳng.
          Đoạn công trình này được hoàn thành sau đó ba tháng. Nhà vua xuống chỉ đặt tên cho dòng sông mới khai này là Vĩnh Tế.
          Đến đời Minh Mạng, công trình đào kênh Vĩnh Tế được nhà vua đặc biệt chú ý ngay từ năm đầu mới lên ngôi (1820). Nhà vua “không ngại phí tốn nhiều, mong cho chóng xong việc sông, cho yên công trước” (Đại Nam Hội Điển Sử Lệ, Huế, 1993, tập 13, Tr. 210), cho tiếp tục công việc. Tuy nhiên, trước nỗi cực nhọc của dân chúng, sau 3 tháng 15 ngày điều động, vua Minh Mạng cho dân phu được nghỉ việc.
         Công việc được tiếp tục vào các năm sau đó. Đặc biệt năm 1822 số dân phu người Việt trưng dụng lên đến 39.000 người. Tất cả chia làm ba phiên. Đợt này đang được thi công nửa chừng lại ngưng vì nạn hạn hán.
         Qua đến năm 1825, còn lại đoạn kênh chưa đào là 1070 trượng (3424m). Vào tháng hai âm lịch, công việc lại được tiếp tục với các dân phu của năm trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, Hà Tiên cùng binh lính các đồn. Có tất cả ba phiên, một tháng lần lượt thay đổi.
Đào thông kênh xong lại trở qua việc nới rộng lòng kênh từ 6 trượng lên đến 12,5 trượng (40m)”.
           Thế là ròng rã hơn 5 năm, con kênh Vĩnh Tế nối Châu Đốc với Hà Tiên đã được thông. Con kênh này không chỉ là phương tiện giao thông, là hệ thống tưới tiêu mà còn là một đường biên cương bằng nước đã được đóng cọc nhiều lần trong các cuộc giao tranh. Chỉ bằng sức người, con kênh Vĩnh Tế rộng thênh thang và dài 100km đã hoàn thành. Có biết bao con người đã hy sinh, đã chết cho con kênh xanh, Nguyễn Văn Thoại lấy cốt các dân binh đã chết chôn rải rác dọc con kênh, đưa về cải tang tại triền núi Sam (Châu Đốc) và đây cũng là nơi an nghỉ của Nguyễn Văn Thoại và phu nhân Châu Vĩnh Tế (1826).
Kênh Vĩnh Tế, thành quả lao động to lớn của con người đã được nhà Nguyễn ghi lại hình ảnh trên cao đỉnh, một trong bộ cửu đỉnh danh tiếng của triều Nguyễn”.
Như vậy là người Việt chúng ta đã đào kênh tại Đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ 17 dưới thời các chúa Nguyễn và công việc này trở thành quy mô Nhà nước khi các chúa Nguyễn thống nhất được đất nước, lập nên nhà Nguyễn. Nhìn vào hệ thống kênh đào của các chúa Nguyễn, vua Nguyễn… chúng ta thấy, nó đã vạch những nét phác thảo đầu tiên cho hệ thống kênh rạch cắt dọc, cắt ngang đồng bằng tạo thành những ô vuông rất thuận tiện cho tưới tiêu các cánh đồng, vườn cây, thuận lợi cho giao thông đường thủy…
Hệ thống kênh đào này càng trở nên chằng chịt sau đó… và cho đến hôm nay chúng ta vẫn tiếp tục công việc của cha ông năm xưa là đào kênh đắp đập nhằm hoàn thiện hệ thống thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ sản xuất và đời sống con người.
Đến nay, hệ thống kênh đào ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có chiều dài tổng cộng lên đến 4900 km (trong tổng số 6000 km sông rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa kể đến 11.404 km các luồng lạch nhỏ… ), trong đó có 1575 km rộng từ 18 đến 60 mét, 480 rộng từ 8 đến 16 mét, còn lại là những con kênh có chiều rộng từ 8 mét trở xuống.
          B/ Thời Pháp thuộc đến thời Mỹ - Thiệu
          Khi bình định được đất Nam Bộ, việc đầu tiên là thực dân Pháp tập trung vào khai thác vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm vào cây lúa. Sau đó mới bắt đầu khai thác miền Đông nhằm vào cây cao su. Phương thức khai thác cây lúa Đồng bằng sông Cửu Long của thực dân Pháp từ khi chúng đặt chân lên đất Nam Bộ đến tháng 8/1945 là bóc lột tối đa với vốn đầu tư ít nhất, tức là bóc lột sức lao động của những tá điền nghèo đói, không có con đường nào sinh sống, ngoài việc mướn ruộng trả tô cho địa chủ. Tô cao đến 45-50% sản lượng, ngoài ra còn thêm “tức” do điền chủ cho vay nặng lãi. Suốt đời người tá điền ở Đồng bằng sông Cửu Long nghèo đói và phụ thuộc vào điền chủ!
        Biện pháp của thực dân Pháp để thực hiện bóc lột là đào mương bằng xáng (dùng máy hơi nước) rồi bán đấu giá những ruộng trong vùng được hưởng nước với giá 4 tạ lúa/1 hecta đất với ruộng gần kênh, 2 tạ lúa/ 1hecta với ruộng xa kênh. Với cách này, chúng tạo ra một giai cấp điền chủ làm tay sai cho chúng để bóc lột tá điền suốt gần một thế kỷ cai trị (!).
         Ngay từ năm 1860, một năm sau khi phá đồn Gia Định, Pháp đã mở cảng Sài Gòn bán gạo cho 246 chiếc tàu, chở đi 54.000 tôn-nô trị giá 5 triệu phơ-răng. Pháp đào kênh Xàno (1903), kênh Chợ Gạo (1908) làm đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho, xây cầu qua 2 sông Vàm Cỏ (Đông và Tây) sau này, cũng nhằm chuyên chở gạo. Đến năm 1890 Pháp đã xuất 500 ngàn tấn gạo. Năm 1900 xuất 775 ngàn tấn. Từ năm 1930 Pháp thành lập Sở lúa gạo Đông Dương nhưng hoạt động chính ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sở lúa gạo có hoạt động chọn lọc giống địa phương nhằm nâng cao chất lượng gạo. Nhưng do nghèo đói, tá điền không quan tâm gì đến cải tiến kỹ thuật canh tác, các giống lúa mới chỉ được áp dụng trên phạm vi hẹp. Bình quân năng suất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1926 đến năm 1930 là 1,15 tấn/1 hecta, năm 1943 được mùa nhất cũng chỉ 1,4 tấn/1 hécta. Diện tích lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 1930 đạt 2,3 triệu hecta. Tuy quảng canh năng suất thấp nhưng do diện tích lớn, dân số còn thưa nên vẫn có gạo xuất hàng năm. Đỉnh cao nhất vào năm 1940 vào khoảng 1,8 triệu tấn, đứng thứ hai trên thế giới sau Miến Điện (2,5 triệu tấn).
Sau cách mạng tháng 8/1945, suốt thời kỳ 30 năm chống Pháp và chống Mỹ, cây lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã chịu đựng những thử thách lớn lao, trải qua những chế độ xã hội khác nhau với những mưu đồ khác nhau.
          Trong kháng chiến chống Pháp 9 năm, chính sách ruộng đất “người cày có ruộng” của Đảng và Nhà nước đã gắn bó người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long với kháng chiến và cách mạng. 817 ngàn hecta ruộng đất đã được cách mạng chia cấp cho nông dân trong thời kỳ này. Đến thời Mỹ, không chỉ nhằm có khai thác như kiểu thực dân Pháp, chế độ Sài Gòn chia nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long ra làm hai khu vực. Khu vực gọi là an toàn thì chúng mua chuộc và khống chế. Ở khu vực chưa chiếm được thì đánh phá, hủy diệt. Họ dồn dân vào ấp chiến lược. Thực chất là nhằm tàn phá sức sản xuất. Bác Phan Công Châu, một du kích đã tham gia trận Ấp Bắc (1963) thuộc xã Tân Phú huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang kể lại rằng: Sau trận Ấp Bắc, đi đánh phá đâu về, còn thừa bom đạn, máy bay đều dành về qua Ấp Bắc mới dội xuống! Xã chúng tôi đến hòa bình lập lại có đến hơn 80 thanh niên tàn tật vì bom đạn.
          Bởi vậy, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị thất bại, sau này Mỹ - Thiệu lại đưa ra chính sách “hữu sản hóa nông dân” ra luật “Người cày có ruộng”. Nhưng chỉ đưa tới việc xáo trộn ruộng đất, gây chia rẽ trong nông thôn mà thôi. Thật là có duyên, khi tôi đang viết những dòng này thì nhận được cuốn “Đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả Phan Quang gửi cho từ Hà Nôi qua đường bưu điện. Đây là cuốn sách viết về Đồng bằng sông Cửu Long rất sớm sau ngày đất nước thống nhất. Nó được tái bản nhiều lần. Cuốn sách mà tôi vừa cầm trên tay đây là cuốn Đồng bằng sông Cửu Long của Phan Quang được tái bản lần thứ 5 bởi nhà xuất bản Lao Động. Chỉ cần nhìn hình thức cuốn Đồng bằng sông Cửu Long của Phan Quang được tái bản lần đầu vào năm 1985 do NXB Cửu Long và Mũi Cà Mau…, nó được in bằng những “cỡ” chữ nhỏ li ti trên thứ giấy đen xì, mà tôi đã phải đọc nhiều lần đến toét con mắt với cuốn sách mới tái bản hôm nay, giấy trắng phau, chữ in rõ ràng, đọc “vừa mắt”, bìa nhìn “mát mắt” thì đã thấy Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thay đổi qua 40 năm, phải “nhìn lại” nó là cần thiết (!).
         Khi đất nước vừa thống nhất, từ con mắt quen nhìn những mảnh ruộng bé nhỏ ở đồng bằng Bắc Bộ, những mảnh ruộng khô cằn ở miền Trung… Phan Quang bắt gặp “gần bốn triệu hécta đất đai tự nhiên bằng phẳng một cách kỳ lạ”, với cảm xúc dạt dào của một nhà văn, ông đã thốt lên: “Như vậy đó, hiện tại và hoang sơ, bí ẩn và cởi mở, giàu có và khó nghèo chen lẫn, Đồng bằng sông Cửu Long hiện lên trước mặt ta, ngồn ngộn sức sống” (Đồng bằng sông Cửu Long – NXB Mũi Cà Mau – 1985, trang 10). Nhưng với con mắt sắc sảo của một nhà báo có hiểu biết rộng và tầm nhìn chiến lược, ở trang 164 của sách này, ông đã nhận xét: “Mỹ và chế độ cũ đưa hàng loạt máy bơm nhỏ cho từng gia đình nông dân, nhưng tuyệt nhiên không làm những công trình thủy lợi đầu mối. Nói cách khác, tình trạng lệ thuộc vào thiên nhiên vẫn y nguyên như trước, thậm chí cả trăm năm về trước… Nông dân bỏ mất tập quán dùng phân chuồng phân xanh. Và khỏi phải nói, một khi toàn bộ xăng dầu, phụ tùng thay thế, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, phương tiện vận chuyển, các loại máy gặt, đập, sấy khô, xay xát, chế biến đều lệ thuộc nước ngoài, thì nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam cộng hòa còn lại những gì? Có thể nói không sợ ngoa rằng, hạt lúa làm ra ở Đồng bằng sông Cửu Long thời Mỹ - Thiệu, trừ ánh sáng mặt trời cần thiết cho sự quang hợp, còn thì phụ thuộc vào nước ngoài!”
          “… Những công trình thủy lợi đầu mối” mà tác giả nhắc đến ngay từ buổi ban đầu đất nước thống nhất với Đồng bằng sông Cửu Long, đó chính là gót chân A-Sin (Achille) của nền nông nghiệp miền Tây Nam bộ. Tôi cũng bắt chước tác giả Phan Quang mà nói “không sợ ngoa” rằng: Mọi cố gắng của chính thể mới sau năm 1975 đều dồn sức vào “Những công trình thủy lợi đầu mối” mà ông Thủ Tướng quê ở Vĩnh Long Võ Văn Kiệt đã nói một cách quả quyết: “Đồng bằng sông Cửu Long đi lên bằng cái gì, công nghiệp hóa bằng cái gì… nếu không phải là cơ sở hạ tầng – là cái rất cơ bản để giải quyết hàng loạt các vấn đề khác. Hạ tầng đó là thủy lợi gắn với giao thông và gắn với đời sống. Để làm được điều đó trong tình hình hiện nay, thời gian như thế, là một yêu cầu rất cao và rất gay gắt. Nhưng đó là một sự lựa chọn không cách nào khác. Vì thế, chúng ta phải tập trung, phải dành dụm, phải huy động một cách cao nhất tài lực và vật lực. Nhưng nếu chúng ta không lựa chọn phương án hết sức khó khăn này thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tụt hậu xa, chẳng những nguy cơ với đồng bào vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn nguy cơ đến nhịp độ phát triển của đất nước”. (Trích băng ghi âm phát biểu tại Hội nghị triển khai Quyết định 99TTg ngày 13-3-1996 tại TP.HCM – do tác giả của cuốn sách này ghi âm tại chỗ). Đất nước đã hòa bình là điều kiện tốt để xây dựng những công trình lớn.
         Phần phát biểu trên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt được trích dẫn ngay trang đầu, có kèm ảnh Thủ tướng đang phát biểu trên Hội nghị trong cuốn “Hồ sơ Đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả, in năm 2000 do NXB Thanh Niên ấn hành.
         Đến đây, xin mở ngoặc, nói một câu chuyện vui. Khi tác giả đưa bản thảo cuốn “Hồ sơ Đồng bằng sông Cửu Long” để cố vấn Võ Văn Kiệt đọc. Xem xong cố vấn trả lại không nói gì cả. Trợ lý của cố vấn lúc đó là ông Vũ Đức Đam, khi đưa trả lại bản thảo cuốn sách này cho tác giả, ông Đam nói: Phải sửa lại lời Thủ tướng Võ Văn Kiệt… vì nó… lủng củng!!! Tác giả đã phải giải thích: Đây là tôi trích nguyên văn lời “nói vo”, không phải diễn văn viết sẵn, nên nó phải là như thế, không thể khác được… băng ghi âm hiện tôi còn lưu giữ…!!!
           Viết đến đây, bên tai tôi còn văng vẳng lời Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó, ông nói rất quyết liệt, rất hùng hồn với tất cả tâm huyết… trước một cử tọa ngồi chật cả Hội trường Dinh Thống Nhất tại TP.HCM, gồm cán bộ chủ chốt của tất cả các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ cấp huyện trở lên, ngoài ra còn có đại biểu của các Bộ - Ngành của Trung ương, có cả các lãnh đạo hai huyện ở Đồng bằng Bắc Bộ đã làm tốt các “Công trình thủy lợi đầu mối” để báo cáo kinh nghiệm cho Đồng bằng sông Cửu Long…
         “... Các công trình thủy lợi đầu mối” mà nhà báo Phan Quang đã nhắc đến từ ban đầu... chính là đề tài, là công việc đã phải làm ở Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1996 về sau với bao nhiêu khó khăn, vất vả và cả những thắng lợi to lớn đáng ghi nhận ở đồng bằng, cũng như biết bao lời chỉ trích nặng về sau này cần phải được minh bạch hóa trên tinh thần khoa học, khách quan... Đó cũng chính là phần cơ bản của cuốn sách này sẽ được trình bày ở phần sau...
  
III - NHỮNG BƯỚC ĐI BAN ĐẦU
          Sau ngày đất nước thống nhất, Ban Nông vận khu 9 đã điều tra cho hay, trong toàn khu có 77.841 hộ nông dân bị xáo trộn 216.899 hecta ruộng đất, trong đó có 46 ngàn hộ sang bán 86.695 hecta, 101.134 hộ không có ruộng chiếm 21%; 39,5% hộthiếu ruộng đất...
          Về sản xuất, rừng là cái nôi, là nguồn gốc độ phì nhiêu của đất thì đã bị tàn phá, bị rải chất độc hóa học trên hàng triệu hécta. Những tội ác cố ý như thế đã dẫn đến tình trạng từ năm 1965 đến năm 1973, chính quyền Sài Gòn mỗi năm phải nhập 400 ngàn tấn gạo!.
          Sau ngày 30/4/1975, từ những vùng bị dồn ép, từ thị xã, thành phố... nông dân Đồng bằng sông Cửu Long trở về với ruộng đồng. Trên hoang tàn đổ nát của chiến tranh hủy diệt, người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long lại tưới mồ hôi lên đồng ruộng để xây dựng lại cuộc sống của mình. Một phong trào khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi rầm rộ khắp nơi. Kết quả là vụ lúa Đông – Xuân đầu tiên 1975 – 1976 đã thắng lợi lớn. Tổng sản lượng lúa cả năm của Đồng bằng sông Cửu Long năm 1976 đạt 4,61 triệu tấn, ổn định lương thực trong vùng và ngay năm đầu tiên đó Đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp cho cả nước gần 1 triệu tấn lương thực, điều hòa cho miền Bắc và miền Trung bị thiên tai nặng!.
           Ngay từ những năm đầu cây lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã lựa chọn con đường từ quảng canh một vụ mùa sang thâm canh tăng vụ với giống mới năng suất cao. Đó là sự lựa chọn đúng. Nhưng ngày vui “ngắn chẳng tày gang” hiểm họa đã ập đến với nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là trận lũ lụt lớn năm 1978. Kể từ trận lụt thế kỷ 1961, đây là lần thứ hai, Đồng bằng sông Cửu Long chứng kiến một trận lũ lớn như thế. Sau lũ lớn, vụ Đông – Xuân 1978 – 1979 theo quy luật phải được mùa vì đồng ruộng được bồi đắp phù sa, nhưng thiên tai lại ập đến. Đó là nạn sâu rầy chưa từng có tàn phá đồng ruộng trên diện rộng. Lần đầu tiên trong lịch sử “mang gươm đi mở cõi” của mình, người nông dân tại vựa lúa gạo này phải ăn bo bo. Đến nay, cứ nhắc đến năm 1978, những người lớn tuổi ở Đồng bằng sông Cửu Long lại nhắc đến hai từ bo bo (!)
           Thiên tai lũ lụt sâu rầy rồi cũng qua đi, nhưng những tai họa do con người tự mang đến cho mình lại phủ bóng đen lên Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là những chủ trương nóng vội đưa nông dân vào Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất. Ruộng đất được đưa vào làm ăn tập thể “cha chung không ai khóc” nên sản xuất đình đốn, đất đai, ruộng vườn không được chăm sóc nên thiếu hụt hàng hóa, lương thực... khiến đời sống người nông dân ngày một sa sút. Phó giáo sư tiến sỹ Vũ Trọng Khải, một chuyên gia hàng đầu về khoa học quản lý nông nghiệp phải thừa nhận: “Chúng ta vận động nông dân vào Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất trên cơ sở tập thể hóa quyền sở hữu ruộng đất và đã căn bản hoàn thành vào năm 1985. Nhưng trên thực tế, mục tiêu phát triển sản xuất, cải thiện đời sống của hợp tác hóa không thực hiện được, trình độ sản xuất hàng hóa giảm nghiêm trọng...” (Hai mô hình kinh tế và sự đổi mới kinh tế qua thực tiễn phát triển nông nghiệp ở Việt Nam – NXB Chính trị Quốc gia – 2002, trang 515).
           Cùng với việc tập thể hóa nông nghiệp, chính sách quản lý thị trường, ngăn sông cấm chợ đầu những năm 80 thế kỷ trước, những lộng hành của hệ thống các trạm trại quản lý thị trường, thâu thuế, đăng kiểm tàu bè ở cái xứ sông rạch chằng chịt này đã gây nên bao bất bình, căm phẫn cho người nông dân vốn rất hiền lành ở Đồng bằng sông Cửu Long.
           Đầu những năm 80, người viết cuốn sách nhỏ này có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long với tư cách là phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam tại đồng bằng, có dịp rong ruổi trên sông nước Cửu Long đã chứng kiến tận mắt những cảnh rất đau lòng do bộ máy quan liêu, hống hách, tiêu cực gây ra với đồng bào.
          Những năm 80 là những năm diễn ra cảnh “ngăn sông cấm chợ” khủng khiếp nhất ở nước ta. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nhiều hàng hóa nông sản nhất nước, cảnh ngăn sông cấm chợ càng tệ hại. Trạm thuế Tân Hương, vị trí giáp ranh của tỉnh Tiền Giang với Long An là địa danh khét tiếng một thời. Xe cộ từ các tỉnh miền Tây lên đến đây bị ùn tắc vì phải đỗ lại để quản lý thị trường khám xét. Khách hàng phải xuống xe hết để nhân viên quản lý thị trường lên xe xăm soi từng cái gầm ghế. Một cân gạo, một trái dừa khô, một ký đường… cũng bị tra hỏi. Có anh bộ đội về phép đem 10 kg gạo, khi bị quản lý thị trường giữ, anh ta nói có giấy phép của ông Đỗ Mười, quản lý thị trường quát: “Dù là ai cũng tịch thu!”. Sự việc trên ra đời ở cái vùng nhiều lúa gạo nhất ở nước này là Đồng bằng sông Cửu Long.
           Tôi đã có lần đi qua trạm Tân Hương, lấy máy ảnh chụp đoàn xe nối đuôi nhau cả cây số để chờ khám xét, đã bị quản lý thị trường trạm Tân Hương bắt, nhốt vào một cái phòng tối om cả nửa ngày, mặc dù trước đó, đã trình thẻ nhà báo, nhưng vẫn bị tịch thu cuộn phim trong máy ảnh. Khi về cơ quan thường trú ở TP.HCM, báo cáo việc này, giám đốc Nguyễn Thành đã bảo tôi viết một bài ghi nhanh ở Tân Hương, nhưng khi thu băng rồi, gửi ra Hà Nội, đài Tiếng nói Việt Nam cũng không dám phát, vì lúc đó việc quản lý thị trường là “một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước!”.
         Nhưng nói đến nạn ngăn sông cấm chợ thì những năm đầu thập niên 80 (Thế kỷ 20) ở Đồng bằng sông Cửu Long phải nói đến tình trạng vận chuyển đường sông mới là đáng nói. Vì đa số hàng hóa ở đồng bằng đều do đường sông đảm nhiệm. Sông Tiền và sông Hậu rộng mênh mông nối với mạng lưới kinh rạch chằng chịt ở đồng bằng, có những nơi hẻo lánh và đặc điểm của vận tải sông là ghe thuyền chạy suốt đêm ngày, vì động cơ của nó luôn có cấu tạo để luôn có nước sông làm mát, không như ô tô chạy trên bộ. Các trạm thuế vụ, trạm quản lý thị trường đều được trang bị súng… nên họ lộng hành và dân vận tải sông rên xiết dưới sự “kiểm soát” của họ. Một cái ghe chở hàng mấy chục tấn, đang chạy giữa sông Tiền, sông Hậu rộng mênh mông, chỉ cần nghe một phát súng trường nổ trên bờ là phải quay vào để thuế vụ, quản lý thị trường kiểm tra giấy tờ, khám xét hàng hóa. Nếu đủ giấy tờ và không chở “hàng lậu” thì cũng phải nộp tiền chi phí phát đạn vừa nổ để báo hiệu tàu thuyền phải quay vào bờ… Giá tiền một phát đạn như thế muốn tính bao nhiêu cũng phải chịu. Tôi đã đi theo một đoàn ghe 5 chiếc, mỗi chiếc có tổng trọng tải 25 tấn của Hợp tác xã vận tải đường sông Rạch Gầm tỉnh Tiền Giang chở thuê cho nhà nước từ các kho ở tỉnh Kiên Giang lên kho của Tổng công ty lương thực Miền Nam ở TP.HCM, cả đi lẫn về 11 ngày liền nên đã được chứng kiến tận mắt cảnh các trạm kiểm soát dọc đường sông ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hành hạ các chủ ghe và thủy thủ của họ như thế nào. Có chủ ghe nói thẳng với tôi, sẽ tu sửa ghe thật tốt rồi sẽ đưa cả vợ con đi vượt biên, không thể sống với các ông được! Sau chuyến đi đó, tôi đã viết bài điều tra mang tên “Đi theo những con thuyền mang tên Rạch Gầm”, báo Sài Gòn Giải Phóng đầu tháng 12-1986 đã đăng bài phóng sự đó. Chính đại tá Hoàng Cuông, Trưởng ty công an Hải Hưng năm xưa, người được nhắc đến như một điển hình tốt của bộ Công An đã đọc được bài báo đó khi ông nhận chức Cục phó một cục của Bộ có cơ quan phía Nam. Đại tá Hoàng Cuông đã đi xe Com-măng-ca, nhưng đỗ ở đầu đường, đi bộ đến nơi tôi đang ở tại TP.HCM “để giữ bí mật” theo tác phong của ông, để gặp tôi và hỏi chuyện sau khi đọc bài phóng sự trên báo. Tôi đã nói thẳng với vị đại tá công an này, là người ta sẽ bỏ nước đi hết nếu Đảng không thay đổi đường lối lãnh đạo, vẫn ngăn sông cấm chợ kiểu này!.
         Đó là chuyện tôi viết báo công khai, tôi còn làm một “báo cáo mật” cho Chủ tịch Tiền Giang Nguyễn Công Bình về việc các trạm thuế trên các đường sông. Đó là một lần tôi đang đi lang thang bên rạch Bảo Định ở Mỹ Tho. Tôi nghe thấy một bà chủ ghe dưới rạch lớn tiếng than: “Kỳ này đi về tôi sẽ đốt ghe, không đi buôn nữa!” Tôi vội lao xuống xem sự tình như thế nào. Thấy chiếc ghe khá lớn mang biển số KG, tôi biết là ghe của tỉnh Kiên Giang. Bà chủ ghe cho tôi hay, ghe của bà có trọng tải 21 tấn, bà chở đủ 21 tấn khoai mỳ (sắn) lên Thành phố Hồ Chí Minh bán, nhưng đi qua các tỉnh, các trạm thuế đều bắt đóng thuế “bổ sung” lấy lý do bà chở quá trọng tải 21 tấn quy định. Nếu không đóng thuế “bổ sung” thì phải dỡ khoai mỳ lên cân lại! Bà than: “Bốc đủ 21 tấn khoai mỳ lên cân lại thì bằng thắt cổ tôi cho xong!” Đó là cách bắt chẹt, bóp cổ dân của các trạm thuế. Ghe của bà trọng tải 21 tấn nhưng khi lên đến trạm thuế Kinh Nước Mặn tỉnh Long An – một trạm thuế “kinh hoàng” trên đường sông như trạm Tân Hương trên đường bộ ở Đồng bằng sông Cửu Long thời đó, thì số hóa đơn thu thuế “bổ sung” đã lên đến 20 tấn, xấp xỉ trọng tải chiếc ghe 21 tấn của bà. Đến Kinh Nước Mặn, chồng bà phải tháo chiếc đồng hồ Seiko đeo tay để trạm thuế “cầm”, như người ta “cầm đồ”, đợi khi nào lên TP.HCM, bán được khoai mỳ, lúc trở về sẽ chuộc (!). Khi lên đến TP.HCM, trạm thuế thành phố miễn thuế cho bà vì lúc đó TP.HCM có chính sách miễn thuế cho các ghe chở lương thực như khoai mỳ lên cứu đói cho thành phố. Thành phố muốn có khoai mỳ để cán bộ công nhân viên và nhân dân thành phố ăn sáng! Chính sách của TP.HCM như thế lúc đó, mà sau này người ta gọi là chính sách “xé rào” của thành phố. Tôi hỏi bà chủ ghe mang biển số KG: “Những trạm thuế nào ở Tiền Giang thu thuế bổ sung của bà?”. Bà cho biết tất cả các huyện của Tiền Giang mà ghe bà chạy qua đều bắt nộp thuế bổ sung như: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành… Tôi xin bà các hóa đơn thu thuế bổ sung, bà cho ngay, trong đó còn có cả cái giấy biên nhận giữ đồng hồ của chồng bà ở trạm thuế Kinh Nước Mặn, khi ghe bà quay về, chuộc lại mà trạm Kênh Nước Mặn quên không đòi lại. Với chứng cứ ấy trong tay, suốt đêm hôm ấy tôi viết bản “báo cáo mật” về vụ đánh thuế chiếc ghe biển số KG…, kèm theo các hóa đơn thu thuế bổ sung. Sáng hôm sau tôi đem báo cáo chủ tịch tỉnh Nguyễn Công Bình. Xem xong “báo cáo mật” của tôi, ông chủ tịch đập tay xuống bàn rất mạnh và không nói câu nào cả. Đến kỳ họp giao ban hàng tuần, có đầy đủ các ty ban ngành trong sở, chủ tịch Sáu Bình đã phê phán gay gắt ngành tài chính và các trạm thuế. Ông đập tay xuống bàn, rồi giơ tập hóa đơn thuế bổ sung lên nói to trước hội nghị: “Thế này thì chúng ta thành kẻ cướp rồi, đâu phải chính quyền Cách mạng!”
           Một ông trưởng ty ngồi cạnh tôi, ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Đây là bọn công an kinh tế tỉnh nó “chơi” bọn tài chính thuế vụ đấy!” (Không ai biết là tôi đã “báo cáo mật” bằng văn bản cho chủ tịch Sáu Bình). Đến buổi chiều, ông chủ tịch gọi tôi đến, bảo tôi viết thay ông một lá thư xin lỗi bà chủ ghe ở Kiên Giang. Ông cho tôi hay: “Sẽ theo địa chỉ ghi trên bảng hiệu của ghe và tên bà chủ ghe để cử cán bộ xuống Kiên Giang xin lỗi bà, bồi hoàn số tiền mà tỉnh Tiền Giang đã đánh thuế oan với bà.
          Chủ tịch tỉnh Tiền Giang là một người như thế, ông nổi tiếng là sáng suốt, cương trực và liêm chính. Nhiệm kỳ chủ tịch của ông, tỉnh Tiền Giang đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long về nhiều mặt.
           Cũng trong khoảng thời gian này, công cuộc khai phá hai vùng đất hoang rông lớn của Đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên chưa thu được kết quả như mong muốn nếu không muốn nói là thất bại. Do duy ý chí và nóng vội, chúng ta đã cho máy bay đi gieo sạ lúa ở nông trường Lúa Vàng tại Đồng Tháp Mười nên thất bại hoàn toàn. Tại Tứ giác Long Xuyên, trong vòng hơn 10 năm, đầu từ năm 1975 đến 1987, mọi cố gắng của hai tỉnh An Giang và Kiên Giang đều kém hiệu quả.
          Tình hình sản xuất và đời sống của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục gặp khó khăn, phải đến khi có chủ trương khoán 100 của Ban Bí thư, rồi khoán 10 của Bộ Chính Trị (tháng 4/1988) thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế chủ thể, hay nói khác đi, ruộng đất trả về cho nông dân… thì tình hình sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long mới khởi sắc.
Nhưng một cơn bão lại ập đến với Đồng bằng sông Cửu Long vào những cuối thập niên 80 là tình trạng tranh chấp ruộng đất. Khác với đồng bằng Bắc Bộ, ruộng đất đã qua cải cách ruộng đất và Hợp tác hóa nông nghiệp đã lâu, chủ đất cũ không còn nữa, hoặc đã quá già, ruộng đất đã được Nhà nước quản lý và phân chia một thời gian rất dài… Ruộng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long mới qua vài năm làm ăn tập thể, chủ ruộng vẫn còn đó, nên chủ trương cào bằng ruông đất “nhường cơm xẻ áo”… Khi khoán 10 ra đời đã thành cuộc đòi lại, chia lại ruộng đất rất gay gắt, khốc liệt.
            Trong vòng 2 năm 1988 – 1989 những cuộc tranh chấp dẫn đến đập phá, đánh chém nhau diễn ra liên tiếp ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hàng đoàn nông dân từ các làng quê kéo lên các thị xã thành phố trong vùng biểu tình đòi ruộng đất diễn ra hàng ngày, hàng tháng… Người bị lấy ruộng để chia cho người khác… đòi!. Người không có ruộng đã được chia ruộng nay bị chủ cũ chiếm lại… đòi!. Người có ruộng nhưng phải giao ruộng cho Hợp tác xã để phân chia, rồi phải nhận ruộng của người khác theo “tiêu chuẩn” nhân khẩu… nay đòi về thửa ruộng cũ của mình do ông bà để lại, do gần nhà v.v… cả đồng bằng náo loạn. Trung ương chưa có chỉ thị, chưa có chủ trương nên các địa phương ở đồng bằng không biết đâu mà lần!
          Trong những ngày này, tôi và các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Tiền Giang, nơi có nạn tranh chấp ruộng đất khốc liệt nhất, đã nhận được thông tin và đến tận nơi có tranh chấp, có khi phải liều mình xông vào những nơi đánh chém để ghi chép, chụp hình. Những hình ảnh mà chúng tôi còn giữ lại đến nay, mỗi khi xem lại, còn thấy… cay xè hai con mắt!
          Tôi đã ghi chép và tổng kết thành 10 nguyên nhân tranh chấp ruộng đất ở tỉnh Tiền Giang. Báo Công An Tiền Giang lúc đó do Thiếu tá Võ Thị Cẩm Hồng phụ trách đã đăng bài tổng kết này dưới dạng “trích sổ tay phóng viên” với nhan đề “Những dạng đòi đất” trong số báo 13, kỳ 1 tháng 12-1988. Số báo này tôi còn giữ, với ý định sau này sẽ dùng làm đề cương cho một cuốn tiểu thuyết về giai đoạn bi thương này ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chưa làm được. Nhân “Nhìn lại 40 năm”, tôi chép lại nguyên văn bài báo đó để độc giả tham khảo…
(còn tiếp)
L.P.K
----------------

8 nhận xét:

  1. Vào thời kỳ cuối, anh em nhà Tây Sơn bất hòa, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ gằm ghè dọa đánh giết nhau. Nguyễn Lữ phải can gián.
    Cũng giống hiện nay...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong thời đại lịch sử co thịnh và suy -
      Từ khi ĐCSVN lảnh đạo đến nay Thịnh chỉ là giọng điệu hô hào : Chiến thắng vẽ vang - Độc lập tự do nhưng nhìn lại dân vẫn khổ -
      Khổ trong kháng chiến chống thực dân Pháp
      Khổ trong chiến tranh huynh đệ tương tàn
      Khổ trong hoà bình không được tự do
      Khổ trong Đất Nước Độc Lập mà không Tự Chủ
      Nhìn chung Dân Tộc VN Đả Khổ Còn Khổ & Khổ Dài Dài
      Nhìn thành phố rảo một vòng khắp TP Sài Gòn - xe cộ chạy đôn chạy đáo lo kế sinh nhai - nhìn khuông mặt đầy khắc khổ từ già đến trẻ - người ngôi đăm chiêu - người đi hớt hải - thỉnh thoảng có va quẹt nhau hùng hổ đánh nhau chí choé - rồi cướp dật đủ khắp mọi nơi - rồi CAGT chận phạt ...
      Xưa Hòn Ngọc Viễn Đông còn bây giờ Thành phố bơi chải
      Buồn cho Đất Nước không có Thịnh mà Suy dài dài .

      Xóa
  2. Cảm ơn nhà báo Lê Phú Khải viết bài hay về đồng bằng sông CL .
    Xin chúc sức khỏe và có nhiều bài hay về '' ĐẤT và NGƯỜI '' nông thôn miền Nam .

    Trả lờiXóa
  3. Từ 196x người ta đã cơ giới hóa, máy bơm, gặt, đập,... giải phóng sức người nông dân, nâng cao năng suất thì ông nhà báo nói phụ thuộc nước ngoài chỉ trừ ánh sáng quang hợp, hay nhỉ, vãi ông nhà báo.

    Trả lờiXóa
  4. Đọc mới phần đầu,tôi thấy tác giả vẫn chưa thoát
    khỏi những thiên kiến do tuyên truyền trước 1975
    khi gọi miền Nam dười chế độ Mỹ - Thiệu chẳng
    hạn,hay "Ấp chiến lược" nhằm triệt tiêu sản xuất,
    song thật ra là để tách cá (VC.) ra khỏi nước(dân),
    nhưng đọc hết,tôi mới hiểu lý do tại sao tác giả
    phải "lên gân" lập trường như vậy: chẳng qua là để
    dễ dàng phê phán nhà nước ta ở phần sau !
    Thời phong biến mà đi làm xâu còn được vua phát
    lương hậu hĩnh như thế thì xem ra còn tốt hơn thời
    "cách mạng".Tôi nhớ có lần tôi bị điều động đi xây
    đập Phú Ninh 1 tháng,kể cả ăn Tết ở đó mà không
    những chẳng được gì nhưng mình còn phải tự túc
    mạng gạo và tiền theo nữa ! Đúng là khinh dân !

    Trả lờiXóa
  5. Cảnh làm nông ở VN nay cũng chẳng khác gì thế kỷ thứ 10...

    Trả lờiXóa



  6. Đồng bằng sông Cửu Long với nỗi buồn như cánh đồng hoang bất tận ...






    Tưởng thiên tai ai ngờ hóa nhân tai

    Khắp Đồng Tháp Mười tiếng thở dài

    Cánh đồng bất tận dân miền Tây bỏ xứ !

    Nước lũ không về : Mùa lũ buồn trái sai

    Nước bặt tăm không hẹn về cùng Đất !

    Lưới anh Hai ơi ! ...Chợ lưới vắng ngắt hòai

    Tần ngần ngư ông không buồn hỏi giá ...!

    Lũ không về nước lấp xấp cánh đồng chai ... !


    *

    Nghe nói Mê Kông ai chặn đầu nguồn ?

    Nên nước lũ không về nữa sao tuôn !

    Đến con cá linh cũng hiếm sao là hiếm !

    Chợ lưới đìu hiu vắng bóng cả chuồn chuồn

    Làng đan lờ - làng đan lợp buồn mùa nước nổi

    Làng lưới - làng lờ - làng lợp đến làng xuồng

    Tiếng Dân lành thở dài càng nẫu ruột

    Vua đan lờ Vua lợp tép lệ vỡ tuôn !

    "Sáng giờ đánh cá qua ra kênh thả lưới

    Nồi không chẳng đủ cá để kho luôn !

    Không có gì mần rảnh tay con cháu

    Trai tráng dễ sinh tật rượu chè vì chán buồn

    Chuyện lũ buồn : xuồng nằm bờ người bỏ xứ !


    *


    Thôn nữ ra phố thị thành cô dâu Đài Loan

    Mùa Lũ buồn thấp kỷ lục trong gần trăm năm

    Cá linh miền Tây chết khát giữa mùa đỉnh lũ

    Trên thượng nguồn Tàu Khựa chận đập ngăn !

    Miền Tây đói lũ : đồng bằng Cửu Long vùng cần lũ

    Sống nhờ lũ - chết nhờ lũ - phát triển nhờ lũ nhanh ...

    Hạ nguồn : bi kịch thừa mặn hài kịch thiếu ngọt

    Lũ muộn bất thường dân miền Tây bỏ xứ về thành

    Hồ chứa thượng lưu Tàu chặn dòng chảy lưu lượng

    Đập thủy điện Chệt nguyên nhân chính đầu gành ....




    TRIỆU LƯƠNG DÂN

    Trả lờiXóa
  7. Đồng bằng sông Cửu Long ra làm hai khu vực. Khu vực gọi là an toàn thì chúng mua chuộc và khống chế. Ở khu vực chưa chiếm được thì đánh phá, hủy diệt. Họ dồn dân vào ấp chiến lược. Thực chất là nhằm tàn phá sức sản xuất....BAO GIỜ MỚI THÔI TRÒ XUYÊN TẠC LỊCH SỬ?

    Trả lờiXóa