Phần I - Dân Chủ - Cộng Hòa:
Hai tiếng dân chủ có nghĩa rất rõ ràng và
đơn giản: Người dân làm chủ mình và làm chủ đất nước của mình. Ý niệm này bắt
nguồn từ sự tham dự của người dân vào việc cai trị tại các quốc gia đô thị cổ
Hy Lạp cách nay hơn 2.500 năm và hai chữ dân chủ cũng do tiếng Hy Lạp demos (dân
chúng) và kratos (cai trị) tạo thành. Hai chữ demos kratos, châu
Âu biến thành democracy và chúng ta dịch là dân chủ.
Về hình thức, Dân Chủ là một thể chế để thể hiện chế
độ Cộng Hòa, một chế độ chủ quyền thuộc về toàn dân. Chế độ này đối nghịch với
chế độ quân chủ xưa kia, trong đó ông vua đưọc phép (xức dầu theo đạo Do Thái)
của Trời - Chúa Trời - cai trị dân chúng, còn ở Trung Hoa thì vua là con trời
(Thiên Tử) được sai xuống cai trị muôn dân.
Vì vậy ông vua có quyền tối cao. Tất cả tài sản như
rừng núí, sông ngòi, đất đai và dân chúng thuộc quyền sở hữu của vua, vua ban
cho ai người ấy được; vua cho sống thì sống, vua bắt ai chết thì phải chết:
“quân sử thần tử, thần bất tử bất trung” (vua bảo chết, không chết là bất
trung).
Theo nghĩa trên thì bất cứ chế độ nào mà người dân
không có quyền quyết định vận mệnh của mình và của quốc gia đều không phải là
chế độ Cộng Hòa và bất cứ chính quyền nào dưới quyền cai trị độc đoán của một
người như Hitler ở Đức, Franco ở Tây Ban Nha; của một đảng như ở Liên Xô xưa
kia, Trung Quốc hiện nay hay của một tập đoàn như tập đoàn quân phiệt ở
Myanmar, ở Argentina đều là những chế độ độc tài: độc tài cá nhân, độc tài đảng
trị, độc tài quân phiệt.
Để đánh lừa người dân và quốc tế, những chính quyền
càng độc tài thì càng rêu rao là mình dân chủ. Những nước Cộng Hòa Chile thời
Pinochet, Cộng Hoà Cuba, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Cộng Hoà Triều Tiên ...
đều là những chế độ độc tài, rất độc tài.
Pinochet thủ tiêu hàng ngàn người lên tiếng đòi hỏi tự
do; ở Trung Quốc người dân không được quyền ứng cử, những tiếng nói đối lập bị
đàn áp quyết liệt: vụ biểu tình ở Thiên An Môn gần 3.000 người bị giết chết.
Tất cả ứng cử viên đều phải được Đảng Cộng sản Trung Quốc chọn lựa rồi đưa ra
cho dân bầu, quan trọng nhất là những kẻ nắm quyền từ xã thôn tới quận, huyện,
tỉnh, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng... đều là những đảng viên
cộng sản kế tiếp nhau cai trị dân chúng.
Cộng Hoà Cuba hay Cộng Hoà Triều Tiên là gia sản của
hai vương triều nhà họ Castro (Fidel Castro truyền cho Raúl Castro) và họ Kim
(Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật, Kim Chính Ân – Kim Il Sung, Kim Jong Il, Kim
Jong Un).
Những
chính quyền độc tài như vậy làm gì có tiếng nói của Dân Chủ, trong khi điều cốt
yếu của chế độ Cộng Hoà là Dân Chủ. Nói cách khác, Dân Chủ là thể chế thực hiện
chế độ Cộng Hòa, tức là thực hiện QUYỀN LÀM CHỦ của người dân:
- Người dân có quyền tự do hội họp để thảo luận những
vấn đề liên quan tới công việc và tổ chức các cơ quan của làng xã, quận, huyện,
tỉnh, quốc gia như giáo dục, giao thông (xây trường học, xây cầu, mở thêm
đường) hay việc đóng thuế, đóng thuế để tiêu những gì, tổ chức chính quyền như
thế nào...
- Người dân có quyền tự do phát biểu ý kiến để phản
đối những sự bất công trong xã hội, sự lạm quyền của cảnh sát, sự sai lầm, sự vô
tài bất lực, sự tham nhũng của những người cai trị dù đó là xã trưởng, quận
trưởng, tỉnh trưởng hay tổng thống.
- Người dân có quyền đi bầu để loại bỏ những người đó
ra khỏi chính quyền và thay vào đó bằng những người trong sạch, có tài, biết
tôn trọng người dân...
- Người dân có quyền lên tiếng tranh luận trong hội
họp hay đăng trên báo chí phản bác ý kiến, chính sách của Quốc hội, của Tổng
thống mà chính quyền không có quyền bắt bớ hay trả thù.
Tóm lại, nếu Dân Chủ là điều cốt yếu của chế độ Cộng
Hòa thì nhân phẩm, quyền tự do, quyền bình đẳng là điều cốt yếu của thể chế Dân
Chủ. Chỉ có trong chế độ Cộng Hoà Dân Chủ nhân phẩm cao quý của con người mới
được tôn trọng và bảo vệ; chỉ có trong chế độ Cộng Hoà Dân Chủ con người mới có
bình đẳng, không bị kỳ thị, đàn áp, không phải cúi đầu trước cường quyền, trước
chó săn, dùi cui, nhà tù và cũng chỉ có trong chế độ Cộng Hòa Dân Chủ con người
mới có quyền sống, có quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, tự do nghề nghiệp, tự do
lên tiếng, tự do cư trú (không có chế độ hộ khẩu), tự do tôn giáo... không cần
phải xin xỏ, trông chờ ai ban phát.
Tất cả những chính quyền tự xưng là Dân Chủ hay Cộng
Hoà mà trong đó người dân không có tự do, bị đàn áp, bức bách, chà đạp, xúc
phạm nhân phẩm thì những chính quyền ấy, dù danh xưng là gì, đều là chính quyền
độc tài.
Phần II - Tình trạng Dân Chủ ở Việt Nam :
Từ 70 năm nay, các chính quyền ở Việt Nam luôn lớn
tiếng tự nhận là chế độ Dân Chủ Cộng Hòa nhưng hai tiếng Dân Chủ, Tự Do vẫn còn
là một huyền thoại, một cái gì xa vời, chưa bao giờ hiện thực. Chính quyền thì
dùng nhãn Dân Chủ để lừa gạt, dân chúng thì cam phận.
Có lẽ vì vậy mà bác sĩ Trần Ngọc Ninh, một học giả ở
Hoa Kỳ đưa ra nhận xét đượm vẻ bi quan rằng Âu, Mỹ người ta có được một nền Dân
Chủ tốt đẹp vì “Âu Mỹ vào tự do, dân chủ với lịch sử dân quyền ở Hellen (Hy
Lạp), luật pháp của Roma (La Mã), với lời kêu gọi gạt bỏ quá khứ, với những tư
tưởng của thế kỷ Quang Minh (Enlightenment, Lumière), và với khoa học bắt đầu
với những cuộc cách mạng của Copernik, Galiléo. Trung Hoa và Việt Nam thiếu sự
sửa soạn tri thức.” (Trần Ngọc Ninh, Ước vọng Duy Tân, Viện Việt Học xuất
bản, tháng 11/2012, trang 29). Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, một nhà hoạt động dân chủ
trong nước, trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 2.03.2013 cũng đưa ra ý kiến
tương tự.
Nếu nói rằng cần phải có sửa soạn đầy đủ tri thức mới
có tự do, dân chủ thì không bao giờ người dân ở những nước độc tài chuyên chế
(chuyên chính) đạt được vì luôn luôn những chính phủ độc tài, dù là cá nhân hay
đảng, tập đoàn cầm quyền không những không cho có sự sửa soạn mà còn cấm đoán,
giết chóc, bắt bớ những người có tư tưởng hay vận động cho Tự Do Dân Chủ; ngược
lại, họ ru ngủ, hủ hoá dân chúng bằng rượu chè, cờ bạc, mê tín dị đoan, gây
chia rẽ, khuyến khích sự lừa lọc, dối trá... làm dân chúng sa đọa, bạc nhược,
làm xã hội băng hoại để dễ bề cai trị. Chính sách này thực dân Pháp đã đem áp
dụng ở nước ta thời Pháp thuộc và nhà cách mạng Phan Bội Châu nêu rõ trong cuốn Cao
đẳng quốc dân viết cách nay gần 100 năm.
Nhìn sang châu Âu như Nga, Đức, Tây Ban Nha, nhất là
Hy Lạp và nước Ý (La Mã xưa), thì sự hình thành chính thể Dân Chủ không sớm sủa
gì, nhất là nước Nga dù chế độ độc tài chuyên chính (chuyên chế) Cộng sản sụp
đổ hai mươi mấy năm rồi mà người dân vẫn chưa được hưởng đầy đủ tự do, dân chủ.
Hiện tại dưới sự cai trị của Putin, Hiến pháp Nga bị sửa đổi để Putin lên cầm
quyền nhiệm kỳ 3, những người đối lập bị đàn áp, bỏ tù, thậm chí bị giết như
cựu thiếu tá Litvinenko bị đầu độc bằng phóng xạ ở Anh hay nữ ký giả Anna
Politkovskaia bị ám sát ngay tại nước Nga.
Nước Đức, trước khi đầu hàng Đồng Minh ngày 8.5.1945
nằm dưới chế độ phát xít của Hitler và chỉ khi bức tường Bá Linh sụp đổ, kéo
theo sự sụp đổ của chế độ độc tài đảng trị tại Đông Đức ngày 9/11/1989, thì cả
nước mới có tự do, dân chủ.
Tây
Ban Nha, sau khi nhà độc tài là tướng Francisco Franco chết năm 1978 mới có
Hiến pháp chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến.
Hy Lạp, cái nôi của nền văn minh, dân chủ phương Tây
và thế giới thì chế độ quân chủ chính thức bị giải tán năm 1975, sau khi chế độ
độc tài của “các Đại tá” chấm dứt ngày 23.7.1974.
Trái lại ở châu Á, Nhật và Ấn, Phillippines đã thiết
lập được nền Dân Chủ sớm hơn cả Nga, Hung, Tiệp, Ba Lan, Tây ban Nha, Hy Lạp...
Nhật có truyền thống quân chủ rất lâu đời. Nhật hoàng
được người dân sùng bái tới mức độ cuồng tín thế mà sau khi bị hai trái bom
nguyên tử tàn phá phải đầu hàng vô điều kiện 15.8.1945 thì trở thành một nước
Dân Chủ. Hiến pháp hiện giờ do người Mỹ tới chiếm đóng ban hành, dân Nhật không
có quyền soạn thảo, biểu quyết. Nhưng kể từ năm 1945 đến nay Nhật có một nền
Dân Chủ vững vàng, tiến bộ nhất châu Á, người dân được bảo đảm về nhân quyền,
quyền bình đẳng và các quyền tự do sinh sống, hội họp, tự do ngôn luận, báo
chí, tự do tôn giáo...
Ấn là trường hợp đặc biệt. Đấu tranh dưới sự lãnh đạo
của thánh Gandhi và luật sư Nerhu, Ấn được Anh trao trả độc lập năm 1947 với
tình trạng đất nước bị phân hoá về tôn giáo, đẳng cấp, địa phương, ngôn ngữ;
dân trí thấp kém, hơn 90% mù chữ, mê tín dị đoan, nghèo đói; công kỹ nghệ không
có, nông nghiệp lạc hậu, đất ít người đông thế mà ông Nerhu và người Ấn đã vượt
qua các trở ngại để thiết lập nền Dân Chủ vững vàng từ đó đến nay.
Như vậy Việt Nam có cần một giai đoạn chờ đợi để
sửa soạn tri thức trong một, hai thế kỷ như châu Âu thế kỷ thứ 17, 18 (thời kỳ
kỷ nguyên Ánh Sáng hay còn gọi là kỷ nguyên Lý Trí: Age of Enlightenment, Age
of Reason) để có Tự Do Dân Chủ?
Qua những trình bày trên, yếu tố quyết định cho một
nền Dân Chủ chưa hẳn do trình độ dân trí hay có lịch sử (truyền thống) Dân Chủ
thừa hưởng của La, Hy. Trường hợp Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nga và nhất là Hy Lạp
tri thức, lịch sử Dân Chủ có đủ mà vẫn bị độc tài. Trái lại Ân, Nhật thì lại có
nền Dân Chủ sớm và ổn định.
Không phải chỉ một yếu tố đơn thuần tạo ra nền Dân Chủ
mà tùy thuộc vào:
- Văn hoá: trình độ dân trí cao, có ý thức và hành xử
văn minh, biết dung hoà, tôn trọng ý kiến người khác.
- Lịch sử: đã từng trải qua Dân Chủ (nếu mất sẽ đấu
tranh lấy lại).
- Chính trị: không bị ảnh hưởng, lệ thuộc vào nước
khác.
- Kinh tế, xã hội ổn định – không phân hóa, chia rẽ về
tôn giáo, địa phương. Và quan trọng hơn hết là
- Ý thức cao về quốc gia, dân tộc: đặt quyền lợi chung
của quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân, phe, đảng,tôn giáo.
- Cuối cùng và không kém phần quan trọng là người lãnh
tụ. Đó là trường hợp của Ấn Độ và cả nước Mỹ sau khi thoát khỏi sự đô hộ của
thực dân Anh.
Nưóc Mỹ sau khi đạo quân 6.000 binh sĩ của Lord
Cornwallis đầu hàng tại York Town, Virginia ngày 19/10/1781 là 13 xứ Độc Lập
nhưng với biết bao nhiêu khó khăn, dân chúng thì tạp chủng, tứ xứ, nghèo đói,
bệnh tật. Mười ba “Tiểu Bang” thì lớn nhỏ khác nhau, kinh tế, nông nghiệp, công
nghệ phát triển chênh lệch tạo ra rất nhiều trở ngại trong việc thành lập một
chính phủ chung.
Cuốn The Challenge of Democrcy Goverment in America của ba Giáo sư Đại học Kenneth
Janda, Jeffrey M. Berry, Jerry Goldman mô tả tình trạng khi ấy ở Philadelphia : “Già nửa dân
chúng sống nghèo khó. Gái điếm và bệnh tật lan tràn”. (“More than half
population existed on edge of poverty. Prostitution and disease were
widespread” – trang 80). Các xứ tranh chấp nhau, họp hành kéo dài làm các đại
biểu chán nản lang thang tới các quán nhậu (tavern) đến nỗi đích thân ông Washington có lúc phải
đi kiếm lôi cổ về họp.
Nếu không có ông Washington
với uy tín và sự cương quyết thì chưa chắc hội nghị Lập Hiến đã thành công
(“Still, if it were not for Washington ,
some historians believe, the convention would never have succeeded. His
character and authority kept the convention from flying apart” – sách đã dẫn,
trang 80). Và cũng chính với nhân cách cao quý, với lý tưởng dân chủ nhiệt
thành, với sự nghiệp và uy tín của ông mà bản Hiến Pháp Dân Chủ đầu tiên trên
thế giới đã ra đời tại nước Mỹ.
Cũng chính bản Hiến pháp không ghi Tổng Thống Hoa Kỳ
được đảm nhiệm mấy nhiệm kỳ nhưng ông chỉ tái ứng cử một lần, tức làm Tổng
thổng hai nhiệm kỳ, 8 năm, từ 1789 đến 1797. Thời hạn này được những Tổng thống
kế tiếp noi theo và trở thành tập tục không những của nước Mỹ mà còn được phần
lớn các nước Dân Chủ trên thế giới ghi trong Hiến pháp. (*)
So với Ấn Độ, dù sao thì dân chúng Mỹ từ châu Âu tới
với văn hóa ảnh hưởng của Hy Lạp, La Mã, trình độ văn minh cao, nhất là những
lãnh tụ cách mạng như George Washington, Thomas Jefferson, John Adams... là
những trí thức mang nặng lý tưởng Dân Chủ do chịu ảnh hưởng của những triết gia
John Locke (1632-1704), Francois M.A. Voltaire (1694-1778), J. J. Rousseau
(1712-1778)... của thời kỷ nguyên Ánh sáng ở châu Âu.
Ấn, trái lại, ngoài dân trí thấp kém, hơn 90% mù chữ,
nghèo khổ, lại bị phân hoá về địa phương, tôn giáo, ngôn ngữ, đẳng cấp... thế
mà dưới sự lãnh đạo của ông Nehru và đảng Quốc Đại đã trở thành một nước Dân
Chủ đầu tiên ở châu Á. Cũng chính gia đình này chi phối nền chính trị Ấn từ năm
1947 đến nay với ba đời làm Thủ tướng (Nerhu, con gái là bà Indira Gandhi, cháu
là Rajiv Gandhi và cháu dâu Sonia – vợ góa Rajiv – làm Chủ tịch đảng Quốc Đại)
nhưng cả thế giới không ai nói gia đình Nerhu là độc tài, là gia đình trị.
Cả gia đình ông để hết tâm trí phục vụ dân tộc Ấn,
không tham quyền cố vị, không tham nhũng, không lợi dụng chức vụ để vơ vét hay
buôn bán làm giàu mà trái lại xả thân cho lý tưởng, cho quốc gia: Nữ Thủ tướng
Indira Gandhi bị ám sát chết, Thủ tướng Rajiv Gandhi cũng bị ám sát chết.
Ấn Độ có những nhà lãnh đạo siêu việt cả về đạo đức,
tư cách, tài năng và tận tụy hiến dâng.
Ngược lại, ông Tôn Dật Tiên làm cuộc cách mạng Tân Hợi
1911 nhưng không xây dựng được nền Dân Chủ ở Trung Hoa. Sau khi nhà Thanh bị
lật đổ thì nước này coi như thuộc về gia đình nhà vợ Tôn Dật Tiên (**) và các
lãnh chúa tung hoành. Đúng
hơn, sau chế độ quân chủ của nhà Thanh là chế độ phong kiến. Cho đến nay người
dân lục địa Trung Hoa vẫn phải sống dưới chế độ độc tài đảng trị và Đài Loan
chỉ có bầu cử tự do sau khi Tưởng Kinh Quốc – con Tưởng Giới Thạch, cháu dượng
Tôn Dật Tiên chết (Tôn và Tưởng là anh em rể).
Như vậy thì lãnh đạo (đạo đức, tư cách, tài năng, sự
tận trụy) là yếu tố rất quan trọng trong việc xây dựng nền Dân Chủ của một quốc
gia không những ở những nước kém phát triền như Trung Hoa, Việt Nam, Myanmar,
Lybia, Tunisia... mà cả ở những nước phát triển như Nga, Hy Lạp, Ý, Tây Ban
Nha, Đức...
Xét về lịch sử, nếu tin vào huyền thoại, thì Việt Nam
chúng ta có lịch sử Dân Chủ từ nhiều ngàn năm, có lẽ trước cả Hy Lạp vì Đại
Việt sử ký tiền biên soạn thời nhà Nguyễn Quang Trung ghi rằng vào đời nhà
Hùng, vua với dân cùng đi cày lấy lúa mà ăn, không sưu dịch, thuế khoá, không
bắt lính tráng... Đó là thời đại thái bình, thiên đường nơi hạ giới. Vua không
nắm quyền hành, chỉ tượng trưng cho sự thống nhất dân tộc.
Sự thật lịch sử là chế độ xã thôn tự trị chỉ bị xóa bỏ
sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam.
Trong chế độ xã thôn tự trị, mỗi làng (xã) tự xếp đặt
công việc nội bộ từ bảo vệ an ninh, ấn định thuế khoá, hội hè, cúng tế đến việc
cưới hỏi... qua Hội Đồng Kỳ Mục là cơ quan lập ra hương ước (tựa như Hiến pháp)
riêng cho xã mình, việc thi hành thì giao cho lý trưởng và phó lý. Vì thế phong
tục, luật lệ của làng xã Việt Nam
được người dân tôn trọng còn hơn cả phép tắc của vua chúa:
- Phép vua thua lệ làng, hay:
- Quan cần dân không vội,
Quan có cần quan lội quan đi.
Nhưng qua thời gian, nhất là ảnh hưởng càng ngày càng
nặng nề của đạo Nho trải dài từ các đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn rồi cả đến thời
Pháp thuộc, thời nào cũng muốn xoá bỏ chế độ Xã Thôn Tự Trị để nắm hết quyền
hành vào tay vua chúa, vào tay chính quyền thực dân làm cho định chế không
thành văn ấy bị suy thoái chỉ còn cái xác không hồn và biến thành hương đảng,
xôi thịt, bộ tộc.
Đó là cái hoạ của dân tộc trong mấy chục năm nay.
Không phải chỉ có các đảng phái mà các đoàn thể, các tôn giáo cũng phần lớn mắc
phải đầu óc hương đảng, phe phái đó.
Chính cái đầu óc hương đảng, phe phái làm cho dân tộc
Việt Nam, dù đã thống nhất đất nước 40 năm, nhưng người dân vẫn chưa biết thế
nào là Dân Chủ, Tự Do. Dù nền kinh tế Việt Nam đã đi theo kinh tế tư bản nhưng
hầu hết dân chúng vẫn nghèo khổ vì bị bóc lột sức lao động, bị tước đoạt nhà
cửa, ruộng đất, bị kỳ thị trong việc làm, việc sinh sống, bị đàn áp, tước đoạt
hết các quyền tự do và nhân phẩm. Bao nhiêu quyền lợi, chức tước, cơ hội tốt
đều thu về Đảng, đảng viên, những kẻ biết luồn lọt để làm giàu và nắm quyền cai
trị.
----------------
Ghi
chú:
(*) Sau khi TT thứ 32 là Franklin Delano
Rosevelt (1882-1945) giữ 3 nhiệm kỳ từ 1933-1945 thì quốc hội Mỹ tu chính Hiến
Pháp chỉ cho TT Mỹ giữ 2 nhiệm kỳ.
(**) Tống Giáo Nhân, cha vợ của Tôn Dật
Tiên và Tưởng Giới Thạch có 6 người con, người nào cũng là triệu phú thời ấy
(tỷ phú bây giờ), tiêu biểu là Tống Tử Văn, luôn cặp kè bên Tưởng Giới Thạch,
từng là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chánh, Bộ
trưởng Ngoại giao...
P.
Đ. N. (Tác giả gửi BVN).
--------------
Ý niệm "dân chủ" chưa có ở VN (dân chủ đích thực- chứ không phải dân chủ "bánh vẽ" do các ông cộng sản đặt ra để ru ngủ quần chúng !)- vậy,trên cơ sở và học thuyết nào để xây dựng nền dân chủ đây ?Trừ trường hợp chủ nghĩa cộng sản biến mất trên đất nước này !
Trả lờiXóa