* LÊ PHÚ KHẢI
(tiếp theo)
PHẢN
BIỆN CỦA PHẢN BIỆN
Quyết định 99TTg của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một cột
mốc, đánh dấu sự đầu tư tiền bạc và quan tâm đúng mức của nhà nước với Đồng
bằng sông Cửu Long. Đã có lần tôi mạnh dạn hỏi Thủ tướng: - Có người cho rằng,
vì Thủ tướng quê ở Vĩnh Long nên ưu ái với Đồng bằng sông Cửu Long, đầu tư lớn
cho đồng bằng! (Vào thời điểm đó, đầu tư hơn 7 nghìn tỷ là lớn lắm). Ông Võ Văn
Kiệt đã bình thản trả lời:
- Đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long 1 đồng vào thủy
lợi thì nó sinh lời 3 đồng. Trong khi đó, đầu tư cho nơi khác, nó sinh lời ít
hơn nhiều. Lấy lời ở Đồng bằng sông Cửu Long điều phối cho các vùng khác có hơn
không!...
Và trên thực tế Quyết định 99TTg đã đem lại kết quả
rất tốt cho sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sau 5 năm nỗ lực thực hiện. Vậy
mà, trên trang mạng xã hội ngày 22/03/2014 lại đăng một bài với đầu đề rất
“sốc”: “Đê bao Đồng bằng sông Cửu Long – sai lầm “vĩ đại” trong lịch sử cận
đại!” của tác giả ký tên là Đảng Xanh. Tư liệu để phục vụ cho bài viết này là
các bài báo đã đăng trên các báo Nhà nước như Sài Gòn Giải Phóng (27/08/2001),
Tuổi Trẻ (15/10/2005), VnExpress (20/08/2006), Lao Động (26/01/2014) v.v… Tác
giả cho rằng “Vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó mấu chốt là “đê bao”,
một sai lầm “vĩ đại”… Có lẽ tất cả đều bắt đầu bằng Quyết định 99TTg ngày
9/2/1996…”.
Với những người không am hiểu, không theo dõi quá
trình khai thác, sản xuất nông lâm – ngư ở Đồng bằng sông Cửu Long trong gần 40
năm qua… thì rất bị “sốc”! Vì tác giả dẫn ra các bài báo làm tư liệu, đều là
các bài đã đăng trên các báo Nhà nước…
Riêng với tôi thì không ngạc nhiên. Vì rằng, giống như
người ta uống thuốc, bên cạnh tác dụng chữa bệnh nan y… thì bao giờ cũng có
phản ứng phụ. Một đề án cải tạo một vùng đất rộng lớn, đem lại hiệu quả cho
hàng vạn hecta đất, đem lại lợi ích lớn cho dân sinh xã hội thì cũng có một
diện tích nhỏ bị thiệt thòi. Những người làm đề án, quy hoạch… cũng đã nhìn
thấy trước điều đó. Đấy là chưa kể, khi thực hiện, có sự quan liệu mệnh lệnh,
chưa nghe hết ý kiến của bà con nông dân khi làm quy hoạch, phân vùng v.v… Vì
thế, sẽ có những sai lầm mà báo chí đã cảnh báo.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện Quyết định 99TTg là không
thể phủ nhận được. Để rộng đường dư luận, tôi đã gửi liền hai bài lên mạng xã hội
để phản biện lại phản biện của tác giả Đảng Xanh, mà đến nay tôi vẫn chưa biết
ông là ai, ở trong nước hay ở nước ngoài. Sau khi tôi đăng bài đầu tiên, một
cuộc tranh luận, trao đổi đã “nổ” ra trên trang mạng xã hội… có cả sự tham gia
của tác giả là dân gốc gác ở Đồng bằng sông Cửu Long như Đào Văn Tùng ở Tiền
Giang, của tác giả Doãn Mạnh Dũng và cả chuyên gia hàng đầu về thủy lợi, nguyên
Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Nam bộ là tiến sỹ Tô Văn Trường.
Để rộng đường dư luận, tôi xin in lại cả ba bài viết
về đề tài này trong cuốn sách nhỏ này.
ĐÊ
BAO Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG KHÔNG SAI LẦM “VĨ ĐẠI” NHƯ TÁC
GIẢ ĐẢNG XANH ĐÃ PHÁN!
Sau 20 năm khai thác có hiệu quả, đến mùa lũ năm 1995
Đồng bằng sông Cửu Long bộc lộ nhiều mâu thuẫn cần phải được giải quyết. Một
trong những mâu thuẫn lớn nhất đó là: Với một vùng kinh tế nông nghiệp trọng
điểm lớn nhất nước, có tiềm năng toàn diện về sản xuất nông sản hàng hóa, nhưng
trình độ phát triển có nhiều mặt lại thua kém các vùng khác trong cả nước. Đặc
biệt về cơ sở hạ tầng có liên quan đến sản xuất và đời sống của hơn 16 triệu
nhân dân trong vùng. Hàng năm, một vùng rộng lớn 2 triệu hecta, chiếm 50% diện
tích ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập lụt do lũ sông Mê Kông tràn về. Ở vùng
ven biển, những năm mưa ít, mặn lấn sâu lên sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ
ảnh hưởng rất xấu đến dân sinh v.v...
Nhận thức rõ vị trí của Đồng bằng sông Cửu Long là
không những phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn quyết định đến nhịp
điệu phát triển của cả đất nước trong tương lai. Thủ tướng chính phủ đã ra
Quyết định 99TTg ngày 9/02/1996 “Về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996 –
2000 đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng
Đồng bằng sông Cửu Long’’.
Với quyết định này, Nhà nước đã đầu tư vốn ngân sách
từ năm 1996 đến năm 2.000 là 7.100 tỷ, nhân dân sẽ tham gia đóng góp là 8.400
tỷ. Như vậy tổng vốn đầu tư là 15.500 tỷ đồng. Mục tiêu của Quyết định 99TTg
thật sự to lớn. Trong năm 1996 – 2000 Đồng bằng sông Cửu Long phải tăng thêm ít
nhất 2 triệu tấn thóc, đạt sản lượng 15,5 đến 16 triệu tấn/năm. Để đạt được mục
tiêu đó thủy lợi phải tạo điều kiện để khai hoang, tăng vụ thêm 500.000 hecta,
gieo trồng lúa đạt 3,6 triệu hecta. Đồng thời nâng cấp bảo đảm điều kiện thâm
canh tăng vụ trên diện tích đã gieo trồng 2 vụ, phát triển bền vững cây ăn trái
và hoa màu… cùng với phát triển sản xuất trong 5 năm tập trung giải quyết các
yêu cầu cụ thể, tối thiểu về đời sống vật chất, văn hóa, ổn định đời sống cho
khoảng 10 triệu nông dân vùng ngập lũ.
Ở những vùng bị ảnh hưởng của lũ, phải nhanh chóng
khắc phục những mặt còn yếu kém. Mọi trẻ em đến tuổi đều phải được đi học, xóa
lớp học ca ba, mọi người dân đều được dùng nước sạch, có nhà ở kiên cố v.v...
Về cơ sở hạ tầng, trong 5 năm phải hình thành được những trục chính của hệ
thống thủy lợi và giao thông. Định hình được hệ thống kênh trục tạo nguồn tiêu
thoát úng, lũ, chua, phèn, kết hợp với việc hình thành các cụm, tuyến dân cư,
đảm bảo mọi sinh hoạt không bị gián đoạn vùng ngập lũ. Ở vùng mặn, phải tạo nguồn
nước ngọt, mở ra địa bàn khai hoang tăng vụ. Về giao thông, trong 5 năm phải
hình thành được một hệ thống giao thông thủy và bộ tương đối hoàn chỉnh, đồng
bộ giữa hệ thống giao thông các cấp và hệ thống thủy lợi. Hệ thống giao thông
đó không được làm cản dòng chảy, làm tăng cao thêm mức lũ…
Những
yêu cầu về xây dựng hạ tầng ở Đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm của Quyết
định 99TTg là “rất cao và rất gay gắt. Nhưng đó là cách lựa chọn không cách nào
khác…’’ như lời Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong hội nghị triển khai Quyết định
99TTg ngày 13/03/1996 tại TP.HCM, có đầy đủ cán bộ từ cấp huyện trở lên được
triệu tập.
Quyết định 99TTg ra đời rất kịp thời, nó thỏa mãn sự
khát khao chờ đợi của cán bộ và nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long từ nhiều năm.
Vì thế, nó được các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đón nhận một cách nồng
nhiệt và thực hiện với quyết tâm rất cao. Có thể nói, cả Đồng bằng sông Cửu
Long là một đại công trường thủy lợi và giao thông nhằm xoay chuyển hẳn cục
diện nông thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long; như mục tiêu của Quyết định
99TTg.
Trong 5 năm 1996 – 2000 chúng ta đã đầu tư ở Đồng bằng
sông Cửu Long 16 ngàn tỷ đồng, chiếm 17,5% tổng vốn đầu tư của cả nước, tăng
1,7 lần so với thời kỳ 1991 – 1995. 105 công trình thủy lợi đã được khởi công,
trong đó có công trình đã hoàn thành. Quy hoạch kiểm soát lũ Đồng bằng sông Cửu
Long được Thủ tướng chính phủ phê duyệt đã nêu những định hướng đúng đắn. Hệ
thống cầu cống kênh chuyển nước và thoát lũ nhanh đã phát huy hiệu quả rõ rệt ở
vùng ngập lũ Tứ giác Long Xuyên và bước đầu vừa làm vừa thăm dò vùng Đồng Tháp
Mười. Ở vùng ngập lũ sâu, hệ thống bờ bao lửng là một sáng tạo của nhân dân và
chính quyền các địa phương. Bờ bao có nhiệm vụ ngăn lũ sớm, bảo vệ thu hoạch
lúa hè thu, bơm tát khi lũ rút muộn để xuống giống vụ Đông Xuân tiếp theo đảm
bảo thời vụ. Bờ bao lửng có khả năng nhận lũ và thoát lũ một cách chủ động và
không làm cản trở dòng chảy, đồng thời kết hợp bờ bao làm đường giao thông nông
thôn. Đã có khoảng 20 ngàn km bờ bao, riêng tỉnh An Giang có 4.200km, Đồng Tháp
4.000km, Tiền Giang 3.200km…
Trái ngược với vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp
Mười thừa nước trong mùa lũ, cả một vùng ven biển nhiều năm của Đồng bằng sông
Cửu Long là Trà Vinh, Sóc Trăng và bán đảo Cà Mau rộng lớn lại khát bỏng trong
mùa khô. Các chương trình ngọt hóa của Quyết định 99TTg như chương trình NAM
Măng Thít, chương trình Quản Lộ – Phụng Hiệp đã làm nên cuộc đổi đời cho các
vùng nổi tiếng khắc nhiệt này. Hàng trăm ngàn héc ta đất nhiễm mặn, khô nẻ, chỉ
làm được 1 vụ lúa/ năm, năng xuất thấp, dân tình nghèo đói, xác xơ… ở các huyện
Mỹ Xuyên, Vĩnh Lợi, Hồng Dân… nay đã làm được lúa 2 – 3 vụ, tôm cá đầy chợ, trẻ
em, phụ nữ có nước ngọt trong sinh hoạt, người bệnh có thuốc uống khi đau ốm…
Về giao thông vận tải, sau 5 năm đã hình thành nâng
cấp hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy huyết mạch nối liền các đô thị,
các tỉnh và liên vùng. Trong đó phải kể đến công trình nâng cấp và hoàn thành 5
cầu trên Quốc lộ 1A, nâng cấp và hoàn thành 6 cầu thoát lũ trên quốc lộ 80 địa
phận Kiên Giang, hoàn thành cơ bản nền đường đến cao trình vượt lũ và 3 cầu
trên quốc lộ 62 trong vùng Đồng Tháp Mười…
Về
đường thủy, đã đầu tư nâng cấp hai tuyến đường thủy quan trọng gồm tuyến đường
từ TP.HCM và Cà Mau và TP.HCM đi Kiên Lương, nâng cấp cảng Cần Thơ. Về giao
thông, còn phải kể đến những cây cầu lớn đã được hoàn thành như cây cầu Mỹ
Thuận qua sông Tiền, cầu Xuân Tô, Hoàng Diệu trên quốc lộ 91 và đang triển khai
xây dựng cầu Cần Thơ qua sông Hậu.
Về xây dựng cụm dân cư, ngành xây dựng đã kết hợp với
các tỉnh để lập quy hoạch xây dựng 1132 trung tâm cụm xã, xây dựng các tuyến
dân cư vùng lũ có chiều dài hàng chục km cho hàng vạn dân. Cả Đồng bằng sông
Cửu Long đã xây dựng được 530.000 căn nhà các loại kết hợp với chương trình vay
vốn tôn nền vượt lũ.
Nhìn toàn cảnh, hệ thống thủy lợi kết hợp với giao
thông tương đối hoàn chỉnh đã được hình thành ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo
điều kiện để khai hoang tăng vụ chuyển khoảng 500 ngàn hecta, đưa diện tích
gieo trồng lúa từ 3,2 triệu hecta năm 1995 lên 4 triệu hecta vào năm 2000, sản
lượng lương thực tăng liên tục từ 13,8 triệu tấn năm 1996 lên 16,5 triệu tấn
năm 2000, tăng 2,7 triệu tấn trong 5 năm. Năm 1999, Đồng bằng sông Cửu Long đã
xuất khẩu hơn 4 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch xuất khẩu gần 700 triệu USD, tạo
điều kiện thay đổi cơ cấu canh tác cho nhiều vùng, trước hết là vùng Đông Nam
bộ.
Kết quả đáng tự hào của 5 năm thực hiện Quyết định
99TTg trước hết là nhờ quyết tâm rất cao của Nhà nước trong quyết định đầu tư
lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long vào thời điểm mà những mâu thuẫn giữa tiềm năng
phát triển và cơ sở hạ tầng yếu kém của đồng bằng đã chín muồi. Và, điều cực kỳ
quan trọng là chúng ta đã nhắm đúng yếu điểm (điểm quan trọng) của Đồng bằng
sông Cửu Long là khâu thủy lợi gắn với giao thông để đột phá. Cũng nên nhắc lại
lời đồng chí Võ Văn Kiệt – Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị triển khai Quyết
định 99TTg ngày 13/3/1996 “Đồng bằng sông Cửu Long đi lên bằng cái gì, công
nghiệp hóa bằng cái gì, thoát khỏi nghèo đói bằng cái gì, nếu không phải là cơ
sở hạ tầng – là cái rất cơ bản để giải quyết hàng loạt các vấn đề khác. Hạ tầng
đó là thủy lợi gắn với giao thông và gắn với đời sống”
Sau hạ tầng thì việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng là
vấn đề nổi cộm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy mà tại Hội nghị tổng kết
5 năm thực hiện Quyết định 99TTg do Chính phủ chủ trì tại TP.HCM năm 2000, vấn
đề chuyển dịch cơ cấu sản xuất được đặt lên hàng đầu với Đồng bằng sông Cửu
Long trong trương trình nghị sự.
Quyết định 99TTg của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt năm 1996 là
một bài toán đúng với Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là một sự thật lịch sử. Nó
hoàn toàn không như bài viết nhan đề “Đê bao Đồng bằng sông Cửu Long –sai lầm
“vĩ đại” trong lịch sử cận đại” của tác giả Đảng Xanh trên trang mạng xã hội
ngày 22-03-2014 đã phê phán Quyết định 99TTg là “Sai lầm vô phương cứu chữa”.
Là một nhà báo đã nhiều năm thường trú ở Đồng bằng
sông Cửu Long, tác giả của nhiều bài báo, đầu sách về vùng đất này, tôi không
hề ngạc nhiên với bài viết của tác giả Đảng Xanh. Vì Đồng bằng sông Cửu Long là
một vùng đất mới, rất mới ở tận cùng của đất nước. Thổ nhưỡng, khí hậu, đặc
điểm của 6 vùng sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long (vùng phù sa nước ngọt,
vùng nhiễm mặn ven biển, vùng tây sông Hậu, vùng bán đảo Cà Mau, vùng Tứ giác
Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười) là rất đa dạng và rất khác nhau. Nếu chỉ cưỡi
ngựa xem hoa, đến nghe kể rồi về viết thành bài báo… thì không khác gì thầy bói
xem voi! Từ ngày đất nước thống nhất đến nay, cũng chưa hề có công trình nào
tổng kết về những được mất trong quá trình khai thác Đồng bằng sông Cửu Long
gần 40 năm qua. Vì thế, chỉ dựa vào những chương trình của VTV, những bài viết
đăng lẻ tẻ trên các báo về những “bất cập” trong quá trình khai thác Đồng bằng
sông Cửu Long để đi đến một bài viết sơ sài như của tác giả Đảng Xanh là hoàn
toàn võ đoán, phi khoa học và phi lịch sử.
Nếu có một điều gì phải nói với độc giả thì tôi xin
nói về cái gọi là con đê ở Đồng bằng sông Cửu Long. Con đê ở miền Bắc là để
ngăn nước dâng trào hai bên bờ sông về mùa lũ. Còn khái niệm đê bao ở Đồng bằng
sông Cửu Long là để ngăn cách vùng nhiễm mặn với vùng ngọt. Đê bao lửng ở Đồng
bằng sông Cửu Long là con đê đắp tạm thời để làm lúa hè thu rồi cho nước chảy
tràn đón cá, đón phù sa bón ruộng… Sau đó lại làm lúa đông xuân. Đê ngăn mặn
như ở vùng Sóc Trăng là để chống mặn xâm nhập đồng ruộng. Nhiều người không
hiểu những khái niệm này nên hễ cứ nói đến đê ở Đồng bằng sông Cửu Long là dị
ứng!!!
Ông Đỗ Mười lúc làm Tổng Bí thư, khi vô Nam kinh lý,
được Thứ trưởng Bộ thủy lợi Nguyễn Giới trình bày cặn kẽ về các hệ thống đê
bao, đê bao lửng, đê ngăn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông đã tỏ ra là người
cầu thị về vấn đề đê điều ở Đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề có tính lịch sử với
Đồng bằng sông Cửu Long là có người đã nêu lên việc khai hoang vùng Đồng Tháp
Mười là phá vỡ sinh thái của đồng bằng. Theo những vị đó thì, nếu không tiến
hành hợp tác hóa nông nghiệp, gây nên cảnh thiếu lương thực trên diện rộng
khiến vì sức ép lương thực mà phải tiến hành công cuộc khai phá vùng hoang Đồng
Tháp Mười.
Nhưng lịch sử không có chữ “nếu”. Người Pháp có câu
ngạn ngữ: “Với một chữ nếu, tôi có thể cho cả thành Paris vào một cái lọ!”. Chính các chuyên gia
Liên Xô ban đầu cũng khuyên chúng ta không nên khai thác vùng trũng Đồng Tháp
Mười mà để vùng ngập nước rộng lớn này làm nơi thu hút tất cả chim chóc của
vùng Đông Nam Á về đây… Đồng Tháp Mười sẽ thành điểm du lịch tầm cỡ thế giới.
Đó là một lời khuyên chân thành. Vì 700.000 hecta lúa
ở Đồng Tháp Mười hôm nay chưa chắc đã sinh lợi bằng khai thác du lịch. Nhưng
sức ép lương thực những năm 80 buộc chúng ta phải tiến vào Đồng Tháp Mười. Lịch
sử là như thế, không có chữ “nếu”. Bây giờ ngồi mà phê phán việc khai phá vùng
hoang Đồng Tháp Mười là phi lịch sử.
Điều chúng ta chưa hài lòng là việc nông dân Đồng bằng
sông Cửu Long đã làm ra một sản lượng lúa, gạo xuất nhập khẩu đứng hạng thứ
nhì, ba trên thế giới mà đời sống vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu!.
Còn các nhóm lợi ích xuất khẩu gạo của quốc doanh,
được vay vốn lãi xuất thấp của ngân hàng để độc quyền tích trữ gạo, xuất gạo
thì ngày một giàu có… Đó mới là bất công ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Để
kết thúc bài viết đã dài này, tôi xin trích dẫn một đoạn văn rất hay của Nguyễn
Văn Bổng viết về những người nông dân đi khai hoang ở Đồng bằng sông Cửu Long
năm xưa:
“Đất nước ta càng về Phương Nam càng là đất mới, đất lưu đày,
đất của những người không có quyền sống trên những mảnh đất đã được khai phá.
Vì vậy, càng là đất của những người nổi dậy. Miền Tây Nam bộ là mảnh
đất lưu đày và nổi dậy cuối cùng của Tổ quốc. Đến đây là sơn cùng thủy tận rồi.
Đến đây là đến bên bờ Thái Bình Dương, vịnh Xiêm la mờ mịt rồi. Đến đây chỉ còn
hai con đường. Một là không đủ nghị lực sống nữa thì đâm đầu xuống biển mà
chết, hai là cố bám lại đấu tranh để sống. Con người đến đây là con người liều,
con người ngang tàng, nghĩa khí, tính mạng coi nhẹ lông hồng, tiền tài coi
khinh như rơm rác. Đối với họ nghĩa khí là trọng.
Họ
không cần có nhà đẹp, vì xưa nay không ở đâu được lâu. Nhà của họ là “nhà đá”,
“nhà đạp” dựng lên đó, ở lại đó nhưng nếu không chịu nổi áp bức thì lại đạp đi,
đá đi đến chỗ khác mà ở. Họ chẳng cần mặc sang và có thì ăn, cũng không cần lo
cho ngày mai lắm. Vì trước đây họ chắc gì được sống đến ngày mai, còn miễn sống
được thì ngày mai ở trên hai cánh tay của mình, dưới sông, dưới rạch, trong
rừng kia. Họ vồ vập hiếu khách vì cuộc đời của họ đã buồn lắm rồi, heo hút cô
đơn lắm rồi.
Họ chỉ có tình nghĩa là đậm đà với nhau. Họ sẵn sàng
nhường cơm sẻ áo. Vì họ đã từng biết cái cực, cái nhọc của đói khổ là thế nào.
Và trên hết, họ rất căm thù, đừng động đến họ!”. (NVB – Đằng sau một cuốn sách)
Hậu duệ của những người nông dân gan góc đi mở cõi năm
xưa ở Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay vẫn cực, vẫn nhọc. Đó mới là sai lầm nhất
của chúng ta lúc này, thưa tác giả Đảng Xanh!
TRAO ĐỔI THÊM VỚI TÁC GIẢ DOÃN MẠNH DŨNG VỀ BÀI VIẾT
“TỪ THOÁT LŨ RA BIỂN TÂY ĐẾN CẢNG CỬA NGÕ TRẦN ĐỀ” TRÊN
TRANG MẠNG XÃ HỘI (30.3.2014)
Đọc kỹ bài viết của kỹ sư Doãn Mạnh Dũng với bài viết
kể trên, tôi đoán ông là một nhà khoa học đang định cư ở nước ngoài có tâm
huyết với các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước nên đã có những nghiên cứu,
đề xuất rất sâu sắc về vấn đề thủy lợi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một vùng
trọng điểm nông nghiệp của đất nước.
Thực ra, những vấn đề tôi nêu lên trong bài viết “Đê bao
ở Đồng bằng sông Cửu Long...” không có gì mâu thuẫn với kiến giải của ông về
vấn đề thủy lợi cho Đồng bằng sông Cửu Long. Cái cần được phân định rõ chỉ là
các khái niệm về đê ngăn mặn, đê bao, đê bao lửng còn được gọi là bờ bao trong
công cuộc khai phá Đồng bằng sông Cửu Long gần 40 năm qua. Thực tế công tác
thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra suốt
gần 40 năm qua ở một vùng đồng bằng rộng lớn có nhiều vùng sinh thái khác nhau,
có vùng đầu nguồn hàng năm bị lũ đe dọa, có vùng cuối nguồn hàng năm bị lũ đe
dọa, có vùng cuối nguồn thiếu nước ngọt, bị mặn xâm thực, có vùng trũng như
Đồng Tháp Mười v.v... Khi mùa lũ về, công việc thủy lợi phục vụ sản xuất nông
nghiệp chủ yếu là làm lúa những năm qua đã diễn ra rất đa dạng. Đặc biệt là có
nhiều sáng tạo của nông dân đồng bằng mà chưa một công trình nào tổng kết.
Trong bài viết của kỹ sư Doãn Mạnh Dũng có nhắc đến số liệu 20.000 km bờ bao mà
An Giang chiếm nhiều nhất là 4200 km ... trong bài viết của tôi. Tác giả đặt
câu hỏi, là tỉnh đầu nguồn, vì sao An Giang lại có nhiều đê bao như thế? Tôi
xin trình bày để kỹ sư Doãn Mạnh Dũng nắm được bờ bao khác với đê bao. Đê bao
để phân ngăn vùng nước mặn và vùng nước ngọt ở các tỉnh cuối nguồn. Còn bờ bao
là những công trình tạm thời, còn được gọi là đê bao lửng, chỉ để ngăn lũ sớm,
thu hoạch xong lúa hè thu thì bà con lại cho nước chảy tràn vào ruộng, lấy phù
sa và tôm cá, vệ sinh đồng ruộng. An Giang là tỉnh đầu nguồn, bị lũ sớm đe dọa
nên bà con sáng tạo ra bờ bao để làm lúa vụ ba, còn gọi là hè thu muộn. Vì thế
An Giang có nhiều km bờ bao nhất. Nhưng đến nay, lúa đã dư, An Giang đã căn bản
không làm vụ ba nữa. Chủ tịch An Giang là ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị) trong
nhiệm kỳ của ông, đã viết đề án “Biến mùa lũ thành mùa sản xuất chính”. Với đề
án sáng tạo này, An Giang đã phát triển những ngành nghề như đóng ghe thuyền,
làm các dụng cụ đánh bắt cá mùa lũ, khai thác các cây con tự nhiên trong mùa
lũ... Đề án này hàng năm đã đem lại nguồn lợi lớn cho An Giang. Đến nay, nếu về
mùa lũ, khách du lịch bốn phương đến Long Xuyên, Châu Đốc... sẽ được thưởng
thức món đặc sản “lẩu cá linh – bông điên điển” rất nổi tiếng. Cá linh và bông
điên điển đều là hai thứ trời cho, rất sẵn, rất rẻ tiền về mùa lũ... mà nay trở
thành món đặc sản ở An Giang!
Đồng
bằng sông Cửu Long là như thế! Ở miền Trung, Miền Bắc nước ta, hay bà con ở
nước ngoài... khó có thể phân biệt được thế nào là đê ngăn mặn, đê bao, đê bao
lửng hay còn gọi là bờ bao mà chính quyền và nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long
đã sáng tạo ra để chung sống với lũ, để tồn tại.
Tôi rất cảm ơn tác giả Doãn Mạnh Dũng đã cho hay những
kiến thức sâu sắc về công tác nghiên cứu thủy lợi, đề xuất những ý kiến đáng
được quan tâm nghiên cứu với Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi chỉ xin cung cấp
những khái niệm đã được bà con và cán bộ ngành thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu
Long đã sử dụng những năm qua, để tránh những hiểu lầm khi trao đổi, tranh luận
mà thôi! Không thống nhất được tên gọi sự vật thì “ông nói gà bà nói cuốc”!
Đã
đến lúc Nhà nước cần có một hội thảo khoa học để tổng kết những gì được, mất
trong công cuộc khai thác Đồng bằng sông Cửu Long 40 năm qua, để có phương châm
chiến lược cho tương lai Đồng bằng sông Cửu Long...
(còn tiếp)
--------------
Cám ơn nhà báo Lê Phú Khải nhớ rất rõ các sự kiện vì ông lăn lộn với thực tế và tiếp xúc nhiều với các chính khách. nhà khoa học và người nông dân. Kiến giải của ông rất thuyết phục
Trả lờiXóaÔng Doãn Mạnh Dũng là kỹ sư ở trong nước , không phải định cư ở nước ngoài đâu.
Trả lờiXóa