Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Gió chướng từ Trung Quốc

Tháng Sáu, Ngân hàng Thế giới vừa công bố tại thủ đô Washington một báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế thế giới, với những điều chỉnh bi quan hơn cho các nền kinh tế đang phát triển trong suốt năm 2014. Đáng chú ý trong tài liệu này là cách lượng định về những rủi ro hay "gió ngược" xảy ra cho kinh tế toàn cầu.
Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu riêng về những rủi ro xuất phát từ nền kinh tế Trung Quốc. Xin quý thính giả theo dõi phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
- Vũ HoàngXin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, sau dự báo lạc quan về kinh tế thế giới trong năm 2014 được đưa ra hồi Tháng Giêng năm nay, Ngân hàng Thế giới đã cập nhật lại tình hình. Trong báo cáo vừa công bố hôm Thứ Tư thì định chế tài chính này hạ thấp hy vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu với những dự đoán bi quan hơn cho các nước đang phát triển. Chúng tôi đề nghị ông nhắc lại sơ qua những dự báo này và tập trung giải thích cho thính giả của chúng ta về những rủi ro cho thế giới xuất phát từ Trung Quốc vì ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu phơi bày những nhược điểm kinh tế của Trung Quốc.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ở đời thì chẳng có gì là bất biến cho nên sau những nghiên cứu và dự báo thì người ta thường xuyên điều chỉnh lại theo thực tế. Ngân hàng Thế giới đã cập nhật các dữ kiện thu thập, chủ yếu là tình hình trong quý một của năm nay, với những chi tiết mới nhất là vào tuần trước, để đưa ra những dự phóng cho toàn năm và cho hai năm tới.
- Một cách đại lược thì đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay không được là 3,2% như dự đoán mà chỉ còn là 2,8%, tức là một sự giảm sút đáng kể, và bản thân tôi thì cho là đáng ngại. Chúng ta không quên định chế tài chính quốc tế kia là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì định nghĩa suy trầm toàn cầu là nếu đà tăng trưởng bình quân của thế giới chỉ được có 2,5% thôi. Cũng theo Ngân hàng Thế giới thì đà tăng trưởng năm nay của các nền kinh tế đang phát triển chỉ còn là 4,8% tức là vẫn mấp mé dưới 5% trong ba năm liền, qua hai năm tới thì mới khá hơn.
- Con số đó tổng hợp nhiều khác biệt ở từng khu vực địa dư, với các nước Đông Á Thái Bình Dương vẫn dẫn đầu với tốc độ trên 7% một năm, trong đó có Việt Nam với hy vọng tăng trưởng từ 5,4% đến 5,8%. Ngân hàng Thế giới có khuyến cáo rằng đây là cơ hội cho các nền kinh tế đang lên đẩy mạnh nỗ lực cải cách trong một hai năm tới. Bây giờ ta nói đến chuyện gió xuôi gió ngược, là những thuận lợi hay rủi ro cho các nước, rồi mới trở về chuyện rủi ro từ Trung Quốc.
- Vũ Hoàng: Xin đề nghị ông nhắc sơ qua về những rủi ro hay thuận lợi đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta nghiệm thấy là dù có tăng trưởng bình quân hơn 7%, các nước đang phát triển tại Đông Á vẫn lệ thuộc khá nhiều vào các nước đã phát triển, chủ yếu là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản. Không kể Nhật Bản đang đẩy mạnh việc cải cách sau khi ào ạt kích thích kinh tế thì hai khối kinh tế Âu-Mỹ đều có triển vọng khả quan hơn. Đấy là gió xuôi.
- Ra khỏi phúc trình của Ngân hàng Thế giới mà nhìn trên tổng thể thì tuần qua ta thấy là kinh tế Mỹ vừa tạo thêm việc làm bằng tổng số việc đã mất kể từ nạn suy trầm năm 2008 và sẽ hy vọng tăng trưởng mạnh hơn trong mấy năm tới. Cũng tuần qua, Ngân hàng Trung ương Âu châu đã vượt được sức cản của nước Đức mà áp dụng biện pháp hạ lãi suất tới số không để kích thích kinh tế. Như vậy, sau các ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Anh quốc, ngân hàng trung ương Âu châu đã coi nặng ưu tiên tăng trưởng và tìm mọi cách bơm tiền vào kinh tế. Nhìn cách khác thì khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật sẽ là lực đẩy khả quan hơn cho các nước.
- Chuyện thứ hai là vụ khủng hoảng Ukraine có vẻ lắng dịu với cuộc bầu cử Tổng thống đã hoàn tất, cho xứ này một hệ thống lãnh đạo mới. Nhờ đó mâu thuẫn giữa Liên bang Nga và các nước Tây phương sẽ không gây thêm chấn động kinh tế trên cả đại lục Âu-Á. Khi đó ta mới trở về mối rủi ro của nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới là Trung Quốc, trọng tâm của đề tài kỳ này.
- Vũ Hoàng: Thưa ông, Ngân hàng Thế giới đánh giá tình hình Trung Quốc ra sao?
- Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là như mọi khi, định chế này vẫn có vẻ lạc quan về kinh tế của Trung Quốc. Cùng với phúc trình cập nhật về kinh tế toàn cầu mà mình vừa nhắc tới, Ngân hàng Thế giới cũng có một báo cáo riêng về Trung Quốc với lượng định là lãnh đạo Bắc Kinh nỗ lực tái quân bình cơ cấu để chuyển dần từ sách lược đầu tư sang sách lược lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy và hy vọng đạt mức tăng trưởng năm nay là 7,6%, tức là vẫn còn cao hơn chỉ tiêu 7,5%.
- Trong khi đó, và ta bước ra khỏi phúc trình của Ngân hàng Thế giới, nhiều trung tâm nghiên cứu kinh tế của các tập đoàn đầu tư và ngân hàng quốc tế lại có những dự báo bi quan hơn. Tuần trước, chúng ta đã đề cập tới chuyện này khi nói về điểm lật Minsky của kinh tế Trung Quốc. Kỳ này, ta sẽ tìm hiểu thêm là nếu Trung Quốc không cải cách được như đã dự tính và trôi vào một vụ khủng hoảng tài chính thì kinh tế thế giới sẽ gặp những rủi ro nào?
- Vũ Hoàng: Xuyên qua những gì ông vừa trình bày thì dường như kinh tế Trung Quốc vẫn ở trong tình trạng "tranh tối tranh sáng" mà ở bên ngoài mỗi nơi lại đánh giá một khác? Ông giải thích thêm về điều ấy được không?
- Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin tóm lược như thế này để mình cùng hiểu ra sự tình.
- Kinh tế Trung Quốc lấy lực đẩy từ đầu tư hơn là tiêu thụ mà còn kềm hãm mức tiêu thụ nội địa và trong năm năm qua cứ tiếp tục bơm tín dụng để kích thích kinh tế, với tổng số nợ của khu vực công quyền lẫn tư nhân đã tăng 100% kể từ năm 2008 đến nay. Sau Đại hội 18 vào cuối năm kia và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương của kỳ ba vào cuối năm ngoái thì lãnh đạo xứ này quyết định là phải chuyển hướng để tái quân bình cơ cấu, và mặc nhiên chấp nhận đà tăng trưởng thấp hơn để chuyển hướng an toàn.
- Thực tế lại chẳng như vậy, cuối tháng trước thì họ áp dụng kỹ thuật gia tăng mức lưu hoạt bằng cách mua trái phiếu và đầu tuần này thì bơm thêm một lượng tiền bằng 16 tỷ đô la vào kinh tế. Khi thấy kinh tế xứ này tiếp tục tăng trưởng đến hơn 7,5% thì ta phải kết luận là họ chưa thể hãm đà để sửa sai. Có thể là vì lực cản chính trị lẫn kinh doanh bên trong, Bắc Kinh tiếp tục kích thích kinh tế và trì hoãn việc chuyển hướng. Như vậy, càng tăng trưởng cao thì càng lao vào khủng hoảng vì nợ xấu.
- Các tập đoàn đầu tư tài chính của quốc tế đều theo dõi chuyện này và lặng lẽ cảnh báo thân chủ về rủi ro xuất phát từ Trung Quốc. Khác với các định chế quốc tế, giới đầu tư mà tính nhầm hay dự báo sai thì bị lỗ và mất khách cho nên ta cần chú ý tới những lượng định của họ. Sau cả chục năm ngợi ca phép lạ kinh tế Trung Quốc, nếu các tập đoàn đầu tư tài chính mà cảnh báo về rủi ro từ Trung Quốc thì ta phải quan tâm.
- Vũ Hoàng: Thưa ông, vì vậy mà tuần qua chương trình chuyên đề của chúng ta mới nói đến điểm lật Minsky của Trung Quốc, là khái niệm đang được giới đầu tư nhắc đến. Bây giờ ta sẽ tìm hiểu xem rủi ro đó là những gì?
- Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Kinh tế Trung Quốc đứng hạng nhì thế giới, sau Mỹ và trước Nhật. Nền kinh tế này mua bán rất nhiều với các nước khác trên thế giới, cho nên nếu họ giảm đà tăng trưởng và mua ít hơn thì các nước bán hàng cho xứ này đều bị thiệt hại. Thí dụ như trong năm 2011, Trung Quốc mua tới 28% tổng số xuất khẩu của Úc, 24% của Nam Hàn, 19% của Nhật, 14% của Malaysia. Nếu kinh tế xứ này hãm đà tăng trưởng thì các nước bán hàng nói trên đều bị thiệt hại và nguyên nhiên vật liệu sẽ giảm giá. Ngược lại, nếu kinh tế Trung Quốc vẫn cố duy trì đà tăng trưởng thì lại dễ lao vào khủng hoảng vì nợ nần. Khi ấy thì các nước trên thế giới đều bị chấn động nặng.
- Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì cả hai kịch bản, là Trung Quốc có cải cách kinh tế hay không, đều tác động đến xứ khác. Tại sao lại có trường hợp kỳ lạ này?
- Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng sau nhiều thập niên lạc quan về nền kinh tế đông dân nhất địa cầu với đà tăng trưởng là 9% một năm, thế giới nên tự chuẩn bị cho những thay đổi vài chục năm mới có một lần.
- Trong kịch bản lý tưởng là Trung Quốc chủ động giảm đà tăng trưởng để cải tổ cơ chế thì tốc độ tăng trưởng sẽ chỉ còn là 5% hoặc thấp hơn nữa trong thập niên tới. Khi đó, các nước xuất khẩu vào Trung Quốc phải tính lại hậu quả ngay từ năm tới. Thứ hai, theo kịch bản bi quan hơn, là nếu kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng khoảng 7% một năm thì trong trung hạn, từ hai tới năm năm, khủng hoảng tài chánh sẽ bùng nổ. Chúng ta nhớ lại cơn chấn động năm 2008 từ vụ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ đã gây ra nạn Tổng suy trầm. Một vụ khủng hoảng như vậy tại Trung Quốc sẽ có hậu quả dữ dội hơn vì Trung Quốc bị thất quân bình còn nặng hơn.
- Tôi xin tóm lược như thế này cho dễ nhớ. Từ năm 2008 đến 2013, khi thế giới còn lao đao vì khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ rồi Âu Châu, thì Trung Quốc đã ào ạt bơm tín dụng kích thích kinh tế. Trong năm năm đó, tổng số nợ của khu vực nhà nước và tư nhân tại Trung Quốc đã tăng 100% và nay lên tới 420% của Tổng sản lượng GDP, là con số rất cao vì lên tới 47 ngàn 800 tỷ đô la. Nếu trong khối nợ khổng lồ này, chủ yếu là của hệ thống ngân hàng, có 25% là nợ xấu, khó đòi và sẽ mất thì họ cũng mất hơn chín ngàn tỷ đô la, là bằng tổng sản lượng cả năm. Số dự trữ ngoại tệ gần bốn ngàn tỷ đô la của Trung Quốc vẫn không thấm gì so với sự mất mát ấy.
Vũ Hoàng: Chúng ta trở lại chuyện Việt Nam. Trong hoàn cảnh có hai mặt đều bất trắc như vậy thì Việt Nam nên làm gì để tránh được những tai họa từ Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta nên nhìn lại toàn cảnh để thấy ra những rủi ro xuất phát từ nước láng giềng này của Việt Nam.
- Thứ nhất, Việt Nam đang bị Trung Quốc uy hiếp ở ngoài khơi, với mặt nổi là giàn khoan và tầu bè có võ trang của Trung Quốc. Thứ hai, kinh tế Việt Nam lại quá lệ thuộc vào Trung Quốc vì chính sách sai lầm của mình và vì Trung Quốc không chỉ đầu tư vào nhà máy mà đầu tư vào những người lãnh đạo trong đảng. Thứ ba, khi thế giới thất vọng về kinh tế Trung Quốc và tìm thị trường khác thì Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư của các nước. Khốn nỗi, và đây là chuyện thứ tư, trong thời gian qua, giới ngân hàng quốc tế đã lỡ đầu tư vào hệ thống ngân hàng của Việt Nam đều thất vọng và đang lặng lẽ triệt thoái. Y như Trung Quốc, Việt Nam cũng có loại "ngân hàng công cụ" hay "captive banks", là công cụ cho các đại gia có quan hệ với lãnh đạo ở trên, mỗi phe nhóm lại có một hệ thống riêng và ỷ vào thế lực đó để kiếm lời bỏ túi mà gác bỏ mọi khuyến cáo hay đề nghị cải cách của quốc tế.
- Từ những biến động đang xảy ra ngoài Đông hải tới những chấn động sẽ xảy ra trên thị trường, Việt Nam nên nhìn lại tình hình mà dứt khoát cải cách về kinh tế và chính trị vì đây là thời cơ khả dĩ thoát ra khỏi vòng cương tỏa của Trung Quốc mà tìm ra một định mệnh khác cho mình.
- Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
----------------------

4 nhận xét:

  1. nhan xet nay cua ong hoan toan khac voi y kien cua pho thu tuong phuc cua vn cho rang kinh te vn va trung quoc hoan toan binh dang, doc lap. kinh te vn khong phu thuoc trung quoc. ong phuc da noi vay truoc quan chuc cap cao vn tai ky hop quoc hoi, truoc quoc dan. ong ta khong biet ve kinh te, con ong nghia la chuyen gia kinh te. cai nguy hiem la khong biet gi ma van noi la co y noi doi, noi bua.dan khong tin thi mat long tin, mat uy tin. vi viec vn phu thuoc trung quoc thi chi ban ve so, anh lai xe om deu biet. ong phuc khong phai khong biet, ma co tinh noi doi, noi nhu that. vi ong la do de hoc tu bac kinh dang noi doi leo leo tung ngay, tung ngay, den khi het hoi.

    Trả lờiXóa
  2. Độc ác quá thì phải chết thôi- giặc Tàu rồi sẽ phải tan rã,chúng sẽ chia 5 xẻ 7 như thời thời xuân thu chiến quốc vậy,chúng nó lo đánh nhau,loài người sống bình yên !

    Trả lờiXóa
  3. "Người ta lớn bởi vì ngươi cúi xuống!"

    Trả lờiXóa
  4. Truyền thống hay đặc sản riêng của chế độ là tuyên truyền,đã tuyên truyền là phải nói cho hay dù không thật.đúng ra nhà nước nên công tâm cung cấp thông tin trung thực để mọi người không sống trong ảo tưởng,có như vậy mới lao động,làm ăn chăm chỉ không dựa dẫm chờ đợi sự giúp đỡ nào đó! Ai cũng biết kt đang bi đát bởi việc làm ngày một khó kiếm,thu nhập ngày một giảm đi,giá cả hàng ngày cao lên,tất cả đều tồi tệ và không dấu đi đâu đc,đó là chỉ số kt trung thực nhât,chưa nói thất thoát lãng phí trong đầu tư là kinh khủng,cho nên dân có thói quen là nghe nhà nước nói thì cứ nghe,thậm chí rất chịu khó nghe,nhưng hiểu nhà nước nói như thế nào mới là quan trọng,phần nhiều hiểu ngược lại và hiểu khác đi,như là phải phân tích ý của nhà nước nói để lo thân.

    Trả lờiXóa