* TRẦN DUY NHIÊN
"Theo huyết
thống, tôi là người Anbani. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin,
tôi là một nữ tu công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian. Theo con tim,
tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu" (Mẹ Têrêxa):
Với dáng người nhỏ bé, nhưng với một đức tin sắt đá,
Mẹ Têrêxa thành
Agnes Gonxha Bojaxhiu sinh ngày 26 tháng 08 năm 1910,
và chịu phép rửa ngay hôm sau, tại Skopje, Macedonia. Gia đình cô thuộc cộng
đồng người Anbani. Đây là một gia đình công giáo, mặc dù đa số người Anbani ở
đấy theo Hồi Giáo. Thời bấy giờ, Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ cai trị đất nước. Cha cô,
ông Nikola, là một doanh nhân. Ông làm chủ một công ty và một cửa hàng thực
phẩm. Ông thường du hành đó đây, biết nhiều thứ tiếng và rất quan tâm đến chính
trị. Ông là một thành viên của Hội Đồng người Anbani. Cùng với vợ mình là bà
Drana, ông đã dạy cho Agnes những bài học bác ái đầu tiên.
Khi Agnes lên 9, năm 1919, cha cô qua đời một cách đột
ngột. Bà Drana phải một mình bươn chải hầu nuôi dạy ba người con là Aga (1904),
Lazar (1907) và Agnes Gonxha (1910). Để sinh sống, bà lao động vất vả qua nghề
thêu may. Dù vậy, bà vẫn dành thì giờ để giáo dục con cái. Gia đình cầu nguyện
mỗi tối, đi nhà thờ hằng ngày, lần chuổi Mân Côi mỗi ngày trong suốt tháng Năm
và chuyên cần tham dự các lễ kính Đức Mẹ. Họ cũng luôn quan tâm giúp đỡ những
người nghèo khổ và túng thiếu đến gõ cửa nhà họ. Trong các kỳ nghỉ, gia đình có
thói quen đến tĩnh tâm tại một nơi hành hương kính Đức Mẹ, ở Letnice.
Agnes rất thích đi nhà thờ, cô cũng thích đọc sách,
cầu nguyện và ca hát. Mẹ cô tình nguyện chăm sóc một phụ nữ nghiện rượu ở gần
đấy. Mỗi ngày hai lần, bà đến rửa ráy và cho người phụ nữ ấy ăn, đồng thời bà
cũng chăm sóc một bà góa có 6 con. Những ngày bà không đi được, thì Agnes thay
bà đi làm các việc bác ái đó. Khi bà góa qua đời, những người con của bà đến
sống với bà Drana như con ruột của mình.
Ơn gọi
Những năm
trung học, cô Agnes dùng phần lớn thời gian để hoạt động trong hội Đạo Binh Đức
Mẹ (Legio Mariae). Vì giỏi ngoại ngữ, cô giúp một linh mục gặp khó khăn trong
ngôn ngữ, cô dạy giáo lý và đọc rất nhiều sách về các nhà thừa sai Slovenia và
Croatia ở Ấn Độ. Khi lên 12, lần đầu tiên cô mong muốn dâng đời mình để làm
việc Chúa, hiến trọn đời mình cho Chúa để Người quyết định. Nhưng cô phải làm
sao để biết chắc chắn là Chúa có gọi cô hay không?
Cô cầu nguyện nhiều rồi tâm sự với các chị và mẹ mình.
Cô cũng trình bày với vị linh mục giải tội: "Làm sao con biết chắc?".
Cha trả lời: "Căn cứ trên NIỀM VUI. Nếu con cảm thấy thực sự hớn hở vui
mừng với ý tưởng rằng Chúa có thể gọi con phục vụ Người và tha nhân, thì đấy là
bằng chứng cho thấy rằng con có ơn gọi". Và cha nói thêm: "Niềm vui
sâu xa mà con cảm nhận là la bàn để chỉ cho con biết hướng đi của đời
mình".
Năm 18 tuổi là năm trọng đại. Cô quyết định. Hai năm
trước đó, cô đã đến tĩnh tâm nhiều lần tại Letnice và nhận ra rõ ràng là cô sẽ
phải đi truyền giáo ở Ấn Độ. Vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 1928, cô
đến Letnice cầu nguyện xin Đức Mẹ chúc lành trước khi ra đi. Cô chuẩn bị gia
nhập dòng Đức Mẹ Lorette, một hội dòng đang hoạt động tích cực tại Ấn Độ.
Ngày 25 tháng 09, cô lên đường. Cả cộng đồng tiễn cô
ra ga: nào bạn hữu, nào láng giềng già trẻ, và dĩ nhiên cả Mẹ và bà chị Aga.
Mọi người đều khóc.
Cô
đi qua Zagreb, Áo, Thụy Sĩ, Pháp và đến Luân Đôn, rồi từ đấy vào một tu viện
gần Dublin là nhà mẹ của Hội Dòng Đức Mẹ Lorette. Tại đấy, cô học nói tiếng Anh
và sống nếp sống nữ tu. Ngày mặc áo dòng, cô chọn tên là Têrêxa, để tưởng nhớ
chị thánh Têrêxa Hài Đồng ở Lisieux, nơi mà cô dừng chân trên đường đến Luân
Đôn. Cùng thời gian này cô làm các thủ tục giấy tờ và năm 1928 cô khởi sự cuộc
hành trình đầu tiên đến với Ấn Độ: đất nước ước mơ của cô! Cuộc hành trình này
thật gian nan. Có vài chị em nữ tu đi cùng tàu với cô nhưng phần đông hành
khách thì theo Anh giáo. Suốt nhiều tuần lễ, họ không được dự lễ và rước lễ, kể
cả ngày Giáng Sinh. Tuy nhiên, họ cũng làm một máng cỏ, lần hạt và hát thánh ca
Giáng Sinh.
Đầu năm 1929 họ đến Colombo ,
rồi đến Madras và cuối cùng là Calcutta . Họ tiếp tục đi đến Darjeeling , dưới chân dãy Hy mã lạp sơn, nơi
mà người nữ tu trẻ sẽ hoàn tất thời gian huấn luyện. Ngày 23 tháng 05 năm 1929,
chị Têrêxa vào tập viện và hai năm sau chị khấn lần đầu. Ngay sau đó, chị được
chuyển đến Bengali để giúp đỡ các chị trong một bệnh viện nhỏ hầu chăm sóc các
bà mẹ đau yếu, đói khát và không nơi nương tựa. Chị bị đánh động trước nỗi khốn
cùng vô biên tại nơi này.
Nữ
Tu và Giáo viên
Sau đó, chị được gởi đến Calcutta để học sư phạm. Khi nào có thể, chị
đều đi giúp chăm sóc bệnh nhân. Khi ra trường, chị trở thành giáo viên và mỗi
ngày phải đi xuyên qua thành phố. Công việc đầu tiên của chị là lau phòng học.
Chẳng bao lâu, các em bé yêu mến cô giáo vì sự nhiệt tình và lòng trìu mến của
cô, nên số học sinh lên đến ba trăm em. Ở một khu khác trong thành phố, còn 100
em nữa. Chị nhìn thấy nơi các em ở và đồ các em ăn. Cảm được sự chăm sóc và
tình yêu của chị, các em gọi chị là ‘ma’ (mẹ). Những ngày chúa nhật, chị đi
thăm viếng gia đình các em.
Ngày 24 tháng 05 năm 1937, chị khấn trọn đời ở Darjeeling và trở thành,
như lời chị nói, “hiền thê của Chúa Giêsu cho đến đời đời”. Chị được cử làm
hiệu trưởng một trường phổ thông cơ sở tại trung tâm Calcutta , dành cho nữ sinh Bengali. Đôi khi chị
cũng đích thân dạy sử địa. Cạnh trường là một trong những khu ổ chuột lớn nhất Calcutta . Chị Têrêxa
không thể nhắm mắt làm ngơ được: Ai chăm sóc cho những người nghèo sống lang
thang trên đường phố đây? Tinh thần bác ái toát ra từ những bức thư của mẹ chị
nhắc lại tiếng gọi căn bản: hãy chăm sóc người nghèo.
Hội đoàn Legio Mariae cũng hoạt động trong trường này.
Cùng với các nữ sinh, chị Têrêxa thường đi thăm bệnh viện, khu ổ chuột, người
nghèo. Họ không chỉ cầu nguyện suông. Họ cũng nghiêm túc trao đổi về những gì
mình thấy và làm. Cha Henry, một linh mục dòng Tên người Bỉ, là vị linh hướng
của chị; ngài gợi ý nhiều điều trong công tác này. Ngài hướng dẫn chị Têrêxa
trong nhiều năm. Qua các gợi ý của ngài, chị càng ngày càng mong muốn phục vụ
người nghèo, nhưng bằng cách nào đây?
‘Ơn
gọi trong ơn gọi’
Với tất cả những thao thức ấy, chị đi tĩnh tâm ngày 10
tháng 09 tại Darjeering. Sau này chị nói: "đấy là chuyến đi quan trọng
nhất trong đời tôi". Đấy chính là nơi mà chị thực sự nghe được tiếng Chúa:
"Hãy đến làm ánh sáng cho Thầy”". Sứ điệp của Người rất rõ ràng: chị
phải rời tu viện để giúp đỡ những kẻ khốn khổ nhất và cùng sống với họ.
"Đấy là một mệnh lệnh, một bổn phận, một xác tin tuyệt đối. Tôi biết mình
phải làm gì, nhưng không biết phải làm thế nào". Ngày 10 tháng 09 là một
ngày quan trọng đến nỗi Hội Dòng gọi ngày này là ‘ngày linh hứng’ (inspiration
day).
Chị Têrêxa cầu nguyện, trình bày cho vài chị khác,
tham khảo ý kiến mẹ bề trên, và mẹ bảo chị đến gặp đức tổng giám mục Calcutta , Đức Cha
Perrier. Chị giải thích cho ngài về ơn gọi của mình, nhưng đức cha không cho
phép. Ngài đã trao đổi với các cha dòng Tên Henry và Celeste Van Exem, là những
vị biết rõ chị Têrêxa. Các ngài xem xét mọi mặt vấn đề: Ấn Độ sắp được độc lập
và chị Têrêxa lại là một người Âu! E rằng chị sẽ gặp những nguy hiểm về chính
trị và nhiều vấn đề khác xuất phát từ việc phân biệt sắc tộc. Liệu Rôma có phê
chuẩn quyết định này chăng? Đức cha khuyên chị cầu nguyện một năm nữa trước khi
thực hiện quyết định này, nếu không thì nên gia nhập dòng các Nữ Tử thánh Anna,
những nữ tu mặc sari xanh đang hoạt động cho người nghèo. Chị Têrêxa nghĩ rằng
đấy không phải là con đường thích hợp cho mình. Chị muốn sống cùng với người
nghèo. Một năm sau, khi chị Têrêxa trình lên ý định mình, đức tổng giám mục
muốn cho phép, nhưng ngài bảo tốt hơn là chị hãy xin phép Rôma và Mẹ bề trên
tổng quyền của chị ở Dublin. Chị lại phải chờ đợi một thời gian khá lâu để nhận
được quyết định từ trung ương.
Quyết
định
Tháng 08 năm 1948, chị Têrêxa được phép rời cộng đoàn
Lorette với điều kiện là tiếp tục tuân giữ các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh
và vâng phục. Chị chia tay với chị em mình năm 38 tuổi, rời tu phục dòng
Lorette để mặc lấy chiếc sari rẻ tiền màu trắng viền xanh. Trước hết, chị đến Patna để theo học một
khóa huấn luyện y tá cùng với các nữ tu tại đấy. Chị thấy rõ ràng là chị chỉ có
thể giúp đỡ người nghèo trong các căn nhà bẩn thỉu bệnh hoạn của họ nếu chị
biết cách phòng bệnh và chữa bệnh. Kiến thức y khoa là điều kiện không thể
thiếu được hầu chu toàn ơn gọi mới của mình.
Vị bề trên ở Patna ,
một bác sĩ, đã cho chị một lời khuyên khôn ngoan khi chị tỏ ý muốn ra sống giữa
những người nghèo và chăm sóc họ. Chị bảo rằng chị muốn sống chỉ bằng cơm với
muối, giống như người nghèo, và vị bề trên đáp lại rằng đấy là cách hay nhất để
cản trở chị khỏi phải đi theo ơn gọi của chị: nếp sống mới đòi hỏi ở chị một
sức khoẻ thật vững và thật tốt.
Sau khi trở về Calcutta ,
chị Têrêxa đến với các khu ổ chuột và đường phố, thăm viếng và giúp đỡ người
nghèo. Toàn bộ tài sản của chị vẻn vẹn là một cục xà phòng và năm rupi (một
đôla = 45 rupi; và 5 rupi = dưới 2000 VNĐ). Chị giúp tắm các em bé và rửa các
vết thương. Người nghèo rất ngạc nhiên: Cái bà người Âu mặc chiếc sari nghèo
nàn này là ai vậy? Mà bà nói thông thạo tiếng Bengali! Bà lại đến giúp họ rửa
ráy, lau chùi và chăm sóc họ nữa chứ! Thế rồi chị bắt đầu dạy các em bé nghèo
học chữ, học cách rửa ráy và giữ vệ sinh. Sau đấy chị mướn được một phòng nhỏ
để làm lớp học.
Phần chị, chị vẫn tạm trú tại nhà các Chị Em Người
Nghèo. Chúa là nơi nương tựa của chị để có được những sự trợ giúp vật chất. Và
Người luôn có mặt: lúc nào chị cũng tìm ra thuốc men, quần áo, thức ăn và chỗ ở
để đón người nghèo và chăm sóc họ. Vào giữa trưa, các em bé được uống một ly
sữa và nhận một miếng xà phòng, nhưng đồng thời các em cũng được nghe nói về
Chúa, Đấng Tình Yêu, và - ngược với cái thực trạng rành rành trước mắt các em -
Người yêu thương các em, thực sự yêu thương các em.
Một
thời điểm cảm động
Một hôm, một
thiếu nữ Bengali, xuất thân từ một gia đình khá giả và là cựu học sinh của Mẹ
Têrêxa, muốn đến ở với Mẹ mà giúp một tay. Đây là một thời điểm cảm động. Nhưng
Mẹ Têrêxa rất thực tế: Mẹ nói về sự nghèo khó toàn diện, về những khía cạnh khó
chịu của công việc Mẹ làm. Mẹ đề nghị thiếu nữ chờ đợi một thời gian nữa.
Ngày 19 tháng 03 năm 1949, thiếu nữ ấy trở lại trong
một chiếc áo nghèo nàn và không mang trên người một món nữ trang nào. Cô đã
quyết định. Cô là người đầu tiên gia nhập cộng đoàn của Mẹ Têrêxa và lấy tên
khai sinh của Mẹ là Agnes. Những thiếu nữ khác nối tiếp cô: vào tháng 05 cộng
đoàn có ba người, tháng 11 là năm người, năm sau đó là bảy người. Mẹ Têrêxa
thiết tha cầu nguyện để có được nhiều ơn gọi hơn nữa cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ.
Có quá nhiều việc phải làm. Các chị em thức dậy thật sớm, cầu nguyện lâu giờ,
dự thánh lễ để kín múc sức mạnh cho đời sống thiêng liêng hầu thực thi những
công việc phục vụ người nghèo. Tạ ơn Chúa, có một ông tên là Gomes đã dâng tặng
tầng cao nhất của căn nhà mình cho cộng đoàn Mẹ Têrêxa. Đây cũng là năm mà Mẹ
Têrêxa lấy quốc tịch Ấn Độ.
Mẹ Têrêxa nhìn cộng đoàn lớn lên và biết rằng Mẹ có
thể nghiêm túc nghĩ đến việc sáng lập một hội dòng. Muốn xây dựng hiến pháp đầu
tiên, Mẹ tham khảo ý kiến của hai người đã từng giúp Mẹ trước đây: các cha dòng
Tên Julien Henry và Celest Van Exem. Vị linh mục đọc lại lần cuối là cha De
Gheldere. Giờ đây "hiến pháp của Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái" có thể
trình lên đức tổng giám mục, và ngài gởi về Rôma để xin phê chuẩn.
Đầu mùa thu, sắc lệnh phê chuẩn của Đức Thánh Cha đến,
và ngày 7 tháng 10 năm 1950, lễ Mân Côi, nghi thức khánh thành diễn ra trong
nhà nguyện của chị em. Đức tổng giám mục cử hành thánh lễ và cha Van Exem đọc
sắc lệnh thành lập. Vào lúc ấy, có 12 chị em. Không đầy 5 năm sau, cộng đoàn
được nâng lên thành hội dòng Tòa Thánh, có nghĩa là trực thuộc Đức Thánh Cha.
Những
lãnh vực khác
Muốn đáp ứng trọn vẹn hơn các nhu cầu vật chất và
thiêng liêng của người nghèo, Mẹ Têrêxa sáng lập:
· Năm 1963: Tu hội Anh Em Thừa Sai Bác Ái.
· Năm 1976: Nhánh nữ tu chiêm niệm.
· Năm 1979, Các Nam tu sĩ chiêm niệm.
· Năm 1984, Hội linh mục Thừa Sai Bác Ái.
Tuy
nhiên, thao thức của Mẹ không dừng lại nơi những người có ơn gọi tu trì mà
thôi. Mẹ thiết lập hội:
· Những Cộng Tác Viên với Mẹ Têrêxa và những Cộng Tác
Viên Bệnh Tật Và Đau Khổ, gồm những người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau mà Mẹ
chia sẻ tinh thần cầu nguyện, đơn sơ, hy sinh và công tác tông đồ qua những
việc làm hèn mọn vì tình yêu. Tinh thần này cũng thôi thúc Mẹ thiết lập hội:
· Giáo Dân Thừa Sai Bác Ái.
· Để đáp lại yêu cầu của nhiều linh mục, năm 1981, Mẹ
Têrêxa khởi xướng phong trào Corpus Christi dành những linh mục nào muốn chia
sẻ linh đạo và đặc sủng của Mẹ.
Trong
những năm lớn mạnh đó, thế giới bắt đầu chú ý đến Mẹ và các công trình mà Mẹ đã
khởi xướng. Mẹ nhận được nhiều giải thưởng:
· Giải Padmashri của Ấn Độ, năm 1962.
· Giải Hoà Bình của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, năm
1971.
· Giải Nêru vì có công thăng tiến nền hòa bình và sự
thông cảm trên thế giới, năm 1972.
· Giải Nobel Hòa Bình, năm 1979; trong khi đó, các
phương tiện truyền thông càng ngày càng ca tụng Mẹ hết lời qua các công việc Mẹ
làm. Mẹ đón nhận tất cả ‘vì vinh danh Thiên Chúa và nhân danh người nghèo’
Chứng
từ của một cuộc đời.
Toàn bộ cuộc đời và công trình của Mẹ Têrêxa là một
chứng từ cho niềm vui trong yêu thương, cho sự cao cả và phẩm giá của mỗi một
con người, cho giá trị của từng việc nhỏ nhất được thực thi với đức tin và tình
yêu, và trên hết, cho sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.
Nhưng có một khía cạnh anh dũng khác của vĩ nhân này
mà ta chỉ biết được sau khi Mẹ qua đời. Đây là một điều Mẹ dấu kín đối với mọi
người, kể cả những thân hữu gần gũi nhất với Mẹ: Trong cuộc sống nội tâm, Mẹ có
một cảm nghiệm sâu lắng, đau đớn và thường xuyên rằng Mẹ ở xa cách Chúa, thậm
chí bị Người ruồng bỏ, và vì thế càng ngày Mẹ càng khao khát được Chúa yêu
thương nhiều hơn. Mẹ gọi cái cảm nghiệm nội tâm ấy là ‘bóng tối’. Cái ‘đêm đen
cay đắng’ này khởi sự từ ngày Mẹ bắt đầu công việc phục vụ người nghèo và tiếp
tục mãi cho đến cuối đời, khiến Mẹ ngày càng kết hiệp mật thiết hơn với Chúa.
Qua cái tối tăm đó, Mẹ tham dự một cách huyền nhiệm vào cơn khát cùng cực và
đau đớn của Chúa Giêsu và chia sẻ tự thâm sâu sự khốn cùng của người nghèo.
Trong những năm cuối đời, mặc cho sức khoẻ càng ngày
càng giảm sút, Mẹ vẫn tiếp tục điều hành Hội Dòng và đáp ứng các nhu cầu của
người nghèo và của Giáo Hội.
· Năm 1997, số nữ tu của Mẹ Têrêxa là 4000 chị, hoạt
động tại 610 nhà, trong 123 quốc gia trên thế giới.
· Tháng 03 năm 1997, Mẹ chúc phúc cho vị bề trên tổng
quyền mới của Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái (chị Nirmala Joshi), rồi thực hiện một
chuyến du hành ở nước ngoài.
· Sau khi yết kiến Đức Thánh Cha lần chót, Mẹ về lại Calcutta , dành những ngày
cuối đời để tiếp khách và dạy dỗ các nữ tu con cái mình.
· Ngày 05 tháng 09 là ngày cuối cùng trong cuộc đời
trần thế của Mẹ. Mẹ được tiễn đưa về vĩnh cửu theo nghi lễ quốc táng của Ấn Độ
và thi hài Mẹ được chôn cất tại nhà mẹ của hội dòng Thừa Sai Bác Ái. Mộ của Mẹ
trở thành nơi hành hương cho mọi người, giàu cũng như nghèo.
Không đầy hai năm sau ngày qua đời, do sự thánh thiện
mà mọi người đã đồng thanh ca ngợi và những báo cáo về các ơn thiêng nhận được
qua Mẹ, nên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho phép tiến hành xem xét hồ sơ
phong thánh cho Mẹ. Ngày 20 tháng 12 năm 2002, ngài phê chuẩn sắc lệnh công
nhận nhân đức anh hùng và các phép lạ của Mẹ.
Ngày 19 tháng 10 năm 2003, Mẹ được nâng lên hàng chân
phước (lễ kính vào ngày 05 tháng 9). Mẹ là người được phong chân phước nhanh
nhất trong lịch sử Giáo Hội từ trước đến nay: chỉ 6 năm sau ngày qua đời. Trước
Mẹ, thánh Gioan Bosco và thánh Maximilian Kolbe được phong chân phước 30 năm
sau ngày qua đời và là những người được phong chân phước nhanh nhất.
Chân phước Têrêxa thành Calcutta - một người của toàn thể
nhân loại, mang dòng máu Anbani, có quốc tịch Ấn độ và công dân danh dự của Hoa
kỳ, nhưng lại xóa mình đến nỗi ít ai còn nhớ đến cái tên khai sinh Agnes Gonxha
Bojaxhiu - mãi mãi là hình ảnh của một Kitô hữu có một đức tin không hề lay
chuyển, một đức cậy bất chấp phong ba và một đức ái vượt mọi biên thùy. Lời đáp
trả trước tiếng gọi của Chúa Giêsu "Hãy đến làm ánh sáng cho Thầy" đã
biến người thành một nhà Thừa Sai Bác Ái, một ‘người mẹ của kẻ nghèo’, một biểu
tượng cho lòng thương cảm của Thiên Chúa đối với con người và một bằng chứng
sống động cho thấy rằng Chúa Giêsu từng ngày khắc khoải chờ đợi tình yêu của
mỗi một linh hồn.
và
Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái. /
---------------------
Tôi không theo tôn giáo nào, vì tôi coi trọng các tôn giáo lớn. Nếu bạn theo hẳn một tôn giáo và có ác cảm với tôn giáo khác - đó là bạn không đạt đuợc căn tu. Tôi sợ mình sẽ bị như vậy. Dù không theo tôn giáo nào, tôi vẫn tin là có Đấng-Cứu-Thế-Linh-Thiêng-Trên-Tất-Cả để có niềm tin sống trên cõi đời này.
Trả lờiXóaRất cảm ơn Trần Duy Nhiên đã giúp cho đọc giả hiểu về mẹ Têrexa, một tâm hồn vĩ đại đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho người nghèo... Ôi! Phải chi các quan chức Việt Nam có được chỉ 1/1.000 phẩm hạnh của mẹ thì dân ta đỡ biết bao...
Trả lờiXóaLàm gì chó chuyện những người CS nói chung, và các quan chức CSVN nói riêng,có được phẩm hạnh như mẹ Têrêxa. Bời vì họ là vô thần. Họ chỉ biết tôn thờ vật chất mà thôi. Theo họ, chết là hết. Vậy việc gì họ phải hy sinh cho người khác? Họ chỉ lo vơ vét cho đầy túi, để đến đời con đời cháu của họ được sung sướng. Vì là vô thần,cho nên họ đã trắng trợn cướp mọi thứ của người dân, kể cả tính mạng, mà họ không hề sợ tội lỗi.Trong não trạng của họ, những từ như CÔNG BẰNG, BÁC ÁI ...là đồ xa xỉ. Câu ca dao mới đã nói lên đầy đủ bản chất của họ hiện nay:
Trả lờiXóaCon ơi nhớ lấy câu này
Ngày nay nó cướp cả ngày lẫn đêm
Mother Theresa này nổi tiếng từ lâu rồi. Người như Mẹ trên thế giới đếm trên đầu ngón tay. (Ý kiến của tôi "chứng từ" nên gọi là "tư liệu".)
Trả lờiXóaQuan chức CS Không phải họ vô thần mà họ nghĩ là có tiền thì sẽ mua được cả thần thánh!
Trả lờiXóaNgười Công giáo (và Ki-tô giáo nói chung bao gồm Tin Lành, Chính Thống và Anh Giáo) đều tin vào Đấng Tạo Hóa, hay còn gọi là ông Trời. Họ thừa hưởng niềm tin đó từ người Do-thái, vì người Do-thái đã sống kinh nghiệm đó bằng lịch sử dân tộc của họ, từ một nhóm nô lệ không tên tuổi thành một dân tộc thờ một vì Thần tạo hóa duy nhất giữa các nhóm dân tộc hùng mạnh và đa thần. Qua cái chết của Giê-su, một giáo sĩ (rabbi) Do-thái bình dân bị chế độ chính trị của đế quốc Roma và hai nhóm chính trị tôn giáo Do-thái là Sa-đốc và Pha-ri-sêu kết án tử hình bằng cách đóng đinh treo trên thập giá, các học trò của Giê-su lại ngỡ ngàng thấy Giê-su sống lại nhưng hoàn toàn vinh quang (sự phục sinh)và sai họ đi loan báo tin vui đó, tin vui phục sinh. Họ đã loan truyền tin vui đó, và lập nên các nhóm người tin, đầu tiên là người Do-thái, sau đó là các sắc dân khác. Họ đã chứng minh cho điều họ thấy bằng chính việc chấp nhận cái chết khi bị chính quyền bắt và giết hại. Vì cái chết và sự phục sinh đó của Giê-su, họ nhân ra rằng Ngài là Đấng Cứu Tinh đã được các tiên tri(ngôn sứ) của dân Do-thái đề cập đến hàng trăm năm trước (ít nhất là 1000 năm trước, kể từ thời vua Đa-vít), và Giê-su chính là Lời của Đấng Tạo hóa đã làm người để đưa con người về với Đấng Tạo hóa bằng tình bác ái, vị tha, và nhất là người Công giáo qua Giê-su có thể gọi Đấng Tạo hóa là Cha, một danh từ chỉ mối quan hệ mật thiết, tràn đầy tình yêu. Giê-su đã rao giảng về tình yêu, lòng vị tha và tình huynh đệ, và kêu gọi mọi người tin tưởng vào tình yêu thương của Đấng Tạo hóa. Ngài gọi Đấng Tạo hóa là Cha. Vì thế Ngài bị các nhóm chính trị ghen ghét và giết chết. Nhưng Ngài đã phục sinh, và để nói lên rằng tình yêu cao hơn hận thù và chết chóc, và mỗi một con người (theo niềm tin Do-thái và Ki-tô giáo) với thân xác, linh hồn (nguyên lý sự sống con người)và tinh thần (hơi thở của sự sống)là duy nhất, độc nhất, đáng quý nhất, đáng yêu mến và trân trọng nhất, cho dù nó nghèo nàn, đói khát, tàn tật. Chính vì cái duy nhất và độc nhất đó mà sự sống của mỗi con người trở nên đáng quý và vô giá, luôn phải được thăng tiến, nhất là trong vấn đề giáo dục và tương trợ lẫn nhau. Hơn nữa, chính trong sự phục sinh của Giê-su, mà mỗi người công giáo đều đặt trọn niềm tin vào sự phục sinh của mỗi người, được vinh quang và hạnh phúc. "Con người ở một mình không tốt", vì thế người Ki-tô giáo phải luôn biết đến người khác, xả thân cho người khác để mang lại phẩm giá cho người bên cạnh mình. Mẹ Tê-rê-xa đã sống được cái niềm tin đó, và là tấm gương cho mỗi một người công giáo trên toàn thế giới. Chính niềm tin và tình yêu vào Đấng Tạo hóa qua Giê-su, và tình yêu đồng loại đã giúp mẹ làm điều đó, và mang lại cảm hứng có rất nhiều người. Chữ Công Giáo (catolica hoặc universality) có nghĩa là Con Đường (Đạo) giành cho mọi người, không phân biệt ai. Vì là của mọi người, nên có người tốt, có người xấu, có người làm được như mẹ Tê-rê-xa, và có nhiều người làm điều sai vì họ không từ bỏ được thói quen xấu của họ. Nhưng mục đích của Công Giáo lại là mục tiêu mà họ phải phấn đấu, bất chấp con người họ thế nào. Chính vì niềm tin vào sự tha thứ và tình thương vô biên của Đấng Tạo hóa, thể hiện qua Giê-su, là nguồn sinh lực giúp họ hoán cải và cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày. Nên nhớ là người Công giáo khi dâng thánh lễ, họ luôn nói : lỗi tại tôi mọi đàng. Rồi họ cùng xin mọi người tha thứ cho những gì họ làm.
Trả lờiXóaMột vài hiểu biết chút ít về người Công Giáo (và người Ki-tô giáo nói chung) để biết và tôn trọng họ hơn và thông cảm cho những sai lầm mà không ít người Công giáo gây ra chỉ vì họ là tôn giáo của mọi người, của kẻ xấu cũng như của không ít người tốt. Mặt trời soi rọi trên mọi vật, cỏ dại cũng như lúa tốt, người xấu cũng như người tốt, nhưng cái mục đích mang lại sự sống của ánh nắng mặt trời thì không trừ ai.