Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

BỘ MÁY - ĐIỆP KHÚC CỒNG KỀNH

·        BÙI VĂN BỒNG
Chập tối, Chánh Văn phòng Thành ủy gọi điện mời tôi sáng mai Chủ nhật đi uống café. Tôi nhận lời. Gần 6 giờ sáng hôm sau, ông ta gọi điện: “Xin lỗi! Bài phát biểu cho Bí thư Thành ủy sáng thứ 2 chưa xong, ông phải sửa gấp”. Một lần khác, Trưởng phòng Nghiên cứu –Tổng hợp UBND thành phố hẹn sáng Chủ nhật cùng đi thăm gia đình người bạn.
Nhưng, chỉ hơn một giờ sau, anh ta cũng xin cáo lỗi vì bận lo báo cáo tháng chưa xong…Anh ta kêu: “Các vị ‘nhét’ con cháu vào đông quá, phải chấp nhận, nhưng họ đâu có chuyên môn, cái gì rồi cũng đến tay ‘cái thằng quen nghề’ này. Bận túi bụi!”. Cồng kềnh, tốn lương mà hiệu quả thấp”.
Hôm mới rồi, tại buổi khai mạc Hội nghị Trung ương 7 (2/5), TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện sau khi sắp xếp lại tuy có giảm đầu mối trực thuộc ủy ban nhân dân nhưng lại tăng các đơn vị bên trong các sở, ngành. Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường”.
              Đã từ lâu, trong cơ chế của ta, từ Đảng đến chính quyền rồi các bộ, ngành, cơ quan từ cấp huyện, tỉnh, thành phố lên đến Trung ương đã hình thành bộ máy văn phòng, cơ quan nghiên cứu, tổng hợp, cơ quan, phòng, ban chuyên trách rất đầy đủ, hầu như  không thiếu một góc nào. Vì muốn phình to cơ quan, tăng sự bề thế, lại có chỗ để đưa con em, người nhà, mối thân quen vào biên chế, người ta đề xuất đủ mọi lý do cần thiết thêm phòng này, ban nọ, bộ phận kia… Riêng Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương hiện nay đã có tới 650.000 đảng viên.
Cứ theo bài ấy, nhiều năm, nhiều cơ quan, nhiều ngành chỉ có tăng biên chế, ít khi và khó mà giảm được. Từ đó, sinh ra mộ bộ máy cồng kềnh, số lượng vào biên chế nhà nước trong mảng hành chính sự vụ này ngày càng đông. Mà đó lại là những nơi được coi là “ngon ăn, béo bở”, là nơi gửi gắm con, cháu, họ hàng thân quen của các quan chức. Con cái dân thường dễ gì chen vào được? Quỹ lương dành cho “khối” này rất lớn, tăng chi tiêu công, ăn lạm, sém lẹm không ít vào ngân khố quốc gia. Mà bộ máy này lại thường sinh ra cồng kềnh, chồng chéo công việc, có khi “dẫm chân lên nhau”, hiệu quả thấp.
Có những văn phòng bố trí đến 3 công vụ. Phải phân ra, người này quét nhà, người kia pha trà, người khác chỉ việc ngồi đọc báo, xem ti vi hoặc mở mạng chơi game, thường trực “cơ động”, chỉ khi cán bộ, lãnh đạo cần uống cà phê thì chạy ra phố mua, thế coi như cũng xong việc cả buổi. Thực ra, hô hào tinh giản biên chế từ lâu rồi, nhưng biên chế hành chính bao cấp ngày càng nhiều. Có ông than phiền:
- Tinh giản ư? Tinh gián ai? Cũng biết là chúng nó không được việc mấy, nhưng “trên” bắt phải nhét vào rồi, bắt phải kiếm việc, tìm chỗ, nói là cho nó có nơi làm, rồi cho nó cái chức danh, có đồng lương để sống, lại được ở Hà Nội. “Công thức 18 Đ” đặt ra những yêu cầu dù không muốn cũng phải lo cho chúng nó là: “Đều đã được đỡ đầu, đi đứng được đầy đủ, đừng để đói, đếch đuổi đi đâu được”.
Cái chuyện cồng kềnh biên chế, dựa hơi nhà nước, có khi học hành, bằng cấp cũng chưa đâu vào đâu, làm việc “ba chớp ba nháp” vẫn lên lương lên chức đàng hoàng, về hưu lại đủ chế độ giữa thành thị, âu cũng chẳng phải lỗi của ai, mà là lỗi của cơ chế. Đã nói đễn cơ chế thì dù có bị phạm pháp, sai lầm gì chăng nữa thì cũng không ai lôi được bị can “cơ chế” ra tòa. Cơ chế do con người đẻ ra, nhưng nó không phải là con người cụ thể.
Điều đáng nói nhất là bộ máy quan liêu đã sinh ra những cán bộ quan liêu. “Trả lương rồi, giao việc thì phải làm, ăn cơm chúa múa tối ngày, chẳng lẽ đến tay tao!”- cái lý sự từ trong nếp quen tư duy như thế nhiều lắm.
Có những cán bộ đã lên bậc chuyên viên. Công việc chủ yếu là “chắp bút” cho lãnh đạo. Từ báo cáo, phát biểu cho đến thư trả lời, trao đổi chỗ này chỗ kia đều do chuyên viên, trợ lý làm hết. Ông chuyên viên nọ gắn cả đời từ khi lính lác đến cấp chuyên viên chỉ như vậy thôi, được cấp nhà gần cơ quan, ngay giữa trung tâm thành phố, từ nhà đến cơ quan gần có thể đi bộ được. Ông ta lại thiếu thực tế, chẳng hề biết địa phương, cơ sở là gì, chỉ loanh quanh hàng ngày với việc bàn giấy, sớm cắp ô đi, tối cắp ô về. Cứ cái điệp khúc đó mà đời cha truyền đời con, rồi đến đời cháu, không ra khỏi Hà Nội, trừ những chuyến thi thoảng về thăm quê hương bản quán hoặc đi du lịch, thăm thú riêng tư…
Có người nói với tôi: “Tại sao ông nào lên cái chức ấy phát biểu đều giống nhau?”. Thì đúng thôi, lãnh đạo nào lên thì vẫn dùng chuyên viên, cán bộ chuyên trách đó làm cái công đoạn “chắp bút”. “Chắp bút” đã thành nghề, viết bài cho lãnh đạo nhanh đến mức “siêu”. Nhưng, sở dĩ nhanh là vì có các bản lưu sẵn tiwf mấy chục năm rồi, mỗi loại có một ngăn riêng, bố cục, nội dung riêng. Đã có bài bản sẵn từ lâu năm, đã  qua đến mấy đời lãnh đạo rồi, như một thứ ba-rem, công thức, chỉ cần đảo lên, đảo xuống, thay địa danh, ngày tháng, đưa vào mấy số liệu có chút mới hơn, lại thay phần thưa gửi ở bên trên, lời chào cuối bài  cho phù hợp từng hội nghị, từng đối tượng người nghe, thế là coi như xong việc, đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo, chẳng cần nhiều động não. Làm việc an nhàn, lương cao, con cháu được nhờ cả dây, cả chùm giữa Hà thành, đời mà được như thế là dư sức  “ổn định và phát triển”.
Đảng ta từ nhiều năm qua đang tổ chức “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hình ảnh Bác Hồ ngồi trước máy chữ, tay đặt lên vằng trán suy nghĩ, toát lên con người tự chủ lao động của Bác, nói  và làm đúng tâm, đúng tầm của mình. Cái gì cũng tự Bác viết ra. Ở núi rừng căn cứ Việt Bắc có ”bàn đá chông chênh dịch sử Đảng…”, về Hà Nội tại nhà sàn và Phủ Chủ tịch trên bàn làm việc có máy chữ. Đọc bản thảo Di chúc của Bác để lại, mới thấy cách làm  việc cẩn thận, chu đáo của Bác. Bản thảo viết xong, Bác tự sửa lại đến mấy lần. Một cán bộ cựu trào từng mấy chục năm làm việc ở Văn phòng Chủ tịch nước kể lại là ông Vũ Kỳ có lần nói: “Cái này Bác để cháu viết, rồi gửi đến Bác đọc”. Bác nói: “Bài tôi phát biểu thì tôi tự viết lấy. Để cho chú viết, là cái đầu chú nghĩ ra, đâu phải đầu của Bác? Mà nếu để chú viết, tôi cũng phải xem, phải sửa lại. Thế nên tiện nhất là tôi tự viết lấy”. Chưa nói đến chuyện gì lớn, chỉ riêng tác phong, cung cách làm việc của Bác Hồ, lãnh đạo ta có mấy ai học và làm được theo tấm gương của Người? 
Ngược lại, cán bộ lãnh đạo ta bây giờ còn khá nhiều vị hầu như rất ít khi  tự viết, tự soạn văn bản, soạn báo cáo, lời phát biểu, tự gửi thư trả lời cho chỗ này nơi kia. Đến như bài báo, thậm chí tập thơ cũng do người khác viết cho lãnh đạo đứng danh. Từ cán bộ xã, lên lãnh đạo huyện, lên tỉnh, rối lên bộ, ngành Trung ương, tất cả đều do các cán bộ, nhân viên văn phòng, trợ lý, thư ký viết cho hết, chỉ sẵn đọc, thế mà có khi đọc còn sai. Số liệu do người “chắp bút” tìm hiểu, tổng hợp và soạn sẵn, cứ thế mà đọc. Cho nên, đọc xong quên luôn. Khi cấp trên đến làm việc, lại gọi “bộ máy” lên cùng dự rồi nếu cần thì các phòng, ban giúp việc trực tiếp báo cáo.
Có lần, tôi hỏi một ông Bí thư tỉnh ủy cho địa chỉ Email để tôi gửi một tài liệu liên quan cho ông ta đọc. Ông ta nói: “Cứ gửi đến văn phòng, rồi văn phòng in ra cho tôi đọc, tôi đâu có biết “vi tính vi toán”, có biết “i-meo, i-mẻo” là cái gì đâu” (!?). Quan liêu từ đó mà sinh ra. Rồi lãnh đạo cũng sinh ra lười biếng, ỷ lại, chỉ tay năm ngón. Từ khi có điện thoại di động, các cán bộ lãnh đạo càng an nhàn, có việc gì, chỉ cần “phôn” là có người chạy đi lo ngay. Phải chăng do cơ chế mà phát sinh bộ máy cồng kềnh, rồi chính bộ máy tốn kém nhiều tiền nhà nước đó lại biến cán bộ lãnh đạo thành cái máy?
Từ thực trạng khối hành chính, văn phòng cơ quan khổng lồ, đông đảo, cồng kênh từ huyện lên tình, bộ, ngành Trung ương như thế, liệu có cần “tái cấu trúc”, tinh giản biên chế cho phù hợp và tiết kiệm hay không? Trước hết, cơ chế đó tự nó đã sinh ra một đội ngũ cán bộ chuyên trách, những chuyên viên đã quen với lối sống và làm việc theo kiểu hành chính, quan liêu, bao cấp. Họ chỉ biết “sống dựa, ăn theo, nói leo, mách lẻo, tìm cách trèo, báo cáo lươn lẹo”. Họ có nhiều chiêu thức và kinh nghiệm lấy lòng, chiều chuộng lãnh đạo, nịnh nọt, ton hót, khéo sống “gió chiều nào che chiều đó”, hoặc là “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”,  miễn là được an phận thủ thường, hở ra là tìm cách tự tư tự lợi cho cá nhân, gia đình. Còn về lãnh đạo được đặt trong cơ chế, bộ máy đã thành khuôn đúc sẵn ấy thì cũng bị biến thành cái máy.
Người lãnh  đạo hoạt động thiếu tự chủ và ít phat huy nội lực bản thân, được an nhàn là nhờ chức danh, chức trách mà được đứng lên trên thiên hạ, được sống và làm việc bằng cái đầu của người khác: “Cái đầu văn phòng, cái chân xe công, làm ăn lòng vòng, cái mông trợ lý, chữ ký qua loa”.
Thực tế, có những lãnh đạo trình độ kiến thức còn yếu, cái bằng náo đó chỉ là sự “hợp thức hóa”, chẳng bằng ai. Nhưng ông lại được quyền sống bằng những cái đầu người khác, những chuyên gia được đào tạo bài bản, những trợ lý đầy kinh nghiệm. Những cán bộ, nhân viên, trợ lý đều học hành chính quy cả, ông đâu còn sợ gì. Đi đâu có xe công ngon lành. Làm giàu thì phải ký cót dự án, vốn liếng lòng vòng. Cái ghế ở cơ quan đã có thằng trợ lý thay ông giải quyết các công việc, có gì cần thì báo cáo sếp.
Bao giờ cơ chế, và chế độ ta mới thực sự tinh giản được cồng kềnh bộ máy? Bao giờ mới bớt được đội ngũ đông đảo ăn lương nhà nước rồi chỉ việc ngồi chơi xơi nước? Bao giờ cán bộ, lãnh đạo ta không còn điều kiện và cơ hội để “sống bằng cái đầu người khác” để rồi chính bản thân người lãnh đạo phải tự vận đọng suy nghĩ, phải vắt óc, phải biết có sự mất công vì công việc, không còn là cái máy đã được cơ chế cài sằn phần mềm, được cơ chế lập trình hóa thay cho năng lực thực chất, hoặc như cái máy liên tục được đổ đầy nhiên liệu quan liêu? Ôi, cái bài ca truyền thống về sự công kềnh ấy cứ  ngân nga, rỉ rả, mỗi ngày đẻ thêm điẹp khúc hết đời này sang đời khác!
         BVB
------------------
+ Bài liên quan:

14 nhận xét:

  1. Tội quá anh BỒNG ơi,sống không qua cái đầu bọn em thì cái nghề làm chuyên viên chính bị giải thể sao?VP UBND tỉnh,TP giải thể...chết tụi em.
    Thời buổi này tìm đâu ra 1 ông lãnh đạo có trình độ.Và không có ông nào chịu đi thực tế.
    Cán bộ ta học đâu cái đạo đức là ăn lương của dân,hưởng bổng lộc của dân và tiền bối mà làm việc lấy lệ,khơi khơi.

    Trả lờiXóa
  2. Ở VN bây giờ chỉ còn bộ máy hành chính là nguyên bản 100% so với lý thuyết của chủ nghĩa CS.Giống hệt các nước CS đông Âu cách đây 23 năm: Tất cả mọi người đều có việc làm,mật ít ruồi nhiều,không bao giờ khá được!

    Trả lờiXóa
  3. PHỎNG VẤN ÔNG CƠ CHẾ


    PV: Kính chào ông Cơ chế, trông ông có vẻ ung dung tự tại nhỉ, ông có thể cho PV phỏng vấn vài câu, được không ạ?

    Ông Cơ chế: Vâng, nguyên tắc sống của tôi là "Không đi đâu mà vội", nhà báo có thể phỏng vấn tôi cả ngày cũng được, không sao.

    PV: Cảm ơn ông rất nhiều. Xin ông giải thích rõ hơn về quan điểm sống của mình.

    Ông Cơ chế: Như trên tôi đã nói, tôi vốn sống theo thuyết "Vô vi" của Lão Tử. Sống và làm việc chứ có phải thi điền kinh đâu mà cần nhanh.

    PV: Vâng, xin chia sẻ với quan điểm sống của riêng ông, nhưng cũng vì quan điểm này mà dư luận cho rằng ông là người bảo thủ, chậm đổi mới, không theo kịp các yêu cầu của đời sống, làm cản bước tiến của xã hội. Ông nghĩ sao về nhận định này?

    Ông Cơ chế: Anh định khiêu khích tôi đấy phỏng? Tôi xin nói thế này để anh hiểu: Ngày nay, cứ có việc gì còn tồn tại, khuyết điểm hay không làm được là người ta lại đổi cho "tại cơ chế", " do cơ chế"...Còn thành tích đạt được thì họ lại không nói "nhờ cơ chế"...Nói thật với anh, tôi chán cái cảnh làm bia đỡ đạn cho người ta lắm rồi.

    PV: Xin ông hãy "hạ hỏa", không lại làm hỏng đi cái đạo "Vô vi" của Lão Tử. Xin hỏi ông, vì sao mà ông lại bức xúc với họ như vậy?

    Ông Cơ chế: Chắc anh nhớ câu các cụ dạy "Lành với bụt chứ không ai lành với ma". Tôi kể anh nghe câu chuyện này của Mạnh Tử thì anh sẽ rõ hơn: " Có một anh làm nghề ăn trộm gà. Hàng xóm khuyên can: Ăn trộm là việc xấu cần phải sửa ngay. Anh ta trả lời : Tôi biết ăn trộm gà là việc xấu nhưng đã là thói quen rồi, không bỏ ngay được, thôi, từ nay tôi sẽ ăn trộm gà ngày một ít đi, đợi đến sang năm thì tôi mới bỏ hẳn được". Đấy, anh thấy không, Cơ chế tôi do con người sinh ra, lại con người thực hiện, nếu thấy sai, thấy bất cập thì sửa đổi ngay đi, sao còn phải " đợi đến sang năm" như kẻ ăn trộm gà nọ.

    PV: Vâng, ông quả là một người uyên bác, không những rành về Lão Tử mà còn am hiểu sâu sắc cả về Mạnh Tử.

    Ông Cơ chế: Vâng, tôi cũng đã từng nghiên cứu qua các loại "Tử", nhưng nói thẳng với anh, nếu họ cứ nhai đi nhai lại cái điệp khúc "tại cơ chế", "do cơ chế" này suốt ngày bên tai tôi, thì có lẽ tôi sẽ phát điên mất, chỉ thiếu mỗi một nước là "Tự Tử" nữa thôi.

    PV: Sao ông bi quan thế? Vậy, để đảm bảo hệ thống các cơ quan trong người ông hoạt động thông suốt, xin ông đề xuất một phương án cho mình ?

    Ông Cơ chế: Vâng, phương án đề xuất của tôi là : Phải thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân dân, phải liên tục rà soát, phát hiện và chữa trị kịp thời các bệnh về Cơ chế (chứ không phải Cơ tim đâu nhé) để đảm bảo sức khỏe cho tôi (có thể thành lập Ban bảo vệ sức khỏe Cơ chế). Có như vậy thì tôi mới toàn tâm toàn ý làm việc được.

    PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông và hy vọng đề xuất của ông sớm được thực hiện. Kính chúc ông luôn mạnh giỏi!

    Trả lờiXóa
  4. Được định đoạt đây đó/ Đã được đảng đặt để / Đủ đầy đừng để đói / Đếch đuổi đi đâu được!

    Trả lờiXóa
  5. "từ nay tôi sẽ ăn trộm gà ngày một ít đi, đợi đến sang năm thì tôi mới bỏ hẳn được".
    Vì đến sang năm là đã hết gã cho bọn ăn cắp rồi! Chỉ còn cách ăn thịt lẫn nhau!

    Trả lờiXóa
  6. Kể mà đảng có sáng kiến mở Trương đào tạo lãnh đạo các cấp tư Huyện trở lên, thời gian học là 10 năm cho cấp Huyện, 15 năm cho cấp Tỉnh, 20 năm cho cấp Trung ương, học phí thu một lần, thi đầu vào thì đơn giản, nhưng quy định mức...học phí thật cao-gấp vài chục lần du học Mỹ, Nhật...! chắc là sẽ thu được khoản khá lớn để bù cho...Vinashin, Vinaline và v.v... Đằng này cứ lấy tiền đóng góp của Dân để nuôi "con ông, cháu cha" học giả, bằng thật rồi...cất nhấc, sắp đặt thì chết... dân , bác Bồng nhẩy? À! Sao đảng viên ở khối TƯ mà đông thế bác? hơn nửa triệu cơ à? Hoảng quá!

    Trả lờiXóa
  7. Bệnh thiếu trách nhiệm của từng con người trong cơ chế này sẽ làm cho hệ thống chính trị đẻ ra nó sụp đổ.Tuy nhiên lợi ích của cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị đang rất lớn và thiết thực hơn . Nhiều người trong hệ thống lãnh đạo biết đấy , nhưng đều là bản chất nông dân ai chịu từ bỏ hay thay đổi.Khó thật.

    Trả lờiXóa
  8. Thay đổi một số chức danh để kính thưa,.. ngày tháng đã là khá . Vừa rồi tôi còn nghe ở trung tâm bồi dưỡng chính trị ở một huyện cò ko thèm thay luôn . đến khi ông giám đốc lên đọc khai giảng một khóa , ngày tháng thì vẫn năm 2011, còn cả chức danh một đ/c thì đã theo cụ Các mac hơn năm rồi , cười chảy cả nước mắt .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bổn cũ soạn lại, đã là lười. quấy quá xong việc; nay lại bổn cũ để nguyên thì ...chỉ biết cười ra nước mắt. Bộ máy không những cồng kềnh mà sinh ra quan liêu, tắc trách. Ông lãnh đạo chỉ học hết cấp 2 bổ túc cấp 3 bằng chạy, đại học bằng mua, nhưng có trong tay cả trăm kỹ sự đại hoc chính quy, sống và thăng tiến bằng tiền, thủ doạn, nịnh nọt, ton hót và bằng cái đầu người khác. Ông ta còn thua robot!

      Xóa
  9. Thượng bất chính , hạ tất loạn . Đảng tự chọn chủ tịch nước , thư tướng , chủ tịch QH . Đảng tụ soán quyền bài trừ tham nhũng của QH ,của nhà nước , tự đặt mâm cổ tại Trung ương . Như vậy đàn em địa phương cũng chỉ học cách xài quyền lực theo Trung ương Đảng , chuyện này khó trách .

    Tất cả mọi sinh hoạt của Đảng đều do nhà nước cung cấp , mọi ước muốn của Đảng đều do nhà nước thi hành , phung phí thêm chút nữa có nhằm nhò gì đâu !

    Càng ích nước , càng hại dân . Chuyện khó tin , nhưng lại có thật , về mức độ dân chủ VN ở thế kỷ 21

    Trả lờiXóa
  10. "Thời buổi này tìm đâu ra 1 ông lãnh đạo có trình độ" đủ tâm, đủ tầm. Nên học tập làm theo Đà Nẵng xa hơn thì nên học "Tư bản giẫy chết" cho con dân được nhờ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đà Nẵng - lâu đài trên cát, xứ sở của quán nhậu vỉa hè.

      Xóa
  11. Cấp học THCS trong huyện tôi “Huyện anh hùng thời kỳ đổi mới” bây giờ có nhiều trường chỉ còn 4 lớp hoặc 5 lớp với dưới 150 học sinh thế mà ngoài lực lượng trên 20 giáo viên dạy, 5 hoặc 6 cán bộ hành chính còn biên chế thêm 1 nhân viên y tế nữa. Có cán bộ tiết lộ: “Huyện phân công thêm người về trường chống thì không được, mà nhận về thì lãnh đạo nhà trường chẳng biết cho họ đến trường để làm việc gì nữa.
    lương nhà nước trả đâu phải tiền của mình, nếu không nhận thì liệu hồn” bởi Sếp trên đã nhận “tiền chạy việc”của họ rồi!

    Trả lờiXóa