Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Diễn biến mới nhất về vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng bọn

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt giam, lệnh khám xét đối với 4 đối tượng liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh.
Theo Cổng TTĐT Bộ Công an, chiều 25/9, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Lê Đình Mậu (45 tuổi, trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội) — Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban kế toán và kiểm toán Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Đồng thời, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với 3 đối tượng khác, gồm: Vũ Hồng Chương (64 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 (QLDA ĐLDK TB2) thuộc PVN; Trần Văn Nguyên (38 tuổi, trú tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), Kế toán trưởng QLDA ĐLDK TB2 và Nguyễn Ngọc Quý (64 tuổi, trú tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa — Vũng Tàu), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Cả 4 đối tượng nêu trên bị khởi tố về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên. Theo đó, các quyết định và lệnh nêu trên đã được thực hiện chiều cùng ngày đối với 4 bị can.
Kết quả điều tra vụ án đến nay cho thấy, dấu hiệu sai phạm trong việc tạm ứng tiền trước khi ký Hợp đồng EPC của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Mặc dù mới chỉ có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC, chưa ký Hợp đồng EPC, nhưng trước đó PVN đã làm thủ tục chuyển hơn 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỷ đồng cho Ban QLDA ĐLDK TB2 để tạm ứng 6,6 triệu USD và 1312 tỷ đồng cho PVC, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lãi phát sinh từ thời điểm tạm ứng đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (11/10/2011).
Về vi phạm cụ thể của các đối tượng nêu trên, Cơ quan tố tụng xác định, mặc dù mới chỉ có chủ trương giao cho PVC thực hiện gói thầu, chưa ký hợp đồng, nhưng trước đó PVN đã làm thủ tục chuyển hơn 8,2 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho BQL dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 để tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lãi phát sinh từ thời điểm tạm ứng đến lúc hợp đồng có hiệu lực (tháng 10/2011) là gần 52 tỷ đồng và hơn 66.000 USD.
“Trách nhiệm này thuộc về Hội đồng quản trị, lãnh đạo tập đoàn dầu khí, BQL dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và 4 bị can bị khởi tố nêu trên”, cơ quan tố tụng nêu rõ.
* Về dấu hiệu sai phạm của 4 đối tượng bị Cơ quan điều tra khởi tố. Cơ quan tố tụng xác định, Lê Đình Mậu đã soạn thảo, ký nháy công văn trình Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu BQL dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 tạm ứng cho PVC hơn 800 tỷ đồng, sau đó nhiều lần ký Ủy nhiệm chi để rút số tiền này.
Vũ Hồng Chương đã ký duyệt tạm ứng trái quy định cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng theo chỉ đạo của lãnh đạo tập đoàn, mặc dù biết việc này trái với Nghị định 48 của Chính phủ và Luật Kế toán.
Ngày 15/6/2011, Chương đã có văn bản báo cáo ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, về hợp đồng tạm ứng là không hợp lệ. Nhưng do Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu nên Chương vẫn làm tờ trình xin cấp vốn tạm ứng cho BQL dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tổng số tiền là 148 tỷ đồng và 9,55 triệu USD.
(Cảnh Báo)
--------------

1 nhận xét: