Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

> QUÂN LÁO HẾT CHỖ NÓI !


PHÁP QUAN GIỮA ĐỜI THƯỜNG

* TS. ĐINH CÔNG VĨ
VSK - Đây là câu chuyện lịch sử về một pháp quan đời Nguyễn từng xét xử nhiều án kiện nhưng đến lượt mình lại bị “lừa” trong một vụ án về “quyền tác giả”.

Đỗ Huy Uyên sinh năm 1820, ở làng La Ngạn, huyện Đại An, Phủ Nghĩa Hưng, Nam Định, đỗ Cử nhân khoa Canh Tý, đời Minh Mạng 21 (năm 1840), đỗ Phó bảng khoa Tân Sửu, đời Thiệu Trị 1 (năm 1841). Huy Uyên ngay từ thuở ấu thơ đã nối tiếng thần đồng, cha ông là Tuần phủ ở Trung bộ có tính hay khoe tài con mình.
Một lần vào hầu vua, nhân dịp có khoa thi Hội gặp các quan trường sắp sửa đi chấm thi, cụ cao hứng bông đùa: “Theo luật, người tài phải đỗ cao. Năm nay thằng con lớn tôi đi thi, các bác phải chịu khó về đọc sách mới chấm nổi nó, đừng để cháu nó cười cho đấy”. Các quan trường đều khó chịu. Khi thi Hội, quyển thi rọc phách xong, việc chấm được tiến hành chu đáo, khi hồi phách, quyển thi của Đỗ Huy Uyên bốn kỳ cộng 17 phân, đáng đỗ đầu.
Nhưng đang khi trời nóng bức, lại phải gò công chấm thi, không được chút đỉnh gì, lại nhớ chuyện hôm trước, các quan bèn cố bới dò trong quyển xem có gì sơ hở để dìm. Tìm về phần kim văn thấy có chữ “Đáp thiên khiển” nghĩa là “vua phải sửa mình để tạ lỗi với trời”, các quan bèn dâng sớ bắt bẻ ba chữ ấy là thiếu lễ độ, nên chỉ cho đỗ cuối bảng. Khi thấy tên mình dội bảng, Đỗ Huy Uyên toan trả lại sắc Phó bảng, để thi khoa sau, nhưng bè bạn khuyên can mãi, ông mới chịu thôi.
Sau đó ông được bổ làm quan, dần tiến tới chức Biện lý Bộ Hình, phụ trách pháp luật ở triều đình. Đỗ Huy Uyên lầu thông các Bộ luật Hồng Đức, Gia Long, lại có tài văn chương, tri thức uyên bác, từng để lại nhiều bộ sách có tiếng ở đời như bộ “Khải đồng thuyết ước”, “Tự học cầu kinh…” và đào tạo được nhiều người hiển đạt như Tiến sĩ Nguyễn Văn Tính, người làng Cựu Hào, Nam Hà. Ông có nhiều kinh nghiệm trong xử án, từng xử được những vụ án hiểm hóc của triều đình.
Với uy tín về học vấn và kinh nghiệm từng trải như thế, hẳn Huy Uyên, người thi hành luật thời Nguyễn sẽ tránh được những va vấp trong cuộc sống đời thường. Song lại có những chuyện bất ngờ đáng để phải suy nghĩ:
1. Pháp quan bị bất ngờ trong văn chương đối đáp:
Một hôm giữa thanh thiên bạch nhật, có một thanh niên ngoài 20 tuổi vào nói là học trò lỡ độ đường xin được giúp đỡ. Ông hỏi: – Anh đã học đến sách gì rồi? Anh thanh niên thưa: – Cháu mới học hết sách Tam tự, tam tiếc và đã học sang sách Hán sách hiếc.
          Thấy dân nói với quan hỗn hào như vậy, ông giận lắm, nhưng nén tâm bảo: – Anh đã học đến sách Hán nay ta ra một câu, đối được sẽ cho 5 quan tiền, còn như không đối được thì anh tính sao đây? Anh thanh niên thưa: – Xin quan đánh 30 roi.
Ông liền ra một vế đối: “Đoạt Triệu bích, bạt Triệu kỳ, Triệu tốt bất tri Hàn kích Triệu”. (Nghĩa là: Cướp thành nước Triệu, giữ cờ nước Triệu mà quân nước Triệu không biết là Hàn Tín đánh nước Triệu). Câu này khó ở chỗ trong một vế đối có 4 chữ Triệu liền. Người nào đối được phải có 4 chữ tương ứng như thế. Câu hàm ẩn ý bảo người thanh niên: Câu ra khó, anh chẳng đối được đâu, sẽ bị đánh đòn đến nơi mà không biết.
Anh thanh niên đối ngay: “Nhập Tần cung, trừ Tần pháp, Tần dân đại hỷ Hán vương Tần”. (Nghĩa là: Vào cung nhà Tần, trừ pháp luật tàn bạo của nhà Tần, dân nước Tần rất mừng được Hán làm vua nước Tần). Nước Tần đối với nước Triệu, 4 chữ Tần đối với 4 chữ Triệu, ứng đối chan chát. Bái Công là thiên tử đối với Hàn Tín là bề tôi, cái khí độ câu này còn cao hơn cả câu đối của người ra. Anh thanh niên có ẩn ý nói người nắm pháp luật: Ta cốt đến đây trừ cái tính kiêu ngạo của ông. Tuy câu đối xấc xược, nhưng ông phải phục là hay, gọi người nhà đưa 5 quan tiền. Anh thanh niên được tiền không cảm ơn, đi thẳng.

2. Pháp quan bất ngờ bị lừa trong mua văn, bán chữ ở làng quê.
Huy Uyên từ quan về nhà dạy học. Những làng quanh miền La Ngạn nếu có công việc hiếu hỷ gì đều cầm tiền đến xin chữ của ông. Một hôm, làng Thức Vụ mở hội đánh vật, hương chức ủy Phó lý đến xin bốn chữ đại tự để treo trước sân vật. Ông nói:
 – Bốn chữ phải biện bốn nén bạc.
Phó lý nhận lời, khất đến sớm hôm sau đem bạc đến lấy chữ. Rồi y đi trình làng lấy luôn bạc đưa về nhà cất kỹ. Phó lý vốn biết ông lúc này hai mắt đã loà, việc văn chương cứ đến tối thường bàn với con trai là Hoàng Giáp Liêu. Vì thế, khoảng nhá nhem tối, hắn lẻn vào sau nhà ông để nghe trộm. Quả nhiên, đến tối Liêu về nhà, ông bảo con trai:
- Làng Thức Vụ xin thầy bốn chữ để treo ở đám đánh vật, thầy định cho là: “Anh hùng trần lực” hay “Trần lực tựu liệt” anh tính chữ nào hơn?
- Thưa, hai chữ cùng hay cả, nhưng chữ “Trần lực tựu liệt” có lẽ hơn vì là ở chính văn, còn chữ “Anh hùng trần lực” thì ở bài bản.
Phó lý nghe rồi, lắng lặng chuồn thẳng.
Hôm sau, mặt trời đã le lói ở đằng đông, vẫn không thấy Phó lý đến mà bên đình làng Thức Vụ trống đánh vật đã nổi hiệu thì thùng, Huy Uyên bèn sai người sang xem thì mới rõ: bốn chữ “Trần lực tựu liệt” đã treo rực rỡ ở sân vật rồi. Ông biết mình mắc hợm Phó lý, đành chịu quay lại dặn người nhà:
– Nhà ta không có tiền bạc gì lắm mà cần phải đề phòng trộm đạo, nhưng từ nay đêm hôm, nên chặn cửa ngõ cho kỹ, vì nay thời buổi phức tạp, mới nảy ra lối ăn trộm chữ mà xưa nay chưa từng thấy.
Bởi đề phòng kỹ thế, nên thủ đoạn mà Phó lý đã dùng không tái diễn nữa. Song Huy Uyên vẫn bị một vụ trộm nữa, nói chính xác hơn là cướp giật, vì kẻ chủ mưu giật ngay chất xám từ tay ông vừa khéo léo, vừa trắng trợn: Có một làng gần đấy lập đền thờ bà chúa Mẫu, cần có bức hoành phi treo trên điện. Thầy lý đến xin chữ đã thống nhất với quan Biện lý Bộ Hình mỗi chữ một nén bạc. Nhân có Hoàng Giáp Liêu ngồi cạnh, ông bàn:
– Thầy nghĩ chỉ có câu: “Dữ thiên vô gián” (không cách biệt với trời) là hay tuyệt, trời với mây mà lại, đối ý lại đối chữ.
- Bẩm quan lớn, bốn chữ này đã có người cho rồi đấy ạ. Họ đã cho nào “Dữ thiên vô gián”, nào “Dương dương tại thương”, nào “Trạc trạc quyết linh”…. Để xin quan bốn chữ khác mai con đến lấy.
Lý trưởng về, rồi cũng như Phó lý bữa trước không trở lại. Đến khi khánh thành đền, quan Biện lý cho người sang xem thì thấy bức hoành phi đề đúng 4 chữ “Dữ thiên vô gián” của mình. Thì ra thầy lý đã lập kế sẵn, hễ ông cho chữ nào thì nói luôn rằng chữ ấy đã có người cho rồi, để khỏi trả tiền. Ông bực mình chép miệng: 
– Quân láo hết chỗ nói.
Trong làng có người để thơ:
“Biện lý được người không biện mình
Điều to làm được nhỏ chưa thành
Có phải buôn văn còn chỗ hở
Vì chăng luật định vẫn chưa rành”.
          (BVB bàn: Hóa ra, đời vốn vậy, từ lời khoe và thách thức của quan Tuần phủ Trung bộ đến bàn luận của hai cha con Uyên-Liễu đều bị “quân láo” đối phó, chơi xỏ và đánh cắp).
--------------------
·       Nguồn: NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.
----------------
> Theo Việt sử ký
[ đầu đề dẫn LINK của BVB]
------------------------------.

3 nhận xét:

  1. Thưa anh Bồng
    Đỗ Huy Uyên sinh năm 1820, ở làng La Ngạn, huyện Đại An, Phủ Nghĩa Hưng, Nam Định. Ngày nay là thôn La Ngạn, xã Yên Đồng , huyện Ý Yên, tỉnh Nam định. Ông cùng thời với Phan Văn Nghị ( đỗ cử Nhân sau Phan Văn Nghị 3 năm. Hai ông ở xã trên xã dưới của huyện Ý Yên. Góp mấy lời đánh trống qua mặt nhà sấm mong anh và bạn đọc thứ lỗi

    Trả lờiXóa
  2. Bài này khuyên Nguyễn Bá Thanh đây. Phải tiết khí lại.

    Trả lờiXóa
  3. ĐƯƠNG NHIÊN ĐỜI NÀO THƯ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYÊN TẤN DŨNG LẠI CA NGỢI NGUYỄN BÁ THANH NỘT BÍ THƯ THÀNH ỦY TRONG SẠCH ĐA TÀI NĂNG THÌ CHỈ GHEN VỚI BÁ THANH TÌM ĐIỂM SAI THÌ KHÔNG CÓ
    CÀNG MUỐN TRIỆT HẠ UY TÍN BÁ THANH THÌ CHÍNH THỦ TƯỚNG ĐÃ TỰ THÚ NHẬN TÔI NGUYỄN TẤN DŨNG ĐÃ THUA NGUYỄN BÁ THANH TẤT CẢ VỀ MỌI MẶT

    Trả lờiXóa