Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

> Trung nghĩa NGUYỄN TỬ TƯƠNG


Phong trào Cần Vương ở trấn Sơn Nam
và vị Tán tương Quân vụ Nguyễn Tử Tương 
* Nguyễn Tử Siêm[1]
Phong trào Cần Vương với các sĩ phu Bắc Hà

BVB - Vua Hàm Nghi (1871 – 1943) là vị vua thứ 8 của triều đình Huế, lên ngôi năm 1884 ở tuổi 13 khi thực dân Pháp đang gia tăng áp lực bình định nước ta. Từ năm 1885, khi thống tướng De Courcy được cử sang thì quyết tâm áp đặt nền bảo hộ lên toàn cõi nước ta càng trở nên ráo riết.
Sau khi cuộc tấn công Tòa Khâm sứ Pháp tại Huế thất bại, năm 1885, Tôn Thất Thuyết - một đại thần thuộc phe chủ chiến - đưa vua Hàm Nghi ra khỏi kinh thành, phát hịch Cần Vương kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua chống Pháp. Phong trào thu hút được một số quan lại trong triều đình và đông đảo các tầng lớp văn thân, sĩ phu yêu nước thời bấy giờ. Phong trào từ Huế được hưởng ứng rộng rãi và kéo dài từ 1885 cho đến 1896.
Phong trào Cần vương thực chất đã trở thành một hệ thống các cuộc khởi nghĩa vũ trang trên khắp cả nước hưởng ứng chiếu Cần Vương của vị vua trẻ Hàm Nghi. Đêm 30/10/1888, do bị Trương Quang Ngọc phản nghịch vua Hàm Nghi bị người Pháp bắt trong lúc mọi người đang ngủ say. Khi tiếng súng cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng thất bại, phong trào coi như chấm dứt ở miền Trung.

Ở miền Bắc thì phong trào Cần Vương được các nhóm nghĩa quân do các sĩ phu đứng đầu tiến hành như Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp và Nguyễn Đức Ngữ (Đốc Ngữ) ở Yên Bái và Phú Thọ; Nguyễn Tử Tương (Bang Tương) ở Ninh Bình và Nam Định. Phong trào được dấy lên ngay sau khi hịch Cần Vương ban ra và tiếp tục cho đến 1893 thì chấm dứt hẳn.
Một trong những lãnh đạo tiêu biểu của phong trào Cần Vương ở miền Bắc là Nguyễn Quang Bích. Năm 1861, sau khi đỗ cử nhân cụ được bổ làm Giáo thụ phủ Trường Khánh, tỉnh Ninh Bình. Cụ là vị khoa bảng nổi tiếng, đỗ Nhị giáp Tiến sĩ (tức Hoàng giáp) khoa Kỷ tỵ (1869); khi tham gia phong trào Cần Vương Cụ đang giữ chức Lễ bộ Thượng thư kiêm Hiệp thống Bắc kỳ Quân vụ. Kể từ đó, với uy tín của mình, Cụ vừa trực tiếp chỉ huy phong trào, vừa tìm cách liên hệ để phối hợp với phong trào chống Pháp ở các nơi khác[2].

Nguyễn Tử Tương – từ vị quan Bang biện hiếu thảo… 
Cụ Nguyễn Tử Tương (tên húy là Nguyễn Tử Ngôn, 1843 - 1898) là hậu duệ đời 7 Hệ 7, họ Nguyễn Tử ở làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình[3]. Cụ là con trai cụ án Nguyễn Tử Hanh, đỗ 2 lần tú tài khoa Đinh Mão (1867) và Mậu Thìn (1868) nên gọi là cụ Tú Kép. Do có tài có đức Nguyễn Tử Tương được Triều đình mời ra làm quan, lúc đầu giữ chức Bang biện Sơn phòng thuộc tỉnh Thanh Hóa; sau được đề bạt làm Thương biện Tỉnh vụ, nên con cháu hay gọi tắt là cụ Bang Tương, hay cụ Bang.
Tuy làm quan hàng tỉnh, nhưng trong gia đình cụ luôn giữ bổn phận là người con, người cháu hiếu thảo. Sau khi cha mất, Cụ thay cha phụng dưỡng bà Tổ mẫu lúc đó đã già yếu lắm. Một đêm mọi người còn đang yên ngủ thì ngôi nhà 5 dan mái rạ chẳng may bị bốc cháy. Trong khói lửa mịt mù, những người trong nhà đều tự thoát ra ngoài được, duy còn một mình Cụ với bà nội còn đang lúng túng trong vòng vây lửa. Ai nấy hoảng hốt, kêu la trong tuyệt vọng; thì bỗng đột ngột thấy Cụ cõng bà nội vọt qua vòng lửa thoát ra ngoài an toàn.      
Để biểu dương gương hiếu thảo của Cụ, triều đình nhà Nguyễn đã ban cho Cụ 2 chữ "Thuận Tôn" (tức cháu hiếu thảo)[4], chữ khắc trên bảng gỗ, sơn son thếp vàng, kèm theo 30 vuông lụa và một số quan tiền. Đối với quốc sự, khi Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta, Cụ là bậc khoa bảng có tinh thần yêu nước, không chịu hợp tác với quân Pháp nên lấy cớ phụng dưỡng mẹ già Cụ đã từ quan về ở ẩn tại làng Thư Điền quê nhà[5]. 
…đến Tán tương quân vụ của phong trào Cần Vương ở trấn Sơn Nam
           Nguyễn Tử Tương đã được vị Thượng thư kiêm Hiệp thống Bắc kỳ Quân vụ Nguyễn Quang Bích hết sức tin tưởng và giao phó trọng trách tổ chức nghĩa quân ở trấn Sơn Nam hưởng ứng hịch Cần Vương giúp vua chống Pháp. Vào thời kỳ đó trấn Sơn Nambao gồm vùng Ninh Bình và NamĐịnh ngày nay. Cụ Nguyễn Tử Tương (tức Bang Tương) đã chiêu tập nghĩa binh, mua sắm vũ khí, hoạt động chống giặc. Nghĩa quân do cụ lãnh đạo đã nhiều phen làm cho địch ăn không ngon, ngủ không yên. Có lần nghĩa quân Bang Tương đã kéo vào phủ Yên Khánh, triệt hạ phủ đường rồi rút về căn cứ.
             Khi vua Hàm Nghi bị bắt ở bờ khe Tá Bào, huyện Tuyên Hóa (nay là huyện Minh Hóa) tỉnh Quảng Bình, Nhà Vua đã chỉ vào mặt tên phản nghịch Trương Quang Ngọc mà nói rằng: "Mi giết ta đi còn hơn là mi mang ta ra nộp cho Tây". Không khuất phục được Hàm Nghi, tháng 12/1888 thực dân Pháp đã lưu đầy nhà vua sang xứ Angiêri[6]. Tinh thần bất khuất ấy của vị quân vương trẻ cũng trào dâng trong huyết quản của các sĩ phu Bắc kỳ trong đó có Nguyễn Tử Tương, người thủ lĩnh nghĩa quân trấn Sơn Nam.
          Trong khi đàn áp nghĩa quân Sơn Nam, quân Pháp dùng mưu kế bắt được Bang Tương giam vào ngục thất. Chúng cho tay sai dụ dỗ Cụ đầu hàng, nếu chịu xuất thú thì sẽ lại được làm quan, gia đình sẽ được vinh hoa, vợ con sẽ được phú quí. Nhưng Cụ nhất mực khước từ, không chịu hợp tác với giặc để hại dân, hại nước. Biết mình không thể thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù, đêm ngày 16 tháng 10 năm Mậu Tuất (1898) cụ đã tử tiết tại nhà lao Ninh Bình, khi đó mới 55 tuổi.
          Cụ Bang Tương là cháu nội cụ Nguyễn Tử Đình, người đã tham gia cuộc khởi nghĩa nông dân ở Sơn Nam Hạ của Phan Bá Vành chống lại triều đình và đám quan lại tham nhũng thời Minh Mạng. Cụ Bang có 3 người em gái thì cả 3 đều cùng có một chí hướng yêu nước, cứu dân. Đó là:
1)   Cụ Nguyễn Thị Nhân lấy chồng là Đỗ Duy Liêu ở làng La Ngạn (Nghĩa Hưng,  Nam Định), đỗ Tiến sĩ, nhậm quan Tham biện. Bất phục sự đầu hàng của triều đình Huế, năm 1883 (năm ký Hiệp ước F. Harmand xác lập quyền bảo hộ của Pháp trên toàn cõi Việt Nam) Cụ cùng Vũ Hữu Lợi và Nguyễn Đức Huy mộ binh chống giặc. Hai đồng chí của cụ giặc xử tử đêm 30 Tết; còn Đỗ Duy Liêu bị tống ngục. Cụ muốn tự tử để giữ trọn danh tiết, nhưng còn mẹ già, nên đành nhịn nhục.
Tuy đã bắt được người lãnh đạo, nhưng giặc vẫn không ngăn cản được phong trào chống Pháp ở Nam Định. Nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Đốc Nhưỡng đang đêm giả làm lính khố xanh đột nhập vào nhà tên Báo, bắt hắn rồi tẩm dầu đốt, biến tên nghịch tặc thành cây đuốc sống tế Vũ Hữu Lợi. Thực dân Pháp giam Đỗ Huy Liêu hai năm rồi thả về và dùng cách mua chuộc, phong giữ chức Bố chánh Bắc Ninh, nhưng Cụ từ chối. Sau khi hết tang mẹ, Cụ đã uống thuốc độc tự tử[7].

2)   Cụ Nguyễn Thị Nhu lấy chồng là Lê Lương Ngọc (đỗ đấu xứ nên gọi Xứ Ngọc), người cùng làng Thư Điền, tham gia phong trào Cần Vương, phụ trách vận động nhân dân ủng hộ tiền của để cùng cụ Bang Tương mua sắm vũ khí và nuôi dưỡng nghĩa binh.
3)   Cụ Nguyễn Thị Ngu, chồng là Phạm Viết Chu (tức Ba Chu), con trai cụ Mền Tạo[8], ở làng Quán Vinh (thuộc xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, Ninh Bình). Cụ Ba Chu cũng tham gia phong trào Cần Vương do Bang Tương - Nguyễn Tử Tương lãnh đạo[9].
Thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Tử Tương đã được ghi vào lịch sử địa phương, được nhắc đến trong Lịch sử Đảng bộ huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư) và Lịch sử Đảng bộ đảng Cộng sản tỉnh Ninh Bình. 

Sự nghiệp thi văn của
người lãnh đạo nghĩa quân                 
Sinh thời, Nguyễn Tử Tương sáng tác nhiều thơ văn, cả chữ Hán và chữ Nôm, viết nhiều câu đối, văn bia ở những nơi thần từ, phật tự. Đến nay nhiều nơi còn lưu giữ được bút tích của Cụ. Đây là một nguồn tư liệu đáng được gìn giữ và nghiên cứu sâu.  Bài thơ nôm sau đây cho thấy tâm trạng của một nhà nho, một quan chức của triều chính khi nước nhà có biến.     

Tửu hứng                                                                            
Khà ! Cái người còn, rượu cũng còn
Rượu ngon càng uống, uống càng ngon
Một bầu mở mặt cùng trời đất
Ba chén giang tay với nước non
Việc lớn tày “mô” coi cũng nhỏ
Cuộc vui là “rứa” tính cho tròn
Ở đời nào biết ai say, tỉnh ?
Nói có anh em, có vợ con.

Trong cái men say, bậc thức giả muốn khẳng định cái chí lớn của mình trước nghĩa vụ với giang sơn “Một bầu mở mặt cùng trời đất. Ba chén giang tay với nước non”. Cái khí tiết ấy thật hào sảng, vang lên như lời một tráng sĩ. Và thật thú vị, tiếp đó lại hạ một lời chắc nịch, như dao chém cột, như lời của một nông phu nói thổ ngữ rất dân dã: “Việc lớn tày “mô” coi cũng nhỏ. Cuộc vui là “rứa” tính cho tròn”. Say đấy mà cũng tỉnh đấy. Say với rượu, với chí khí, nhưng cũng tỉnh với thời cuộc với nghĩa vụ của kẻ sĩ. Cụ muốn chia sẻ nỗi lòng trước hết với vợ con, những người thân thiết nhất và nói lời tâm huyết với anh em, những người cùng chí hướng.

Tình đồng chí và bạn thi văn giữa hai nghĩa sĩ Cần Vương xứ Bắc
          Tổng hợp các tài liệu tham khảo để suy ngẫm về mối quan hệ giữa hai vị chí sĩ Bắc kỳ Nguyễn Quang Bích và Nguyễn Tử Tương có thể thấy rằng giữa các cụ có những mối liên hệ gắn bó trong sự nghiệp quân sự giữ nước cũng như trong thi văn   
Về xuất xứ, Nguyễn Quang Bích ở Nam Định, còn Nguyễn Tử Tương ở Ninh Bình,  hai vị có cùng quê quán là trấn Sơn Nam Hạ. Về tuổi tác, Nguyễn Quang Bích lớn hơn một giáp. Về khoa cử và chức vụ Nguyễn Quang Bích cũng ở trên thứ bậc cao hơn. Có thể nói đối với Nguyễn Tử Tương thì Nguyễn Quang Bích là bậc thầy trong làng nho sĩ và cấp trên trong nấc thang quan trường. Nhưng về sĩ khí cứu dân, giúp nước thì họ rất tâm đầu ý hợp. 
Cơ hội giao lưu giữa hai vị rất có cơ hội thường xuyên. Lại đã từng làm giáo thụ tại Ninh Bình, vị Thượng thư kiêm Hiệp thống quân vụ này chắc chắn có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp công vụ, tinh thần ái quốc và chí hướng chống xâm lăng của Nguyễn Tử Tương – người đã đảm trách công vụ ở cương vị Thương biện Tỉnh vụ và Bang biện Sơn phòng xứ Thanh Hóa. Mối quan hệ này đáng được lưu ý khi nghiên cứu lịch sử chống ngoại xâm nửa cuối thế kỷ 19.
Về thi văn, mối quan hệ tâm giao của 2 vị đã được đề cập một phần, chẳng hạn trong “Hợp tuyển văn thơ yêu nước nửa sau thế kỷ XIX”[10]. Xin trích lại một bài tiêu biểu:

 Tiễn Ninh Bình Nguyễn Tán tương hồi Nam
I.
Kỷ tải lâm trung cộng tự sơ
Ly câu tạm xướng độc thê như
Bằng quân nhất lệ đa văn hiến
Vị cập khuynh đàm tảo ký thư
II.
Bôn bá niên lai bất hạ cư
Gia thanh hòe cúc[11]vũ cao dư
Như kim ý khí tương kỳ xứ
Quỉ ác hoàn tư tận lực trừ
III.
Nguyên nhung tín chỉ lương phi hư
Thạc quả do tồn hệ đắc dư
Thử khứ Nam Ninh đa nghĩa sĩ
Phạm công thao lược cửu thành thư
IV.
Hanh trân đáo để hữu thừa trừ
Chỉ phát nhân nhân hận vị thư
Nhược ngộ đồng tâm thoại bôi tửu
Ngã Nam thiên định Lạc Hồng sơ. 
Bản dịch của Hoàng Tạo:
I.
Mấy năm rau cháo chốn rừng sâu
Ngâm khúc ly ca luống gợi sầu
Chắc Bác trên đường nghe, thấy rộng,
Hãy dùng thư tín chuyện cùng nhau !.

II.
Xuôi ngược bao năm chẳng lúc rồi
Tiếng nhà hòe cúc móc mưa tươi
Cùng nhau hò hẹn trong thanh khí
Quỉ ác trừ cho sạch mới thôi

III.
Tấm giấy Nguyên nhung[12]há phải chơi ?
Cây còn quả lớn, nước còn tài
Nam Ninh nghĩa sĩ người không hiếm
Phạm tải dùng binh sách sẵn rồi

IV.
Suy thịnh xem ra đắp đổi hoài
Người người tóc dựng, giận chưa nguôi
Nghiêng bầu ví phỏng ai tâm sự
Rằng Lạc Hồng đây tự sách trời.

Đây là một bài thơ từ biệt rất cảm động với người đồng chí chiến đấu sắp đi xa, vừa là một quân lệnh với cấp dưới, được tin tưởng biệt phái từ chiến khu rừng núi Việt Bắc (có thể là Yên Bái hoặc Phú Thọ ?) để trở về gây dựng căn cứ tại vùng đồng bằng Bắc Bộ (trấn Sơn Nam Hạ, gồm Ninh Bình và Nam Định). 
Từ nguyên bản chữ Hán, có thể thấy rằng bài thơ hàm chứa những lời tâm tình của vị tướng quân với người thuộc cấp đã từng cùng nhau chia sẻ gian khổ trong rừng; giã biệt nhau tuy có buồn, nhưng ở vị thế chỉ huy, vị tướng chuyển ý ngay sang dặn dò ân cần khi đi đường phải quan sát, thu thập tình hình và thông tin cho nhau. Tiếp sau là những lời cảm thông với vị Tán tương quân vụ vì nghĩa chung mà gác việc riêng, đã dấn thân vào cuộc chiến đấu. Chúng ta cần nhớ rằng đối với các bậc nho sĩ, việc tề gia và chữ “hiếu” là rất trọng. Vị lão tướng khéo léo nhắc đến truyền thống gia đình, gia phong mà khơi lên chí khí của thuộc cấp để động viên “Quỉ ác trừ cho sạch mới thôi !”.
Sau khi nhắc đến truyền thống gia đình, là những lời khẳng định tính chính đính của chỉ dụ từ thượng cấp (ở đây “Nguyên nhung tín chỉ” hàm ý sự đáng tin của thông điệp từ Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết) và đó là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cuộc khởi nghĩa. Tác giả nhắc rằng Nguyễn Tử Tương sẽ về Nam Ninh nơi có nhiều nghĩa sĩ, nơi Phạm Văn Nghị đã từng chiêu binh chống Pháp. Về cuối đời, sau Hiệp ước Giáp Tuất (1874) công nhận chủ quyền vĩnh viễn của Pháp ở Nam Kỳ, Phạm Văn Nghị lui về ở ẩn tại Gia Viễn (Hoa Lư ngày nay) là quê hương của Nguyễn Tử Tương. Nguyễn Quang Bích nhắc rằng phép dùng binh của Phạm Văn Nghị đáng được noi theo.
Ở đoạn sau cùng của bài thơ, lời lẽ của vị lão tướng càng tổng quát và thống thiết, luận giải rằng thuận lợi hay gian khó là lẽ thường; chỉ có lòng căm thù giặc của muôn dân là không đổi và (người chỉ huy) phải thu phục được những người đồng tâm trong hào khí đó. Lời khuyên gợi ý rất cụ thể: qua chén rượu mà tâm sự, đàm đạo với nhau. Cuối cùng, là một lời khẳng định chủ quyền, điều thiêng nhất đối với bất cứ một kẻ sĩ nào có lòng trung quân ái quỗ: “Ngã Namthiên định Lạc Hồng sơ”. Phải chăng tướng quân nhắc đến bản Tuyên ngôn độc lập thời Lý Thường Kiệt 900 năm trước: “Namquốc sơn hà Namđế cư…” ?.
Tuy là những lời tiễn biệt trước lúc lên đường, bài thơ nói đến chia ly, nhớ nhung, nỗi buồn…, nhưng không hề bi lụy mà trái lại là gửi theo những kinh nghiệm, động viên tinh thần, khích lệ chí khí của cho người ra đi. Lời thơ rắn rỏi, hào sảng, khơi dậy và củng cố niềm tin cho người sĩ quan cấp dưới lên đường ra trận.
Lời từ biệt của Nguyễn Quang Bích với Nguyễn Tử Tương vừa uy nghiêm vừa thân thiết, thật chí nghĩa, chí tình. Trong các bài thơ của các vị lãnh đạo nghĩa quân nước ta đều luôn luôn hội tụ cái tư chất văn võ kiêm toàn, toát lên cái hào khí của đất thiêng ngàn năm văn hiến.
17/11/2012 
N.T.S
                           


[1] GS TS Nông nghiệp, xã Ninh Nhất, Thành phố Ninh Bình.
[2] Nguyễn Quang Bích. Xem Wikipedia.
[3] Gia phả họ Nguyễn Tử (Thư Điền), Nguyễn Tử Mẫn soạn 1852, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán-Nôm, Ký hiệu A. 1391, Bản dịch của Nguyễn Tử Nhượng, 1998, trang 72. 
[4] Bảng chữ vàng này hiện còn treo trang trọng tại nhà thờ Hệ 7, họ Nguyễn Tử, làng Thư Điền, một di tích văn hóa của tỉnh Ninh Bình.
[5] Phụ lục Gia phả họ Nguyễn Tử (Thư Điền), Tập I, 2001, trang 77.
[6] Wikipedia. Phong trào Cần vương.
[7] Chu Thiên, Đặng Huy Vận, Nguyễn Bỉnh Khôi - Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX , Nxb Văn học, Hà Nội, 1976, trang 221.
[8] Gọi là Mền khi đỗ tú tài 3 lần.
[9]Phụ lục Gia phả họ Nguyễn Tử (Thư Điền), Tập I, 2001, trang 76. 
[10] Chu Thiên, Đặng Huy Vận, Nguyễn Bỉnh Khôi - Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX , Nxb Văn học, Hà Nội, 1976, trang 179-182.
[11] “Gia thanh hòe cúc” ý chỉ con nhà danh gia, cha của Nguyễn Tử Tương là An sát tỉnh Quảng Yên. 
[12] Nguyên nhung là chỉ các bậc vương giả; ở đây là vua Hàm Nghi và đại thần Tôn Thất Thuyết 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét