Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

> VŨ KHÍ, DŨNG KHÍ ĐỀU KHÔNG CÓ

"Tự chỉ trích" ...chỉ còn là qúa vãng

* BÙI VĂN BỒNG
Dân gian có câu: "Lủi như cáo như chồn / Trốn như mèo ăn vụng. Trốn chui, trốn lủi là một nỗi nhục nhã. Ấy vậy, nhưng thời buổi hiện nay trên đời lại xuất hiện nhiều kiểu trốn tránh, chui lủi, tàng hình, ngụy trang. Họ tìm mọi cách bưng tai, bịt mắt, bưng bít thông tin, nhấn chìm dư luận. Họ tránh tiếp xúc mọi người, tránh xa dân khiếu kiện. Họ né phê bình, phát sinh chước quỷ mưu ma. Họ tránh điều tra, thanh tra, xác minh, chạy tội,...Tóm lại, họ thiếu hẳn dũng khí của một con người chân chính.
Trong cuộc chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 lần này, người lãnh đạo và các tổ chức Đảng cần phải sớm nhận diện, nhanh chóng vạch tên chỉ mặt những sai phạm, xử lý nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên sợ khuyết điểm, sợ pháp luật mà  sống theo kiểu đó. Nhưng xem ra, cả xã hội đành bó tay thôi, vì thực tế cho thấy cả vũ khí và dũng khí đều không có. 
         Ta vẫn thường thấy trong xã hội, cái mô-típ đồng dạng và cũng rất đồng bộ của lòng tham và những lật lọng trí trá. Cái lối sống đó thường đi kèm tính cách giảo hoạt, thấp hèn, và nhiều thủ đoạn, mánh lới, có máu lưu manh, côn đồ. Những kẻ đó "nhảy" vào trong hàng ngũ Đảng, lại có chúc, có quyền, chui sâu leo cao thì thật là nguy cho xã hội, là cái họa cho dân tộc, hại dân, mọt nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy: "Cán bộ đã mất hết uy tín, không chịu nhận khuyết điểm, không chịu từ chức, thậm chí còn ngoan cố chống chế, bảo thủ, quanh co, đổ vấy trách nhiệm cho người khác, thế là hèn. Tham và hèn là thứ sâu mọt đục phá nhân cách". Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc gì cũng phải rất thiết thực, cụ thể và đã làm phải nhanh chóng, đến cùng trên cơ sở đã tính toán kỹ. Khi nói về tật xấu là thói ba hoa của cán bộ, đảng viên, Bác viết rất dân dã như nông dân nói trên bờ ruộng, dễ hiểu và thấu đáo: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: "Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói"… Nghe những lời răn dạy này cứ như Bác đang đứng đó, chỉ ra khuyết điểm cho mấy những quan chức, những nghị ông nghị bà đã phát ngôn lộn tùng phèo, thiếu suy nghĩ như cố tình chọc giận thiên hạ, làm loa cho kẻ địch. 
Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh ngắn gọn, súc tích nhưng đầy khí phách và thể hiện thái độ dứt khoát: “Một đảng mà không biết sửa chữa khuyết điểm là một đảng hỏng”. Vậy, suy ra, một đảng viên mà che giấu khuyết điểm, bảo thủ cái sai, không tự giác nhận khuyết điểm cũng không còn xứng đáng là đảng viên. "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, tự xem lại mình trước trước khi phê bình người khác. Có những kẻ gây thiệt hại đến mức khui rỗng hết ngân khố quốc gia, nhưng lại đi rình thanh tra, xử lý mấy vụ sơ sẩy hoặc chỉ là ăn cắp vặt. Đó là lối sống không có lòng tự trọng tối thiểu, không tự biết mình, không biết xấu hổ. Không biết tự trọng đồng nghĩa với tự phỉ báng lương tâm. Chính vì thế, khi nói về phê bình và sửa chữa, Bác đã nhấn mạnh đến chữ “DŨNG”, rất cần dũng khí trong đấu tranh tự phê bình và phê bình. Bác viết: “DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”.
Nói chuyện tại buổi bế mạc lớp bổ túc cán bộ trung cấp về đạo đức cán bộ, đảng viên, Bác nhấn mạnh: “DŨNG là phải mạnh dạn, quả quyết nhưng không phải làm liều. Phải có kế hoạch, rồi kiên quyết làm ngay. Nguy hiểm cũng phải làm. Nghĩa là phải có lòng dũng cảm trong công việc” (Báo Vệ quốc quân, số ra ngày 10-10-1947).
- Dzậy là biết điều đó nghe!
Ha..ha...Coi như huề!
Chữ “gan” rất giản dị mà Bác đã dạy chính là dũng khí. Khi con người có lòng tự trọng và bản lĩnh, có nghị lực thì sẽ có dũng khí. Trên thế giới ta đã thấy không ít những vị lãnh đạo, những chủ doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tuyên bố từ chức. Nhưng ở nước ta thì rất hiếm. Khi một người tuyên bố từ chức, thì điều ghi nhận đầu tiên của mọi người là người đó có lòng tự trọng, có dũng khí. Làm không được việc, hoặc vì lý do nào đó mà chức trách không hoàn thành, việc bị hỏng, gây hậu quả nghiêm trọng, thì mất uy tín. Khi đã mất uy tín, nếu tìm mọi cách cố bấu víu quyền lực, dù có được tại vị  sẽ bị người đời coi thường, xử lý công việc kém hiệu quả và luôn ở thế “há miệng mắc quai”. Cách tốt nhất là xin từ chức một cách hợp lý thể hiện văn hóa ứng xử. Như thế, thiên hạ chẳng ai cười, lại còn cho là người tự trọng và được tôn trọng. Theo lẽ thường, từ chức là hành động văn minh. Cán bộ đã mất hết uy tín, không chịu nhận khuyết điểm, không chịu từ chức, thậm chí còn ngoan cố chống chế, bảo thủ, quanh co, đổ trách nhiệm cho người khác, thế là hèn. Tham và hèn là thứ sâu mọt đục phá nhân cách. 
Cùng đồng cảm, chia sẻ với quan niệm về từ chức, Tiến sĩ Tô Văn Trường đã viết: “Văn hóa nói chung và văn hóa từ chức nói riêng là không phải tự nhiên mà có, hơn nữa đó lại là thứ văn hóa đặc biệt quý giá. Dân tộc ta có một “nền văn hiến đã lâu” như Nguyễn Trãi đã khẳng định trong Bình Ngô đại cáo. Vậy sao bây giờ “văn hóa từ chức” lại chưa có và khó làm đến thế! Từ chức là một nét văn hóa đẹp, đáng kính trọng, thể  hiện sự tự trọng và nhân cách của con người. Thiếu vắng hiện tượng từ chức đích đáng không phải chỉ đáng tiếc mà là đáng buồn và xấu hổ” (trong bài “Từ chức - khó nghe và khó thực hiện”).


Suy cho cùng, có sai thì nhận sai thực sự chân thành để sửa, nếu không thì từ chức - đó là lối ứng xử có văn hóa. Tham lam, ích kỷ, nói điêu, vu khống, né tránh khuyết điểm, ưa nịnh không phải là có văn hóa. Có những cán bộ thời nay vẫn thích khen, che giấu khuyết điểm, sợ bị chê, sợ bị phê bình, thích nghe tâng bốc. Họ coi những kẻ dù vô văn hóa, kém tài, gian xảo nhưng giỏi nịnh là “đệ tử”. Thậm chí chỉ nghe kẻ ton hót xiểm nịnh “tâu” những chuyện người khác chê mình đã nổi cáu, rồi “ghi sổ”, hằm hè, xoi mói, để ý người phê bình mình, thậm chí chèn ép, kìm hãm, trù dập. Đó là ứng xử, đối phó của kẻ hèn mạt, không có dùng khí. Biểu hiện ngoan cố, báo cáo sai lệch, phát ngôn sai, đánh lạc hướng dư luận của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Hải Phòng trong các vụ Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản...Hoặc là có khuyết điểm, vi phạm pháp thì chạy trốn như vụ bà Diệu Hiền, vụ Vinashin, Vinalines… Đó là sự thể hiện những kết cục của lòng tham và sự đớn hèn.
Bộ máy với đủ loại tầng nấc chức danh nhiệm vụ quá cồng kềnh của ta gần như bị vô hiệu hóa. Từ trung ương xuống địa phương, hệ thống Đảng, chính quyền các Bộ, ngành có thể nói là tầng tầng lớp lớp, tưởng con kiến cũng không chui lọt. Họ có đủ cả quy trình, quy định, quy tắc, quy chế, sàng sảy kỹ hơn sàng tấm, lúc nào cũng rêu rao chọn người tài đức, vừa hồng vừa chuyên. Bao năm nay người dân vẫn tin thế, nhưng khi phát hiện ra ông to bà lớn móc ngoặc với nhau đưa con cháu, quý tử vào bộ máy công quyền bất chấp tiêu chuẩn. Nhưng phát hiện, xử lý, đưa ra pháp luật được mấy ai? Có ai dám nhận khuyết điểm chưa? Một số vụ nổi cộm có đưa ra xét xử thì vẫn "quan xử theo lễ, dân xử theo hình". Đó cũng là sự hèn nhát, lấm liếm, né tránh, thiếu dũng khí, thiếu trung thực, không dám mạnh dạn nhận ra sai trái để sửa chữa. Như thế không xứng đáng là đảng viên cộng sản, không có dũng khí.
Cho nên, chịu phê bình đã khó, tự phê bình càng khó hơn. Dũng khí đảng viên còn phải được thể hiện ở chỗ không chỉ mạnh dạn tự nói ra cái yếu, cái sai của mình, mà rất cần phải nói thẳng cái sai, cái yếu của đồng chí mình, nhất là của cấp ủy, thường vụ, bí thư. Khi thấy cấp trên sai nhưng ai cũng né tránh, sợ đụng chạm bất lợi cho cá nhân mình cũng là biểu hiện sự hèn kém, cá nhân chủ nghĩa. Ngậm miệng ăn tiền, khi thấy nhiều người nói thì mình mới nói theo, gọi là a dua, tát nước theo mưa. Lại phát sinh lắm thủ đoạn kéo bè kết cánh, bờ bao rào chắn cho  ê-kíp, nhóm lợi ích, làm hại người trung, mở lối thuận cho kẻ gian tham. Cái có lợi cho mình thì hết sức làm, cái có hại cho tập thể, cho người dân, hại cho xã hội thì né tránh không can thiệp cũng là biểu hiện lối sống ích kỷ, vụ lợi, không có dũng khí của cán bộ, đảng viên. Dù đã từng nhiều lần nghe thuyết giảng: Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh. Nhưng họ đâu có ngán ai?
        Trong báo Sự Thật số ra ngày 15-4-1949, Bác đã có bài viết phê phán những cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, mắc sai lầm mà cứ muốn giấu nhẹm đi, ngán ngại khi nghe người khác phê bình, chỉ sợ nói ra bị mất uy tín, mất chức, hết “ghế ngồi”. Những cán bộ như thế, Bác đã thẳng thừng chỉ trích: “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”. Ấy vậy trong thực tế hiện nay, cả "bộ phận lớn" vẫn đương chức đương quyền, nghênh ngang giữa thiên hạ đấy thôi!
Ta thường nghe: Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén. Vũ khí tuy sắc bén nhưng cũng dễ bị vô hiệu hóa, không còn phát huy tác dụng nếu người sử dụng vũ khí không có dũng khí, không đủ bản lĩnh, lồng động cơ cá nhân, không trung thực. Vũ khí đó bỏ quên xó xỉnh, ẩm mốc lên men, hoen rỉ hết trơn rồi, kể cả dùng súng hơi đánh trận giả, nay đâu còn sắc bén nữa? 
BVB

5 nhận xét:

  1. Cưu chiên binh datvietlúc 12:53 23 tháng 1, 2013

    Lanh dao ngay nay co thua dung khi đay chu, tha ho tham nhung duc khoet cong quy co biet run biet so la gi dau. Con bac noi chi khi, dung khi cua nguoi quan tu ay a cha dai gi ma the hien, cu ngam mieng an tien cha hon sao toi gi the hien de chung ghet chung dap chet khong kip ngap ay chu

    Trả lờiXóa
  2. Bác Bồng ơi!
    Chưa bao giờ "phê-tự phê" lại được các quốc gia khác , các tổ chức CT ở khắp nơi trên TG công nhận là một nguyên lý phổ quát cả. Chỉ có Hiến pháp , và dưới đó là pháp luật với toàn bộ cơ cấu đồng bộ đi kèm (tam quyền phân lập) là được thực hành phổ quát ở hầu hết các QG trên TG. Những nước nào có hệ thống pháp quyền chặt chẽ , tiến bộ...đều trở thành những nước phát triển , văn minh , nhân bản... Những nước có hệ thống chắp vá, hay trá hình đều phải trả giá hoặc phát triển chậm , thậm trí đi tụt lùi (VN chẳng hạn)
    Kính bác!

    Trả lờiXóa
  3. Trong cái giá buốt Hà Nội, hai người bạn già đi run rẩy. Bàn chuyện mới nhất: quy định cấm dùng tiền mặt mua nhà, xe... hai ông cám cảnh cằn nhằn một hồi. Rồi một ông nói: "Thôi, tôi với ông quan tâm làm gì. Mình chẳng có tiền mặt hay tiền không mặt để mua biệt thự đâu". Ông kia bực mình: "Ý ông nói là đồng tiền mờ ám chứ gì?! Sao không nói thẳng ra? Cứ nói kiểu dở dở ương ương như lão Bút Bi ở mục Chuện Thường Ngày trên báo Tuổi Trẻ chỉ tốn giấy mực!".

    Trả lờiXóa
  4. Phê bình với tự phê bình cái gì. Lũ quan tham nó còn liêm và sỉ đâu mà phê bình chúng có võ THIẾT DIỆN BÌ CÔNG rồi. mặt trơ trẽn còn tự xướng và dạy người lương thiện đạo dức mới đau. Chỉ có "dân chủ" kiểu dối trá là đang hành dân. Chính quyền thì dân quá chán. Côn đồ là ai? Côn đồ đâu xa? Chính quyền núp Đảng rõ ra côn đồ!

    Trả lờiXóa
  5. Chúng ta cũng cần phải xem xét lại nguyên lý " phê và tự phê" là quy luật phát triển...!!! Nó không còn phù hợp với thời đại ngày nay nữa rồi. Mà chỉ " sống và làm việc theo pháp luật..." ,chỉ pháp luật chi phối : răn đe,uốn ,giáo dục ...công dân trong khuôn khổ pháp luật của quốc Gia thôi,cũng như một vị nguyên là bộ trưởng tư pháp nói nhân dịp về " phê va tự phê" của Đảng "Không ai tự lấy đá ghè vào chân mình..."

    Trả lờiXóa