Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

> Điểm sáng Thanh Văn - QUYỀN VÀ LỢI CỦA DÂN


            * MAI THỤC
           Chưa bao giờ hai chữ “Quyền” và “Lợi” của người dân vang lên mạnh mẽ như bây giờ. Người dân Việt Nam thức dậy như hoa mùa Xuân, quan tâm đến Quyền và Lợi của mình, trong đó có quyền sở hữu đất.

Điều đó đang xảy ra giữa ngày thường hôm nay, một cách giản dị và tất yếu. Giản dị cái lẽ đời, là Quyền và Lợi mà dân ta mới vùng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, gắn với Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để có cuộc cách mạng ấy đã phải đổ biết bao xương máu của những đảng viên trung kiên vì nước và nhân dân. Quyền và Lợi giành về tay nhân dân bằng biết bao hy sinh, mồ hôi nước mắt  mấy đời đổ xuống đất này. Ôi, thế nhưng nay đã bị mất vào tay giặc nội xâm “Lợi ích nhóm” nhân danh Đảng và Nhà nước ta.

         Quyền và Lợi của người dân bị mất, dẫn đến sự suy thoái toàn diện hiện nay, là miếng mồi béo bở cho giặc trong, giặc ngoài. Hậu họa này do một “bộ phận không nhỏ” kẻ vô loài tham lam vô độ, đú đởn ái tình, vét vơ, trơ trẽn, tráo trở, táng tận lương tâm. Bởi vậy, không một người dân Việt Nam nào, già, trẻ, trai, gái, công, nông, binh, “trí thức, trí ngủ” có thể ăn ngon ngủ yên.
        Đau long biết bao “trên mảnh đất tình người” quê Việt đã có nhiều vụ đổ máu, tang thương trên mảnh đất mang danh “sở hữu toan dân” đầy chất “bánh vẽ”. Những Tiên lãng, văn Giang, Vụ Bản, Cần Thơ, Thủ Đức, Dương Nội…hoàn toàn nghịch cảnh với mô hình dân chủ ở Thanh Văn: “Những gì thấy ở xã Thanh Văn là “Giọt nước” giúp chúng tôi có niềm tin mới. Niềm tin mới là “Thực tiễn sinh ra và dẫn dắt lý luận”. Lý luận khoa học nào cũng trong vòng quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”, và một lý luận mới sẽ xuất hiện”(Sách Giai đoạn mới, Văn hóa mới, Chính thể mới của Viện N/C Công nghệ và Phát triển SENA Hà Nội tháng 12/ 2012. Tác giả là các nhà nghiên cứu Chính trị Xã hội lão thành Cách mạng: Nguyễn Hồng Cơ, Hà Tuấn Trung, Lê Thi, Vũ Duy Phú, Trần Thanh Tùng, Đặng Văn Việt, Minh Đường)
         Bài viết này trên cơ sở nghiên cứu và dùng tư liệu của cuốn sách trên. 
        Tháng 9- 2012 một đoàn nghiên cứu độc lập đã về xã Thanh Văn- Thanh Oai- Hà Nội khảo sát. “Kết quả cho thấy nếu “Khoán 10” do nông dân khởi xướng đã thổi làn gió mát cải cách từ nông thôn vào thành phố, thì cải cách “Thanh Văn” do trí thức nông dân khởi xướng sẽ thổi một làn gió mới từ Thủ đô ra cả nước”.
        Bài viết “Thực tiễn soi sáng dẫn dắt cho lý luận” các tác giả nói về năm nguyên nhân thành công của Thanh Văn, đồng thời cũng là năm phần lý luận mới:
1.   Tiêu chí cơ bản là tôn trọng Quyền và Lợi của
của Dân trong đó có quyền sở hữu đất.
2.   Lãnh đạo và dân cùng xác định mục tiêu, giải
 pháp trên cơ sở lợi ích lâu dài của cộng đồng.
3.   Đoàn kết, nhất là trong lãnh đạo, trên cơ sở thống
nhất nguyên tắc, công khai, minh bạch.
4.   Xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh.
5.   Lãnh đạo trước hết phải là một “Con Người
Mới”, phải gương mẫu. 

         Phần I
     Tiêu chí cơ bản là Tôn trọng Quyền và Lợi của Dân, trong đó có quyền sở hữu đất.

      Ông Quang Văn Thỉnh nguyên là cán bộ thủy lợi được nghỉ chế độ. Năm 1987, ông làm Bí thư Đảng ủy xã, liên tục 23 năm. Dân quí ông vì ông lo giữ đất ruộng và lăn lộn làm giàu cùng họ. Ông tập hợp khối đoàn kết thôn xóm, không phân biệt chức tước, giàu nghèo, ba đời tư sản, địa chủ, cùng nhau làm lúa, rau, chăn nuôi, xây đường làng, lập trang trại, sửa đình chùa, ao làng, giếng nước cổ… Năm 2011, cấp trên muốn ông 70 tuổi thì phải nghỉ, mặc dù tài năng lãnh đạo của ông còn rất dồi dào, sức lực tráng kiện. Dân làng không nghe theo cơ cấu của trên. Họ sợ ông Thỉnh nghỉ thì xã sẽ loạn, dân sẽ nghèo trở lại. Họ tập trung Quyền người dân, tập trung dân chủ, không khác gì các cuộc bầu lãnh đạo ở các nước tiến bộ, quyết bầu ông tiếp tục làm việc. Cuối cùng Quyền của người dân đã mất, nay được lấy lại, trong cuộc bầu ông Thỉnh tái đắc cử bí thư Đảng ủy. 
          Đây là bài học bầu cử dân chủ của Thanh Văn cho người dân cả nước học tập, trong các cuộc bầu cử người lãnh đạo của mình ở các cấp lớn, bé, to, nhỏ, trong tiến trình phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam.
       Ông Văn Hòa cán bộ xã Thanh Văn nói: “Ý dân là ý Trời. Thanh Văn thành công do mọi đường lối, chủ trương đều xuất phát từ Quyền và Lợi của người dân. Lãnh đạo xã tôn trọng quyền sở hữu đất của dân xã, không coi là “sở hữu toàn dân”. Vào đầu những năm 90, cả nước khuyến khích công nghiệp, song qua tìm hiểu, thấy tình trạng sử dụng đất đai lãng phí, chưa giải quyết được lao động, cuộc sống của dân chưa ổn định, bền vững, Thanh Văn quyết định lấy công nghiệp hóa nông nghiệp làm chính. Cùng dân dồn thửa nhỏ thành thửa lớn, ưu tiên cơ giới hóa nông nghiệp, bê- tông hóa đường nội đồng. Áp dụng khoa học kỹ thuật trồng cấy, chăn nuôi. Chuyển đổi thành trang trại.”
        Ông Hoàng Văn Hòa, cán bộ xã Thanh Văn nói: “Hòa bình đã gần 40 năm, nhưng do tư duy cũ vẫn đeo bám nên đã làm kinh tế, văn hóa nước ta trì trệ, lạc hậu kéo dài. Người ta lo lập nhóm lợi ích giữ ghế, không ai lo cho dân, không đổi mới, nên càng ngày càng tụt hậu, yếu kém, tham nhũng, lũng đoạn. Nay nguy cấp, nhân dân mất Quyền và Lợi, mất lòng tin. Nói đến chính quyền các cấp là người ta ngán ngẩm. Vì sao lại có tình trạng này? Chắc chắn là do “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Chính ở đây là đường lối đúng và người lãnh đạo phải có tài, có đức”.

        Phần II
      Lãnh đạo và dân cùng xác định mục tiêu, giải pháp trên cơ sở Quyền Lợi lâu dài của cộng đồng
         Ông Thỉnh cho rằng, lãnh đạo phải có bản lĩnh chôn vùi lối nghĩ “áp đặt”, “thắng thua” để đoàn kết, thì địa phương, đất nước mới phát triển. Muốn đoàn kết, trước hết phải bỏ tư tưởng chia rẽ. Ông khẳng định Thanh Văn không có “Lợi ích nhóm”, nếu cứ thích dùng từ ấy thì đó là “nhóm Dân”. Đừng bầy đặt chia rẽ. Tất cả mọi công việc làm và kiểm tra do dân thực hiện, để lo “nhóm lợi ích Dân” ngày càng lớn. Làm sao cho “lợi ích Dân” được minh bạch, hài hòa.
        Để đoàn kết không dễ, mình phải tự lột xác, thay đổi lối nghĩ. Khó đấy, nhưng không thể không làm, hẹp thì vì tình làng, nghĩa xóm, rộng thì vì đất nước, vì dân tộc, vì chính con cháu chúng ta.
      Người dân Thanh Văn gọi ông Thỉnh là người “Nhỏ” có ước mơ “Lớn”. Họ đặt câu hỏi: “Vì sao chúng ta lại chấp nhận lâu đến thế, một môi trường mà người “Lớn” cũng chỉ có thể có ước mơ “Nhỏ”?
          “Mong sao cho hơn 10 nghìn xã, phường, thị trấn, hơn năm trăm quận huyện, hơn sáu mươi tình thành, trên dưới ba mươi bộ, cơ quan ngang bộ. Đặc biệt người đứng đầu đất nước ta, làm sao có được sáu bảy mươi phần trăm của của người lãnh đạo biết luôn đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trước. Làm được như vậy sẽ phát huy được tiềm năng con người và tài nguyên, thì nước Việt Nam ta chắc chắn sẽ sánh vai với các nước phát triển chứ không phải giải quyết cái ngọn sự việc”. 
                                             (Quang Văn Thỉnh)
        Người dân Thanh Văn đồng tâm nói:
       “Người lãnh đạo có bản lĩnh để thực thi dân chủ và không bỏ lỡ cơ hội tiến đến dân chủ, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thành công của Thanh Văn”.
            Mọi quyết sách của địa phương đều bàn công khai, dân chủ, minh bạch, công bằng, theo qui trình lãnh đạo và quyết định kịp thời. 
          Người đứng đầu biết phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương là con người và đất đai. Đồng nhất Quyền sử dụng và sở hữu đất đai của nhân dân , bảo đảm lợi ích của đất đai thuộc về nhân dân. Luôn chăm lo đến đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, tập hợp sức mạnh toàn dân, đưa mọi người dân vào cuộc.
        Tất cả những lời ghi trên, được thể hiện bằng hành động hằng ngày. Không hô khẩu hiệu. Lời nói của lãnh đạo, đi với việc làm, có người dân kiểm soát, nhập cuộc.

          Phần III
       Đoàn kết toàn dân, nhất là trong lãnh đạo, trên cơ sở thống nhất nguyên tắc, công khai, minh bạch.
           Bản lĩnh đầu tiên của Thanh Văn là xác định đúng mục tiêu lâu dài. Từ chỗ thiếu ăn, người dân Thanh Văn đồng lòng đứng dậy, sống và làm việc, để không chỉ “thoát nghèo” mà là “Dân giàu, Đảng mạnh, Văn hóa phát triển”.
        Thanh Văn xây dựng nông thôn mới không vì mục đích nhận bằng khen, mà căn cứ vào xu thế phát triển, lòng dân, đặc thù địa phương, phục vụ Quyền và Lợi của người Dân. Để đến hôm nay, người dân Thanh Văn đồng thanh nói: “Nằm mơ cũng khó thấy người dân Thanh Văn có đời sống sung sướng như hiện nay”. Họ khẳng định nguyên nhân thành công lớn này là do người dân có thực Quyền, xác định đúng mục tiêu lâu dài, chọn lựa đúng người đứng đầu xứng đáng.
           Bản lĩnh lãnh đạo là chỉ huy theo chiến lược, theo nguyên tắc, không làm tùy tiện theo kiểu “mệnh lệnh”, “ứng phó”.
         “Chúng tôi thỏa thuận trước trong lãnh đạo là ai không có năng lực, làm việc không hiệu quả thì phải chấp nhận miễn nhiệm. Ai không minh bạch trong quản lý, nhất là quản lý tài chính thì phải chịu kỷ luật”.
                                        (Quang Văn Thỉnh)
           Bản lĩnh của Thanh Văn là nếu lợi cho dân thì vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nếu việc nào mà dân không đồng thuận, hoặc thực hiện không hiệu quả thì bãi bỏ ngay. Thực hiện làm nhiều hơn họp. Câu chữ ngắn, gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Kiên quyết chống bệnh thành tích giả dối, hình thức, chiếu lệ, tốn giấy mực, tiền của, thời gian của dân.
            Phần IV
        Xây dựng Xã Hội Dân Sự lành mạnh
       Bản lĩnh Thanh Văn là biết coi Văn hóa là nền tảng, động lực, và mục tiêu tối hậu của tiến trình phát triển. Văn hóa là Con Người. Những Con Người có nhân cách Văn hóa hợp lực sẽ cứu được Dân, giữ được Nước.
        Văn Thanh chăm lo đào tạo Con Người. Xây trường Mầm Non, cấp 1, 2. Góp qũy khuyến học xã thôn, dòng họ. Trùng tu đền, đình, chùa, giếng cổ, trồng lại tre làng, xây nghĩa trang xa dân cư… Đội văn nghệ, bóng đá, thể thao, vườn nhà cây hoa, cây thuốc, nhà thờ tổ, lễ hội…  trẻ già trai gái đều vui.
        Bản lĩnh Thanh Văn là biết xây dựng một Xã hội dân sự, xây dựng mối quan hệ xã hội giữa các tổ chức dân sự với tổ chức Đảng. Người dân Thanh Văn đã có một tổ chức dân sự đặc biệt là Quỹ Bảo hiểm và Phúc lợi nông dân Thanh Văn để người nông dân Thanh Văn 60 tuổi được hưởng lương hưu. Điều mang đậm ý nghĩa văn hóa, tình người, tuổi già an lạc.
         Người dân Thanh Văn tin tưởng Đảng bộ Thanh Văn là một tổ chức “dân sự” nhất, vì từ tư tưởng đến hành động đều vì dân, do dân, của dân.
        Bản lĩnh của lãnh đạo Thanh Văn là chỉ rõ cách thức để tổ chức, tạo ra một nền kinh tế lành mạnh, một hệ thống pháp lý làm căn cứ hoạt động cho các thành viên, một văn hóa mới.

         Phần V
        Lãnh đạo trước hết phải là “Con Người Mới”, tiếp sau nữa phải gương mẫu.
        Các tác giả sau khi nghiên cứu “Bản lĩnh Thanh Văn” đã viết:
           Bản lĩnh lãnh đạo là liên kết, phát huy các nguồn sức mạnh để phục vụ cộng đồng, trong đó trước hết là sức mạnh Văn hóa và Sức mạnh Tri thức.
         Về Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn Quang Văn Thỉnh hầu hết xem là “như Kim Ngọc” nhưng Ban biên tập chúng tôi cho rằng có phần trội hơn Kim Ngọc. Thứ nhất do Kim Ngọc chỉ là người ủng hộ khởi xướng của dân. Còn Quang Văn Thỉnh vừa khởi xướng, vừa cùng dân thực hiện thành công. Thứ hai, Kim Ngọc chủ yếu là cải cách về kinh tế, mang tính tồn tại. Trong khi đó, cải cách Quang Văn Thỉnh- Thanh Văn không chỉ Thay Đổi về kinh tế, mà quan trọng là xây dựng thành công một Chính thể mới, một Văn hóa mới. Thứ ba, Kim Ngọc được đánh giá khi sự việc đã là quá khứ, còn Quang Văn Thỉnh – Thanh Văn tự mình khẳng định bằng hiện tại và tương lai”. (SDD trang 221)
        Bí thư Thỉnh làm nhiều việc có ích cho từng người dân và cả cộng đồng. Vậy điều có ích nhất ông làm được là gì?
          Ông Thỉnh đã làm cho người dân Thanh Văn biết tự đứng lên, không trông chờ, ỷ lại cấp trên. Trong bước đường cùng, người dân tự mình tiến lên, làm ra bát cơm, manh áo, thoát đói nghèo và trở nên có cuộc sống giàu sang, an vui. Người dân dùng Quyền của mình, tự tìm ra người lãnh đạo xứng đáng đại diện cho mình, như một người chỉ huy dàn nhạc tài năng, điều khiển uyển chuyển cho những cây đàn khác nhau, cùng rung lên nhịp điệu riêng đẹp nhất, mà vẫn hòa âm, phối khí, thăng hoa, tuyệt diệu.
        “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Chắc chắn những ai mưu sự vì dân, xuất phát từ lợi ích của dân, thì sẽ thành công. Trời sẽ ủng hộ.
        Ông Thỉnh là “Con Người Mới”. Không chia rẽ đẳng cấp. Miệng nói, tay làm, vừa lao động chân tay, vừa lao động trí óc. Ông tin cậy, cởi mở, chân thành, hào sảng, hóm hỉnh, nhưng rất thẳng thắn, những gì dối trá, tư túi khó qua được mắt ông. Quyên và Lợi của ông nằm trong chỉnh thể Quyền và Lợi của mọi người Dân. Mọi ý nghĩ, mọi việc làm của ông đều ở trong lòng dân, nên ông được dân truyền cho nguồn sức mạnh vô tận.
         Các tác giả khẳng định: “Qua thực tiễn Thanh Văn, không những tạo ra và dẫn dắt lý luận, mà còn loại bỏ, một khi lý luận đã cũ kỹ, hư hỏng”.
        Với hơn ba trăm trang sách, các tác giả đã nghiên cứu, lý luận Đông- Tây, kim cổ, rất nhiều. Nhưng tôi chỉ quan tâm đến những câu chữ chỉ đường về sự tồn tại và phát triển của chính mình, con cháu mình và cộng đồng nhân dân Việt Nam hiện tại.
        Tôi nhớ mấy câu sau đây:
       “Bước sang thế kỷ XXI, niềm tin mới đã được làm rõ, quan niệm Hội Nhập- Đoàn Kết đã nắm giữ ngọn cờ chủ đạo. Từ đây, sẽ thôi không chia rẽ, “phân ta địch”, không phân “thắng thua”, không “áp đặt” nữa”.
          Gấp cuốn sách lại, tôi còn nghe âm vang tiếng các cụ tướng tá, cựu chiến binh Cách mạng, như tiếng của cha tôi, người đã từ bỏ Paris hoa lệ về Việt Nam theo Cụ Hồ chống thực dân Pháp:
       “Chúng ta không chiến đấu hy sinh để thực hiện “chủ nghĩa”, mà vì hạnh phúc cho mọi cá nhân và mọi gia đình, trong đó có gia đình mình”.

       Ngày nay, Thế giới không chia rẽ -Thế giới cần phải Đoàn kết.
       “ Hơn hai triệu người Việt Nam đã rời khỏi đất nước, chấp nhận bị cướp bóc, hãm hiếp, chấp nhận bị sóng lớn nhấn chìm, để được sống ở một xã hội văn minh, có trình độ văn hóa cao hơn. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng to lớn của đất nước trong thời kỳ Hội Nhập- Đoàn Kết”.
        Nhìn ra thế giới, những vị lãnh đạo của các nước đều nói:
  “Mưu tìm hạnh phúc là Quyền và Lợi của người dân”.
  “Một đất nước đoàn kết, một dân tộc đoàn kết sẽ hội nhập cùng thế giới làm nên sức mạnh vô địch”.
    Hồ Chí Minh nói: “Xây dựng củng cố mạnh mẽ khối Đại Đoàn Kết Dân Tộc”.
     Đặng Tiểu Bình nói lý luận ăn cướp: “Mèo trắng, mèo đen, miễn là bắt được chuột”. Xét cho cùng cũng vì Quyền và Lợi cho người dân Trung Quốc. Một đất nước quá đông dân.
          Để kết thúc bài viết mang tính gợi mở này, tôi xin chuyển đến bạn đọc BVB Blog lời chúc Xuân Quí Tỵ của Viện nghiên cứu Công Nghệ và Phát Triển SENA cùng Đảng ủy, Hội đồng Nhân Dân UBND xã Thanh Văn: “Kính chúc mỗi người Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam, Dân tộc Việt Nam và Đảng lãnh đạo Mạnh khỏe, Thành công, Hạnh phúc cùng “5 Mới”:
          Chính thể mới, Văn hóa mới, Mục tiêu mới, Động lực mới, Giải pháp mới”.
M .T

-----------------
+ Bài Liên quan:
>http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/2012/1/279382/
>http://www.baomoi.com/Ve-noi-nong-dan-co-luong-huu/45/10178119.epi
>http://www.ktdt.com.vn/news/detail/335265/thanh-oai-phat-huy-tiem-nang-ve-loi-the-cua-huyen-ven-do.aspx
>http://www.nguoicaotuoi.org.vn/printContent.aspx?ID=5586

6 nhận xét:

  1. Vận nước không may, nếu người như ông Quang Văn Thỉnh mà làm Tổng Bí thư, Thủ tướng thì dân nước mới được nhờ. Chúng nó không chọn người Tâm Đức mà mua bán chức quyền, chọn phe nốm lợi ích, kéo lên cao cả lũ tham, dốt, ác, lừa dối! Tiếc thay!.

    Trả lờiXóa
  2. Nếu có một xã Thanh Vân như thế sao Trung ương đảng lại không biết nhỉ ? Tại sao lại không nhân rộng mô hình này ra cho đất nước thoát khỏi cảnh chậm tiến như hiện nay. Mong sao nhà nước và đảng quan tâm đến mô hình này. Nếu Thanh Vân là mô hình có thật thì may mắn cho cái đất nước đang dò dẫm tìm đường thoát cảnh nghèo hèn và yếu kém này. Hỡi các vị cai trị đất nước, hãy tìm hiểu xem !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Biết, biết rất rõ. Nhưng ho rất căm tức với những lãnh đạo như ông Thỉnh, ông Chiến, tại sao không vì cấp trên mà lại vì dân? Vì nếu nhiều gương như Thanh Văn thì Nhóm lợi ích lấy đất được của ai, cho nên, khi Viện N/C này ra tập sách "Giai đoạn mới, Văn hóa mới, Chính thể mới" ca ngợi điển hình Thanh Văn đã bị Hà Nội vây đánh te tua, đây này:
      http://phapluatxahoi.vn/20120112093236594p1002c1020/se-thu-hoi-toan-bo-nha-dat-tai-dia-chi-tren.htm

      Xóa
    2. Từ 2006 mà tới 2012 mới kiếm chuyện đủ thấy là làm việc không lo làm, chỉ biết đấu đá. Làm công chức không làm lo làm gà cảnh, chó săn.

      Xóa
  3. Nếu có một xã Thanh Vân như thế sao Trung ương đảng lại không biết nhỉ ? Tại sao lại không nhân rộng mô hình này ra cho đất nước thoát khỏi cảnh chậm tiến như hiện nay. Mong sao nhà nước và đảng quan tâm đến mô hình này. Nếu Thanh Vân là mô hình có thật thì may mắn cho cái đất nước đang dò dẫm tìm đường thoát cảnh nghèo hèn và yếu kém này. Hỡi các vị cai trị đất nước, hãy tìm hiểu xem !

    Trả lờiXóa
  4. Ơ hay, sao lại không có thật? Có thật chứ! Nếu ai còn chưa tin thì hãy đến mà mục sở thị, ngoại thành HN thôi mà! Tôi cũng nhất định sẽ đến!

    Trả lờiXóa