Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

> KHÔNG VÔ CHÍNH PHỦ thì gọi là gì?!


                 BVB – Sản xuất, kinh doanh lỗ lớn (lỗ khủng), nhưng lương lãnh đạo Tập đoàn tới 60 -70 triệu đồng /tháng, gấp 6 - 7 lần lương Đại tá Quân đội đương chức lăn lộn trên bãi tập với lính, gấp hơn 20 lần lương công nhân, gấp 30 lần thu nhập của nông dân và nhân viên văn phòng... Công khai ăn lạm vào tiền Nhà nước, hưởng thụ không tương xứng với lao động, làm ăn thua lỗ mà lương cao chót vót, vậy rõ ràng là tham nhũng. 
Những “khoản” tham nhũng khác còn giấu nhẹm, chưa ai biết, nhưng sổ lương và thực chất là những ký nhận tiền lương hàng tháng cứ bày ra chềnh ềnh, tại sao đến Thủ tướng cũng trả lời chung chung? Nhà nước ưu tiên vốn, lấy tiền Nhà nước đưa vào sản xuất – kinh doanh, nhưng lại thua lỗ, phải kỷ luật, cần cách chức, sao lại nghênh ngang cắp cặp, lên xe, giữ yên ghế ngồi. Đã thế, lương tháng còn cao chót vót rất công khai?
Kinh doanh lãi nhiều, nộp ngân sách số tiền lớn, nếu lương có cao, không ai bàn. Đó là sự đương nhiên, đem được lợi nhuận nhiều cho Nhà nước, lương cao cũng là chuyện ít ai bàn tán làm gì. Nhưng nay lỗ khủng, mà ngang nhiên hưởng lương chót vót! Tại sao Chính phủ vẫn để cho họ yên vị? Đại biểu Quốc hội cũng không dám nêu mạnh thực trang trớ trêu này? Các chuyên gia kinh tế đỏ mặt tía tai lên tiếng, chém gió phần phật rồi cũng như dế kêu? Dư luận, báo chí nêu lâu nay cứ bị chìm nghỉm, lờ tịt, khinh suất. Nêu ra bàn thảo, chất vấn trên nghị trường cứ như đóng kịch.
Quốc hội bàn nát nước nát cái, ngồi đến mòn ghế, Nhà nước ra các bộ luật, trong đó có Luật doanh nghiệp, Luật lao động, các chế độ tiền lương, tiền thưởng, nhiều quy định khác…, nay ném hết đi đâu? Lấy tiền ở đâu ưu tiên đầu tư rót vốn cho Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước? Tiền trả lương đó là tiền của ai? 
     Nội dung trả lời như thế này là làm rõ nguyên nhân, hay cãi giúp, biện hộ, tiếp tục bao che? > Thủ tướng: “Vẫn có một số doanh nghiệp xác định tiền lương được hưởng chưa theo đúng quy định, như trích một phần từ quỹ tiền lương của người lao động để bổ sung vào quỹ lương của viên chức quản lý, hoặc gộp quỹ tiền lương của viên chức quản lý vào quỹ tiền lương của người lao động để phân phối, dẫn đến tiền lương thực tế của một số viên chức quản lý quá cao … việc kiểm tra, kiểm soát của chủ sở hữu không thường xuyên, không phát hiện kịp thời các sai phạm của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp hiệu quả thấp, lỗ chủ yếu do nhà nước can thiệp giá, nhưng không tính toán, loại trừ được tác động này khi xác định được tiền lương của viên chức quản lý, dẫn đến bức xúc trong dư luận”. 
         Hai bài sau đây, về giải thích của Thủ tướng, các nhà chuyên gia và đưa ra những "giải mã"  trên VnEconomy chỉ là lấy que tăm khều nhẹ vào ung nhọ mưng mủ lớn. Sự vô lý, bất công, trắng trợn đến mức mọi người dân đều tỏ thái độ bất bình. Thế thì Chính phủ và cả bộ máy chịu trách nhiệm quản lý, điều hành, kiểm tra đôn đốc ở đâu mà họ được quyền tự tung tự tác như vậy? Dân thấy xót tiền quá! Rõ ràng là VÔ CHÍNH PHỦ rồi còn gì? (BVB).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói gì 
về “lỗ cao, lương khủng”?
Chính phủ dự kiến sẽ khắc phục tình trạng doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nhưng lương cán bộ lãnh đạo vẫn rất cao...
Hàng loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được điểm tên tại văn bản trả lời chất vấn của Thủ tướng về doanh nghiệp báo lỗ nhưng lương lãnh đạo vẫn rất cao của đại biểu Quốc hội.
Đặt vấn đề dư luận đang rất quan tâm đến một số doanh nghiệp tuy lỗ nhiều năm nhưng lương lãnh đạo vẫn rất cao, nếu làm việc không hiệu qủa mà vẫn được hưởng lương cao trở thành “chuẩn giá trị” ở Việt Nam thì xã hội Việt Nam sẽ thế nào, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã đề nghị Thủ tướng cho biết ý kiến về vấn đề này.
Tại văn bản trả lời, Thủ tướng nêu rõ, nếu doanh nghiệp bảo đảm các điều kiện về lợi nhuận, năng suất lao động thì tiền lương của viên chức quản lý tối đa bằng 2,7 lần mức lương tối thiểu chung.
Doanh nghiệp có hiệu quả cao thì viên chức quản lý được tăng thêm tiền lương tối đa không quá 2 lần mức lương tính theo hệ số lương và mưc lương tối thiểu tính đơn giá tiền lương của người lao động. Theo đó, năm 2011 mức lương của chủ tịch tập đoàn kinh tế tối đa không quá 61 triệu đồng/tháng.

Từ trái sang phải: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hôm 16/1 vừa qua
Với doanh nghiệp không có lợi nhuận hoặc lỗ (trừ các nguyên nhân khách quan) thì viên chức quản lý chỉ được hưởng mức lương chế độ là hệ số lương nhân với mức lương tối thiểu chung, tương ứng với mức tiền lương của chủ tịch tập đoàn năm 2011 là 7,5 triệu đồng/tháng.
Những quy định này, theo Thủ tướng thì hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện đúng.
Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp xác định tiền lương được hưởng chưa theo đúng quy định, như trích một phần từ quỹ tiền lương của người lao động để bổ sung vào quỹ lương của viên chức quản lý, hoặc gộp quỹ tiền lương của viên chức quản lý vào quỹ tiền lương của người lao động để phân phối, dẫn đến tiền lương thực tế của một số viên chức quản lý quá cao. Như trường hợp của các tập đoàn Công nghiệp Cao su, Dầu khí, các tổng công ty Hàng không, Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước....
Văn bản trả lời chất vấn cũng nêu rõ, việc kiểm tra, kiểm soát của chủ sở hữu không thường xuyên, không phát hiện kịp thời các sai phạm của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp hiệu quả thấp, lỗ chủ yếu do nhà nước can thiệp giá, nhưng không tính toán, loại trừ được tác động này khi xác định được tiền lương của viên chức quản lý, dẫn đến bức xúc trong dư luận. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, (Petrolimex), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được nhắc tên trong trường hợp này.
Trước chất vấn của đại biểu Hùng, tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2012, vấn đề lương lãnh đạo của Petrolimex cũng đã từng làm nóng nghị trường sau khi Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng công khai trước Quốc hội số lỗ của doanh nghiệp này  là 1.423 tỷ đồng, nhưng năm 2010 lương lãnh đạo cấp cao là 70 triệu và năm 2011 là 58 triệu. Tuy nhiên, một câu trả lời thỏa đáng về việc tại sao lỗ lớn lương vẫn cao đã không xuất hiện tại diễn đàn này.
Để khắc phục tình trạng đại biểu Hùng nêu tại văn bản chất vấn, Thủ tướng cho hay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ nghị định quy định về chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu để áp dụng trong năm 2014, theo hướng gắn chặt hơn tiền lương của viên chức quản lý với hiệu quả sản xuất kinh doanh, có khống chế mức tối đa, bảo đảm không có sự chênh lệch quá lớn tiền lương giữa viên chức quản lý với người lao động trong doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp nhà nước.
Nguyên Hà/VnEconomy 
-------------------

Giải mã vì sao EVN, Petrolimex 
“lỗ cao lương khủng”
Thứ bảy 26/01/2013 11:22
          Thực trạng hàng loạt tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nhiều năm liền báo lỗ hàng nghìn tỉ đồng nhưng lãnh đạo những đơn vị này vẫn hưởng mức lương “ngất trời”, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Đây chính là sơ hở trong công tác quản lý của Nhà nước.
Mới đây, thông tin hàng loạt tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nhiều năm báo lỗ cả nghìn tỉ đồng nhưng lương, thưởng lãnh đạo vẫn cao đặt ra dấu hỏi lớn về “chuẩn giá trị” trong quản lý doanh nghiêp nhà nước. Đây cũng là nội dung chính được đại biểu  Đỗ Mạnh Hùng – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng 
Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
 (Central Institute for Economic Management - CIEM). (Ảnh nguồn Internet).

Tại văn bản trả lời, Thủ tướng đã nêu ra quy định việc trả lương, thưởng cho viên chức quản lý và cho rằng hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện đúng những quy định này.
Tuy nhiên tại văn bản trả lời, Thủ tướng cũng khẳng định:  Còn một số doanh nghiệp xác định tiền lương thưởng chưa theo đúng quy định. Như trường hợp của các tập đoàn Công nghiệp Cao su, Dầu khí, các tổng công ty Hàng không, Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước... Theo Thủ tướng việc kiểm tra, kiểm soát của chủ sở hữu không thường xuyên, vì vậy đã không phát hiện kịp thời sai phạm của doanh nghiệp để sớm ngăn chặn xử lý. 
Còn với trường hợp một số doanh nghiệp hiệu quả thấp, lỗ chủ yếu do nhà nước can thiệp giá như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam(Petrolimex), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... Thủ tướng cho rằng chủ quan vẫn là do bản thân doanh nghiệp không tính toán, loại trừ được tác động này khi xác định được tiền lương của viên chức quản lý. 
Trên góc nhìn chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM) cho rằng: Nếu xét ở khung pháp lý, hiện nay chưa có khung nào về mức lương nào của giám đốc hay chủ tịch HĐQT cũng như không quy định nào về việc làm ăn thua lỗ phải giảm lương.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nếu so sánh với cách bổ nhiệm, quản lý ở các nước chúng ta sẽ thấy sự khác nhau rõ rệt. Ở các nước khi cơ quan chủ quản bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo trong các Tập đoàn, Tổng công ty thường trên các hợp đồng trách nhiệm có giới hạn thời gian.
“Tôi chỉ ví dụ: Khi tuyển anh vào vị trí giám đốc trong khoảng thời gian 3 đến 5 năm, giữa anh và cơ quan chủ quản sẽ phải có một cam kết trong khoảng thời gian đó anh làm được những việc này, lương của anh từng này, thưởng của anh từng này, xe cộ của anh là như thế này… Trên cở sở đó thì mới có căn cứ nếu anh không làm được thì anh phải bị trừ lương” – TS Lê Đăng Doanh diễn giải.
Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, đối chiếu với các làm của các nước, hiện nay các quyết định bổ nhiệm của chúng ta chưa có các quy định nào nêu rõ hiệu quả công việc của người được bổ nhiệm. “Đây chính là sơ hở của chúng ta trong công tác quản lý” – TS Lê Đăng Doanh nhận định. 
Còn đánh giá thực trạng trên, theo TS Nguyễn Minh Phong – Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội đây là vấn đề đã được dư luận báo chí nói đến rất nhiều nhiều. Chỉ cần đặt bên cạnh nhau con số lương thưởng của lãnh đạo với hiệu quả công việc thấp, số tiền thua lỗ của doanh nghiệp chúng ta sẽ thấy rõ hơn vấn đề. 
“Đây thể hiện sự bất cập trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn nó chưa cho thấy sự gắn kết giữa lợi ích và trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả hoạt động doanh nghiệp mà họ quản lý” – TS Nguyễn Minh Phong cho biết.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, nếu xét về nguyên tắc của kinh tế thị trường kể cả kinh tế xã hội chủ nghĩa thì lương, thưởng của một người phải theo kết quả lao động. Nếu doanh nghiệp lỗ mà lỗ đó do doanh nghiệp chứ không phải sự chỉ đạo của nhà nước thì rõ ràng chất lượng lao động, quản lý của anh kém mà anh vẫn hưởng lương cao là không đúng điều này nó thể hiện bất cập về mặt pháp lý.
Bên cạnh đó theo TS Nguyễn Minh Phong, nếu xét về trách nhiệm xã hội, là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nhưng để thua lỗ “anh được hưởng lương cao trong bối cảnh không hoàn thành nhiệm vụ thể hiện bất cập về mặt nhận thức và trách nhiệm xã hội” – TS Nguyễn Minh Phong nhận định. 
Vì vậy, theo TS Phong cơ quan quản lý nhà nước cần phải xiết chặt lại quy định về việc bổ nhiệm người lãnh đạo các đơn vị kinh tế nhà nước đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty lớn. Cần gắn mức tiền lương tiền thưởng với mức lợi nhuận của doanh nghiệp hoặc kết quả hoạt động quản lý của cá nhân ấy. 
“Anh đã kinh doanh thì anh phải ăn lương theo hiệu quả kinh doanh, nếu lỗ thì anh phải bị trừ lương thậm chí không lương như cách quản lý của doanh nghiệp tư nhân” - TS Nguyễn Minh Phong cho biết thêm.
Về việc nhiều doanh nghiệp xác định tiền lương được hưởng chưa theo đúng quy định, như trích một phần từ quỹ tiền lương của người lao động để bổ sung vào quỹ lương của viên chức quản lý, hoặc gộp quỹ tiền lương của viên chức quản lý vào quỹ tiền lương của người lao động để phân phối, dẫn đến tiền lương thực tế của một số viên chức quản lý quá cao. 
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, sự khác biệt giữ lương người lao động và cán bộ quản lý kể cả ở các doanh nghiệp tư nhân là điều dễ hiểu. “Mặc định khách quan mức lương giữa lao động chất lượng, trình độ (cán bộ quản lý) và lao động bình thường sẽ có sự chênh lệch nhưng nếu chênh lệch quá lớn sẽ tạo sự vô lý nhất là khi doanh nghiệp đó làm ăn lại thua lỗ.
“Tất nhiên nếu xem xét trong từng trường hợp cụ thể cần biết cam kết trả lương thưởng cho lãnh đạo của doanh nghiệp làm ăn thua lỗ là do thỏa thuận hay do quy định của Bộ  LĐTB&XH phê chuẩn” – TS Nguyễn Minh Phong tiếp lời.  
Được biết vừa qua, Bộ LĐTB&XH đã trình Chính phủ nghị định quy định về chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu để áp dụng trong năm 2014, theo hướng gắn chặt hơn tiền lương của viên chức quản lý với hiệu quả sản xuất kinh doanh, có khống chế mức tối đa, bảo đảm không có sự chênh lệch quá lớn tiền lương giữa viên chức quản lý với người lao động trong doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp nhà nước.
Tại văn bản trả lời đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, Thủ tướng nêu rõ: Nếu doanh nghiệp bảo đảm các điều kiện về lợi nhuận, năng suất lao động thì tiền lương của viên chức quản lý tối đa bằng 2,7 lần mức lương tối thiểu chung.
Doanh nghiệp có hiệu quả cao thì viên chức quản lý được tăng thêm tiền lương tối đa không quá 2 lần mức lương tính theo hệ số lương và mưc lương tối thiểu tính đơn giá tiền lương của người lao động. Theo đó, năm 2011 mức lương của chủ tịch tập đoàn kinh tế tối đa không quá 61 triệu đồng/tháng.
Với doanh nghiệp không có lợi nhuận hoặc lỗ (trừ các nguyên nhân khách quan) thì viên chức quản lý chỉ được hưởng mức lương chế độ là hệ số lương nhân với mức lương tối thiểu chung, tương ứng với mức tiền lương của chủ tịch tập đoàn năm 2011 là 7,5 triệu đồng/tháng.
(Theo VnEconomy)

11 nhận xét:

  1. Không vô chính phủ thì là vô số chính phủ, bộ trưởng tưởng mình là quốc vương.

    Trả lờiXóa
  2. Hút máu người nghèo! Ghê tởm! Là người hay là súc vật vậy?!

    Trả lờiXóa
  3. Ba ông Chính phủ ngồi lù lù
    Có nghiệm, có nghề, đâu có ngu?
    Mà để lũ sâu tàn phá mãi
    Kỷ cương, phép nước quá tù mù...

    Trả lờiXóa
  4. Các báo "lề phải" còn đưa tin, đám nhân viên văn phòng của EVN lãnh lương mấy chục triệu đồng/tháng chỉ để chơi game trong giờ hành chính. Đốn mạt đến thế là cùng!

    Trả lờiXóa
  5. Mẹ chúng nó. Chỉ muốn chửi thề!

    Trả lờiXóa
  6. Sao mỗi lần dẫn chứng đến lời nói ông Dũng là mình không thể đọc được nữa. lời nói gió bay đó mà nói làm gì. mệt người cho người đọc. Chỗ ông ngồi lẽ ra không phải ở bàn họp mà lẽ ra ông ngồi trong trại giam mới phải.

    Nhà tôi có kế bên có mấy người thuê nhà để đi làm nhìn cảnh họ ăn cơm chỉ với rau mà lúc nào cũng đi làm từ sáng đến chiều mà đau lòng quá.trước đây tôi đi chợ cầm chỉ bằng 1/3 số tiền đã mua đủ ăn bây giờ thì gấp 3 lần như vậy cũng không biết mua gì, tôi mà vậy thì nói gì đến họ.khổ thân...tiền ông cứ in ra để mất giá tiền trong dân. Để nướng tiền cho những bọn tham nhũng hỏi sao. Đúng ông là người đối kháng với dân ở mọi mặt.Diệt dân bằng mọi cách dẫn họ đến bần cùng, ôi thương thay cho nước VN ta.

    Cái nữa là tiền trả cho mấy ông này mấy chục triệu mà nhằm gì,chỉ là hạt cát thôi,tôi làm chung mấy dự án với mấy vị thì biết. họ chỉ nghĩ dến trăm, ngàn tỉ thôi. một bữa nhậu của các vị ấy cũng gần trăm triệu rồi ạ. cắt lương cũng vậy thôi cắt lương các cụ vẫn làm có ăn lương mà sống đâu,có căt lương các vị cũng chỉ nuôi được thêm 2 nhân viên nữa thôi, các cụ cũng k quan tâm đâu, bàn làm gì cho mất công.

    Ngồi bàn mấy cái thất thoát trước đi ạ tìm giải pháp rồi tính tiếp. Các vị này lương mấy chục triệu cũng hơp với trách nhiệm nặng nề của mấy cụ rồi, miễn các cụ đừng tham nhũng, lương nhân viên vietnam làm trong công ty nước ngoài cũng gần 20 triệu tháng rồi mới sống được.chả lẽ các cụ coi cả 1 tập đoàn như thế mà lương thấp hơn?

    Trả lờiXóa
  7. Bác Bong ạ. Ai cũng hieu, cũng biet nhung khong the làm dc gì bác ah. Nói that voi bác la the he nhu cháu 8x phan lon la chán ko quan tam gi den chuyen nuoc nha nua. Bac dung trach la chúng cháu vo tam. Do het niem tin bac ah

    Trả lờiXóa
  8. Bác Bong ạ. Ai cũng hieu, cũng biet nhung khong the làm dc gì bác ah. Nói that voi bác la the he nhu cháu 8x phan lon la chán ko quan tam gi den chuyen nuoc nha nua. Bac dung trach la chúng cháu vo tam. Do het niem tin bac ah

    Trả lờiXóa
  9. Con cóc là con cóc khô
    Ba ông Chính phủ nhào dzô Tập đoàn
    Tập đoàn thấy vậy hân hoan
    Phen này tiền được RÓT TRÀN CUNG MÂY
    Tập đoàn lại được vung tay
    Lương cao chót vót thêm đầy túi tham
    Hoan hô Chính phủ quan tâm
    Tết này lại thưởng cả trăm triệu/ người
    Chính phủ phê, Chính phủ cười
    Tập đoàn nay giỏi hơn mười lần xưa...

    Trả lờiXóa
  10. Chính phủ ngồi đó trơ trơ
    Thả cho "đấm thép" được vơ thêm tiền
    Nào là "nợ xấu" triền miên
    Nào là cả mấy năm liền lỗ to...!
    Cảm ơn Đảng, Nhà nước lo
    Cảm ơn Chính phủ buông cho xài tiền
    Trời cho ta được ưu tiên
    Tháng sau ta sẽ làm liền: Nâng lương
    Cả gần trăm triệu, chuyện thường
    Nhờ ơn Chính phủ mở đường...dzô, dzô!

    Trả lờiXóa
  11. Phó công an xã thuê côn đồ chém trưởng công an
    TT - Hành vi đáng sợ này do xuất phát từ giành ghế.
    Ngày 14-1, ông Ngô Văn Khiêm, chủ tịch UBND xã Phú Điền, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), cho biết UBND xã đang xử lý kỷ luật hình thức cách chức, buộc thôi việc đối với Ngô Hoàng Hải (phó trưởng công an xã). Ngoài ra, Đảng ủy xã cũng đề nghị Huyện ủy kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Hải do có hành vi thuê côn đồ chém cấp trên của mình là trưởng công an xã Trương Văn Cọp.
    Theo ông Khiêm, tối 22-12-2012, hai đối tượng côn đồ xách mã tấu đến tận trụ sở công an xã chém ông Cọp. Biết có chuyện chẳng lành nên ông Cọp (đang ngồi ăn cháo) đứng lên tìm cách tránh xa hai đối tượng này. Khi một đối tượng vung mã tấu chém thì ông Cọp tránh được, đồng thời khống chế, khóa tay bắt giữ đối tượng. Trong lúc giằng co, mã tấu trúng làm ông Cọp bị thương ở ngực.
    Theo kết quả điều tra của Công an huyện Tháp Mười, hai đối tượng này làm theo yêu cầu của ông Ngô Hoàng Hải. Nguyên nhân ông Hải muốn làm mất uy tín ông Cọp để giành “ghế” trưởng công an xã. Do ông Cọp bị thương nhẹ nên hai đối tượng chỉ bị xử lý hành chính.

    Trả lờiXóa