Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Ông Chung được 6 điểm

Tha 19 nguoi, khong truy cuu trach nhiem hinh su dan Dong Tam hinh anh 4
Ông Chung  vào trong nhà văn hóa thôn. Cùng đi
là thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an),
Đến nay “Vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức” vẫn chưa nguôi luận bàn. Nhiều người khen ông Chung xử lý vụ này hết ý, xuất sắc... Ừ có mặt ưu điểm nổi bật như, ông tự tay viết Bản cam kết 3 điểm, rồi điểm chỉ trước dân làng, đưa UBND xã chứng nhận, đóng dấu, giao cho dân. Đây là ưu điểm rất tuyệt, cần ra sức phát huy! Nhưng còn mấy điểm hạn chế, nên tôi chỉ “chấm” ông 6 điểm trên 10!
Ngày 20/4, 4 giờ chiều ông mới dẫn bầu đoàn về UBND huyện Mỹ Đức và cho 3 xe ca về đón 100 người dân lên huyện đường “đối thoại” (?). Trước thông tin này mình đã viết bài “HỎNG RỒI, ÔNG CHUNG ƠI”! Ông đã nghiên cứu vụ này, trò chuyện với Cụ Kỉnh… mà ông vẫn mắc 1 số thiếu sót đáng tiếc.
1- Ông không tiên lượng được số thời gian cần thiết cho đối thoại, thương thảo. Hàng núi uất hận của người dân, dồn nén bao năm nay, mà 5 giờ chiều 20/4 ông mới đối thoại thì làm thâu đêm à? Rồi ngày 21/4 cũng vậy, 10h ông mới về đến Đồng Tâm, nên cuộc đối thoại, thương lượng căng thẳng kéo dài đến 2h30 chiều dưới cái nóng của lòng người và đất trời, quá căng thẳng với bao nhiêu con người. Ông chủ trì xử lý vụ việc mà không tiên lượng được thời gian làm việc, là khó chấp nhận. Có lẽ lối tư duy hành chính, quan liêu, xơ cứng, làm triệt tiêu sự phán đoán nhạy cảm. Trong khi đó ở bài “ƯỚC GÌ MÌNH LÀ ÔNG CHUNG”, Bọ “sẽ gọi điện cho dân Đồng Tâm đối thoại sớm từ 6h30 cho nó mát mẻ”, cũng dự liệu 12h thì xong và làm bữa cơm đoàn kết với dân làng, thế có thích không?
2- Ông chưa nhận định đúng tâm lý người dân. Ông không biết người dân không còn 1 chút lòng tin nào vào cái UBND huyện Mỹ Đức nữa hay sao? Dân chỉ đòi đối thoại với ông, vậy mà ông lại để đám ở huyện “dây máu ăn phần”? Người dân Đồng Tâm đời nào chấp nhận. Ông tìm hiểu cũng biết bản lĩnh, trí tuệ của người dân Đồng Tâm đâu có vừa, sao có thể “hạ mình” đến cái huyện đường đó đối thoại và lỡ nó cho 3 xe chở 100 người ưu tú của họ vào nhà giam, rồi đánh đổi trao trả 19 CSCĐ thì sao? Điều này chứng tỏ ông cũng kém mẫn cảm tư duy, không thấu hiểu tâm lý người dân và dự báo được phản ứng của họ…
3- Về văn hóa lãnh đạo. Ông chễm chệ ngồi ở huyện đường, cho người gọi dân để được đối thoại với ông? Như vậy là khệnh khạng kiểu quan liêu, phong kiến coi khinh dân, trái với điều ông đã học: “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”! Khuyết điểm này thuộc về “tác phong lãnh đạo” hay “Văn hóa lãnh đạo”.
4- Ông còn một thiếu sót về mặt tình cảm đồng chí. Mục đích chính của đối thoại là đáp ứng những yêu cầu chính đáng của người dân để họ thả “con tin” là 19 chiến sĩ CSCĐ đang bị giam giữ. Vậy mà chiều 20/4 ông về huyện rồi quay về Hà Nội, chứ không đến thăm họ, xem tình hình ra sao. Ông có biết đêm 20 rạng 21/4 là một trong những đêm căng thẳng nhất ở Đồng Tâm không? Họ nghĩ ông có thủ đoạn gì, và mọi người dân đều sẵn sàng, có hiệu lệnh là chiến đấu. 19 CSCĐ cũng bị nhuốm trong không khí căng thẳng ngột ngạt đó. Có người viết “Bao nhiêu cặp vợ chồng ở Đồng Tâm và CSCĐ, đêm nay vẫn chưa được về ngủ với nhau”!
Thiếu sót khó chấp nhận nhất về tình cảm là, đáng ra hôm 21/4 khi về Đồng Tâm, việc đầu tiên ông phải làm là đến thăm 19 anh em đồng chí của mình ra sao, rồi sau đó mới đối thoại. Ông đã làm ngược lại, đối thoại đến hơn 12h mới ra “trại giam” và thương thảo kéo dài đến 2h30 chiều! Bao nhiêu con người đói, mệt, căng thẳng kinh khủng..
Từ những yếu kém về tư duy, tình cảm và tác phong như trên, với tư cách một chính khách, ông đã nhận một thất bại cay đắng: Mời dân đến đối thoại ở huyện, đã không một người dân nào thèm đến! Cuối cùng ông buộc phải đến với dân một cách thành tâm, mới giải quyết được vấn đề. Nếu ngay từ sáng 20 ông đã đến Đồng Tâm có phải đẹp không!
Rốt cuộc, ông Chung đã xử lý “Vụ Đồng Tâm” bước đầu hợp lòng dân, Đó là điều cốt yếu. Tuy nhiên, với tư cách người làm Tâm lý học, trong đó có biết đôi chút về Tâm lý học lãnh đạo, xin nêu ra một số nhận xét để cùng rút kinh nghiệm. Hoặc với tư cách 1 Công dân Thủ đô, vì “yêu ông Chung” mà soi kỹ vài đường… để nhớ lâu!
Mạc Văn Trang/(FB Mạc Văn Trang)
-----------------

1 nhận xét: