Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Lợi ích nhóm tha hóa ‘bộ phận không nhỏ’ cán bộ

Nhóm lợi ích chính trị và kinh tế
Theo nghĩa rộng, nhóm lợi ích (Interest Groups) là tập hợp các cá nhân có chung quan điểm, mục tiêu hành động đối với từng vấn đề xã hội và cùng nhau hiện thực hóa mục tiêu đó bằng cách tác động đến việc xây dựng chính sách của chính phủ. Theo nghĩa hẹp, nhóm lợi ích là những nhóm vận động hành lang, tác động đến chính phủ nhằm tìm kiếm những đặc quyền, đặc lợi cho phe nhóm của mình trong việc hoạch định và thực thi chính sách.
Ở các nước phương Tây, nhóm lợi ích chính trị được hiểu là tổ chức bao gồm nhiều thành viên của một xã hội có cùng quan điểm, cùng nhu cầu lợi ích chung liên kết với nhau theo một chế độ tự nguyện, hoạt động ảnh hưởng ở mức độ nhất định, phương thức nhất định tác động đến quyền lực nhà nước vì lợi ích, nhu cầu các thành viên của nhóm hoặc phục vụ cho quyền lợi chung của cộng đồng.
Các nhóm lợi ích chính trị là hình thức bổ sung cho quyền đại diện ở nghị viện, là một mắt xích quan trọng trong cơ chế thực hiện và chuyển hóa quyền lực chính trị, giữ vai trò trung gian giữa chính quyền và công dân, phản ánh thái độ của các nhóm người khác nhau trong xã hội đối với nhà nước.
Nhóm lợi ích kinh tế là tổ chức tập hợp tự nguyện của những chủ thể có cùng quan điểm, mục tiêu kinh tế nhằm tác động đến quá trình hoạch định và thực thi chính sách của chính phủ để tìm kiếm lợi ích cho nhóm của mình hoặc lợi ích chung của cộng đồng.
Phương thức hoạt động của nhóm lợi ích chính trị và nhóm lợi ích kinh tế chủ yếu là “vận động hành lang” (với quy trình tìm cách tiếp xúc; thông tin - thuyết phục các vấn đề đang được yêu cầu; huy động cử tri - thông qua quan hệ, điện thoại, thư tín, báo chí; ủng hộ các cuộc vận động bầu cử); hoạt động điều trần trước các nhà lập pháp, gửi các kiến nghị, chất vấn hoặc các kết quả nghiên cứu, thông tin đến chính phủ và quan chức có liên quan; tài trợ cho các ứng cử viên tranh cử vào các cơ quan lập pháp, hành pháp; tham gia hoặc phản biện các dự án luật…    
Nhóm lợi ích, Lợi ích nhóm, Nhóm lợi ích kinh tế, Nhóm lợi ích chính trị, Nghị quyết Trung ương 4, Bổ nhiệm cán bộ
Nhóm lợi ích (tiêu cực) sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước. Ảnh minh họa
Hai mặt của nhóm lợi ích
Khách quan mà xét, các nhóm lợi ích kinh tế đều có sự tác động tích cực và tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, đến việc trình hoạch định và thực thi chính sách của chính phủ.
Ở khía cạnh tích cực, các nhóm lợi ích kinh tế cũng đã góp một phần nhỏ vào việc hình thành và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua những kiến nghị nhiều chính sách quan trọng, kể cả tham gia soạn thảo các dự án luật. Các nhóm lợi ích kinh tế cũng đã cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng cho các cơ quan soạn thảo và ban hành chính sách về tính thực tiễn, nhu cầu cấp thiết (thông qua khảo sát của các hiệp hội), các tiêu chuẩn kỹ thuật – pháp lý thuộc lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp.
Các nhóm lợi ích kinh tế còn góp phần làm cho chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống và khắc phục sự tha hóa quyền lực của các quan chức thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Điều đó cho thấy không phải tất cả lợi ích nhóm đều xấu, bởi vì trên thực tế có nhiều lợi ích nhóm phục vụ cho lợi ích của cộng đồng như nhóm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ quyền lợi của nông dân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Ở khía cạnh tiêu cực, khi các nhóm lợi ích bằng mọi cách, thủ đoạn để đạt lợi ích riêng (có tính đặc quyền, đặc lợi); xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, quốc gia… thông qua việc lợi dụng quan hệ “thân hữu” (cánh hẩu) để trục lợi chính sách trên các lĩnh vực (nhiều người hay ví von đó là chủ nghĩa tư bản thân hữu - crony capitalism).
Ở lĩnh vực kinh tế, đó là việc trục lợi trong hoạt động quản lý và sử dụng đất đai (trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất…); trong đầu tư công (trong đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, mua sắm tài sản công); trong khai thác tài nguyên khoáng sản (từ việc cấp phép đến việc khai thác); trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng (liên kết để thâu tóm trái pháp luật các ngân hàng thương mại của một số nhóm cổ đông lớn trong các ngân hàng; ưu ái trong việc bảo lãnh, cấp tín dụng đối với các DNNN; thông qua sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng…); trong hoạt động cổ phần hóa DNNN...
 lĩnh vực chính trị, đó là hiện tượng lobby việc ban hành nghị quyết, quyết định, kết luận của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp (trên các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao đất, giao rừng, khai thác khoáng sản..); trục lợi trong công tác tổ chức, cán bộ và hoặc động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán (thể hiện thông qua việc vụ lợi trong hoạt động tham mưu, trong việc tiếp nhận, bố trí công tác, luân chuyển, bổ nhiệm, đề bạt – các biểu hiện về cái gọi là “đúng quy trình” trong thời gian qua là minh chứng điển hình; dọa dẫm, gợi ý chung chi khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm…).
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng đã chỉ rõ các biểu hiện của “lợi ích nhóm” này, như: “…tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích… Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…”[1] 
Nguyên nhân của sự hình thành và phát triển “lợi ích nhóm” (tiêu cực) là do chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý để phát huy tính tích cực và hạn chế mặt tiệu cực của lợi ích nhóm; sự không minh bạch và thiếu tính khoa học trong quy trình hoạch định và thực hiện các chính sách; hoạt động quản lý quan liêu; cơ chế “xin – cho”; thói quen chấp nhận sự cộng sinh và thỏa hiệp với sai trái; sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và sự yếu kém trong hoạt động của một số tổ chức Đảng; sự không rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền và trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; cơ chế giám sát, kiểm soát nhiều khi còn hình thức…
Nếu không có cơ chế ngăn chặn, lợi ích nhóm (tiêu cực) phát triển sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, đơn vị, cơ quan; làm suy thoái, tha hóa về đạo đức, lối sống của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên (đặc biệt là những người có chức, có quyền). Điều đó sẽ làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ[2].
Hạn chế tiêu cực “lợi ích nhóm”
Để phòng ngừa, hạn chế mặt tiêu cực của “lợi ích nhóm” cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Xây dựng cơ chế công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạch định và thực thi đường lối, chủ trương, chính sách; xóa bỏ cơ chế “xin – cho”, sự độc quyền trên một số lĩnh vực về kinh tế.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật của nhà nước nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc lợi dụng kẻ hở của pháp luật để trục lợi; hoàn thiện các quy định pháp luật về hội, luật vận động hành lang, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật tiếp cận thông tin, luật chống độc quyền.
Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát người đứng đầu thật rõ ràng, rành mạch. Công khai, minh bạch trong công tác tuyển chọn, tiếp nhận, bố trí công tác, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và thường xuyên thực hiện công tác luân chuyển cán bộ ở các lĩnh vực, vị trí nhạy cảm.
Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác quản lý, giám sát, cán bộ đảng viên (nhất là những người đứng đầu); lãnh đạo đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, suy thoái về đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên; chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh[3].
Thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, nâng cao vai trò làm chủ của công dân.
PGS, TS Lê Văn Đính, Trưởng khoa Chính trị học – Học viện Chính trị khu vực III/VnN-TVN
------
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Nghị quyết số 4 – NQ/TW) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Hà Nội ngày 30 tháng 10 năm 2016. 
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, Trang 68
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb CTQG. Hà Nội 2016, tr 128.
------------

4 nhận xét:

  1. Một bài viết duy lý , ngụy biện , xa rời thực tế .

    Duy lý cho rằng chủ nghĩa Mác Lê ưu việc không tì vết , Đảng không tì vết dẫn đến lãnh đạo và công nhân viên chức không nếu thực hiện đúng nghị quyết chính sách ban hành .

    Ngụy biện nâng cao kiểm soát và đấu tranh sẽ triệt tiêu được tham nhũng hối lộ .

    Xa rời thực tế hiện tại khi dân đã trở thành lực lượng đối nghịch lại chính quyền , khi dễ nhà nước chứ không phải ở mức độ chỉ mất lòng tin . Như các vụ Hà Tĩnh , Dương Nội , Đồng Tâm , Bắc Ninh đang xảy ra .

    Sự thất bại lãnh đạo của Đảng phát xuất từ nguyên nhân chính yếu cốt lõi ở chổ " Đảng đặt mình trên hiến pháp , đẻ ra Nhà nước , tự kỳ thị và chia rẽ giai cấp . Những yếu tố cốt lõi này mang đến tư duy & hành động " Đảng muôn năm , độc tài , tàn ác và vô đạo " . Từ đây dẫn đến tham nhũng , hối lộ , suy đồi đạo đức cán bộ đảng viên .

    Học hàm của tác giả không qua mắt được dân đen , ngụy biện chỉ làm xấu thêm cho chế độ , nguy hiểm cho xã hội mà thôi .


    Trả lờiXóa
  2. Hầu như lúc nào-bao giờ đảng viên đảng CSVN cũng bị,cũng được học tập tấm gương mù tối của chủ tịch HCM vĩ đại ;Nhưng càng học tập Bác thì đạo đức càng xuống cấp -tham nhũng càng nâng cao -đất nước càng tụt hậu -đời sống nhân dân càng bị bần cùng hóa -bóc lột càng nặng nề -đất nước bên bờ vực diệt vong ,nô lệ cho giặc Tàu .Tại sao ?Ai ngăn chặn được sự tan rã của đảng CSVN nay mai ?Ai cứu được sự biến mất của nước Việt nam đã có lịch sử 4000 NĂM VĂN HIẾN?

    Trả lờiXóa
  3. Hơn 70 năm cầm quyền ,qua nhiều lớp lãnh đạo ,chỉnh huấn chỉnh quân liên tục và đội ngũ giáo sư Mác-Lê ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng nhưng xã hội ngày càng thối nát hơn về nhiều mặt thực tiễn. Vậy phải chăng dân sai ,dân ngu nên không thể tiếp thu nổi những kiến thức của những "tinh hoa trí tuệ cộng sản" ?
    Chỉ thấy dân đóng nhiều loại thuế hơn ,giá nhiều loại dịch vụ tăng lên mà chưa bao giờ giảm .Lũ nói nhiều làm ít thì ngày càng béo mượt đầu (ý Tố Hữu với lũ quan lại xưa).Còn lũ làm nhiều và không được nói thì ngày càng đói khổ cả về vật chất lẫn tinh thần.Pháp luật như rừng nhưng chỉ để đe và bắt lũ dân đen chứ chưa động đến các quan lớn (nếu động chỉ là nhắc nhở ,phê bình ,rút kinh nghiệm).
    Than ôi ,nền chính trị có tên là xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế có tên là "cởi chuồng" không giống ai đã làm nên diện mạo Việt nam ngày nay.

    Trả lờiXóa
  4. Ở các nước dân chủ, bọn "nhóm lợi ích" (còn có tên là Mafia, Xã hội đen...) phải trốn chui trốn lủi trước chính quyền. Còn ở VN...

    Trả lờiXóa