* BA SÀM
Nếu gọi những ý kiến của người dân đóng góp cho chính sách, luật pháp mà nhà nước đặt ra là “phản biện” thì trong bài này xin được tạm gọi “phản phản biện” là những ý kiến từ phía nhà nước hoặc những ai thử đặt mình vào địa vị của nhà nước để trao đổi lại với những phản biện của người dân.
1- Yếu kém. Từ lâu, nhiều lần, chúng tôi đã nêu lên một thực trạng không có lợi chút nào cho nhà nước Việt Nam, đương nhiên cũng tác động dội lại làm cho dân khổ, đó là họ rất yếu trong đối thoại với người dân. Mà một lý do quan trọng là họ hầu như không có những cây viết có trình độ, thực tâm, và có phương pháp khoa học, văn minh để trao đổi, tranh luận với người dân trên báo chí của nhà nước và mạng xã hội nhằm cho dân hiểu hơn về mình, rằng có những điều khó nói, có những khó khăn chưa thể vượt qua, có những hiểu lầm do chính bộ máy yếu kém, không thống nhất đã không hoàn thành trách nhiệm của mình, v.v..
Một phần vì vậy mà không thể không thấy có những cái nhìn quá nghi kỵ, đánh giá quá xấu với toàn bộ bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị, kể cả toàn báo giới được gọi là “lề phải”. Cái “quá” ở chỗ người dân khó thấy trong lòng cỗ máy khổng lồ đó, có rất nhiều con người giỏi giang, có nhiệt tâm, âm thầm cố làm được những gì ích nước lợi dân, hoặc chí ít thì cũng bớt càng ít càng tốt những gì có hại cho dân trong công việc làm, quyết định của mình hàng ngày. Họ cần được khích lệ bằng cách nào đó!
2- Cụ thể. Vậy cái đang được gọi là “phản phản biện” của nhà nước hiện nay trước “phản biện” của dân có hình hài ra sao? Xin tạm chia nó ra làm 3 loại.
Loại thứ nhất, là những bài viết chụp mũ, nói xấu vu vơ, bới móc đời tư đối tượng cần tấn công, mà thiếu lý lẽ thuyết phục và không bao giờ có tranh luận trực diện; ví như với một chủ đề nào đó, bài của “người nhà nước” và người dân phải được đăng tải công khai như nhau, được tiếp nhận đầy đủ ý kiến độc giả. Trong hàng ngũ này gần như không có một cây viết nào trong số nhà báo, nhà nghiên cứu, hàng ngũ trí thức được độc giả tin cậy, hoặc có thì lại không “dám” công khai danh tính. Thứ sản phẩm này hầu như mới chỉ có trên báo Quân đội Nhân dân, gần đây có thêm báo Nhân dân.
Loại thứ hai, mới đây xuất hiện kha khá, trên các blog, trang mạng tự do, là những “độc giả” lên tiếng bảo vệ cho cá nhân lãnh đạo nào đó, cho chế độ, mà mấy hôm trước đã được ông Trưởng ban Tuyên giáo Hà Nội công khai cho biết. Cách “làm việc” và chất lượng thông tin mà những nhân vật này thực hiện là rất tệ, phản tác dụng.
Loại thứ ba, đáng chú ý, đáng bàn nhất. Họ có thể nằm trong số những blogger, những cây viết tiếng tăm trên mạng, các nhà báo, nhà văn ít nhiều có được cảm tình của người đọc. Họ có thể là người có những quan điểm không giống với đại chúng, có những cảm thông chân thành với phía nhà nước trong một số vấn đề, nhưng không dễ trình bày thẳng thắn mà không sợ bị độc giả chỉ trích, quay lưng. Họ có thể là những người hôm qua còn chỉ trích nhà nước rất nhiều, nhưng hôm nay đã thay đổi, vì một lẽ nào đó. Hoặc, không như nhiều người, cũng có thể có những điều họ không tán thành với nhà nước, nhưng phần lớn là ngược lại, họ ủng hộ nhiệt thành.
Trong con người họ, những thói quen, nhận thức khuôn sáo, phản tiến bộ của một thời, khó gột rửa hết ngay được. Những nhân vật trên có thể nhận được “đơn đặt hàng” chính thức từ người của nhà nước, nhưng cũng có thể họ chỉ nhận được một lời nhờ vả có tính “bạn bè”, mà đằng sau là ý muốn của cơ quan chức năng nào đó. Thậm chí, có khi chỉ vì muốn thể hiện mình “không giống ai”, không theo “tâm lý bầy đàn”, … họ liền trình diễn màn xảo ngôn, theo đúng ý đồ của kẻ khác, mà quên rằng thiên hạ giờ đây đâu có còn khờ nữa.
Họ đã thiếu trách nhiệm với cộng đồng, đặt cái “tôi” của mình quá cao, quên mất một điều quan trọng mà sơ đẳng là càng có ảnh hưởng trong dân chúng, thì càng phải cẩn trọng và có trách nhiệm hơn với lời lẽ của mình. Như vậy, nghiễm nhiên họ trở thành “đội quân thứ ba” một cách vô tình mà không hay biết. Dạng cuối cùng, họ có thể là người của nhà nước, được giao trọng trách trong thời gian đầu hãy bằng mọi cách giành được sự tin yêu nơi độc giả, trở thành “người của công chúng”, để rồi dần dần lái dư luận theo hướng có lợi cho nhà nước theo cách mà đông đảo người dân không muốn, hoặc đôi lúc cần thì “xuất chiêu” trong một “phi vụ” cụ thể để tránh cho nhà nước, cho các vị lãnh đạo phải chịu một áp lực tức thời không lợi cho họ từ phía người dân, sau đó lại “thu quân”.
Điểm yếu nhất của các cây viết thuộc “đội quân thứ ba” là bị thiếu đi lối viết ngay thẳng, thường phải chuyển tải ý tứ của mình bằng cách nói vòng vo, ám chỉ, “ngồi lê đôi mách”, bới móc đời tư, tung tin vu vơ, hèn hạ, tinh vi, hiểm độc, khai thác sở thích tò mò, thói thóc mách, nganh ghét, đố kỵ, nghi ngờ, cố dùng lời lẽ dung tục – tầm thường hóa đối tượng cần chỉ trích, từ đó đánh lạc hướng dư luận lao vào tranh cãi hoặc tìm hiểu, không còn quan tâm mấy tới chủ đề chính nữa, … Người đọc đôi khi khó thấy ngay “chiến thuật” này, nhưng nó chỉ dễ “sống” được ở thời báo giấy, còn thời đại Internet ngày nay thì lại nguy hiểm cho chính người viết, dễ bị lộ mặt, mất “giá” hoàn toàn.
Ngay từ những ngày đầu ra đời blog này, cách đây 5 năm 4 tháng, chúng tôi luôn xác định việc đăng bài vở, điểm báo, blog và bình luận, đều hướng tới thông tin đa chiều, công bằng, cố tránh cảm tính, định kiến, ác cảm. Nhiều báo, đài, blogger, nhiều cây viết nhận được những góp ý thẳng của chúng tôi, có khi tỏ ra khó chịu và hiểu lầm, thậm chí có cả lời lẽ miệt thị đáp trả. Nhưng rồi chính họ cũng lại vẫn nhận được ở chúng tôi những lời nhận xét trân trọng khi có những bài viết hay, những ứng xử mà người khác đáng phải noi theo.
Bằng cách làm đó, chúng tôi không cố công phát hiện “đội quân thứ ba” nói trên để phân biệt họ với những người khác. Tự những bài viết của họ, cùng với bình luận của độc giả và của chúng tôi, sẽ cho thấy dần họ là ai, hoặc hôm qua, có lúc họ như vậy, nhưng hôm nay đã khác rồi, theo chiều hướng tốt, hay ngược lại. Những ai có điều kiện theo dõi kỹ sẽ nhận ra điều này. Vài lo ngại, khó chịu của độc giả, hoặc chính đối tượng mà chúng tôi bình luận, sẽ được “hóa giải” bằng thực tế qua cách làm việc, xử sự của chúng tôi.
3- Thử nghiệm. Từ những đánh giá nói trên, chúng tôi từng nghĩ tới ý định lập nên một blog nữa, chỉ chuyên về “phản phản biện”, thử đặt mình vào địa vị người nhà nước, để tranh luận với những “phản biện” của người dân về nhiều vấn đề liên quan tới chính sách của nhà nước. Làm “thị phạm” một thời gian, để khích lệ những người khác cùng tham gia.
Rất muốn thực hiện điều đó, trước hết vì từng lăn lộn trong cơ quan nhà nước, thấy không ít điều trong gan ruột của nó, những cái dở người dân nhìn thấy, nhưng cũng có những cái tốt, người tốt thì người dân lại khó thấy được. Những người kém cỏi, vụ lợi, thiếu công minh trong nhà nước thì cứ chiếm thế thượng phong, còn người tốt, tài giỏi, có thực tâm, thì thiếu chỗ để cất lên tiếng nói của mình. Kể cả không ít người lãnh đạo thực sự muốn thay đổi tốt lên, nhưng họ bị phong tỏa, đầu độc thông tin, họ bị dân nghi ngờ, đánh giá xấu hết thảy. Tình trạng này càng kéo dài thì “người nhà nước” và người dân càng xa cách nhau.
Lực lượng “phản phản biện” mà chúng tôi muốn có này có thể coi là “đội quân thứ tư” thuộc về nhà nước, để đối thoại một cách sòng phẳng, bình đẳng, công khai với người dân, không như ba “đội quân” kia.
Một “lối thoát” khác cũng đã được chúng tôi đưa ra trong cuộc Hội thảo “Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí” mới đây, với tham luận “Đặc khu Thông tin”; đã có một số độc giả thắc mắc, nghi ngờ mục đích, mà chúng tôi chưa có dịp trình bày kỹ hơn.
4- Vài ví dụ, để thử nghiệm một lối tranh luận, đối thoại ngay thẳng giữa nhà nước với người dân:
- Mới đây nhất là chuyện Nghệ sĩ Kim Chi. Dễ hiểu là phía nhà nước lo ngại, với ít nhất 2 lý do. Họ sợ thái độ “bất kính” với giới lãnh đạo lây lan trong nhân dân và cán bộ, niềm tin vào đảng, nhà nước giảm sút. Họ sợ “mất giá” những loại giải thưởng, danh hiệu này nọ, “công tác tư tưởng”, tuyên truyền theo kiểu truyền thống bị thách thức.
Tiếc là họ hầu như chỉ có một cách đối phó duy nhất, khi mà bà Kim Chi không phải thuộc diện “thế lực thù địch” để có thể có những bài viết công kích trên mặt báo. Thế là báo chí tự biết phải lờ đi và trên mạng tự do thì họ tìm cách giảm nhẹ hiệu ứng lan truyền, bằng cách làm cho hình ảnh bà có đôi chút lem luốc, tầm thường. “Đội quân thứ hai” đã được huy động. Còn “đội quân thứ ba” … có lẽ đã được tận dụng?
Và đây là cách lập luận giả định cho “đội quân thứ tư” mà chúng tôi muốn nhà nước cần thử nghiệm:
Việc bà Kim Chi coi ông thủ tướng như là người phải chịu trách nhiệm duy nhất, cao nhất cho việc “làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân” là không chuẩn xác. Ông chẳng qua chỉ là gã tài xế bị buộc phải chọn cỗ xe kỳ dị “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, mà trên đó là một đám lơ xe lười nhác, dối trá nhưng ông không thể đuổi việc được, mỗi ý định của ông đều phải xin ý kiến cả một đám chủ xe. Dẫu có ông Trời cầm lái cỗ xe đó cũng không thể cho nó đi tới nơi tới chốn. Chưa bao giờ chuyện này được đem ra mổ xẻ công khai. Rất có thể khi được “phân xử” một cách công minh, thì người chịu trách nhiệm lớn nhất cho việc “làm nghèo đất nước” này lại chính là người nắm quyền cao nhất nhưng cứ ôm khư khư cái “định hướng XHCN”, liệu có phải là ông thủ tướng nữa không?Nên bà Kim Chi đã có nhận định cảm tính, thiếu hiểu biết về cơ chế vận hành của cỗ xe này.
- Một ví dụ về cuốn “Bên thắng cuộc” của Nhà báo Huy Đức đang được dư luận rất quan tâm. Thay cho lý sự nóng vội và chụp mũ của Nhà báo Đức Hiển, ta thử giả định một lập luận khác xem sao, đó là:
Ông Huy Đức là một nhà báo, nhưng có được nhiều tư liệu sử, một lĩnh vực dù sao cũng xa lạ với ông, vậy tại sao ông không đem những tư liệu này trao đổi với giới sử học, cùng tìm tới một cách sử dụng hữu ích, khả dĩ chấp nhận được cho nhà nước này, từng bước làm biến chuyển những đầu óc bảo thủ, cứ muốn bưng bít sự thực lịch sử mãi? Vì chắc chắn giới lãnh đạo hiện nay cũng không được biết nhiều thông tin, những khúc mắc của lớp đàn anh mà ông Huy Đức có được và đưa ra trong cuốn sách. Nếu họ được tiếp cận theo một phương pháp khéo léo, rất có thể sẽ tốt cho họ, hơn là phải tiếp cận “thụ động” và rất sốc như hiện nay khi cuốn sách được xuất bản ở Mỹ, từ một NXB người Việt hải ngoại.
Sẽ là chưa muộn để phía chính quyền và ông Huy Đức, cùng nhiều người khác đã, đang viết những cuốn hối ký, sách lịch sử gặp nhau ở một điểm chung, hơn là sự đối đầu. Còn đem nghị định nào đó ra áp dụng để xử lý hình sự, như ông thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói, thì chỉ bế tắc thêm.
- Về quan hệ với Trung Quốc. Có những khó khăn mà không dễ nói ra với mọi tầng lớp nhân dân. Thử một cách lập luận sau:
Giới lãnh đạo trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua đều phải chịu một gánh nặng hậu quả ghê gớm từ những gì mà lớp đàn anh đã làm trong hàng chục năm, thậm chí có nhiều điều họ còn chưa biết, liên quan tới quan hệ Việt – Trung. Họ buộc phải thực hiện cuộc lội suối dò đường trong mối quan hệ này. Không khéo, có thể phía “bạn” chơi khăm, tung ra một loạt tư liệu động trời làm sửng sốt người dân, từ đó gây bất ổn xã hội, chỉ có lợi cho Trung Quốc. Một phần vì vậy mà người dân cứ thấy có vẻ như họ lúng túng, che đậy nhiều quyết định, thông tin quan trọng mà lẽ ra người dân phải được biết. Có lẽ họ đang âm thầm xử lý khéo léo chăng?
- Về đường lối xây dựng, phát triển đất nước trong nhiều năm qua, luôn bị đông đảo người dân cho là có nhiều sai lầm. Xin gợi ý một cách nhìn nhận vấn đề theo hướng khác:
Đó là thực ra chúng ta đang phải chịu cả một sai lầm “vĩ đại” của cả nhân loại từ khi khoa học công nghệ, chủ nghĩa tư bản, thậm chí cả văn minh phương Tây với đề cao tự do, phát triển năng lực cá nhân, ngày càng được coi là thứ ưu việt tuyệt đối. Chính những thứ này đã lôi cuốn cả thế giới vào một cuộc chạy đua mù quáng, tàn phá ngôi nhà chung của nhân loại, thỏa mãn nhu cầu tiện nghi vô độ của hiện tại, gây hậu quả khôn lường lên các thế hệ mai sau, đẩy toàn nhân loại ngày càng nhanh tới thời điểm diệt vong. Một cuộc tự sát từ từ, hầu như chưa có cách nào thoát khỏi. Vô tình Marx đã đúng một phần: CNTB không những “giãy chết” mà nó sẽ còn kéo theo cả nhân loại chết theo.
5- Kết. Mấy ví dụ trên để nói lên một điều rằng nếu như có những bài viết với những lập luận tương tự, được đăng trên các trang “không chính thống” thì sẽ giúp tạo nên không khí đối thoại công khai, bình đẳng, tạo sự cảm thông nhất định giữa người dân và chính quyền, mà chính quyền thì có thể tránh bị ràng buộc vào những nguyên tắc cứng nhắc nhất định của thể chế chính trị chưa thể sớm gỡ bỏ ngay được.
Với phương pháp này, qua “đội quân thứ tư”, cũng là để giảm bớt dần 3 đội quân kia, là thứ “hắc ám” không phù hợp với một xã hội văn minh, dễ làm lòng dân thêm căm ghét và xa cách, cần sớm được dẹp bỏ.
B.S
(Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com/_ 14/1/13)
-----------------------
(Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com/_ 14/1/13)
-----------------------
Đề nghị bác Bồng phân tích bài "Ai trả lời câu hỏi của Thủ Tướng" đăng trên Tuổi Trẻ hôm nay để thấy được nịnh thần hót như khướu trẩy hội vuốt đuôi, đọc thấy buồn cười lắm Bác ạ
Trả lờiXóa